Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

LẦN TRỞ LẠI MO SO

Nhật Hồng
 
LẦN TRỞ LẠI MO SO (Truyện ký)

    Xe rẽ về hướng Hòn Đất một đổi, anh Bảy nhìn ra cửa xe nói: “Mới ra giêng gió sớm còn mơn mang như thì con gái, nắng háo hức như thì con trai. Nghĩ cũng ngộ! Cái thời ấy, một chút tình cảm thôi, cũng đẹp đến vô cùng.”
Tôi nhìn anh, anh nhìn mây trắng và những cái núm chóp bóng núi tận phía
xa.
Anh Bảy nói:
-Đó! Mò So đó! Đầy hang động, có những hang rộng chứa cả tiểu đòan. Một bên là biển mênh mông, bên này đồng cỏ năn trống hoang hoác xen lẫn với một ít rừng tràm thưa, nếu không có những hang động làm sao cách mạng bám trụ ở vùng đất Tây Nam của Tổ quốc này! Hòn Quéo, Hòn Me, Hòn Đất… đã chở che cho những người con dân đầu trần chân đất viết lên trang sử hào hùng trên vùng quê thân yêu ở biển Tây Nam!
Tôi gợi ý với anh Bảy:
-Anh có thể kể một vài chuyện tình của anh khi xưa cho tụi em nghe được không?
Anh Bảy trả lời không một chút do dự:
-Nói đúng ra, lúc ấy các anh là con trai mới lớn ở vào lứa tuổi đang yêu. Nhưng chưa yêu cô gái nào hết. Trừ trong tâm hồn mỗi đứa có giữ bóng hồng nào thì không biết! Chớ trên thực tế thì không! Vì tụi anh không thể nào giấu diếm với nhau được điều gì bởi xung quanh chỉ có đá núi trơ trọi cùng với bom đạn chết chóc thường bữa, giấu nhau để làm gì! Cả đến mụn lác vừa mới mọc ở kẹt háng cũng kể nhau nghe.
Anh Bảy trầm ngâm một lúc lâu mới nói:
-Ai mà không có tình yêu trai gái nhất là ở lứa tuổi trẻ, nhưng mà thời gian đâu mà yêu, đâu mà mơ mộng. Đánh, phòng thủ với giặc ngay trong giấc ngủ cả đến việc đi tiểu tiện cũng phải hết sức đề cao cảnh giác.
screenshot_2230Anh như sống về quá khứ, nói:
-Địa hình, phong cảnh bây giờ có thay đổi đôi chút, như con đường tráng nhựa vô Mò So và nhiều con kinh đào lấy đất đắp đường… Nhưng trời mây vẫn như cũ. Từ ở cửa hang nhìn qua bên kia là núi Mây-xưa gọi như vậy!
-Khoảng cách trong tầm mắt mà đầy tử sinh. Trong hang chứa trên hai trăm con người nhiều bộ phận cơ quan khác nhau. Lúc bây giờ tôi được phân công “gác pháo”. Bên kia hang núi giặc đặt hai khẩu pháo một trăm lẻ năm, chúng thường xuyên hạ nòng bắn thẳng vào cửa hang bên này. Nếu biết trước khi chúng bắn mình báo động cho anh em trú ẩn thì mức độ sát thương không đáng kể, vô hại. Còn ngược lại, thì sự hy sinh không thể ngờ được. Vì trong hang có Bệnh viện nhiều cơ quan trú đóng. Dựa vào địa hình hiểm trở và sự khéo léo gan dạ của các đồng chí đã đánh trả nhiều đợt tấn công của giặc rất qui mô có kết hợp phi cơ, pháo binh, xe thiết giáp, bộ binh …nhưng nhiều phen làm cho chúng thất bại nặng nề. Vì thế, chúng điên cuồng ném đủ các loại bom: bom nổ chậm, bom râu, bom bi, bom ép, phá công sự…Vô cùng thâm độc, ngõ hầu làm suy yếu cơ sở cách mạng. Ngoài những cách ném bom chúng còn tổ chức nhiều toán trinh sát đánh vào, từng cấp trung đội, tiểu đoàn nhưng không thể vào được vì trận địa vô cùng bí hiểm. Không để yên chúng còn hạ nòng hai khẩu đại bát bắn cầm canh cho ta ăn ngủ không yên.
   Ngày đầu tôi được phân công “gác pháo” ngồi cửa hang căng hai con mắt nhìn về núi Mây. Mây trắng xoá rập rờn trên nền trời xanh, nhìn đến mỏi con mắt không phát hiện ra điều gì ngoài những tiếng nổ đinh tai nhức óc của đạn pháo ngay miệng cửa hang làm tung toé thịt da người, cùng với những ánh mắt lặng lẽ cúi đầu tiễn đưa đồng chí mình vừa hy sinh. Quái ác hơn, có những trái đạn chui sâu vào cửa hang nổ rền, âm vang lắng xa hun hút tận thịt xương của chân núi đá vôi. Sự chết chóc ấy từ phía bên núi Mây đưa sang cứ tiếp diễn ngày ngày không một dấu hiệu báo trước. Đôi khi đang yên lặng như tờ, nghe rõ mồn một tiếng con tắc kè chậc lưỡi trên hốc đá, tiếng chim hót trên chót vót ngọn núi, bỗng một tiếng nổ đinh tai ở cửa miệng hang. Chỉ duy nhứt một tiếng, cánh tụi tui cho là “pháo đĩ.” Những trái pháo đó không nằm trong yêu cầu lệnh lạc cấp trên của chúng, mà do lệnh của mấy ả gái đĩ rước vô giải khuây cho bọn lính. Buồn hết chuyện chơi nên mấy ả buộc các anh chàng bỏ đạn vào nòng súng bắn khơi khơi coi chơi. Khơi khơi mà vô cùng nguy hại. Hôm đó, có cuộc họp đang diễn ra bên trong cửa hang khoảng hai mươi cán bộ lãnh đạo. Bỗng trái đạn khơi khơi như cục lửa bay vào rớt bên cuộc họp, không ai lệnh cho ai, đồng chí Năm Thành lúc bây giờ là cơ sở ở Mo So nhanh như con sóc ôm trái đạn chạy như bay ra cửa hang. Trái đạn lép, bụng và đôi tay anh bị phỏng vun lên như bánh phồng nướng. Nhìn bụng tay anh bỏng đồng chí chỉ huy hỏi: “Động cơ nào mà đồng chi liều lĩnh như vậy?” “Trái đạn nổ sẽ làm nhiều nguời thương vong, thà tôi hy sinh một mình cho các đồng chí ấy sống tiếp tục chiến đấu!”. Năm Thành giờ còn sống ở Thị Xã Hà Tiên.
Anh Bảy nói tiếp:
-Từ những trái pháo mà tôi còn phân biệt, pháo đĩ, pháo bầy… bên kia núi Mây ngày ngày vẫn tiếp diễn. Một hôm tôi phát hiện ra một qui luật là lạ. Cứ những cái chấm đen nho xíu như con kiến hôi di chuyển ra địa điểm hai khẩu pháo thì một chút có tiếng đường đạn rít trong không khí nổ ngay cửa hang, không xê. Nắm qui luật đó tôi báo động cho anh em không xê dịch. Và tôi chết danh với cái tên lính “gác pháo”. Và cũng từ đó những trái đạn ở núi Mây không còn là mối hiểm hoạ bất ngờ. Lâu lâu vắng nó cũng thấy buồn. Tôi nhớ hoài một sáng nọ, tốp chị em thanh niên xung phong tụ tập ở cửa hang chuẩn bị đi công tác, tôi bỗng phát hiện có kiến hôi bò ra, báo động khẩn cấp
kịp lúc các chị em trú ẩn thì những trái pháo nổ vang rền cửa hang. Sau những trái đạn nổ là sự bình yên trở lại, tôi đi qua cửa hang lượm được chiếc kẹp tóc bằng đồi mồi, biết là của số chị em trong bộ phận nào đó, mà không rõ cụ thể của ai? Sau những buổi tiếp cận với chị em, tôi nhận ra trong số chị em ấy có người tóc dài chắm mông, đôi mắt sáng, nụ cười dễ mến. Có lẽ, đây là chủ nhân của chiếc kẹp đồi mồi-tôi đoán như vậy! Vì chiếc kẹp có độ hở rộng chứng tỏ tóc người này nhiều lắm! Việc thứ hai, tôi nhận ra ai cũng có chiếc kẹp trên đầu, còn cô gái này buộc tóc bằng miếng vải màu nâu. Tôi tranh thủ gặp cô ta và gợi ý hỏi:
 
-Cô có mất vật gì không?
Cô ta nhìn tôi cười cười không nói gì?
-Cái kẹp tóc này có phải của cô không? Nếu không, cô giúp giùm tôi tìm trả lại cho chủ. Tôi lượm nó ở ngay cửa hang sau giờ báo động hôm qua.
Cô gái nhìn chiếc kẹp tóc đôi mắt sáng lên:
-Của em! Vậy mà em tưởng mất ở ngoài rừng. Em cám ơn anh nhé! Mời anh vào cơ quan em chơi.
-Cám ơn em! Khi nào rảnh anh đến! Mà đến hỏi thế nào để gặp em!
-Em tên Hạnh. Hạnh cơ sở ai cũng biết!
Anh Bảy về với nhiệm vụ ngày ngày mắt hướng nhìn phía núi Mây. Mây trắng giăng giăng ngang trời, ngoài việc chờ những con kiến hôi bò ra, anh còn tìm nụ cười lẫn trong ánh mắt của cô bí thư xã vui tính. Anh tiếc không giữ chiếc kẹp lâu trong túi, tiếc cho mình quên hôn lén chiếc kẹp để tìm hương tóc nàng. Chắc trong chiếc kẹp còn nguyên mùi tóc dễ thương ấy! Cùng trong cụm hang Mo So mà ít khi gặp mặt nhau, vì ai cũng có nhiệm vụ riêng của mình. Mỗi bộ phận, mỗi cơ quan riêng trong hang nhỏ. Không ai biết ai! Có cả Công binh xưởng, Quân y, Huyện ủy, bộ đội …
    Núi nằm chòm lõm trên đất bằng và rừng tràm lưa thưa. Mùa nước từ tháng bảy đến tháng muời ngập lênh láng di chuyển bằng xuồng mõ. Loại xuồng độc mộc nguời ta khóet nguyên một khúc cây lớn, vừa khóet vừa dốt lửa cho thịt cây mềm dẻo, chỏi bung bụng cây ra làm thân xuồng. Dáng xuồng độc mộc thon dài chống bằng sào nạn đi nhanh lắm! Ăn ngủ trên xuồng, đánh giặc chống càn trên xuồng … Mùa khô từ tháng chạp giêng, hai, khô quắc quéo, phèn đóng vàng khè chân núi, gốc cây ngọn cỏ thấy mà ghê. Những người lạ mới đến thấy chớn phèn còn đọng lại dễ dàng nhận ra mực nước mùa nước nổi sâu đến độ nào. Nhiều đồng chi tâm tình nhau: “Không có xứ nào hội đủ địa hình như xứ này: Có núi, có biển, có rừng, có đồng bằng chỉ trong phạm vi vài chục cây số thôi!”
Sau lần trả cây kẹp tóc anh Bảy được cở sở Xã Bình An gởi cho một bộ quần áo bằng vải ny lon và chiếc nón tai bèo mới tinh, có ghi tên họ người tặng trong chiếc nón. Anh Bảy ôm vào lòng mà niềm vui lâng lâng khó tả. Ngày anh Bảy rời Mo So vào một đêm không trăng, người hướng dẫn anh đi là bí thư xã và cô du kích. Anh không ngờ đêm càng tối, mắt của con gái sáng lạ lùng, các cô nhanh nhẹn như sóc, anh theo muốn không kịp. Hạnh vừa đi vừa khẽ giọng giải thích: Đây là khu vực có bom bi, bom râu giặc rải tràn lan không khéo đạp nhầm hoặc vướng dây thì toi đời. Nghĩ thằng Mỹ nó nghiên cứu địa hình của ta rất kỹ, sản xuất ra các thứ giết người vô cùng độc hại. Bom bi khi rải xuống nằm vùi dưới đất cát như đạn lép, còn bom râu như đồ chơi con nít khi chúng thả xuống có những sợi tơ nhỏ xíu giăng lướt thướt trên ngọn cỏ, trên đường đi, ai sơ ý vướng phải thì rồi đời. Nhưng các anh công binh xưởng của ta lại càng hay hơn, mằn mò gỡ những thứ ấy và trái đạn 105 lép dùng vào việc chống càn rất hữu hiệu, đám lính đi lùng sục nhiều phen kinh hồn bạc vía, luôn phập phồng lo sợ, gọi là “gậy ông đập lưng ông.”
Hạnh cho biết, cô thoát ly gia đình năm mười bảy tuổi, hiện còn có người anh ở Tỉnh đội Rạch Giá, nay cô tròn mười chín. Suốt chặn đường đi đêm mà anh Bảy chỉ nắm được nguồn thông tin về Hạnh có bấy nhiêu. Hạnh chia tay với anh Bảy bằng câu nói: “Chúc anh khoẻ, hẹn gặp lại! Em thấy chiếc kẹp là nhớ đến anh đó!” Anh Bảy dặn: “Em giữ chiếc kẹp nghen, đừng để mất!” “Dạ!”
  Anh Bảy về Cô Tô không bao lâu thì nghe tin Hạnh và một số thanh niên xung phong bị bom lấp cửa hang, bộ đội và dân công đang cố gắng phá cửa hang cứu người. Anh Bảy ở Cô Tô thắt thỏm từng giờ trông ngóng.
Nhìn mây trắng chùn lấp hướng Mo So anh thấy mình như bị kẹt trong hang.
Tôi nóng lòng, hỏi:
-Rồi có cứu được các cô ấy không anh Bảy!
-Không! Rất nhiều hang chỉ duy nhất hang của Hạnh bị lấp.
Anh Bảy bỗng dưng đôi mắt buồn buồn nói:
-Trong chiến tranh không ai có thể ngờ được mọi tình huống xảy ra! Có thể những nơi mình đến, những đồng chí gặp mặt nhau, sẽ gặp nhau nhiều lần, những con đường đi qua, còn đi lại nhiều lần. Và cũng có thể một lần duy nhứt. Không còn gặp lại! 
Đêm ấy, tôi và anh Bảy ngủ chung một giường, khi chợt giấc tôi nghe anh còn thức, chừng như anh trằn trọc ngủ không được. Có lẽ, những ngày Mo So sống dậy trong anh, hay về một nỗi niềm nào đó! Tôi không dám khuấy động, để anh bình yên với những tháng ngày cũ.
Sáng sớm, anh Bảy đánh thức tôi trong trạng thái vội vã:
-Đi sớm vô đó trời còn đẹp!
Xe đậu ở bãi, anh Bảy bước xuống chậm chạp, thường khi anh lên xuống xe nhanh lắm nhưng lần này đôi chân như vướng víu khó đi. Đứng trước cửa hang một lúc lâu, anh Bảy chỉ về ngọn núi trơ trọi ở phía xa nói:
-Núi Mây đó! Nơi mà hai khẩu đại bác 105 của giặc thường gây nhũng nhiễu
cửa hang này!1-2
  Tôi lặng lẽ theo chân người dẫn đường vào hang có đèn bóng mắc dọc theo lộ trình cho dễ thấy đường đi. Đá lạnh âm âm dưới chân, màu thạch nhủ lắp lánh cộng với nhiều hoa văn đẹp tuyệt vời trên vách đá, tôi nghĩ không có nghệ nhân nào trên đời tạo ra được. Mỗi người mang một ý nghĩ riêng và nhiều câu hỏi đặc ra, nhưng không ai nói với ai lời nào. Cứ lặng lẽ đi, lặng lẽ nhìn, lặng lẽ xem rờ rẳm từng vồ đá. Đá như có hồn biết mừng đón người đến viếng! Riêng anh Bảy dừng lại thật lâu ở mỗi cửa hang, mỗi vồ đá như tâm niệm điều gì đó với đá, với người. Tôi chợt gặp đôi bàn tay, một của đàn ông, một của đàn bà thòng ra từ vách núi. Đụng nhẹ vào bàn tay búp măng đàn bà phát ra tiếng chuông: boong…boong. Tôi biết anh Bảy đang nhìn tôi. Tôi không thấy được ánh mắt của anh trong bóng tối.
 Ra khỏi hang tôi ngồi xuống vồ đá nghỉ chân và cũng có ý đợi anh Bảy. Anh đi đâu cả giờ khi trở lại đôi mắt buồn buồn. Tôi biết anh đang tìm kiếm gì rồi! Có những lần về đây anh đứng nhắm hướng này, hướng nọ rồi giậm chân nói: “Cửa hang chắc ở đây!” Đá vẫn liền khừ, đất nhòe bụi dưới chân không còn dấu vết. Đã năm mươi năm, mỗi lần về đây anh vẫn tìm vẫn kiếm mà không hề tuyệt vọng.
Anh lần đến bụi hoa mua rừng nở tím ngát trong kẹt đá, tay anh nâng nhẹ một bông
hàm tiếu, thì thầm: “Hoa rừng đẹp quá! Có phải em…?”
  Cánh hoa dại âm thầm khoe sắc, tuổi xuân còn mãi nơi đây! Trên trời mây
trắng bay bay! Mo So đang bên anh, bên tôi.

                                                                                Nhật Hồng
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 146
Trong tuần: 692
Lượt truy cập: 500297
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông