Nguyễn Đạo Vinh
LÀNG CÒ
Chương 16
Sáu giờ sáng Thăng tỉnh giấc đi ra ngoài, bên ông Tiềm có tiếng gõ lách cách. Thăng nhìn sang, thấy ông đứng trên nóc nhà, anh nghĩ có lẽ ông lợp lại nhà. Sao tối qua chả thấy ông nói gì nhỉ? Anh vào bảo với mẹ:
- Chả biết bố Tiềm con làm gì? Ông đứng trên nóc nhà, con sang xem sao?
- Ừ đi đi, có lẽ ông đổi mái, sợ anh bận ông không dám phô.
Thăng khoác chiếc áo cũ ra ngoài, đi sang tới nơi anh hỏi:
- Bố mẹ lợp lại nhà mà tối qua không bảo con? Ông Tiềm đứng trên nóc nhà trả lời:
- Bố mẹ sợ con bận, không dám bảo. Tối qua bố sang nhờ ông Hơn, ông Sáu chiều nay đến lợp giúp. Giờ dỡ sẵn, buộc lại rui mè con ạ!
- Để con lên dỡ cho, bố xuống đi.
Vừa nói Thăng vừa trèo thang.
Hai bố con cùng làm, lúc sau rạ ở hai mái đã được lật hết xuống đất, còn trơ lại bộ khung. Ông Tiềm bảo:
- Ngày xưa các cụ chọn tre, ngâm kỹ, bộ khung vẫn tốt, còn được vài chục năm nữa mới phải thay. Giờ hai bố con mình xuống làm ngụm nước. Con ăn sáng chưa?
- Dạ buổi sáng hôm ăn hôm không bố ạ!
- Bố cũng chả mấy khi ăn sáng, còn tý cơm nguội nào cho mỗi đứa một vài thìa, để nó đi học. Hôm nọ bà ấy đưa cho bố hai mươi đồng, tiền đi B của thằng Tốn. Bố lên chợ Gạch mua được ba chục cân sắn khô. Lúc giở về, xe bị bục lốp, bố phải xé ống quần ra để quấn vào. Dắt bộ hơn hai chục cây số, ba giờ chiều mới về đến nhà. Cả nhà giờ còn hơn tạ thóc, phải sáu tháng nữa, mới có thóc chiêm. Sau này chả biết chúng nó sướng khổ thế nào? Thế hệ của bố với con bây giờ thì khổ quá. Cứ gọi là cơm cho oai, ba bốn phần khoai khô, sắn khô mới có phần gạo.
Uống nước xong hai bố con lại trèo lên mái. Ông Tiềm buộc bó lạt vào thắt lưng. Thăng lấy chổi xể khua hết mạng nhện, bụi bậm trên mái, rồi lại kiếm bó lạt leo lên. Ông Tiềm thấy vậy liền hỏi:
- Con biết buộc chưa?
- Buộc hàng rào, làm giàn bầu bí, cọc đậu con cũng đã buộc, nhưng nhà thì con chưa buộc bao giờ.
Ông liền rón rén đi ra hướng dẫnThăng.
- Con phải ngồi xoay lưng về phía nóc, luồn lạt xuống, vòng lọng chó, tay phải rít, tay trái nắm vào chỗ dui mè định buộc bóp chặt. Lạt có bị đứt thì cũng không tuột, không xô dui, người cũng không bị ngã. Ngồi không đúng thế, đứt lạt là ngã xuống đất ngay. Ngày xưa đã có người bị ngã gãy cổ chết, cho nên làm gì cũng phải cẩn thận con ạ!
Ở làng Cò Quay có ba trăm nóc nhà, nhưng chỉ có độ ba mươi nhà được lợp ngói, còn lại là nhà tranh vách đất. Ngày trước cấy các giống lúa cũ năng suất không cao, nhưng được cái rạ lợp nhà chẳng phải lo. Từ khi cấy giống lúa mới năng suất cao gấp rưỡi, gấp đôi nhưng rạ lại không có. Mỗi đội sản xuất chỉ cấy bốn đến năm mẫu nếp cái hoa vàng, giống này chỉ cấy được vụ mùa, cho nên thóc nếp mỗi khẩu một năm được có năm cân. Chỉ đủ làm bánh chưng tết nguyên đán, các tết khác hoặc giỗ chạp muốn có, phải đong chui. Rạ lợp thì càng thiếu. Một cái nhà năm gian lợp đủ, phải hết mẫu tư rạ, do vậy các nhà phải luân phiên, nhường nhau vài năm mới lợp một lần. Cho nên nhà nào, nhà nấy, động mưa là dột tứ tung, không có chỗ mà ngủ. Chính vì thế trong dân gian có câu: “ Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba rựa cùn”. Nhà ông Tiềm có anh cu Tốn đang tại ngũ, được hợp tác xã ưu tiên cho sáu sào rạ nếp, ông tính chỉ lợp đủ mái sau. Nhưng hôm nay ông đành phải dỡ tất xuống, rong lấy lại những sợi rạ cũ còn cứng, lợp về mái trước. Rạ được chắp, bó thành các đon nhỏ có đường kính độ năm mươi phân, để đưa lên mái. Dọn dẹp xong bụi bậm, mủn rác thì cũng đã quá trưa, bà Tiềm đi ra bảo:
- Bố, con nghỉ tay ăn cơm, giờ này chúng nó cũng đang trên đường về.
Thăng thưa lại:
- Bố mẹ cho con về nhà ăn cơm với mẹ con. Lúc này con cần an ủi động viên mẹ con.
Ông Tiềm nghe Thăng nói vậy liền bảo:
- Thôi được, con về bên ấy ăn, nhưng chiều bảo mẹ sang đây ăn thể cho vui.
Về đến nhà, mâm cơm đã được mẹ dọn sẵn, mùi cá mắm nướng thơm lừng, mẹ anh bảo:
- Rửa ráy rồi vào ăn cơm đi con!
Thăng quệt hai tay ướt vào ống quần rồi ngồi xuống mâm:
- Hôm nay mẹ đãi con món cá mắm thì hao cơm lắm đây.
- Bố anh, chưa ăn đã lo đói.
Mợ Sơn thấy có cá ngon mua biếu mẹ đấy. Biết anh sang lợp nhà hộ ông Tiềm, mợ nói ngay:
Thăng đã ngốn xong ba bát cơm, nhưng vẫn thòm thèm muốn ăn nữa. Mẹ anh biết ý bảo:
- Ăn thêm đi, mẹ nấu ra ra rồi đấy.
- Thôi mẹ ạ, phải rèn dần cho quen, không có mai kia vào quân đội, đói không chịu được thì gay.
Thăng nằm khểnh ra giường, anh dặn mẹ :
- Con chợp mắt một tẹo, mẹ thấy con quên thì gọi nhé. À mẹ ơi, bố mẹ con bên nhà bảo chiều mời mẹ sang ăn cơm.
- Ờ, ông bà ấy đã có lòng thì mình phải có bụng, chiều mẹ sang!
Thăng sang đến nơi đã thấy ông Hơn, ông Sáu đang ngồi uống nước ở góc sân. Thấy anh vào hai ông cùng lên tiếng:
- Ngồi uống nước đi cháu, thanh niên khỏe mạnh ở dưới đưa rạ lên để bọn tao lợp.
-Vâng ạ!
Ông Tiềm đang buộc chiếc sào đưa rạ. Sào là một đoạn tre dài độ năm mét, thẳng tắp to hơn cổ tay người lớn một tẹo, một đoạn tre độ năm mươi phân buộc ngang, hình chữ thập. Thăng ra tới nơi, ông Tiềm đứng dậy nói:
Thăng rót nước mời mọi người, rồi hỏi:
- Nhà các chú năm nay có lợp không? Ông Hơn, ông Sáu cùng trả lời:
- Rạ đâu mà lợp hả cháu? Cảnh này cố mà kiếm lấy ít đất nung đưa lên, chứ động mưa là mất ăn mất ngủ, trong nhà chả khác gì ngoài sân.
- Nhà ông còn khá đấy? Nhà tôi đêm nằm nhìn thấy sao trên trời, biết bao giờ cho hết cảnh này. Thôi đi làm, ngồi nói chuyện càng thêm buồn.
Mỗi người buộc một bó lạt vào bụng rồi trèo lên, Thăng thọc ngọn sào vào đon rạ, anh xốc nhẹ, đon rạ đã nằm gọn trên nóc.
* * *
Cúc với vẻ mặt mệt mỏi phờ phạc, vì mấy hôm phải chạy đi mời mọc, lo đủ mọi thứ. Ngoài cô ra còn ai mà nhờ vả, bố thì yếu, mặt lúc nào cũng buồn buồn, mẹ cũng bận mua sắm hết thứ nọ đến thứ kia. May có các bạn đến giúp đỡ, rạp cũng đã bắc xong, bên trên được phủ bằng các lá cót và những manh chiếu rách.
Đã hơn ba giờ chiều mà chưa thấy Tu mang phông đến. Lợn hứa bắt cho hai con tạ móc cũng không thấy đâu ? Các tay mổ lợn thuê đến từ lúc một rưỡi, mài dao sáng loáng. Nồi nước đã quá nhừ, bị cạn mất gần nửa, mà vẫn chưa thấy tăm hơi lợn đâu?
Mấy ông già bà cả, cứ hết đứng lại ngồi, chả biết nói chuyện gì. Bà Hoàn hết đi ra, lại đi vào ngóng đợi. Bà đã ba bốn lần ra đầu ngõ để ngóng. Đi mãi mỏi chân bà cũng chẳng buồn đi nữa. Nét mặt thì cứ rầu rầu tiu nghỉu. Một vài cụ ở trong nhà, nghe chừng cũng sốt ruột, nói vọng ra:
- Bây giờ mình cho một người đến hỏi xem sao?
Cụ Do đứng phắt dậy nói:
- Không có đi đâu hết. Đến hỏi để nó bố thí cho hả? Nó nuốt lời mai không cho đón dâu. Cụ chỉ tay vào ngọn đèn trên bàn thờ - Có ngọn đèn làm chứng, tao truyền một đời cha, ba đời con ở cái họ này. Từ nay trở đi cấm không được gả con, gả cháu cho gia đình lão Cự nghe chưa?
Cúc chả biết làm gì, chỉ ngồi khóc. Thanh không chịu nổi cảnh ngộ trớ trêu đến vậy, liền an ủi Cúc:
- Để em đến hỏi xem sao? Em là người ngoài cóc sợ.
Mấy người ngồi gần thấy Thanh mạnh dạn nói vậy cũng hùa theo.
- Đúng đấy cháu ạ, cháu đến hỏi được, không sợ đâu?
Thanh nhảy lên chiếc xe, đạp thẳng đến nhà Tu.
Lão Cự đang đi lại mời khách. Cỗ bày dàn dạt hai rạp, trong nhà ngoài sân, ước chừng phải tới trăm mâm. Đã có mâm ăn xong, có người ngậm tăm đi ra, mặt người nào cũng đỏ như quả gấc chín. Thanh lại gần lão Cự hỏi:
- Bác cho cháu hỏi một tẹo!
Lão Cự nheo nheo mắt nhìn Thanh:
- Cháu hỏi gì đấy?
- Cháu thấy bảo bác dẫn sang nhà gái hai con lợn, mà giờ vẫn chưa thấy?
- Ông Thông chưa cho người đem sang ư? Để bác hỏi.
Lão đi vào nhà thấy Thông, Cẩm đang ngồi uống rượu, lão quát:
- Ông Cẩm, ông Thông ra tôi nhờ tí.
Hai ông nghe thấy Cự gọi chạy ra:
- Ông cần gì đấy?
- Tôi bảo hai ông bắt cho nhà gái con lợn, bắt chưa?
Lão Thông gãi đầu nói:
- Tôi sai chúng nó đi từ hai giờ rồi kia mà?
- Ai đi. Đi mà giờ chưa có lợn, họ đến hỏi đây này?
Cự chỉ tay vào Thanh đang đứng cạnh. Rồi Cự bực dọc nói:
- Các ông đi ra xem thế nào, tí về ăn sau. Chưa chi đã …
Cẩm và Thông, bị lão Cự rỉa cho mấy câu, mặt đỏ tía tai đi ra ngoài.
Thanh đảo mắt tìm quanh xem có Tu ở đây không. Nhìn thấy Xoan đang õng ẹo đứng nói chuyện với mấy gã choai choai. Thanh tiến đến hỏi Xoan :
- Xoan có biết anh Tu đâu không? Anh bảo đưa cho nhà gái phông trang trí mà giờ chưa thấy?
- Phông í à, không có đâu? Sáng nay tao thấy ông nào ấy, bảo đưa sang nhà gái cái phông xanh, anh Tu bảo mặc kệ để cho nó tự lo. Ông ấy đi mời từ sáng đã về đâu?
Quay sang tìm ông Cẩm, gặp ông Thanh bảo:
- Bác Cẩm ơi, bác cho cháu mượn cái phông của hợp tác xã mình có được không?
- Mượn làm gì?
- Cháu mượn cho nhà gái để trang trí bác ạ!
- Ờ được, ra bảo cậu Sáng lấy cho. À chờ đấy, tôi viết cho mấy chữ kẻo cậu Sáng lại khó dễ.
* * *
Gần bốn giờ chiều, Lâm, Trố mới khênh lợn đến nhà bà Hoàn. Mấy tay thịt thuê nhìn thấy lắc đầu. Con lợn thằng Lâm, thằng Trố khênh đến nó chỉ vào ngót ba mươi cân, mõm chuột chù, đuôi thằn lằn, da mốc chắc bị ghẻ. Cụ Do và các ông bên nhà gái thấy vậy đều lắc đầu lè lưỡi. Cụ Do cáu tiết quá liền buông mồm chửi:
- Tổ sư cái thằng Cự, hứa cho hai con lợn tạ móc, giờ đem con lợn ghẻ đến để tế bố nó hả? Đem về, đèm về, nhất nhẽ nhà tao không có cỗ. Chó, chó!
Vừa chửi, cụ vừa vung cây gậy đi ra cổng. Bà Hoàn thấy thế, liền chạy theo chắp tay van xin:
- Con trăm lần lạy cụ, con nghìn lần lạy cụ, cụ ở lại trông nom công việc cho con, cụ mà bỏ về, anh em họ mạc về theo thì con biết làm thế nào?
- Mẹ con nhà chị tham giàu hám của, vào đấy mà húp. Bà Hoàn vừa khóc vừa níu tay cụ van xin.
Ông Nghĩa nhìn cảnh ngộ ấy không đành lòng, cũng ngậm ngùi đi ra:
- Cụ ạ! Cụ nể mặt cả họ ở đây, cụ tha thứ cho chị con. Ở đời có ai học được chữ ngờ. Lại thêm mấy người nữa khuyên giải, cụ Do mới chịu quay vào.
Tay thịt lợn thuê bóp mõm con lợn, lôi sền sệt ra sân giếng chọc tiết, con lợn kêu ẹc ẹc mấy tiếng rồi giãy chết. Anh ta nhấc bổng con lợn, nhúng luôn vào nồi nước rồi bỏ ra cạo lông.
Bà Hoàn đưa được cụ Do vào nhà, sau đó đi ra gọi ông Nghĩa, bà nói:
- Tôi trông cậy tất ở ông, ông bảo anh em giúp đỡ, làm cho nhanh, ăn uống xong còn tiếp dân làng đến chơi hộ tôi.
Ông Nghĩa nghe xong giục mọi người xắn tay vào làm. Trong nhà cũng đã có tiếng nói chuyện rôm rả.
Thanh ôm chiếc phông trên tay, dựng xe đạp vào một góc rồi gọi. Côn cùng năm sáu bạn đang ngồi nghe đài ra, Thanh bảo:
-Bạn nào cắt chữ đẹp, ra cắt giúp.
- Chả đẹp thì xấu để đấy tớ cắt.
Hoài nói xong đi ra vơ kéo định cắt, Côn bảo:
- Mình đã xem mấy đám họ trang trí, giờ mình phác họa cho các bạn xem.
Côn cầm bút viết vào tờ giấy. Các bạn đều nhất trí như Côn đã trình bày, họ tản ra mỗi người một việc.
* * *
Trố và Lâm trưa nay uống quá chén, kéo nhau về nhà ngủ. Khi lão Thông về tìm, hai thằng vẫn quắp nhau khò khò. Lão bực quá vung chăn ra, mồm quát:
- Dậy! Dậy mau! Ra bắt lợn ngay. Đồ khỉ, nốc cho lắm vào, để bố mày bị mắng oan.
Hai thằng vội vác đòn càn, cầm mẩu chạc đi sang nhà lão Cẩm. Cẩm không có nhà, vợ thì đi làm. Loanh quanh mãi hai thằng mới trói nổi con lợn, đưa sang nhà bà Hoàn. Chúng tháo vội dây thừng rồi đi ra trại, để bắt nốt con kia về.
Thấy hai đứa vác đòn càn đi ra, trại trưởng Hào hỏi:
- Chúng mày ra bắt lợn cho nhà gái hả? Sao giờ mới ra? Hào dẫn hai thằng tới ô chuồng, ở đó đã nhốt sẵn một con to, gấp hơn hai lần con nhà lão Cẩm.
Trố nhảy vào chuồng, con lợn hộc lên chạy quanh, Lâm thấy thế nhảy xuống chặn đầu. Con lợn cứ lao thẳng, Lâm sợ quá nhảy lên tường, dùng đòn càn chống xuống. Hai thằng cứ vờn nhau với nó, chán chả tóm nổi chân. Hào chờ lâu sốt ruột bảo Lâm:
- Về gọi bố ra, bắt kiểu này đến đêm chả được đâu?
Lâm nghe anh Hào nói, liền chạy về nhà lão Cự. Lão Thông đang ngồi tiếp mấy tay bạn của Cự đành bỏ dở. Lão hằm hằm nét mặt nhảy lên xe, mồm cằn nhằn:
- Đồ ăn hại. Chỉ được cái to xác, chả được tích sự gì?
Ra tới trại, lão lột phăng áo ngoài, quần dài vắt lên tường, rồi nhảy vào tóm. Con lợn dãy dụa đạp một phát, làm lão ngã ngửa, lão trừng mắt quát Trố:
- Mày không vào hỗ trợ, đứng đấy để nhìn à?
Trố nhảy xuống khom người, đưa tay sang hai bên như lùa gà. Lão Thông lao tới tóm chân trước giật mạnh, con lợn ngã nghiêng, rồi nhanh tay lật ngửa con lợn, kẹp hai chân vào giữa bụng. Lão hất hàm ra hiệu:
Trố vứt cho lão Thông mẩu chạc, lão với tay nhặt rồi chửi:
- Chạc này đem để trói bố mày à?
- Ai đem, con nhà ông nó đem, đã đi bắt hộ lại còn..
Nó ngoảnh mặt lườm lại, lão đành hạ giọng:
- Mày ra bảo thằng Lâm, về mượn cho bác cái thiếu cày.
Trố đi ra bảo Lâm rồi chuồn thẳng.
Lão Thông cứ đứng khom người hai chân kẹp vào con lợn, hai tay giữ hai chân trước. Lắm lúc mỏi quá lão định buông. Càng cố càng thấy lâu. Lão ngóng từng giây từng phút, miệng lẩm bẩm. Mẹ cái mồm làm khổ cái thân, mà có ăn mình đâu cơ chứ?
Chờ mãi, ngóng mãi, chả thấy bóng thằng nào ra. Trại trưởng Hào thì cứ giục nhanh nhanh để còn về làm giúp. Lão điên tiết chửi đổng:
- Hai thằng chó chết ở nhà ngủ hay sao mà giờ này vẫn chưa ra? Mà mình cũng ngu, gọi lão Cẩm cùng đi có phải nhẹ không?
Lắm lúc mỏi quá, lão tỳ hai đầu gối vào sườn con lợn. Ngót tiếng sau, Lâm mới cầm chiếc thiếu cày đi ra. Vừa nhìn thấy bóng Lâm lão chửi:
- Mày ngủ ở nhà hay sao mà lâu thế?
- Bố về mà mượn. Chạy bốn năm nhà mới mượn được, bố tưởng dễ hả?
- Thằng Trố đâu?
- Nó bỏ về nhà ông Cự rồi, nó bảo nhà mày ăn thì đi mà bắt. Tao hơi đâu?
Nghe tới đây lão Thông ức quá, bao cáu giận đổ hết lên đầu thằng Lâm. Thằng Lâm tức bực định bỏ về, lão quát:
- Mày về ông đập chết tươi!
Hì hục một mình, trói lợn xong, hai bố con lặc lè khênh về nhà Cẩm.
Cẩm đi tiếp rượu, hết mâm nọ đến mâm kia, tửu lượng của ông ta thì vào loại vô địch ở làng. Cẩm thường tự hào về điều đó. Cẩm bảo, từ nhỏ đến giờ lão phải uống hết mấy ao rượu. Hôm nay do tiếp nhiều đợt khách, nghe chừng người đã chếnh choáng, Cẩm về nhà định bụng làm một giấc, đêm mò đến làm vài bàn tổ tôm.
Về đến nhà, lão thấy cổng mở toang hoác, gọi mãi chả thấy ai thưa, đàn gà giò hơn chục con cố giữ đến tết chạy đâu sạch, Cẩm tìm mãi chả thấy, cáu tiết đóng cổng lăn ra giường ngủ.
Bố con lão Thông khênh lợn về đến nơi, thấy cổng đóng then cài. Lâm trèo tường vào mở, hai bố con lại lễ mễ khênh lợn vào. Thả lợn xong khi ra rửa chân tay, lão mới sực nhớ ra quần áo, xe đạp, liền sai thằng Lâm ra lấy. Lâm vừa đi vừa làu bàu. Vào nhà làm điếu thuốc, nhìn thấy Cẩm đang ngáy khùng khục, bực quá lão phát mạnh một cái vào đùi Cẩm. Cẩm giật mình, mở mắt choàng dậy chửi:
- Tổ sư mấy thằng ranh, làm mất hơn chục con gà giò, tối về vợ tôi nó la cho bằng chết. Đúng là “ Tham bong bóng, bỏ bọng trâu”
- Tôi cũng khốn nạn chứ ông tưởng à? Ăn chưa trôi khỏi cổ nó đã gọi ra. Bắt trói mất gần tiếng đồng hồ, vừa thả vào chuồng, con này hơn sáu mươi cân hơi.
Thằng Lâm vừa dắt xe vào, vừa thở hổn hển nói với bố:
- Mấy người họ bảo, tưởng bắt lợn cho đám cưới, hóa ra lại khênh về nhà?
- Kệ họ! Mày lại đến đấy mà ăn, tao cũng đi đây.
Nói xong lão đứng dậy đi luôn. Cẩm lại lăn ra ngủ. Đang mơ màng về chuyện làm tình với Xoan hôm nọ, ở chính cái giường này, thì nghe tiếng vợ chu chéo:
- Dậy, dậy mà đi tìm gà. Nốc liếm cho lắm vào. Đi ra đi vào không khép cổng để gà đi hết rồi. Tết lấy gì mà cúng ông bà, ông vải đây?
Cẩm bực mình vì vợ làm hỏng giấc mơ đẹp, lão càu nhàu:
Nghe chồng nói thế, bà Cẩm chồm lên, hai tay xỉa xói vào mặt lão, mồm la lớn:
- Ông ăn hay tôi ăn ? Tết nhất ông lôi thằng nọ thằng kia đến, tôi hầu ông có khác gì hầu bố già không. Nhà bố mẹ đẻ, tôi không đến nổi, để thắp nén nhang cho các cụ. Đã thế tôi mặc kệ.
Bà đi xuống bếp, nhìn thấy con lợn trong chuồng đang nằm thở dốc. Nhòm ngó mãi chả thấy con lợn của nhà đâu, bà lên nhà hỏi:
- Con lợn của tôi đâu rồi, sao lại có con lợn to nằm trong chuồng?
- Khẽ mồm chứ! Tôi với ông Thông bàn nhau, để con lợn của nhà cho đám cưới, bắt con lợn ở trại về tết thịt chia đôi.
- Ới giời cao đất dày ơi, ông muốn rước cái gì về thì rước, nhưng cứ phải trả tôi con lợn tôi nuôi. Chia đôi là chia đôi thế nào? Thế con lợn của tôi mất không à? À đúng rồi, bắt lợn xong không đóng cổng lại, gà ra ngoài đường mất là phải. Ới giời ơi, có chục con gà cả năm trông vào giờ mất sạch.
Ngồi phịch xuống đất hai tay đập phành phạch, bà gào to:
- Lúc nào ông cũng bảo đi họp. Họp hành cái gì? Hết đàn đúm nhậu nhẹt rồi lại đi săn gái. Dân người ta đang đồn ầm, ông có con với người nọ, người kia. Ông dỏng tai lên mà nghe, thật nhục, nhục quá. Tôi mất bao công sức vun vén cho cái gia đình này, để bây giờ ông lại đổ đốn thế à?
Cẩm không nén nổi cáu giận, điên tiết quát :
- Im mồm!
- Ông là cái thá gì mà bắt tôi im? Tôi không im đấy, xót của tôi phải kêu.
Bà càng gào to hơn. Cẩm vùng dậy đạp vợ một phát rồi đi luôn.
Chương 17
Sau khi bố con lão Thông khênh lợn về, Hào cũng theo chân đến nhà bà Hoàn để làm giúp. Đến nơi đã thấy anh em đang thái thịt bày vào đĩa, cạnh đó rổ lòng dồi bốc hơi nghi ngút. Hào ngạc nhiên hỏi:
- Vừa bắt lợn ra khỏi cổng, tôi về theo mà đã có thịt thái thế này?
Ông Nghĩa đứng hướng dẫn bày cỗ, nghe Hào nói vậy ông bảo:
- Thằng Lâm, thằng Trố, khênh cho con lợn độ hai tám cân hơi đến lúc bốn giờ chiều, anh em làm khẩn trương lắm mới được thế này.
- Thế con nãy bắt ở trại để mai à?
- Con nào ? Ông Nghĩa hỏi lại.
- Bố con lão Thông vừa bắt xong khênh về, tôi theo chân vào ngay mà lị.
Ông Nghĩa ngơ ngác hỏi lại:
- Anh bảo bố con lão Thông vừa bắt lợn khênh về ư? Làm gì có.
- Rõ ràng tôi chờ hai bố con khênh ra khỏi cổng trại, tôi mới vào đây.
- À thế ra, nó mượn tiếng xin cho đám cưới để ăn chặn? Lũ khốn!
Côn, Thanh, Hoài cùng mấy bạn nữa đã dán xong các chữ. Thanh, Hoài mỗi người một đầu dâng lên ướm thử. Côn lùi xuống cuối dãy bàn đứng ngắm:
- Đẹp rồi, cứ thế dâng lên buộc đi.
Hai bạn đứng lên ghế cao buộc. Mấy cụ trong nhà cũng chạy ra ngắm, họ tấm tắc khen. Cúc cũng cảm thấy rạo rực phấn chấn, cô cảm ơn các bạn, mời mọi người ở lại ăn cơm. Cúc bảo nhỏ với Thanh:
- Mai cậu đi phù dâu cho tớ nhé!
- Chị yên tâm, cả chi đoàn sẽ đi phù dâu cho chị.
* * *
Ông Hơn vừa rút chân xuống thang, vừa nói:
- Cái nóc còn hơi non ông ạ, nhẽ ra được thêm mươi đon nữa thì đẹp.
- Vâng, tôi cũng biết thế. Nhưng sáng nay tôi với cháu rong đi rong lại, gạn mãi chả nhẽ đưa nốt rạ mục lên. Thôi được đến đâu, hay đến đó. Hai ông về rửa ráy rồi sang tôi xơi cơm.
Thăng đưa hết rạ lên mái xong, quét dọn bụi bặm trong nhà, rồi đi xuống bếp, thấy hai mẹ đang lau bát đũa xếp mâm, Thăng bảo:
- Còn việc gì để con làm đỡ.
- Thôi con về tắm táp đi, rồi sang ăn cơm.
Bà Tường lẩm bẩm:
- Con nó giúp được ông bà hôm nay, chả biết có còn dịp nào nữa không?
- Bà đừng buồn, con nó đi việc nước việc dân, cứ phải động viên.
Ngừng một lúc, ngẫm nghĩ thế nào, bà Tiềm lại bảo:
- Nói thế chứ, anh cu Tốn nhà em nó đi em cũng nhớ. Khóc mất mấy tháng đấy bà ạ.
- Bà bảo con mình đứt ruột đẻ ra, ai chả xót, chả thương. Chỉ căm thằng Mĩ cứ bày ra súng đạn lắm thế?
Bà Tiềm bê mâm cơm lên nhà đặt vào giữa phản, xuống bếp nói với bà Tường :
- Chị ơi hôm nay lợp được cái nhà, em mừng quá chị ạ. Nhà chị có lợp lại không?.
- Con nó bảo, rạ nếp năm nay ít, lại xấu nữa, cho nên nó nhường cho các hộ khác Thôi con nó nói vậy mình chiều ý nó.
Ông Tiềm tắm xong, đi vào bếp bảo bà Tường:
- Chị với mẹ cu Tốn lên nhà ăn cơm luôn thể, ở dưới này để con nó tự lo.
Bà Tường đáp:
- Để chị và bà ấy ăn ở đây với các cháu, các ông cứ ăn đi còn chén rượu chén chè. Mặc chị em chúng tôi.
Ông Tiềm nghe bà Tường nói liền đi lên nhà. Ông Sáu, ông Hơn, Thăng cũng đã đến, ông bảo:
- Mời các ông vào xơi cơm, con ngồi xuống đi, ăn xong còn đến chơi đám cưới.
Thăng ngồi xuống sắp bát, so đũa rồi với chai rượu, anh cung kính mời:
- Con mời bố, cháu mời hai chú.
Ông Hơn mau mồm hỏi:
- Tôi chả hiểu sao, từ chiều đến giờ, ông Tiềm với cháu đây, cứ bố bố con con, lại thấy bà Tường sang giúp đỡ cơm nước. Hai bà vừa làm vừa chuyện trò, tôi nhìn mà phát thèm.
- À đấy, tiện đây tôi thông báo cho hai ông biết, bà Tường xin cho cháu Thăng, được làm con đỡ đầu của tôi. Mới làm lễ trình tổ tối qua, còn lý do vì sao tôi nói chuyện với các ông sau. Nào bây giờ ta ăn đi. Ông gắp cho mỗi người một miếng thịt gà - Mời các ông, con ăn đi!
Ông Sáu cầm chén rượu lên tợp một tẹo, đặt xuống mâm, ông nói:
- Nhà tôi hôm nọ được chia hai sào rạ định lợp mái bếp, nhưng nghĩ chả đủ, đem lên dọi vào những chỗ nát quá, đi cứ phải gượng gạo không có được chỗ này lại hỏng chỗ khác.
Ông Hơn vừa ăn vừa góp chuyện:
- Nói bảo cấy cái giống lúa mới năng xuất cao gấp đôi, gấp rưỡi, nhưng trước mắt rạ không có lợp, thóc thì cứ đi đâu. Lao động chính mới được mười tám cân, từ mười sáu tuổi trở xuống được mười cân, mười ba cân một tháng. Ông bảo có nấu cháo ăn cũng chả đủ. Ky cóp được đồng rau nào là lại đi mua sắn khô, khoai khô về ăn. Mấy đứa nhà tôi năm nay đã mười ba mười bốn, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, phải đi đóng gạch suốt ngày. Bữa chính được hai bát cơm độn, sáng nhịn đói nghĩ mà thương. Tôi nhớ mãi cái năm tôi mới ra tù, ốm yếu liên tục không có công điểm. Thóc được có hơn tạ, nhồi nhét thêm củ chuối, sắn khô mà qua tết đã hết. Tôi đành muối mặt vác thúng đi vay. Đầu tiên đến nhà bà Nhớn, rõ ràng bà ấy đang ở trong nhà. Tôi đứng cổng gọi mãi, bà ấy không ra, mà cũng chẳng thưa. Đành cắp thúng sang mấy nhà khác, cũng chẳng vay được. Thất thểu đi về, vừa đi vừa khóc, bà Vi nhìn thấy gọi tôi vào rồi bà ấy bảo: Người ta phải “trông giỏ bỏ thóc”, ai dại gì mà thả lợn trong chuồng ra để đuổi. Thôi vào đây. Bà vào buồng bê ra thúng sắn khô, bảo tôi mang về cho các cháu ăn. Tôi như người chết đuối vớ được cọc... Ông gật gù cười hà hà rồi nói tiếp - Cứ lần hồi, lần hồi dần cũng qua được cái đận ấy.
Ông Sáu thấy ông Hơn dừng chuyện liền chen vào:
- Tôi nghĩ, tình hình này còn đói to đấy ông ạ. Này nhé, thóc ở trong kho thì cứ lý do để chăn nuôi, xúc máy vô tội vạ. Gà ngan nuôi để tiếp khách, một năm có giỏi bán được vài tạ, nhưng tiêu tốn vài chục tấn thóc vào đấy. Lợn thì hết đơn vị nọ, phòng ban kia trên huyện về xin. Cuối năm lại cho xe công nông chở đi cúng ông điện, ông máy kéo, ông nông giang, ông vật tự .v.v. Rồi hội nghị tổng kết các ngành ở xã. Tôi cứ tạm nhẩm sơ sơ, mất mẹ nó dăm tấn lợn còn gì? Dăm tấn lợn thì nuôi hết bao nhiêu thóc? Dân thì cứ nai lưng ra mà làm. Tết Nguyên Đán, hợp tác xã bán cho mỗi khẩu một cân hơi. Năm vừa rồi nhà tôi chung phải con lợn rỗng, bảy cân hơi chỉ được có hai cân tám cả thịt lẫn xương. Ba ngày tết đấy các ông ạ.
Ông Sáu nói đến đây dừng lại nhấp tý rượu, gắp vài cọng rau vào bát. Thăng ngồi nghe rồi thi thoảng lại gắp thức ăn, tiếp cho bố và hai chú.
Ông Sáu như có vẻ lại muốn góp thêm chuyện gì, nhưng cứ ngập ngừng ra chiều còn đắn đo cân nhắc. Lúc sau ông mạnh dạn nói:
- Nói đây, có hai ông và cháu bỏ quá. Lúc nào, ở đâu người ta cũng bảo hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ. Tôi ngu dốt, chả biết đâu là nhà và ai là chủ.Tôi chỉ biết năm giờ sáng vác cày đi, đến trưa chặt trưa chẹo mới về. Chiều thì tối xẩm tối xơ mới được nghỉ, mà ngày công cũng chỉ được sáu bảy lạng thóc, cuối vụ mới được lĩnh. Khi trước tiếng là đi làm thuê, làm mướn cho các nhà địa chủ, nhưng ngày được hai bữa cơm no. Tối về họ trả bơ gạo hoặc mủng khoai. Tôi đi làm cho nhà ai cũng vậy, cứ chén thẳng căng. Trước khi đứng lên còn vục một bát đầy, và tất vào mồm, thêm tý cá mắm vừa đi vừa nhai. Về đến nhà mớm cho con bé thứ hai. Gạo, khoai đem về bà cháu nấu ăn, thế là cả nhà cùng no.
Ông Tiềm ngồi im nãy giờ mới nói:
- Cứ cung cách làm ăn như thế này thì còn khốn, khối nhà muốn xin ra hợp tác. Này nhé, cái năm ông Bùi Cơ làm đội trưởng cả lúa lẫn rau. Ông ta cho lấy sẵn đạm thuốc sâu về để ở lều, lý do là để bón kịp thời, cho năng suất cao. Kỳ thực là để cho các bà, các ông đi phun thuốc lúc cõng bình về, đúc đầy đạm vào bình rồi đem bán chia nhau, mua chó đánh chén. Thuốc sâu cũng vậy, toàn bơm nước lã, bảo sao sâu không chết, rau đâu mà cân, thóc đâu mà thu. Lại nữa, cho xã viên chặt cái không cuốn đi chợ bán về nộp tiền. Nhiều vị láu cá, chặt cả cái chắc đem bán, tiền nộp như nhau. Gặt lúa mới đầu còn công nhật. Đò đưa ba người cả ngày chả nổi một sào. Hơn tháng chửa gặt xong, lúa mộng lên mầm, rơi rụng còn đâu? Xoay sang khoán sào, họ chỉ hớt ngọn, cắt ẩu. Mẹ gặt, con mót, trâu bò rơm đâu mà ăn. Rồi xoay sang khoán cân, gặt cả gốc, cả củ đem về. Máy hóc liên tục, cả ngày chả được vài sào, chết tiền điện. Rơm trâu bò chia chả cần rũ, chỉ béo những nhà nuôi trâu bò. Mỗi lần lấy rơm về rũ lại được hàng nồi thóc. Nhà nào nhà nấy hô hào con đi gặt để kiếm điểm, rơm chả ai phơi, đắp đống, vài ngày sinh uổi sinh thối, trâu bò ăn rặt đi ỉa. Nay ngã con, mai ngã con. Mua năm trăm, bán năm chục làm sao chả vỡ. Vỡ là cái chắc.
Thăng từ đầu đến giờ nghe cha chú nói, anh thấy rất đúng liền tham gia:
- Con xin phép bố, cháu xin phép hai chú có ý kiến thế này. Hồi mới vào hợp tác xã, bà nội cháu nói với mẹ cháu: “Giờ mà có nắm ngô rang ngồi nhai thì thích nhỉ. Chả bù cho ngày xưa khi chưa vào hợp tác xã, nhà mình có tám sào thôi, quanh năm chả phải đói bữa nào. Con gà, con lợn là cứ béo nhãy, thích ăn lúc nào thịt lúc ấy. Muốn thịt lợn đến nhà ông phó lý, xin cái giấy sát sinh mất vài hào thuế là xong. Ngô bỏ vào đun, cho tí vôi rồi đãi vỏ, phơi khô, om lúc nào thì om, rang lên ăn giòn tan, giờ chỉ ước nắm ngô rang mà chả có”.
Ông Sáu buông đũa xuống chêm vào:
- Cái năm còn tổ đổi công, rồi lên hợp tác xã, các ông bà cán bộ đi thống kê lại đất đai. Chả ai biết đo đạc cứ ang áng, bốc mớ. Ruộng có một sào, vống lên thành hai sào. Nhà tôi có mẫu hai họ kê lên thành hai mẫu tám, thuế phải gánh gấp hơn hai lần. Ngô phơi khô mới đầu chỉ rẽ hạt ở giữa để nộp, về sau rẽ nốt cả đầu cả đuôi mà vẫn chả đủ.
Ông ngừng lời gắp mấy cọng rau bỏ vào bát. Với bộ dạng hết sức ngỡ ngàng, Thăng hỏi lại ông Sáu:
- Sao các chú không giở sổ, hoặc đi đo lại!
- Cháu không biết chứ! Làng ngày xưa cũng có ông Trưởng Bạ chuyên quản lí ruộng đất. Lúc cải cách, ông ta bị phế truất, sổ sách, bản đồ bị đem ra đốt hết, lấy gì làm căn cứ tính thuế. Phần nữa mấy ông cốt cán thích tâng công, để lấy lòng cấp trên. Cho nên mới dẫn đến tình trạng đói kém cháu ạ!
Thăng há hốc mồm nghe ông Sáu nói. Ngẫm nghĩ một lúc anh lại kể:
- Cháu vào làm ban quản trị mới rõ, ai lại tám giờ sáng, làm xong mọi việc của gia đình, các ông mới ra hội trường. Pha vài ấm chè uống, tán gẫu vài câu chuyện rồi về. Nặn ra đủ thứ ban bệ, mất mấy chục người ăn không ngồi rồi, lại còn mỗi đội ba người trong ban chỉ huy. Đội trưởng nói là phụ trách chung nhưng chả nắm được gì, hỏi cứ ú a ú ớ. Đội phó thì lại càng không biết tý nào, còn anh thư ký chỉ đi ra chấm công xong chuồn. Để mặc xã viên muốn làm gì thì làm. Vì thế lúc cháu vào làm, yêu cầu anh đội trưởng phải kiêm thư ký để anh nắm tuốt, hỏi đến đâu biết đến đó. Anh đội phó quản lý điều động, giám sát nhân lực, phải cùng làm với xã viên, và chỉ được hưởng nửa công gián tiếp. Giảm bớt những người ăn không ngồi rồi, công việc có sát sao hơn.
Nghe tới đây, ông Sáu liền tiếp lời:
- Cháu nói thế chú cũng biết, nhưng bộ máy lãnh đạo còn cồng kềnh lắm, không những họ ăn không ngồi rồi, họ còn tìm cách moi cái nọ, móc cái kia. Hàng hóa trên phân phối về phải qua tay họ tất, từ cái kim sợi chỉ trở đi. Họ ăn no, ăn chán rồi tuồn ra ngoài bán. Chú nhớ năm ngoái được phân phối nửa lít nước mắm để ăn tết. Vào mua, nhìn trong vại có cả bèo tấm. Bà bán hàng thì trưa nào cũng lên, mà đã lên là xách theo cái túi vải bên trong chả ai biết đựng gì. Ở đội chú phải có ít nhất hơn chục hộ được phong là cá nhân xuất sắc, kiện tướng làm phân. Họ vớt bèo tây, chặt cây chuối tiêu đã ăn buồng, chém nhỏ bỏ vào chuồng lợn, chuồng bò, độ dăm bữa, nửa tháng lại móc ra cân cho hợp tác xã. Đi bừa lổm nhổm toàn chuối băm, bèo tây còn tươi nguyên, bảo sao lúa không xấu. Còn cái kiểu này nữa, đa phần họ gánh kệnh một bên, bên để cân thì bốn mươi cân, bên không cân chỉ hai mươi cân, đi khỏi quãng xa họ san ra gánh cho cân. Họ được tính tám mươi cân nhưng thực tế có sáu mươi, cuối cùng chỉ có hợp tác xã là thiệt. Hợp tác xã là ai? Là mình chứ còn ai vào đấy nữa? Chung qui lại là vì dân bức bách quá, họ đành phải làm dối, làm ẩu, chứ bản tính họ đâu phải thế. Xin lỗi hai ông và cháu, chuyện đây bỏ đây đừng để đến tai lãnh đạo mà rầy rà.
Ông Sáu nói một thôi, xin phép dừng uống rượu để ăn cơm.
Thăng đón bát xới cơm cho ông rồi hỏi:
- Tý chú có đi đám cưới không? Bố và chú Hơn có đi không? Ông Tiềm trả lời:
- Đi, phải đi chứ. Lâu lắm làng ta mới lại có đám cưới. Thanh niên chúng mày cứ lớn lên là đi bộ đội, còn ai đâu mà cưới, con gái thì cứ ế xưng. Em mày năm nay mới chớm mười bốn mà bố còn lo.
Ông Hơn chìa bát cho Thăng xới hộ rồi nói:
- Đúng là lâu lắm mới có một đám cưới, tôi chỉ đến nhà bà Hoàn. Còn lão Cự thì xin lỗi hai ông và cháu. Tôi là tôi cứ lõ bòi vào. Đồ đểu giả. Đồ chó má. Tôi thù nó hơn thù thằng Mỹ. Ông dừng lại để lấy hơi rồi nói tiếp - Các ông chắc cũng biết lỗ mỗ. Cái năm ấý đúng vào mùa này, bà Vi chị tôi có mỗi thằng con trai đi thanh niên xung phong, làm ở cầu Đò Lèn, chả biết là Thanh Hóa hay Nghệ An. Bà ấy nhờ tôi đến lợp nhà hộ. Ăn cơm trưa xong tôi đến ngay, trèo lên dỡ hết rạ xuống, buộc qua quýt rồi chuẩn bị lợp. Cái thằng khốn nạn Cự nó tìm đến, bảo tôi phải lên đê ngay vì đang thiếu người. Tôi bảo nó ông cho tôi đến mai đi có được không? Nó bảo “không được, phải đi ngay”. Hai ông với cháu bảo thế nào, chả nhẽ để nhà chị mình phơi giời hả? Tôi điên tiết bảo lão Cự: Tôi còn đang bận không đi được. Hôm sau nó cho dân quân đến nhà bắt, trói tôi giải về huyện, vu cho tội chống đối. Thế rồi họ chả cần xét xử, cho luôn cái án tù mười năm. Hai ông bảo sung sướng gì cái thằng tù, tự do bị mất. Hàng ngày vác búa đi đập đá, hai bát cơm hẩm, tý cá mắm mốc. Đúng bảy năm, ba tháng mười bốn ngày, tôi mới được ra tù. Bây giờ động trở trời là mồm mũi tranh nhau thở, tiếng thở nghe như tiếng đàn cò. Các ông bảo như thế có khổ không ?
Ông Tiềm nghe ông Hơn nói vậy liền bảo :
- Thôi ông ạ! Các cụ xưa có câu “ác giả ác báo”, hai nữa thù oán nên cởi chứ đừng nên thắt. Họ sống sao mặc họ. Nào các ông xơi nữa để cháu nó đơm.
- Thôi, chúng tôi đủ rồi!
Thăng dọn mâm bê xuống bếp, pha nước mời hai chú và bố. Anh xin phép cả ba ông về để đi chơi đám cưới.
Thực tình trong thâm tâm Thăng định đến mừng Cúc từ chiều, để tránh mọi điều dị nghị. Nhưng vì bận lợp nhà cho nên đành đi tối vậy. Thăng mở hòm lấy gói khăn tắm định đi luôn. Anh lại nghĩ, Cúc đã đi lấy chồng mình còn giữ lại kỷ vật để làm gì, nhìn vào nó chỉ thêm đau lòng. Anh liền lấy lá thư Cúc gửi hôm nọ, gói vào bên trong chiếc khăn mùi xoa Cúc tặng trước đây.
Trăng mười tám đã lên độ con sào, Thăng ra đến đường gặp những đám đông các ông các bà, trẻ con bám tay nhau. Vừa đi họ vừa trò chuyện rôm rả:
- Có lẽ phải hơn tháng nay mới có đám cưới nhỉ, bao giờ cho hết chiến tranh để cho thanh niên chúng nó được có vợ, có chồng. Thằng bé nhà tôi đi hơn năm rồi mà chả có thư từ gì về. Lúc nào tôi cũng mong nó về, cưới cho nó con vợ, có đứa cháu nội, ông trời bắt đi tôi cũng vui lòng.
- Khổ cho cái anh Thăng, tốt người, tốt nết, yêu con bé Cúc hơn năm đã định đem lễ đến hỏi mà còn bị tuột.
- Ôi dào, biết làm sao được lòng người, các cụ chả có câu “ sông sâu còn có kẻ dò”…
- Tôi nghe người ta bảo, là tại bà Hoàn hám của ép con, chứ Cúc nó có yêu thằng Tu đâu. Hai nữa nó gửi thư đến cho anh Thăng, anh ấy không thèm viết thư trả lời, lại còn quay ra yêu con Xoan nhà bà Duy. Mấy bà định vào bà Hoàn trước, hay đến ông Cự trước.
- Thôi đến chỗ xa trước, chỗ gần sau.
Thăng rẽ vào xóm nhà bà Hoàn. Gần đến nơi, dưới ngọn đèn măng sông sáng trắng, Thăng nhìn rõ Cúc đang đứng cùng mẹ đón khách. Mẹ Cúc nhìn thấy Thăng đến, giả vờ đi vào trong. Thăng trao gói tặng phẩm cho Cúc, anh nói:
Thăng quay mặt gạt những giọt lệ. Cúc giơ tay ra đón, mắt như dán vào người Thăng, không biết cô giận, hận anh, hay muốn lưu lại hình ảnh của Thăng vào tim mình. Thăng lẳng lặng đi về, ra đến đầu ngõ, gặp một tốp các ông bà trung niên đi vào. Bà Tuyển nhận ra Thăng liền hỏi:
- Chú Thăng cũng đến chơi cơ à?
- Vâng chào các ông các bà.
Thăng đi nhanh về nhà, anh gieo mình xuống giường. Mẹ anh nằm đắp chăn kín đầu hỏi vọng sang :
- Con sang nhà Cúc chơi à? Mẹ định đi nhưng lại thấy đau lưng quá!
Thăng cố lấy lại giọng bình thường:
- Vâng con vừa sang. Anh không thể nói được nữa, vì cơn bão lòng đang cuồn cuộn dâng lên.
Mẹ Thăng chắc cũng hiểu tâm trạng của con lúc này, nên bà nằm im không hỏi nữa.
Thăng nghĩ ngợi. Chả nhẽ mai cả làng họ đi ăn cỗ cưới, mình với mẹ lại ở nhà nhìn nhau. Hay ta đi làm sớm, mà làm gì bây giờ ? Chợt anh nghĩ tới Thường, người bạn thân cùng học cấp ba, ở dưới La. Hết lớp mười Thường vào sư phạm, chắc giờ cũng đã đi dạy. Mình xuống chơi, gặp cũng được mà chả gặp cũng được. Anh thưa với mẹ :
- Mẹ ơi, mai con xuống La chơi với Thường, chào gia đình anh trước lúc lên đường nhập ngũ mẹ ạ!
- Ừ đi chơi cho nó khuây khoa! Mợ Thoa cũng người La đấy! Hồi trước cậu mày yêu bà Tuyển, bà đợi chờ bốn năm chả có thư về, gia đình bên đó giục lấy chồng, mãi bà mới nghe. Sau đó cậu về an dưỡng ở làng La, thế nào lại vớ được mợ Thoa khỏe khoắn lại tháo vát. Đúng là cái duyên cái số.
Thăng như trút được gánh nặng trên vai, anh nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.
Chương 18
Cúc đỡ gói tặng phẩm từ tay Thăng, mắt cô như dán vào người anh, như muốn tìm kiếm một cái gì đó. Tại sao ? Tại sao mình gửi thư đi mà lại không có lấy một câu trả lời, chắc chắn phải có lý do nào đây ? Nhưng Thăng chỉ đứng im quay mặt đi, ngoài mấy câu chúc em hạnh phúc. Anh đi khỏi, cô cầm gói tặng phẩm vào để đầu giường rồi lại ra đón khách.
Gần mười một giờ đêm khách đã về hết, chỉ còn hơn chục người ở lại lo cỗ bàn cho hôm sau. Cúc vào giường nằm, ba bốn hôm nay phải chạy đi, chạy lại mượn mỏ mọi thứ. Lại thêm tối nay phải đi đứng nhiều, người mỏi rã rời, Cúc nằm vật ra giường, hai mắt trân trân nhìn lên mái nhà.
Ngôi nhà thân thương có cha, có mẹ, có em, là nơi ấp ủ nuôi dưỡng cô nên người. Gian buồng này cô đã từng gắn bó với nó bao năm, cái cửa sổ con con có chắn song bằng ba nan tre kia, là nơi cô thường đứng. Ngóng đợi hình bóng người yêu mỗi khi Thăng hẹn sang chơi. Ta chỉ còn được nằm đây đêm nay nữa thôi, mai ta đã ở nhà Tu rồi. Ta đã thành người của nhà họ Dương, chẳng biết nơi ấy có ấm áp, có hạnh phúc như ta hằng mong đợi. Cúc lại hình dung lúc Thăng đưa gói tặng phẩm, cô ngồi dậy mở ra xem, bên trên là chiếc khăn mùi xoa cô tặng Thăng hồi nào. Cúc còn nhớ, cô ngồi thêu mất ba đêm đôi chim bồ câu, chữ C.T lồng xoắn vào nhau. Còn cái gì nữa đây, cô lẩm bẩm giở ra. À lá thư cô gửi cho Thăng, nét chữ vẫn còn tươi rói, lá thư đã được bóc ra. Cô nghĩ, đúng là đồ bội bạc, đã xem mà không thèm trả lời lấy một câu. Mình cứ tưởng người ấy là con người tử tế, hóa ra là loại sở khanh đểu giả. Nhưng sao họ đóng kịch khéo thế? Yêu nhau hơn năm trời mà mình không phát hiện ra. Tý nữa, tý nữa thì làm mồi cho cọp, may có mẹ sáng suốt, hướng cho mình đến với Tu không thì.. Thế mà ban nãy còn rỏ nước mắt cá sấu. Cúc hận lắm, cầm bao diêm đánh xòe.
‘Ô hay, gì thế này’? Cô vội dập. Lửa đã xém mất một góc. Soi vào ngọn đèn, cô giật mình. Rõ ràng mình viết bằng cây bút máy Thăng tặng, mực của nó là mực Cửu Long màu xanh, sao ở đây lại là màu tím ? Giấy làm phong bì mình xé ở sổ ra sao lại có dòng kẻ thế này ? Cúc cảm thấy có điều gì là lạ, liền rút ruột phong thư ra xem. Vẫn là nét chữ của cô, nhưng nội dung lại hoàn toàn.khác. “Anh Thăng. Mẹ em không đồng ý cho em lấy anh, bắt em phải lấy Tu. Em không dám cãi lời mẹ, anh thông cảm. Vĩnh biệt anh”
Thôi chết rồi. Thảo nào, thảo nào anh không thèm trả lời, không thèm giáp mặt. Thảo nào ban nãy anh khóc rồi cứ luống cuống, đi như chạy. Thảo nào ánh mắt của anh ban nãy vẫn đằm thắm nhưng không dám nhìn lâu. Cô úp mặt xuống gối, tay đập thình thịch xuống giường.
Bà Hoàn đang dọn dẹp ngoài nhà, nghe tiếng động chạy vào, thấy Cúc úp mặt vào gối khóc. Bà buông lời:
- Ôi dào! Khóc với chả lóc, về nhà chồng sướng quá, có khi quên đường về nhà bố mẹ đẻ cũng nên ? Thôi ngủ đi mai còn lấy sức. Bà quay ra ngoài.
Nhờ câu nói ấy của mẹ mà Cúc bừng tỉnh. Cô thôi khóc ngồi nghĩ, hay là mình đến nhà Xoan, kéo Xoan đến nhà anh Thăng để ba mặt một nhời, làm rõ đầu đuôi câu chuyện. Chỉ có nó mới dám mạo danh viết thư này mà thôi. Đúng nó rồi, còn ai vào đây nữa. Dạo nọ mình đi chơi với anh, lắm lúc để ý thấy nó cứ liếc trộm anh. Thôi chết rồi chuyện dân làng đồn đại vừa qua cũng là ở nó ra. Cúc sùng sục định ra ngoài nhưng lại nghĩ, đang đêm hôm thế này mà sang ầm ĩ cãi nhau để được cái gì ? Nếu nó cãi bay thì sao ? Bây giờ đến để giãi bày liệu anh Thăng có tin mình không? Trên danh chính ngôn thuận thì mình đã là vợ của Tu rồi. Đi ra đường lúc này khác gì tự mua dây buộc mình. Hoặc giả như anh có nghe ra thì chắc gì anh còn tin, mà ván đã đóng thuyền còn gỡ ra sao được? Bố con lão Cự thì giở mặt. Hứa cho con lợn tạ móc, lại cho con lợn ghẻ còm nhom, dẫn cưới ra oai bảy tráp nhưng toàn cau khô. May mà mấy lần Tu giở trò chiếm đoạt không thành, chứ hắn ta mà chiếm đoạt được mình rồi thì chỉ còn nước, theo không anh ta mà về, có khi còn phải lỡi sống anh ta nữa đằng khác. Đã thế này thì đành liều vậy, sống chết lúc này là cái quái gì ? Nghĩ đến đây cô liền cởi hết dây chuyền, hoa tai, nhẫn vàng gói vào một gói, bộ quần áo Tu mua để mai mặc cô cũng bỏ luôn vào một đống giữa giường. Cô ra mắc rút mấy bộ quần áo bỏ hết ra giường, lấy chăn chùm lên. Cúc quấn hai chiếc khăn tắm mà anh Thăng tặng ban nãy, dắt lá thư vào, mặc thêm chiếc áo bông cũ, ra ngoài. Nhìn bố một hồi lâu, cô quay vào buồng tìm giấy bút viết.
“Con đi, đừng ai tìm, bố giữ gìn sức khỏe”. Nước mắt Cúc cứ rơi lã chã trên trang giấy. Đắn đo một lúc, Cúc mới nhét tờ giấy vào đống quần áo và đồ trang sức rồi đi luôn ra đường. Bà Hoàn và những người làm cỗ còn đang lúi húi dưới bếp.
Đường giờ này vắng teo, trăng mười tám đủ soi rõ từng lá cây ngọn cỏ. Cô cắm đầu cắm cổ bước, chả còn biết mình đi đâu. Ra khỏi làng, gặp con kênh dẫn nước tưới, cô cứ theo dọc con kênh mải miết đi. Mọi khi Cúc rất sợ ma, nhưng hôm nay chả hiểu sao cô đi xuyên qua mấy bãi tha ma. Nhiều ngôi mả mới, hoa vẫn còn tươi nguyên, mà cô không sợ. Trăng đã xuống tà tà ngọn tre ở một làng nào đấy. Mặc cô cứ đi. Mồ hôi đã ướt hết lần áo cánh, cô cảm thấy lành lạnh, gai gai, bỗng nghe thấy tiếng mõ tụng kinh. Cô hướng theo tiếng mõ đi vào. Cổng chùa vẫn đóng, cô định bụng quay đi nhưng thấy chân tay mỏi rã rời chỉ chực ngã, người gây gây sốt. Cô ngồi dựa lưng vào cánh cổng.
Đã hơn bảy giờ sáng, mọi người đến làm giúp khá đông, họ nói chuyện, cười đùa ồn ã. Hôm nay ông Hoàn cũng mặc bộ quần áo mới, ông đi lại tiếp khách nhưng nét mặt không được vui, một vài người tán trêu:
- Có con gái đắt chồng , lấy được nhà giàu, bố làm to, còn cái sướng nào bằng. Hôm nay ông vui lên mới phải.
Ông Hoàn cũng nhếch mép cười, nhưng chỉ được vài giây rồi tắt biến. Ông Nghĩa từ dưới bếp chạy lên hỏi ông Hoàn:
- Cháu Cúc nó đâu ? Bảo nó dậy trang điểm dần đi. Chỉ ngót tiếng nữa là họ nhà trai đến xin dâu.
- Chắc nó đi nhờ bạn bè trang điểm rồi!
Nghe ông Hoàn nói vậy, ông Nghĩa quay xuống bếp bảo bà Hoàn:
- Chị lên sắm sửa quần áo, họ xắp đến xin dâu rồi đấy!
- Tôi ăn mặc thế này là được rồi, cũng còn có bộ nào hơn đâu?
Tám giờ sáng nhà lão Cự đã chật cứng khách đến dự tiệc. Cỗ bàn được xắp sẵn, chỉ còn đợi lệnh bê ra.
Kế hoạch của lão Cự là đón dâu về, làm lễ tổ chức xong, mới bắt đầu ăn. Nhiều người đến sớm, ngồi lâu quá cứ nhấp nha nhấp nhổm, hết chạy ra lại chạy vào. Ông Tư Kè sốt ruột quá liền giục:
- Tám giờ rồi đấy. Đã ai đi xin dâu chưa ?
- Có rồi, có rồi ông ạ! Lão Cự đáp lại.
Ông Cẩm được phân công làm trưởng đoàn nhà trai. Ông mặc bộ comple màu xám tro, bên trong một áo zilê, cà vạt màu đỏ, đi đôi giày đen, được đánh xi bóng lộn.
Xoan lăng xăng chạy đi chạy lại tiếp khách, nhìn thấy ông Cẩm ăn mặc quá lịch sự, cô lườm một cái rồi ra rỉ tai ông:
- Tối hôm qua đến nhà Thăng, chả biết hai mẹ con đi đâu, nhà tối om.
- Tối nay lại đến, không gặp thì tối mai. Mình ăn ngày còn cho nó ăn đêm.
Xoan nguýt ông Cẩm một cái thật dài rồi bỏ đi.
Thằng Lâm đèo bà Bảy là em gái bà Cự đi xin dâu. Bà mặc chiếc áo dài màu nâu, hai tay bê cái tráp con, bên trên có thẻ hương đi đến nhà gái. Độ năm phút sau ông Cẩm dẫn theo một đoàn khoảng bốn mươi người cả nam lẫn nữ, trung niên, thanh niên, trẻ con rồng rắn từ nhà lão Cự đi ra. Tu đi sau ông Cẩm, ôm bó hoa lay ơn đủ các màu.
Đoàn nhà trai đến đầu xóm nhà bà Hoàn, cũng là lúc bà Bẩy xin dâu xong quay ra. Ông Cẩm dẫn đoàn vào ngồi trên phản và dãy bàn trong nhà. Các bạn của Cúc ,Thanh, Côn, Hoài, Tấn, Nam đang chạy đi chạy lại tiếp nước. Chờ cho mọi người ngồi ổn định, ông Cẩm dõng dạc:
- Kính thưa các cụ, các ông, các bà bên họ nhà gái. Kính thưa toàn thể hội hôn. Theo tinh thần đã được bàn trước giữa hai họ, hai bên gia đình, tôi xin thay mặt họ nhà trai đến đón cô dâu về nhà chồng.
Ông Nghĩa thay mặt nhà gái đáp lễ:
- Kính thưa các cụ các ông các bà, họ nhà trai đã có ý kiến xin được rước dâu về cho kịp giờ hoàng đạo, vậy mời chú rể vào buồng, trao hoa và mời cô dâu ra.
Tu ưỡn ngực nện gót giầy đi vào, đảo mắt nhìn quanh không thấy Cúc đâu, chỉ có đống chăn lù lù trên giường liền quay ra. Ông Cẩm thấy vậy bảo Tu “gọi cô dâu ra đi”. Tu đứng im không trả lời. Bà Hoàn ngờ ngợ liền vào giật tung chăn, mồm gọi:
Gọi đi, gọi lại mấy câu, không thấy con đâu, mặt bà méo xệch, tái mét. Bà nhao ra hỏi mọi người:
- Các ông, bà, các cháu, có ai thấy Cúc đâu không ? Mọi người đều lắc đầu.
Ngẫm nghĩ một lúc, bà lại vào buồng, lật tung chiếc chăn, sờ được bọc trang sức với mảnh giấy, bà hốt hoảng đưa cho ông Nghĩa:
Ông Nghĩa đón tờ giấy đọc rồi kêu to:
Tu nghe ông Nghĩa nói vừa dứt, liền vứt toạch bó hoa xuống nền nhà, lấy đế giày day đi, day lại cho nát bét, rồi hầm hầm bỏ về, mặc cho mọi người còn đang ngơ ngác nhìn nhau. Cùng lúc ấy bà Hoàn rống lên:
- Ới con ơi ! Cúc ơi. Sao con dại dột thế? Ăn phải bùa mê thuốc lú của đứa nào, mà bỏ nhà bỏ cửa mà đi. Ới con ơi. Mày làm thế thì mày giết mẹ đi còn hơn, ới con ơi.
Bà Hoàn đang khóc ông ổng, tự dưng bặt tiếng, chạy bổ ra đường. Vừa chạy, bà vừa gào to;
- Ới Cúc ơi là Cúc ơi. Chỗ sung sướng thì mày không ở, lại rúc đầu vào đấy làm gì con ơi.
Ông Nghĩa cùng mấy người đuổi theo để giữ bà lại nhưng không được, đành lẵng nhẵng theo sau. Bà Hoàn vừa khóc vừa chạy thẳng vào nhà bà Tường. Vào đến sân bà gào to:
- Ối bà Tường ơi là bà Tường. Bà dạy con, dạy cái thế nào mà để thằng Thăng nó dụ dỗ con tôi bỏ trốn. Tôi bắt đền bà đấy. Tôi mà mất con thì bà không xong với tôi đâu?
Ông Nghĩa cùng vài người đã vào tới sân nhà bà Tường, đang định gàn bà Hoàn thì bà Tường đi ra.
- Các ông bà có chuyện gì đấy? Bà Hoàn chu chéo:
- Còn giả vờ giả vịt hả? Bà bảo thằng Thăng đem con Cúc về giả tôi ngay!
- Ô hay bà nói gì tôi chả hiểu? Có chuyện gì đấy ông Nghĩa?
Ông Nghĩa thấy bà Tường hỏi, liền bảo với bà Hoàn:
- Chị cứ khóc lóc như thế, liệu nó có về không ? Im ngay, để tôi nói chuyện. Dạ chuyện là thế này, cháu Cúc bỏ đi, nó có sang đây không? Thăng đâu hả bà?
Bà Tường trả lời:
- Cháu đi xuống La chơi với bạn, từ lúc bảy giờ sáng nay. Tôi thấy nó đi có một mình mà. Thế cháu Cúc bỏ đi từ bào giờ? Rõ khổ.
- Bà thông cảm nhé, bà Hoàn nhà em của đau con xót có lỡ lời, bà cho chúng em xin. Ông Nghĩa vừa nói, vừa cùng mấy người dìu bà Hoàn về, bà vẫn không ngớt gào khóc.
Thấy tình cảnh như vậy, một số người ra về, chỉ còn những người thân thích ở lại.Thanh ngồi cạnh ông Hoàn, thi thoảng lại an ủi ông.
Bà Tường vào trong nhà ngồi nghĩ, hay anh chàng đã tư tình với con bé, bỏ trốn hẹn nhau ở chỗ nào, hôm nay lại biện lý do đi chơi thăm bạn. Đang mải nghĩ, nghe có tiếng gọi ngoài cổng, bà đi ra.
- Bác cho cháu hỏi đây có phải nhà anh Thăng không ạ!
Bà Tường nhìn cô gái rồi bảo:
- Đúng nhà Thăng rồi, nhưng cháu hỏi gì nó?
- Dạ hôm nọ anh lên huyện họp, cháu hẹn anh chủ nhật vào chơi. Anh đâu hả bác?
- Chắc nó quên, lại đi xuống La, chơi với anh bạn cùng học ngày trước. Cháu vào nhà.
Cô gái dựng xe vào mép hiên, xách chiếc làn đặt lên bàn. Bà Tường vớ cái ấm định pha nước, cô bảo:
- Bác để cháu. Pha nước xong cô lấy gói bánh quy trong làn, hai tay dâng lên đưa bà Tường. Cô lễ phép thưa - Hôm nay cháu về chơi, thăm bác và anh Thăng, cháu biếu bác gói bánh.
- Cháu vào chơi với bác, với anh là quý rồi, quà cáp làm gì cho tốn.
- Dạ, có gì đâu ạ!
Bà đặt gói bánh lên chiếc đĩa trên bàn thờ, cắm nhang rồi vái. Cô gái cũng chắp tay vái theo. Sau đó cả hai ra bàn ngồi, bà buồn rầu bảo:
- Cháu rót nước uống hộ bác. Rõ khổ, leo cau đã tới buồng mà phải bỏ, Thăng nhà bác với con bé cưới hôm nay yêu nhau đã hơn năm. Bác định sang nói chuyện xin con bé về làm dâu, để cho Thăng lên đường làm nghĩa vụ, được yên tâm. Nào ngờ cái anh ở nước ngoài về nghỉ phép, lại len chân vào. Hôm nay cưới con bé ấy, Thăng nó muốn tránh mặt, nên mới xuống bạn chơi. Chả biết con bé bỏ đi đâu, nãy mẹ nó đến đây làm om sòm.
- Cháu cũng được biết hôm nay cưới chị Cúc lấy con ông Cự làm ở huyện. Ông ấy có mời nhưng cháu không đi. Chị Cúc bỏ trốn hả bác ?
- Bác nghe nói thế, còn chả biết ra sao ?
- Chị ấy trốn là phải. Phải cháu, cháu cũng trốn.
- Cháu nói sao?
Bà Tường tròn mắt ngạc nhiên hỏi lại:
- Cháu được nhiều người kể cho nghe, chuyện Tu lắm rồi. Học hành quái gì? Toàn buôn bán với gái gú thôi bác ạ!
- Cháu ở đâu mà biết rõ thế?
- Cháu là nhân viên cửa hàng bách hóa. Qua chị Hòa, cán bộ phòng nông nghiệp huyện, cháu cũng ít nhiều được biết anh Thăng nhà mình. Hôm nọ anh vào mua khăn tặng Cúc, cháu hẹn hôm nay vào chơi, chắc anh quên, hoặc nghĩ cháu đùa. Bác ơi dao thớt nhà mình để ở đâu ?
- Cháu hỏi dao thớt làm gì?
- Hôm nay cháu xin phép bố mẹ vào đây chơi. Qua cửa hàng thực phẩm cháu mua được ít thịt làm món nem chiêu đãi bác với anh Thăng.
- Vẽ vời làm gì hả cháu, tháng được mấy lạng thịt phải mua cho cả nhà ăn chứ ?
- Bố mẹ cháu đều là công nhân, anh trai cháu đang tại ngũ. Nhà cháu không ai nuôi ai. Cháu xin phép.
Cô đi luôn xuống bếp. Bà Tường cũng ra theo.
Bới đi, bới lại chỗ này, chỗ kia để tìm cái thớt. Mãi sau bà Tường mới lôi nó ra được. Khổ thân cho nó, cứ nằm im ở đấy ngót một năm trời, vì có thịt cá gì đâu mà dùng đến nó.
Cô bê thớt ra sân giếng cọ rửa. Bà Tường chống hai tay vào gối đứng lên, bà bảo:
- Khổ, người khổ, cái gì cũng khổ cháu ạ. Cái thớt nhà bác gần một năm nay nó mới được ngửi mùi thịt. Ai cũng thuộc lòng câu các cụ dạy: “bán cám thì ngọt canh, nuôi lợn thì lành áo”. Nuôi lợn bây giờ cũng chả được ngọt canh, mà lành áo cũng khó lắm. Cả năm bao nhiêu vốn liếng dốc vào con lợn, không may nó chết là hết. Nếu có nuôi được thì bán cho ông nhà nước, một đồng tư năm xu một cân. Thừa nghĩa vụ thì cứ mười cân hơi được bốn cân tem tăng gia. Nhưng ít người được lắm, phần đông là thiếu. Vì lợn hay chết dịch, lấy đâu mà cân. Khối nhà không có tiền mua giống phải bỏ chuồng không cháu ạ.
- Thế cả năm nhà mình không có tí mỡ nào hả bác?
- Làm gì có hả cháu? Chỉ có tết. Tết nhà bác được ba cân hơi, nó vào độ cân rưỡi thịt cả xương. Gà cũng muốn nuôi lắm, nhưng nuôi thì lấy gì cho nó ăn. Tháng có ba mươi cân thóc, hai mẹ con phải ăn dè, đong thêm khoai sắn độn vào. Bác nuôi đôi lợn giờ nó được độ hai nhăm cân một con. Định để bán cho nhà nước lấy tiền cưới cho Thăng, nhưng lại trượt rồi. Nói dại, không may nó ốm chết, là bác và anh sạt nghiệp đấy.
Cô gái vừa nghe chuyện, vừa nhấc từ trong làn ra, thịt, trứng, miến mộc nhĩ, bánh đa, hành, cà rốt, xu hào. Cô bắt đầu băm thịt, con dao như múa trên tay. Bà Tường đứng nhìn cô gái làm, bà hỏi:
- Cháu học làm từ bao giờ mà khéo tay thế ?
- Bác ạ, bố mẹ cháu đều là nhà giáo cho nên khắt khe lắm, bắt học tề gia nội trợ ngay từ nhỏ. Bố mẹ cháu bảo, đã là phụ nữ thì phải đặt công, dung, ngôn, hạnh lên hàng đầu.
- À thế ra các cụ là nhà giáo cả đấy, quý hóa quá. À cháu tên gì nhỉ?
- Dạ, ngày bé cháu tên là Còm, còn giờ cháu tên là Phan Thị Ly bác ạ!
N.Đ.V