Nguyễn Nhuận Hồng Phương
HẠNH PHÚC TỪ VỤM ĐẤT QUÊ HƯƠNG
Sau này quen tôi mới phát hiện ra, tôi và hoạ sĩ Nguyễn Hồng Quang đã có duyên từ trước. Ấy là khi một người bạn mời tôi về dự khánh thành ngôi từ đường thờ họ Lê ở Thái Bình. Ngoài thị trường, trong siêu thị, đồ mỹ nghệ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… và những vật phẩm của các vùng, miền trong nước không thiếu và rất đẹp. Không kể về giá trị thương hiệu hay tài chính. Mà tôi muốn tìm trên quê hương Vĩnh Phúc của mình một thứ gì có ý nghĩa để biếu anh. Thế rồi sau khi bàn bạc với mấy người bạn, chúng tôi kéo nhau lên Bình Xuyên, vào làng gốm Hương Canh tìm đồ để mua tặng. Và như duyên trời định, ngay lúc bước chân vào cửa hàng trưng bày đồ gốm đầu tiên, khi nhìn thấy chiếc bình gốm hình rồng đặt trên quầy, mấy anh em đã đồng thanh ồ lên tán thưởng. Chiếc bình gia công khá cầu kỳ, được cách điệu giống chiếc ấm pha trà nhưng lớn hơn nhiều, và dẫu đã nung qua lửa, nhưng vẫn giữ nguyên màu đất với chiều cao chừng 70 cm, bề ngang cỡ 30 cm. Chiếc vòi cong hình chữ S, miệng vòi là đầu rồng, thân rồng đắp vẩy, uốn lượn trên nắp bình kéo xuống tay cầm tạo thành đuôi; còn bốn bàn chân với những móng vuốt xoè ra bám trên thân bình vờn vã, ẩn, hiện trong đám tinh vân…
Để tỏ lòng thành kính với nơi thờ cúng, trước khi mang biếu, tôi cảm tác viết 4 câu thơ lên đó: “Lấm lem một kiếp đất bùn/ Đôi bàn tay thợ gọi hồn đất thiêng/ Nghĩa tình xin tạc trong tim/ Một lòng thành kính dâng lên “Cõi Người”.”. Ai ngờ, gần mười năm sau chiếc bình và 4 câu thơ ấy lại là cầu nối cho tôi làm quen với tác giả làm ra chiếc bình. Ấy là lần tôi đến cơ sở “Gốm Quang” mua cặp chum về ngâm rượu. Lúc ngồi uống nước, mang chuyện ngày trước ra kể, rồi cao hứng đọc thơ cho Hồng Quang nghe, và tôi được biết đó là chiếc bình anh làm khi còn đang học cấp hai.
Rồi từ đó, lò gốm Hồng Quang là nơi tôi thường lui tới. Phần vì mến thái độ cởi mở, chân tình của ông chủ trẻ tuổi, hiếu khách, có nụ cười trong trẻo, dễ mến; phần nữa, bởi tò mò và say mê khi nhìn đôi bàn tay khéo léo lấm lem, vày vò, nhào nặn bùn đất, tạo nên những sản phẩm mang cốt cách bao đời phục vụ đời sống con người, của một làng nghề truyền thống, nhưng nay đã được cách điệu, tạo dáng, “thổi hồn” vào, để cho sự thô nháp đặc trưng, khô cứng, giản lệ, thông dụng... thêm vào đường nét nghệ thuật tinh tế, uyển chuyển, duyên dáng, dung dị mang bản sắc thời đại mới...
Với Hồng Quang, sự sáng tạo là vô bờ. Anh không thoả mãn, dừng lại, tự mãn; mà luôn cảm thức, suy tư, gắng gỏi kết hợp với đôi bàn tay điêu luyện và trí thông minh mày mò, tìm tòi, tạo ra những nét mới trên nền gốm mộc mạc, giản đơn trong phương thức sản xuất của các nghệ nhân tiền bối. Vì vậy cứ mỗi lần ra lò, vẫn những đồ vật quen thuộc, nhưng lại có hàng chục sản phẩm được Hồng Quang cải biên, biến đổi, khắc hoạ mang dáng vẻ khác nhau. Tôi có cảm giác Hồng Quang khao khát muốn vượt qua sự thuần tuý đơn điệu của gốm ứng dụng, bằng cách pha trộn, phối hợp, chau chuốt, ve vuốt, phết phẩy, khắc hoạ phối hợp, thêm hình, thêm vẻ cho đồ gốm Hương Canh với nghệ thuật mang nét rất riêng… Hồng Quang.
Tuy vậy, trong tâm thức, Hồng Quang không muốn nhao theo chủ nghĩa vị nghệ thuật mà đánh mất ngữ hình truyền thống bao đời của làng gốm Hương Canh. Nơi anh được sinh ra và lớn lên. Anh hiểu, trong máu, thịt của mình thấm hương vị thứ đất đã nuôi sống bao người, trong đó có anh. Và cái miền quê nhỏ bé ấy không chỉ cho anh lập nghiệp. Mà trải bao đời, Gốm Hương Canh đã từng đi vào thơ ca: “… Ai về mua vại Hương Canh/ Ai lên mình gửi cho anh với nàng…”. Nhưng rồi miền quê ấy cũng như các làng nghề truyền thống ở các nơi khác, bị chững lại vì sự chuyển dịch của cơ chế thị trường. Những đồ dùng thân thuộc bằng nguyên liệu tự nhiên bị mai một. Và làng gốm Hương Canh không là ngoại lệ. Sau một thời gian chuyển đổi, các lò ngói cũng dỡ bỏ chứ không nói gì đến các thứ: Chum, vại, tiểu, nồi, niêu, ang, chậu… khiến đời sống của người dân đi xuống, nghề gốm lung lay, nguy cơ thất truyền. Những người thợ có tay nghề chuốt, nặn gốm hay đốt lò lâu năm, buộc phải đến Thanh Hà, Quảng Ninh, Bát Tràng… và các vùng miền làm thuê kiếm sống, còn những người khác xoay xoả chạy chợ, bữa đói, bữa no qua ngày. Cái làng gốm truyền thống xưa kia vốn tấp nập nay tiêu điều, vắng vẻ… Để đến nỗi bước chân lữ thứ của một thi nhân khi qua làng gốm Hương Canh phải băn khoăn buông tiếng thở dài thắc thỏm: “… Trên chuyến tàu thế kỷ cuối rặng tre/ Ga Hương Canh vẫn là ga thuở trước/ Lấp loá những con đường thân thuộc/ Có ai buồn mua vại giữa đêm mưa?...” (Ký ức Hương Canh - Hải Thanh). Hàng ngày câu thơ ấy như lời thức nhắc, thôi thúc chàng trai trẻ Hồng Quang, không những phải tìm cách khôi dựng, duy trì nghề gốm của cha ông truyền lại, mà anh còn ước mơ làm sao cho đồ gốm ngày càng đẹp hơn trong tình yêu quê hương, xứng danh với niềm tự hào nguồn cội…
Nguyễn Hồng Quang sinh năm Canh Thân 1980. Lứa tuổi theo cung số tử vi là “Thạch Lựu Mộc” (Cây lựu mọc trên đá). Bản mệnh lách từ đá lên để sống, đã khẳng định sự can trường, ý chí mạnh mẽ, dám đương đầu, quyết đáp với mọi thử thách, khó khăn không lùi, kiên trì vượt qua mọi hoàn cảnh, chướng ngại, kiên tâm hướng theo con đường mình đã chọn. Nhưng để hoàn thiện đức tính ấy, đâu phải ngày một ngày hai. Có câu “Băng dày ba thước đâu rét có một ngày”. Những năm, tháng ban đầu lập nghiệp của Hồng Quang đâu được suôn sẻ, mà đầy đủ những gam màu sáng, tối, vui, buồn, sướng, khổ... Thuở ấu thơ, bố mẹ là xã viên hợp tác xã sản xuất gốm Hương Canh, nhà đông người, nhiều miệng ăn, đồ gốm làm ra tiêu thụ chậm, thu nhập hạn chế, nên mọi người trong làng bàn nhau xoay sang làm hương. Ngoài thời gian đi học, Hồng Quang tranh thủ về giúp đỡ bố mẹ chẻ nan, se hương… Nhưng rồi hương cũng ế, thị trường cạnh tranh, nguyên liệu khan hiếm, giá lên, xuống thất thường, hương làm ra không bán được. Để mưu sinh, hàng ngày anh, em Hồng Quang rủ nhau ra đồng tát chuôm, vét ao kiếm tôm, tép, cua, trai, hến, ốc… hoặc đêm đêm theo cha ra đầm hoang, kéo vó, thả lưới bắt cá, mò trai mang ra chợ bán.
Cuộc sống cứ lầm lũi thế, cho đến năm 1993, bố mẹ Hồng Quang quyết chí trở về nghề cũ. Lại tốn thêm một lần tu bổ lò nung và sửa sang khuôn mẫu. Nhưng bố mẹ Hồng Quang kiên tâm quyết giữ nghề Tổ, duy trì chuốt vại, nặn chum, làm tiểu sành mang ra chợ bán. Thu nhập không cao, chi tiêu tằn tiện cũng tạm đủ. Nhưng rồi vận may cũng đến. Năm 1994, Nhà nước có chủ trương gìn giữ vốn cổ, phục hồi các làng nghề truyền thống. Hội Mỹ thuật Việt Nam cử hoạ sĩ Trần Khánh Chương Phó Tổng thư ký Hội, làm Trưởng đoàn, dẫn các nghệ sĩ về làng Gốm Hương Canh tham quan, thực hiện đề tài sáng tác, khơi lại vốn cổ. Trong đoàn còn có hoạ sĩ Lê Duy Ngoạn, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, sinh hoạt ở Chi hội Mỹ thuật Hội VHNT Vĩnh Phúc. Trong khi làm việc, tình cờ khi thấy Hồng Quang nghịch đất nặn đồ vật; các nghệ sĩ trong đoàn nhận ra chú bé 14 tuổi có đôi bàn tay khéo léo, tư chất thông minh nặn ra những đồ vật sinh động nên trao đổi với bố mẹ hướng cho anh sau này thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Cha mẹ Hồng Quang hiểu điều đó và rất muốn. Nhưng hiềm nỗi, nhà nghèo, tiền đâu mà cho con đi học. Bà Giang Thị Nhạn, mẹ của Hồng Quang, vốn là nghệ nhân trong “Hiệp hội làng nghề Quốc gia”, đã động viên gia đình chắt chiu, tằn tiện, khuyến khích Hồng Quang gắng gỏi học hành hướng nghiệp, với niềm tin và kỳ vọng sau khi ra trường đứa con trai của gia đình sẽ là người nối nghiệp, duy trì và phát huy nghề gốm của dòng tộc nói riêng, và làng gốm Hương Canh nói chung, vì lúc đó đang có nguy cơ thất truyền.
Được gia đình khích lệ, năm 2003 Hồng Quang thi vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Năm 2007 anh tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu. Cùng với công việc sản xuất hàng thương mại, Hồng Quang nghiên cứu cải biên, tạo nên những sản phẩm được cách điệu mang tính nghệ thuật cao để tham gia vào các cuộc triển lãm nghệ thuật của tỉnh và khu vực. Năm 2014 Hồng Quang vinh dự được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc. Niềm vui nối tiếp niềm vui. Cũng vào năm đó, anh là hội viên của tỉnh được mang sản phẩm gốm của mình đi tham dự “Triển lãm Hội chợ Festival trẻ” ở Hà Nội, và được tấn phong danh hiệu “Người thợ trẻ toàn quốc”. Thế rồi nghệ thuật gốm như đòn xeo thúc đẩy, chắp cánh cho Hồng Quang bay bổng. Vì thế càng ngày Hồng Quang càng lao sâu vào nghệ thuật ứng dụng gốm. Cùng với kiến thức khi ngồi ghế nhà trường, kết hợp với kinh nghiệm của các bậc tiền bối và những người thợ giàu kinh nghiệm. Vụm đất Hương Canh trong trí tuệ sáng tạo và đôi bàn tay vi diệu của Hồng Quang như tạo nên phép màu.
Nhưng thành công đôi khi là con dao hai lưỡi. Có thể tiến lên, có thể chững lại. Vượt qua giới hạn một người thợ, vào thời gian đó, vì tự mãn với thành tích đạt được, Hồng Quang mang tham vọng làm giàu bằng gốm. Với tư duy “Phi thương bất phú”, để nhanh có tiền Hồng Quang đi theo lối tắt, thế chấp tài sản, vay ngân hàng, mở đại lý bán đồ gốm. Với mục đích “Mở rộng thị trường, đốt cháy giai đoạn”, Hồng Quang thu mua cả những đồ gốm, sứ các vùng khác như: Quảng Ninh, Bát Tràng… trộn lẫn với đồ gốm Hương Canh để tiêu thụ. Bước đầu thí điểm có chút thành công, cộng với suy nghĩ xốc nổi. Hồng Quang vay thêm tiền, thuê người, mở thêm cửa hàng. Nhưng “dục tốc bất đạt”. Hàng hoá ế ẩm, thu không bù chi, lãi mẹ đẻ lãi con. Ngân hàng thúc nợ, các lò sản xuất đòi tiền. Hồng Quang buộc phải vay ngoài trả lãi cao 17 triệu/ ngày. Hậu quả cho tham vọng là vỡ nợ. Cùng lúc đó sau 12 năm chung sống, tuy đã có 2 mặt con nhưng rồi không chịu được nhiệt, vợ chồng chia tay. Để kiếm tiền tồn tại nuôi con và trả nợ. Hồng Quang bập vào vận đỏ, đen, tìm đến vận may, rủi, lao vào đề đóm, xổ số, bài bạc, cá độ bóng đá… Thắng được tiền Hồng Quang lại lấy vợ, lại ăn tiêu bừa phứa…
Nhưng như các cụ đã nói “Cờ bạc là bác thằng bần” nên Hồng Quang thất bại thảm hại. Tay trắng, hoàn tay trắng, nợ nần gánh trên vai, còn hạnh phúc xây dựng với người vợ lần thứ hai cũng theo đó mà tan vỡ. Có thể nói, vào giai đoạn đó, trước mắt Hồng Quang là bờ vực mù mịt, tối tăm, tưởng chừng không lối thoát. Cho đến một ngày kia, như duyên tiền định, tình cờ Hồng Quang gặp Minh. Người phụ nữ trẻ quê Sóc Sơn mắc hoàn cảnh trái ngang. Chồng chết vì bệnh ung thư để lại 2 đứa con thơ dại. Hai tâm hồn nhỡ nhàng tìm thấy nhau giữa dòng đời dễ cảm thông, đồng điệu rồi bén duyên. Nhưng yêu nhau cũng phải hơn 4 năm sau hai người mới quyết định làm đám cưới. Hàng ngày Minh đi làm công ty còn Hồng Quang làm thuê cho lò gốm. Vậy là từ đấy hoạ sĩ Hồng Quang lâm vào cảnh “con anh, con tôi, con chúng ta”. Trong khi đó nợ nần vẫn chưa trả hết, hàng ngày chủ nợ thúc trả, phải lần lữa khất, lãi chồng lãi ngày một cao lên. Đến nỗi người thân xa lánh, bạn bè coi thường, khinh rẻ… Sau những đêm thao thức nghĩ về hoàn cảnh của mình, Hồng Quang bàn với vợ bán nhà, thanh toán hết nợ nần rồi ra thuê đất dựng xưởng, xây lò sản xuất gốm. Biết tính chồng là người nói là làm, giữ chữ tín, không muốn để người đời khinh bỉ nên Minh đồng ý không một lời eo xèo kêu ca.
Nhưng cũng từ đấy, Hồng Quang thay đổi hẳn. Anh đoạn tuyệt với quá khứ, bỏ chơi bời, lánh xa cờ bạc, cá độ… Cặm cụi làm ngày, làm đêm, tiết kiệm, dành dụm tiền mưu cầu nghiệp lớn. Nhờ chịu thương chịu khó và chắt chiu, sau 2 năm ở thuê vợ chồng Hồng Quang trả hết nợ và còn mua được một mảnh đất riêng, đủ tiền làm nhà, mở xưởng mới, thuê thêm thợ làm đồ gốm. Thừa thắng xốc tới, Hồng Quang như con chim sổ lồng bay cao. Anh trở lại những dự định ban đầu, muốn đi lên và làm giàu bằng gốm. Nhưng sau những lần vấp ngã và nếm đủ dư vị chua, cay, mặn, chát của đời, lần này Hồng Quang không mở đại lý, mà anh muốn quảng bá sản phẩm của quê hương mình trên thị trường với mục đích lôi kéo khách hàng. Sau khi suy tính đường đi, nước bước, Hồng Quang lập kế hoạch tìm cách thu hút được khác hàng. Tuy vậy anh không dùng phương pháp rải tờ rơi, quảng cáo trên đài hay ti vi, mà Hồng Quang lợi dụng vào mạng xã hội, mở hàng bán online; đưa hình ảnh mẫu, mã sản phẩm gốm giới thiệu trên FaceBook.
Không dừng lại ở đấy, Hồng Quang dựa vào danh vị hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, mở rộng quan hệ, kết giao với những cao nhân và các nghệ sĩ uy tín nghe tư vấn và tham gia những cuộc triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm. Thế rồi “mưa dầm thấm lâu, hữu xạ tự nhiên hương”. Sản phẩm đẹp, giá cả phải chăng, mua bán sòng phẳng, có trách nhiệm, nên từ không đến có, từ ít đến nhiều. Cửa hàng bán lẻ, đại lý ở các tỉnh tìm đến cơ sở Gốm Quang Đức đặt hàng. Vậy là sau một thời gian, vợ chồng anh không chỉ khẳng định được hướng đi đúng đắn; mà còn sống và bằng chính sản phẩm gốm của quê hương mình. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm… Không những chỉ có khách hàng ở trong nước mà còn có các nghệ sĩ mỹ thuật, và bạn hàng quốc tế tìm đến tham quan. Điển hình là năm 2018 Hồng Quang với danh vị “Nghệ sĩ ứng dụng” được mời sang Đài Loan tham dự cuộc “Triển lãm gốm quốc tế” cùng với 20 nghệ sĩ khác trên toàn thế giới. Hồng Quang rất phấn khởi và hồi hộp. Anh hiểu trong cuộc “chơi lớn” này, đâu chỉ là sản phẩm mình do làm ra, mà hành trang anh mang theo còn có cả tình yêu của mình với vụm đất của quê hương.
Như vậy tính đến thời điểm này Hồng Quang đã có 14 cuộc triển lãm to, nhỏ và giới thiệu sản phẩm. Về khen thưởng, anh được nhận nhiều bằng khen và giấy chứng nhận danh vị, trong đó có bằng khen của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Trung ương Đoàn, Các cơ quan trung ương, đơn vị kinh doanh và của tỉnh Vĩnh Phúc... Nhưng… Nhưng cuộc sống còn có từ “Nhưng” buộc Hồng Quang phải trăn trở suy tư. Đó là tương lai nghề gốm Hương Canh sẽ đi đến đâu, vì hiện nay cả làng còn có 3 lò gốm hoạt động? Chính vì trăn trở với câu hỏi ấy, nên Hồng Quang ấp ủ ước mơ xây dựng làng Hương Canh có khu du lịch mang tên “Trung tâm bảo tồn văn hoá gốm Hương Canh” gồm các hạng mục như: Nhà Bảo tàng lịch sử; Khu trưng bày gốm qua các thời đại; Tham quan giới thiệu Làng nghề; Khu du lịch trải nghiệm; Khu thưởng thức ẩm thực, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí; Bao thầu tua du lịch… Hồng Quang không giấu diếm ý định quyết tâm trở thành “Ông chủ”. Tất nhiên phải là một “Ông chủ” thiện lương có trách nhiệm, và có hiệu quả mới lôi kéo được các gia đình trong làng quay lại làm nghề được. Nhưng để được như thế, Hồng Quang hiểu không thể làm bằng sự lương thiện, bằng niềm tin hay lòng dũng cảm được. Mà phải có thực lực. Bởi như Hồng Quang giãi bày: Cùng với phương án tạo ra công việc giao cho các hộ làm nghề, rồi “biến” mỗi gia đình sản xuất gốm trong làng thành một điểm cho khách du lịch đến tham quan. Thì trong dự án quy hoạch, riêng mặt bằng để xây dựng “Trung tâm bảo tồn văn hoá gốm Hương Canh” đã cần có một diện tích đất chừng 25 đến 30 heta. Để xây dựng khu trung tâm đồng thời là “kho” tích trữ nguyên liệu đất dành cho sản xuất gốm dài lâu…
Nghe Hồng Quang nói về kế hoạch thực hiện dự án cứ như không, khiến tôi choáng ngợp và hoài nghi liền hỏi: “Không bột sao gột nên hồ. Hồng Quang dựa vào cơ sở nào để thực hiện?”. Hồng Quang cười, nụ cười hiền khô nhưng giọng nói sôi nổi, chắc nịch: “Trong tương lai còn nhiều việc phải làm. Nhưng trước mắt chúng tôi đã mời, gọi và liên kết với 21 đơn vị hợp thành tập đoàn cổ phần, lấy “Công ty gốm Quang và Những người bạn” làm nòng cốt. Hiện nay tập đoàn đã tiến hành lập dự án và phương án thực hiện trình lên các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Hy vọng đến mùa xuân 2026 chúng tôi sẽ được gửi giấy mời anh về dự Lễ khởi công…”.
Chia tay, Hồng Quang nắm tay tôi siết chặt. Những vệt đất ngấn thành từng làn sóng trên cánh tay trần đỏ au của anh, như từng lớp trầm tích xa xưa hiện về, ánh lên, lấp loá trong ngọn lửa rực cháy của lò gốm đang nung…
Mùa xuân Ất Tỵ 2025
N.N.H.P
Người gửi / điện thoại