Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

ÁM ẢNH

Trương Ngọc Hùng

ÁM ẢNH

          Có những danh từ, động từ bây giờ nói ra rất nhiều người không biết nhưng vài chục năm về trước là nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai của một lớp người...

          Ngày ấy đang có chiến tranh. Trai làng tôi đi hết, họ ra đi như những anh hùng, ra đi không hẹn ngày trở lại. Không ai tỏ tường nơi họ đến, thông tin vẻn vẹn là dãy số trên các phong thư không nói lên điều gì và được hiểu chung chung là đi B, đi chiến đấu. Rất ít người được về, thoảng hoặc có ai đó thì cả làng như có hội. Ai cũng muốn được nhìn, sờ, ngắm vuốt và tranh nhau hỏi về những người thân yêu của mình làm như họ biết tất cả mọi điều. Tôi mê mẩn và mong ước lớn nhanh để có được hào quang như thế.

          Những chàng trai xuất sắc ra đi để lại phía sau những ánh mắt lo lắng đợi chờ và cả những khao khát của những người đàn bà, con gái. Đồng nghĩa với việc những người đàn ông ở lại do chưa đủ hoặc quá tuổi, hoặc có một lý do gì đó không rõ nhưng hình như cũng chẳng vẻ vang gì. Cùng độ tuổi với những người đang ở nơi bom đạn nhưng gã không nằm trong số đó vì bị thọt chân nghe nói bị ngay từ khi còn nhỏ liên quan đến tiêm chọc gì đấy. Việc ấy không có gì đáng nói, rất có thể sẽ là lợi thế, là đồ quý hiếm khi là thanh niên duy nhất còn lại ở cái làng này. Tuy nhiên, không người đàn bà con gái nào muốn “dây” đến gã, đơn giản gã là kẻ xấu người và xấu tính. Gã không chịu nổi người khác hơn hoặc kém dù chỉ một lời nói bâng quơ. Thành phần gia đình trung nông nghĩa là có bữa ăn bữa để nhưng gã lúc muốn được là bần cố nông khi lại muốn thành địa chủ phú nông. Ghét ai có chiếc áo lành hơn nhưng cũng không ưa người mặc chiếc quần te tua hơn gã. Đàn ông khinh gã, đàn bà ghét gã. Tôi không khinh cũng không ghét vì dù sao gã cũng là người thiệt thòi, hơn nữa gã có rất nhiều sách. Những quyển truyện đầu tiên tôi đọc là ở tủ sách ấy. Những cuốn sách đã gieo vào tôi những ước mơ trở thành anh “Dế mèn” hoặc “Tôn Ngộ Không”. Gã cũng có cùng ước mơ đó nên lúc nào hai tay cũng co ngang hông thỉnh thoảng đưa tay gãi gãi, đôi chân thọt nhún nhảy trông đến ngộ.

          - Tối nay mày đi với tao.- Gã gọi với sang tôi.

          - Mày đừng đi với thằng ấy, dân làng họ ghét cho.- U tôi gàn.

          Tôi lờ đi như không nghe thấy.

          Tôi đùn đít để gã leo lên cành đa đầu làng, cái chân thọt lúc liểng choi choi.

          - Tao mà có phép như Tôn Ngộ Không tao sẽ biến cái làng này thành Hoa Quả Sơn, sẽ bắt lũ đàn ông thành quân lính, bắt đàn bà thành tỳ thiếp. Tao cho mày làm Tể tướng.- Gã thì thào.

          Tôi phải cắn răng không bật ra tiếng cười để “Giữ bí mật”. Gió mát, tôi thiu thiu ngủ, chợt giật bắn mình nghe tiếng thét của gã. “Người bé tý mà hô máu thế”. Thoắt cái gã đã nhảy vọt xuống vung vẩy chiếc kiếm han rỉ được quét lớp vôi trắng.

          Hai người: một đàn ông, một đàn bà đờ ra vì bất ngờ.

          - Thằng kia bỏ tay ra.- Gã quát.

           Người đàn ông lúng túng rút vội tay lôi theo nguyên hàng cúc bấm để lộ ra khuôn ngực trắng nhễ nhại dưới ánh trăng đầu tháng. Lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng ngực trần của người đàn bà, cảm giác thật khó tả.

          Dân làng quây quanh hai người bị trói áp lưng vào nhau xì xào bàn tán. Chị là người làng, có chồng bộ đội. Anh chị gần nhau được đúng một đêm trước ngày anh nhập ngũ. Có thể một đêm ấy để lại trong chị không ít háo hức tò mò và cả thèm muốn nữa nên vướng vào người công nhân máy bơm của công trình thủy lợi. Sau việc ấy người công nhân bị đuổi việc.

          Chuyện cũng dần êm khi chị bỏ làng đi đâu không rõ. Tôi lên cấp ba. Cả huyện có một trường ở trung tâm thị trấn. Nhà tôi ở cuối huyện, chiều chủ nhật tôi đi bộ lên trường, trên vai khoác chiếc bị cói chứa ít gạo, nhiều ngô, khoai, sắn tùy thuộc vào khả năng của bố mẹ. Tôi có những mối quan hệ khác, thư viện của trường cũng nhiều sách hơn nên dần quên gã hàng xóm nhiều tật.

          - Tao thèm được hủ hóa quá. Tôi giật mình khi gặp gã ngang đường.

          Cuộc gặp vẻ như không phải tình cờ, gã chờ gặp tôi chỉ để thốt ra như thế. Gã không nói dối, có gì đó đang vỡ ra giống như giọt nước trong veo đang bò ra từ đôi mắt u tối kia. Tôi không biết nói gì vì vẫn ám ảnh bởi ánh mắt sợ hãi của người đàn bà và khinh bỉ của người đàn ông bị gã bắt hôm nào.

           Không ngờ, lần vô tình cùng gã bắt hủ hóa lại ám ảnh tôi lâu đến thế. Sau đó, lại chứng kiến một vụ tương tự khiến tôi sợ hãi tất cả những gì liên quan đến đàn bà con gái. Tôi trọ học ở một cơ quan gần trường. Ông bảo vệ nghe nói có võ và trước kia ở bộ đội đặc công. “Đặc công gì nó, cả đời chưa ra khỏi làng”.- Ai đó xì xầm. Tôi không quan tâm, luôn coi ông ta như thần tượng, một phần vì cái oai của bộ đội đặc công, một phần vì cả cơ quan chỉ mình ông có súng. Chả hiểu ông bị “tội” gì mà lúc nào cũng vướng víu bận bịu với khẩu súng không tương xứng thân hình ngũ đoản, cho đến hôm nghe tiếng súng nổ mới vỡ òa: Uy lực của khẩu súng bắn phát một có từ thế chiến trước thật khủng khiếp. Viên gạch thất lát nền vỡ toang lộ khoảng đất đen xì bằng chiếc rá. Ánh mắt thất thần của người đàn ông, dài dại của đàn bà cùng thân hình lõa lồ đang rúm vào góc nhà. Mũi súng trong tay bảo vệ huơ huơ như đánh hơi, như muốn kéo giật hai tay đang vắt chéo cố che bộ ngực trắng nhễ nhại của người đàn bà. Ánh mắt của mọi người xúm quanh dường như cũng đồng tình như thế. Hai lần chứng kiến bắt hủ hóa khiến tôi sợ hãi bỏ chạy khi người con gái đầu tiên muốn trao cho tôi món quà vô giá thượng đế ban cho muôn loài...

          ... Đêm hôm ấy trăng sáng lắm, soi rõ cả những ngọn cỏ đang ngọ nguậy ngoi lên hút ánh trăng khuya. Tôi ôm ngang lưng người con gái đang ngả vào vai. Người đó là cô giáo dạy văn ở trường, hơn tôi hai tuổi. Nàng áp vào tôi thì thào:

          - Ngày mai Bính đi rồi. Chiến tranh chưa biết bao giờ kết thúc. Dường như chúng mình có những thứ bất thường, học sinh lại yêu cô giáo.- Nàng dứ dứ ngón tay trước trán tôi rồi nói tiếp: Chúng mình yêu nhau nhưng không có ý định về sống cùng nhau. Mình không muốn Bính đi mà chưa hiểu chút gì về đàn bà. Như thế chưa được gọi là đàn ông. Hôm nay hãy tận hưởng...

          Nói rồi, người đàn bà chậm rãi, lần lượt tháo từng khuy trên chiếc áo. Bộ ngực nõn nà hiện ra dưới ánh trăng. Tôi nuốt khan, cổ họng khô khốc. Nàng kéo bàn tay đang run rẩy của tôi đặt lên ngực mình. Cảm giác như dòng điện truyền lên óc: đê mê, thảng thốt. Nàng ngả mình, hai vạt áo xòe ra như chiếc cánh trải ra giữa bãi cỏ xanh mướt. Thân hình trắng, vạt áo đen, liếp cỏ xanh, trông như thiên thần giang đôi cánh bay giữa trời xanh mênh mang. Kéo tôi xuống đặt lên môi nụ hôn, chiếc lưỡi mềm mại quét qua quét lại, tôi rùng mình như lên cơn sốt. Bông cúc dại e ấp như thì thầm: “Hưởng thụ đi chàng trai, đây là món quà duy nhất trời đất ban tặng. Không ai được lãng phí”. Bản tính đàn ông quẫy đạp, bùng lên dữ dội. Nàng dịu dàng đồng lõa cùng tôi. Đúng lúc tôi chuẩn bị thực hiện “sứ mệnh thiêng liêng” của đấng nam nhi, chợt vang bên tai như tiếng súng cùng tiếng hô “bắt hủ hóa”. Tôi giật mình, bật cong người bỏ chạy, bỏ lại đằng sau tiếng kêu thảng thốt: “Bính ơi...”. Tôi cắm đầu rẽ đạp lên những cây dong giềng đang trổ hoa, bước chân tàn nhẫn dẫm đạp lên những bông hoa, nát bươm, đỏ như máu. Chắc đã khá xa... yên lặng đến co thắt chỉ có ánh trăng vô tình tỏa ánh sáng vàng vàng. Vội vàng quay lại... hy vọng mơ hồ... chỉ còn đôi dép của tôi trên đám cỏ nhàu nát... mon men lại gần khu tập thể giáo viên: Các dãy nhà ngả bóng đen sẫm.

          Hôm sau tất cả học sinh trúng tuyển tập trung ở sân trường nghe thầy Hiệu trưởng úy lạo rồi hành quân lên huyện. Tôi đưa mắt tìm: Không thấy cô giáo dạy văn của tôi. Suốt chặng đường và những ngày sau đó tôi nguyền rủa mình, tâm trạng luôn trong trạng thái bất an. Những bức thư gửi về đều bị trả lại với dòng ghi chú: Không có người nhận. Tròn một tháng huấn luyện cùng lúc với chiến thắng Buôn Ma Thuột. Chúng tôi được phát vũ khí trang bị mới. Những thùng phuy nước sôi ùng ục, những khẩu súng AK còn nguyên mỡ bảo quản lặn hụp trong đó. Nguyên một ngày lau chùi bảo dưỡng, những khẩu súng ánh lên sự hân hoan của những chàng lính mới. Râm ran: Đơn vị sẽ hành quân đi Nam chiến đấu không chờ hết thời kỳ huấn luyện.

