LaHAN
ỐI GIỜI ĐẤT ƠI! CON DÂU…
Vợ chồng Phòm có duy nhất một thằng con trai. Thằng Phền ngỗ ngược, lười học! đi học nghề khi dang dở lớp 9 phổ thông.
Năm nay thằng Phền phải thi tốt nghiệp hệ Bổ túc cấp 3, gọi là cho có bằng!!!
Nó về nhà ôn thi cùng các bạn ở trường của huyện. Mới được mấy ngày, thế nào mà nó tí táu được một cô bé rất kháu khỉnh, xinh như hoa khôi! Đưa về nhà như là bạn lâu niên!
Thằng con đi qua, Vợ Phòm nguýt rách mắt, trề môi, buông một câu: “Khoản này thì không chịu kém bố nhể!”
Ông con cười hềnh hệch!
Rồi ông xin tiền xoành xoạch.
Ông ta cắm xe máy ở đâu không rõ, đi cùng xe con bé hằng ngày.
Và, ông ta mang một vẻ mặt đầy hiên ngang!
Được hơn tuần sau, cô giáo chủ nhiệm của con bé mời Phòm và mẹ của nó lên gặp ở trường.
Phòng Hội đồng nhà trường khang trang.
Phải nói rằng ở đâu, nhà giáo cũng ăn ở sạch sẽ. Và, dù hoàn cảnh nào, nhà giáo cũng ăn ở đàng hoàng!
Cô giáo chủ nhiệm còn trẻ, mắt đen thăm thẳm, nói vài câu lo lắng về chất lượng ôn thi, lo lắng về tương lai của các cháu…Cô cứ làm như sự nghiệp giáo dục nằm trọn trong tay của các nhà giáo! rồi cô ngập ngừng: -Còn chuyện 2 em nó gần gũi nhau thì… cháu xin hai bác, người của 2 gia đình nói với nhau cho tiện ạ!
Phòm: - Này em! Em có con gái, em phải dạy nó chứ!
Mẹ cháu gái: - Anh bảo em dạy thế nào được ạ!
Ơ… ai đời con gái mà về, ăn, ngủ ở nhà bạn trai… như nhà mình!
Em cũng hết cách rồi. Mắng. Đánh. Xỉ vả. Nó cứ ì ra!
Bố nó đâu?
Bố nó theo gái vào Nam sinh sống rồi!
Anh em, chú bác đâu?
Em có mình nó! Mình đẻ con thì mình lo chứ ai lo cho mình hả anh?
Phòm ngao ngán: -Tôi xem camera rồi, trưa chúng nó về nhà, ăn xong lên phòng ôm nhau ngủ đến chiều tối. Dậy nấu ăn, ăn rồi lại đèo nhau bảo đi học! có hôm gần 12 giờ khuya mới về. Mà chúng nó làm chuyện vợ chồng có vẻ từ lâu rồi ấy!
Mẹ con bé cũng ngán ngẩm: - Thì anh đuổi nó về giúp em!
Ơ… làm thế sao được! Dù sao nó cũng là bạn của con anh, là khách của nhà anh!
Ối giời ơi…anh vẫn còn nghĩ thế thì quý hóa quá! Anh cứ đánh chửi nó như con gái của anh cũng được!
Anh đâu được phép làm thế! Hay ta nhờ Đoàn thanh niên, nhờ các bạn chúng nó!
Cô giáo đang trầm ngâm, bỗng chen vào: - Khó lắm hai bác ạ, đây là tình cảm riêng tư, tổ chức động vào lại ra chuyện khác ạ!
Không khí như chùng xuống. Đúng lúc ấy, ông bảo vệ trường bước vào, ông vốn quen Phòm, nên bỗ bã vỗ vai Phòm:
- Bác Phòm này, tôi bảo thật, bác cứ coi nó như con dâu đi! … Mọi chuyện có khi lại hay!!!
