Chu Thị Minh Huệ
THÂN MỒ CÔI
Trong đầu nó, như thể tự nhiên có tiếng hát mồ côi. “Đời người mồ côi nước mắt rơi, nước mắt rụng trên đá… Trâu măng không chết, vết chân hổ không mở, thân mồ côi như ta có nơi giữ không có nơi ở. Gió về gió quyện mây, mây về mây cuốn mưa, thân mồ côi như ta người đem làm con trầu đáng ma…”. Nó dắt ngựa đi kiếm cỏ, kiếm củi, vừa đi vừa hát. Thế là vấp một cái ngã lằn quay ra, con ngựa theo đà đi giẫm cả lên chân nó. Mũi chân bị sức ngựa đè xuống đá nát hết các ngón. Nó nằm luôn đây khóc, khóc cho thân phận, thân phận mồ côi lại còn xấu số. Nó nằm đấy ôm chân khóc, máu chảy loang trên đá. Một dòng máu lần lần men theo kẽ đá. Nó quên cả đau nhìn dòng máu chảy. Nó nghĩ dòng máu bé tí này là nó, giá như được tự do chảy đi tìm bố mẹ mà hỏi sao để nó khổ thế. Dòng máu càng ngày càng bẹt đi, ngấm vào đá, cuối cùng còn mỗi một giọt, ngấm luôn xuống dúm đất bé tí ở cuối khe. Nó giật mình khóc giống lên. Như thế số nó đến đây là hết, tan rồi, thế là tan rồi, chẳng còn gì nữa rồi. Làm thế nào đây?
Chẳng làm thế nào được cả, nó dướn mình, vơ nắm lá cây chó đẻ vò nhỏ ấp vào đầu bàn chân, lại tìm cái lá rong riềng to to cuốn vào, lấy dây sắn rừng buộc vào để cầm máu. Nó chợt nghĩ, sao bố mẹ không để lại cho nó một mảnh nương cằn. Nếu được thế, nó sẽ chăm chỉ, cày cuốc trên mảnh nương ấy, cõng từng vụn đất từ dưới khe lên đổ vào hốc đá rồi reo hạt ngô vào. Nó sẽ ngồi canh đêm canh ngày cho hạt ngô lớn, ra râu, trổ bắp rồi cho hạt chắc mẩy. Cứ thế nó sẽ có nhiều hạt, nhiều bắp ngô mà ăn, chứ không phải đi ăn nhờ ăn vả nhà người như bây giờ. Cả ông bà nó nữa, cũng không tốt với nó. Sao không chia cho bố mẹ nó một mảnh ruộng cạn để giờ nó có thể gieo hạt lanh vào cho mọc lên cây lanh, dù rằng một hạt chồn tha, một hạt cáo lấy, một hạt lép rồi. Ôi trời ơi, một đứa con gái mồ côi không bằng hạt lanh xấu. Rồi chẳng có nhà nào cho gieo vào mảnh đất nhà ấy đâu. Càng ngày càng lớn, rồi sẽ đến lúc có ông mối cắp ô vào cửa nhà hỏi đến nó. Nhưng ông mới biết đến nhà nào đây? Nhà chú Dình, nhà bác Kháy hay nhà cậu Sèo? Ai, không biết ai sẽ là người đứng ra thách giá nó nhỉ? Ngày trước, nó ăn nhà cậu bao nhiêu bát mèn mén, bao nhiêu bát canh cải? Ngày trước, nó mặc của nhà bác bao nhiêu manh áo, bao nhiêu mảnh váy? Ngày trước nữa, chú cho nó ngủ nhờ bao nhiêu tối, đắp bao nhiêu chăn? Rồi thì tất cả cộng lại thành bao nhiêu để thách với ông mối. Bố mẹ nuôi con không tính công tính buổi, chú bác nuôi con tính buổi tính công. Làm thế nào tính ra rượu, ra tiền cho nhà trai vác đến. Hay chỉ là ông mối cắp ô đến rồi lại cắp ô về. Nhưng dù thế nào, thì nó cũng phải được gả vào nhà nào đấy, cho một thằng trai nào đấy để không phải ăn trưa nhà này, ăn tối nhà kia, lại ngủ đêm nhà nọ. Thực sự nó rất mong là mình lớn thật nhanh để được làm dâu một nhà nào đó còn hơn là làm người ở của cả ba nhà như từ bé tới giờ.
Ngồi một lúc nghĩ đợi được đến lúc ấy thì bây giờ vẫn phải đi lấy củi, lấy cỏ, không tối về không được ăn cơm. Nó nghĩ muốn làm được thế phải ngồi nhờ lên lưng ngựa thì mới đi tiếp được. Nó rủa: “Con ngựa chết tiệt, mày hại tao, tao đánh mày chết” Nhưng cũng chẳng dám đánh, có phải ngựa của nó đâu mà đánh. Nó lấy hết sức nhảy lên mình ngựa. Ngồi được trên mình ngựa rồi, lấy đầu dây thừng quất một phát vào mông cho nó đi. Nhưng cả người cả ngựa giật bắn mình, hai thằng con của chú sổ ra từ bụi cây ngón quát toáng
- À, con này! Con này lười như chó. Lại còn dám cưỡi ngựa nhà tao. Xuống, xuống ngay, tao đánh mày chết.
Thẳng Chẩn túm chân nó lôi xuống. Túm ngay phải bản chân đau. Mớ lá quấn chân bị lôi tuột ra, máu phọt thẳng vào mặt. Thẳng Chẩn giật mình, kêu á một tiếng. Rồi hiểu ra là máu nó thì kinh người, lại đập luôn thêm phát nữa. Nó giật mình thụt chân ra đuôi ngựa. Máu loang một vạt dài theo thân ngựa, quyệt cả vào đuôi. Con ngựa cũng giật mình, vẫy đuôi bôi máu khắp mình ngựa, quệt luôn lên cả mặt, đầu tóc, quần áo thẳng Chẩn. Nó dãy đành đạch rồi lôi con bé xuống
- Ái, đau tao, bọn mày giết người à?
- Giết người á? Ờ, giết được mày thì nhà tao đỡ tốn mèn mén.
Nó theo đà lôi lăn xuống. Đá lởm chởm đâm vào người. Phải lăn luôn xuống thấp hơn, đến chỗ bãi hoa bạc hà kia để ra khỏi tầm tay thẳng Chẩn. Đá đâm còn hơn là bị nó túm trúng chân đau.
Bọn nó nhất quyết không tha, thẳng Cấu chạy theo gào:
- Á, con này định trốn à? Cho mày lăn xuống vực luôn.
Thẳng Cấu chạy theo. Chân không thể chạy được thì phải lăn tiếp thôi. Sao chúng mày ác thế, anh em cùng gốc với nhau mà chúng coi mình hơn con chó. Chó còn được nuôi, được cho ăn, thích đi đâu thì đi. Đằng này mình không bằng con chó mắt đỏ của nhà người. Tự nhiên nó muốn hát, mặc kệ bọn thẳng Chẩn đang vừa gào vừa chạy theo nó lăn xuống vực. Nó chẳng thấy nữa, chẳng thấy máu chảy nữa. Nó nhớ đến những câu hát Lu chìa đã nằm trong lòng và mong ước chính lúc này đây, nhờ tiếng hát mà chàng trai nào đó như trong truyện cổ chạy đến mang nó đi. Dù nó không có con chó mắt đỏ thông minh để làm tín hiệu nhận nhau thì chàng ơi, cứ theo tiếng hát mà nhận lấy em cho em thoát cảnh lầm than, cho em được lên thiên đàng. Ôi trời, nhưng chẳng thể là truyện cổ, chẳng thể nào cất nổi lời hát vào lúc này. Tự nhiên không thấy bọn ác ôn kia đâu. Còn nó thì đã chạm đáy vực. Thôi, nằm đây vậy, đau thì đau, chảy máu thì chảy máu. Kệ đàn lợn, kệ đàn dê, kệ nổi cám, nổi mèn mén nhà các người.
*
Anh Sèo ạ! Nhà anh có một đứa gái lớn, biết làm lanh rồi. Xin để cho nhà tôi làm người giữ lửa nhé!
- Nhưng tôi nào có biết anh là ai?
- Tôi là Vàng Chứ Dình, ở bên kia dãy núi này!
- Thế là hơi xa rồi đấy!
- Nhưng vẫn là cùng dân tộc ta thôi mà.
- Ôi, như thế thì hơi phức tạp đấy!
- Vẫn bình thường như người Mông ta thôi mà!
- Không phải ý tôi là về phong tục, mà là về xa xôi, và về cả đứa cháu gái nhà tôi nữa. Anh có biết nó là đứa mồ côi không?
- Tôi biết, thì mới đến có lời với anh mà!
- À, ờ! Thế thì phải để tôi bàn với chú, với bác nó đã chứ!
- Phong tục mình, ông cậu quyết việc cháu gái đi làm dâu, anh cứ thế mà làm thôi. Nhà chúng tôi đang thiếu người làm, thiếu người chăm sóc người già nên muốn xin anh cho cháu nó theo sang nhà tôi.
- Ô, không đơn giản thế mà!
- Anh cứ đưa que thách, bao nhiêu tôi cũng lo được đủ.
- Khó lắm, bố mẹ nó không còn, chú bác nó chưa bàn, tôi sao nói ngay được
- Thế thì tôi nói giúp nhé! 20 triệu được không?
- Ô, nói thế được ngay à?
- Các anh nuôi nó bao nhiêu năm nay cũng phải được trả công xứng đáng chứ!
Ồ, ông cậu này nghĩ ngay đến số tiền, đúng như dự định từ ngày xưa. Một hai ngày, nó lại được bế sang nhà cậu cho ăn bữa cơm. Hôm thì chú bế, hôm thì bác bế. Nhưng nhất định chỉ được ăn bữa trưa còn bữa tối thì ăn ở nhà bác hoặc nhà chú để rồi ngủ luôn ở đấy. Đứa cháu gái tội nghiệp này, rồi sẽ ra sao đây? Nó lớn lên được không? Dù sao thì nó cũng phải lớn, cứ cho ăn, rồi đến lúc sẽ được đền đáp, khi có ông mối nào đấy hỏi đến nó. Khà, khà… lúc ấy mình sẽ tính ra bao nhiêu tiền, bao nhiêu rượu, bao nhiêu thịt nhỉ! Được rồi, thế là hôm nay đã được đền đáp. Hai mươi triệu chia cho chú nó, bác nó hết năm triệu là cùng, còn đâu thì làm một bữa mời họ hàng hai bên là được. Không cần cưới cho nó. Kệ xác nó, cứ cho nó đi. Hai vợ chồng nó sau này muốn quay về cưới thì cưới, không cưới thì thôi. Bố mẹ nó không còn, cũng chẳng ai cần đến buồng gan thằng chồng nó dành cho nhà ngoại mà phải lo.
Nhưng mà, nó đi đâu mấy ngày nay nhỉ? Nó mà bị thằng nào kéo về buồng rồi thì toi hai mươi triệu của mình. Thằng Dí ơi, con Xía đi đâu rồi?
- Ai mà biết được, mấy ngày nay chả thấy nó xuất hiện.
- Thằng ngu! Không thấy thì tao mới hỏi mày chứ, đi tìm nó về cho tao!
- Chắc lại bên chú Dình hay bác Kháy nhà nó thôi!
- Đi tìm nó về đây cho tao!
*
Lạ thật, nằm mãi đây, đói gần chết mà không thấy chết. Chân đau, xưng vù lên, sốt nóng bỏng cả da mà chả chết.
- Mày trốn à, tưởng trốn được à? Hờ hớ… trốn cũng không được với tao chứ!
Nó bị lôi về, quật cho rách cả váy. Bao nhiêu năm nay nó đã dình trốn khỏi mấy nhà này. Lần này nó đã quyết trốn thật. Nhưng như thế cậu đọc được ý nghĩ của nó. Chưa leo khỏi rừng Sà Tủng thì đã bị chặn trước mặt.
- Cậu để tôi đi. Đi rồi thì cậu không phải tốn mèn mén nuôi nữa.
- Mày nghĩ giỏi nhỉ. Mày đi thì ai chăn bò, ai chăn dê, ai nấu cám lợn?
- Cậu giữ tôi cũng chỉ làm thế thôi. Tôi đi, làm được tiền sẽ mang về cho cậu.
- Mày nghĩ kiếm tiền dễ thế á? Cứ ở yên rồi sẽ có người trả tiền thách mày cho tao.
Cậu với hai đứa em xông vào túm tóc Túm tay vừa đánh vừa lôi nó về. Nó giãy giụa, vùng vẫy để thoát ra. Nó gào tướng lên để được thả ra. Nhưng lại giật mình tỉnh dậy. Hóa ra là mơ. Những trận đòn, ý định trốn lại trở về trong lúc nó sốt nằm đây. À, tốt rồi, mình cứ nằm đây. Không về nữa. Lúc nào khỏe thì trốn luôn khỏi mấy cái nhà khổ sở ấy để không phải nay nhà này, mai nhà kia. Nhưng cái tiếng gào khóc trong mơ của nó lại dẫn thằng Dí đến mép vực. “À, con này lại nằm dưới này mới ghê chứ. Lên, lên ngay cho tao”
- Tao không lên! Chân gãy rồi, cổ gãy rồi, lưng gãy rồi. Mày xuống và vác tao lên.
- Con này hôm nay giỏi nhỉ! Dám thách tao à. Tao xuống thì sẽ nện cho mày một trận nên thân.
- Cái thân tao chả còn chỗ nào cho mày nện nữa đâu. Thẳng Chẩn đã cho tao lăn xuống đây, nát hết cả rồi
- Thế thì còn mỗi cái mồm là nói được thôi à?
- Ờ, vẫn còn cái mồm.
Nó lại tự thấy buồn cười. Đúng là cái mồm vẫn còn nói được, cái đầu vẫn còn nghĩ được.
Thế là thằng Dí về gọi cậu nó. Hai bố con lần xuống vực để lôi nó lên. Nó bảo sao không gọi cả bác, cả chú nó đến mà mang xác về làm ma.
- Con điên này! Nói nhiều. Là ma rồi thì tao cũng chẳng thèm làm đám cho mày. Nhưng mày đừng có chết. Chết là mất hai mươi triệu của tao.
- Ai trả giá tôi đấy?
- Không cần hỏi. Nhưng không biết nhìn thấy mày thế này người ta có hạ giá không nữa. Mong sao mày đừng có tản phế đấy.
- Cậu bán tôi à Sao như bán con bò ấy?
- Sao mày nói nhiều thế. Nói nhiều mai về nhà người ta sẽ bị nện cho sưng mồm.
- Sưng mồm cũng không bằng thẳng Chẩn đẩy tôi thế này.
Nó yên lặng để cậu và thằng Dí khiêng lên núi rồi về nhà. Lại nghĩ thêm rằng, cái ngày ấy đến rồi. Ngày được sang nhà khác ở. Nhà ấy sẽ là nhà của mình, không phải nhà người như từ trước đến nay nữa. Nhưng cũng thắc mắc nhà ấy là nhà nào mà trả giá nó đến hai mươi triệu. Chắc cũng là nhà giàu.
*
Thế là tôi theo một thằng trai đẹp đi “làm dâu”. Thằng trai này đẹp, Người Kinh, ở xuôi. Nó đưa tôi về xuôi. Nhà nó ở xa thật, tôi với nó phải đi hết hai ngày xe ô tô. Lại có cả đi xe ban đêm nữa mới lạ chứ. Nó chả thèm nói với tôi câu nào, chỉ cho tôi ăn. Công nhận ăn toàn thứ ngon hơn mèn mén với rau cải mới thích chứ. Nhà nó là nhà xây, nhiều tầng, to lắm, trước cửa nhà lại có cả tên “Khách sạn Thiên Đường”. Vào đến nhà, nó bảo một cô cho đi tôi tắm rửa, mặc quần áo đẹp. Ai cũng khen tôi thuần chất miền núi trông thích mắt.
Tôi nghe được thằng trai nghĩ là chồng nói chuyện với một người.
- Ê, thấy được không?
- Mày nghĩ ra chiêu trò này là nhanh nhẹ đấy em ạ.
- Chị không phải khen. May có chuyến du ngoạn miền núi Tôi mới nghĩ ra trò này.
- Quan trọng là mày làm rất nhanh, rất gọn.
- Không nhanh, tìm hiểu mãi mới được con này mồ côi. Lại lợi dụng phong tục tập quán của chúng nó mới nói chuyện với ông cậu được đấy.
- Hết bao nhiêu?
- Hai sịch!
- Rẻ đấy!
Thế là sao nhỉ? Sao phải lợi dụng phong tục tập quán của dân tộc tôi mới lấy được tôi làm vợ nhỉ? Kể ra làm vợ người này cũng được. Mấy ngày đi với nhau người này chẳng làm gì tôi cả. Nhưng làm vợ của người ấy ở một căn nhà to thế này, đẹp thế này thì tôi biết làm gì nhỉ? Không còn bò để chăn, không có cám để nấu thì tôi được chơi suốt à. Lại không phải ăn mèn mén mà được ăn cơm thì thích quá.
- Này Đi tắm rửa đi!
- Ờ!
- Người miền núi có khác, toàn ờ à. Nhưng phải sạch sẽ hơn chứ bẩn như này thì bố đứa nào dám mó.
- Là sao chị?
- Thôi đừng hỏi. Khiếp, móng tay móng chân như móng chó ấy. Kinh lên được với bọn miền núi chúng mày. Chắc phải nuôi mày một hai tháng nữa để cải thiện hình thức thì bọn tao mới kiếm được. Mốt của bọn đại gia bây giờ không thích gái quê vì chả biết có sạch thật không. Gái công nghiệp giả quê bây giờ lắm quá làm bọn tao đến mệt. May mà thằng bỏ mẹ ấy kiếm được mày về. Quả này phải tóm được thằng nào sộp mới ra giá.
Tôi được ăn ngon, mặc đẹp. Hay thật, cả ngày chả phải làm gì chỉ ngồi không. Nhưng ngồi mãi cũng chán, tôi nghĩ phải đi tìm chồng. Mấy hôm nay không thấy người ấy đâu. Toàn thấy các chị cũng chơi không như tôi. Tôi hỏi chồng đâu thì các chị cười váng lên. Hay nhỉ, chắc các chị cũng như tôi, chồng các chị cũng như chồng tôi, đi làm ở đâu đó xa xa chưa về. Thôi kệ, lúc nào về thì về. Tôi được ăn rồi chơi thế này cũng được chẳng cần quan tâm đến nhà chú, nhà bác, nhà cậu nữa. Họ tống được đứa ăn nhờ ở đậu bao nhiêu năm nay họ cũng quên tôi rồi.
Cái cô ngày đầu đã tắm cho dắt tôi lên tít một phòng ở tầng cao nhất của cái nhà khách sạn Thiên Đường. Lại tắm cho tôi rồi dặn, ở yên đây, hôm nay chồng mày đến đấy. Nhưng nhớ là không được nói gì đấy nhá. Không được vùng vẫy, chống đối chồng đấy. Người ta làm gì cũng phải nghe đấy, nhớ chưa
- Nhớ!
- Chả biết nhớ thật hay không nữa. Mà kệ cha mày. Mày sạch sẽ là tao xong nhiệm vụ. Còn lại là việc của đại gia. Mẹ kiếp, hơn trăm triệu cho cái trinh miền núi. Đúng là bọn ăn no rừng mỡ. Cơ mà có đám đại gia rừng mỡ này bà mày mới có việc để làm.
Tôi chả hiểu cô ấy nói thế là thế nào. Cô ấy đi rồi, tôi nằm ưởn lên giường thiu thiu ngủ. Đang mơ mơ thì một cái gì đó bò bò trên người tôi. Trời tối, mở mắt cũng không thấy gì. Có một người đang làm gì đó trên người tôi. Ồ, cô ấy đã dặn là chồng sẽ đến, không được nói gì, chồng làm gì cũng phải nghe. Ờ, thế cũng được. Chồng ấy, làm tôi buồn buồn, thinh thích, mê mẩn và… á, đau, không…
Đột nhiên người ấy dừng lại. Nhổm người dậy, bật cái đèn mờ mờ. Tôi thấy người nghĩ là chồng, không phải người đã đưa tôi về đây, Cái mặt này cũng là mặt của người Mông mà. Tự nhiên tôi hỏi:
- Người Mông à?
- …
- Là chồng tôi à?
- …
- Chồng tên là đại gia à?
- …
Nhưng người ấy không trả lời tôi câu nào mà lại mặc quần áo rồi đi luôn.
C.T.M.H
(Trích trong tập "Truyện ngắn đặc sắc 2015)
(C.S)