Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

TỨ ĐẠI VĂN NHÂN

 Phạm Ngọc Chiểu
 
TỨ ĐẠI VĂN NHÂN VÀ CÂY BÚT TIỂU THUYẾT BỀN BỈ, VỮNG VÀNG
 
    Nói đến văn xuôi Vĩnh Phúc, trong đầu tôi sáng lên bốn tên tuổi cầm bút mà từ lâu tôi gọi họ là “Tứ đại Văn nhân” của miền đất cổ Trung du. Họ là những ai và sự nghiệp văn chương của họ thế nào? Bài viết này sẽ trả lời những câu hỏi đó.
  1. “Tứ đại văn nhân”
     * Tên tuổi đầu tiên của bộ “Tứ đại” này là nhà văn đa tài Ngô Văn Phú. Khi tôi còn là cậu học sinh lớp 6 trường huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định quê tôi, Ngô Văn Phú đã học năm thứ nhất Khoa văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và cũng năm ấy ông đã nhận Giải thưởng Truyện ngắn của báo Văn học. Đó là năm 1958. Ba năm sau, 1961, cây bút trẻ Ngô Văn Phú lại được nhận Giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ. Chùm thơ được giải và những tập thơ sau này của ông để lại ấn tượng sâu đậm về cảnh sắc và con người vùng đất Trung du, làm nên phẩm chất thơ riêng của nhà thơ Ngô Văn Phú. Và, một dấu mốc nữa của Văn chương Ngô Văn Phú găm vào tâm trí tôi cho đến tận hôm nay, là ông nhận Giải nhất cuộc thi Ca dao cùng nhà thơ Quang Huy do báo Văn học trao cho năm 1962. Sự lưu giữ lâu bền hơn sau mươi năm ấy bởi hai lý do. Thứ nhất, hai bài ca dao được Giải nhất bởi nó hay và lạ, mỗi ông mỗi vẻ. Bài “Mây và bông” của Cử nhân Văn chương Ngô Văn Phú hay ở sự chơi chữ: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Ba cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng.”. Còn ca dao của “ông Đồ xứ Nghệ” Quang Huy (một cách gọi vui, chứ thầy giáo Quang Huy chỉ dạy học ở Nghệ An, còn quê gốc của ông ở Hải Dương) thì hay ở tài tạo kịch tính, gây bất ngờ trong bài “Ông chủ tịch xã”: “Anh về công tác xã nhà/ Hỏi ông chủ tịch bây giờ là ai/ Hỏi em, em chỉ mỉm cười/ Việc cần đang bận, em ơi chớ đùa/ Ửng hông đôi má em thưa:/ Ông chủ tịch xã bây giờ là… em”. Vậy đấy, hai bài ca dao thật tài tình, và vì vậy, sáu mươi ba năm trôi qua rồi mà đến hôm nay tôi vẫn thuộc lòng cả mười câu ca dao của hai ông. Còn lý do nữa của sự nhớ dai ấy. Đó là, cũng vào năm 1962, đang học kỳ 1 lớp 9 trường cấp 3 Hải Hậu, Nam Định, dù là học sinh học giỏi và chỉ yêu thích môn Vật lý, thế mà trong một đêm, tôi bỗng làm được bài thơ theo thể Lục bát dài 34 câu, viết về đêm chia tay của đôi trai gái để sớm hôm sau chàng trai lên đường đi khai hoang trên miền rừng núi Hòa Bình. Một tháng sau, bài thơ được nhà văn Chu Văn – Trưởng ty Văn hóa tỉnh Nam Hà duyêt, in vào Tạp chí “Lời ca sông Vị”. Như vậy, khi tôi đang học cấp 3 phổ thông, tình cờ nhón chân mon men vào địa hạt văn chương, thì Ngô Văn Phú đã là một Cử nhân Văn học, và quan trong hơn, ông là một cây bút bộc lộ sự toàn năng với hai Giải thưởng thơ và một Giải thưởng Truyện ngắn trong các cuộc thi của báo và tạp chí chuyên ngành.
     Thời gian trôi đi. Khi tôi về làm Biên tập viên rồi làm Trưởng ban Văn học NXB Lao Động, thì nhà văn Ngô Văn Phú đã là tác giả của 230 đầu sach thuộc nhiều thể loại văn chương, (vượt xa số đầu sách của bậc Đại bút Tô Hoài có 150 đầu sách) trong đó tiêu biểu là 9 tập truyện ngắn, 7 tiểu thuyết, 6 tập thơ, 3 tập tạp văn. Ông cũng là tác giả của nhiều tập truyện viết cho thiếu nhi, là dịch giả nhiều tập truyện và tiểu thuyết của Văn học Trung Quốc. Những trước tác kể trên đem lại cho ông uy tín lớn với giới cầm bút và bạn đọc, để ông được tin cậy giao trọng trách làm Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn Việt Nam nhiều năm, cho đến ngày ông nghỉ hưu. Và, năm 2012 ông được trao tặng phần thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.
    Ông xứng đáng là người đứng thứ nhất trong “Tứ đại Văn nhân” của miền Đất cổ Vĩnh Phúc. Ngày 22/10/2025 tới đây là tròn ba năm ông giã biệt Văn chương về với Tiên tổ. Bài viết này xin được thay nén hương tưởng niệm gửi hương hồn ông.
       * Cây bút thứ hai của bộ “Tứ đại” là nhà văn Hà Đình Cẩn.
     Tôi bỗng nhớ buổi sáng cuối năm 1982. Bữa ấy, tôi háo hức đạp xe từ Ty Văn hóa Hà Sơn Bình (nơi tôi đang làm biên tập văn xuôi Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình) ra trường Viết văn Nguyễn Du để theo học Chuyên tu ba năm, Khóa 2 theo giấy triệu tập của Nhà trường. Văn phòng trường cùng với nơi ăn chốn ở của sinh viên là một dãy nhà tranh, thưng ngăn bằng cót ép, dựng dọc theo một ao tù nước đọng, nằm trong khuôn viên trường Đại học Văn hóa. Trong văn phòng nhộn nhịp người ra, vào. Tôi đang tìm chỗ dựng xe đạp thì bật ngờ nghe tiếng hỏi vui vẻ:
    - Chào bạn! Bạn cũng về học khóa này?
   Người hỏi tôi là một đại úy, cao ráo, da xạm, tóc cắt cao, nụ cười cởi mở, giọng trầm hơi khàn.
   - Bạn tên gì? – Đại úy hỏi tiếp.
   Nghe tôi trả lời xong, đại úy lại cười:
   - Vậy ra ông là tác giả của mấy cái ký và truyện ngắn đã in ở báo Văn nghệ? Cả  Văn nghệ quân đội nữa. Tôi cũng thích viết ký nên đọc kỹ mấy cái ký ở Văn nghệ của ông… Gì nhỉ... hình như “Thành phố gà”", rồi “Gặp rừng nơi châu thổ” đúng không? Ông viết ký mả đấy, hấp dẫn và có văn lắm. Đặt tên bài cũng siêu. Mà truyện ngắn của ông cũng không xoàng đâu. Tôi đã đọc “Ông ấy là Giám đốc, và “Trên đỉnh đèo A hôm ấy” của ông rồi. Cả “Ngày về” ông in ở Văn nghệ quân đội. Báo để ông vui, mấy truyện ấy ông “nộp quyển”, nhà văn Nguyên Ngọc đọc “chấm quyển”, khen ông viết chắc tay…
    Vị đại úy quân đội tôi gặp buổi sáng nhập trường viết văn Nguyễn Du khóa 2 ấy, là nhà văn Hà Đình Cẩn, hôm ổn định tổ chức lớp học, được nhà trường chỉ định làm Lớp trưởng 3 năm tôi theo học.
    Nhanh thế, hôm nay tôi ngồi viết về ông – người thứ hai trong bộ “Tứ đại Văn nhân” miền đất cổ Trung du Vĩnh Phúc – nhẩm tính ra đã hơn bốn mươi ba năm trôi qua rồi.
    Yêu mến ông nên mấy chục năm qua, tôi để tâm dõi theo con đường văn chương của ông. Sau ngày nhập học trường Nguyễn du, tôi tìm hiểu và biết ông đã có vốn liếng văn chương là ba đầu sách trước khi vào trường. Đó là tập truyện ngắn “Quần đảo san hô” ông viết cho bạn đọc nhỏ tuổi, xuất bản năm 1979; là hai đầu sách “Vòng rừng âm vang” (1980) và “Những ngôi sao Ít xa la” in năm 1981, ông viết về chiến trường Lào sau những năm bám chiến trường trong tư cách Phóng viên mặt trận. Nhập trường, ông khoe đang sửa để đưa in “Vòng lăm vông thứ hai”. Tôi nhìn ông, lòng thầm phục. Ông đã có ba đầu sách, quyển thứ tư sắp in. Trong khi đó tôi chưa có đầu sách nào.
    Nhưng, ba năm học trường viết văn, Hà Đình Cẩn không chỉ in “Vòng lăm vông thứ hai” cuối năm 1982, ông còn đưa in cuốn “Đường gập ghềnh” năm 1984, và năm cuối khóa, tôi còn được mời xem vở kịch nói “Sống bằng tên người khác” mà ông là tác giả kịch bản, đạo diễn trẻ Đoàn Anh Thắng vừa tu nghiệp ở Liên Xô về nhận dàn dựng cho Đoàn kịch nói Trung ương. Chưa hết ngạc nhiên về sự lắm tài của đại úy lớp trưởng, thì hai năm sau, tháng 8/1987, tôi hay tin ông rời bỏ chức vụ Trưởng phòng Văn hóa – Văn nghệ báo Quân đội nhân dân để chuyển sang Hội nghệ sĩ sân khấu, gánh vác chức trách Phó giám đốc NXB Sân khấu kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí chuyên ngành của Hội này. Sau đó, ông được thăng chức làm Giám đốc NXB kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, qua 5 năm vòng về Hội Nhà văn làm Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn. Gắn bó nhiều năm với ngành sân khấu, ông không chỉ làm lãnh đạo cơ quan Tạp chí, và Xuất bản cho Ngành, ông còn là một tác giả kịch bản uy tín và chất lượng. Ông đã viết hơn 20 kịch bản và được dàn dựng trên sân khấu của hầu khắp các nhà hát chuyên nghiệp toàn quốc, chưa tính kịch bản phim ông nhận viết cho các Hãng phim, vì vậy kịch tác gia họ Hà đã giành được đến 7 Giải nhì về Kịch bản Văn học, và đó chính là cơ sở để ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.
    Nhưng, tôi đang viết về Hà Đình Cẩn trong tư cách Nhà văn viết văn xuôi, cho dù kịch bản cũng là một thể văn xuôi, thậm chí là thứ văn xuôi cô đọng, kịch tính, hấp dẫn, mà không phải Nhà văn nào cũng viết được. Mấy đầu sách ông đã viết và in trước và sau ba năm học khóa 2 Nguyễn Du, phần lớn ở thể loại Ký, hoặc nửa Ký nửa Truyện. Phải xem nhà văn Hà Đình Cẩn có viết truyện, nhất là tiểu thuyết thế nào? Thì chợt nhớ, chính tôi đã hai lần viết Tiểu luận về hai cuốn tiểu thuyết của Hà Đình Cẩn. Tiểu luận thứ nhất viết về tiểu thuyết “Tam Đảo mù sương” ông viết và xuất bản 2017. Lấy thị trấn du lịch Tam Đảo làm nơi diễn biến của thiên tiểu thuyết, câu chuyện bắt đầu từ việc Đội trưởng Hoạch ném bó đuốc vào đống củi và lá thông khô chất đầy phòng khách ngôi biệt thự của Công sứ Hen ri Winbeit, trong khi cả ba mặt căn phòng sang trọng này vẫn ddang treo những bức tranh sơn dầu khổ lớn, làm cho ngọn lửa ngay lập tức bùng lên dữ dội. Cùng lúc đó, những đội viên du kích của đội “Tiêu thổ” vẫn đang hò nhau chất thêm củi vào các căn phòng bỏ trống khác, và hò nhau khuân hàng trăm chai rượu quý từ hầm rượu của biệt thự lên để chuẩn bị cho cuộc ăn mừng lớn – kết thúc ba tháng “chiến dịch tiêu thổ” họ đã triệt phá tanh bành gần hai trăm lâu đài, dinh thự, biệt thự, khách sạn, nhà hàng, cùng với trại lính, nhà giam, biến thị trấn Tam Đảo được mệnh danh là “Thiên đường du lịch và nghỉ mát” thành nơi tan hoang, đổ nát, để lại dấu tích cho đến hôm nay và hẳn là còn lâu dài mãi sau này.
   Vì sao lại có cái chiến tích đập phá hết những lâu đài, biệt thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc “Đông dương mới” với mái vòm, không gian cong, phi đối xứng, cửa sổ tròn, cầu thang lồi… một sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc Pháp với kiến trúc truyền thống Việt, mang hồn Việt, là tài sản nghệ thuật khiên trúc vô giá cho mai sau?
    Câu hỏi vừa ngạc nhiên vừa gay gắt của một nhân vật nữ (cô Thoan) trong thiên truyện, chính là chủ đề sâu xa của tiểu thuyết “Tam Đảo mù sương”, cuốn tiểu thuyết thứ tư của nhà văn mặc áo lính, sau các tiểu thuyết “Cây sa mu còn lại”, “Cuối đường có mấy người”, “Bên kia là núi”. Và rồi, cuối quý 3 – 2021, tôi lại được ông bạn Lớp trưởng Khóa 2 trường viết văn Nguyễn Du tặng một bản in tiểu thuyết mới còn thơm múi giấy mực, với tựa đề “Mây vẫn bay về trời” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Vẫn là chuyện chiến tranh, nhưng lần này Hà Đình Cẩn chọn thời điểm và địa điểm rất điển hình. Chuyện xảy ra vào lúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã áp sát Sài Gòn, và nơi xảy ra câu chuyện là hai bên đầu cầu dẫn vào thành phố. Còn nữa, đấy là cuộc chiến sinh tử giữa hai cha con: Cha chỉ huy đơn vị quân Giải phóng vượt cầu để vào thành phố, trong khi con trai ông người được quân ngụy Sài Gòn giao phải chặn quân Giải phóng ngay đầu cầu đó. Kết cục, đơn vị của người cha vượt qua cầu, còn con trai ông bại trận, bỏ rơi mẹ và em gái chạy đi di tản, sang sinh sống ở một thành phố nhỏ giữa vùng sa mạc trên đất Mỹ bằng nghề lái xe tải. Qua bảy ngàn đêm sống tha hương, người sĩ quan biệt động thất trận Nguyễn Phan Hàm quyết định quay về Việt Nam, và mọi chuyện bừng thức trong ký ức anh vào cái đêm trước khi rời đất Mỹ để về với đất Mẹ Việt Nam.
    Bẳng thủ pháp đồng hiện làm xương sống trong việc thể hiện nội dung – Đồng hiện ở mọi cấp độ, có cả Đồng hiện trong Đồng hiện, cùng với cách thức xây dựng nhân vật chủ yếu qua ngôn ngữ và giọng điệu phát ngôn để nhân vật hiện lên trước mắt người đọc; hai thủ pháp này được bổ sung thêm các trạng huống đối chọi đến mức chói gắt, tác giả đã tạo nên sức hấp dẫn đáng kể lôi kéo người đọc qua các trang tiểu thuyết “Mây vẫn bay về trời”.
    Khi tôi đang viết những dòng này thì nhận được điện thoại của nhà văn Hà Đình Cẩn. Ông vui vẻ báo tin đã bay từ Sài Gòn ra Bắc và đang sống ở quê. “Tôi vừa in xong tiểu thuyết “Rừng mặn” (NXB Quân đội) và đang in tiếp tập truyện ngắn “Người đánh xe của Hoc sĩ” ở NXB Hội nhà văn. Ông hỏi sao, tôi in mấy truyện ngắn dự thi ở báo Văn nghệ hả? Năm truyện. Đúng rồi, năm truyện cả thảy, tôi có nhiều lắm!”. Nói rồi Hà Đình Cẩn cười, tiếng cười trầm khàn lại vang trong tai tôi.
    Tuổi 80 mà viết và in nhiều như thế, cười vui như thế, giới văn chương đâu có nhiều người được như cây bút Văn xuôi miền đất cổ Trung du này?
      * Bây giờ, xin giới thiệu cây bút thứ ba trong “Tứ đại Văn nhân” của miền đất cổ: Nhà văn Xuân Mai.
     Nhà văn Xuân Mai, tên họ đầy đủ là Lê Xuân Mai, sinh ngày 06 tháng 01 năm 1945, người làng Ao Gỗ, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
     Cho đến nay, nhà văn Xuân Mai đã viết và in 17 tập truyện (trong đó có truyện vừa “Con trai người đi xa” và 16 tập truyện ngắn), 1 tập tản văn, 3 tập sách về sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, và môt tiểu thuyết. Đó tiểu thuyết “Người về chốn cũ” do NXB Văn hoc ấn hành tháng 5/ 2014.     Đây là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Xuân Mai tôi được đọc, và đọc rất kỹ, đọc từ bản thảo ông gửi cho. Quen biết nhau đã lâu, gặp lần đầu ở trường viết văn Nguyễn Du, lúc ông rời khóa 1 tôi vào khóa 2; ông về làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ tỉnh Vĩnh Phú, tôi bước vào đời sinh viên bận bịu học hành và sáng tác, thành ra mối quan hệ chỉ dừng ở bạn viết. Vậy mà chẳng hiểu có ai mách bảo hay tự ông tìm hiểu, mà ông tin cậy tôi, gọi điện bảo tôi chăm lo giúp ông để cái tiểu thuyết ông vừa viết xong đến được với bạn viết, bạn đọc gần xa. Bạn, nhất là bạn Văn chương, đã sở cậy thì phải làm thôi, làm hết sức mình để khỏi phụ lòng tin bạn gửi gắm. Có điều, tôi đã nghỉ hưu ở NXBLĐ, đã nhận phụ trách “Trung tâm khai thác bản thảo và tác quyền “của NXB Văn học, nhận làm bản thảo của nhà văn Xuân Mai thì đẹp rồi, nhưng… quả thật tôi có hơi e ngại khi mở đọc danh mục sách của ông đã xuất bản in trong “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội nhà văn in lần thứ 4, phát hành tháng 7/2010), thì chỉ thấy ông viết và xuất bản các tập truyện ngắn và ký, cùng với mấy tập nghiên cứu, sưu tầm Văn học dân gian, chứ ông chưa in một cuốn tiểu thuyết nào. Mà, ngắm đi ngắm lại tấm ảnh chân dung ông thì chỉ thấy hiển hiện một đôi mắt, một gương mặt hiền lành, phúc hậu. Danh mục ấy, chân dung tác giả này không của tạng tiểu thuyết. Nhưng thôi, cứ đọc đã, biết đâu…
    Tôi dẹp mọi suy đoán, lật trang bìa, bắt đầu đọc trang đầu của bản thảo tiểu thuyết “Người về chốn cũ”. Rồi tiếp trang 2, trang 3… Và ngày trôi qua lúc nào không biết nữa. Trong đầu cứ hiển hiện lên câu chuyện vợ chồng trẻ Trần Nguyên Án, con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi đời thứ bảy của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, vì lánh nạn tìm diệt dòng dõi nhà Trần của Hồ Quý Ly mà cùng vợ là Lê Thị Hoàn dạt lên đất Đa Cai, sống chờ thời. Rồi họ sinh được cậu con trai kháu khỉnh, mới hơn một tháng tuổi mà dài, rộng như con người ta ba, bốn tháng, tóc xanh ngần, miệng rộng, tai to, mắt sáng và xếch… Ba mươi tám năm sau, cậu bé có dung mạo khác thường ấy đã là vị quan đầu triều, với tước phong Tả tướng quốc khi Lê Lợi lên làm vua, xưng hiệu Thái tổ cao Hoàng đế. Đó chính là tướng quân Trần Nguyên Hãn, vị tướng hữu học thức, tinh binh pháp, lập những chiến công lừng lẫy đánh đuổi giặc Minh, lên đến tột đỉnh chức quan, góp phần quan trọng dựng lên nhà hậu Lê dài 354 năm, riêng thời Lê Sơ thực quyền của Lê Lợi và con cháu ông đã 99 năm. Nhưng cũng chính vị vua xuất thân hào trưởng này đã nghe theo bọn gian nịnh mà hãm hại các bậc khai quốc công thần, trong đó tiêu biểu là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Sau này, con Lê Lợi còn giết tiếp bậc Đại quân sư Nguyễn Trãi … Trước mắt tôi hiển hiện cảnh tượng ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Dậu (1429) tướng quân Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cùng đoàn gia thần, nội thủ và đồng chí hướng nhất loạt trầm mình lao cả đoàn thuyền xuống ghềnh Đông Hồ tự chết, với câu hỏi vang động đất trời: “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân. Nay việc lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lơi dèm pha mà hại tôi, Hoàng thiên có biết không?!”.
   Từ một câu văn ngắn gọn: “Tháng 2 này còn có việc bắt giết Trần Nguyên Hãn”, với lời dăn: xem “Cương mục chính biên” quyển 15, tờ 20 A, mà Xuân Mai viết nên 295 trang tiểu thuyết dã sử có sức cuốn hút tâm trí tôi suốt cả ngày trời. Chao ôi, ma lực văn chương! Nhà văn Xuân Mai thân mến ơi, cảm ơn và chúc mừng anh! Anh yên tâm nhé, tiểu thuyết “Người về chốn cũ” sẽ nhanh đến tay bạn đọc thôi.
    Bảy năm sau, tôi lại được nhà văn quê làng Ao Gỗ bên dòng sông Lô giao cho việc chăm sóc xuất bản cho ông một tập truyện ngắn, Đó là tập truyện“Gió chuyển mùa” mà ông bảo đó là tác phẩm Văn chương cuối cùng của Nghiệp văn ông gửi đến bạn viết và bạn đọc.
    Chỉ trong vòng hơn một tháng, “Gió chuyển mùa” với 23 truyện ngắn tâm huyết của nhà văn Xuân Mai viết hơn năm trời trong căn phòng lộng gió sông Lô đã ra mắt bạn đọc, trong niềm vui chung của ông và tôi. Bao chuyện hiện ra, vui có, buồn có, nhưng chuyện nghĩ ngợi thì nhiều hơn, về những miền quê đang bị cái gọi là “đô thị hóa” làm cho biến dạng, nhà hộp, nhà tầng cao dần lên nhưng tình làng, nghĩa xóm thì nhạt dần đi. Bấy nhiêu đổi thay gói ghém trong 266 trang chữ tâm huyết của nhà văn sinh ra, lớn lên ở một miền quê nghèo, ít của chìm, của nổi, nhiều ấm áp tình người suốt những tháng năm…
    Chợt nhớ, có lần tình cờ được thấy tấm hình anh lính Lê Xuân Mai thời mới mặc áo lính. Ối cha, đẹp như minh tinh màn bạc xứ Hàn! Mười chín tuổi đây, đang học lớp 9 phổ thông thì đăng lính nghĩa vụ quân sự. Lại văng vẳng bên tai tiếng ông bạn nhà văn già tâm sự qua Za lô: Số tôi thế mà may, đi lính nghĩa vụ lại thành ra “lính cậu”. Hơn mười tám năm quân ngũ thì hầu như ngồi gõ ma - níp bên máy thông tin 15 oát ở giữa thủ đô. Vì tôi được biên chế làm lính của đơn vị thông tin, phục vụ bộ tham mưu của Tổng cục Hậu cần. Có vài chuyến vào khu 4 để phục vụ Tổng cục trưởng Đinh Đức Thiện nên được đảm bảo rất an toàn. Mấy năm cuối đời quân ngũ, rời xa máy thông tin thì chờ rồi theo học khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du, cũng lại ở Hà Nội. Tôi được quân đội cho đi học viết văn, vì bấy nhiêu năm tôi mê mải viết báo rồi tập viết truyện, và được thưởng Giải A cuộc thi viết “Kỷ niệm sâu sắc” do Tổng cục Chính trị phát động. Các thủ trưởng lại thấy tôi chăm chỉ học hành. Những năm đóng quân ở thủ đô, tôi tranh thủ học Bổ túc văn hóa, thi tốt nghiệp cấp 3 đỗ loại giỏi, điểm đứng thứ hai Hội đồng thi. Vậy nên cho tôi vào học trường viết văn, các thủ trưởng rất yên tâm và bản thân tôi cũng yên tâm học tập để trang bị kiến thức văn chương và tích kinh nghiệm nghề viết cho mình. Tốt nghiệp khóa học, tôi được quân đội cho xuất ngũ với lon trung úy, về làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ quê hương Vĩnh Phú. Khi tỉnh tách làm hai tỉnh như cũ, tôi về chính quê Vĩnh Phúc làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ, kiêm thêm Chủ tịch Chi hội Nhà báo tỉnh nhà. Cuộc đời và Văn nghiệp của nhà văn Xuân Mai là thế. Xin chúc mừng ông.
    *  Cây bút thứ tư của “Tứ đại Văn nhân” Vĩnh Phúc là nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương.
         Khi tôi viết những dòng này thì nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã là tác giả của 1 trường ca, 3 tập truyện ngắn, 7 đầu sách tiểu thuyết, và hiện ông đang đưa in cùng lúc tập truyện ngắn thứ 4 với tên sách“Tháng ngày chưa xa” ở NXB Quân đội nhân dân và tiểu thuyết “Bảo vật để đời” ở NXB Công an. Như vậy, tính từ năm 2003 Nguyễn Nhuận Hồng Phương in tác phẩm đầu tay (Trường ca “Khúc hát Mê Linh”) đến năm nay (2025) ông in một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết, thì trong vòng 22 năm, nhà văn này đã in 13 đầu sách; bình quân cứ một năm, bảy tháng nhà văn lại có một đầu sách gửi đến bạn đọc. Đáng chú ý, năm 2006 ông viết và in xong 2 tiểu thuyết (“Phá sản” và “Vận may”). Và năm 2025 này ông có một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết cùng rời xưởng in về với các kệ sách gần xa… (Ấy là chưa kể kịch bản 20 tập phim truyện truyền hình ông chuyển thể từ tiểu thuyết “Vận may” của chính ông).
    Một sức vóc cầm bút có cường độ và hiệu quả như thế, nên chỉ sau 3 năm xuất hiện trên Văn đàn, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, xứng đáng có tên trong “Tứ đại Văn nhân” của miền quê Vĩnh Phúc. (Trong khi người viết bài này, khoảng cách thời gian ấy mất đến 30 năm –từ 1961 in bài thơ đầu tay khi đang học kỳ 1 lớp 9 phổ thông, mà quý III năm 1990 mới thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mới hay con đường Văn chương lắm hình nhiều vẻ với người cầm bút như thế nào!).

 tudaivannhan
  1. Cây bút tiểu thuyết bền bỉ, vững vàng
     Tiểu thuyết – một thể loại văn xuôi đặc biệt, nhà văn lừng danh Sô – lô – khốp của Liên Xô được trao Giải thưởng Nô – ben về Văn học, ví như vũ khí trọng pháo của quân đội. Còn ở Việt Nam ta, nhà văn Ma Văn Kháng, cây bút Văn xuôi thuộc đẳng cấp đầu bảng của Văn học Việt Nam đương đại, thì khẳng định: Nếu chưa viết được tiểu thuyết thật sự là tiểu thuyết, nghĩa là một tiểu thuyết có chất lượng cả về nội dung sâu sắc và nghệ thuật hấp dẫn, được bạn viết và bạn đọc cùng công nhận, thì có nghĩa cây bút đó chưa phải là một nhà văn đích thực! Ông viết rõ ý này trước hết là tự dặn mình, sau khi được nhận Giải thưởng cao tại cuộc thi Truyện ngắn của báo Văn nghệ, đã in được hai tập truyện ngắn, và cả khi đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chỉ sau khi dành ra ngót chục năm trời để viết và in trọn vẹn bộ tiểu thuyết sử thi hai tập mang tên “Đồng bạc trắng hoa xòe” và “Vùng biên ải” dày ngàn rưỡi trang in, bấy giờ ông mới thở phào tin rằng mình thật sự là Nhà văn!
    Vì sao Tiểu thuyết được các nhà văn xem trọng đến thế? Là vì, Tiểu thuyết, cho dù chỉ là một tập không nhiều trang chữ, hay gồm nhiều tập thành bộ sách dày dặn tời ngàn trang in, đều thông qua số phận các nhân vật phản ánh hiện thực xã hội của các nhân vật đó sống, nổi bật giá trị Nhân văn sâu sắc, đồng thời còn phải làm được việc dự báo đường hướng đi tới của xã hội đó. Mà, muốn đạt được thế, Nhà văn phải có vốn sống phong phú, nhiều trải nghiệm những cảnh đời và những mẫu người. Lại phải có vốn tri thức văn hóa, và nhất là vốn ngôn ngữ tích cóp được từ đời sống và sách vở càng dày dặn càng tốt. Cuối cùng là, người viết tiểu thuyết phải có gan dám nghĩ, dám làm!
     Chính vì Tiểu thuyết đòi hỏi người viết có nhiều vốn liếng như thế nên mới có chuyện người viết được tiểu thuyết không nhiều, và không phải Nhà văn nào cũng dám dấn thân viết tiểu thuyết, và cũng viết được tiểu thuyết.
    Tôi viết những điều trên đây hoàn toàn không phải chỉ viết theo lý thuyết sách vở, mà chính từ trải nghiệm sau những năm tháng cầm bút của bản thân tôi. Năm 1986 tôi viết và in tập truyện ngắn đầu tay “Chiều hè oi ả” (NXB Lao động), thì năm 1987 tôi viết tập truyện ngắn thứ hai “Những mảnh đời khác nhau” (NXB Tác phẩm mới), đồng thời tôi cũng viết và in xong tiểu thuyết đầu tay “Dưới tán rừng lặng lẽ” (NXB Lao động). Bảy năm tiếp theo, tôi xuất bản thêm một tập truyện ngắn “Đừng vô tình chuyện đó” (NXB Lao động) và 9 tiểu thuyết. Với trải nghiệm đủ sự vất vả, nhọc nhằn của nghiệp cầm bút, đặc biệt là viết và xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết, đủ giúp tôi đúc rút ra những điều vừa bộc bạch, san sẻ, và tôi rất đồng cảm với tình cảm quý mến đối với Nguyễn Nhuận Hồng Phương, người nhập Nghiệp Văn chương sau tôi 42 năm, nhưng đã có bước tiến chóng mặt trên đường văn, nhất là lĩnh vực Tiểu thuyết. Theo thống kê đã công bố ở phần trên, xin nhắc lại lần nữa: Sau 22 năm theo nghiệp cầm bút, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã viết và đưa in: 13 đầu sách, gồm 1 trường ca, 4 tập truyện ngắn và 8 tiểu thuyết. Và như vậy, là em út cả tuổi đời và tuổi nghề trong nghiệp Văn chương, nhưng với 8 tiểu thuyết đã xuất bản, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã vượt qua ba ông nhà văn đàn anh, thành “anh cả” trong việc sáng tạo tiểu thuyết, “thể loại trọng pháo của Văn học” theo quan niệm của nhà văn Sô – lô – khốp, và xứng đáng là một Nhà văn đích thực - theo suy nghĩ của nhà văn Ma Văn Kháng.
    Sẽ có người đặt câu hỏi: Viết và in nhiều tiểu thuyết như thế, nhưng vấn đề chất lượng các tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương thế nào?
   Về vấn đền này, tại diễn đàn Hội thảo Văn xuôi Vĩnh Phúc lần thứ nhất tổ chức năm 2014, tôi đã có dịp trình bày về những thành công rất đáng ghi nhận trong các tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương, nổi bật nhất là tiểu thuyết đầu tay “Đồng vọng ngược chiều”. Đây là cuốn tiểu thuyết kể về những diễn biến của xã hội suốt mấy chục năm – từ Cách mạng tháng 8/1945 cho đến năm 1986 khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới. Đây cũng chính là mấy chục năm cuộc đời Nguyễn Thừa – nhân vật chính của tiểu thuyết – từ lúc nằm trong bụng mẹ đến khi trở thành Nhà báo nổi tiếng của thời Đổi mới. Cái hay, cái lạ của tiểu thuyết này là vậy, viết về cả cuộc đời của nhân vật, qua thủ pháp Đồng hiện, gợi ta nhớ tới tiểu thuyết “Pi – e đại đế” của Văn hào A – lếch – xây – tôn - stôi. Đáng chú ý nữa, đây là tiểu thuyết đầu tay, và là một tiểu thuyết không có một cốt truyện có thể kể, để lôi kéo người đọc mà vẫn hấp dẫn, vẫn bắt người ta đọc đến trang cuối của tiểu thuyết.
    Tiểu thuyết thứ hai tạo được dấu ấn của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương là tiểu thuyết “Nền móng”. Quyển sách này vượt qua các tiểu thuyết “Phá sản”, “Phố thị”, “Vận may”, “Ngoài vòng tay của Chúa”. Nó cũng nhỉnh hơn cả “Tấn kịch ở Hạ Lỗi” cả về vấn đề cuốn sách đề cập, và nhất là bút pháp cùng các thủ pháp nghệ thuật được nhà văn sử dụng. Mừng cho Hồng Phương, tôi đã hào hứng viết một tiểu luận về cuốn sánh này (xin đọc “Dấu son mới của một Nghiệp văn” in trên Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc; báo Văn nghệ, và trong cuốn chân dung các Văn – Nghệ sĩ “Những trang sách – Những cuộc đời” (trang 121 – 130 NXB Lao động quý I/2024).
     Vậy đấy, vượt bao vất vả, nhọc nhằn, nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã quyết đi vào thế giới Tiểu thuyết để có được gặt hái thành công. Tôi nhớ mãi ngày anh về quê gốc làng Lệ Mật ngoại thành Hà Nội, cùng con cháu vào nhà thờ họ để quỳ trước ban thờ Tiên Tổ, hai tay thành kính run run dâng cao quyển tiểu thuyết”Đồng vọng ngược chiều” kính cáo cùng các bậc tiền nhân của phả tộc, rằng anh, con cháu dòng họ Nguyễn làng Lệ Mật chỉ chuyên nghề bắt rắn và kinh doanh thịt rắn, đã chính thức đặt chân vào Con Đường Văn Chương, và hứa với Tổ Tiên sẽ dấn thân vào cái Nghiệp cao quý và thiêng liêng này đến trọn đời! Buổi dâng lễ ấy cũng chứng tỏ Nguyễn Nhuận Hồng Phương xem trọng thể loại Tiểu thuyết thế nào. Chẳng trách anh bền bỉ, gắn bó với Tiểu thuyết như thế và có được thành công đến thế. Trong “Tứ đại Văn nhân” Vĩnh Phúc, anh là người đến sau, là em út, nhưng với 8 đầu sách tiểu thuyết, Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã vượt lên thành Nhà văn dẫn đầu bộ tứ ở thể loại quan trọng bậc nhất này!
  1. Những “Bộ tứ Văn chương” mới?
    Văn xuôi Vĩnh Phúc, từ ngày tái lập tỉnh, qua Tạp chí “Văn nghệ Vĩnh Phúc” và các báo chí Trung ương, người đọc trong và ngoài tỉnh vui mừng thấy đội ngũ viết Văn xuôi của miền đất cổ Trung du ngày càng đông đảo và trẻ hóa. Người viết ký, người viết truyện, không chỉ in trên báo và tạp chí, một số tác giả đã trình làng những quyển sách đầu tay. Tác giả Phùng Kim Trọng đã có những tập truyện và tiểu thuyết ra mắt độc giả. Cùng anh là một đội ngũ người cầm bút nhiều lứa tuổi: Từ nhà báo Thanh Vĩnh – Nguyên Phó chủ tịch – Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc – đến các cây bút trong Chi hội Văn xuôi của Hội, như: Tác giả Lã Thế Khanh, Hương Nghĩa, Văn Đãng, Minh Trần Hải, Đỗ Hà, Thimitrang, Nguyễn Tạ Vĩnh Hà… Chợt sáng lên trong tôi một tên tuổi: Nhà thơ Hải Thanh. Tôi đã được đọc hai tập Tản văn của anh “Nhà sau lưng phố” và “Tự dưng buồn cười”. Hai tác phẩm văn xuôi gợi nhiều điều suy ngẫm cả về nội dung và thể loại – Nhất là thể loại. Người đọc có dịp thưởng thức những trích đoạn thơ đặc sắc những bài thơ văn xuôi hay và đúng nghĩa, những ghi chép và bút ký đậm chất văn, cả những truyện mi ni và những lời bình sắc sảo… Tất cả có trong hai tập tản văn này.
   Ngắm lại danh sánh những “Người Văn” sinh ra, lớn lên, đang sống và viết về mảnh đất và con người trên miền Trung du giàu truyền thống văn hóa, đã sản sinh ra “Tứ đại Văn nhân” viết văn xuôi của Văn chương Vĩnh Phúc đương đại, trong đầu tôi bỗng hiện lên một câu hỏi ước ao: Bao giờ… bao giờ Văn xuôi miền đất Trung du này lại có “Tứ đại Văn nhân” mới, để chúng ta lại có dịp gặp nhau cùng hào hứng bàn luận về họ và tác phẩm của họ?!
 
                                       Khương Đình – Hà Nội 18h ngày 10/2/2025
                                                                           P.N.C  
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 163
Trong tuần: 706
Lượt truy cập: 500317
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông