Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

PHÁT BIỂU CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI

Nguyễn Thị Mai

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHÀ VĂN CÓ NHỮNG CUỐN SÁCH CHẤT LƯỢNG CAO VÀ ĐÁNG ĐỌC
  1. Thực trạng chung về tình hình đọc sách giấy hiện nay ở Việt Nam
Chúng ta đang sống trong thời đại mà nền công nghệ thông tin phát triển vượt bậc bởi cường độ và tốc độ chưa từng thấy. Từ thiết bị mạng 2G, ta đã có đến mạng 5G. Hiện nay“Việt Nam đang đứng top 5 nước đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G, sau Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc” (CT Tập đoàn Viettel)
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng 99% dân số và sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng 6G.
Từ thành tựu này, người dân qua các thiết bị điện thoại, điện tử đã được hưởng thụ thỏa mãn về tin tức, đáp ứng mọi nhu cầu kiến thức cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, y tế, thể thao, giải trí và cả thương mại… trong đó nhu cầu thưởng thức văn chương cũng khá nhiều và thu hút một lực lượng người đọc đông đảo. Tuy nhiên, hình thức đọc ấy là đọc trên trang mạng chứ không phải đọc trên trang sách giấy.
Cho nên việc đọc sách giấy với tất cả lĩnh vực kiến thức, ở Việt Nam còn quá ít, càng ngày càng ít. Theo một khảo sát được công bố, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách giấy thường xuyên, 44% thỉnh thoảng đọc sách và 26% không đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường công bố. Hỏi: việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu? có 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là thời gian rỗi đọc sách.
  1. Vì sao thời đại càng hiện đại, con người càng ít đọc sách giấy?
- Nguyên nhân rõ nhất là vì con người được tiếp cận với mạng intenet. Vào mạng Internét, đọc được mọi kiến thức và đọc rất nhanh, rất thuận tiện, đọc mọi nơi, mọi lúc và đọc rất rẻ…
- Thứ đến là do đặc điểm của sách giấy không còn phù hợp nữa. Chưa bao giờ sách giấy nhiều như bây giờ, vô khối các loại chứ không khan hiếm như thời bao cấp. Nhưng sách giấy ít người đọc bởi phải mua đắt tiền, phải lưu trữ phức tạp và cồng kềnh, bảo quản khó khăn. Không thuận tiện đọc mọi nơi mọi chỗ, mọi lúc như đọc mạng... nên nó không còn phù hợp nhiều với người đọc.
-Tiếp nữa: Sách giấy bị lẫn lộn giá trị đích thực, nhiều khi hình thức sách quá đẹp và hấp dẫn nhưng nội dung chẳng có gì khiến người đọc mất lòng tin nhiều.
-Tiếp nữa: Do quá nhiều sách (được tặng, biếu, quà, được phát và nhiều khi bị mua), nên không có thời gian đọc hết tất cả và không phân biệt được sách nào có gía trị, sách nào không có giá trị để lựa chọn cuốn sách có ý nghĩa với mình.
-Lý do nữa là sách giấy hiện nay được thoải mái in ấn đủ mọi vấn đề xã hội, không bị kiểm duyệt gắt gao nên sách tràn lan trên quầy sách, tràn lan đến tay người đọc miễn phí. Mà phần lớn là sách ít có giá trị nội dung khiến người đọc vừa không có thời gian đọc hết, vừa coi thường rẻ rúm, càng nghi ngờ giá trị sách nên họ không đọc. (Đó là trừ số người không thích đọc sách bao giờ)
-Thời gian vốn hữu hạn với con người. Họ mất nhiều thời gian cho đọc mạng Internet, xem phim, đi chơi, đi du lịch thể thao, sinh hoạt cuộc sống và hưởng thụ nhiều thứ khác… nên không còn nhiều thời gian cho đọc sách giấy. Vì thế sách giấy cứ ùn cả đống, không thể đọc hết. 
  1. Để cứu vãn tình thế trên, có ba đối tượng nhất thiết phải điều chỉnh và tham gia vào sự đọc của xã hội. Đó là Nhà văn, Nhà xuất bản và Nhà in.
a.Nhà văn (người viết nói chung): Phải sáng tạo đích thực và nghiêm túc. Cuốn sách viết ra phải có ý nghĩa nhiều tới đời sống của công chúng, phải góp phần làm thay đổi lối sống con người, thay đổi bộ mặt xã hội hướng tới chân thiện mỹ, chống cái ác và cái xấu xa. Góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Đồng thời người viết cũng phải có tài năng về nghệ thuật để thu hút người đọc.
 
Nhưng rất tiếc là hiện nay quá nhiều người viết kém tài năng, viết không hay, không hấp dẫn, không có tầm… nhưng vì ham danh tiếng, ham vị trí, cần khoe mẽ, cần chia sẻ tâm tư cá nhân, thích tuyên truyền giáo dục hoặc thích chơi sách, đặc biệt nhiều người thương mại hóa sách… nên họ đầu tư tiền in sách, cốt để có đầu sách ra mắt khoe bạn đọc… vì thế sách không có chất lượng. Nhà LL phê bình PGS.TS Trần Thị Trâm trong 1 cuộc tọa đàm văn học đã phải kêu lên “Các tác giả hãy tự trọng để trở thành nhà văn hóa đích thực” để tác phẩm chạm đến trái tim bạn đọc”.
Ngược lại, những nhà văn có tài, viết hay được bạn đọc hâm mộ thì không có tài chính để in sách, cứ trông chờ vào sự tài trợ của ngân sách hoặc sự giúp đỡ của NXB, của Nhà sách nên sách có giá trị  không tới tay người đọc.
  1. Nhà xuất bản. Đây là người canh giữ nội dung tư tưởng cuốn sách – nâng đỡ cuốn sách ra đời về nội dung. Nhưng hiện nay do cơ chế mở cửa, không còn chế độ bao cấp, các NXB từ Trung ương đến địa phương và muôn ngành nghề lập ra. Các NXB được tự do phát triển thị trường dịch vụ để tồn tại. Nên việc kiểm duyệt nội dung, cấp giấy phép phát hành khá dễ dãi. Càng cấp được nhiều giấy phép để thu tiền càng tốt chỉ cần nội dung bản thảo không tuyên truyền bạo lực, secxy, phản động, không vi phạm pháp luật và nộp tiền theo quy định là được cấp giấy phép. Vì thế rất nhiều chuyện ngôn tình, chuyện phản giáo dục, truyện tranh có ảnh sex, sách không có chất lượng nội dung… vẫn được cấp phép in thoải mái.Tại hội thảo thơ ngày thơ Nguyên tiêu 2023, có một nhà văn đã phát biểu: “Thơ hiện nay được in ra quá nhiều, với chất lượng “bị nhiều người rất kêu ca”. “Vấn đề đó có lẽ chỉ có thể giải quyết được bằng thẩm định xuất bản. Chúng ta đã cấp phép tràn lan quá nhiều và mọi người được tự do ngôn luận nghĩa là hoàn toàn có quyền bỏ tiền ra để in. Phần nào làm cho mặt bằng thơ ta hiện nay đang trở nên rất rối loạn, ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà thơ chuyên nghiệp. Đôi khi họ bị đánh đồng chất lượng với những thơ tự in ở đâu đó”.
Có nhà Lý luận phê bình nói thẳng:  “Một số NXB, ấn phẩm hiện nay thiếu một số điều quan trọng là tính kỷ luật và sự tự trọng. Các nước phương Tây có những NXB mà ai được in một tập thơ ở đấy danh giá cả đời. Ở ta phần lớn các NXB cứ bán giấy phép, rất là gay”.
Ngược lại rất nhiều bản thảo có giá trị nhưng người viết không có tiền đóng phí xin giấy phép và in ấn nên sách không thể in ra được. Và cũng có NXB xét nét kỹ quá, hoặc trình độ thẩm định của người biên tập kém nên đã bỏ qua nhiều tác phẩm hay.
  1. Nhà in. Nhà in cũng theo cơ chế thị trường nên được cấp phép hoạt động in ấn như một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ nhân dân. Hiện nay có rất nhiều nhà in, xưởng in mọc lên như nấm. Vì vậy họ có quyền tổ chức sản xuất cạnh tranh. Vì để tồn tại nên họ rất cần lực lượng viết nhiều và Nhà xuất bản cấp phép in nhiều. Với lực lượng viết, Nhà in coi là đối tác sản xuất nên cần đông đảo để có nhiều bản thảo được in. Nhưng do không phải kiểm duyệt nội dung sách, chỉ cần có giấy phép của NXB nên Nhà in thoải mái in theo yêu cầu của tác giả về số lượng mà không sợ phạm pháp vì đã có Nhà Xuất bản chịu trách nhiệm về nội dung. Kết quả là xảy ra nhiều tình trạng: sách rất đẹp, hấp dẫn về hình thức nhưng không thu hút nội dung; sách in số lượng bao nhiêu cũng được, sách in giá thành rất cao mà không bán được. Nhiều tác giả tài năng viết sách hay mà không chọn được nhà in đẹp, hoặc vì nghèo mà chọn nhà in rẻ tiền khiến sách rất xấu không hấp dẫn nên bị người đọc bỏ qua.
Ba đối tượng trên đã góp phần không nhỏ vào tình trạng ra sách và đọc sách hiện nay nhất là đối với bạn đọc trẻ.
  1. Mối quan hệ giữa người viết, Nhà xuất bản, Nhà in và những đề xuất cần thiết để hoạt động bền vững giúp nâng cao chất lượng cuốn sách
  2. Về mối quan hệ.
Nhà văn, NXB và Nhà in là 3 đối tượng luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau trong thời đại hôm nay. Đây là mối quan hệ cần thiết, tất yếu bởi nó rất biện chứng và logic. Nếu quan hệ chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên thì chắc chắn sự tồn tại của mỗi đối tác sẽ bền vững đồng thời luôn cho ra đời những tác phẩm hay phục vụ mục đích chân chính.
Nếu không có mối quan hệ gắn kết thì sẽ dẫn đến tình trạng: tác giả viết xong tác phẩm, tự đi xin giấy phép và tìm nhà in. Tâm lý và hoàn cảnh luôn khiến họ phải tìm nơi rẻ, dễ dãi và nhanh chóng.Kết quả là cho ra đời cuốn sách khó có đông bạn đọc. Trong khi đó Nhà xuất bản và Nhà in thì luôn chờ bản thảo của tác giả. Bản thảo có nhiều hay ít, đến lúc nào, đến ra sao? đang trôi nổi ở đâu?  Hoàn toàn NXB và Nhà in không biết và luôn bị động kế hoạch sản xuất.
Như vậy, NXB và Nhà in muốn có kế hoạch sản xuất chủ động, có hoạt động bền vững dài lâu, có uy tín cao phải có thông tin về lực lượng viết và khối lượng bản thảo của họ. Phải gắn kết với lực lượng viết sách. Vì lực lượng ấy làm nên sự tồn tại của NXB và Nhà in và ngược lại có NXB, Nhà in thì sách mới ra đời và đảm bảo danh phận cho nhà văn (Người viết).
Còn Nhà in muốn sản xuất lâu dài ổn định phải có đối tác đông đảo thường xuyên và rất tin tưởng nhà in mình. Đồng thời phải đáp ứng mong muốn của tác giả về Nhà xuất bản mà họ tin cậy. Và Nhà in không thể thiếu giấy phép để in ấn. Nhà in mà in sách không có giấy phép là vi phạm pháp luật, là in lậu, là dẫn đến tình trạng phá sản.
Vì không có mối liên kết giữa 3 đối tượng nên hiện nay có tình trạng những cá nhân hoặc một nhóm người đứng ra nhận in sách cho nhà văn. Những cá nhân này nhận bản thảo rồi tự tìm NXB và Nhà in để in ra sách. Kết quả là họ được hưởng lợi tiền chênh lệch của cả ba đối tượng và cả 3 đối tượng đều bị thiệt thòi.
  1. Những đề xuất (có 7 ý)
- Nhà văn, Nhà xuất  bản và Nhà in phải luôn xác định mối liên kết cần thiết, gắn bó với nhau và phải có chiến lược hoặc kế hoạch lâu dài với nhau bằng một văn bản giao kèo rõ ràng.
- Nhà văn nên chọn NXB và Nhà in có uy tín, có chất lượng nhưng trước hết bản thân phải viết chất lượng. Không nên vì rẻ tiền hoặc muốn dễ dãi, làm nhanh mà cho ra đời cuốn sách dở.
- NXB nên biên tập kỹ càng, tránh để bản thảo vi phạm những điều cấm kỵ, không nên vì thu nhập nhiều mà cấp giấy phép ồ ạt, tuyệt đối phải giữ uy tín, không cấp phép những bản thảo kém chất lượng, viết vô bổ, viết câu viu người đọc. Muốn vậy phải có đội ngũ biên tập có trình độ để soi xét và canh giữ bản thảo cho chuẩn mực. Đồng thời cũng liên kết với Nhà in có uy tín để giới thiệu tác giả đưa bản thảo đến in.
-Còn Nhà in phải luôn gắn kết chặt chẽ với Nhà xuất bản và tác giả. Phải có chiến lược truyền thông rộng rãi theo định kỳ, cần gắn kết với Hội Nhà văn hoặc các tổ chức liên quan đến tuyên truyền giáo dục, đến sự đọc, đến sách vở báo chí…
- NXB và Nhà in nên phối hợp với tác giả tổ chức Chương trình giới thiệu những cuốn sách hay, in đẹp, mời người đọc đến dự vừa nghe giới thiệu nội dung sách vừa chiêm ngưỡng sách.
- Hoặc phối hợp tổ chức triển lãm sách đẹp, sách xuất sắc hàng năm. Tại đây Nhà in cần giới thiệu thêm các loại giấy in, các kiểu chữ in, các kiểu bìa sách… để bạn đọc tham khảo. Và cũng có thể  mời tác giả có sách đó bán sách tại triển lãm
- Nhà xuất bản và Nhà in nên có chương trình khuyến mãi với các đối tượng tác giả trong những dịp cần thiết. Ví dụ tháng 3 ưu tiên giảm tiền in sách cho tác giả nữ, Ngày thơ VN, giảm tiền in thơ cho các bản thảo thơ hoặc in sách thiếu nhi được giảm sâu, hoặc các tác giả có khó khăn được trừ phần trăm khi in sách hoặc phí cấp phép…Tóm lại luôn có chương trình động viên khuyến khích hỗ trợ tác giả bằng việc giảm giá in, giá giấy phép.
  1. Một số cảm nhận khi đi tham quan Công ty in Thanh Bình.
Là Công ty TNHH được nhà nước cấp phép sản xuất in ấn hàng mấy chục năm nay. Ở đây có 2 nhà xưởng lớn nằm trên diện tích khoảng 5 nghìn mét vuông. Mỗi nhà xưởng đều được trang bị máy móc hiện đại phục vụ tất cả quy trình làm ra một cuốn sách và luôn làm việc liên tục. Các phòng ban, nhà xưởng đều khang trang, quy mô, quy củ và đầy đủ tiện nghi cho công nhân làm việc. Nhà máy được chia làm các khu vực riêng. Nơi in sách dự án, nơi in sách bìa cứng, nơi in sách thường, nơi in bìa, nơi khâu, nơi ghép bìa… mỗi cuốn sách đi theo một dây truyền thứ tự từng công đoạn không rối ren sai sót bao giờ. Rồi phòng thiết kế, phòng truyền thông, phòng kinh doanh… và có cả phòng trưng bày các cuốn sách rất đẹp và quý hiếm.
Nơi đây cũng in rất nhiều sách của Nhà xuất bản Chính trị và Sự thật với nhiều cuốn gần nghìn trang, bìa cứng bọc vải, in chữ vàng nổi. Có cả những bộ sách đồ sộ dày dặn về những vấn đề lý luận xây dựng Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chứng tỏ Nhà in Thanh Bình là nhà in rất có uy tín với Trung ương.
Các công nhân nhà in làm việc cần cù, cẩn thận, rất có trách nhiệm với cuốn sách in ra. Họ thường xuyên phải làm thêm giờ vì bản thảo quá nhiều, chứng tỏ Nhà in được nhiều cá nhân, tổ chức tín nhiệm đến in tác phẩm.
Đi trong không khí sản xuất hối hả,bận rộn, trong không gian bề bộn máy móc tự động hóa hiện đại và sách các loại đang in đẹp mắt vô cùng, chúng tôi cảm thấy bị thu hút thực sự.
Với cách làm việc, tiếp khách, tiếp tác giả, tiếp tác phẩm như lãnh đạo và công nhân ở Nhà in Thanh Bình, tôi tin rằng Nhà in sẽ được nhiều tác giả hâm mộ, tin yêu và gửi gắm đỡ đầu cho những đứa con tinh thần của họ.
Không tin, xin mời các bạn hãy một lần đến tham quan Công ty in Thanh Bình để xem họ có xứng đáng không.
                                                      Thanh Xuân, tháng 4. 2025
                                                                     N.T.M


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 20
Trong ngày: 155
Trong tuần: 699
Lượt truy cập: 500308
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông