Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

NHÀ THÁNH LÀNG PHÒM

LaHAN

NHÀ THÁNH LÀNG PHÒM

   Đền Vua than là do Phòm cùng dân làng dựng lên. Vốn xưa nó chỉ là một cái Nghè. Nghè Vua than. Chuyện cũ truyền lại rằng: vào thời nhà Trần, có vị vua chạy loạn, qua làng. Chiều ấy, cô gái xinh đẹp nhất làng đang hái dâu bên sông, bị lính bắt đưa lên thuyền rồng.  Qua cuộc mây mưa, gần sáng, vua đi. Cô gái có chửa, sinh một cô con gái xinh đẹp. Không may, khi cô con gái 7 tuổi, ra sông đuổi bắt cào cào, trượt chân, bị dòng nước cuốn trôi. Giặc tan, vua về cung. Nhưng gần chục năm, hàng trăm phi tần mà chẳng ai có con. Vua cho người tìm về bến sông xưa. Cô thôn nữ đã luống tuổi, con gái- tức công chúa đã chết đuối. Vua về làng và ngồi than khóc bên sông. Sau này dân lập ngôi nghè và gọi là nghè Vua than! Thế thôi!!!

  Gần chục năm trước, Phòm cùng các cụ truyền miệng thêm rằng: Khi ra đi, vua gửi lại cái ấn làm tin, cô thôn nữ dâng lên, vua nhận ra người cũ. Vua cấp tiền vàng cho thôn nữ, ban chức quan địa phương cho người nhà cô ấy, lại cho giữ ấn làm tín vật khi gấp thì dùng. Rồi chuyện Phòm đi Hà Nội làm ấn gỗ, rồi chuyện đóng ấn vào lụa, vào giấy xanh, giấy đỏ để cầu quyền cao chức trọng, cầu đông con dài cháu… và Nghè thành Đền đã xẩy ra. Ồn ào hàng tỉnh, đến nỗi Sở văn hóa phải ra quy chế lễ hội về chuyện đóng ấn ở Đền làng Phòm!

Mấy năm yên ả!

  Gần đây, có mấy cụ về hưu bàn rằng: đền làng ta đáng được công nhận là Di tích Lịch sử- văn hóa cấp Tỉnh hoặc cấp Quốc gia. (Có cụ bốc lên lại còn bảo phải tầm Quốc tế, phải U-ni- sép xếp hạng ấy chứ!!!). Muốn vậy, phải quy hoạch, tu tạo có bài bản. Phải có ngọc phả và có một số di vật có giá trị. Mấy ông ở Sở văn hóa về hưu bảo thế và còn khẳng khái hứa sẽ “chạy” được bằng công nhận.

  Thế là làng thuê hẳn một nhóm 3 cô ở Phòng Di sản thuộc Sở văn hóa thông tin tỉnh viết ngọc phả đền Vua than. Mấy trăm triệu chứ ít đâu!

  Và, tu tạo, nâng cấp được triển khai. Hai dãy tả vu hữu vu được xây cất. Hàng trăm khách thập phương có thể cùng lúc sắm sửa lễ vật. Hoặc khi cần trú mưa tránh nắng.

   Chếch sau đền là nhà Bảo tàng. Mấy viên sỏi mốc xanh, mấy viên đá có góc cạnh được nhặt về, rửa sạch, trưng bày trong tủ kính. Mấy cái vò, cái chum sành để bám đất dưới gầm giường mấy gia đình được lau chùi, đặt lên kệ gỗ. Lại còn tranh vẽ, phù điêu, tượng gỗ, tượng xi măng tả cảnh thuyền vua cập bến nước đục ngàu bên nương dâu xanh mát.

  Để thêm huyền bí, ngọc phả thêm đoạn “…vua không về cung, truyền ngôi cho cháu gọi bằng bác, lại sai người làm một ngôi nhà ngói 3 gian 2 chái bên bờ sông. Vua ở lại đó, đêm ngày nhang khói để tu tâm và mong gần gũi đứa con duy nhất của mình. Vua còn dạy dân làng một nghề mới- nghề làm sẻo cá dưới sông. Được mấy năm, vua băng. Dân lập đền thờ hai cha con. Giờ là đền Vua than…”

  Để minh họa cho đoạn ngọc phả lâm ly ấy, Phòm quyết định làm một ngôi nhà theo mô hình nhà ngói của vua xưa. Nhà có tỷ lệ 1 phần 10 nhà thật, trưng bày giữa nhà bảo tàng. Ngôi nhà xinh xắn với cột gỗ tròn, vách gỗ kẻ ly, đón mái bằng cây kẻ, mái lợp ngói vảy rồng đặt tận cố đô Huế!  Bờ nóc đặt gạch hoa chanh, đỉnh mái gắn long nghê khảm sứ xanh lưu ly… Ai cũng khen đẹp!

  Ngày khai trương, Phòm đứng đón khách trên xã và nhìn người thập phương nườm nượp kéo vào xem mà lòng cứ lâng lâng.

  Ai ngờ, mấy cháu học cấp 2 ở xã chạy đến hỏi: - Bác Phòm ơi, vua không biết đọc sách à? Cháu không thấy có giá sách?

  • Ừ… ừ… Vua đọc sách chứ! - Phòm gọi tốp thợ, ngay đêm đó tháo một gian, bổ sung giá sách.

Hôm sau lại có cháu hỏi: - Bác ơi, vua đọc sách ban ngày thôi à? Cháu không thấy có đèn trên bàn?

  • Có chứ, có chứ… Đêm đó thợ lại được triệu đến! Hôm sau, 1 bóng đèn nhỏ xíu đã lắp xong. Ai ngờ, bọn trẻ reo to: “Chúng mày ơi, làng mình có điện từ ngày vua ở đây đấy!!! – Thế là lại phải sửa. Đèn điện bỏ đi, đèn dầu lạc được thay vào.

  Đau nhất là lũ trẻ mẫu giáo đến xem. Chúng hỏi cô giáo: “Con thưa cô, nhà của vua không có hố xí thì vua đi tè ở đâu ạ???

Cô giáo ớ ra rồi nói bừa vua đi ra đồng cho thoáng!!!

Cụ thủ từ đứng gần đó mắng: - “Phỉ phui miệng cô, nói thế phải tội với nhà Thánh!”- rồi giải thích: “Vua là thánh rồi các cháu ạ! Thánh thì không cần đi ị với đi tè!!!”

Chuyện đến tai Phòm, Phòm bực quá, văng ra: “Biết thế này, tao éo làm cái nhà ấy cho xong! Giờ biết xây sửa vào đâu đây???”

Mặt Phòm căng lên, đỏ như mặt trời đương trưa!

thucteao

PHÒM THEO THẦY CÚNG

   Vừa chợp mắt buổi trưa, Phòm giật mình có người gọi, mời bác ra đền ngay, các cụ đang đợi. Phòm sửa sang xống áo, vội rảo chân. Thì ra nhà đền có khách. Khách là một người trên 60, trắng trẻo, phong nhã với bộ quần áo lụa màu mỡ gà, tay cắp cặp da hiện đại, chân đi giày đen bóng loáng…
Khách tự giới thiệu là thầy phong thủy, qua làng, thấy địa thế đẹp, tạt vào thăm và xem có giúp gì cho làng chăng???
Phòm vốn rất sính nghe chuyện này nên xăm xắn mời chào.
Khách khen phong thủy của làng hay quá, đúng là đất “ Tàng phong tụ khí” . Ngôi đền nhìn ra sông thẳng đường Hoàng đạo ngắm đỉnh núi xa làm Sơn án, có lối ra sông là Thổ Minh đường, phía sau có núi đồi làm Hậu chẩm…Làng nằm trên thế “Sơn hoàn, thủy bao” tức núi sau lưng tròn trịa, nước trước mặt chảy hiền hòa bao quanh, sinh khí rất tốt. Làng tất an lành. Chỉ hơi tiếc bên hữu có gò đất thoai thoải đảm bảo Bạch hổ vượng, phát nhiều về kinh tế, quân sự; tả Thanh long hơi yếu, văn chương, chữ nghĩa có phần hẫng hụt…"
Giời ơi! Đúng quá, làng nhiều doanh nhân, mấy cấp tá, mà chưa có ai đỗ đạt cao…
Chao ôi, những điều thầy nói như đèn pha rọi thẳng tim Phòm. Phòm tha thiết đề nghị thầy cúng cáp hay trấn yểm thế nào cho làng phát đạt cân bằng mọi lĩnh vực! Khách cười, uống nước và hẹn 3 ngày sau quay lại. 
Ba ngày dài như 3 tháng ngóng chờ!
  Khách quay lại với một cái kính đen to, dày, có nhiều nút bấm và bảo rằng: “Kết hợp truyền thống với hiện đại, đây là công nghệ thời kỳ công nghiệp 4.0. Để bác trưởng thôn và các cụ soi ngắm vào đây xem phương mạch của làng chịu ảnh hưởng long mạch nào của quốc gia. Từ đó mà lo liệu! 
   Phòm đeo kính vào, trời sáng choang như sau bão. Thầy bấm nút vàng, đây là long mạch phát đế vương. Một con Rồng vàng uốn lượn. Phòm bảo: “Tôi nhìn thấy Rồng bay qua cầu Hàm Rồng, bay vào dãy núi 99 ngọn quanh Hồng Lĩnh, lại bay ra núi Đọ, vờn trên núi Mỹ nhân, Ninh Bình rồi…Thầy cười, đất đế vương theo vết Rồng bay, bác trưởng thôn thấy đúng không?- Đúng quá thầy ạ!!!
  Bây giờ sang mạch văn chương, học hành. Thầy bấm vào nút xanh. Phòm reo lên: “Úi chao, con Rồng xanh đang lượn, tôi thấy nó bay qua núi Ba vì, bay vào sông Lam rồi, nó ngụp lặn ở sông Lam. Kìa, nó bay ra biển, nó vòng về Nam Định vì tôi thấy Hồ Vị Xuyên, thấy tháp Phổ Minh… Ồ nó lượn vụt qua đầu tôi… nó bay đi đâu thế này???
  Chà, nó qua Việt Trì, nó trườn theo sông Lô, ôi, ôi… nó đậu lên cao nguyên đá Đồng Văn rồi!
  Thầy mủm mỉm cười: “Bác thấy không, Đất học đã chuyển từ Hà Tây, sang Nghệ Tĩnh, qua Nam Định , giờ vụt lên Hà Giang. Cho nên năm nay học sinh cấp III Hà Giang điểm đỗ Đại học cao nhất nước đấy thôi!
- Thầy ơi, làng tôi phải cúng cáp thế nào để các cháu học hành đỗ đạt cao?
- Theo Hà Giang là nhanh nhất bác trưởng thôn ạ!
- Ý thầy là phạm pháp, chữa điểm thi?
- Không phải là phạm pháp mà có sự chỉ dạy của Long mạch. Các lãnh đạo tỉnh, rồi các thầy thương học trò quá. Đói ăn, thiếu mặc, học như trâu cày mà chẳng bao giờ đỗ vào các trường tốt, nên cúng dụ để Long mạch quốc gia đậu về đó, chỉ bảo cho cách làm nhanh nhất!!! Bác có cần cúng thế không?
- Chỉ có cách thế thôi hả thầy?
- Có nhiều cách. Trước hết năm tới ta phải biện nhiều lễ, thành tâm cầu đảo để Rồng xanh tạt xuống đất làng. Long mach tỏa chiếu sẽ mách bảo cách làm hay. Biết đâu hay hơn, vi diệu hơn Hà Giang! Con cháu bác cứ thế làm theo...
- Thôi ạ... thôi ạ…Cháu tôi năm nay mới 8 tuổi, học lớp 3, không biết bao giờ mới thi đại học. Mà làng tôi cũng không cần đỗ đạt kiểu ấy ạ!
Ông thầy nhìn Phòm chòng chọc, cau mặt, nói như té nước:

- Bác thật rách việc, may mà tôi mua cái kính Tàu có mấy triệu chứ mua kính Đức thì sạt nghiệp rồi… Thôi! Chào!”
Phòm thở phào…

                                                                                                             LaHAN

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 58
Trong tuần: 873
Lượt truy cập: 455203
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.