          Xuất phát từ ga Thường Tín. Tàu chạy ban ngày, không ngụy trang, khói tuôn mù mịt, bò lùi lũi. Một tiểu đoàn đủ quân trên một con tàu và không phải chỉ có thế, cả sư đoàn hành quân nhằm chiến trường lao tới. Hết đường sắt chuyển sang ô tô của sư đoàn ô tô vận tải. Cả tháng, chưa phải nổ một phát súng nào đã nghe tin Sài Gòn giải phóng. Sở chỉ huy sư đoàn 5 Ngụy ở Thủ Dầu Một treo cờ trắng, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát kết thúc cuộc đời binh nghiệp của vị tướng nổi tiếng tiết tháo này.cach-lam-tinh5

          Nghĩ, hết chiến tranh rồi sẽ được về tiếp tục việc học còn giang dở và quan trọng hơn là sẽ được gặp lại cô giáo của mình, có điều kiện sửa lại lỗi lầm ngày trước. Nhưng mọi việc không như dự đoán, đơn vị chuyển sang làm kinh tế. Súng ống cất trong kho, nhận về cuốc xẻng. Mảnh đất khô rang về mùa khô sình lầy về mùa mưa. Phèn, mặn bám vào áo quần vàng ệch. Kiến thức về “đánh đấm, trận mạc” không thể bù đắp lỗ hổng về quản lý kinh tế. Có chăng được bù lại trình độ tổ chức và nghiêm minh của kỷ luật quân đội. Tuy nhiên kết quả không có gì đáng được gọi là tự hào. Tinh thần từ chỉ huy đến binh lính không thể gọi là yên tâm. Những ngày buồn tẻ ấy cũng đến hồi kết thúc, quân Khơ me đỏ lấn chiếm biên giới sát hại đồng bào ta. Đơn vị nhanh chóng chuyển nhiệm vụ. Không ai muốn chiến tranh nhưng làm lính chiến, súng ống hợp hơn cày cuốc.

          Mới đầu ai cũng nghĩ chiến tranh sẽ kết thúc nhanh vì bọn “giặc cỏ” này sức mấy có thể địch lại đội quân được huấn luyện tốt, có nhiều kinh nghiệm trận mạc lại được bổ sung nhiều vũ khí trang bị của Mỹ và Việt Nam cộng hòa. Thực tế không hẳn như thế. Phải mất 10 năm mới hoàn thành. Mười năm ấy tôi đã đi gần khắp Đông bắc Campuchia, thời gian lâu nhất là ở đền Preah Vihear, trên dãy Dăngrêk sát biên giới Thái Lan. Đền trên đất Campuchia nhưng đường lên lại nằm trên đất Thái. Lối lên duy nhất trên đất Campuchia nhỏ, rất dốc và hiểm trở, việc tiếp tế chủ yếu dựa vào mang vác hoặc thi thoảng bằng máy bay trực thăng kết hợp vận chuyển thương, bệnh binh. Chúng tôi như ở trên ốc đảo. Mỗi khi chiều xuống, âm thanh dường như dừng lại, không tiếng súng, không tiếng chim cũng không tiếng côn trùng. Bóng đen che phủ mọi vật, đền đài, hang hốc, cây cối. Buồn và sợ, buồn vì cảm thấy cô đơn, sợ vì lúc này các cơn sốt thường kéo đến. Ở cái “rốn của sốt rét” này việc ấy xảy ra như cơm bữa. Không tháng nào không có người “ra đi”. Thiếu thốn gian khổ đủ bề, cái chết luôn rình rập nên không giấu nhau điều gì. Kể nhiều nhất là về mẹ và những người con gái. Tôi kể về đêm trăng sáng với cô giáo dạy văn. “Mày là thằng ngu, là thằng tim sứa, là thằng không có...” Bị mắng xối xả, kể cũng không oan. Trung đội trưởng dù không hơn tuổi chúng tôi là mấy nhưng là sỹ quan nên sâu sắc hơn: “Cô gái ấy đã vượt trên lẽ thường tình, chưa hẳn cô ấy đã yêu mày đến mức trao cho cái quý giá nhất của con gái, hành động ấy chỉ có thể là sự dâng hiến, như phần quà của trời đất ban cho. Nếu về được hãy đi tìm và làm tất cả những gì có thể để chuộc lại lỗi lầm”. Người Trung đội trưởng ấy “ra đi” trong trận sốt rét ác tính, không kịp đưa về tuyến sau vì trời mù máy bay không thể hạ cánh. Anh “đi” mà chưa kịp nắm tay một người con gái. Chúng tôi bảo nhau cố gắng để không hối tiếc như anh, nhưng nhiều người cũng chẳng có dịp vì thi thoảng mới có một đôi lần được ghé vào phum, được gặp những người đàn bà Khơ me. Câu nói duy nhất học lỏm của nhau: “On slanh boòng tê” (Em có yêu anh không) không giúp được ai, vẻ như trêu đùa nhiều hơn một câu tỏ tình, không một người đàn bà con gái nào chấp nhận bắt đầu cuộc tình chỉ bằng một câu như thế. Vả lại, chúng tôi nói cũng chỉ để nói vì kỷ luật không cho phép những người lính Việt Nam quan hệ luyến ái với người bản xứ. Tôi quên dần cảm giác sợ hãi hai từ hủ hóa, thỉnh thoảng mới nhói lên khi bắt gặp mảnh trăng treo trên bầu trời trong vắt: “Cô giáo của tôi ơi! Có còn nhớ, có tha thứ cho thằng học trò hèn nhát này không”. 

          Mười năm trận mạc, tôi lên sỹ quan mà không qua trường lớp nào. Lớp cán bộ như tôi chỉ phù hợp cho một giai đoạn. Đã đến lúc rời bỏ bộ quân phục. Tôi chuyển ngành về cơ quan dân chính. Việc đầu tiên là đi tìm “cô giáo của tôi”. Thành phố bé như bàn tay, không khó để tìm ra người đàn bà đã có hai cô con gái. “Lương giáo viên chỉ là phụ so với việc đưa bánh rán cho các hàng nước”.- Nàng nói, ánh mắt nhìn xa, vô cảm. Tôi nghẹn lòng đưa phần tiền ít ỏi còn lại sau từng ấy năm ở chiến trường. Nàng không nhận. “Chuyện cũ qua rồi. Hồi ấy mình cũng chưa đủ yêu nhưng tự nguyện vì nghĩ có thể Bính sẽ không trở về. Bây giờ thì khác, Bính đã về, mình đã có gia đình. Mọi việc nên kết thúc như vốn có”. Trong hoàn cảnh ấy, như thế là hợp lý. Nhưng tôi không làm được, đêm trăng ngày ấy, lời dặn của Trung đội trưởng và hơn hết là bản thân tôi, chưa khi nào lại thôi thúc cồn cào đến thế. Tôi lén đi theo, lấp ló sau hàng cây, cố gắng được nhìn thấy nàng ngày ngày, không nhìn thấy, tôi không muốn ăn, đêm không ngủ được. Nhưng… Ở cái thành phố téo tẹo, mang dáng dấp thôn quê hơn thành thị này, việc một người đàn ông ngày nào cũng lẽo đẽo đi sau dù ở khoảng cách khá xa đã đến tai người chồng. Tôi đã nghe phong thanh về người đàn ông này: ghen tuông, cục xúc nhưng rất yêu cô. “Bính nhìn đây”. Nàng kéo tay áo, những vết bầm tím chồng lên nhau, có vết đã mờ, có vết thâm lại, có vết còn đỏ ửng. “Mình đã phải van xin anh ấy đừng đánh vào mặt để còn lên bục giảng. Hãy buông tha cho mình, Bính ơi. Mình cần sự bình yên. Không có chuyện này mình đã khổ lắm rồi”. Tôi không dám nhìn vào đôi mắt ấy và cũng không dám đi theo nữa dù trong lòng khắc khoải không yên, trong đầu tôi lúc nào cũng hiện nên bóng hình nhỏ bé xiêu xiêu, lủng lẳng làn bánh rán trên chiếc xe Phượng Hoàng cũ.

          *****

          Cuộc sống thời bao cấp vốn đã không dễ dàng, dường như càng khó khăn hơn với những người một chặng đường dài không biết gì ngoài khẩu súng. Hơn ba mươi tuổi, không bằng cấp, không chuyên môn, gia tài vẻn vẹn chưa đầy ba lô cóc. Một chiếc giường đơn kê tạm ở góc phòng bảo vệ. Sáng sáng, chiều chiều nhìn những thân hình gày gò, vội vã với những chiếc cặp lồng treo trên ghi đông chiếc xe đạp cà tàng đi qua cổng mà ngao ngán cho mình, cho người. Dường như cũng không có ai để ý đến người bảo vệ nhỏ thó gầy gò khắc khổ, ánh mắt mệt mỏi vô định. Tôi lao vào học, học để quên, học để bù lại những tháng năm khét mùi thuốc súng. Học tất cả những thứ gì có thể. Năm năm, tôi có hai bằng đại học, được bổ nhiệm làm trạm trưởng bảo vệ rừng. Chức vụ, chả ai muốn nhận. Tôi thì khác, gần mười lăm năm gắn bó với rừng, về với rừng tôi như được trở về nhà, được ẩn trong cái “mai” kín đáo, để tránh một lần giật mình tưởng như nghe tiếng súng.

          Rừng ngập mặn ven biển nơi tôi làm trạm trưởng được công nhận là khu bảo tồn dự trữ sinh quyển theo công ước Ramsar. Tôi có thêm một đam mê mới. Chiếc máy ảnh do Unesco trang bị là vật bất ly thân. Tôi quên ăn để có khoảnh khắc với đàn chim di cư, với đám mây, cánh rừng. Vậy mà bức ảnh được giải thưởng lại là ánh mắt của người con gái đang hút theo đàn ong mật. Cô gái vô tình lọt vào ống kính, khi tôi “chớp” đàn ong như dải lụa hút lên bởi ánh bình minh. “Chị ấy có một cô con gái, chồng đi lao động xuất khẩu và định cư bên đó”. Và. “Năm nào chúng em cũng đến đây khi mùa hoa sú nở”. Thông tin chỉ vẻn vẹn từng ấy và cũng từng ấy năm tôi chưa giáp mặt người đàn bà có đôi mắt hút hồn đắm say, người đã mang đến cho tôi giải thưởng hiếm hoi đã nhiều năm để trống. Sẽ vẫn là như thế, nếu cơn dông lốc không tràn về trong đêm. Gió quất ràn rạt, mưa như giăng lưới. Ánh đèn pin xa xa quất qua quất lại như cầu cứu. Tôi khoác áo mưa, lội trong mưa rét. Người phụ nữ mảnh mai trong mưa gió, mỏng manh như chiếc lá đang còng mình vần những chõ ong đưa vào ngôi nhà bạt. Chiếc đèn treo trên trán quét qua quét lại, tuyệt vọng.

          - Chị em đâu hết mà có mỗi một mình thế này.- Vừa làm tôi vừa hỏi.

          - Mưa to, gió lớn, đường xa và trơn thế này có thể các cô ấy không đến kịp.- Cô gái không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi.

          - Cô đến chỗ chúng tôi ở tạm, đây làm gì còn chỗ nào nữa.

          Đưa mắt nhìn các chõ ong chen khít trong nhà. Cô gái miễn cưỡng chấp nhận.

          Tôi đưa cho cô bộ quần áo:

          - Cô thay quần áo đi, ướt hết rồi, dễ cảm lắm. Nhìn cô xúng xính như bơi trong bộ quân phục cũ, tôi không khỏi bật cười.

          - Anh cũng thay quần áo đi.

          - Chút nữa khô ngay ấy mà.- Tôi khỏa lấp. Hai hàm răng va vào nhau như giã gạo.

           Chiếc hòm rỗng không.

          - Anh bỏ hết quần áo ướt ra, chui vào chăn. Nhanh.- Cô nói như ra lệnh.

          Sống độc thân lại ở nơi hẻo lánh nên không mấy chú ý đến trang phục, gia tài vẻn vẹn một “bộ nghiêm” một bộ “nghỉ”, nhiều khi vẫn thừa vì cả mùa hè không một lần xỏ tay. Biết đâu lại có ngày lâm vào tình thế này. Trùm kín chăn, người vẫn rung lên từng đợt. Cô gái lấy nước nóng lau khắp thân thể nhưng càng lau tôi càng run. Hoảng hốt, cô gái chui vào ôm chặt. (thật giống cách chúng tôi vẫn làm khi dính sốt trên cái đền xa xôi trên đất Campuchia). Tấm thân ấm xực, rồi nóng ran khi cô hôn lên vành tai, lên mắt, lên ngực, lên môi. Tôi chuyển trạng thái từ rung cầm cập sang hầm hập nóng. Tiếng của gió, của mưa như chui cả vào chăn. Tôi chồm lên tấm thân trần nóng rực, đột nhiên hình ảnh gã chân khèo cùng tiếng hô của gã len vào khiến tôi lật ngang, xuội lơ. Cô ngơ ngác, rồi bật ngay dậy, lao mình vào đêm tối trong làn mưa lạnh buốt…

          - Cô gì ơi.- Tôi thật vô tâm đến lúc này vẫn chưa biết tên cô gái. Vừa chạy tôi vừa gọi. Tiếng sấm ì ầm, chớp nhay nháy đủ cho tôi nhìn thấy cái bóng xiêu vẹo lăn xuống bãi sú vẹt lúc triều cường. Vội vã tôi lao theo, giữ được cô, vừa kịp thoát khỏi con sóng cuốn.

          - Bỏ tôi ra.- Cô thét lên quẫy đạp bất chấp những con sóng cồn thi nhau trùm lên, lôi kéo.

          Tôi ôm chặt cô, cố vùng vẫy chống chọi với những con nước rút. Cuối cùng dường như sức đã kiệt, cô mềm oặt trên tay tôi, trên người không manh vải. Tôi đốt đống lửa to giữa nhà, ủ cô bằng chiếc chăn duy nhất. Nhìn cô thiêm thiếp, đôi lúc giật mình ú ớ, những giọt nước mắt chảy ngang, âm thầm. Tôi không thể cầm lòng. Đắn đo mãi, tôi cũng chui vào chăn vì cái lạnh. Cô cựa mình, tôi biết cô đã tỉnh.

          - Cho tôi xin lỗi, tôi không có ý xúc phạm cô, tôi chưa bao giờ được gần một người đàn bà.

          Tôi thì thầm kể về lần bắt và một lần chứng kiến cái gọi là hủ hóa. Tôi cũng không giấu việc sợ hãi bỏ chạy khi người con gái dâng hiến cho mình. Để đến tận hôm nay vẫn còn day dứt. Xoay người, cô ôm lấy tôi, vỗ về, kể cho tôi nghe về cuộc đời của cô. Thì ra cô cũng chả sung sướng gì.

          Chúng tôi ôm nhau, truyền hơi ấm cho nhau. Hai tâm hồn lỗ chỗ được vá víu, buộc túm cùng nhau. Tôi phân vân “thế này có bị coi là hủ hóa không nhỉ?”

          Tiếng sấm ì ầm từ xa vọng lại nghe như tiếng cười hềnh hệch của lão trời già.

                                                                                   Tháng 2 năm 2022

                                                                                             T.N.H

               

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 66
Trong tuần: 794
Lượt truy cập: 532382
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông