Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

CHỈ CẦN CÓ MỘT TRÁI TIM

Phạm Hồng Loan

CHỈ CẦN TRONG XE CÓ MỘT TRÁI TIM.”*(Viết về AHLLVT Đỗ Văn Chiến, nguyên chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 101, Binh trạm 31, Đoàn 559. Quê quán: Thôn Giáp Tây, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định)                                                                           

Năm 2007, nhà thơ Phạm Tiến Duật mất. Khi giảng Bài thơ về tiểu đội xe không kính của ông, tôi bùi ngùi nói với học sinh: “Các em ạ, nhà thơ Phạm Tiến Duật, người được ví như "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", "cây săng lẻ của rừng già”, “ngọn gió của đại ngàn Trường Sơn” đã ngừng thổi.” Cả lớp lặng yên lắng nghe trong niềm xúc động khi tôi đưa các em về với những tháng ngày lớp lớp thanh niên: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, sống lại những ngày gian khổ ác liệt của người lính thời kì chống Mỹ trong những câu thơ đậm chất văn xuôi của ông: “Không có kính rồi xe không có đèn/Không có mui xe, thùng xe có xướcnhưng: “..xe vẫn chạy..” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Lúc đó, tôi không nghĩ rằng có ngày được vinh hạnh ngồi nói chuyện với một trong những người chiến binh quả cảm của “Tiểu đội xe không kính” trong "Tiểu đoàn Đại bàng xanh", nhân vật được mệnh danh "Con chim đầu đàn”, nguyên mẫu để nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa trong bài thơ nổi tiếng, người được chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là anh Đỗ Văn Chiến. Với chất giọng trầm ấm, hào sảng, anh kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng dầm mưa dãi nắng trên cung đường bão lửa Trường Sơn.

           Đỗ Văn Chiến sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo tại giáo xứ Liên Phú (Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định). Học hết lớp 6, do hoàn cảnh gia đình, anh phải nghỉ học. Từ đó, cậu thiếu nên ham học hàng ngày làm bạn với con trâu, với công việc bận rộn, vất vả của nhà nông. Lớn chút nữa, anh tham gia đội du kích xã. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, cho đến giờ trong anh vẫn in đậm kỉ niệm về trận bắn rơi máy bay AD-6 Mỹ của du kích xã Hải Đông mà có công sức của anh góp phần. Là một xã ở vùng chân sóng, trong những năm tháng chiến tranh, Hải Đông là nơi máy bay Mỹ trút những quả bom cuối cùng, sau khi oanh tạc chán chê rồi bay ra ngoài biển. Vừa tham gia du kích, anh vừa làm thư kí đội sản xuất, rồi thư kí trại chăn nuôi. Năm 1966, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan rộng ra miền Bắc, anh xung phong lên đường chiến đấu. Anh được phân vào học tại trường đào tạo lái xe ở Sơn Tây. Tháng 6/1967, ngày nghe tin vợ sinh đứa con đầu lòng cũng là ngày anh lên đường vào chiến trường và được bổ sung vào Trung đoàn ô tô vận tải 13 được mệnh danh là “quả đấm thép Trường Sơn” ngay từ những ngày mới thành lập. Bắt đầu từ đây, những gian khổ, khó khăn nhưng cũng oai hùng đến với người lính trẻ kính Chúa, yêu nước.

Địa điểm đóng quân của đơn vị anh gần trọng điểm Seng Phan với địa thế vô cùng hiểm trở, hai bên vách đá dựng đứng. Giặc Mỹ coi đây là yết hầu trên đường mòn Hồ Chí Minh nên bằng mọi giá chúng quyết ngăn chặn từng chuyến hàng của ta. Trên trời, máy bay thám sát OV-10 và L.19 vè vè ngày đêm không khi nào ngớt. Sà thấp xuống từng ngọn cây, lượn qua, lượn lại những nơi nghi là mục tiêu, nó phóng ngay pháo khói. Một cột khói màu phụt lên hàng chục mét sẽ là tọa độ hứng đủ các loại bom trong chớp mắt. Không những thế máy bay AC-130 được lắp máy ngắm bằng tia hồng ngoại, có thể phát hiện  xe của ta bất cứ lúc nào. Vì thế, trên cung đường này, có biết bao chuyện xảy ra như huyền thoại với người lái xe anh hùng Đỗ Văn Chiến.

 Mùa khô năm 1968. Một buổi tối, đơn vị anh nhận lệnh: “Nhận hàng ở binh trạm 12”. Tất cả hối hả lên đường. Vẫn chi chít, nham nhở hố bom với suối sâu, vực thẳm, núi cao. Không quan sát kĩ, xe có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào. Đoàn xe lầm lũi đi. Những hòm đạn chuyển lên thùng xe như giành giật từng giây, từng phút yên tĩnh trước trận đánh để nhanh chóng đến tay đồng đội, dội sấm sét xuống đầu kẻ thù. Công việc xong xuôi, cả đoàn xe quay ra đường 128. Niềm vui trào lên trong lòng những người lính. Hiếm có những chuyến hàng nào trót lọt, yên bình như thế. Chỉ mấy tiếng nữa, xe sẽ về đến nơi tập kết an toàn.

          Bất chợt, cả không gian rung chuyển trong tiếng gầm rú của máy bay. Tiếng bom nổ đinh tai, nhức óc. Bỗng “ục”. Một quả bom bi phát nổ phía trước. Chiếc xe ngả nghiêng, chao đảo như đưa võng. Tiếng người phụ xe thảng thốt: “Em bị thương rồi, anh ơi.” Căng mắt, nghiến răng, vừa xoay tay lái cho xe nghiêng về bên phải hố bom sâu hoắm trên mặt đường, anh vừa nói đứt quãng: “Cố lên, Diếp ơi.” Chợt cơn đau dữ dội ập đến. Vô lăng trơn tuột, nhầy nhụa khiến anh không điều khiển nổi xe. Mắt anh chợt hoa lên. Máu. Máu thấm ướt bàn tay phải, thấm đẫm vô lăng. Trong ánh sáng mờ ảo của đèn dưới gầm xe, anh thấy đốt ngón tay áp ngón trỏ rủ xuống, lủng lẳng trước mắt, nối với đốt còn lại bằng một mảnh da. Anh nghiến răng. Không! Không thể dừng lại. Bằng mọi cách phải cho xe vượt qua trọng điểm càng nhanh càng tốt. Nếu không, cả đoàn xe sẽ dồn ứ lại. Bao nhiêu mồ hôi, công sức, cả tính mạng anh em sẽ là miếng mồi ngon cho lưới lửa của giặc trùm xuống. Anh dừng xe trong giây phút, chìa tay cho người phụ lái: “Cậu giật đứt ngón tay rồi khẩn trương buộc chặt lại”. Mỗi lời nói, hành động của anh lúc này như mệnh lệnh. Lát sau, chiếc xe lại lầm lũi lao đi như chưa hề có chuyện gì sảy ra.

Hng ngày, được tôi luyện trong bom đạn, anh nắm rõ những hành động gần như là qui luật của máy bay Mỹ. Một lần, đoàn xe của anh chở hàng đến gần trọng điểm phải dừng lại. Bom đạn dội xuống biến nơi đây thành bãi đá hoang tàn. Cả đoàn xe tập kết ở dốc 75. Xe của anh dẫn đầu. Đất trời im lặng. Lệnh của Tiểu đoàn trưởng: “Tiếp tục lên đường.” Đỗ Văn Chiến lên tiếng: “Thưa đồng chí, theo tôi, ta không nên đi vào lúc này.” “Tại sao đồng chí lại chống lệnh?” “Thưa Thủ trưởng, tôi không chống lệnh. Nhưng sau 19 giờ, dù Thủ trưởng không ra lệnh chúng tôi cũng đi.” Cả đoàn xe lặng phắc. Đúng 19 giờ, hàng đàn máy bay Mỹ ào đến trút bom rồi cút thẳng. 23 giờ, công binh thông báo: Thông đường. Hôm sau, đích thân Chính ủy binh trạm tới, khen ngợi và tặng cho anh chiếc đồng hồ Poljot. Một phần thưởng xứng đáng cho người chiến binh dạn dầy bom đạn nhưng cũng đầy bản lĩnh.trove1

Một đêm không trăng. Đoàn xe của anh qua Seng Phan, chuẩn bị vượt ngầm 51A. Phía trước, bom bi, bom napan chùi chũi lao xuống. Đỗ Văn Chiến mở cửa xe nhảy xuống. Bất chợt phía bên trái lửa cháy rực lên: “Cháy xe rồi”. Anh thầm kêu trong sự xót xa. Chạy được vài bước, anh dừng lại. Không! Không thế để chiếc xe cháy lan sang xe khác, lan cả sang cả đoàn xe phía sau mới đưa từ miền Bắc vào. Đó sẽ là mục tiêu lộ liễu cho bầy quạ sắt đang hung hãn gầm rú trút bom. Không chần chừ, anh quay ngược lại, đến bên chiếc xe cháy, nhảy lên, đập tan cửa kính, lao vào. Chiếc xe rừng rực như một bó đuốc lao đi trong đêm, thu hút sự chú ý của giặc. Lửa cháy lan sang buồng lái, táp vào mặt anh bỏng rát. Chiếc xe có thể nổ tung trong vài giây phút nữa. Nhưng anh vẫn bám chặt vô lăng cho xe chạy.

          Đưa xe đến vị trí an toàn, anh bung cửa, lao ra ngoài. Vẫn còn chiếc xe có nguy cơ bốc cháy bởi ngọn lửa tử thần từ những mảnh bom Napan trên mặt đất có thể bén vào xe bất cứ lúc nào. Anh nhảy lên chiếc xe nổ máy vượt qua những đám cháy tiếp tục lao đi. Quay trở ra, anh đến bên xe của mình. Dưới tay lái điêu luyện của anh, chiếc xe luồn lách qua những vệt lửa ma quái trên đường. Lúc này, tiếng máy bay nhỏ dần, nhỏ dần rồi im lặng. Không gian im ắng nhường chỗ cho màn đêm. Đoàn xe hối hả lên đường.

Vẫn là những chuyến hàng ngày đêm chi viện cho miền Nam. Một đêm, đoàn xe của anh từ Binh trạm 32 qua ngầm 15E. Khắp nơi bom cày, đạn xới. Bom bi dội từ trên trời xuống. Bom napan rải thảm trên khắp cung đường. Đang dồn hết tâm trí cho tay lái vững vàng, anh chợt thấy nóng ran sau lưng. Ngoảnh lại, anh sững sờ. Lửa bốc cháy ngùn ngụt ở giàn ngụy trang trên thùng xe (cánh lái xe hay gọi đùa là giàn mướp). Làm thế nào bây giờ? Không thể để bầy quạ Mỹ lao xuống dội bom vào cả đoàn xe. Không một phút chần chừ, anh lao xe xuống ngầm. Nước bắn lên tung tóe. Lửa tắt. Anh ra khỏi xe, bơi ngược dòng sông, phòng khi chúng quay lại ném bom. Yên tĩnh. Anh bơi trở lại, lên xe nổ máy tiếp tục bon bon trên chặng đường khói lửa.

          Đưa hàng về kho xong, lái xe vào nơi cất giấu an toàn, anh trở về hang thì trời gần sáng. Nằm xuống phiến đá lạnh, mặc dù cơn buồn ngủ kéo đến từ lúc nào nhưng anh không sao chợp mắt được. Lạnh. Cái lạnh từ hang đá tỏa ra buốt giá. Thấy anh co ro, Đại đội trưởng Trần Kim Bồng ái ngại: “Quân trang mới phát, cậu để đâu?” “Bom đạn thổi bay hết rồi anh ơi” “ Này. Cậu cầm tấm vỏ chăn này mà dùng. Lạnh thế chịu sao nổi”. Sáng hôm sau, người chỉ huy tạm biệt anh với bàn tay xiết chặt: “Cố gắng giữ gìn sức khỏe. Hoàn thành tốt nhiệm vụ nhé”. Tấm chăn của người chỉ huy chu đáo, tận tình từ đó theo anh trong mọi chuyến hàng, trên mọi cung đường.

          Năm 1972, trong những ngày đêm cả nước hướng về Thành cổ, đơn vị anh được lệnh đưa pháo 130 ly qua Khe Sanh, Lao Bảo chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Mọi khi, trong những chuyến đi dài ngày, anh hay đi cùng tổ thông tin liên lạc 15W. Hôm ấy, đến vị trí tập kết, anh tìm đến với những người lính đồng hương. Ba giờ sáng, B.52 quần đảo xé rách màn đêm. Một quả bom rơi trúng căn hầm trú ẩn của tổ đài. Ngày hôm sau, anh cùng đồng đội, theo đường bay của lũ nhặng, lặng lẽ nhặt từng mảnh thi thể rải rác, tứ tung khắp nơi của ba đồng đội mà thấy tim mình như ứa máu. Giữa chiến trường lấy gì để bọc các anh? Như chợt nhớ ra điều gì, anh mải miết chạy về nơi giấu xe, lấy tấm vỏ chăn mang đến. Nhẹ nhàng, tỉ mẩn, nâng niu từng phần xương thịt của đồng đội, anh gói lại. Bàn giao cho binh trạm 14 để họ làm các thủ tục xong, anh giữ lại tấm chăn. Từ đó, đêm đêm, trong bất cứ hoàn cảnh nào anh đều có những giấc ngủ ngon. Nhiều lúc, anh như thấy đâu đây, những đồng đội của mình hiện về với ánh mắt thân quen, nụ cười gần gũi. Không! Các anh, những người con của Trường Sơn, con của Mẹ Việt Nam không bao giờ chết. Tấm chăn ấy như phép màu, giúp anh vượt qua bao trận sốt rét run người, truyền hơi ấm, vỗ về, tăng thêm sức mạnh cho anh vượt qua gian khổ, đạn bom. Và tấm chăn ấy sau này được anh tặng lại bảo tàng như một chứng tích về nghĩa tình đồng đội gắn bó keo sơn.

          Cuộc chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt. Một đêm anh cùng đồng đội vận chuyển hàng trăm tấn gạo đến địa điểm mới. Qua cổng trời Cha Lo, cả đoàn dừng lại. Công binh cấp báo giặc mới rải bom từ trường. Còn ba quả chưa có cách gì phá được. Ngồi trên xe, anh suy tính. Không thể để cả đoàn xe lừng lững mỗi xe 4-5 tấn gạo phơi mình ra dưới cái nhìn soi mói của kẻ thù. Anh nhảy xuống xe, quan sát địa hình rồi nói với đồng đội: “Không thể ở đây mà chờ bom nổ. Phải tìm cách vượt lên. Tôi sẽ lái xe vượt qua ba quả bom này.” “Nguy hiểm lắm, đồng chí ơi”. “Nếu công binh phá bằng bộc phá và dùng xe phóng từ cũng không được thì ngay bây giờ xe mình đi qua chưa chắc bom đã nổ.” Không gian chợt lặng yên. Những người lính lặng lẽ ôm chặt người đồng đội quả cảm. Anh lên xe, nổ máy lao về phía trước. Tất cả nín thở dõi theo chiếc xe xa dần, xa dần. Xe vượt qua quả bom thứ nhất. Sự im lặng nghẹt thở bao trùm. Vượt qua quả bom thứ hai, lồng ngực mọi người như vỡ òa trong bao cảm xúc. Chiếc xe từ từ đến gần quả thứ ba, nó vẫn im lìm. Có lẽ chưa lúc nào anh bình thản đến thế.  Phía trước là đồng bào miền Nam đang rên xiết dưới gót giày quân xâm lược. Phía sau là đồng đội đang đỏ mắt chờ trông. Đến ngang quả bom, anh nhấn ga. Chiếc xe lao nhanh về phía trước. Một tiếng nổ xé rách màn đêm ngay phía sau thùng xe. Đất đá trùm lên xe rào rào và lần này bom đạn kẻ thù lại tránh anh. Với người lính lái xe: Xe còn- hàng còn- người còn. Người còn-hàng còn-xe còn.

Cứ như thế, ngày cũng như đêm, anh cần mẫn chở từng chuyến hàng vượt qua mưa bom bão lửa. Theo yêu cầu của đơn vị, mỗi chiến sĩ trong ba đêm chở một chuyến, nhưng người chiến sĩ trẻ người Công giáo này vẫn kiên cường trong 3 năm, không đêm nào vận tải dưới hai chuyến đưa hàng đi đến nơi về đến địa điểm tập kết an toàn.

Năm 1993, Đại tá Đỗ Văn Chiến về nghỉ hưu. Lúc này anh mới có thời gian đi lễ, bình tâm bước vào thánh đường, nghiêng mình dưới tượng Chúa cầu cho quốc thái dân an. Anh luôn quan niệm Chúa ở trên cao nhưng Chúa ở tại tâm mỗi người. Phải sống  sao cho tốt đời đẹp đạo. Với phương châm sống ấy, người chiến binh can trường trong chiến đấu, giờ đây lại đắm mình trong bao công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó: Chủ tịch Thường trực Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam (1993-2003), Ủy viên BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam khóa II và III. Ở bất cứ lĩnh vực nào anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tôi tò mò:

- Nghe anh kể về những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà cứ bình thản như không? Vậy điều gì giúp anh và đồng đội có được tinh thần ấy?

- Điều gì ư? - Anh cười - Năm 1984, có một đoàn nhà báo Mỹ sang thăm nước ta. Một nhà báo từng là phi công tham chiến ở Việt Nam tiến đến, bắt tay và nhìn vào ngón tay tôi:

- Anh chỉ mất bằng này thôi à?

- Bằng này thôi ư? Máy bay của các ông đốt của tôi 7 xe, còn tôi 5 lần bị thương.

- Có một điều  tôi không thể hiểu được là tại sao chúng tôi đánh nhiều thế mà xe của các ông vẫn chạy, dù bom trên trời dội xuống bất cứ lúc nào?

- Chúng tôi chạy là để thắng các ông. Các ông không đủ khả năng đánh hết đường Trường Sơn đâu. Các ông đánh đường này, chúng tôi chạy đường khác. Nhiều khi chúng tôi phải chạy đua với thời gian, chạy đua với các ông. Ông biết rằng trong cuộc sống, cái gì cũng có qui luật. Tuy nhiên qui luật của cuộc sống dễ hơn qui luật của chiến tranh. Và để chiến thắng, chúng tôi đã tìm ra không phải một mà là nhiều qui luật để vượt lên bom đạn của các ông mà đi.

Tôi lặng im trong miên man suy nghĩ. Làm sao người phóng viên Mỹ, cựu phi công từng tham chiến ở Việt Nam hiểu được trong mỗi chiếc xe ấy “có một trái tim” như lời thơ của PhạmTiến Duật.Trái tim của tình yêu thương, lòng căm thù, của ý chí: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, của chân lí thời đại: Sức mạnh chiến đấu, chiến thắng kẻ thù của dân tộc ta đâu chỉ là do phương tiện, vũ khí mà nằm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Một trong những con người ấy là Đỗ Văn Chiến cùng biết bao những người lính ra trận dấn mình vào hiểm nguy nhưng vẫn ca vang: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật).

                                                                                    P.H.L                                                       

*Lời thơ Phạm Tiến Duật.

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 67
Trong tuần: 794
Lượt truy cập: 532395
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông