Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LÀNG CÒ (Chương I9 - 22)

Nguyễn Đạo Vinh

LÀNG CÒ (Chương 19 - 22)

Chương 19
 
Tu hằm hằm nét mặt đi như chạy về nhà. Những người đứng xem đám rước dâu ở các đầu ngõ, thấy vậy ngơ ngác nhìn nhau, không ai dám mở miệng hỏi. Họ đoán già đoán non, hay Tu quên lễ xin dâu nhà gái không cho rước về ? Người thì bảo vì hứa cho nhà gái hai con lợn tạ móc, nay lại cho con lợn đeo kính dựa tường, chưa đầy ba chục cân, nên nhà gái không cho rước dâu. Ai cũng tự cho mình là người hiểu biết, tranh nhau nói, cãi nhau om sòm. Chỉ đến khi đám người đón dâu về qua, có một vài người tách ra khỏi đoàn nói cho họ biết. Lúc này họ mỡi vỡ nhẽ, là cô dâu đã bỏ trốn. Đúng là đám cưới có một không hai trong lịch sử ở làng Cò Quay.
Tu về đến nhà, mọi người xúm quanh tranh nhau hỏi. Tu chả nói chả rằng bỏ vào buồng, đóng chặt cửa lại.
Lão Cự đang ngồi nói chuyện với mấy cụ cao niên trong làng, tay Thông ra rỉ tai:
  • Không hiểu sao thằng Tu không đón dâu mà lại về có một mình.
           Cự nghe xong giật mình, bảo:
           - Ông phải thân chinh đến tìm hiểu xem sao?
Lão Thông gật đầu đi ngay. Đi được khoảng vài trăm mét, nhìn thấy đoàn xin dâu đang về, nét mặt người nào cũng tiu nghỉu. Chờ Cẩm đến gần Thông hỏi:
  • Sao ? Lý do làm sao mà về không thế này?
           Cẩm đang bực mình liền xẵng giọng:
  • Nó trốn mẹ rồi.
  • Trốn lúc nào, trốn đi đâu ?
  • Ai biết được, ông đến đấy mà hỏi.
Cẩm bị lão Thông hỏi dồn một cách vô lý, cộng với các bực mình từ mấy hôm nay dồn nén, cứ cắm ca, cắm cảu trả lời.
Đoàn rước dâu đi vào, mọi người có mặt ở đám cưới nhà lão Cự lúc bấy giờ xô nhau chạy ra hỏi:
  • Cô dâu đâu, nhà gái lại không có ai thế này?
Cẩm vừa lắc đầu vừa nói:
  • Trốn, nó bỏ trốn rồi!
Cả đám cưới nhà lão Cự nhốn nháo lên, khi nghe được tin cô dâu đã bỏ trốn. Lão Thông đi vào trong nhà, nháy lão Cự ra ngoài rồi nói:
  • Con Cúc nó bỏ trốn rồi ông ạ. Cự trợn tròn mắt:
  • Ông nói là con Cúc bỏ trốn hả?
Thông gật đầu, lão Cự buột miệng:
  • Thôi bỏ mẹ rồi, cũng còn may là khách nơi xa và trên huyện chưa xuống. Nếu không thì bẽ mặt cả lũ. Ông gọi hộ tôi ông Cẩm, Cơ, Hội vào đây, ta tìm cách giải quyết.
Lão Thông nghe Cự phán xong liền đi ra mời các tay kia vào. Cự kéo bọn họ ra góc vườn rồi nói:
  • Bây giờ sự thể đã như thế, các ông xem có cách nào giúp tôi.
Lão Thông nghe Cự nói xong liền góp ý :
  • Theo tôi bây giờ cỗ bàn đã xong, cứ mời mọi người vào ăn bình thường, và nói, cô dâu đột ngột bị ốm, gia đình nhà gái xin khi nào cô khỏi sẽ tự về.
  • Hay lắm, ý kiến ông Thông hay lắm, theo tôi góp ý thêm thế này. Giờ cho thằng nào đến nhà thằng Thăng xem nó có nhà không? Nếu không có nhà, chắc chắn nó với con Cúc bàn nhau bỏ trốn. Tìm được phang cho nó một trận, dám dụ dỗ cướp vợ người khác.
Xã đội trưởng Bùi Cơ vừa nói dứt lời, mọi người ở đó tán thưởng. Cự nói tiếp:
  • Bây giờ thế này. À gì nhẩy? Ông Thông, ông Cẩm ra mời mọi người ăn uống bình thường, như không có chuyện gì xảy ra. À gì nhẩy, ông Cơ hay ông Hội cử cho tôi một người đến nhà thằng Thăng thám thính xem sao. Có gì phải về báo cáo ngay. Thôi ai vào việc ấy đi.
 Cự nói dứt câu mọi người tản ra. Trần Hội xuống bếp bảo Xuyến:
  • Cậu sang nhà bà Tường, xem thằng Thăng có nhà không? Nếu nó không có nhà hỏi xem nó đi đâu, rồi về đây báo cáo lại cho tôi.
Xuyến công an viên, nhận nhiệm vụ  đi luôn. Vào đến giữa sân nhà bà Tường, anh hỏi:
  • Bác ơi, anh Thăng có nhà không?
Bà Tường đang ngồi xem Ly băm thịt, quay ra nhìn thấy Xuyến, bà hỏi lại:
  • Cháu tìm Thăng có việc gì? Nó đi chơi với bạn từ lúc hơn bảy giờ cháu ạ. Có dặn gì tối nó về bác bảo cho.
  • Không cháu chỉ hỏi thế thôi, cháu về đây.
Ở nhà lão Cự, khách trong làng đã ngồi ăn kín rạp ngoài, ước tính khoảng hơn trăm mâm. Họ vừa ăn vừa bàn chuyện cưới không có cô dâu. Có người bảo con Cúc này dại, có người lại bảo như thế là khôn. Họ thì thào với nhau, nhà lão Cự làm hai loại cỗ, cỗ bình dân để dành cho khách làng và anh em con cháu, thiếu không có giò, chả. Cỗ tiếp khách xa và các xếp có những sáu đĩa, bốn bát. Mấy ông sỗ miệng trong họ nghe thấy vậy liền chửi:
  • Cái loại chó má! Là cha là chú mà ăn ở không biết điều, làm hai loại cỗ. Rồi đấy, mai kia có chết gọi chúng nó về mà khênh. Đã thế chúng mày theo tao đ.. thèm ăn nữa, cho lão biết mặt.
Mấy ông ngồi bàn bên cạnh nghe ông Ka chi trưởng chi hai dòng họ Dương, mặt đỏ gay đứng lên chửi và định bỏ về, liền gàn:
  • Chúng em xin bác, bác bớt nóng cho, cỗ đã bày ra, có thế nào ăn thế ấy. Ai mà chẳng rõ cái bụng dạ lão Cự. Người kéo tay, người ấn vai. Nể quá ông Ka đành ngồi chống đũa, không ăn uống mà cũng chẳng nói năng gì. Mặt cứ gườm gườm nhìn lão Cự.
          Xuyến về báo cáo với Hội là Thăng đã đi từ sáng. Trần Hội nghe xong gọi Cự, Cẩm, Thông, Cơ vào hội ý chớp nhoáng. Trần Hội nói:
  • Theo Xuyến báo cáo, bà Tường bảo thằng ấy nó đi chơi từ lúc bảy giờ sáng nay.
           Thông suốt từ lúc nghe được tin Cúc bỏ trốn, lão thầm nghĩ: thế là mất toi cái xe đạp và hai chỉ vàng. Trong đầu lão cứ nghi nghi là phải có động cơ lôi kéo, thì Cúc mới bỏ trốn chứ chả nhẽ, tự dưng... Khi nghe thấy Trần Hội nói vậy lão khẳng định:
  • Theo tôi xác định thì đúng là thằng Thăng đã có âm mưu ngấm ngầm, lôi kéo rủ rê, chứ không nhẽ tự dưng con Cúc lại bỏ trốn. Trốn đi đâu? Bà Tường nói, nó đi chơi với bạn là để bịt mắt mọi người. Tôi có ý kiến thế này, ta cho người phục gần nhà, thấy nó về tóm luôn xét hỏi cho bằng ra thì thôi.
 Cự, Cơ, Cẩm, Hội nghe lão Thông đưa ra phương án ấy đều nhất trí tán đồng.  Cự giao cho Thông và Bùi Cơ chịu trách nhiệm việc này. Vương Trí Thông được Cự trực tiếp giao nhiệm vụ liền bảo Bùi Cơ :
  • Ông cho hai dân quân khỏe mạnh đi ăn trước và bảo họ tới phục. Tôi cho thằng Lâm và thằng Trố đến hỗ trợ, phải rình bắt bằng được, nện cho nó một trận thật đau. Thôi đi làm đi.

nammoi2025

Chương 20
 
Gần một năm nay trong bếp nhà bà Tường mới có tiếng xèo xèo, tách tách. Những cái nem được bàn tay của Ly khéo léo cuộn rồi bỏ vào chảo mỡ đang sôi, mùi thơm từ thịt hành, trứng bay ra. Bà Tường bảo:
  • Cháu ạ! Người khổ, con lợn con gà, con chó cũng khổ lây. Đến cả ông vua bếp gần một năm nay mới lại được ngửi mùi mỡ. Người nông dân quanh năm đầu tắt, mặt tối chỉ mong no cơm đủ rau, đã là sướng lắm rồi.
            Cô nhân viên bán hàng bách hóa nghe bà Tường nói chuyện, cô cảm thấy bùi ngùi trong bụng. Cảm thông với cảnh ngộ của những người nông dân, cô nhẹ nhàng giải thích:
  • Bác ạ, đất nước mình nghèo quá mọi người phải bớt ăn, bớt mặc để phục vụ cho tiền tuyến. Nhưng nếu mỗi người, đều có tấm lòng vì mọi người thì đâu đến nỗi. Cháu nói đơn cử như nhà ông Cự hôm nay cưới con. Họ làm tận ba trăm mâm cỗ, thì phải mất một nửa lượng thực phẩm bán trong huyện, dân có muốn mua cũng chả có mà mua. Hay năm ngoái, trên phân phối cho huyện mười nghìn mét xô để bán cho mỗi chị em phụ nữ nửa mét, làm khố vệ sinh. Hết ông cán bộ phòng ban này, lại đến cán bộ phòng ban khác trên huyện đến xin. Rồi các ông cán bộ xã nữa chứ. Đến tay chị em chắc chỉ còn được bằng cái khẩu trang là cùng. Hôm nọ cháu xuống thôn Đìa, gặp một tốp học sinh quàng khăn đỏ, vừa đi chúng vừa nghêu ngao: “Bòn xô tốt may mùng, chăn đắp”. Hóa ra là nó ám chỉ mấy ông cán bộ huyện, xã, lấy tiêu chuẩn xô khố của chị em về may màn, bật chăn.
  • Ấy chết cháu vô ý quá lại đem nói cái chuyện ấy vào lúc này. Cháu xin lỗi bác nhé.
  • Ô hay, chuyện có thế nào ta nói thế, chỉ đừng có thêm bớt vào là được. Đừng nghĩ đến chuyện sạch bẩn. Sạch bẩn nó ở lương tâm mình hết cháu ạ!
Những miếng nem được rán trong chảo đã vàng ươm, Ly đứng dậy ra trạn tìm chiếc đĩa. Trong trạn chỉ có tất thẩy bốn cái bát, cái thì sứt, cái thì mẻ, cô quay ra hỏi bà Tường.
  • Bác ơi nhà mình không có đĩa à?
  • Ấy đấy, chưa già mà đã lẫn.
Bà đi nhanh lên nhà, với tay lên bàn thờ cầm đĩa xuống, đưa cho Ly:
  • Rõ khổ, nhà có đúng một cái đĩa cháu ạ!
          Chiếc đĩa được làm bằng sắt, và được tráng một lớp men dày, có ba chỗ đã bị thủng. Ly bảo:
  • Dạo nọ có một lô hàng bát đĩa sứ Trung Quốc đẹp lắm, các xếp xin mua hết rồi. Để mai cháu xem còn ít bát đĩa nào tồn kho, cháu mua giúp.
  • Thế thì còn gì bằng. Bác tưởng hàng khan về đợt nào là hết đợt ấy hả cháu ?
  • Cũng có khi còn bác ạ!
  • Đấy cháu xem, bác thì yếu chả đi được đến đâu. Thăng thì đàn ông đàn ang nó không hay để ý, có thế nào thì dùng thế. Cứ mong nó cưới vợ, để có người lo toan thu vén giúp mà chả được.
Ly gắp những cái nem đã vàng cánh gián bỏ vào đĩa, rồi cô bảo bà Tường:
  • Bác lên nhà thắp hương hộ cháu.
  • Sao kỹ càng thế ?
  • Bố mẹ cháu dạy, khi ăn miếng ngon phải nhớ đến tổ tiên, cha mẹ, bởi thế có cái gì, lạ, ngon là cháu đưa lên thắp hương. Hoa quả đầu mùa cháu bứt vào để lên bàn thờ cúng, sau mới dám ăn.
Bà Tường thò tay vào trạn, lấy cái bát ra múc nước, đặt lên bàn thờ. Bà nói:
  • Quý hóa quá, quý hóa quá. Nào cháu đốt nhang, rồi đứng xuống đây cùng bác.
          Hai người cùng chắp tay, mắt hướng lên bàn thờ. Bà Tường lầm rầm mấy câu rồi cúi đầu vái, Ly cũng vái theo. Lễ xong, Ly hỏi:
  • Bác ơi nhà mình có nước mắm không ?
  • Làm gì có hả cháu? Mỗi năm ông nhà nước phân phối cho vài đợt. Nhà mình chậm chân, vác sổ mua hàng đến mua, họ bảo hết. Muối cũng khó, muốn nén quả cà, vại dưa phải đi ra chợ mua đấy cháu ạ. Cháu xuống trạn, muối ở cái phạng, dùng tạm vậy.
Ở góc trong cùng của trạn, có cái phạng bằng sứ, đường kính độ hai mươi phân, Ly thò tay vào, nhặt ra ba cục muối bằng đốt ngón tay, cái thứ muối mỏ ăn chát xít, sạn ngấm sạn ngẩm. Cô bỏ vào bát, lấy nước sôi đổ vào, rồi gạn ít nước ở trên. Ly cho tý giấm, mút mút nhấm thử. Thái nốt cà rốt và xu hào, bỏ vào làm món nước chấm. Ly rửa ráy mọi dụng cụ sạch sẽ, rồi đi lên nhà. Bà Tường liền bảo:
  • Xong việc rồi, ngồi đây uống nước, hai bác cháu mình nói chuyện.
Qua câu chuyện Ly kể, bà Tường biết thêm về gia đình cô. Ly có ông bố là trưởng phòng giáo dục huyện, mẹ là giáo viên dạy cấp ba, anh trai đang tại ngũ. Và có nhiều đối tượng đến dòm ngó, ngỏ lời. Nhưng cô chưa chọn ai, vì còn muốn học thêm để nâng cao trình độ.
Ly nhìn vào chiếc đồng hồ đeo ở tay, đã gần mười hai giờ. Cô ngó ra ngoài sân vẻ mặt như đang chờ đợi, mong ngóng. Bà Tường thắp thêm tuần nhang nữa có ý chờ Thăng về. Ly cũng đứng dậy ra ngắm hai con lợn, bỗng đầu xóm có tiếng kêu thất thanh:
  • Ối làng nước ơi cứu, cứu. Chúng nó đánh chết anh Thăng rồi.
Bà Tường và Ly cùng nhao ra. Ông Tiềm tay trái vòng xuống cổ nâng đầu Thăng dậy, tay phải cầm nắm thuốc lào to đắp vào chỗ máu đang phun. Mấy ông bà hàng xóm nghe tiếng kêu cứu cũng đổ xô ra.
Bà Tường nhìn thấy ngất xỉu, ông Hỷ đứng cạnh liền bế thốc bà vào nhà. Ly cởi vội chiếc khăn phu la đang quàng cổ, quấn vào vết thương của Thăng. Ông Tiềm cùng vài người hàng xóm đưa Thăng lên giường. Thăng nằm thẳng, bất động, lay gọi mãi vẫn không thấy mở mắt. Ông vội vàng cởi hết áo ngoài của Thăng, dùng hai tay day day ấn ấn vào ngực, rồi lại hà hơi. Lúc sau ông ghé tai vào ngực Thăng để nghe, tim đã đập đều, ông nói:
  • Thoát rồi, ông bà nào chạy xuống báo ông Sơn hộ tôi.
  • Để cháu, để cháu! Cu Hải luyến thoắng, rồi vội vàng vụt chạy.
Mọi người thở phào, khi nhìn thấy ngực Thăng phập phồng trở lại.
Bà Tường nằm ở giường bên, được mấy bà hàng xóm xoa bóp đã tỉnh. Bà đập hai tay xuống giường rồi rống lên:
  • Sao tôi lại khổ thế này hả giời?
Ông Sơn phóng xe đến cổng, vội vàng vứt toạch xe xuống rồi chạy vào.
  • Các ông bà ơi, cháu nó làm sao thế này?
Ông Tiềm liền kể:
  • Tôi ở chỗ ông Hoàn về đến đầu xóm, thấy thằng Lâm con lão Thông một tay bị lủng liểng, nó vừa chạy vừa khóc, thằng Trố chạy theo sau. Ngoái sang bên trái nhìn thấy anh Thăng nằm sấp, máu chảy lênh láng, tôi hô hoán mọi người chạy ra. Bây giờ tôi và ông phải đưa cháu lên bệnh viện gấp.
Ông Tiềm và ông Sơn đặt Thăng vào võng, định dắt xe đi thì Thông và Trần Hội cùng mấy dân quân chặn lại.  Thông nói:
  • Yêu cầu giữ nguyên hiện trường để lập biên bản.
 Ông Tiềm nghe lão Thông nói vậy liền cãi lại:
  • Bản bung cái gì? Biên bản để con người ta chết hả? Ông vung cánh tay hùng hùng hổ hổ:
  • Mày có tránh ra không, bố mày không có ngán mày đâu?
Ông định ra đòn vào giữa mặt lão Thông, liền bị Trần Hội ôm chặt. Ông dùng hết công lực thúc mạnh, Trần Hội bị ông Tiềm thúc cùi tay vào ngực kêu đánh ‘‘hự’’ ngã bổ chửng. Mấy ông bà hàng xóm chứng kiến cảnh lộn xộn ấy, nhưng chả ai dám vào can. Hai dân quân giơ súng, chĩa vào ngực ông Tiềm.
  • Còn chống đối tôi bắn.
Ông Tiềm đành đứng im, nhưng mồm vẫn không ngừng chửi:
  • Con tao làm gì nên tội mà chúng mày làm biên bản. Tổ sư nhà chúng mày, cậy quyền cậy thế ăn hiếp hả.
Lão Thông hất hàm bảo Trần Hội:
  • Đọc biên bản cho lão ấy nghe ! Trần Hội mở nắp xắc cốt moi tờ giấy ra đọc:
         Việt Nam dân chủ cộng hoà, độc lập tự do hạnh phúc, biên bản về việc đánh người gây thương tích. Hôm nay ngày   tháng   năm. tại ngõ nhà bà Tường xảy ra ẩu đả, nguyên do tên Thăng uống rượu ở đâu về,  đâm vào Vương Trí Lâm mười ba tuổi và Nguyễn Đình Trố mười sáu tuổi.Tthăng không xin lỗi mà lại còn giở thói côn đồ, bẻ gẫy cánh tay phải Vương Trí Lâm. Nguyễn Đình Trố đi cùng thấy vậy bực quá đá nhẹ , tên Thăng ngã đập đầu vào hòn gạch. Biên bản lập xong lúc mười hai giờ mười phút. ngày    tháng    năm. Chữ ký người bị hại,Vương Chí Lâm, trưởng công an xã Trần Hội, người làm chứng Nguyễn Đình Trố.
                                                                      Người gây thương tích.
        
           Đọc xong biên bản,Trần Hội yêu cầu đại diện gia đình ký vào. Ông Sơn hùng hổ nói:
  • Không có ký cọt gì hết, tránh ra. Chúng mày lập biên bản kiểu ấy con chó nó cũng lập được. Tao ở chiến trường không đổ máu, nhất nhẽ hôm nay tao thí mạng với bọn mày, xê ra.
Ngoài đường có tiếng xe ba bánh rẽ vào ngõ. Ông Huyện đội trưởng nhảy xuống hô:
  • Tất cả dừng lại. Lý do sự thể ra sao để sau xem xét, yêu cầu mọi người dãn ra cho bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời.
Thông và Hội cùng cãi lại :
 - Sự việc xảy ra ở thôn tôi, xã tôi, ông không được can thiệp.
  • Tôi nói các ông nghe cho rõ đây. Tôi lấy mạng sống của mình ra đảm bảo. Các ông có thi hành mệnh lệnh không?
Mấy tay dân quân nghe vậy sợ xanh mắt, dãn ra nhường đường cho ông Tiềm và ông Sơn đi.
Ông Huyện đội trưởng lao ngay vào nhà. Đến giường bà Tường, ông gọi:
  • Chị ơi, chị ơi!
Bà Tường khẽ mở mắt nhìn, rồi lại nhắm vào. Cầm bàn tay nhăn nheo thô ráp của bà, ông nói:
  • Chị cứ yên tâm tĩnh dưỡng, em sẽ trực tiếp đứng ra làm sáng tỏ vụ này. Em tin ở cháu Thăng, nó là người có học, không bao giờ hành xử thô bạo như thế đâu? Cũng may có con bé Ly đạp xe đi báo, em mới biết mà vào.
Từ lúc Thăng bị đánh, được ông Tiềm và Ly băng bó xong đưa vào nhà, Ly cứ đứng nép sau cánh cửa nhìn mọi người, nước mắt chạy vòng quanh. Vì lạ nước, lạ cái cô chả dám góp ý lời nào, chỉ đến khi lão Thông và Trần Hội chặn xe, không cho ông Tiềm đưa anh Thăng ra viện, cô mới nảy ra ý định tìm người can thiệp. Cô lẳng lặng lấy xe đạp phóng đi.
Ông Tuyến hướng về phía Ly rồi nói với mọi người.
  • Không có cháu Ly thì tôi cũng chả biết đâu ? À mà sao cháu lại vào đây, vào ăn cưới hả?
Ly kể toàn bộ sự việc từ hôm gặp Thăng và lý do sáng nay vào, cô sụt sùi chỉ tay lên bàn thờ rồi nói:
  • Hai bác cháu rán đĩa nem xong, bỏ lên thắp hương, chờ anh Thăng về hạ xuống ăn một thể. Nào ngờ...... Giờ bác ra vái tạ, hạ xuống, để cho bác Tường ăn chả đói.
Ông Tuyến đi ra bàn thờ đốt nhang, lễ xong ông quay lại bảo Ly.
  • Cháu ở đây cùng mọi người, chăm sóc bà Tường hộ bác. Bác ra xem Thăng nó nằm ở đâu? Bác sẽ tạt về nhà, báo cho bố mẹ cháu biết, đừng lo.
 Trên đường về huyện, ông rẽ vào trụ sở công an, đề nghị cho một người sang lập biên bản để có căn cứ xét xử sau này. Huyện công an cử ngay đồng chí Tình. Ông Tuyến bảo ông Tình:
  • Mời đồng chí lên xe, tôi chở luôn cho kịp.
Ông lại phóng xe vun vút trên đường. Vừa may tới cổng bệnh viện, thì xe chở Thăng cũng đến. Cả bốn người cùng khênh Thăng vào phòng cấp cứu.
Các y bác sỹ chạy xô đến kiểm tra huyết áp, tim phổi. Bác sỹ Tá trưởng khoa nói:
  • Các anh để chậm, bệnh nhân mất máu nhiều quá, cần tiếp máu gấp.
Cả bốn người đều vào lấy máu xét nghiệm, cuối cùng chỉ có ông Sơn là hợp nhóm máu với Thăng.
Thăng được tiếp máu mặt đã hồng hồng trở lại, hai môi sưng vù như hai quả chuối tiêu, Bác sỹ dùng kéo cắt hết chòm tóc bết máu, lau rửa sạch sẽ và kết luận. Thăng bị vật cứng đánh vào mặt,  vào gáy và thái dương, hiện vẫn đang bất tỉnh.
Đồng chí công an huyện lập biên bản xong, đề nghị mọi người ký, rồi xin phép ra về. Ông Tuyến dặn bác sĩ
  • Trường hợp có gì cần thiết, cho người báo tôi ngay nhé. Trăm sự nhờ các ông đấy. Hai ông ở đây lo cho cháu, tôi đi đây.
Chương 21
 
Nhà lão Cự giờ này hết khách ăn uống, chẳng hiểu lão dự trù bao nhiêu mâm mà hiện giờ kiểm lại còn ế khoảng sáu mươi mâm, do khách trên huyện, những người ở xa và một số người làng không đến. Lão lồng lộn như con thú hoang bị nhốt, lão đùng đùng chửi:
  • Mối với chả mai? Mang tiếng đi học nước ngoài mà ngu hơn con lợn. Không biết khóa chân, khóa tay nó lại còn để nó xổng. Ngu, ngu. Thằng Tu đâu?
Tu thấy bố gọi liền lững thững đi ra:
  • Ông định bảo gì ?
  • Bảo, bảo cái con mẹ mày. Ngu, ngu lắm con ạ. Viết ngay lá đơn kiện thằng Thăng là rủ rê cướp vợ nghe chưa?
  • Ông thích, đi mà viết
 Tu trả lời rồi lên xe phóng đi. Cự hậm hực đi đi lại lại mấy vòng trong nhà, vừa đi lão vừa lải nhải:
  • Tôi đã bảo với các ông lập biên bản, bắt nó ký vào để khép tội. Bây giờ không làm được, các ông tính sao?
Lão Thông liền bảo :
  • Vẫn chưa hết nước đâu. Mai ông về huyện, nói rõ tội trạng của thằng Thăng, yêu cầu cách chức phó chủ nhiệm, phải ra quyết định ngay. Bọn tôi ở nhà họp, khai trừ nó ra khỏi tổ chức, tống mẹ nó đi nghĩa vụ cho đỡ ngứa mắt.
Cự trừng trừng nhìn vào mặt Thông rồi quát:
  • Ông ngu bỏ mẹ! À gì nhẩy. Cách chức phó chủ nhiệm hợp tác xã của nó thì khó gì? Nhưng chả nhẽ tôi lại đứng ra vạch tội nó hả? Bây giờ, à gì nhẩy, các ông phải lập ngay một hồ sơ vụ án, gán cho nó cái tội cướp vợ, đánh người gây thương tích, tôi mới có cớ. À gì nhẩy. Các cụ chả có câu “kiện gian bàn ngay” là gì?
Trần Hội nghe Cự phán xong, mạnh mồm nói:
  • Cái đó thì khó gì, cứ ghi khống lời khai của thằng Lâm, thằng Trố là xong. Có ai nhìn thấy chúng nó đánh đâu? Nếu có người nhìn thấy, cũng chưa chắc đã dám nói, và cũng chả dám đứng ra làm chứng.
Cự bần thần một lúc rồi lại buông ra mấy câu chửi đổng:
  • À gì nhẩy. Tổ sư thằng khốn, ông mà không vướng công việc thì ông băm vằm mày ra, chứ ông không để yên. Các ông ngu lắm, nãy nhanh chân về gọi tôi đến thì tay Tuyến cũng chả làm gì được. À gì nhẩy. Các ông phải nặn óc tìm cách bịt miệng nó lại, nếu cần cho nó phăng teo luôn. Cỗ bàn còn lại các ông tìm cách giải tán ngay đi, để tô hô thế kia, dân họ đàm tiếu thì nhục lắm.
 Được lệnh của Cự, cả bốn tay thi nhau chạy ra kiếm rổ xảo, rồi trút lấy, trút để mọi thứ trên bàn.
Bà Cự được uống nửa viên thuốc ngủ, nằm mê mệt từ trưa hôm qua đến giờ. Bà dụi mắt đứng lên, người cứ lâng lâng như đang đi trên mây. Bà lại ngồi xuống dụi mắt lần nữa để trấn tĩnh, lúc sau bà ra ngoài hỏi mấy người đang thu dọn:
  • Thế chưa cưới hả? Khách khứa đi đâu hết cả rồi?
Mấy tay cứ chăm chăm vào việc thu dọn. Họ trút vội những đĩa xôi thịt vào xảo, chẳng ai đếm xỉa gì đến câu hỏi của bà. Bà đứng đực một lúc lâu rồi tiến đến hỏi lão Thông:
  • Đã tổ chức cho cháu nó chưa hả ông?
  • Xong rồi!
  • Thế con Cúc và thằng Tu nó đâu, về ăn lại mặt hả?
  • Sao bà hỏi lắm thế!
 Vừa nói lão Thông vừa trút vội các đĩa thịt, xôi vào xảo, chằng buộc kĩ rồi phóng về. Cẩm, Cơ, Hội cũng chả kém phần, mỗi người một xảo lễ mễ bê, đội. Trên bàn giờ còn trỏng trơ bát đĩa và các bát canh, không làm thế nào mà lấy nốt được. Trong lúc các tay chân của Cự đang thu dọn, Cự thay quần áo rồi lỉnh đi luôn.
           Cẩm bê xảo xôi thịt nặng, người cứ lệch về một bên, lắm lúc mỏi tay quá đành hạ xuống để nghỉ. Cẩm hí hửng nghĩ: ‘nhìn thấy xảo thịt lẫn giò mang về, chắc chắn mụ vợ sẽ xóa đi cho lão cái tội đạp vào mặt mụ chiều qua”. Cứ hết bê lại đội, hết đội lại bê, đổi đi, đổi lại đến chục lần, Cẩm mới về được nhà, nhưng cổng lại khóa thế mới ác. Cẩm đặt rổ thịt xuống đất lục tìm chìa khóa, sờ nắn khắp các túi không thấy. Cẩm suy nghĩ tìm cách đưa xảo thịt vào trong, chứ ai đi qua họ nhìn thấy thì ngượng lắm. Cuối cùng Cẩm nghĩ ra một mẹo, đưa xảo thịt lên đầu, đặt được lên thành tường là ăn chắc. Cố dướn hai ba lần mà vẫn không được. Cẩm đi tìm mấy hòn gạch mẩu kê vào, và chắc mẩm lần này sẽ phải được. Đội xảo thịt lên đầu rồi bước lên mấy hòn gạch cố dướn. Chôn xảo vẫn còn cách mặt tường đến ngón tay. Cẩm xòe nốt mười đầu ngón tay để nâng đít xảo lên, hai tay run run chới với. Còn tý nữa, còn tý nữa, Cẩm nhón nốt mười đầu ngón chân kiễng lên. Bất ngờ chồng gạch kê dưới chân bị lật, nó đập vào xương gióng chân. Xảo thịt đổ ụp xuống đầu, xuống lưng, Cẩm ngồi phệt xuống đất, mặt nhăn nhó xuýt xoa. Mấy con chó gần đấy ngửi thấy mùi thịt xô nhau vào tranh cướp. Tiếc đứt ruột, đứt gan mà Cẩm cũng đành chịu.
Lưỡng lự một lúc lâu, Cẩm quyết định quay lại nhà Thông để bàn cho dứt chuyện con lợn hôm qua đem về, chả có con mụ la sát hỏi đến, không biết đường nào mà trả lời.
Lão Thông về nhà phân loại xong mớ hỗn độn, đây xoong giò, đây xoong chả, kia thịt luộc, thịt rang. Lão đang định nhóm bếp để đun, thấy Cẩm đi vào lão hỏi:
- Đã đun nấu xong rồi ư? Đúng là còn vợ sướng thật, đem cái gì về vứt toạch đấy trưa là có cái nhắm. Chả bù cho tôi, từ khi bà ấy qua đời tất cả đầu nấu tam tai đều đến tay. Mấy đứa con chả biết làm gì, mình không mó tay vào thì chúng nó bỏ thối.
Thông nói một thôi dài mà không thấy Cẩm trả lời, lão ngẩng mặt lên:
  • Sao, tôi trông ông buồn thế?
  • Đổ hết mẹ nó rồi!
  • Sao lại đổ đi, phí phạm thế? Không ăn thì đem cho tôi. Ông có biết không, tính chi li ra, được miếng thịt này là phải mất vài ba lạng gạo với biết bao công sức đấy.
Cẩm nghe lão Thông giảng giải cáu quá quát:
  • Nó đổ con mẹ xuống đất, chứ ai tự dưng lại đổ đi. Tiếc đứt ruột còn lải nhải.
  • Ô hay! Tôi không biết tôi hỏi, ông nói cho hẳn hỏi, ông lại cáu với tôi?
  • Chứ không à? Bắt lợn xong khênh đi, không đóng cổng lại cho người ta, mất mẹ nó mười bảy con gà giò. Chiều qua mụ la sát về chu chéo ầm ĩ, nó còn hỏi con lợn của tôi đâu. Tôi cáu quá, đạp cho mụ một đạp giữa mặt, chả biết hôm nay nó đi đâu, khóa cổng ngoài tôi không vào được. Cố kiễng để đặt xảo thịt lên mặt tường, nào ngờ nó đổ ụp vào đầu, còn tím cả chân đây này.
Cẩm kéo quần lên cho Thông xem, Lão Thông bảo:
  • Mất bao công đem được về còn đánh đổ, ăn đến mồm còn chưa chắc. Sao không nhặt lên rửa sạch, đun lại gói giò xào, lại bỏ phí thế?
  • Nhặt…nhặt, chả nhẽ lại đi cướp nhau với chó à? Thế mà còn hỏi.
Lão Thông nghe Cẩm nói đến đây thì ngồi im. Cẩm ngẫm nghĩ một lúc rồi dằn giọng :
  • Bây giờ ông định thế nào?
Lão Thông hỏi lại:
  • Thế nào là thế nào? Ông hỏi ngu bỏ mẹ!
  • Tôi hỏi ông, con lợn bên nhà tôi ông tính sao?
  • Thì tết thịt chia đôi chứ sao!
-Thế còn con lợn ba mươi cân của tôi,  cám bã, công nuôi từ giờ đến tết tính sao? Lão Thông bần thần nét mặt mồm lẩm bẩm:
  • To chuyện đấy nhỉ, còn hơn tháng nữa mớt tới tết. Ngu thật, cứ để hai tám hai chín bắt thì ngon quá.
 Cẩm trề môi dài giọng ra điều khinh miệt, rồi đai đi đai lại:
  • Hai tám, hai chín bắt. Lợn của nhà ông chắc. Lão Cự mượn tiếng xin cho hội nghị tổng kết thủy lợi huyện, để dùng vào việc cưới con, mà ông lại bảo để hai tám hai chín bắt. Rõ là ngu.
Lão Thông bị Cầm vặc cho một trận đành ngồi im, lúc sau lão nói:
  • Thôi bây giờ thế này, ông cứ nuôi từ giờ đến tết, cân lên trả ông đủ ba mươi cân còn đâu chia đôi, cám bã mỗi người chịu nửa được chưa?
  • Thế còn công xá không tính à?
  • Lại còn công xá? Ông nuôi, ông ăn cứt nó, công đấy còn gì? Anh em với nhau còn đòi công với chả cán.
  • Anh em mình thì không sao, chứ dính vào đàn bà thì mệt lắm. Không tính, không xong với nó đâu. Mà còn hơn chục con gà giò nữa chứ?
 Thông nghe Cầm nói đến gà, cáu quá quát:
  • Ông lại định đem chuyện gà qué đến đây, để bắt đền tôi nữa à? Được rồi chờ hai thằng nó về, tôi hỏi xem có phải chúng nó quên không đóng cổng không? Hay người nhà ông ra vào không đóng. “Tháo dạ lại đổ vạ cho cứt”. Tôi còn mất ăn mất ngủ vì thằng Lâm bị gãy tay. Mất toi cái xe đạp, hai chỉ vàng, đang điên hết người đây này.
  • Á à, “cháy nhà mới ra mặt chuột”, lại còn mua xe đạp, mua vàng cất giấu.
  • Cất giấu cái cục cứt, là thằng Tu hứa mối lái cho nó xong, nó biếu cái xe đạp với hai chỉ vàng. Bây giờ sự việc hỏng mẹ rồi còn hóng gì, mà thằng Lâm lại gãy tay, tiền đâu mà chữa.
  • Thằng Lâm gãy tay thì lôi cổ thằng Thăng ra mà bắt đền, lo quái gì?
Cẩm và lão Thông đang nói nhau thì bà Quyền người nhà lão Cự đến bảo:
  • Em Tu cháu mời hai ông đến nó nhờ tý việc.
Lão Thông nghe thấy thế hí hửng nghĩ:” Nó gọi đến ít nhiều nó cũng cho mình cái gì đây”,  bèn kéo tay Cẩm:
  • Ta đi thôi. Hai người vừa đi, vừa nói chuyện bình thường với nhau, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Khác với cảnh tượng ban sáng. Sáng là người đến ăn cỗ, tay bắt mặt mừng nói cười hê hả. Chiều thì một bày chó đủ các thành phần, già trẻ, choai choai có con còn dắt theo bảy tám con mới mở mắt. Màu sắc thì lại càng đa dạng, con nâu, con vàng, vện, đen, vá, xám…chúng đang thi nhau tìm kiếm các mẩu xương rơi vãi, có con còn nằm chồm hỗm trên bàn nhay gặm. Một con chó choai chắc tranh nhau ăn với con lớn hơn bị nó cắn, vừa đi vừa lết cái chân sau lủng liểng, mồm kêu gau gau, thi thoảng nó lại ngồi nghỉ lấy lưỡi liếm vào chỗ bị cắn rên ư ử.
 Cẩm cùng lão Thông đi vào, Tu vẻ mặt cau có đăm đăm nhìn ra ngoài. Hai lão im lặng ngồi xuống ghế. Lúc này Tu mới quay vào nói với hai lão:
  • Ông già cháu bỏ đi rồi, giờ chỉ còn trông cậy hai bác giúp cho mấy việc thế này. Một là Bác Thông, hoặc nhờ đứa nào đến đòi hộ cháu cái đài, chai rượu và đồ dẫn cưới. Hai là nhờ bác Cẩm đi thuê mấy người đến dỡ rạp, trả bàn ghế, bát đũa hộ. Cháu đưa tạm bác hai chục, mai kia sang tới nơi cháu gửi về tiếp.
 Lão Thông nghe Tu nói thế liền hỏi lại:
  • Cháu định đi sang ngay à?
  • Chả đi còn ở nhà làm gì. Ở nhà để cho dân làng họ ỉa vào mặt à?
  • Mày bảo tao đến đòi tiền, đài tao ngại lắm, mà nhỡ rượu họ uống rồi thì đòi kiểu gì?
  • Họ uống rồi thì thôi.
Lão Thông nghĩ một lúc rồi bảo Tu:
  • Mày phải viết cho tao cái giấy ủy quyền đòi nợ, chứ tao đến nói mồm không họ tưởng tao lợi dụng “đục nước béo cò”.
Cẩm đế thêm:
  • Phải đấy cháu ạ. Nói chuyện người lớn với nhau là phải thế, toàn người làng người nước cả.
Tu nghe hai lão nói xong liền lấy giấy bút ra viết rồi đưa cho lão Thông. Vứt cho  Cẩm hai chục rồi đi vào buồng.
Cả hai cùng đi ra, lão Thông như sực nhớ ra điều gì liền bảo Cẩm:
  • Ông đi sau tìm người sang giúp nó nhé. Nói xong lão cắm đầu, cắm cổ chạy như bay về nhà, vì ban nãy nghe bà Quyền bảo Tu mời đến, mừng quá lão quên khuấy chỗ thịt để ở cửa bếp, không hiểu giờ có còn không, hay chó đớp mất thì khốn. Đúng như trong đầu lão nghĩ, về đến sân nhìn thấy bốn, năm con chó đang châu đầu vào các xoong thịt, lão hét:
  • Uây uây … xuỵt xuỵt.
Lũ chó nghe thấy tiếng người bỏ chạy, có con còn ngoạm cố một miếng vừa đi vừa nuốt. Lão Thông nhìn vào lẩm bẩm, mất toi hai phần rồi còn gì. Dớt dãi dính đầy các miếng còn lại, lão ngồi phịch xuống càu nhàu:
  • Tổ sư nó, sao đen thế? Thế này thì còn ăn làm sao được nữa.
Vừa lúc đó thằng Trố đèo thằng Lâm về đến sân lão hỏi:
  • Có làm sao không?
  • Gãy phải bó bác ạ!
Lâm đứng xuống sân, tay phải quấn kín băng, hai đầu nẹp gỗ thò ra ngoài, một dải băng quàng qua cổ vào cánh tay. Lâm lẳng lặng đi vào nhà. Lão Thông lại hỏi:
  • Thế hết bao nhiêu tiền hả cháu ?
  • Hết hai mươi đồng bác ạ. Nhà anh Tu có còn ai không bác?
  • Giải tán hết từ trưa rồi. Tý nữa đến đây mà ăn cơm. Đang không mất đứt hai chục bạc.
  • Hai chục là thế nào, phải hàng trăm đấy chứ. Còn phải đi thay băng hàng ngày, ít nhất là một tháng bác ạ!
  • Thế thì bỏ mẹ, ai cơm nước cho, lại còn học hành nữa chứ? Khốn nạn… khốn nạn thật. Năm hết tết đến, tiền đâu ra để chữa trị, thuốc thang bây giờ? À mà này, chiều qua bắt lợn xong khênh đi, chúng mày không đóng cổng nhà lão Cẩm lại hả?
  • Chúng cháu quên khuấy đi mất!
  • Tao bảo nhé, ông Cẩm có hỏi, khi ra có đóng cổng lại không, chúng mày cứ bảo là có. Nếu lão vu cho chưa đóng, thì cứ cãi bay đi cho tao, đừng thằng nào nhận. Ông ta bị mất hơn chục con gà giò, có ý bắt đến đấy.
  • Vâng, cháu đến nhà anh Tu, tí nữa cháu quay lại.
Lão Thông quay vào đổ thịt ra rổ, dội nước ào ào cho sạch rớt dãi. Miếng nào cũng nham nhở vụn nát, xóc đi xóc lại một hồi, lão đổ tất vào xoong. Đun xong, lão giở tờ giấy ra xem thằng Tu ghi những thứ gì. Lão đánh vẫn từng chữ, lẩm nhẩm đọc mất nửa tiếng mới xong, đại loại là Tu ủy quyền cho lão đòi hộ quần áo, vàng bạc tư trang. Đọc đi đọc lại mấy lần lão lẩm bẩm, còn cái đài, chai rượu nó lại quên không ghi vào hay nó cho ông bà Hoàn. Lão định vào dắt xe đi đến nhà Tu để hỏi, nghĩ thế nào lão lại thôi. Lão lẩm nhẩm đọc lại lần nữa, bỗng mắt lão sáng lên, chết với bố rồi không được cái này ông phải vớ cái kia chứ? Vác mặt đi đòi không cho mày hả? Lão vào lấy bút kê tờ giấy xuống bàn, ghi thêm vào mục nữa là con lợn ba mươi cân hơi. Lão cầm tờ giấy đi tới nhà ông Hoàn. Chưa vào đến cửa lão đã oang oang:
  • Khổ quá, cứ tưởng vun vén cho các cháu được sung sướng, nào ngờ cơ sự lại ra thế này. Từ lúc nghe tin cháu Cúc bỏ đi tôi áy náy quá.
Ông Nghĩa đang ngồi ở ghế, nghe lão Thông nói liền đứng dậy bảo:
  • Ông tới để đòi lại các đồ dẫn cưới của nhà trai mang đến chứ gì? Chúng tôi đã xắp sẵn ở đây, mời ông kiểm lại hộ cho.
  • Quả đúng thế, thằng Tu nó viết giấy ủy quyền cho tôi, giấy đây mời ông xem.
  • Khỏi cần, đây là vàng bạc ông kiểm cho kỹ, đây là bộ quần áo, đây là chai rượu, đây tiền dẫn cưới. Kia cái đài, ông cắm điện thử lại đi, không có về nhà lại bảo trả đồ hỏng.
Lão Thông kiểm lại toàn bộ mọi thứ. Tiền vàng, lão cho vào túi áo đại cán đóng khuy chặt, lão bảo:
  • Nói thật với ông Nghĩa và ông bà Hoàn nhé. Nếu như là gia đình tôi thì tôi chả đòi lại làm gì, nhưng đây là của thằng Tu, nó bắt tôi đi đòi hộ. Tôi áy náy, xấu hổ lắm.
  • Cám ơn ông, ông kiểm đủ chưa?
Lão Thông đứng ngần ngừ một lúc rồi nói:
  • Còn con lợn, trầu cau thuốc lá, chè, bánh kẹo.
  • À lại còn đòi nốt các thứ ấy hả, mời ông xuống đây.
 Ông Nghĩa tóm tay lão Thông kéo đi, xuống tới nơi ông bảo:
  • Con lợn ghẻ gia đình nhà trai mang chiều qua, chúng tôi đã trót sử dụng rồi. Đây toàn thứ mới mua, để làm cỗ mời mọi người. Nhưng vì cám cảnh quá dân tình không nỡ ngồi ăn, họ thu dọn vào đây tôi vẫn để nguyên, đề phòng các ông đến đòi lại.
Lão Thông liếc qua rổ thịt luộc, áng chừng có tới chục cân lão bảo:
  • Thôi thế cũng được, giờ ông cho tôi mượn đôi quang gánh.
Ông Nghĩa ra đầu hồi lấy đôi quang gánh vào, ném toạch xuống trước mặt lão Thông, rồi bỏ lên nhà.
Lão Thông bê rổ thịt vào quang, nhìn thấy phạng mỡ, đưa tay định bê nốt song nghĩ thế nào lão lại thôi. Lên nhà vác chiếc đài ra bỏ vào một bên cùng chai rượu, và bọc quần áo. Vờ như vừa sực nhớ ra, lão gọi:
  • Ông Nghĩa ơi, thằng Tu nó bảo còn…còn giầu cau bánh kẹo, chè nữa.
  • À nó muốn đòi nốt chứ gì? Được rồi, ông về bảo nó, mai tôi thông báo cho dân làng ai đã chót ăn, chót uống thì ọe ra trả nó. Còn xoong nước xuýt nữa đấy, tý đem nốt về .
Lão Thông mừng thầm, vì mình đã đòi ra thêm được vài thứ, hai nữa trời đã tối chả ai biết mình gánh gì mà lo, lão đi như chạy về nhà. Các con lão đã về cả, lão quát :
  • Ra đem các thứ này vào, đảo kỹ để ăn dần.
Con gái lớn đang ngồi nấu cơm trong bếp làu bàu:
  • Đi đâu cũng chỉ chực vơ vét.
Lão Thông cầm chai rượu tây bỏ lên bàn thờ, lão chắc mẩm, tết này khỏi phải lo rượu mà cả cái huyện này, chưa chắc đã ai có chai rượu như mình. Lão bê xảo thịt vào bếp, dặn con:
  • Đun luôn đi, cẩn thận không chó ăn đấy!
 Lão gánh các thứ còn lại đến nhà Tu. Đặt đôi quang gánh xuống , lão gọi:
  • Tu ơi, Tu.
Tu từ trong buồng đi ra, chả nói chả rằng nhìn vào đôi quang gánh. Lão Thông xum xoe nói:
  • Bác đến phải làm om sòm một trận từ chiều đến giờ, mới lấy được các thứ này về. Tu đột ngột hỏi:
  • Vàng và tiền đâu ?
  • À đây. Lão thọc tay vào túi lấy hai bọc ra đưa Tu.
  • Cháu kiểm lại đi.
         Tu giở ra kiểm mọi thứ rồi nhét vào túi. Lão Thông thấy Tu chả đả động gì đến lời hứa ban đầu, lão hạ giọng vòi vĩnh :
  • Tao cũng mất bao công sức, mày phải cho tao tý ty chứ.
Tu vung tay trừng mắt quát:
  • Ông muốn gì? Phắn, phắn đi cho đỡ ngứa mắt. Phắn!
Lão Thông vừa bực, vừa sợ, vội đi nhanh ra ngoài. Lão chửi thầm đ…mẹ cái đồ chó, rồi quảy đôi quang xảo đến trả nhà bà Hoàn. Đến nơi, lão quẳng luôn đôi quang, đòn gánh ở mép cổng rồi lùi lũi đi về.
           Cẩm từ lúc được Tu đưa tiền để nhờ người đến dỡ rạp, trả bàn ghế bát đũa hộ, ông đi rạc cẳng mới gạ gẫm, rủ rê được năm sáu đứa lau nhau. Ngồi chỉ huy bọn chúng, chừng năm giờ chiều chả thấy Tu ý kiến gì, liền bỏ về. Cẩm trông thấy có bóng người đi đi, lại lại trước cổng. Ông ta mừng quýnh tưởng vợ mò về, ông liền chạy gằn, đến nơi hóa ra là Xoan, ông hỏi:
  • Sao Xoan lại đứng đây?
  • Sao răng gì? Định vào nhà ông mà cổng vẫn khóa, có chuyện quan trọng đây?
  • Chuyện gì mà quan trọng thế? Đứng đây nói không tiện.
Vừa nói, ông vừa đi trước, Xoan lẵng nhẵng theo sau. Ra tới trụ sở hợp tác xã, ông mở cửa văn phòng, rồi bảo Xoan:
  • Nào có chuyện gì vào đây nói đi.
Xoan ở nhà ông Cự về từ lúc mười hai giờ trưa. Mệt mỏi vì hơn một ngày phải chạy đi chạy lại tiếp khách. Xoan lăn ra giường ngủ đến năm giờ. Cô đi tắm, lột quần lót ra tìm kỹ, chả có chút máu mê gì. Cô nghĩ mọi tháng cứ rằm là thấy, mà hôm nay là mười chín. Quá bốn ngày, cô sợ quá đi đến nhà Cẩm. Khi cả hai đã vào trong phòng, cô bảo:
  • Còn chuyện gì quan trọng hơn là chuyện ấy?
Cẩm tưởng Xoan nhớ đến các cuộc tình vụng trộm quá. Ông ôm ghì lấy Xoan hôn như mưa vào mặt, tay lần xuống cạp quần. Xoan bảo:
  • Đã quá bốn ngày rồi mà vẫn chưa thấy. Ông tính sao?
Cẩm giả điếc ôm ghì lấy Xoan. Xoan đứng im nước mắt chảy dài, Cẩm thấy vậy liền bảo:
  • Sướng quá khóc à?
  • Sướng, sướng cái gì? Chửa mẹ nó rồi.
  • Không sao, không sao đã có cách.
Nói rồi ông vật ngửa Xoan xuống nền nhà, làm tiếp cái việc, mà mọi khi ông vẫn làm. Lúc sau cơn cuồng nộ đã dứt, Cẩm rỉ tai Xoan:
  • Đã có cách rồi đừng lo.
  • Già rồi còn đĩ. Ngày mấy bận không chán. Chửa mẹ nó rồi, tính sao thì tính?
  • Bây giờ mình bảo thế này, nhưng Xoan phải nghe cơ. Lão Cự trưa nay về huyện, đề nghị ban thường trực ra quyết định bãi miễn chức phó chủ nhiệm của Thăng. Nếu chỉ quy Thăng về tội say rượu, có hành vi côn đồ, thì chưa đủ. Phải có thêm một tội gì nữa để đánh gục hẳn, không cho nó ngóc đầu lên. Mình đã nghĩ ra một mẹo. Giờ Xoan viết một lá đơn, nói là Thăng đã hiếp Xoan, hôm nó ăn cơm ở nhà Xoan. Hai nữa tối nay đến nhà bà Tường, thăm dò xem thằng Thăng nằm ở đâu, có bị nặng không, mình sẽ có kế sách tiếp. Phần nữa cứ kín kín hở hở cho mọi người biết, Xoan có thai với Thăng. Bọn mình ở ngoài khoác vào cổ nó, có chạy đằng trời. Như thế là một mũi tên trúng hai đích đấy.
  • Không! Tôi không làm thế đâu, nó ác ác thế nào ấy?
  • Không làm thế, cái bụng càng ngày càng rõ thì tính sao? Giả sử thằng Thăng nó không nhận, nó ruồng rãy mình có cớ để đi nạo. Cứ gán vào cho nó, thì chân phó chủ nhiệm may còn giữ được.
Xoan nằm nghe Cẩm giảng giải một hồi lâu, cô ngồi dậy kéo quần vuốt lại mớ tóc. Cẩm đứng lên bật công tắc điện, cả căn phòng sáng trưng. Lấy tờ giấy dặt lên bàn Cẩm bảo Xoan viết. Viết xong, ông cầm lên đọc, thêm, bớt một vài chỗ, thấy đã ổn, lão bỏ vào túi, rồi dặn Xoan:
  • Cứ theo lời mình dặn mà làm.
           Cẩm ngồi lại ngẫm nghĩ, có cái bảo bối này rồi, giờ ta nhổ cái gai dễ ợt, còn tha hồ vần vũ Xoan nữa chứ. Ông nở nụ cười đắc ý.
Cả bốn tay Cẩm, Thông, Cơ,  Hội đều coi Thăng là cái gai trong mắt họ. Bởi. Thăng là người đại diện cho lớp trẻ có năng lực, trình độ, lại dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thăng không ỷ lại vào chức vụ để moi móc, tham ô, luôn bảo vệ cái đúng, đấu tranh đến cùng với cái sai. Anh hành động theo lời dạy của Bác Hồ
“Việc gì có lợi cho dân thì ta nên làm,
Việc gì có hại cho dân thì ta nên tránh.”
Anh thực sự là người đầy tớ của dân, dân còn lao động cực nhọc  ăn chưa no mặc chưa ấm là điều anh luôn trăn trở suy nghĩ. Điều đặc biệt hơn cả là anh không màng tới địa vị, danh vọng. Cũng chính từ cái mặt tốt của anh, mà các tay đó luôn coi Thăng như cái gai trong mắt họ. Lúc nào họ cũng nhăm nhe, bày đặt mọi thủ đoạn hòng đánh bật anh ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo.
 Cẩm đi đi lại lại ở văn phòng hợp tác xã khá lâu, hắn đang cố nặn óc để tìm ra phương sách diệt Thăng thật nhanh gọn nhưng phải kín kẽ, làm cho những người trong cuộc và dân tình bên ngoài, không cho rằng, đây là vụ trù dập có toan tính trước. Cẩm đọc đi đọc lại mấy lần lá đơn Xoan vừa viết rồi ra về, tới ngõ nhà lão Thông, Cẩm mới sực nhớ chiều đang dở chuyện  thì bà Quyền đến gọi. Ông liền rẽ vào.
Lão Thông đem trả bà Hoàn đôi quang xảo cũng vừa về, lão đang vốc nước ở chậu vã lên mặt, thấy Cẩm đi vào lão hỏi:
  • Nãy tôi gánh các thứ đến nhà thằng Tu, không thấy ông ở đấy?
  • Ở đấy để ăn bạc mớ nhà nó hả?
  • Đúng là cái loại ba que không chơi được, ông ăn cơm chưa?
  • Đã ăn uống đâu ? Mà ông bảo ai ba que, ông ám chỉ tôi đấy hả?
  • Là em nói thằng Tu ấy, em mất bao công sức với nó mà nó chả cho đến một xu. Biết thế chả dại gì mà đi đòi hộ, thật xấu hổ. Đòi lại các thứ xong gánh đến nhà nó, nó bảo bỏ xuống đấy rồi phắn đi. Nó xua em như xua chó, giờ vẫn chưa hết tức. Đúng là đồ ăn cháo đá bát. Ông vào ăn cơm thể - Ông gọi con - Lươn ơi, dọn cơm đi con.
Lươn đang ngồi bàn đọc truyện, đứng dậy, chả nói chả rằng xuống bê mâm bát lên.
Lão Thông gọi:
  • Thằng Lâm đâu rồi?
Lâm ở dướp bếp đang thọc tay trái vào xảo thịt, chọn những miếng ngon nhất nhét vào mồm, nghe tiếng bố gọi nó thưa:
  • Ạ…ạ!
  • Gọi hai chị lên ăn cơm, đơm bát con thịt đem lên đây. Lâm nghe bố sai, với cái đĩa tây to, vục đầy thịt một tay bê lên.
Lão Thông nhìn thấy quát:
  • Ăn vừa thôi, còn để bữa sau chứ!
  • Òn ối, òn ối! Lâm vừa nói vừa chỉ tay xuống bếp.
Lão Thông giơ tay trừng mắt định nện cho Lâm một cái, nhưng vì có Cẩm ngồi đấy lão đành im, không muốn cho Cẩm biết, số thịt mình vừa mang về.
           Cẩm vẫy tay ra hiệu cho Lâm đến gần rồi bảo:
  • Mày ra mua cho bác chai rượu.
          Đưa cho Lâm hai đồng, Lâm giơ tay trái ra đón, tay phải vẫn treo lủng lẳng lên cổ, ông ta hỏi Lâm:
  • Giờ còn đau không, đi cẩn thận nhé!
 Còn lại Cẩm, lão Thông mới phàn nàn :
  • Bà Quyền đến gọi tôi với ông, vội quá bỏ đi quên không cất xoong thịt, lúc nhớ ra chạy về, chó vào ăn gần hết.
  • Thảo nào ông bỏ tôi chạy rõ nhanh.
  • Lúc ấy em mới nghĩ đến. Tổ sư nó sao mà đen thế? Đúng là của thiên lại giả địa, tiếc đứt ruột.
Đang nói chuyện với Cẩm, Thông phát hiện ra một bóng đen đang đi vào, lão quát :
  • Ai ?
  • Cơ đây, làm gì mà quát tháo ghê thế?
  • Mày cứ như ma só ấy, vào thì đánh tiếng cho người ta biết.
  • Cái nghề của em nó thế! A, may quá lại gặp ông Cẩm ở đây. Tôi đến nhà ông gọi mãi chả có ai thưa, trong nhà tối om.
  • Ông đến có việc gì đấy?
  • Trưa nay, anh Cự dặn em phải cho họp chi bộ gấp, để phán quyết việc của thằng Thăng, làm thế nào gán tội cho nó, đuổi thẳng nó ra. Em cũng tức cái thằng ấy lắm. Lúc chập choạng em thấy tay Sơn về, cho nên phải tổ chức họp ngay, em đã đi báo hết giờ chỉ còn hai ông.
 Cẩm nghe Cơ nói xong liền hỏi:
- Ăn chửa?
  • Nào đã kịp ăn đâu, đi báo họp rạc cẳng đây này, báu bở gì?
         Lão Thông không ngờ tối nay lại phải tiếp hai thằng khách bất đắc dĩ, lão giả vờ đi tiểu, lẻn vào bếp bảo con gái tắt lửa cất thịt đi, không có Cẩm, Cơ lại xuống dòm thì khốn. Lão đi nhanh lên nhà, ngồi vào mâm để kìm chân Cơ và Cẩm.
 Cơ rót đầy ba chén rượu rồi bảo:
  • Hôm nay uống ít thôi để còn tỉnh táo mà làm việc nhé.
Cơ ngửa cổ dốc ngược, đặt chén xuống mâm vớ chai rượu, Cẩm chộp lấy chai, gí ngón tay vào trán Cơ nói;
  • Cái mồm sẹo gỗ, nói chưa ráo nước bọt đã nuốt lời.
Lão Thông đang sốt ruột muốn tống khứ hai thằng khách không mời mà đến, vội bảo:
  • Thôi rót cho nó uống, còn đi họp.
 Cẩm cầm chai rượu lên, dốc đầy chén của mình rồi đưa cho Cơ. Cơ cầm cả chai ngửa cổ tu nốt. Cả ba người lại cắm mặt vào ăn.
Cơ cũng thuộc loại thành phần bất hảo, bố mẹ mất sớm ở với bác, chuyên một việc là đi chăn bò. Đến năm cải cách được Cự dìu dắt, đưa lên làm trung đội trưởng dân quân, hàng đêm cùng Cự đi rình rập, trèo tường, vạch rào vào nhà các đối tượng giàu có để nghe ngóng rồi báo cáo với đội. Khi Cự làm bí thư xã, kéo Cơ lên làm xã đội trưởng, Cơ lại càng tác oai tác quái hơn. Cơ đã hủ hóa khối người, nhưng không ai dám tố giác vì sợ bị trù dập.  Những năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, Thôn Cò Quay có một khẩu đội mười bốn ly năm. Cơ chọn toàn con cháu thân cận, người tình vào. Mỗi ngày nằm chơi cũng có hai mươi điểm, bằng hai công lao động, gạo thịt, rau hợp tác xã phải cấp. Cơ mượn cớ xin gạo, lợn cho trực chiến vô tội vạ. Vợ Cơ ở nhà ăn chơi béo trắng. Cơ căm Thăng vì hai nhẽ. Nhẽ thứ nhất là Thăng có trình độ năng lực vượt xa Cơ. Nhẽ thứ hai cứ hàng tháng về xin gạo, lợn là lại bị Thăng đòi hỏi danh sách chấm công, số lượng người cụ thể. Thăng còn bảo dân họ làm mửa mật, một năm chả có lạng thịt mà các ông nay xin mai xin, đành là ưu tiên cho anh em trực chiến, nhưng đừng có dựa vào đấy để đem về nhà, chia nhau. Đã có lần Cơ với Thăng cãi nhau chỉ vì, Cơ xin con lợn còi hai mươi cân, nhưng thông đồng với cháu là Phí Tính, đè con sáu mươi cân ra thịt, bị Hào phát hiện báo cáo với Thăng. Thăng đưa Cơ ra hội nghị xã viên khiển trách, cho nên từ lần sau Cơ toàn tránh mặt, chờ lúc Thăng bận hoặc đi đâu lại bảo ông Cẩm ký cho. Lần nào xin lợn thịt cho trực chiến, là lần ấy Thông, Cẩm, Cơ, Tính đều có phần trong đó. Cơ được trên xếp đặt cho làm bí thư chi bộ thôn Cò quay. Chi bộ thôn Cò quay có mười Đảng viên gồm: Cơ bí thư, Cẩm phó bí thư và Thăng, ông Sơn, bà Tuyển, Phí Tính, Sáng, Hào, Thông, ông Hội.
Khi Cẩm, Cơ, Thông vào đến cửa phòng, thì đồng hồ đã chỉ ngót chín giờ đêm. Bà Tuyển, anh Sáng, anh Hào đang vây quanh ông Sơn, để hỏi về tình hình sức khỏe của Thăng. Ông Sơn buồn rầu nói:
  • Cháu nó bị mất máu nhiều quá, vẫn chưa tỉnh lại. Tôi tranh thủ về lấy ít tiền chi tiêu, đồng thời làm đơn nhờ công an các cấp, điều tra xác minh cho rõ mọi chuyện.
        Bùi Cơ ngồi vào bàn chủ tọa hắng giọng nói:
  • Thưa các đồng chí. Theo yêu cầu chỉ đạo của trên, hôm nay chi bộ chúng ta họp đột xuất để làm một việc không ai mong muốn. Cơ ngừng lại một lúc ra vẻ xúc động, rồi nói tiếp - Một cái việc không ai trong chúng ta mong muốn đó là xét hình thức kỷ luật đồng chí Thăng.
Ông Sơn, Hào, Sáng, bà Tuyển nhìn nhau ngơ ngác. Anh Sáng quay sang hỏi nhỏ ông Sơn:
  • Sao lại thế ?
 Bùi Cơ nhìn thấy Sáng quay sang nói chuyện với ông Sơn liền ra ót :
  • Đồng chí nào không thích họp, mời ra ngoài. Đây là hội nghị có tổ chức, không phải là cái chợ - Vừa nói Cơ vừa gườm gườm nhìn Sáng. Cơ tiếp - Đồng chí Thăng là một đảng viên gương mẫu, luôn sống hết lòng vì nước vì dân, là một con người mẫu mực. Tôi tin tất cả mọi người đều yêu quý, cảm phục, có phần kính nể. Nhưng thật đáng tiếc, chỉ trong phút giây bồng bột, đồng chí đã làm mất đi, hình ảnh tốt đẹp của mình trong lòng mọi người. Đồng chí đã bẻ gãy tay của một cháu bé chưa đầy mười ba tuổi, một chủ nhân tương lai của nước nhà, và lại chính là con của đồng chí mình. Hiện giờ cháu Lâm con đồng chí Thông, vẫn nằm mê man bất tỉnh. Bây giờ xin mời đồng chí Hội, trưởng công an xã đọc toàn bộ lời khai, biên bản, cho mọi người cùng nghe.
Ông Hội đứng dậy đặng hắng rồi bắt đầu đọc, trước tiên là lời khai của Lâm. Sau đó là tường trình của Trố đứng ra làm chứng. Cuối cùng là biên bản vi phạm pháp luật, đánh người gây hậu quả nghiêm trọng. Hội đọc xong ngồi xuống. Bùi Cơ đứng lên nói:
  • Đồng chí Hội đã đọc xong lời khai, biên bản, đề nghị các vị cho ý kiến.
Hội nghị trầm lắng một lúc, lão Thông giơ tay phát biểu. Lão nói :
  • Tôi với chú Thăng còn là anh em trong nhà, thật đáng tiếc không hiểu là do mà xui quỷ khiến, hay bị ức chế do Cúc đi lấy chồng, mà đồng chí ấy lại bẻ tay cháu, một hành động vô lương tâm, vô đạo đức, đến kẻ thù chúng ta có gặp cũng không làm thế, huống chi là chú cháu. Tùy các đồng chí phán xét, tôi đưa ra lại bảo tôi ghét, tôi thù.
Lão Thông phát biểu xong ngồi phịch xuống. Hào giơ tay xin phát biểu, Hào nói:
  • Thưa các đồng chí, theo tôi sự việc này chưa thể giải quyết được, vì đồng chí Thăng còn đang nằm trên giường bệnh mê man bất tỉnh, lời khai, chứng cứ đều từ một phía làm sao tin được. Tôi yêu cầu hoãn lại chờ đồng chí Thăng tỉnh, ta hỏi rõ nguyên do rồi giải quyết, như thế mới đảm bảo công bằng, tránh quy oan cho đồng chí mình.
Bùi Cơ nghe Hào phát biểu, đứng bật dậy nói:
          - Đồng chí Trần Hội trưởng công an xã lại là đảng ủy viên, đồng chí nói vậy là không tin vào đảng, không tin đồng chí mình à? Đề nghị đồng chí Hào nên xem xét lại lập trường tư tưởng của mình.
         Cơ dứt lời, bà Tuyền giơ tay xin phát biểu:
  • Ý kiến của tôi thế này. Tôi đề nghị không nên đưa vấn đề này ra bàn bây giờ, vì tôi thấy, thứ nhất là đồng chí Thăng không có mặt. Thứ hai, biên bản, lời khai, nhân chứng đều từ một phía, tôi đề nghị đồng chí Hội mời công an huyện, xuống điều tra giúp cho công minh.
Ông Sơn do bị lấy đi một lượng máu lớn, để tiếp cho Thăng, nên từ lúc vào đến giờ cứ ngồi lừ đừ, thỉnh thoảng lại nghẹo đầu, nghẹo cổ, chả nói chả rằng. Bùi Cơ nhìn thấy gắt:  
  • Ý thức tổ chức, kỷ luật ở đâu mà đi họp lại ngủ gật thế kia, đồng chí Sơn.
Ông Sơn nghe tiếng quát giật bắn ngừời, rồi lại ngồi im như phỗng. Cơ gặng đi gặng lại giục mọi người phát biểu, vẫn chả có ai giơ tay. Bà Tuyển huých cùi tay vào Sáng bảo nhỏ:
  • Chú phải có ý kiến đi chứ!
Sáng lắc đầu. Thực tình thì Sáng không phải là không biết gì, ai như thế nào Sáng đều biết cả, nhưng Sáng không thể hiện chính kiến riêng trong các buổi họp, vì hai nhẽ. Nhẽ thứ nhất Sáng đã bị cụt mất cánh tay được ông Cẩm ưu ái cho làm chân bảo vệ ở văn phòng hợp tác xã và một nhẽ nữa Sáng lại sắp làm con rể Bùi Cơ. Vì thế trong các buổi họp Sáng đều ngồi im lúc cần giơ tay thì giơ, thế thôi.
Bùi Cơ cảm thấy hội nghị không có mấy tiến triển, có lợi như mong muốn của mình.  Cơ giục mọi người phát biểu. Vẫn không một cánh tay nào giơ lên. Cơ bực dọc đứng dậy nói:
  • Đề nghị ông Sơn cho biết ý kiến của mình. Chiều nay tôi được nghe ông Thông, ông Hội kể lại, lúc lập biên bản xong, bảo ông ký, ông hăng máu lắm. Định đánh cả trưởng công an với Phó chủ tịch. Trước mặt chi bộ giờ ông cho ý kiến.
Ông Sơn nghe Bùi Cơ nhắc, bực mình đứng phắt dậy nói:
  • Tôi chả ý kiến, ý cọt gì hết.
  • Tức là ông đồng ý ?
  • Tôi phản đối, kịch liệt phản đối!
Ông Sơn mặt đỏ phừng phừng, hai tay nắm chặt như muốn đấm ai. Cẩm lim dim mắt, thỉnh thoảng lại gật đầu một cái. Lúc ông Sơn cãi lại Bùi Cơ, ông ta mới bừng tỉnh,  đưa tay lên dụi mắt, rồi giơ ngón tay ra hiệu xin phát biểu. Ông nói:
  • Tôi nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí từ đầu đến giờ đều đúng cả. Để kết luận vấn đề này ta phải nghe cả hai phía, tức là nghe cả hai tai.
Ông Sơn, bà Tuyển, anh Sáng, anh Hào nghe ông Cẩm nói vậy, mặt đã giãn nở ra đôi chút, hướng về Cẩm như nuốt lấy từng lời.
Cơ, Hội, Thông, phí Tính thì ngạc nhiên ngơ ngác nhìn Cẩm. Cẩm cứ lải nhải giải thích đi, giải thích lại mãi là mọi người phải nghe bằng hai tai và phải có đầu óc thật sáng suốt, để nhìn cho rõ sự việc. Nghe Cẩm nói vậy Bùi Cơ đứng lên gắt:
  • Gần một giờ sáng rồi đấy, ông nói gì thì đi ngay vào vấn đề, cứ vòng vo tam quốc mãi
           Cẩm vẫn đứng yên, sau ông ta nói:
  • Có vấn đề này tôi đang nghĩ, không biết có nên đưa ra bây giờ không, vì hiện giờ đồng chí Thăng vẫn đang nằm viện, tôi sợ các đồng chí hiểu lầm lại bảo “mượn gió bẻ măng”.
Bùi Cơ  giục :
  • Có vấn đề gì đề nghị ông đưa ra ngay đi, chúng ta đều là những hạt nhân tiêu biểu của quần chúng, cần phải nêu cao tính tự giác, tính gương mẫu, liêm khiết, trung thực ngay trong lời nói.
Cẩm thò tay vào túi lôi ra tờ giấy gập tư rồi nói:
  • Tôi được cô Xoan đưa cho tờ giấy này, tôi đã xem qua, giờ giao lại cho đồng chí bí thư.
Cơ mở ra xem. Đọc xong, Cơ nở nụ cười đắc thắng. Cơ đứng dậy nói:
  • Đề nghị các đồng chí nghỉ giải lao mười phút. Chúng tôi cần hội ý. Mời đồng chí Thông, đồng chí Hội ở lại.
Bùi Cơ vớ luôn chiếc điếu cày dưới gầm bàn, nhét một bi thuốc lào, châm lửa rít rồi nhả ra một làn khói xanh, với bộ dạng sảng khoái chưa từng có. Lão Thông tóm lấy cái điếu từ tay Cơ rồi hỏi Cẩm :
  • Ông có cái bửu bối gì mà kín tiếng thế ?
  • Gì có bảo bối, chẳng qua là…..chẳng qua là bất đắc dĩ mới phải thế !
Cả bốn tay Cơ, Hội, Cẩm, Thông thi nhau hút thuốc, nhìn nhau cười hô hố, chắc mẩm phen này thì giời gỡ. Bà Tuyển cùng mọi người đứng ngoài lâu quá liền giục:
  • Đêm có khuya, ngày có rạng các ông cho họp đi, mai còn đi làm. Có ai được nằm chỏng gọng như các ông đâu.
  • Cứ từ từ, khoai chưa nhừ, bà có về cũng chỉ nằm không vội gì?
Ông Sơn đứng ngoài nghe lão Thông nói như vậy, liền sẵng giọng:
  • Đồ vô học. Đồ mất gốc. Ăn với chả nói.
Lão Thông bị ông Sơn đả cho đau điếng, định to mồm cự lại thì bị Cơ,  Cẩm chửi:
  • Ông ngu bỏ mẹ.
Lão Thông bậm môi mặt đỏ tía tai, mắt trợn ngược nhìn ông Sơn như muốn nổ con ngươi.  Bùi Cơ vỗ hai tay bôm bốp, mồm nói:
  • Mời các vị ta vào họp tiếp.
Mọi người lục tục kéo vào, ai nãy ngồi chỗ nào giờ lại vào chỗ đấy, riêng Sáng ra ngồi một mình một ghế. Sau khi mọi người đã ổn định, Bùi Cơ đứng dậy mở tờ giấy ra, hắng giọng nói:
  • Tôi thật rất buồn, phải thông báo với các đồng chí một việc vô cùng đê tiện của đồng chí mình, một con người mà ai ai cũng cho là người mẫu mực. Tôi xin đọc nguyên văn:
Kính gửi chi bộ thôn Cò Quay. Tôi tên là Nguyễn Thị Xoan mười bảy tuổi sinh trú quán tại làng Cò Quay xin có lá đơn như sau:
Cách đây gần một tháng nhà tôi có giỗ, gia đình chuẩn bị ăn cơm thì anh Thăng đi vào. Bố mẹ tôi ra sức chèo kéo, nể quá anh đành ngồi xuống uống chén rượu, lúc ăn xong đứng lên anh xuýt ngã, tôi phải dìu anh lên giường.
Tôi ngồi quạt cho anh đến khoảng gần hai giờ, mẹ tôi và các em tôi đi ra đồng, bố tôi mắt kém ngồi dồn nan nong ở dưới đất. Anh Thăng mở mắt ra, anh quàng tay ôm tôi nằm lên giường đè ngấu đè nghiến tôi ra hiếp, tôi định kêu lên nhưng sợ bố tôi đang cầm dùi đục lại phang bừa thì sẽ gây án mạng, tôi đành im, và mấy tối hôm sau anh lại đến nhà giở trò tiếp, mãi hơn mười hai giờ đêm anh mới bỏ về nhà. Từ độ ấy tôi thấy người khang khác lại bị chậm kinh mất bốn ngày tôi nghĩ là có chửa. Vì vậy tôi làm đơn này đề nghị với các ông bà trong tổ chức phân tích, giúp đỡ để anh sớm nhận ra lỗi lầm, và nhận đứa con trong bụng tôi là của mình, để cho con được có bố, để tôi được minh oan trước thiên hạ. Chi bộ đừng nên kiểm điểm gì anh ấy, nên động viên anh ấy tự giác thì hơn. Tôi mong các ông bà xem xét giải quyết, ngày tháng năm kính đơn Nguyễn Thị Xoan.
Bùi Cơ đọc xong lá đơn, ngồi xuống quan sát nét mặt từng người. Không khí trong phòng lặng như tờ, nghe rõ tiếng muỗi vo ve. Ông Sơn nhíu đôi lông mày đưa tay lên trán che mặt. Người thì buồn bã, kẻ thì hí hửng ra mặt. Bùi Cơ chờ mọi người nghĩ đã ngấm liền đứng dậy nói :
  • Bây giờ còn đồng chí nào có ý kiến gì không ?
Mọi người đều ngồi im. Ông Sơn đưa tay lên vò đầu bứt tai, vẻ mặt chán chường thật sự. Bà Tuyển mặt buồn rười rượi ngoảnh sang nhìn ông Sơn. Cẩm đứng dậy nói:
  • Xin thưa với tất cả các đồng chí, lá đơn này cô Xoan gửi cho tôi lúc mười giờ sáng nay, tức là lúc chưa xảy ra vụ việc giữa đồng chí Thăng và cháu Lâm.
Sáng ngồi nghe Bùi Cơ đọc lá đơn của Xoan, thỉnh thoảng anh lại lắc đầu. Sáng biết tỏng tòng tong ông Cẩm ngủ với Xoan ở ngoài văn phòng. Lúc tối anh đứng ngoài nghe rất rõ tiếng ông đọc cho Xoan viết. Mấy lần anh định đứng dậy phát biểu  nhằm minh oan cho Thăng, song lại thôi vì dù sao chăng nữa Cẩm là chủ nhiệm, lại sắp là bác vợ, lúc sau Sáng giơ tay lên rồi lại hạ tay xuống.
Cẩm thấy Sáng thập thò giơ tay định phát biểu, liền lừ mắt nhìn Sáng, Sáng giả vờ quay mặt nhìn ra ngoài. Hào nhận ra hành động của Sáng liền giục:
  • Đồng chí Sáng có gì muốn phát biểu thì phát biểu đi, cứ thò thụt mãi.
Sáng nghe thấy Hào nói vậy liền lắc đầu. Bùi Cơ thấy đã đến lúc phải chấm dứt cho sớm cuộc họp, liền đứng lên nói:
  • Không có đồng chí nào phát biểu tôi đề nghị ta đưa ra hình thức kỷ luật. Chiếu theo điều lệ thì có bốn hình thức, Một là khiển trách, hai là cảnh cáo, ba là lưu đảng, bốn là khai trừ. Theo tôi tội chứng của Thăng đã quá rõ ràng, đề nghị các đồng chí cho biểu quyết. Ai đồng ý khiển trách, không một cánh tay nào giơ lên. Cơ hỏi tiếp. Ai đồng ý cảnh cáo: Sáng giơ tay. Cơ nói: Một biểu quyết cảnh cáo, đề nghị ghi vào biên bản. Ai đồng ý lưu đảng giơ tay. Không- Ai đồng ý khai trừ. Thông, Cẩm, Cơ, Hội, Phí Tính...
 Bùi Cơ ngẩng mặt đếm rồi nói:
  • Như vậy có năm đồng chí biểu quyết khai trừ đảng viên Cao Xuân Thăng đề nghị ghi vào biên bản, ai có ý kiến gì nữa không?
 Ông Sơn đứng lên:
  • Tôi phản đối, đề nghị cho cô Xoan ra đối chất và phải chờ đồng chí Thăng tỉnh đã.
  • Thôi đủ rồi, không phải nói gì nữa. Đề nghị đồng chí Hội thông qua biên bản.
Lão Hội đọc biên bản vừa dứt, thì bà Chính người hàng xóm nhà Cẩm xộc vào.
  • Ối giời ơi, tôi đi tìm ông mãi. Nhà ông có mùi gì thôi thối như mùi người chết ấy, mà bà ấy đi đâu từ hôm qua đến nay chưa thấy mặt. Cẩm nghe bà Chính nói đến đây, người cứ run lên bần bật, mồm lắp bắp:
  • Thôi ….thôi chết…
      Chương 22
 
Nghe lời ông Cẩm tỉ tê ở ngoài trụ sở, Xoan viết xong lá đơn đưa cho ông, rồi định đến thẳng nhà bà Tường. Nhưng cái nước của ông Cẩm ban nãy, nó ộc ra làm dính chặt chiếc quần lót vào hai bên bẹn. Cô phải về nhà thay quần. Vào đến sân gặp mẹ đang lúi húi quét dọn, mẹ Xoan nhìn thấy hỏi:
  • Con đã đến hỏi thăm anh Thăng và cụ Tường chưa?
  • Con chưa đến được mẹ ạ!
  • Ăn ù bát cơm, rồi đến hỏi thăm, chả gì anh cũng là người thân, đã giúp đỡ con nhiều việc. Sống ở đời nên có trước có sau.
Xoan nghe mẹ dặn xong vào thay quần rồi đi luôn, vừa đi cô vừa nghĩ về việc làm ban nãy. Cô cảm thấy mình đã làm một việc quá tệ bạc với Thăng. Sau cô nghĩ cho chết, người ta ấn vào tay mà còn chê, cứ làm ra vẻ cao đạo.
Đến nhà bà Tường, đứng ngoài nhìn vào, trong nhà đông nghịt người đến hỏi thăm, lại có một cô gái lạ xinh xắn, trắng trẻo, chạy đi chạy lại mời mọc. Xoan nép vào chỗ tối để định thần lại, cô nghĩ muốn có được quả chín trên cây thì phải tự trèo lên hái, cứ đứng dưới đất chờ nó rụng, thì biết đến bao giờ. Cô mạnh dạn bước vào.
  • Cháu chào các ông, các bà. Ới..ới..bác ơi, anh Thăng nhà mình làm sao thế?
Cô tự nhiên bật khóc, hai mắt đỏ hoe, cô lại gào to, anh Thăng ơi, anh định bỏ em, bỏ đứa con này hay sao, anh Thăng ơi, ới anh Thăng ơi.
Bà Tiềm đang ngồi bên cạnh liền đứng lên, hai tay luồn vào bụng Xoan nhấc cô ra, bà nói:
  • Cái cô này hay thật, đến để bù lu, bù loa ở đây, chả ra thể thống gì? Cô vừa nói con với cái gì ở đây? Thằng Thăng nhà tôi nó còn đang nằm bất tỉnh ngoài viện kia kìa. Quân dã man!
Mọi người có mặt ở nhà bà Tường, đều đưa mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn vào Xoan. Họ tự đặt ra câu hỏi: Tại sao? Tại sao cô con gái bà Duy, anh em chẳng phải bọt rãi thì không, mà hôm nay lại đến đây để khóc lóc. À đúng rồi hay là nó với thằng Thăng đã có chuyện. Họ cứ ngồi im chẳng nói năng gì nữa.
 Ly nghe lời ông Tuyến, ở lại chăm sóc bà Tường. Trời đã tối, lại thấy Xoan đến khóc lóc, than vãn như vậy, cô cảm thấy bất tiện liền đi ra chỗ bà Tường nằm, cô nói:
  • Bác ơi, cháu xin phép bác cháu về, mai cháu đi làm, bác cố ăn uống tĩnh dưỡng cho chóng khỏe bác nhé!
Bà Tường đưa hai tay ra nắm chặt tay Ly. Bà khe khẽ nói:
  • Bác cảm ơn cháu nhé, cho bác gửi lời hỏi thăm bố mẹ và gia đình.
Ly chắp hai tay vào nhau giơ lên trước ngực chào mọi người.
Trời hôm nay đầy mây, trăng sao không có, Ly đạp xe từ từ sợ lao xuống ruộng, mò mẫm mãi Ly mới ra được đường quốc lộ.
Ông Hoạt từ xẩm tối tới giờ, hết đi ra lại đi vào để ngóng con. Thấy bóng Ly về ông mừng quá nói:
  • Bố sốt ruột quá định lấy xe đi xuống đón con.
  • Con cũng sốt ruột lắm, nhưng vì phải ở để động viên an ủi mẹ anh Thăng. Con chả hiểu ra làm sao, rắc rối lắm bố ạ! À bác Tuyến đã đến nhà mình chưa ?
  • Ông ấy vào đây từ lúc năm giờ, sơ sơ bố cũng nắm được ít nhiều. Thôi vào tắm táp đi để ăn cơm.
Nói đến ăn, bụng Ly cứ réo lên ùng ục, vì từ sáng tới giờ đã có hạt cơm nào đâu. Rán đĩa nem xong định bụng chờ anh Thăng về, bỏ gói bún ra cả nhà cùng ăn nào ngờ.
Cô chạy nhanh vào buồng lấy quần áo xuống tắm. Qua cửa bếp thấy mẹ đang xắp mâm, cô cất lời:
  • Con chào mẹ, hôm nay mẹ đãi con món gì đấy?
  • Bố cô. Đi với chả đứng, tối không biết đường về . Nhanh nhanh để còn ăn cơm.
Ly tắm vội vàng xong đi ra, nhìn thấy bát canh cua đồng, nấu dọc mùng, cô reo lên:
  • Ôi ngon quá, sao mẹ cho ăn sang thế, lại cả đậu phụ rán nữa.
  • Con không nhớ hôm nay đã là ba mươi rồi, hết tháng, hết năm đến nơi, phiếu được cân đậu không mua để vứt đi à? Tôi phải đi ba cửa hàng mới mua nổi năm bìa đậu phụ đấy.
Ông Hoạt nhìn con gái đang múc muôi canh đổ vào bát húp xùm xụp, ông bảo:
  • Chắc hôm nay con đói lắm hả?
  • Vâng con đói quá bố ạ. Sáng con mua cân bún và tiêu chuẩn phiếu của con vào nhà anh Thăng chơi, định làm bữa liên hoan gặp mặt nào ngờ.
  • Rõ khổ, người tốt thì hay gặp phải tai ương. Bố nghe bác Tuyến kể, vừa truy điệu bố xong, viết đơn tình nguyện đi nhập ngũ. Còn người yêu thì bỏ, lấy con lão Cự, rồi không đâu lại còn bị đánh ngất xỉu, giờ vẫn chưa tỉnh.
Bà Hoạt nghe hai bố con nói chuyện, bà hỏi:
  • Hai bố con nói chuyện gì, tôi nghe chả hiểu?
  • Bà cứ để tý ăn xong, con gái nó kể cho mà nghe. Nào giờ ta ăn đi, mời bà, mời con.
Ly xới xong bát cơm, cô hỏi:
- À mà bác Tuyến có nói chuyện với bố, anh Thăng nằm ở viện nào không?
  • Bác Tuyến bảo Thăng nó nằm ở bệnh viện huyện, dãy nhà B phòng số năm con ạ! Bác có nói là Công an Huyện đến khám nghiệm, họ xác định Thăng bị đánh bằng vật cứng vào đầu, vào mặt. Bác ấy yêu cầu công an vào cuộc điều tra. Thôi ăn đi.
Ly xới thêm bát cơm nữa, ăn xong cô xin phép vào phòng nghỉ. Ly cảm thấy toàn thân mỏi nhừ, cô nằm xuống giường nghĩ: Quái lạ cái tay Thăng này tự dưng lại bị đánh, tự dưng lại có cô gái ở đâu đến hỏi han khóc lóc, rồi nói có con với Thăng, hay tay Thăng cũng thuộc loại người lăng nhăng. Suýt nữa thì mình vồ phải bãi cứt trâu. Nhưng từ trước tới nay, mình vẫn nghe mọi người khen ngợi anh ta lắm kia mà? Thôi, muốn gì thì mình cũng phải xem lại cho thật cẩn thận. Ly đi vào giấc ngủ lúc nào không hay.
                                                                          *  *   *
         Cẩm vừa chạy vừa khóc, mọi người cũng chạy theo. Ông Sơn định về nhà nghỉ để sáng mai còn lên trông cháu thay cho ông Tiềm. Đứng lưỡng lự một lúc, nghĩ thế nào ông lại đi theo.
Tất cả đã đuổi kịp ông Cẩm, họ đang túm tụm đứng ở trước cổng. Sáng cầm đèn pin soi tìm hòn gạch để đập khóa. Ông Cẩm thì luôn mồm kêu khóc, lúc nào cũng chỉ mỗi câu “ới bà Cẩm ơi.”
Sáng tìm được hòn gạch liền đưa cho Hào. Hào đập mạnh hòn gạch vỡ mất một mảng mà khóa vẫn chưa bung. Mấy nhà hàng xóm thấy động trở dậy đi ra nhòm ngó. Hào đập liên tiếp ba bốn lần nữa nhưng vẫn chả được, ông Tái người hàng xóm cạnh nhà ông Cẩm bảo:
  • Để tôi về lấy cho cái búa.
Lát sau ông cầm sang đưa cho Hào.
 Sáng soi đèn vào khóa, Hào giáng một phát, chiếc khóa bật ra, mọi người ùa vào. Sáng bật công tắc điện, ba gian nhà sáng trưng, hai gian buồng hai bên đều khóa chặt. Hào giơ búa giáng tiếp, Sáng đẩy cửa soi vào không thấy gì. Đập nốt khóa gian bên soi đi, soi lại vẫn không thấy. Mùi nồng nồng, tanh tanh cứ đưa vào mũi. Sáng cầm đèn pin chạy xuống bếp, anh kêu lớn:
  • A đây rồi.
Mọi người đổ xô chạy xuống, hóa ra là con lợn ở trại, bắt về chiều hôm kia bị chết trương vỡ bụng. Thảo nào?
 Hào nhìn rõ con lợn lão Thông bắt hôm nọ liền quay ra, mồm lẩm bẩm: “tham thì thâm”. Vừa lúc đó ông Sơn đi đến, Hào bảo ông Sơn:
  • Về thôi, hai con lợn của lão Cự, xin cho phòng thủy lợi tổng kết chỉ là để lấy cớ. Một con hôm kia bắt cho tay Hưng trên thành phố, một con bảo bắt cho đám cưới nhà bà Hoàn, nhưng lại khênh về nhà, lấy con lợn ghẻ của mình mang sang đánh tráo. Cho chết
 Hào bưng miệng cười, cùng ông Sơn ra về.
Mọi người có mặt đều nhòm vào, như thể tiễn đưa vong linh bà vợ ông Cẩm, họ bịt mồm, bịt mũi lủi ra ngoài khậm khạc. Lão Thông định chuồn nhưng đã bị Cẩm giữ  lại, Cẩm nói nhỏ:
  • Ông định giao cái chết cho tôi đấy hả?
Thông nghe Cẩm nói vậy miễn cưỡng ở lại, lão bảo:
  • Bây giờ mà khênh ra đồng thì xa, ông xem trong vườn, có chỗ nào trống, đào cái hố, vùi nó xuống.
  • Thôi đành thế vậy, ông vào bếp lấy cuốc xẻng ra đây.
Hai người ra góc vườn hì hục đào, đất thì rắn, cuốc thì cùn, xẻng lâu ngày không sờ đến, vừa bẩy hòn gạch con đã gãy cán. Thôi đành thằng cuốc, thằng bốc thỉnh thoảng lại đổi ca. Hai tay đào cật lực đến gần bốn giờ sáng, mới được cái hố sâu chừng nửa mét, lão Thông bảo:
  • Được rồi đấy vào khênh xuống để lấp.
 - Lấp lấp cái gì? Nông choèn choèn mùi thối nó xông lên để mà ngửi à?
  • Tôi mệt lắm rồi.
  • Mệt cũng phải làm.
Quả thực Cẩm cũng đã mệt lắm, chân tay bủn rủn, rã rời. Nếu như ở nhà khác, Cẩm cũng cho qua, nhưng đây là nhà mình, chôn nông để suốt ngày ngửi ư? Mà con mụ la sát nó đi đâu? Nó mà biết thì khốn. Tiên sư thằng đời, “không có cái dại nào giống cái dại nào”
Cẩm gồng mình cuốc tiếp, bàn tay đã phồng rộp, vì từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, lão đã biết cày, cuốc như thế nào đâu? Lúc sau Cẩm bỏ tay cuốc rồi quát:
- Cuốc đi. Thiệt đơn thiệt kép, lợn nhà mất, lợn người mất nốt, đàn gà đi tong, mày tính sao thì tính.
          Thông nghe Cẩm chửi nhưng không dám cạy răng, cứ cung cúc làm, trong đầu lão nghĩ: Đời sao nó đen bạc đến thế nhỉ? Miếng ăn sắp vào mồm rồi mà còn bị mất. Chó thật!
Hai lão cố đào, đến gần sáu giờ sáng mới sâu được ngót thước tây. Trời rét như thế mà người nào cũng mồ hôi nhầy nhụa. Bây giờ mới là nhục, cho vào cái gì để khênh ra. Tìm khắp các nơi, các xó, chả được miếng bao tải rách, lão Thông bàn:
  • Giờ đành hạ cánh cửa xuống, cho vào đấy khênh ra rồi đi rửa vậy.
 Cẩm tán thành vào nhấc cánh cửa, rồi bảo Thông
  • Nào làm cho xong, còn tắm táp, mệt bỏ mẹ !
         Hai người dô ta, đưa con lợn nằm lên cánh cửa, nội tạng con lợn oặc ra, Cẩm bảo:
  • Ông lấy con dao cắt mẹ nó đi, chốc hót vào thúng sơn.
Thông cầm dao cắt những sợi cơ còn dính lại rồi dô ta. Ra đến ngoài hiên, Cẩm trượt chân ngã, bị cánh cửa và con lợn đè vào, đau quá nhưng lão cứ cắn răng không dám kêu. Lão Thông phải lật nghiêng cánh cửa cho Cẩm rút chân ra. Cẩm không co được chân vì đã bị trật khớp. Cẩm cau có bảo Thông:
  • Ông ra rửa tay kéo tôi vào, què mẹ nó rồi.
Ì ạch mãi, Thông mới lôi được Cẩm vào nhà, lão hỏi Cẩm:
- Nằm đây hay lên giường?
  • Lên giường thì bẩn bỏ mẹ. Ông lôi cái chiếu rách, rải xuống đây, đắp cho tôi cái chăn.
Lão Thông làm theo lời Cẩm rồi bảo:
  • Còn có mình tôi thì làm con mẹ gì?
  • Ái dà đau, đau quá! Sao ông ngu, ngu thế? Kéo nó ra miệng hố rồi rửa sân chứ sao?
Lão Thông một mình lọc cọc, loay hoay mãi mới lôi được con lợn ra miệng hố. Những phần thịt thối bị rơi vãi, kéo thành vệt dài. Lão lấy đôi thúng sơn hót nội tạng, đổ xuống hố. Mồ hôi ra nhiều, người mệt bã, lão rùng mình ớn lạnh, đi vào mặc thêm cái áo, hút điếu thuốc, định nằm nghỉ nhưng bị Cẩm giục:
  • Ra lấp cho kỹ, cọ rửa sạch cánh cửa, sân sướng không con mụ vợ tao về, nó chu chéo lên tao không chịu đươc.
Thông nghe Cẩm nói vậy miễn cưỡng đi ra múc nước bể dội ào ào, lão lấy chổi cọ qua, rồi định lủi về. Cẩm nhìn thấy liền gọi giật lại:
  • Đi đâu mà vội, vào tôi dặn đã. Ông tạt qua nhà thằng Trố, bảo nó đem xe đến đèo tôi đi nắn cái chân nhé! Cho tôi cốc nước, người đang ngây ngấy muốn sốt.
 Thông lẳng lặng ra rót nước đưa cho Cẩm. Cẩm cáu quá gắt:
  • Tôi uống làm sao được mà ông đưa? Phải nâng tôi ngồi dậy chứ!
Lão Thông đưa tay xuống gáy nâng đầu Cẩm lên. Mùi thối từ người Cẩm, người Thông bốc ra sặc sụa. Cẩm hớp ngụm nước, lão lợm giọng phun ra, đúng vào mặt lão Thông. Thông nhăn nhó càu nhàu:
  • Nào uống nhanh lên để tôi còn về. Phun hết cả vào mặt.
  • Thôi ông về đi, nhớ qua thằng Trố bảo hộ tôi.
Lão Thông ra ngoài khép cổng, uể oải lê từng bước. Đi được đoạn xa thì gặp bà Tuyển, lão cứ cắm mặt xuống đất mà đi. Bà Tuyển định kháy cho lão Thông vài câu nhưng lại thôi, vừa đi, bà vừa nở ra một nụ cười mỉa.
 Thực tình mà nói, con lợn chết không phải là do đói ăn, khát uống, mà vì Lâm và Trố vờn đi, vờn lại, săn mãi chả được. Lúc Thông tóm được, lão tỳ đầu gối vào hai bên sườn con lợn quá lâu, các lá gan của lợn bị dập, bị tụ máu, khi bà Cẩm nhìn vào nó đã thở dốc. Do mất hơn chục con gà giò, tiếc của bà đay nghiến, liền bị ông Cẩm đạp cho một phát. Bà Cẩm ức quá vào buồng lấy mấy bộ quần áo, rồi đi luôn sang nhà em ở làng Phạm.

                                                                                                             N.Đ.V
                                              
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 22
Trong tuần: 714
Lượt truy cập: 449769
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.