Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

MỘT TIẾN TRÌNH HỢP TÁC...

Bằng Việt

MỘT TIẾN TRÌNH HỢP TÁC HỢP LÝ VÀ HIỆU QUẢ

“Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Có thể ví việc chúng ta bàn hôm nay bằng hình ảnh dễ hiểu ấy qua ca dao. Thật vậy, từ trước đến nay, theo thông lệ, thì Nhà văn -người sáng tác, Nhà xuất bản- người nắm quyền cấp phép sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường, cùng Nhà in- cơ quan có phương tiện kỹ thuật để thực hiện quá trình sản xuất, ba nhà này, lâu nay là những đối tác đơn lẻ, độc lập,ít chủ động liên hệ tìm hiểu công việc của nhau, và chưa thể thành một hệ thống liên hoàn, cùng có trách nhiệm liên đới, cùng tìm hiểu ngọn nguồn công việc, và cùng hỗ trợ nhau,từ đó tạo nên tiến trình hợp tác sản xuất hợp lý, hiệu quả. Vì thế, tôi rất hoan nghênh sáng kiến tổ chức cuộc họp mặt hôm nay,và hy vọng chúng ta sẽ rút ra những kết luận bổ ích, đẩy cao lên việc hợp tác này, tạo ra nề nếp làm ăn mới, cùng gắn kết tạo ra các giá trị tinh thần.

Thường thì một nhà văn, như tôi chẳng hạn, đến nay khi in sách vẫn hay nhờ đến một người bạn, quen NXB và Nhà in làm khâu trung gian, thậm chí là người đứng ra làm dịch vụ in trọn gói, còn tác giả thì chỉ nhận sách khi in xong, mà không có điều kiện đi sâu, tìm hiểu kỹ về tất cả các khâu phải đi qua khi in sách. Nếu có được đường dây liên hệ này, thì sẽ có ngay điều kiện rất thuận lợi cho người sáng tác, khi cần biết cụ thể, như giá cả các công đoạn in, mẫu mã và giá giấy, giá bìa, thậm chí cần cả lời khuyên cần thiết của nhà chuyên môn, rằng loại sách và ấn phẩm như thế này thì nên in, phát hành ra bao nhiêu cuốn là vừa, để in ra sẽ không thừa hay thiếu, hoặc cụ thể hơn nữa, ví dụ, loại sách như vậy thì nên in khổ giấy nào là đẹp, mẫu chữ nào đang được ưa thích, kiểu sách nào thì nên in cả bìa cứng hay bìa gấp, có cầnphụ bản hay không, thơ lần đầu thì nên in bao nhiêu cuốn, những thể loại ấn phẩm gì hiện nay trên thị trường đang khan hiếm và cần có, v.v...Trong các vấn đề như tôi vừa nêu, quả thực có một yêu cầu rất cần thiết, mà hiện nay, Nhà xuất bản và Nhà in có thể làm tốt và có tác dụng với người sáng tác, đó là làm công việc tiếp thị, thậm chí nếu có các cộng tác viên tai mắt và chân rết hữu hiệu ở nhiều địa bàn càng tốt, vì như thế dễ dàng làm cả những cuộc điều tra xã hội học rộng rãi và thiết thực, về nhu cầu độc giả và công chúng nói chung đối với văn hóa đọc và xuất bản phẩm hiện nay, từ đó đúc rút ra những bài học thiết thực, nhằm nâng cao văn hóa đọc, rồi thông báo ngay cho người sáng tác hiểu được xu thế và nhu cầu của công chúng đối với sách, góp phần cải thiện quan hệ giữa người sáng tác- làm sách, và người thụ hưởng văn hóa trong xã hội. Từ chỗ nắm bắt các nhu cầu này, Nhà xuất bản có thể “đặt hàng” ngay người sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật haybiên khảo, v.v... cùng làm gì để phục vụ trúng nhu cầu công chúng trong từng thời điểm khác nhau. Để làm được những việc đó, chúng ta hãy bắt tay nhau, không chỉ một lần họp là xong, mà phải lập ra một tổ chức làm đầu mối giao dịch,thường xuyên thông tin và tư vấn cho nhau,về tất cả mọi điều xung quanh việc làm sách.

Một việc tự nhiên phải tính đến nữa, là khi chúng ta đã có một cơ quan liên lạc, một bộ phận đầu mối giao dịch như vừa nói, thì chúng ta có thể bàn đến những việc xa hơn, như lập một Quỹ bảo trợ xuất bản. Quỹ đó có thể cho vay tạm thời với các nhà văn nghèo, muốn in sách mà chưa sẵn tiền, Quỹ có thể xem xét hoàn cảnh và quyết định cho vay một khoản làm sách trong một thời hạn ngắn, khi sách bán ra thì sẽ có tiền trả lại. Hoặc Quỹ  này, đứng trên danh nghĩa cả tổ chức ba bên hợp tác như thành phần chúng ta hôm nay, để xin các doanh nghiệp có thiện cảm với văn học-nghệ thuật cùng tài trợ một khoản đầu tư vào Quỹ. Đến lúc đó, chúng ta mới có thể đóng vai “bà đỡ” cho VHNT, tức là có thể cấp theo dạng tài trợ cho một số đầu sách cần in, có tác dụng tốt với xã hội, mà tác giả còn gặp khó khăn, chưa sẵn sàng để in. Nếu làm được việc này nữa, thì tổ chức liên kết giữa chúng ta sẽ tạo ra một hiệu ứng rất cụ thể và tích cực, trong việc xuất bản sách, thực sự sẽ đóng vai trò làm “bà đỡ” cho sáng tác VHNT.

Một tác động xã hội tích cực nên có nữa, là Quỹ của chúng ta có thể mời các nhà văn nhà thơ tên tuổi, cùng đứng ra tổ chức các buổi tọa đàm về sách,hoặc tổ chức giới thiệu sách mới ở Thư viện quốc gia, Thư viện Hà Nội, trên con phố Sách ở Bờ Hồ hay Phố Sách ở Lý Thường Kiệt. Hoặc có thể liên kết với một số trường Đại học, Cao đẳng, các doanh nghiệp có các công xưởng, để tổ chức các buổi giới thiệu sách nhân các dịp lễ lớn, các ngày kỷ niệm lớn, v.v... nhằm góp phần nâng cao tác động của văn hóa đọc đến  các thành phần khác nhau: sinh viên, công nhân, người lao động...

Nhu cầu khá phổ biến hôm nay nữa là ta cần tìm hiểu sâu hơn về các loại sách dịch, nhất là các cuốn sách ăn khách, bestsellerstrên thế giới,rồi sách của các tác giả đượcgiải Nobel và các Giải thưởng lớn trên thế giới. Chúng ta phải liên hệ các đầu mối, tìm cách mua được sách từ nước ngoài về, để dịch, in ra rộng rãi cho công chúng. Một điều đặc biệt hiện nay, là lớp người trung niên và thanh niên không còn quá say mê sách văn học, thơ văn, tiểu thuyết, trường ca...như ngày trước. Họ ngại đọc những cuốn sách dày, nếu đọc mà cũng không đem lại hiệu quả gì thực dụng trong đời sống làm ăn thiết thực kiếm sống, chứ không cần đọc để giải trí. Nhưng họ lại muốn đọc loại sách về các danh nhân lớn đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực nổi tiếng thế giới, đặc biệt là các nhà doanh nghiệp và khởi nghiệp thành công, đã trở thành tỷ phú, tự viết lại những kinh nghiệm xương máu của họ trong khi lập nghiệp, kinh doanh...Một lĩnh vực được quan tâm nữa là những ông bà bầu sô nghệthuật, những nghệ sĩ xuất sắcnổi danh trong lĩnh vực Công nghiệp văn hóa, dù mới nổi, nhưng đã có tầm ảnh hưởng rất lớn, và mỗi lần họ biểu diễn là phải tổ chức ở Sân vận động lớn, bán ra hàng vài vạn vé, doanh thu cả triệu đô la, đơn cử như tốp  4 cô gái Hàn Quốc trong nhóm Blackpink cách đây 2 năm đã làm mưa làm gió ở Hà Nội.

Một số thành phố của chúng ta, gần đây được kết nạp vào hàng các Thành phố sáng tạo của thế giới, được mời tham gia các Hội chợ Sách và Hội chợ sáng tạo quốc tế (như ở Nhật, ở Thụy Điển, ở Đức, v,v...) Nhưng chúng ta lại chưa biết tìm hiểu kỹ nhu cầu sách của các Hội chợ đó, và nói chung, các Nhà xuất bản chúng ta ít in sách ngoại văn, đa phần chỉ in sách tiếng Việt, nên đến Hội chợ bày sách mà không ai mua, vì người ta đâu có đọc được tiếng Việt. Vậy vì sao chúng ta không đặt vấn đề chủ động in sách Việt, nhưng cho dịch luôn ra tiếng Anh tiếng Pháp,v,v... hoặc  in song ngữ, để khách nước ngoài đọc được thì người ta mới mua. Kinh nghiệm của Hàn Quốc rất hay, Nhà nước họ bỏ ra một khoản tiền lớn, lập Viện Dịch thuật quốc gia, hàng năm chọn hết các cuốn sách hay trong nước, dịch giới thiệu ra quốc tế rất thành công. Năm ngoái, nhà văn nữ Han Kang của Hàn Quốc lần đầu tiên được Giải Nobel Văn học, cũng vì có sách đã được Viện dịch thuật Hàn Quốc đó dịch ra tiếng Anh phổ cập trên thế giới. Tôi thấy đây là việc rất hay, tuy nó vượt xa hơn tầm vóc cuộc gặp của chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, tôi vẫn đề nghị các anh chị lưu ý, đây là một việc rất nên làm, chỉ sợ chúng ta không làm nổi thôi. Nếu cứ mạnh dạn bắt tay làm đi, dù chỉ bước đầu, nhưng khi có kết quả, thì mới hy vọngNhà nước vào cuộc. Hãy nghĩ như đ/c Nguyễn Văn Linh đã khuyên văn nghệ sĩ, ngay từ thời kỳ mới Đổi Mới: “Hãy biết tự cứu lấy mình, trước khi Trời cứu!” Tôi xin khép lại bài phát biểu bằng câu nói đó của đ/c Nguyễn Văn Linh từ năm 1986, nhưng đến hôm nay vẫn làm chúng ta đáng phải suy nghĩ.

                                                                    Nhà thơ Bằng Việt


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 160
Trong tuần: 703
Lượt truy cập: 500313
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông