Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

VIÊT, IN, BÁN, MUA SÁCH

Vũ Quần Phương

VIẾT SÁCH, IN SÁCH, BÁN SÁCH, MUA SÁCH

Tôi xin nói về viết sách trước. Chủ yếu là việc viết trong lĩnh vực văn chương của nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình.

Các nhà này mà không viết thì coi như bỏ nghề. Mà nghề này, theo tôi quan sát đã vào rồi thì ít người ra được. Tôi biết một anh làm thơ, xin gọi là anh A, Anh A đã có thơ đăng báo từ những năm sáu mươi. Một nhà thơ đàn anh mà chúng tôi, cả lứa chúng tôi cảm phục và tin tưởng đã khuyên anh A: thơ câu có sức cảm thụ thiên nhiên hay lắm. Nhiều câu thơ kỳ ảo. Anh khuyên A cố mà giữ lấy. Giữ từ tâm hồn mình, nghĩa là giữ lòng yêu thiên nhiên, gần gũi thiên nhiên, sống bằng thiên nhiên. Sau là giữ bút pháp, giữ cách viết: kinh tê, chữ nghĩa chính xác, có bản sắc dân tộc, âm điệu hài hòa mà nhiều biến hóa. Tôi nghe A kể lại, thấy các lời khuyên đều đúng cả. Nhưng tôi rất bất ngờ khi anh A cắt hộ khẩu Hà Nội chuyển lên Sơn La.  Anh vẫn dạy học nhưng đổi dạy toán cấp ba sang dạy lớp cấp I. Anh bảo phải lên rừng mới gần được thiên nhiên và trẻ con cấp I miền rừng cũng là một thứ thiên nhiên. Cuộc sống mới cố nhiên nhiều khó khăn nhưng vì để có thơ, anh hăm hở vượt qua, vượt hết. Anh say mê viết. Thơ gửi đăng có nhiều hơn, ở vài năm đầu. Chỉ vài năm đầu thôi. Thơ anh vắng dần trên báo. Sau 20 năm. Tên anh giờ hóa lạ. Mà tuổi thì ngót 50 rồi. Vẫn độc thân. Hà Nội thì từ quốc sách Đổi Mới sang, đẹp hơn nhiều, người ta cũng dễ kiếm sống. Tôi rụt rè khuyên anh về, Anh có ý nghe nhưng lại lo cách kiếm sống. dù có được đăng đều thì nhuận bút thơ cũng không nuôi được người thơ. Tôi nhắc anh có nghề dạy toán cho các trò cấp II cấp III. Anh đã về Hà Nội. Đã mở lớp dạy toán, ít trò thôi, coi như kèm từng đứa. Hay nhất là đã lấy vợ. Anh lần đầu, Chị là đi bước nữa. Chị là người biết điều. Lại đảm, Có quấy hàng, Nuôi được anh. Anh lại toàn tâm làm thơ. Từ khi về Hà Nội, thơ in hai tập, bài đăng báo đều hơn. Đã vào hội Nhà văn Việt Nam. Nói chuyện thơ với bạn vẫn là niềm say lớn của anh. Bây giờ người say thơ như anh đông lắm. Phần lớn là các cán bộ đã vào tuổi hưu. họ tập hợp trong các câu lạc bộ thơ. Câu lạc bộ thơ là một sân chơi tinh thần của toàn xã hội, Quý lắm. Chỉ rắc rối khi lẫn lộn sân chơi với hoạt động nghiệp vụ chuyên nghiệp 

In thơ: Việc này thời bao cấp khó lắm. Khó về phép tắc đã đành. Khó cả về kỹ nghệ in lạc hậu, tốn công, tốn sức, tốn tiền. Bây giờ rất nhẹ nhàng cơ sở in nhiều, tha hồ chọn nơi vừa ý. Công in không đắt. Kỹ nghệ in tiên tiến, cuốn sách ra đời rất vừa ý. Bìa thật bìa giả, tờ chính, tờ lót, cách đóng sách, cách vào bìa đều có những cải tiến ý nghĩa. Khách hàng thật sự làm chủ sản phẩm của mình, kể cả những yêu cầu kỳ quái (!)

Bán thơ: Việc này bây giờ chỉ thuộc về tác giả sách và chủ cửa hàng bán sách. họ thực hiện theo hoa hồng thỏa thuận. Với những tác giả đã quen biết, thường tác giả được lĩnh 50% tiền bán sách nhuận bút, tiền giấy, công in và các phụ phí khác. Người bán được 50% cho việc bán sách. Cách tính này thường là tác giả không có nhuận bút. 50% giá bán chỉ đủ trả nhà in. Còn toàn bộ sách tác giả lấy để biếu, thì tác giả phải trả tiền. Thực tế hiện nay sách thơ bán không chạy. Hiệu sách khai thác nhiều về sách phục vụ kinh doanh, sách khoa học bảo vệ sức khỏe, sách tâm lý dạy ứng xử.

Sách văn chương hiện nay, mất độc giả lớn nhất mà các tài năng văn chương vãn xuất hiện đều đặn. Chúng ta nên tìm nguyên nhân hiện tượng này.

Mua thơ: Hiện nay ít người mua thơ Nhưng nếu muốn mua thì lại, không biết mua ở đâu. Nghe những lời khuyên nào để có cuốn sách hay. Trước đây người ta chọn sách qua các thao tác: 

- Chọn nhà xuất bản. Sách văn chương thường tìm từ nhà xuất bản Văn học, rồi nhà xuất bản Hội nhà văn. Hiện nay các nhà xuất bản không còn có nhiệm vụ đặc hiệu, trừ nhà xuất bản Chính trị Quốc gia được dùng ngân sách. Chất lượng thơ ra thị trường phải có tiêu chí. Sách kém chất lượng chỉ được in số lượng ít. Qua số lượng người mua cũng biết được thứ hạng chất lượng của cuốn sách

- Nghe dư luận giới phê bình. Hiện nay có hiện tượng phê bình thân hữu. Tạo nên mối thân hữu này có cả lý do tài chính, người ta thuê viết. Nhà phê bình được thuê mất dần ý kiến độc lập. Thời bao cấp hiện tượng này chỉ xảy ra khi phê bình sách ông to. Nhưng còn có ông to nhận ra và không thích. Chính vì vậy nhiều người làm phê bình đã sang làm nghiên cứu.

-Dựa vào tên những tác giả đã được tin cậy, Số này rất tiếc lại không nhiều và độc giả cũng ít có điều kiện cập nhật

- Một số nhà xuất bản hoặc các nhà sách tư nhân lập các tủ sách để ngầm giới thiệu giá trị sách Như nhà xuất bản Văn học có giai đoạn lập tủ sách Văn học Việt Nam hiện đại. Vài nhà sách tư nhân cũng theo tâm lý thị trường cũng có cách giới thiệu các loại sách thời thượng. Việc này có ý nghĩa nhưng không bền vì nhiều lý do, cả lý do nội dung sách lẫn lý do thị trường.

Nhìn lại thị trường sách trước đây.

Công tác xuất bản và phát hành sách ở nước ta được tính từ khi máy in được phổ biến, chữ quốc ngữ trở thành văn tự duy nhất được dùng trong xã hội. Trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu vài cơ sở ấn và hành có ảnh hưởng tới việc học và đọc văn chương của tôi.

- Nhà xuất bản Đời nay của Tự Lực Văn Đoàn Đây là một văn đoàn tư nhân, tự lập có ảnh hưởng lớn nhất tới tiến trình phát triển văn chương nước ta thời đó. Họ có nhà xuất bản riêng (nhà xuất bản Đời nay) có tờ báo riêng (báo Phong Hóa, sau đó là báo Ngày nay) Tờ báo quảng cáo, giới thiệu cho các ấn phẩm của nhà xuất bản. Họ còn có giải thưởng văn chương do các thành viên được bạn đọc tín nhiệm của họ làm giám khảo. Họ đã trao giải 3 lần vào các năm 1935,1937 và 1939 cho các tác giả Đỗ Đức Thu, Phan Văn Dật, Vi Huyền Đắc, Nguyên Hồng, Anh Thơ, Tế Hanh. Có thể nói Tự Lực Văn Đoàn trong hoạt động của họ, họ đã tác động tới xã hội về văn hóa lẫn văn chương. Trong văn chương, họ khởi xướng và phát triển chủ nghĩa lãng mạn nhưng họ đã chọn Nguyên Hồng, một nhà văn hiện thực để trao giải. Thành viên chính thức của văn đoàn này chỉ có 7 người (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ và Xuân Diệu) Nhưng cộng tác viên của họ khá đông, đều là tác giả đang ăn khách. Chính vì vậy sách của họ in ra bán chạy nhất trong thị trường sách đương thời.

Như vậy trong việc chọn thành viên làm cộng tác viên, họ đã đồng thời làm công việc tổ chức bản thảo và biên tập đồng thời quảng cáo và giới thiệu sách trên tờ báo của chính họ khi nó mới chuẩn bị hoặc đang in. Họ tranh luận, đánh giá, trao giải thưởng cho các ấn phẩm phần lớn là do họ in và phát hành sách của họ. Những công việc liên hoàn này các nhà sách đương thời của chúng ta có thế phát huy với nhiều sáng tạo mới mà chỉ cuộc sống hôm nay mới làm được

Vũ Đình Long và nhà xuất bản Tân Dân. 

Ông Vũ Đình Long là một tác giả kịch bản vào loại đầu tiên của nước ta. Nhưng hoạt động xuất bản và chủ báo lại làm ông nổi danh hơn. Khi ấy Nhóm Tự Lực Văn Đoàn gần như khuynh loát công việc xuất bản sách văn chương và ra báo. Nhưng khi báo Tiểu thuyết thứ bảy của Vũ Đình Long ra mắt (1934) và nhà xuất bản Tân Dân của ông in sách và phát hành thì ông lại mở một lối đi riêng. Bằng lòng chân thành và con mắt xanh trọng tài, thương tài ông đã tập hợp được một đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà dịch đông đảo, đa diện và tài năng. Có các bậc sành Hán học như Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Trúc Khê… Lại có các nhà văn, nhà thơ đang được tìm đọc như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Lê Văn Trương, Tô Hoài, Thanh Châu, Nam Cao, Lan Khai, Ngọc Giao, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm… Ông chủ xuất bản Vũ Đình Long đã có một ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn chương và văn hóa của xã hội VN ta bằng sách và báo. Những kinh nghiệm làm marketing của ông chắc chắn hôm nay còn gợi cho các nhà sách chúng ta nhiều sáng kiến

Những việc cụ thể thiết thực tôi hi vọng sẽ được trao đổi qua lại trong một cuộc trò chuyện bình dị hơn, dễ nói hơn.

Hà Nội, ngày 21/4/2025

V.Q.P

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông