Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

PHẨM CHẤT TINH TẾ CỦA THƠ

Phạm Đình Ân
 
TỪ TÌNH YÊU ĐẾN NỖI NIỀM TRẮC ẨN VÀ PHẨM CHẤT TINH TẾ CỦA THƠ
z6596552583787_19d1b52c5b41111379c1d5d8d97c9c68
 
Trương Vạn Thành sáng tác thơ từ đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước - khi tác giá mới ở độ tuổi đôi mươi - nhưng mãi đến năm 2008 anh mới công bố tập thơ đầu tiên Biển hát. Rồi sau đó, liên tục các năm sát nhau 2013, 2014, 2016, 2018, 2022 anh công bố các tập thơ Chim họa mi sổ lồng, Thơ viết trong đêm tình yêu, Mùa đông lại về, Hoa cỏ lau, Tôi đi giữa chợ và chùa và năm nay 2025, có tập thơ dày dặn Bản tình ca cánh buồm. Trương Vạn Thành đến với thơ tương đối thuần thục ngay bởi đã có sự mở đầu, ươm mầm, hẹn ước từ rất nhiều năm trước, cùng với trải nghiệm đời sống và nghiệp thơ thời gian gần đây.
  1. Cảm thức về tình yêu đôi lứa trong tình đời của thơ Trương Vạn Thành tạo nên một trong những dòng thơ chính mà tác giả cố ý hướng độc giả vào nhan đề chung của tập thơ Bản tình ca cánh buồm rồi sắp riêng ra phần Thơ tình buổi sáng đầu tiên khá tập trung. Sau những bài thơ viết từ những năm 1973, 1976, 1978, những bài thơ tình, sôi nổi, say đắm và lãng mạn được viết dồn dập trong mười năm mới đây, từ 2013 đến 2023. Tác giả không giới thiệu, nhưng qua thơ, độc giả cũng biết rằng ba bài thơ tặng Thiên Thanh (và một số bài khác không ghi lời tặng) là nỗi niềm yêu thương tha thiết đổi trao với một người bạn đời. Bài “Thơ tình buổi sáng đầu tiên" viết ngày 01/01/2014 ấm áp tình yêu - hạnh phúc khi tác giả đón năm mới dương lịch cùng vợ: Ngôi nhà thân thương/ Cháu con chưa về vui năm mới/ Mình như ngày xưa son rỗi (…) Chừ thì tóc bạc ra mồi/ Cháu con ríu rít (…) Tình ta không tuổi già. Năm 2014, anh viết: Ta bên nhau lặng lẽ tháng ngày/ Bao vất vả, dòng đời chìm nổi/ Tình đằm thắm trăng quê rười rượi/ Duyên mặn nồng, em hát ru nôi…(“Em đừng khóc kẻo thu buồn lắm đấy!”).
Nhà thơ ví tình yêu giữa anh em như tình yêu lứa đôi Ngưu Lang - Chức Nữ luôn luôn khao khát khăng khít bên nhau. Và ví mình như “Ngọn đèn dầu”: Tôi như ngọn đèn dầu/ Thắp trong căn phòng nhỏ/ Từng tối em khêu lên/ Những ánh vàng soi tỏ (...) Em ơi, nếu có ngày/ Bấc đèn kia tàn lại/ Sẽ bừng lên lần cuối/ Hôn tràn lên mắt, môi. Rồi đến một lần, “Trái tim ngoài phòng mổ” của thi sĩ cũng đau đớn, có khi còn hơn người bạn đời đang bị rách thịt da, ứa máu nằm trên bàn mổ bệnh viện.
Và đây, những lời thơ ngọt ngào, chứa chan ân nghĩa, viết năm 2019: Cảm ơn cuộc đời khó nhọc/ Gương mặt em cười mồ hôi lấm láp/ Anh mới hiểu vươn lên từ bùn đất/ Búp sen hồng thánh thiện trắng trong. (“Chỉ tình em ở trên tay”).z6596552604898_516f09c4b527fba87862f56833854395
  1. Nỗi niềm trắc ẩn là một trong những khía cạnh cảm xúc thẩm mỹ nổi bật của thơ Trương Vạn Thành. Nỗi niềm ấy bắt nguồn từ suy nghĩ trăn trở về đời người những năm tác giả mới ngoài hai mươi tuổi: Phân số cuộc đời/ Lỗi lầm và nghị lực/ Tài năng và mơ ước (Khi đàn sếu bay qua”). Hoặc mới đây Bên thì sắc sắc không không/ Bên thì co kéo từng đồng sớm trưa/ Bên thì mõ gõ lưa thưa/ Bên thì tất bật rau dưa cua cà // Phố nhà hay có chim sa/ Con chim tội nghiệp ai đà phóng sinh/ Hòa trong tiếng kệ tiếng kinh/ Tiếng người khất thực tiếng mình lơ ngơ (“Tôi đi giữa chợ và chùa”). Trong tiếng rao phong tục dân giã nghìn năm, nhà thơ không bỏ qua “Tiếng rao người bán báo”; Thân cò lặn lội đẩu đâu/ Tết quê, khăn gói quay đầu về quê/ Hồn còn xao xác bờ tre/ Chén thù, chén tạc, vỗ về cò ơi// Thương trường kẻ khóc người cười/ Kẻ đau mất vợ, người hời tước quan/ Sủi tăm, này chén đoạn tràng/ Cạn đi rồi để mơ màng cùng xuân! (“Chén rượu tất niên”). Anh có không ít những bài thơ khó phai mờ trong tâm trí độc giả. Tiếp tục ngẫm sự đời, tác giả viết nhân dịp “Xem thi hoa hậu”: Thương quan hoạn xưa tuyển mỹ nữ cung tần/ Kẻ thực thi thì đã hoạn/ Đau hết phần con, đau hết phận người… Nhà thơ “Gọi tên ngày xưa cũ” khi ngồi bên giọt cà phê phin: Tưởng lòng mình hững hờ/ Tưởng hồn mình đã già/ Cớ sao buồn vô cớ/ Cớ sao còn xót xa? Trong bài “Thơ viết ngày cuối năm” có câu ấn tượng: Gian khó đầy thêm nỗi thương nhau. Nhà thơ cũng không thể không viết về làng Nủ năm 2024 vừa qua bị thiên tai rất nặng nề, xót đau vô hạn. Những bài thơ “Chim họa mi sổ lồng”, “Chiếc lá vàng rơi”, “Chàng ca sĩ mù, chim họa mi và tiếng chuông chùa”, “Bong bóng” là tiếng thơ bày tỏ nỗi tiếc thương chân thành và có nghệ thuật về sự mất mát của đời sống lương thiện, không chỉ về vật chất mà chủ yếu là về tinh thần, tình cảm.
  2. 3. Thi ảnh lãng mạn chọn lọc của Trương Vạn Thành cũng đáng được chú ý. Tác giả đến cực nam Tổ quốc như là về phía Bắc giang sơn đất Việt vậy. (Đến mũi Cà Mau thăm cột cờ Hà Nội; Đến mũi Cà Mau viếng thăm Quốc tổ) hoặc Những bước chân rừng đước/ Mang giang sơn về phía biển khơi/ Cả câu lý nhớ thương vời vợi. "Du xuân ở Tràng An" cũng là dịp tác giả mời độc giả cùng thưởng lãm thắng cảnh: Thuyền ta nhẹ lướt Tràng An/ Chiều xuân non nước mây ngàn ngọc phơi/ Qua hang tay với tới trời/ Chạm vào nhũ đá tiếng cường long lanh. Nói đến hình ảnh nhũ đá huyền diệu không thể không nhắc đến bài “Lời của đá” viết nhân cuộc du ngoạn của tác giả tại Động Thiên Đường, Quảng Bình. Dưới mắt nhìn và ngòi bút của nhà thơ, Nhũ đá lóng lánh/ Ta lạc vào Thiên Đường Lãng Quên/ Vầng sáng cuối trời hiu hắt (...) Ta đứng giữa Thiên Đường/ Ánh sáng từ Thiên Hà xa lắc/ Nhũ đá long lanh/ Như là có tiếng đá ngân... Đúng vậy, người ta từng bảo có âm nhạc của thiên nhiên - vũ trụ. Riêng bài "Sầm Sơn biển hát" lại có một dạng thi ảnh hấp dẫn khác - đánh thức cảm xúc về cái đẹp giới tính - của Trương Vạn Thành, người quê miền ven biển huyện Hoằng Hóa Xứ Thanh: Khi nắng mai ngàn giọt chín/ Rơi đầy váy thắm em tôi/ Trời xanh mở phanh cánh muốt/ Sầm Sơn e ấp sóng mời // Áo hai mảnh buộc ngọc ngà/ Nắng xiêm láng hồng ngực nõn/ Các em từ trăng xuống tắm/ Hay là từ trái chín ùa ra... Thêm nữa, khi tác giả gọi "Hỡi hoa đào" vào dịp anh đến Hàm Rồng, Sa Pa thì chợt bài thơ lãng mạn kiểu Thế Lữ (1907 - 1989) xuất hiện: Xuân nay ta tìm về chốn cũ/Ngày tháng tương tư nẫu nát đời/ Hoảng hốt theo mây trăm bậc đá/ Hoa đã theo trời... cánh rã rơi./ Tạ giận hờn ta, kẻ đến muộn/ Tao tác lòng đau vỡ thủy tinh/ Ai bảo xuân qua xuân lại đến/ Đã chết trong ta một khối tình.
  3. Là người giới thiệu tập thơ này nhưng lại viết sau những tập thơ ra đời trước của cùng một tác giả, tôi xin gợi ý thêm về phẩm chất tinh tế của thơ Trương Vạn Thành mà độc giả hoặc bạn đồng nghiệp chưa có điều kiện đề cập. Phẩm chất tinh tế có mối quan hệ thẩm mỹ ràng buộc với yếu tố thi ảnh chọn lọc (hoặc nói khác là biện pháp chọn lọc thi ảnh). Thơ muốn tinh tế cần chọn lọc thi ảnh, thơ có thi ảnh chọn lọc thường đạt tới ưu điểm tinh tế nhất định. Đối với thơ Trương Vạn Thành, có thể nêu ngay bài "Hoa trinh nữ". Người ta đã nói nhiều đến cây xấu hổ nhưng ít đề cập hoa của loại cây khiêm nhu, đáng yêu này. Sự tinh tế ở đây là thái độ, cách ứng xử đẹp đẽ, nhân văn của người ngắm một loại hoa ít được để ý. Độc giả dễ nhận ra điều đó khi đọc bài thơ ngắn này bởi bài thơ thiên về ý niệm hiển lộ. Ba bài khác dài hơn, nặng về trải lòng, vận dụng năng lực xúc cảm tâm hồn và cách chọn câu, lựa chữ kỹ lưỡng nhằm đạt hiệu quả nghệ thuật. "Quỳnh hoa" là một bài thơ như thế. Hoa quỳnh nở về đêm, tác giả hình dung như người phụ nữ đẹp, là người tình mê đắm của thi sĩ. Thời khắc thần tiên/ Những cánh của nàng rung lên/ Ánh trăng chùng xuống/ ta nghe rõ tiếng nàng thở// Khẽ khàng hé lộ nhụy vàng/ từng đợt, từng đợt hương thơm/ tỏa vào trăng sương/ tỏa vào ta/ Ngây ngất (…) Ta, kẻ si tình/ Chẳng kịp lời cầu xin/ Ái ân đương độ nồng nàn/ Sao đành ly biệt// Nâng nàng trên tay/ Ngơ ngác nhìn những cánh hoa xiêm y trút lại/ Nàng đã bay về trời! Hoa thiết mộc lan cũng xuất hiện trong một "Đêm diệu huyền", cũng được xem như một người con gái đẹp: em cúi xuống dịu dàng/ lưng thon, mơ màng/ suối hương nồng nàn// cúi xuống/ quyền quý cao sang// cúi xuống/ diệu huyền// ta ngất ngây/ trên từng phím em rung lên hương ngát. Người ta đã viết về thông Đà Lạt quá nhiều, nhưng "Cà phê thông reo" của Trương Vạn Thành vẫn có chỗ đứng riêng. Nghệ thuật liên tưởng tinh tế qua thi ảnh độc đáo được thể hiện tập trung nhất ở những câu này: Những thân cao mơ màng/ Tựa đường rơi ai kẻ/ Phin trời tít trên mây/ Giọt giọt thơm tứ phía.
*
Trương Vạn Thành có một bài thơ duy nhất dạng tuyên ngôn - định nghĩa về Thơ, nhan đề "Gửi bạn thơ"
Chỉ thực không mơ buồn chết chắc
Chỉ mơ không thực đói vàng răng
Thuyền ai ngự giữa dòng mơ - thực
Lưới cất, vàng reo...
                                Cá lẫn trăng!
Thơ Trương Vạn Thành đúng là vậy. Xin mời quý độc giả, chúng ta cùng san sẻ mọi nỗi buồn vui trên các trang thơ tập Bản tình ca cánh buồm của anh.
Đầu xuân 2025
      P.Đ.Â
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 63
Trong tuần: 791
Lượt truy cập: 532358
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông