Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

THƠ NGUYỄN THANH TÙNG

 Lê Hoàng Thao


CUỘC TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG ĐẬM CHẤT SỬ THI TRONG THƠ NGUYỄN THANH TÙNG


   Thật bất ngờ khi lần đầu được nghe Nguyễn Thanh Tùng đọc thơ anh sáng tác, tại buổi giao lưu thơ của một Câu lạc bộ trong thành phố cách đây hơn mười năm (hôm đó cả tôi và Tùng đều là khách mời). Thơ Tùng viết lênh loang dấu tích hoài cổ, có nút thắt lại, rồi mở ra, hoặc diễn đạt cảm xúc đảo ngược tư duy, qua ánh nhìn mất mát bi thương của trang sử thành Cổ Loa thất thủ:
“Lạ kỳ !
Dân chẳng thờ dân
Máu xương tôn lũy đắp thành ngày  xưa
Hay hồn dân vụng trợ phù
Giang sơn con cháu ngàn thu yên bình”
- (Đất cũ)


     Đôi khi ám ảnh sau ánh hào quang còn đang được lan tỏa của truyền thuyết tứ bất tử trong câu truyện tình yêu Chử Đồng Tử - Tiên Dung:
“Một cõi trần gian lắm tị hiềm oan nghiệt
Cuồng lũ một đêm
cuốn băng băng tâm huyết bao đời
Người về đâu
phủ Thiên, phủ Thoải…”-
(Một mặc khải)


   Nhìn dáng vẻ bề ngoài thô kệch khó gần, không ai nghĩ rằng Nguyễn Thanh Tùng có một cuộc sống nội hàm chìm nổi, đa đoan; Thời chiến tranh chống Mỹ cha đẻ anh là chiến sĩ cách mạng Miền Nam tạp kết ra bắc, mẹ anh là người gốc Nam Định. Sau khi đất nước thống nhất, anh được trở về quê cha ở Bình Dương, năm đó anh mới 14 tuổi. Cuộc sống thời niên thiếu hai quê của anh, với dòng máu pha trộn hai miền Nam Bắc cũng ít nhiều tạo nên một Nguyễn Thanh Tùng tính cách không giống ai trong dòng người Phố Hiến hôm nay
   Nguyễn Thanh Tùng đi qua thời tráng niên của mình với căn cước “Dân chuyên toán”, là học sinh giỏi toán quốc gia, anh đoạt giải nhì toán quốc tế năm 17 tuổi và được cử đi học đại học ở Liên Xô cũ. Với năng khiếu văn chương chân chất, anh đã viết về nỗi nhớ bạn bè, tình yêu đơn phương và xứ sở trời Tây bằng chất thơ lục bát thuần Việt nhuần nhuyễn, mềm mại đầy tâm trạng trong tập thơ đầu tay“Vỏ sò trên cát”**:nt_nguyen_thanh_tung
“Người về lỗi hẹn mười năm
Dòng sông chẳng đợi, vầng trăng chẳng chờ
Ta  về đối mặt câu thơ
Dở dang là nhịp, ơ hờ là câu


Ở đâu rồi mối tình đầu
Qua không kịp đếm nỗi đau cả đời
Ta là lỗi hẹn Thơ ơi
Trách ai đất khách quê người Xi ren

Ta về đêm để gặp đêm
Chông chênh nghiêng ngửa Xi ren nửa trời
Thơ thành vớ vẩn mà thôi
Làm sao tìm lại nửa trời Xi ren

Ai là ta ai là em
Mà sông trăng đẫm Xi ren đôi bờ”-
(Sông trăng Xi ren)

  Về nước anh đứng trên bục giảng Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh liên tục mười năm trước khi anh Bắc tiến. Có lẽ những dòng thơ đầu tiên thiêng liêng nhất trên đất cố hương Nguyễn Thanh Tùng đã thảng thốt:
“Ơi mgười về Phố Hiến
Hương nhãn ngập triền đê
Nắng hồng vương trong mắt
Ước một lần người nghe
Khúc tụng ca trong  gió
Ngân nga
Sông chậm dòng
Chiến bào Tam Thái tử
Bao phen rực lửa hồng

Một nhành hoa văn hiến
Rạng rỡ bến Xích Đằng
Nâng vờm trời châu thổ
Thời gian sao lãng quên…

Ai vì đâu ly hương
chín đời về gặp lại
dờn dợn sóng Tuần Vường
Vắng thuyền người có đợi”-
(Gọi phố)


  Thơ Nguyễn Thanh Tùng ví như xứ giả đi tìm bản ngã đọng lại trên nét văn, nét người Phố Hiến xưa, còn được lưu giữ giữa lòng Phố Hiến hôm nay; Trên sóng nước và sắc nâu phù sa Sông Cái đất mẹ, trên hoa, trên quả và cây lá nơi đây…với những huyền tích không nơi nào có được:
“Bao thuở gian nan chẳng thuyền giăng trống giục
Chỉ vết chân son in dấu phù sa
Một vốc nước lành dâng lời thánh thiện
Từ đầm lầy bao nhân kiệt sinh ra”-
(Bến vắng)


 Anh men dọc theo dải đất trầm luân bên đồng bãi Sông Hồng, Sông Luộc màu mỡ, nơi sinh ra những người con tuấn kiệt cho quê hương đất nước, hình ảnh thánh thiện và chí khí sáng lòa đã cùng bao thế hệ người dân nơi đây, tạc nên gương mặt Phố Hiến mãi mãi lưu danh:
“Một cánh cò lang thang châu thổ
Từ lãng quên liệng xuống cánh đồng
Có nhớ nẻo chàng trạng nguyên lưỡng quốc
Men vết chân trâu qua kiếp nạn về làng” -
(Lang thang cánh cò)


   Nguyễn Thanh Tùng không lo ngại lạc lõng với cuộc sống vật chất sa sỉ của vô số cư dân quanh mình. Bởi anh tin vùng đất nơi đây đã từng vang bóng một thời “Nhất Kinh kỳ- Nhì Phố Hiến”. Dù lịch sử vốn dĩ đã lùi xa, lu mờ, nhòa nhạt, khuất lấp đi ít nhiều những vinh quang, hiển hách xưa kia giờ đây khó tìm lại. Chất liệu thơ Nguyễn Thanh Tùng khai thác là giai thoại, điển cố, sử ký xưa kia từ; tên làng, tên xóm, từ mạch nguồn tâm linh, đến sóng sông, gió bãi…

   Câu chuyện của người và thơ Nguyễn Thanh Tùng thuộc lớp hậu duệ người Bắc Hà đi theo các Chúa Nguyễn “Từ thuở mang gươm mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” và cũng na ná như dị bản điển tích cổ “Từ Thức gặp tiên”*** được lên cõi tiên rồi trở về sau ba năm, đứng trước bến đò xưa chàng Từ Thức gọi đò xin sang sông, thì ở hạ giới đã 90 năm, nên bị cháu mấy đời của lão lái đò vác mái chèo đánh đuổi vì tội láo toét gọi tên cụ tổ của anh ta ra nhạo báng:
“ Về sông xưa xin em đừng khỏa sóng
Mặc tiền duyên theo sương khói loang tan
Môi hoa chớ thầm thì câu ấy
Kẻo có người xuống bến lái đò ngang”
- (Về sông xưa)


   Hình như Nguyễn Thanh Tùng đã ngấm đầy tiềm thức từng trang bi sử của vùng châu thổ gian nan. Nên khi đọc và nghe thơ anh tôi cũng bị lây ngấm chất thi sử nửa mùa; vừa hư thực, vừa huyền ảo, vừa thánh thiện, vừa dân dã… khi anh viết về thiên tình sử Đồng Tử - Tiên Dung:
“Một mảnh khố
Dẫu khéo co chẳng che kín hai đời
Một chữ Chử vừa họ vừa quê thân cò lặn lội
Lau lách bãi sông mong trọn tuổi trời
Và người
Chối bỏ núi rừng tìm về bể cả rong chơi
Gặp nhau duyên kỳ ngộ”
- (Một mặc khải)


     Thời gian phủ dầy từng lớp bụi làm thay đổi đi tất cả, thơ Nguyễn Thanh Tùng cũng tạo lên lớp sương mỏng manh, thi vị hóa tình yêu bất tử ấy:
“Dẫu bãi tự nhiên trôi sang bên ấy
Châu thổ vươn mình xuống bể đông
Đêm Nhất Dạ hương sen dầm sương đợi
Lang thang cánh cò trôi qua vầng trăng” -
(Lang thang cánh cò)


   Đền Đa Hòa ngự tọa bên bờ Sông Hồng hàng ngàn năm, dù mỗi thời mỗi khác, con cháu những người dân thuộc chín ngôi làng cổ xưa trong vùng hằng năm mở hội cung kính rước linh vị, tôn vinh tình yêu bất tử ấy. Nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng cho ta cái nhìn trân quý hơn về những hình ảnh đầy cảm xúc phồn thi:
“Và em
Rước nước thiêng về tắm tượng
Bến chật như nêm
Ai tung tăng bám tay mẹ trên thuyền
Mướt mát mưa xuân
Cong thon vòng sông eo con gái
Mặc khải cho anh
Một huyền thoại ngàn xưa
” - (Một mặc khải)

   
      Hiện hữu ngoài đời, trên các nẻo ngang lối tắt hôm nay; Nguyễn Thanh Tùng bụi bặm mưu sinh không chút mặc cảm với việc làm công ăn lương cho một doanh nghiệp nhỏ. Trong tâm trí anh hình như luôn đau đáu hoài niệm về một thời Phố Hiến phồn hoa đang ẩn chìm dần vào “Tiếng vọng miền quên lãng”**:
“Im lặng
Cho dòng sông chảy mãi
Bờ bãi chìm theo điệu nước trôi
Rừng ngả gục đầu về ký ức
Mấy vì sao liệng xuống góc trời”-
(Im lặng)


   Thơ nguyễn Thanh Tùng uẩn khúc như chính anh. Trên bước đường tìm về cố hương, những địa danh xưa cũ đâu đó cứ hiện lên ăm ắp “Trong vòm nhãn tháng ba”**:
“Sóng quen mắt bầy bầy mây trắng
Soi sông ngắm mây đỏ Xích Đằng
Ngọn sóng cả Tuần Vường chìm vào bãi nổi
Cùng Vạn Lai Triều thoắt ba trăm năm”
- (Sóng Xích Đằng)
           Lược sàng sử liệu, ngược dòng tìm về nguồn cội, qua những dấu tích xưa ẩn hiện còn đây; Hồ Bán Nguyệt, Cửa Gàn, Cây nhãn tổ trước sân đình chùa Hiến, nền móng thương điếm Hà Lan, Đông Đô Hội Quán, lạch Bảo Châu, Đền Mây, Đền Trần, Đền Mẫu, Chùa Phố, Chùa Chuông, Văn Miếu Xích Đằng…các làng cổ; hạ tam Hoa (Hoa Dương, Hoa Điền, Hoa Cái), thượng tam Đằng (Xích Đằng, Đằng Châu, Đằng Man)…Xa hơn nữa là Đậu An, Đậu Dung (nơi có cọc mốc tâm điểm đồng bằng bắc bộ), theo dòng Kim Ngưu ngược về Thăng Long xưa…

     Thơ Nguyễn Thanh Tùng cứ muốn đưa ta trầm lặng ngắm dòng nước (Vạn Lai Triều) mênh mang nơi ngã ba Sông Luộc, Sông Hồng, nhìn phù sa bồi tụ làm lên gương mặt Phố Hiến xưa và nay để thổn thức buông tiếng thở dài:
“Sông mẹ mùa nước cạn
Gọi phố
Ngoài vòng tay
” - (Gọi phố)


                                                                          Hưng Yên, 6/6/ 2023
                                                                 Nsna, Nhà thơ: Lê Hoàng Thao

……………
* Thơ Huỳnh Văn Nghệ
** Tên các tập thơ của Nguyễn Thanh Tùng

*** Niên hiệu Quang Thái (1388- 1398)- Thuộc đời nhà Trần









 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 157
Trong tuần: 701
Lượt truy cập: 500310
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông