Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
1234
2345
4567
3456
5678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

HẠT LANH MỌC TRÁI MÙA (C2)

Giàng Khánh Ly
 

ĐI TÌM “CÁI CHỮ” (Kỳ II)

    Lanh có người chị gái họ cũng vì mồ côi cha mẹ mà đi thoát li, công tác ở tỉnh. Năm nào đến tết cổ truyền của người Mông là chị ấy lại về quê Lóng Luông ăn tết với họ hàng. Khi chị về, đêm Lanh thường ngủ với chị và nghe chị kể về người Kinh, kể về Bác Hồ, về Đảng. Thi thoảng chị lại hỏi “Mày có thích đi cùng tao để học cái chữ không”? Trong lòng Lanh vô cùng sung sướng và nói với chị là có. Nói “Có” thì quá dễ nhưng trong lòng Lanh lại lo ngay ngáy vì cái hủ tục lạc hậu và nặng nề ở quê Lanh thời bấy giờ. Hơn nữa lại còn món nợ Lanh phải trả cho anh trai và chị dâu chưa xong. Lanh biết chắc chắn nếu có xin đi cùng chị gái thì anh trai và chị dâu nhất định không cho đi. Trong lòng Lanh nặng trịch nỗi lo, Lanh nghĩ: Phải làm sao đây?
   Lanh quyết định trốn vào lần thứ 5 chị gái về thăm bản tính từ khi bố mẹ của Lanh qua đời. Tối hôm đó là mồng 3 tết cổ truyền dân tộc Mông, lúc ấy Lanh cũng chẳng biết là năm nào, mãi về sau Lanh mới biết là năm 1971, Lanh ngủ với chị và đã bàn với chị: Sáng mai mày cứ chuẩn bị đồ đạc và đi ra đường như bình thường. Tao sẽ trốn ra đường trước. Chị rất thương Lanh nhưng chị cũng tỏ vẻ sợ gia đình anh trai và chị dâu của Lanh nên cũng không trả lời dứt khoát là cho Lanh đi cùng hay không cho. Mặc dù vậy, trong lòng Lanh đã quyết tâm, Lanh không nói gì hết. Khi chị gái đang đi đến các gia đình họ hàng để chào họ rồi đi lên tỉnh, Lanh đã lẻn lên khu rừng sau nhà anh trai, chị dâu rồi men chân núi theo lối đường mòn đi ra đường quốc lộ 6 cũ. May làm sao trời Lóng Luông hôm đó sương mù dày đặc, đứng cách nhau hai mét cũng khó mà nhìn rõ nhau. Lanh nghĩ: “hôm nay ông trời phù hộ cho mình rồi!”. Ra đến đường mòn, Lanh hết sức chạy một mạch ra đường quốc lộ 6. Chạy được một đoạn thì gặp một người dân trong bản đi lấy củi về và hỏi “Mày đi đâu đấy!”. Làm Lanh hết cả hồn, Lanh vừa chạy vừa nói: “Tao đi chơi!”. Đường mòn lau lách rậm rạp, sương mù âm u. Lúc ấy Lanh chỉ nghĩ làm sao để kịp đi cùng chị gái đến với cái người Kinh, đến với cái Bác Hồ, cái Đảng, chứ không sợ bất cứ thứ gì hết.
    Lanh chạy đến đường quốc lộ 6, đoạn đường này lúc bấy giờ cũng không có dân ở mà chỉ có một cửa hàng mua bán của hợp tác xã rất đơn sơ. Với sương mù dày đặc, Lanh chui vào bụi cây cạnh đường, nằm đó đợi cho đến khi họ hàng đưa tiễn chị gái ra đường. Lanh nằm chờ khoảng một tiếng đồng hồ, không gian im ắng, vắng lạnh. Lúc này Lanh mới thấy run và sợ con hổ, con báo nó hỏi thăm. May sao ngay sau đó thì có tiếng người nói chuyện, đó là mấy bà chị dâu họ hàng đưa chị gái họ của Lanh ra đường. Đến cửa hàng, chị gái họ nói “Đến đây rồi, tao mua ít dầu hỏa, ít muối cho chúng mày rồi chúng mày đi về nhé!”. Mấy bà chị dâu họ hàng ấy đồng ý. Lanh nghe rõ các chị ấy nói với chị gái họ của Lanh “Nếu cái Lanh nó không chịu quay về thì mày bảo nó để lại hai cái vòng cổ bằng bạc nhé!”. Nhà Lanh nghèo, bố mẹ Lanh đi làm thuê được chút bạc trắng làm cho hai chị em Lanh hai cái vòng cổ bằng bạc. Chị gái Lanh đi lấy chồng nhưng nhà anh trai không cho chị gái Lanh mang theo cái vòng bố mẹ để lại. Họ bảo nếu Lanh trốn đi học thì cũng không cho Lanh mang hai cái vòng bạc đi theo mà phải để lại cho họ. Thời đó gia đình anh trai Lanh cũng nghèo nên họ coi chút bạc trắng ấy còn hơn cả tính mạng con người. Sau khi mấy chị dâu họ hàng ấy đã quay về, chị gái họ của Lanh bắt đầu gồng gồng gánh gánh, nào gạo nếp, nào thịt treo gác bếp, nào bánh dầy,... vừa bước lên đường quốc lộ 6 thì Lanh nhảy tót từ trong bụi cây cạnh đường ra, làm chị gái giật mình và nói “Mày đi thế có sợ họ mắng không?”. Lanh bảo: “mặc kệ, tao cứ đi theo mày!” Hai chị em Lanh mừng rỡ rồi cùng nhau gánh đồ đạc đi bộ một đoạn đường khoảng hai cây số thì có một trạm bưu điện nhỏ cạnh đường. Hai chị em ngồi nhờ trạm bưu điện chờ ô tô. Hai chị em chờ khoảng hai giờ đồng hồ sau thì có mấy chiếc xe tải của bộ đội đi qua. Chị gái vẫy và hỏi đi nhờ. Mấy chú bộ đội đồng ý cho đi nhờ nhưng mỗi xe chỉ ngồi thêm được một người. Chị gái bảo “Mày ngồi xe chú này, tao ngồi xe chú kia nhé!”. Lanh lắc đầu không đồng ý vì Lanh vừa không biết tiếng Kinh, lại vừa sợ chị gái bỏ rơi mình. Cuối cùng mấy chú bộ đội phải sắp xếp cho Lanh ngồi cùng xe với chị gái họ.
    Đoàn xe tải của các chú bộ đội bắt đầu khởi hành đi về hướng tỉnh Sơn La. Thời đó đường quốc lộ thật nhưng gập ghềnh, lắm ổ trâu, ổ voi, đường vắng vẻ, hai bên đường là những cánh rừng lau lách bạt ngàn và rậm rạp, nếu đi một mình hoặc đi bộ thì sợ thú rừng lắm. Đoàn xe đi mãi đến khi trời đã nhá nhem tối thì đến một bản người Thái ở  huyện Yên Châu. Từ chỗ bản này đến trung tâm tỉnh Sơn La chỉ còn hơn 40 cây số thôi, nếu đường như bây giờ thì xe chỉ chạy chưa đầy một giờ đồng hồ, nhưng do đường quá xấu nên đoàn xe phải vào nghỉ nhờ nhà dân để hôm sau đi tiếp. Hai chị em Lanh đi vào một gia đình mà thấy chị gái họ bảo “Đây là mẹ nuôi của tao đấy!”. Hai chị em cùng gia đình dùng cơm tối rồi đi ngủ, sáng hôm sau trời mới tờ mờ sáng, chị đã gọi Lanh dậy để đi tiếp. Hôm đó đoàn xe đi mãi đến khi trời đã sế chiều mới tới tỉnh Sơn La. Đến đoạn đường mà bây giờ gọi là trường quân sự tỉnh Sơn La thì đoàn xe dừng lại, hai chị em Lanh xuống và đi bộ một đoạn đường chừng dăm bảy cây số. Hai chị em chia nhau đồ cùng gánh rồi đi về chỗ gọi là bản Sàng cách trung tâm tỉnh Sơn La khoảng hơn hai chục cây số, là nơi sơ tán máy bay Mỹ của các cơ quan tỉnh.batmamaaa
     Lanh đến với ngôi nhà gianh đơn sơ của chị và ở cùng với chị. Mặc dù Lanh không hề biết tiếng Kinh, nhưng Lanh vui sướng khôn cùng vì đã thoát khỏi cái biển sương mù mịt, tăm tối ở quê Lanh. Thế rồi ngày ngày chị đi làm việc cơ quan. Chị để Lanh ở nhà một mình, sợ Lanh buồn nên chị lấy cả bó mía để ở cửa và bảo “Mày đừng đi đâu, ở đây toàn rừng sợ lạc không biết đường về. Mày ăn mía, trông nhà cho tao nhé!”. Vì ở quê Lanh lao động quen rồi nên ở nhà mãi thấy buồn chân tay. Lanh cầm con dao đi vào rừng lấy củi. Có lẽ chỗ lấy củi cách nhà chị gái không xa nhưng do rừng núi hoang vu nên Lanh không tìm thấy đường về. Lanh cứ ngồi mãi trong rừng, may có chú người Thái vác khúc củi đi qua và hỏi điều gì đó Lanh không thể nghe được. Lanh chỉ biết bập bẹ một câu “Cô Dụ”, chị gái của Lanh tên là Dụ. Chú người Thái ấy đưa tay kéo Lanh đứng dậy và chỉ về hướng nhà của chị gái Lanh. Lanh cùng chú ấy về đến nhà và mang theo bó củi. Tối về chị bảo “Ai mà giỏi thế nhỉ?”. Chị khen Lanh nhưng cũng nhắc Lanh “Lần sau mày không được đi một mình nhé, họ bắt đấy!”. Ở cơ quan của chị gái có một cô cũng có đứa con gái bằng tuổi với Lanh, chị bảo bạn ấy ngày ngày đến chơi với Lanh. Hai đứa chơi với nhau nhưng không hề biết tiếng của nhau, chỉ cười và dùng cử chỉ ra hiệu để có thể hiểu được phần nào về nhau. Một hôm hai đứa làm vỡ cái bóng đèn dầu của chị mà chỉ biết cười với nhau. Thi thoảng ngày nghỉ chị lại đưa Lanh đi thăm mấy bà chị kết nghĩa của chị là dân khai hoang ở gần đó. Các chị ấy cũng có hoàn cảnh giống như chị của Lanh nên họ tốt lắm. Cứ sống như thế với chị được hơn một năm sau mà tiếng Kinh của Lanh cũng không được cải thiện là bao nhiêu, vì suốt ngày chỉ ở nhà, không mấy được tiếp xúc với nhiều người Kinh.
     Năm 1972, cơ quan của chị gái Lanh được chuyển về nơi mà họ gọi là Hát Lót thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bây giờ. Khi đó máy bay Mỹ vẫn còn bắn phá ác liệt lắm. Hàng ngày Lanh cùng lũ trẻ là con em của các bác cùng cơ quan với chị của Lanh do một bà được cơ quan cử đưa lũ trẻ lên hang trên núi để sơ tán, tránh máy bay. Được một thời gian sau đó chị bảo “Tao xin cho mày đi học ở trường gần đây nhé!”. Lanh rất muốn học nhưng vì không biết tiếng Kinh, mà ở đó toàn là học sinh người Kinh. Lanh ngập ngừng rồi đồng ý với chị. Chị đưa Lanh đến một lớp học chắc là học lớp Một. Các bạn học sinh toàn là những đứa bé tí. Còn Lanh lúc này không biết bao nhiêu tuổi nhưng sau này nghe bà thím kể lại thì thời đó chắc Lanh khoảng hơn 10 tuổi gì đó. Đến lớp học, đầu giờ cả lớp đều hát, Lanh rất thích hát mà lại không biết hát. Tiếng không biết, chữ không biết vì Lanh đâu có được học lớp vỡ lòng. Vì thế có một số bạn nhỏ trong lớp hay trêu trọc, làm Lanh thấy ngại ngùng, nhưng vẫn theo học đều đặn và hy vọng một ngày nào đó sẽ biết cái chữ như các bạn nhỏ nơi đây. Thầy giáo chủ nhiệm là người hiền lành, tốt bụng, học hết cả học kỳ mà Lanh chẳng biết thêm  được nửa chữ bẻ đôi. Thầy thương và bảo với chị gái Lanh “Tối cô cho cháu đến học nhà tôi để tôi dạy thêm cho cháu!”. Vậy là từ đó, cứ tối tối chị đưa Lanh đến nhà thầy giáo và mỗi tối thầy chỉ viết cho Lanh mấy chữ o, a gì đấy với cỡ thật to để Lanh mang về nhà học. Hôm sau đến lớp thầy giáo kiểm tra, mặc dù Lanh rất chịu khó đọc nhưng Lanh chẳng hiểu nó là cái gì hết. Cứ học như thế được một năm, Lanh vẫn chẳng thể tiến bộ được. Lúc này Lanh đã nói được một số từ bằng tiếng Kinh nhưng ngọng líu ngọng lo. Vì thế có những lúc Lanh tự nhủ: Sao mình dốt đến thế, chắc mình chẳng thể biết cái chữ thật rồi, sao cái chữ lại khó đến thế? Lanh thấy rất buồn. Một hôm Lanh nói với chị: “Nếu cứ học kiểu này thì tao thấy buồn lắm, tao không thể biết cái chữ được rồi và tiếng Kinh tao cũng khó học quá. Mày xem chỗ nào có cái trường mà có học sinh là người Mông và cũng lớn tuổi như tao thì mày cho tao đi học ở đó. Tao không học ở đây nữa đâu, vì các bạn nhỏ hay trêu trọc làm tao xấu hổ lắm!”. Chị bảo “Ở tỉnh này có cái trường gọi là trường thiếu nhi dân tộc tỉnh đấy, nhưng cái trường này ở xa, nếu mày đi học ở đó thì không được ở cùng tao mà phải ở trong trường đấy!”. Lanh không nói gì nhưng trong lòng thấy có hy vọng. Lanh hy vọng trường đó có người học lớn tuổi như Lanh và nếu có người Mông nữa thì tốt quá. Lanh liền nói với chị: “Mày cứ cho tao đi học ở đó đi. Học ở đó tao sẽ nhớ mày lắm nhưng nếu biết cái chữ thì tao sẽ viết thư về thăm mày và mày đến thăm tao là được rồi!”.
    Một ngày đẹp trời chị đưa Lanh đến trường thiếu nhi dân tộc tỉnh (Trường dân tộc nội trú ngày nay). Hồi đó chắc là cuối năm 1972 hay đầu năm 1973 gì đó, nào Lanh đâu có biết gì về năm với chả tháng.  Khi đó nhà trường sơ tán tận trong núi cách xa trung tâm tỉnh, chị giao Lanh cho thầy cô giáo ở đó rồi trở về cơ quan làm việc. Lanh ở lại trường, thầy cô giáo đưa Lanh đến ở cùng phòng với mấy chị, trong đó có cả chị người Mông. Trong trường có nhiều dân tộc, trong đó có các anh, chị là người Mông nữa. Lanh mừng đến rơi nước mắt. Ngày hôm sau Lanh được cô giáo đưa đến lớp học, là học lớp vỡ lòng, ngày nay gọi là học mẫu giáo ấy. Cô giáo hỏi Lanh bao nhiêu tuổi để cô giáo làm học bạ, Lanh không biết, Lanh bảo các bạn cùng lớp khai thế nào thì Lanh cũng khai như thế. Mấy bạn bảo “Mày muốn lấy năm nào để làm năm sinh cho cô giáo làm học bạ”. Lanh đâu có biết cái năm, cái tháng ấy là cái gì. Thế rồi Lanh bảo bạn: “Mày khai của mày thế nào thì mày khai cho tao như thế!”. Thế rồi bạn của Lanh khai năm 1960 và cũng khai cho Lanh là sinh năm 1960. Thế là Lanh có năm sinh từ đó. Còn ngày sinh thì Lanh không biết, mãi sau này khi Lanh đã biết chữ, một hôm Lanh đọc được bài báo Dân vận của Bác Hồ viết. Lanh rất thích đọc bài viết của Bác Hồ. Bài báo ấy viết vào ngày 15/10. Sau này bổ sung lý lịch Lanh đã lấy ngày 15/10 làm ngày sinh của Lanh. Cái ngày sinh, năm sinh ấy đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp sau này của Lanh. Lanh được thầy cô giáo dạy cho các chữ cái, rồi ghép các chữ cái thành câu từ. Đồng thời Lanh cũng được các anh chị người Mông dạy tiếng Kinh hàng ngày, nhất là những ngày nghỉ. Các anh chị ấy vừa dạy tiếng Kinh vừa dịch nghĩa sang tiếng Mông nên Lanh dễ hiểu, dễ nhớ. Lanh còn nhớ nhà trường còn có cả các anh chị người Lào nhưng cũng có người là dân tộc Mông. Trong trường ai cũng thương Lanh và giúp đỡ Lanh. Lúc này Lanh thấy như mình được đến với những người thân trong gia đình vậy. Lanh bắt đầu một cuộc sống mới “Có ánh sáng” thực sự. Trong lòng Lanh nghĩ: ở một nơi tốt thế này, chắc mình sẽ học được nhiều thứ để sau này được đến với Bác Hồ. Thời ấy đất nước ta còn nghèo lắm vì chiến tranh, nhà trường là những ngôi nhà trát đất bùn trộn với rơm; giường nằm là những tấm ván bằng gỗ hoặc phên bằng tre, nhưng học sinh ở trường đều được nhà trường nuôi hoàn toàn, học sinh không phải bỏ tiền học, tiền ăn, tiền nhà ở. Vì đây là trường dành riêng cho con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Học sinh Việt Nam thì ăn cơm độn ngô, trong cơm thì ngô đỏ nhiều hơn gạo, thậm chí còn ăn bột sắn làm bánh luộc, hay hạt bo bo nấu lên rồi ăn. Còn các anh chị người Lào thì được ăn gạo không có ngô, sắn, họ còn có cả thịt nữa. Dù khổ thế nào thì Lanh vẫn thấy rất vui, rất yên tâm vì ở đây không có ai mắng chửi, đánh đập và bắt Lanh lao động nặng nhọc như ở quê Lanh. Lanh nghĩ khổ thế hay khổ hơn nữa Lanh cũng chịu được, vì ở đây có thầy cô giáo, bạn bè ai cũng thương yêu và giúp đỡ cho Lanh. Cứ sống như thế một năm sau Lanh học hết lớp vỡ lòng rồi được lên lớp một, lớp hai, lớp ba,...Từ đó Lanh luôn là học sinh học rất tốt, luôn đứng vào tốp đầu của mỗi lớp học, cấp học. Ở đây Lanh được học chữ, được học hát, học múa, tiếng Kinh của Lanh cũng ngày càng tiến bộ, được thầy cô, bạn bè khen ngợi, quan tâm.  Ngoài giờ học Lanh thường đến nhà tập thể của các cô giáo để học hát, học múa, mặc dù tiếng Kinh của Lanh đã có tiến bộ nhưng vẫn còn ngọng. Cô giáo dạy hát mà Lanh mãi vẫn không thể phát âm đúng như cô dạy. Lanh còn nhớ cô dạy Lanh hát bài “Em mơ gặp Bác Hồ”, đến câu “Em âu yếm hôn đôi má Bác” thì Lanh hát là “Eng eo yếng hông đô má bá”. Dù biết là thế nhưng lòng đam mê không làm Lanh chùn bước. Lanh quyết tâm học đọc, học viết và thật chú ý sửa lỗi chính tả mỗi khi viết văn, làm toán hoặc tập hát. Cứ tiếp tục học tập như thế đến hết lớp 4 ngày ấy là hết cấp Một (Tiểu học ngày nay). Lanh được cô giáo phân công làm quản ca của lớp, hoặc lớp phó phụ trách văn thể của lớp,.... Lanh vui lắm, Lanh nghĩ: Học cái chữ đâu có phải là không thể, sao trước đó Lanh không thể biết nổi? Lanh học giỏi nhất là môn văn, chính tả của Lanh luôn đứng đầu trong lớp, phát âm tiếng Kinh của Lanh cũng khá tốt, nói tiếng Kinh thì ít có người phát hiện Lanh là người dân tộc Mông.
     Bước sang học cấp hai thì khi đó máy bay Mỹ không còn bắn phá nữa và nhà trường được chuyển về gần trung tâm tỉnh hơn. Lên học cấp hai rồi, tiếng Kinh của Lanh đã tốt, có thể viết, đọc và hát thông thạo các bài hát mà cô giáo dạy; đọc thông thạo các bài văn trong sách giáo khoa. Ở môi trường này Lanh được bầu làm bí thư đoàn trường, rồi làm lớp trưởng, phụ trách các bạn nữ,...Do học tốt, gương mẫu trong các hoạt động của nhà trường, Lanh luôn được thầy cô, bạn bè yêu mến, điều đó càng làm cho Lanh có thêm động lực trong học tập và rèn luyện, Lanh trở thành nhân tố tích cực của nhà trường. May mắn cho Lanh, ở gần trường của Lanh có đoàn văn công của tỉnh đóng ở đó. Sau những giờ học, những ngày nghỉ (chủ nhật), Lanh thường đến đứng bên ngoài bờ rào của đoàn văn công để xem các cô, chú tập hát, tạp múa. Cứ như thế cho đến khi Lanh học hết cấp hai (lớp 7) thời đó. Vừa học, Lanh vừa bắt chước các cô, chú văn công luyện giọng, tập hát. Sáng nào cũng vậy, Lanh dậy thật sớm để luyện giọng; trong những giờ ra chơi ở lớp, các bạn đi chơi, còn Lanh ngồi trong lớp để tự tập hát. Miệt mài học tập, miệt mài tập luyện hát, Lanh đã trở thành cô bé hát rất hay. Khi còn ở trong trường, Lanh vừa học giỏi, chăm ngoan; vừa hay hát và hát hay. Lanh thường được thầy cô và nhà trường chọn đi đón các đoàn khách quý của tỉnh và khách quý về thăm nhà trường và biểu diễn cho khách xem; các đợt khai giảng năm học mới, tổng kết năm học,... Lanh luôn được chọn lĩnh xướng hoặc đơn ca với giọng ca nữ cao vút, trong veo như nước suối Nậm La, như tiếng chim họa mi hót trên đỉnh núi Pha Luông cao trùng điệp của núi rừng Tây Bắc. Lanh ước mơ sau này mang tiếng hát của Lanh đứng trên đỉnh núi cao hát để xua tan bầu trời tăm tối khi người Mông chưa có cái chữ. Trong thời gian học tại trường, Lanh đã từng được nhà trường chọn tham gia đoàn thiếu nhi Tây Bắc về thăm Thủ đô, thăm Lăng Bác Hồ, thăm Quảng Ninh, Hòa Bình,... Ước mơ được đến với “Bác Hồ” của Lanh đã thành sự thực. Khi vào Lăng viếng Bác, rồi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lanh khóc nức nở như mưa vì xúc động quá. Đến Quảng Ninh Lanh hát bài “Em yêu đất mỏ quê em”; đến tỉnh ủy Hòa Bình Lanh hát bài “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” làm cho bao nhiêu người xúc động, khen ngợi Lanh. Lanh thấy đời mình lúc này như hoa nở mùa xuân. Lanh được bầu làm đội trưởng đội cờ đỏ của nhà trường. Trong khi đi trực đêm Lanh đã từng bắt được kẻ trộm là một học sinh cá biệt của nhà trường, Lanh từng được Trưởng ty Công an tỉnh tặng giấy khen và phần thưởng. Trong cuộc đời của Lanh có lẽ giai đoạn này là Lanh thấy hạnh phúc nhất với bao nhiêu ước mơ: sau này sẽ mang lại ánh sáng cho người Mông, nhất là cho phụ nữ. Lanh ước mơ được học làm bác sỹ để chữa bệnh cho người Mông, làm cô giáo để dạy cái chữ cho trẻ con người Mông, làm ca sỹ để về hát cho người Mông nghe, tuyên truyền để người Mông ai ai cũng được đi học, được bình đẳng, tiến bộ để thoát khoải cái bầu trời tăm tối mù mịt như Lanh đã từng trải.
    Học hết cấp hai (lớp 7) thời đó, Lanh cùng bạn bè trang lứa phải ra trường, xa thầy cô, xa trường, xa lớp nơi đã gắn bó bao nhiêu năm với Lanh, nơi đã dành cho Lanh bao tình thương yêu, bao nhiêu kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Khi đó trường thiếu nhi dân tộc tỉnh Sơn La chưa có cấp ba (THPT) nên Lanh lại về ở với chị gái. Chị bảo “Thôi để tao xin cho mày học ở trường gần đây, sáng mày đi học, chiều mày về ở nhà với tao!”. Lanh nói với chị: “Mày cho tao đi học ở trường đào tạo cán bộ các dân tộc Tây Bắc ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La”. Chị đồng ý và cho Lanh đi học cấp ba (THPT) ở trường đó. Lanh đến với nhà trường, thầy cô, bạn bè trong niềm hân hoan vô bờ bến. Lanh vốn ham học, ham hát, ham hoạt động bề nổi, chẳng mấy Lanh cũng nhanh chóng trở thành “Con chim sơn ca” của nhà trường. Nhà trường tổ chức các cuộc thi văn nghệ, Lanh luôn đứng đầu bảng, làm cho ai cũng biết và nhớ về Lanh. Mỗi cuộc đi lao động công ích giúp dân bản, các bạn cầm dao, cầm cuốc thì Lanh cùng nhóm bạn và thầy dạy nhạc chỉ biết chăm chú hát cho mọi người nghe để lao động khỏe hơn, năng suất cao hơn. Sau một năm học, Lanh đã học hết lớp 8 (hệ 10/10) thời đó, Lanh học giỏi lại hát hay, tiếng lành đồn xa, đã hai lần Đài Tiếng nói Việt Nam đến tuyển Lanh đi làm phát thanh viên tiếng Mông; Đoàn văn công của tỉnh cũng vài lần đến tuyển Lanh vào công tác ở đoàn. Lanh thích lắm, đúng niềm đam mê, sở trường của Lanh rồi. Lanh liền xin phép thầy giáo chủ nhiệm rồi về nhà xin ý kiến chị gái để Lanh đi làm phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam hay vào đoàn văn công của tỉnh. Lanh hí hửng về và trình bày với chị gái. Chị bảo “Mày mà đi về Trung ương thì toàn là người Kinh thôi và làm việc ở đó thì không bao giờ được về bản mình, không được về thăm tao đâu. Còn mày đi văn công thì tao không thích nên mày cứ học đi sau này đi công tác như tao”. Lanh thất vọng nhưng không dám trái lời chị nên lại về trường học tiếp. Sau đó còn vài ba lần nữa Lanh về nài nỉ nhưng chị vẫn nói như thế. Lanh buồn lắm, nhưng Lanh chỉ để trong lòng, không dám chia sẻ cùng ai cả rồi lại tự trách mình: Tại vì “Lanh mọc trái mùa”. Lanh học hết lớp 8, hoa phượng bắt đầu nở rực rỡ đỏ cả sân trường, đồi nương, báo hiệu mùa hè về, thầy trò bắt đầu nghỉ hè. Năm đó là năm 1980. Có bạn là người dân tộc Thái quê cũng ở Mộc Châu nói với Lanh “Chúng mình về quê đi”. Lanh nghĩ đã bao nhiêu năm Lanh không về quê, dù không còn bố mẹ nhưng vẫn còn chị em, họ hàng, dù sao thì vẫn là nơi đã sinh ra mình, Lanh thấy nhớ quê hương nơi đã để cho Lanh bao kỷ niệm buồn có, vui thì không, nhưng không biết ma xui, quỷ khiến thế nào mà Lanh lại đồng ý về Mộc Châu cùng với bạn.

                               (Kỳ sau: Bẫy Định mệnh)

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 70
Trong tuần: 787
Lượt truy cập: 457544
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.