Cầm Sơn
LÁ PHIẾU CUỐI CÙNG
1.
Phóng viên dò dẫm tìm cách đi xuống phía dưới bờ ruộng dộc, chủ tịch xã Hà Nhới nói với phóng viên:
- Dưới ấy lầy thụt lắm, không khéo bẩn hết giầy đấy, chú cứ đứng trên này lia sang cũng được rồi mà.
- Không sao, em khác biết lựa. Anh cứ đứng đấy chờ, cái nghề của em là vậy, chưa tìm được vị trí, góc bấm máy phù hợp là chưa thể tác nghiệp được.
Đúng là nghề nào nghiệp ấy, cứ tưởng mấy tay phóng viên nhà Đài cầm máy quay chơi chơi đứng chỗ nào chả lấy được hình ảnh, hóa ra là bọn họ cũng phải xông xáo, lăn lộn lắm mới lấy được cảnh quay vừa ý.
Sáng nay, vừa mới đầu giờ làm việc đã thấy hai người một nam, một nữ theo chân chú thường trực văn phòng vào gặp Hà Nhới. Sau khi xuất trình giấy giới thiệu, người phụ nữ lên tiếng:
- Báo cáo đồng chí chủ tịch xã, đồng chí cũng đã xem giấy giới thiệu, chúng tôi là phóng viên của chương trình “Chuyển động 24 giờ” trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Căn cứ vào dư luận và theo khảo sát của anh Lê Cường đây thì thấy một nhà máy chế biến bột sắn trên địa bàn xã nhà có biểu hiện vi phạm luật Bảo vệ môi trường. Chúng tôi muốn xin ý kiến của địa phương về hiện tượng này.
Chưa trả lời vào chủ đề chính, Hà Nhới chậm rãi rót nước mời khách rồi hướng cuộc trao đổi sang chủ đề thăm hỏi xã giao. Thực ra Hà Nhới muốn chùng chình kéo dài giữ mấy phóng viên ở lại cả ngày để có đủ thời gian quay hình, ghi chụp và trao đổi về cái việc mà nó luôn thường trực bức xúc trong ông. Mấy năm nay, nhân dân quanh khu vực nhà máy chế biến bột sắn Tân Miếu không ngớt kêu ca, phàn nàn về nạn ô nhiễm môi trường nguồn nước và không khí do nhà máy thải ra. Thôi thì không chỉ cá dưới suối mà đến cả trong ao cũng chết vì dùng nước suối chẩy vào, thôi thì ghẻ lở, bệnh ngoài da hoành hoành khắp khu vực, hôm nào nắng nóng, động trời gió đưa đi tứ tung mùi xú uế nông nặc đến nghẹt thở. Ủy ban Nhân dân xã đã cử cán bộ đến nhà máy làm việc nhiều lần, có lần đích thân chủ tịch xã đến nhưng chưa lần nào gặp được giám đốc nhà máy, chỉ là một anh trưởng phòng hay cao lắm là bà phó giám đốc tiếp. Họ cho biết đã có kế hoạch trình các cơ quan quản lý cấp trên về việc cải tạo, nâng cấp hệ thống bể lọc đồng thời hứa sẽ khắc phục trong thời gian tới. Nhưng lời hứa ấy lại trộn lẫn mùi xú uế hòa vào gió bay đi dải khắp làng quê trải dài cùng năm tháng. Hơn một năm trước, Ủy ban xã có công văn chính thức gửi cấp trên về việc này đồng thời cũng đã đưa ý kiến trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Sau đó, một đoàn kiểm tra liên ngành về nhà máy có mời đại diện Ủy ban xã. Nhà máy bị lập biên bản nộp phạt hơn trăm triệu đồng, nhưng rồi lại vẫn cứ tiếp tục hoạt động như cũ. Nước vẫn cứ thải ra một cái bể rộng chừng hơn trăm mét vuông rồi chảy thẳng ra suối. Khổ thân cho cái anh chủ tịch xã, thường ngày phải chứng kiến, gặp gỡ nghe những lời kêu ca phàn nàn của đủ các hạng người, trông thấy chủ tịch xã, có người bóng gió xanh rờn: “Mấy ông lãnh đạo xã nhà ta quen ăn những món ăn có mùi giống mùi nhà máy nên các ông ấy cứ làm ngơ cho nhà máy xả mùi” hoặc “dạo này xã ta có dịch đau mắt, tịt mũi nhưng nó chỉ nhằm vào quan chức xã chứ dân không ai làm sao”. Lại có kẻ bặm trợn bạo mồm bạo miệng phát ngôn trắng phớ: “Mấy ông lãnh đạo xã bị chúng nó tọng cả cục tiền to như viên gạch chỉ vào mồm, tắc họng rồi còn nói năng gì được nữa”. Cũng chẳng trách được ai, họ có ở Ủy ban đâu mà họ biết. Không những công văn, điện thoại mà mấy lần họp trên huyện Hà Nhới cũng có ý kiến về việc này nhưng những lời kiến nghị ấy lại bị lọt thỏm, chìm nghỉm dưới bao nhiêu ý kiến của các chủ tịch xã khác trong huyện. Sắn của dân trồng ra, nhà máy chế biến là địa chỉ tiêu thụ ổn định không bị thất thường, tư thương ép giá như trước đây, nhiều năm giá bán sắn rẻ như cho không, chả bõ công thu hoạch đành để lưu sang năm sau, củ nào lõi cũng trong vắt, sượng như củ ba mươi. Mà ở cái huyện miền núi này có cây gì trồng lại tốt hơn được cây sắn, chả bao giờ sắn bị mất mùa, lại còn có thể trồng xen với cây rừng năm đầu vừa là chăm sóc sắn, vừa là chăm sóc cây, lợi ích rõ ràng rất lớn được mang lại từ sản xuất nông lâm kết hợp. Ngoài ra có nhà máy thì lại thu hút được một số lao động trong vùng khỏi phải tha phương làm thuê tứ xứ. Chủ tịch những xã khác họ đâu có phải chịu đựng cái khổ vì ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra nhưng họ lại là số đông nên tiếng kêu của Hà Nhới chả thấm được vào tai ai. Kêu nhiều quá có khi lại còn bị lãnh đạo huyện cho là ghen ăn tức ở, cản trở sản xuất. Không khéo chưa kịp hết khóa bầu đã bị luân chuyển đi làm việc khác cũng nên. Kêu quá cấp trên không ưa, không kêu thì dân chửi, thật là tấm thân lúc nào cũng như muốn chẻ làm đôi, ngồi trên cái ghế chủ tịch xã mà như ngồi trên cái chảo lửa. Vậy nên hết năm này đến năm khác, nhà máy cứ nhả khói, nước thải cứ tự nhiên chảy xuống suối và xú khí cứ tiếp tục lan tỏa ban phát cho nhiều hộ gia đình sống quanh nhà máy. Nay bỗng dưng lại được mấy phóng viên nhà Đài ngó đến. Thật là gãi đúng chỗ ngứa. Vẻ ngoài điềm tĩnh thế chứ thực ra Hà Nhới như được vỡ hết những vón cục nhức nhối trong dạ bấy lâu.
Theo trao đổi của phóng viên nam thì lần trước anh có chuyến công tác đi cùng với một chiến sĩ bên cảnh sát môi trường khảo sát mấy tỉnh miền Tây Bắc. Căn cứ nguồn tin từ dư luận, anh đã đến khảo sát khu vực nhà máy chế biến bột sắn Tân Miếu. Lần ấy, khi anh đang giơ máy ảnh lên định chụp mấy kiểu ảnh tại hệ thống xả thải thì bị hai nhân viên bảo vệ của nhà máy ngăn lại không cho bấm máy, họ còn gây gổ dọa thu máy ảnh mang về công ty. Mới chỉ là đi khảo sát nên anh đã thống nhất cùng chiến sĩ cảnh sát tạm thời rút lui về báo cáo xin ý kiến của cấp trên. Lần này, để công việc tiến hành được thuận lợi, kế hoạch vạch ra là đích thân chủ tịch Hà Nhới cùng đồng chí trưởng Công an xã sẽ đi cùng phóng viên nam lấy hình ảnh. Để lấy được hình ảnh chân thực cần phải cố gắng không cho người của nhà máy biết tránh sự cản trở của họ. Tất nhiên, xét về luật báo chí thì họ không làm gì được mình nhưng dù sao họ không biết vẫn hơn. Còn lại chị nữ phóng viên sẽ làm việc với Ban Tư pháp xã thu thập tài liệu và tiếng nói từ phía nhân dân. Sáng hôm sau hai phóng viên nhà Đài mới đến làm việc với nhà máy theo giấy giới thiệu công tác., Việc nhà máy tiếp đón, trả lời thế nào sẽ không còn quan trọng nữa.
Đúng như lời Hà Nhới, phía dưới cái dộc là một vạt đất cỏ dây bò kín, chọc cây gậy chống xuống thấy lút sâu phải lựa chân đi vào ven cái bờ dộc. Phóng viên nam lấy từ trong túi ra hai cái vỏ bao ni lon buộc trùm kín đôi giầy cao lên đến gần đầu gối. Anh đã sử dụng một máy quay mini có thể vừa quay phim vừa chụp được ảnh cho gọn. Mấy lần Phóng viên nam bị trượt thọc thẳng một chân xuống chằm lầy sủi bọt đen quánh tanh nồng, anh phải đeo máy lên cổ rồi dùng hai tay níu những bụi cây trên bờ dộc đu người rút chân lên. Khó chịu nhất là ven thành cái bờ dộc mọc tua tủa những cây cỏ có lông rất nhặm, vừa men theo anh vừa phải dùng cái gậy chống vụt cho đám cỏ rạp vào phía thân bờ dộc. Tuy vậy, nó vẫn vươn ra chọc vào cổ, vào tay ngứa ngáy. Nhưng dù thế nào thì anh cũng phải vượt qua được vạt đất lầy thụt tiến sát phía thành bể cạnh suối mới lấy được hình ảnh rõ nét. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy có đủ bể lắng, bể lọc. Nhìn thì có vẻ họ đã tuân thủ tốt quy trình xử lý nước thải đảm bảo giữ gìn, bảo vệ môi trường. Nhưng thực ra dung tích của các bể không chịu đựng được công suất sản xuất của nhà máy. Khi xây dựng cái bể lắng, họ đã để một dãy những lỗ thoát nước nhỏ cho nước thải chảy qua dưới chân thành bể. Cái van xả bí mật này khi mở ra nước thải sẽ được chảy lăn tăn dàn đều dọc theo chiều dài phía giáp con suối và luồn dưới lớp cỏ dại bò nhằng nhịt bên trên. Do vậy, nếu không phải là người dân sở tại phát hiện thì người lạ đứng từ ngoài đường khó có thể nhìn thấy dòng nước từ bể lắng xả thẳng xuống suối. Ấy là nói những người lạ không liên quan và không chú ý đến việc bảo vệ môi trường thôi chứ trong số thành viên đoàn mấy đợt thanh tra nhà máy đâu có phải tất cả họ đều không biết?!

2.
Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty chế biến bột sắn Tân Miếu có cái tên nghe khá lạ - Quách Hoàng Bưởng. Hoàng Bưởng nguyên là tổng giám đốc một tổng công ty quốc doanh. Trước lúc nghỉ hưu ông đã kịp thành lập ra cái công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn Tân Miếu này để kéo dài cái cảm giác ham hố, tận hưởng sự sung sướng, ngất ngây mùi vị quyền lực và âm thanh sột xoạt của đồng tiền mà ông đã nghiện trong cả quãng đời đương chức. Đúng như cái tên của ông, vì nó lạ nên ông làm được rất nhiều việc lạ mà người khác khó có thể theo được. Công ty chế biến bột sắn Tân Miếu là một nhà máy sử dụng dây truyền hiện đại với công nghệ tiên tiến sản xuất tinh bột sắn có công suất 15 tấn thành phẩm một ngày, đấy là công suất thiết kế chứ năng lực thật của nó gấp hai lần như thế. Sắn tươi được đổ vào cái phễu ở đầu này thì đầu kia công nhân chỉ việc vác các bao đựng tinh bột chất vào kho thành phẩm. Tinh bột sắn là một loại vật liệu phụ tham gia vào công nghệ chế tạo sản phẩm của tổng công ty mà trước đây Hoàng Bưởng làm tổng giám đốc. Do vậy, sản phẩm của nhà máy sản xuất ra đến đâu là tiêu thụ hết ngay đến đấy, thậm chí lại còn được hưởng mức giá “đẹp” nữa là đằng khác. Hoàn toàn có thể yên tâm không cần lo lắng gì ở phía đầu ra. Còn đầu vào cũng khỏi cần suy nghĩ vì nhà máy nằm trên địa bàn một huyện miền núi và sắn bị gọi là cây lương thực phụ nhưng sản lượng của nó thì lại là chính. Mặt khác, khi xây dựng nhà máy này, Hoàng Bưởng cũng đã tính đến việc xử lý nước thải ra sao rồi. Dù sao, nó ở sâu trong rừng nên việc luồn lách, qua mặt các cơ quan hữu quan trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường cũng dễ dàng hơn. Do những ưu thế đặc biệt của nhà máy như vậy nên không mấy khi chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hoàng Bưởng có mặt tại công ty. Ông cứ việc ăn ngon ngủ kỹ ở Hà Nội và lo giao du, gắn kết mối quan hệ thân tình với những nhân vật cần gắn kết. Mọi việc ở công ty ông ủy nhiệm hết cho phó giám đốc điều hành.
Tối qua, chương trình “Chuyển động 24 giờ” bỗng nhiên phát hàng loạt hình ảnh ô nhiễm môi trường ở công ty Tân Miếu, nét nèn nẹt những dòng nước nhỏ bẩn thỉu lăn tăn chảy ra thẳng từ bể lắng, suốt một dải suối nước đục màu lờ lờ như cổ vịt, những con cá chết trương phồng phơi bụng trắng lóa trên mặt nước lọc bọc sủi tăm xám xịt. Sáng nay, Hoàng Bưởng tức tốc cho xe phóng lên công ty. Bà phó giám đốc thấy sếp đến thì bám theo chân vào phòng giám đốc. Quăng cái cặp lên mặt bàn, Hoàng Bưởng nói luôn:
- Các ông các bà ở nhà làm gì để nó đưa lên truyền hình, nó đến lấy hình ảnh lúc nào cũng không biết?
- Dạ, báo cáo anh hôm ấy có hai phóng viên đến làm việc với công ty, không thấy họ có phản ừng gì gay gắt về môi trường. Vả lại chúng em cũng đón tiếp rất chu đáo, chủ yếu họ ghi chép về những thành tích đóng góp của công ty đối với địa phương và nền kinh tế chung trên địa bàn khu vực. Có ai ngờ nó laị phát sóng những hình ảnh ấy. Chắc là cánh phóng viên được xã sở tại giúp đỡ khi đi lấy hình và có thể việc này do tay chủ tịch xã Hà Nhới đạo diễn.
- Một cái lão chủ tịch xã tép diu thế mà các ông bà cũng không uốn được nó vào quỹ đạo của mình à?
- Chúng em cũng đâu dám coi thường nó, nhưng thằng này khó làm cho đầu nó mềm lại lắm. Mùa hè năm ngoái công ty tổ chức mời lãnh đạo các xã đi thăm quan nghỉ mát, xã này nó cử hai tay cán bộ cà mèng đi chứ chủ tịch, bí thư không tay nào tham gia. Ở đây chúng em cũng đã bàn bạc thống nhất với nhau là không mua được thì dùng thế lực từ bên trên để bịt mồm nó lại.
- Nhưng hôm qua vẫn thấy nó phát biểu trên đài truyền hình cơ mà. Thôi được, cô triệu tập ngay một cuộc họp với các trưởng bộ phận để trao đổi cách đối phó. Nó đã đưa lên sóng truyền hình cả nước xem rồi thì thế nào mấy ông lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện cũng sẽ sờ tới.
Trong khi chờ bà phó giám đốc đi triệu tập họp, Hoàng Bưởng ngả lưng trên ghế Sofa trầm ngâm suy tư toan tính. Việc đối phó với những tình huống kiểu này vốn dĩ ông đã có nhiều kinh nghiệm từ khi còn công tác. Vốn dĩ tổng công ty ông lãnh đạo trước kia là một nhà máy có lượng nước thải bẩn lớn ảnh hưởng nhiều đến môi trường được nhiều cơ quan hữu quan chăm sóc. Nhưng lúc đó là doanh nghiệp quốc doanh, ít phải so đo tính toán nên xử lý dễ dàng hơn nhiều. Nay là công ty cổ phần, tiền từ túi riêng của một nhóm cổ đông nên việc chi tiêu cần phải hết sức chặt chẽ với một hiệu quả cao nhất cho một đồng tiền bỏ ra. Đường đi nước bước phải tính toán rất kỹ, chỉ cần chệch một tý là mất bạc tỷ như bỡn. Ai cũng biết về lâu về dài thì cũng không thể chống chọi theo kiểu này mãi, cái võ “Phóng tài hóa, thu nhân tâm” vốn dĩ đem áp vào công việc rất dễ mang lại kết quả nhưng không phải bất cứ nơi nào và bất cứ đối tác là ai cũng có thể đem ra dùng được. Kiểu gì rồi cũng đến lúc phải xây dựng một hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia để khỏi phải nhấp nhổm lo lắng. Nhưng dẫu sao chạy được năm nào vẫn cứ hay năm ấy. Một hai năm nữa theo lộ trình Chính phủ quy định thì cái tổng công ty quốc doanh đang tiêu thụ thành phẩm cho công ty ông cũng phải cổ phần hóa. Lúc ấy chắc gì bộ máy lãnh đạo mới ở đấy họ đã chấp nhận mua hàng của ông. Và như thế thì sản xuất phải thu hẹp, hệ thống xử lý nước thải hiện nay sẽ đảm bảo phù hợp với công suất sản xuất. Vì vậy, trước mắt cần phải bóc màu giá trị tài sản, khấu hao càng nhanh càng tốt, năng suất phải đẩy lên gấp rưỡi gấp hai lần, hạn chế đầu tư tiếp vào tài sản, chẳng dại gì lại phải bỏ ra dăm bảy tỷ đồng để nâng cấp hệ thống xử lý nước. Thà rằng mỗi năm bỏ ra hơn trăm triệu chịu nộp phạt và vài trăm triệu chi cho khoản “Thu nhân tâm” cũng còn có lợi chán, mà lại được lòng mấy ông cơ quan quản lý… Hoàng Bưởng rút điện thoại bấm máy.
- A lô, chú Thiết à... ừ anh Bưởng đây. Hôm qua chú có xem chương trình “Chuyển động 24 giờ” không...Vậy thế quan điểm của chú thế nào?
- Em ủng hộ anh thôi, nhưng xem ra bên huyện ủy có vẻ kiên quyết lắm, họ bảo dân kêu ca quá mà nhà máy lại ở đầu nguồn nước cách nhà máy lọc nước sạch cung cấp cho cả thị trấn phố huyện có vài cây số. Họ đòi đình chỉ sản xuất của công ty anh để yêu cầu nâng cấp hệ thống xử lý nước thải xong mới cho hoạt động trở lại. Việc này tuy là việc của bên Ủy ban nhưng bí thư huyện ủy mà có ý kiến thì chúng em cũng không thể làm khác được. Vậy anh cần có phương án dần đi là vừa.
Thôi được, kỳ này truyền hình, báo chí nó quây, lại phải “Phóng tài hóa”. Mà phải phóng mạnh tay đây. Về tiền bạc thì cũng không đáng ngại, sản xuất, chi tiêu như năm ngoái mà cũng đã lãi ra được bảy tỷ đồng, năm nay sản lượng cao hơn nên có phóng ra một đôi tỷ cũng vẫn là trong tầm tay. Mấy cha ở các sở, ngành chắc là sẽ vượt qua được, Phó chủ tịch tỉnh cũng có thể yên tâm vì gì thì gì Hoàng Bưởng đã có mối thâm tình với bố anh ta. Chỉ lo ông bí thư huyện ủy có vẻ cứng chưa biết ý tứ ra thế nào. Chậc! nhưng quyền quyết định lại là ở phó chủ tịch tỉnh. Vì vậy nước cờ lần này vẫn chưa hẳn đã là thúc thủ.
3.
Hội nghị do Ủy ban Nhân dân tỉnh triệu tập nhưng địa điểm họp lại ở tại văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện. Thành phần chính được triệu tập gồm có một số sở, ban ngành hữu quan hàng tỉnh, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện và Ủy ban Nhân dân xã. Công ty chế biến tinh bột sắn Tân Miếu được mời với tư cách là đối tượng xử lý có quyền trình bày và giải trình ý kiến của mình. Chủ tọa hội nghị là phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Sinh. Thực ra sự việc của công ty Tân Miếu đã rõ ràng nhưng cũng còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về cách xử lý nên mới có cuộc họp này.
Mấy hôm nay cụ Trường Cảnh bố Trường Sinh từ quê ra thăm các cháu. Không mấy khi có chuyện lạ thế bởi chủ yếu là vợ chồng Trường Sinh đưa cháu về thăm ông bà chứ ông cụ bảo suốt đời công tác ở tỉnh thành rồi, nay về hưu chỉ thích ở nông thôn cho thoáng mát trong lành, không muốn về chốn thị thành bụi bặm, ngột ngạt toàn bê tông sắt thép làm gì nữa. Nhưng rốt cục hóa ra là ông đến thuyết phục con trai về sự việc của công ty Tân Miếu. Ông cụ vốn cùng là bạn thời sinh viên học ở nước ngoài với Hoàng Bưởng. Sau này về nước mỗi người có nhiệm vụ, vị trí khác nhau nhưng họ vẫn thường xuyên liên hệ, đi lại thăm thú nhau mỗi dịp lễ tết hoặc gia đình nhà ai có việc. Ông cụ bảo:
- Hôm nọ chú Hoàng Bưởng đến thăm bố, chú ấy có tặng bố một bánh “Đông trùng hạ thảo” có trọng lượng đến 200 gam nói là quà mua từ Tây Tạng trong dịp đi công tác bên Trung Quốc vừa rồi. Chú ấy nói công ty chú ấy gặp chút rắc rối, thực ra cũng chỉ là chuyện thường ngày ở huyện thôi nhưng có vẻ ông bí thư huyện ủy làm gắt lắm. Chú ấy là chỗ thân tình với gia đình ta. Anh xem lừa lựa giúp được chú ấy điều gì thì cố gắng mà giúp.
Đã đành vậy, dù ông cụ không nhắc nhở thì Trường Sinh cũng đã phải có ý ấy vì trông thấy Hoàng Bưởng anh đã nể rồi, ông ấy có khác chi chú cháu trong nhà. Nhưng việc này quả là khó xử mà trách nhiệm quyết định lại thuộc về anh chứ không thể đùn đẩy cho ai khác được. Chính vì thế nên anh mới nghĩ ra sáng kiến cho triệu tập hội nghị ngay ở huyện để ít nhiều trách nhiệm và tiếng nói của địa phương cũng có trọng lượng hơn lên và dù quyết định của anh thế nào thì cũng là một quyết định có tính thuyết phục.
Mở đầu cuộc họp, Trường Sinh yêu cầu đại diện đoàn thanh tra liên ngành báo cáo kết quả. Theo báo cáo thì hoạt động tại thời điểm thanh tra, nhà máy không có vấn đề gì. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Mặc dù một số thành phần độc hại trong mẫu nước lấy ở đầu xả có vượt mức cho phép chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên kiểm tra mẫu nước ở con suối và nước ngầm ở các giếng đào của các hộ xung quanh khu vực thì mức độ nhiễm hại khá cao. Nguyên nhân chính là do nhà máy thường sản xuất vượt công suất thiết kế nên lượng nước thải vượt khả năng dung lượng của bể chứa tràn ra ngoài khi chưa qua bể lọc. Kiến nghị của đoàn là yêu cầu nhà máy thu hẹp sản xuất theo đúng công suất thiết kế để đảm bảo xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn. Đề nghị cơ quan cảnh sát môi trường tăng cường giám sát hoạt động của nhà máy.
Đại diện sở Công Thương lại cho rằng cần đánh giá một cách khách quan hoạt động những năm vừa qua của công ty Tân Miếu là rất đáng biểu dương, việc luôn luôn sản xuất vượt mức kế hoạch không những làm tăng sản lượng cho nền kinh tế khu vực mà nó còn có tác động to lớn theo hướng tích cực đến đời sống nhân dân trong vùng, thu hút lao động tạo công ăn việc làm cho con em nhân dân sở tại. Nhà máy như là một trung tâm, một bà đỡ thúc đẩy cho sản xuất nông lâm nghiệp phát triển. Về mặt bảo vệ môi trường, nên chăng nhà máy cần được nâng cấp hệ thống xử lý nước thải sao cho phù hợp với công suất sản xuất thực của nhà máy.
Ý kiến của sở Công Thương được nhiều người tán thành ở đề nghị nâng cấp mở rộng hệ thống xử lý nước thải. Chính giám đốc Hoàng Bưởng cũng giải trình như vậy và ông đề nghị cho nhà máy vừa sản xuất, vừa nâng cấp cải tạo.
Chủ tịch xã Hà Nhới phát biểu:
- Đồng ý rằng hoạt động của công ty Tân Miếu đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế khu vực. Nhưng công ty đã coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường, coi thường đời sống sức khỏe nhân dân. Thực tế là công ty đã chủ động xả thẳng nước từ bể lắng xuống suối. Không biết đoàn thanh tra liên ngành có phát hiện ra hệ thống xả nước này không nhưng người dân chúng tôi rất khó chịu và bức xúc về việc thường xuyên, hàng ngày phải chịu đựng hậu quả ô nhiễm do nhà máy gây ra. Ý kiến của nhân dân xã chúng tôi thống nhất đề nghị nhà máy phải tạm dừng hoạt động để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, có nghiệm thu đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định thì nhà máy mới được hoạt động trở lại. Bởi vì thưa các đồng chí, nó có nóng thì chỉ nóng trong cuộc họp này sau cái phóng sự của Đài truyền hình. Còn nếu cứ theo ý kiến của đồng chí giám đốc công ty để nhà máy vừa sản xuất, vừa cải tạo thì đó chỉ là một cách đối phó tình huống, kéo dài thời gian thôi. Chắc chắn nhà máy sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến việc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nữa đâu.
Sau ý kiến của Hà Nhới lại có thêm vài ý kiến băn khoăn về việc đình chỉ hoạt động của nhà máy thì không chỉ riêng công ty Tân Miếu mà cả khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Lãnh đạo tỉnh cũng nên cân nhắc đến những yếu tố này.
Xem ra đã có đủ ý kiến của các vị đại diện các sở, ngành. Trường Sinh lúc ấy mới phát biểu, anh nói:
- Như vậy là các đồng chí cũng đã trao đổi khá chín sự việc. Thống nhất là nhà máy phải cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Về việc này đồng chí Hoàng Bưởng có ý kiến gì thêm không?
- Tôi nhất trí, không có ý kiến gì khác.
- Bây giờ còn hai lựa chọn, một là nhà máy vừa sản xuất, vừa cải tạo nâng cấp. Hai là nhà máy tạm thời ngừng hoạt động để giành thời gian cho việc nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải. Thời gian ngừng sản xuất dài hay ngắn là do chính nhà máy quyết định tùy theo tiến độ thi công của mình. Các đồng chí đã bàn kỹ rồi, bây giờ ta lấy biểu quyết bằng cách bỏ phiếu kín để tránh việc nể nang, phân tâm làm sai lệch kết quả. Trừ đồng chí Hoàng Bưởng là đơn vị đối tượng xử lý, còn lại tám người đại diện cho các cơ quan, tổ chức sẽ bỏ phiếu. Tôi đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ căn cứ vào kết quả kiểm phiếu để bỏ lá phiếu cuối cùng. Kết luận hội nghị sẽ theo nguyên tắc “Thiểu số phục tùng đa số” và đó cũng sẽ là quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Bây giờ đề nghị các đồng chí giải lao ít phút chờ các cán bộ của Ủy ban Nhân huyện chuẩn bị phiếu.
Giờ giải lao, Trường Sinh gặp Hoàng Bưởng cám ơn ông đã đến thăm bố và gia đình mình. Trong câu chuyện của hai chú cháu, Hoàng Bưởng chủ động né tránh không hề có chút nào động chạm đến công việc, ông hướng câu chuyện về đề tài gia đình, rất thân mật và vui vẻ. Hoàng Bưởng bảo “Em Khánh Hoài nó cứ nhắc đến anh luôn, bận gì thì bận hôm nào về chơi hoặc nhân tiện có cuộc họp nào dưới Hà Nội thì đến thăm nhà chú, cô ấy và các em gặp anh là phấn khởi lắm đấy”... Sau đấy, Trường Sinh xin phép tranh thủ đi thăm thú một số bè bạn ở huyện nhưng thực ra là anh sang bên huyện ủy tham khảo thêm ý kiến của đồng chí bí thư.
Cuộc họp tiếp tục với phần biểu quyết thông qua bỏ phiếu kín. Tám cái phiếu được in sẵn với nội dung: “Phương án 1: Nhà máy tạm dừng hoạt động để nâng cấp cải tạo hệ thống xử lý nước thải. Phương án 2: Nhà máy vừa sản xuất vừa nâng cấp cải tạo hệ thống xử lý nước thải”. Bên cạnh có một ô vuông để trống cho người được xin ý kiến biểu quyết ghi số 1 hoặc số 2 theo ý lựa chọn của họ.
Kết quả kiểm phiếu là bốn trên bốn. Một kết quả vô cùng khó xử cho Trường Sinh. Giá như số người là chín hoặc bảy, chắc chắn có sự chênh lệch thì có phải tốt hơn không, đằng này lại là số chẵn chia đều cho cả hai phương án. Chỉ còn lá phiếu của anh là lá phiếu của ngườì mang vai trò quyết định. Không tránh né, không đổ thừa được vào ý gì khác nữa rồi. Đương nhiên, anh chẳng bao giờ muốn để mếch lòng bố và người bạn thân thiết của gia đình. Anh cũng đã thăm dò ý của đồng chí bí thư huyện ủy thì theo ông - Hoàng Bưởng là một nhà lãnh đạo sản xuất kinh doanh dày dạn kinh nghiệm lại đa mưu túc trí, ông đã xử lý nhiều pha ngoạn mục đổi trắng ra đen, chuyển bại thành thắng, chỉ cần hoãn binh một chút là ông đã có thể thay đổi thế cờ. Việc nên quyết định thế nào thì đồng chí bí thư huyện ủy cũng không có ý kiến cụ thể, ông chỉ trao đổi: “Theo mình, làm lãnh đạo rất cần nghe ý kiến của các cơ quan tham mưu chuyên ngành nhưng trên hết phải tôn trọng nguyện vọng của nhân dân, thực sự hiểu và đồng cảm với những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của họ và để phát triển, không có nghĩa là cơ hội, bóc màu, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà phải giữ gìn cho sự phát triển theo hướng bền vững”
Dù gì thì vào giờ phút này, hoặc là phương án một, hoặc là phương án hai, anh vẫn phải có ý kiến thể hiện rõ quan điểm của mình. Trường Sinh điềm tĩnh và thong thả đứng lên kết luận hội nghị:
- Thưa các đồng chí, kết quả thăm dò biểu quyết là bốn phiếu đề xuất theo phương án một, bốn phiếu đề xuất theo phương án hai. Như vậy lá phiếu biểu quyết cuối cùng của tôi nghiêng về phương án nào thì phương án ấy là đa số. Và lá phiếu của tôi...
Trường Sinh tạm ngắt lời đưa mắt lướt qua một lượt. Anh dừng lại ở khuôn mặt Hoàng Bưởng. Hoàng Bưởng cũng nhìn thẳng vào anh với ánh mắt trìu mến. Trong đầu anh lại văng vẳng tiếng nói của bố “...Anh xem lừa lựa giúp được chú ấy điều gì thì cố gắng mà giúp” ... Không gian như chìm xuống, thời gian tựa ngừng trôi. Lặng phắc...Anh quay nhìn sang Hà Nhới gặp ánh mắt Hà Nhới cũng nhìn thẳng vào mắt anh... Trong đầu anh bỗng hiển hiện lại hình ảnh chuyến về Tân Miếu khảo sát thực tế tuần trước, anh đã cùng với giám đốc sở Y tế về xã để thực mục sở thị. Hà Nhới đã hướng dẫn anh đi xem từ cái bể chứa xám xịt ngầu ngầu xú uế qua dòng suối lúc nào cũng bốc lên một thứ mùi thum thủm chua chua đến những xóm nghèo ven suối mà hầu như trẻ con đứa nào cũng ghẻ lở tanh hôi... Ý kiến của chủ tịch xã Hà Nhới rất thẳng thắn, công tâm. Lời ông nói cũng là tâm ý, nguyện vọng của đại đa số người dân xã ông, họ mới là những người biết rõ nhất về những hoạt động của nhà máy. Mặc dù ý kiến của vị đại diện sở Y tế không gay gắt nhưng theo như phát biểu của Hà Nhới thì đã đến lúc sự bức xúc của người dân sắp vượt qua ngưỡng chịu đựng mất rồi. Không kiên quyết thì sự việc lại đò đưa, lại là một cơ hội hoãn binh cho nhà máy xoay chuyển tình thế... Hình như tất cả các cặp mắt trong phòng họp đều hướng vào anh...Và rồi cũng đã đến lúc Trường Sinh phải nói lời quyết định:
- Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng ý kiến và căn cứ vào kết quả thăm dò biểu quyết của các đồng chí. Chọn lựa biểu quyết của tôi là... Phương án... Một!
Cả hội trường vỡ òa, ròn rã tràng vỗ tay kết thúc hội nghị.
C.S