Khuôn mặt mẹ con bé bỗng ngẩn ra rồi đỏ dậy! Phòm quay sang vịn vào tay bác bảo vệ, miệng bật ra lời đáng lẽ không nên nói: “Ối giời đất ơi… con Dâu! ...”
PHÒM THUÊ ĐẤT NUÔI BÒ
Nhà Phòm chật trội. Nuôi 4 con bò sữa đã phải đẩy bếp ra góc sân. Dành đất mở thêm chuồng cho bò đứng. Sáng sớm, vợ nghiền cỏ, chồng dọn chuồng, con vắt sữa, đứa ngồi nấu cơm sáng, va côm cốp vào nhau. Ác nhất là mùi phân bò cứ xộc vào mũi. Mà cái giống thức ăn nhiều đạm để lấy sữa. Khẳm tệ! Đêm nằm vợ con Phòm phải xoa dầu vào mũi, xịt dầu sả đầy nhà mà vẫn thối!
Phòm tính chuyện thuê đất công, làm trang trại. Cũng may, được ô đất 3 sào, thuê trong 9 năm.
Bò tăng từ 10 rồi 15 con. Thuê thêm người làm, sữa giữ giá, cũng có đồng ra đồng vào! Nhưng chuồng vẫn thối, sân vẫn lầy. Phòm làm hố ga tự hoại, làm hệ thống thoát nước… đủ cả. Dân làng đi làm gần đó vẫn kêu ca. Ác nhất là mấy đứa con, chẳng đứa nào ủng hộ việc Phòm mở thêm chuồng, nuôi thêm bò. Chúng bảo bán hàng sida còn lãi và nhàn hơn. Bực mình! còn 3 năm nữa mới hết hợp đồng thuê đất. Đầu tư xây chuồng trại, bò giống, ao cá… có ít đâu!!!
Sáng nay mấy cụ hưu trí lại tạt vào thăm khu chuồng trại nhà Phòm. Trà đặc cắm tăm vừa xuôi đôi chén, ngồi trên chiếu gỗ kê giữa vườn, các cụ đã luận bàn: - bác Phòm có theo dõi tivi mấy bữa nay không? Chuyện Quốc hội bàn về 3 đặc khu với ý định cho thuê đất 99 năm ấy!???
Chuyện ấy có chủ trương từ cao xuống rồi mà!
Vưỡn biết thế. Nhưng thuê đất 99 năm thì… nguy hiểm lắm! Thế là lòng yêu nước, lòng lo xa, lòng căm thù giặc truyền kiếp… của các cụ như sóng dậy gió gào. Phòm ngẩn ngơ nghe, lại sẵn chuyện chưa trả được hợp đồng thuê đất nuôi bò, Phòm vặn lại:
Thì cấp xã cho thuê 9 năm. Nhà cháu đang lún vào đây! Cấp huyện cho thuê 19 năm, cấp tỉnh cho thuê 49 năm, cấp trung ương cho thuê 99 năm là tuyệt cú mèo, có gì phải bàn cãi hả các bác, các cụ!?
Ấy ấy… bác ơi, các nhà trí thức, các nhà văn, nhà báo… đang đồng thanh phản đối vì… sợ anh hàng xóm đểu giả, đầy lòng đen tối sẽ lợi dụng…
Ối các cụ cứ lo bò trắng răng. Gần anh hàng xóm thâm nho, bẩn bụng… thì ta có cách chứ! Chẳng chuyển được hắn đi, thì ta chuyển nhà mình đi. Các cụ chẳng biết đấy thôi, ở châu Nam cực , ở Châu Phi có nhiều nước cũng đã lập đặc khu , nghe đâu còn cho thuê đất 999 năm, ta đưa dân ta sang đó. Rồi đây dân Việt ta sẽ thành nhiều nước Việt ở khắp nơi trên thế giới.
Các cụ trầm ngâm rồi cùng òa lên: - Thế thì mất nước việt ở đây à bác Phòm?
Phòm khẳng khái: - Nước mình thì vẫn đấy, ai khuân đi đâu được! chỉ dân mình sang ở nơi khác thôi! Mà sống ở đâu, mình vẫn giữ lối sống của mình, vẫn giữ phong tục Người mình, thì làm sao mất nước được? À, mà nghe nói đây mới là thể nghiệm, chưa làm nhiều đâu. Đặc khu thì cùng lắm như khu trang trại nhà cháu đang thuê để phát triển kinh tế. Ở cấp cao thì mong đón Phượng Hoàng đến đẻ trứng Phượng Hoàng, còn nhà cháu thì nuôi Bò. Mong lắm sữa! Thế thôi!
Nghe Phòm nói xong, không hiểu sao lũ bò trong chuồng cùng giống lên ò ò… mấy tiếng đến là mát lòng!
QUY HOẠCH NGƯỜI CHẾT
Hôm nay Phòm bị các cụ “mời” ra họp!
Phòm vừa ngồi yên chỗ. Cụ Trưởng ban Mặt trận kiêm chủ tịch Cựu Chiến binh hỏi rát:
Bác Phòm cho chúng tôi hỏi khí không phải, lâu nay làng ta có ai đột tử không?
Không có ạ!
Có trâu toi bò ngã hay dịch gà dịch vịt gì không?
Cũng không ạ!
Mấy giọng các cụ cùng âu vào: - Vậy đang nhân khang vật thịnh thế, làng đang yên ổn thế, sao bác lại định quy hoạch rồi sửa chữa nghĩa trang của làng?
Phòm tròn mắt nhìn lần lượt các bậc cha chú, các bậc khả kính của làng, lòng bẫng hẫng nghĩ về những lời nói, việc làm vô tình đã quệt sước lên những tấm lòng chân thật! Phòm hắng giọng ba bốn lần rồi cất lời:
Thưa các cụ thưa các bác! Có lẽ cái thư gửi mọi nhà, xin ý kiến chưa nói hết ý! Số là, trong khi mấy nơi ầm ào chuyện xây nghĩa trang riêng cho cán bộ, xây nghĩa trang riêng cho nhân dân, thì làng ta có anh Tuốc Vộc, là doanh nhân trong quân đội, có nhã ý ra tâm nửa tỷ đồng để quy hoạch lại và tu sửa nghĩa trang làng!
Thế là bác có ý định quy hoạch theo ý họ chứ gì?
Dạ không! Cháu đã nói rõ trong thư và chỉ đề xuất là xây tường bao quanh nghĩa trang, để trâu bò khỏi phá, hai là lát đường phân chia khu “cát táng” và khu “hung táng” cho văn minh sạch sẽ thôi ạ!
Thế là không có khu chôn riêng cán bộ, khu chôn riêng chết trẻ, khu chôn riêng người ung thư… Tức là không có chuyện mả ngắn, mả dài chứ gì?
Vâng ạ! – Phòm trầm giọng- Khi sống dân làng mình đã quấn quýt bên nhau thì khi chết cũng gần gũi nhau chứ ạ!
Các cụ đều như thở phào: - Khờ khờ… có thế chứ, chúng tôi tưởng bác nghe theo lời người có tiền, bác phân loại người chết chúng tôi ra!!!
Chúng ta đã có nhiều bài học về phân loại, chia tách trong khi sống rồi các cụ ạ! Đó là gom tất các cháu tật nguyền vào một lớp, đó là đưa tất cả các cháu con thương binh, liệt sỹ vào một chi đội, đó là mời tất cả các cụ cô đơn quả phụ vào một nhà nuôi dưỡng… kết quả đã không như mong muốn rồi!!!
Đúng! đúng đấy! Cuộc họp quay ra bàn trà thuốc.
Cụ giáo về hưu: - Xuống dưới ấy mà cán bộ nằm bên nhau thì chỉ chăm chắm chuyện mua quan, bán chức, thêm rách việc!
Cụ Thủ từ: -Văn nghệ sỹ mà ở cùng nhau thì tranh luận tối ngày, biết khi nào chết thật cho!
Cô đun nước chen vào: - Dưới ấy mà để mấy con cave nằm bên nhau thì có mà… rách cả ruộng mía bên cạnh!
Con này! Nói quá!
Bỗng dưng Phòm cất cao giọng: - Cháu xin các cụ của làng cho quy hoạch riêng một chút ạ! Đó là khi cháu đi theo các cụ, xin cho cháu được chôn đứng ạ!
Chôn đứng là sao? Là dựng quan tài lên ấy à?
Có thể là thế! các cụ ạ, cháu nghĩ, đứng thế, đỡ phải nhìn lắm thứ trên đầu mình. Hai nữa, là để cho cháu tiếp tục làm chân chạy việc, được điếu đóm cho các cụ làng mình nữa chứ!
Ồ… bác Phòm lại văn nghệ văn gừng rồi!
Những cái cười móm mém cùng những ánh mắt hom hóm, tỏa lên một màu nâu sáng!
BÍ MẬT TÍ TY…
Phòm vừa về đến ngõ, vợ Phòm đang ngồi vặt rau muống, đã cao giọng hỏi: - Chó đâu?
Phòm có vẻ bực: - Chó nào?
Ơ cái ông này, sáng nay ông cầm 500 ngàn bảo sang nhà bà Sỏn bắt con chó con về mà!
Phòm đá giọng tiếp: - Tôi biết chuyện chó má gì đâu!
Vợ Phòm có vẻ bực: - Tôi còn dặn kỹ nhà ấy có 5 con chó con, có 2 con chó đực, một con “Thạch sùng bám ức, tứ túc mai hoa”, một con “ Cổ trắng, lưỡi đen , lồng đèn treo mắt” đều là tướng quý, bắt 1 trong hai con đều được! Ông bảo biết rồi, giờ lại bảo không biết là sao???
Phòm đến bên vợ, thì thầm vào tai thị: - Tôi hỏi bà, đây có phải là một vụ mua bán không? Trả lời: Có! - Tôi hỏi bà, Giờ có người đến trả 550 ngàn một con, bà ấy có bán không? - Trả lời: Chắc không! Vì mình đã dặn trước! - Thế có người trả 800 ngàn một con bà ấy có bán không? - Chắc không, vì mình là chỗ thân quen! Tôi hỏi, giờ có người trả 5 triệu đồng một con, bà ấy có bán không? - Thị lưỡng lự: - Chà… trả gấp 10 lần, thì có lẽ người ta sẽ từ chối mình…
Đấy đấy… Bà hãy nhớ trong buôn bán, tính chất bí mật là rất quan trọng! lộ bí mật là coi như đi tong! Tôi sang ngắm đàn chó rồi, nó mới ăn cơm được tuần nay, bắt về non quá, tôi giam 300 ngàn giữ phần đấy, đợi tuần nữa sang bắt là vừa…
Ông cũng khôn đáo để nhỉ!!!
Tôi ngẫm rồi, vào kinh tế thị trường này, dân ta vẫn ngu ngơ lắm, buôn bán vẫn ngờ nghệch lắm, cứ tô tô ra, cứ bô lô bô la… bị kẻ khác nó nắm thông tin, nó chèn ép giá, nó hớt tay trên là chẳng làm ăn gì được!
Thế ông bảo phải làm thế nao?
Phải học mấy cơ quan nhà nước ấy, họ đưa các thương vụ mua bán vào danh mục Bí mật quốc gia, ví như mua bán kênh truyền hình này, bán mua nhà công sở này, bán mua dầu khí này, bán mua khoáng sản nữa … đều vậy, nếu lộ ra thì đi tong! Cả bán mua đất trong quy hoạch nữa, cái vụ đất ở Thủ Thiêm, Sài Gòn ấy đều phải trong vòng bí mật! bà tưởng người ta bảo mất bản đồ quy hoạch là thật à, đó đều là bí mật quốc gia đấy!!!
Bí mật quốc gia là gì hả ông?
Là bí mật giữa nhà nước với nhà doanh nghiệp! Nhà nước là Quốc, Nhà doanh nghiệp là Gia, thế mới có tên là bí mật Quốc Gia! Còn bí mật giữa các nhà doanh nghiệp với nhau gọi là Bí mật Gia- Gia, Giữa các nhà dân với nhau gọi là Bí mật Dân- Dân! Tôi với bà cũng có bí mật gọi là…
Ông chỉ được cái tếu táo, đã 4 mặt con, còn gì là bí mật mà ông cứ…
Này nhé, tôi nằm bên bà, khối chuyện xẩy ra, bà có dám nói với hàng xóm, nói với con cái không? Đấy không là bí mật à!!
Phải gió cái ông này!
Phòm cười hơ hớ: - Thế gọi là bí mật Tí Ty bà nhẻ!
Vợ Phòm đứng phắt dậy nói to: - Bí gì thì bí, tuần sau ông phải có con chó con về nhà đấy! Mà chỉ có 500 ngàn thôi đấy nhé!
Phòm nắm chặt tay, giơ ngón tay cái lên, khẳng khái: - Ô Kê! Bàn tay Phòm ửng đầy nắng ban trưa!
LÀNG PHÒM HỘI NHẬP
Làng Phòm đón bằng công nhận Nông thôn mới cấp Huyện. Tưng bừng mấy ngày liền. Các ngõ dựng rạp, kê sân khấu, vui văn nghệ thâu đêm!
Nhiều cô gái chàng trai lên hát, đánh phấn thoa son, bố mẹ ngồi dưới chẳng nhận ra con mình!!!
Tiếp cơm ban quản lý Nông thôn mới cấp huyện và xã vừa xong, tăm răng vẫn dắt ngang miệng, các cụ làng Phòm đã rôm rả: - Các bác ở cấp trên cho bà con tôi hiểu cái chủ trương thu thuế nhà ở, với cái mức 700 triệu trở lên thì phải thu là nghĩa làm sao?
Mấy ông xã đẩy lên bà huyện, bà huyện đùn đẩy ông xã. Nào là mới dự kiến, đề xuất, nào là đang định thí điểm vân vân… Suốt ruột! Phòm cất tiếng: - Thưa các cụ, thưa các anh các chị. Chủ trương thu thuế vào bất động sản, như đất đai, nhà cửa là hoàn toàn đúng ạ! Vì sao đúng? Nhà nước quản lý lãnh thổ gồm đất đai, biển rừng sông suối, không gian… Mà công dân ai dùng các thứ ấy phục vụ cuộc sống thì phải nộp thuế để nuôi bộ máy nhà nước. Thế gọi là nghĩa vụ.
Vâng, vâng, chúng tôi hiểu! Nhưng sao lại giá trị nhà 700 triệu trở lên thì thu?
Cái này lại càng đúng vì để điều tiết từ người giàu sang người nghèo các cụ ạ. Đấy là quyền lợi! Lo gì các cụ ơi! Như làng mình đây, làm nhà 400 triệu đã là oách sà lách lắm rồi… Mấy nhà tình thương cho gia đình khó khăn, chỉ cần 80 triệu mà bà con đã mừng rúm đít lại rồi kia kìa…
Nhưng dân tình xì sèo lắm các bác ạ! Chỉ khổ dân nghèo thành thị. Hai nữa thu thì thế, quản lý thế nào…
Các cụ ơi! Nghe các giáo sư nói trên đài. Trung bình các nước thu thuế 18 % thu nhập đầu người, nước mình thu thuế đạt 32% thu nhập đầu người, có thêm tý, gấp đôi các nước cũng có sao đâu. Dân mình vẫn sống ngon ơ đấy thôi!!!
Phòm nghỉ lấy hơi rồi cà kê tiếp. Các cụ có biết không ở nước Anh có thuế Cửa sổ, thuế đánh vào các tòa nhà có nhiều cửa sổ, tức là lấy ánh sáng và không khí nhiều của nhà nước. Đến khi dân nghèo thuê nhà không chịu được thuế, bịt hết cửa sổ lại; thế là ốm đau, dịch bệnh hoành hành, nhà nước mới bỏ sắc thuế đã tồn tại 150 năm đấy!
Ai cha… thuế gì mà kì lạ nhỉ?
Chưa hết, ở một nước châu Phi, dưới thời còn vua chúa, có sắc thuế đánh vào chuyện đi ỉa của dân! Lúc đầu thì cân người mà tính thuế, sau có người cãi tôi to con nhưng ăn ít, lại bị táo bón; thế là cán bộ thuế phải đi cân từng bãi, rồi tính thuế. Bất tiện quá, quy ra tính thuế theo chuồng xí. Chuồng xí nào to, đánh thuế cao. Càng ngày chuồng xí trong dân càng nhỏ lại… Rồi đến lúc họ chẳng dùng chuồng xí nữa, ỉa lung tung ra đồng, ra đường… Vua quan đi, cứt dính đầy quần, vua phải bỏ sắc thuế ấy sau hơn 15 năm thực hiện!
Chu cha… thế giới lắm chuyện quá bác nhỉ?
Mấy cán bộ huyện và xã đứng dậy nói vui: - Bác Phòm có chuyện nhộn phết, nhưng vừa cơm rượu xong bác lại cho nghe chuyện cứt đái … nghe ghê hết cả răng!
Hì hì… Sory các bạn, tính Phòm thế mất rồi!
Cả đoàn cắp cặp ra sân, lên xe. Lại còn khoát tay khen, làng xóm đẹp quá, sân đền đẹp quá, hàng cây quá đẹp! …
Phòm vội chắp tay: - Xin cám ơn các chị, các anh! Nhưng cũng xin đừng đề xuất lên trên lại thu thuế sân đẹp, cây đẹp như cỏ đẹp theo đầu trâu bò ở miền Trung thì dân em mất nhờ đấy ạ!!! Xin các anh các chị nhé!
Nhé!
TRỘM CHÓ, BỔ CỦI, ĐỐT LÒ
Mấy tháng sau tết, làng Phòm mất 3 con chó. Dân làng bực lắm, quyết tâm bố trí người theo dõi và truy lùng. Chập tối nay, tụi trai làng nghe tiếng ăng ẳng của chó bị ngạt hơi, vội chặn cổng làng. Chiếc xe máy đỏ vụt qua, gậy gộc lao tới, xe loạng choạng rồi chiếc bao tải và thằng người ngồi sau lăn quay ra giữa đường. Chiếc xe rồ ga chạy thoát. Thằng người ngã, bị bắt quả tang với tải chó trên tay.
Dân làng hô đánh, đánh, đánh chết nó đi! May sao Phòm ra kịp, hô to:
- Bà con bình tĩnh. Đánh người là phạm pháp. Lôi cổ nó vào sân đền kia! Dân làng nể Phòm. Dãn ra!
Phòm bảo mấy thanh niên đi báo công an xã, rồi cho tay trộm chó ngồi trên ghế giữa sân đền, không trói, không giam. Cu cậu sợ mất mật rồi, đâu dám chạy nữa, nhất là thấy mấy thanh niên lực lưỡng vẫn gác chân đứng bên cạnh.
Phòm hỏi: - Tụi bay từ đâu tới?
- Dạ. Cháu từ làng cầu Bẽn, giáp thủ đô ạ!
- Từ đó về đây gần 70 cây số. Sao đi ăn trộm mà đi xa thế?
- Dạ về vùng này mới có loại chó như người ta đặt ạ!
- Chó gì?
- Dạ, chó đực, giống quê, màu vàng ạ! Hu… hu… Bác ơi, họ đặt mua chỉ cái chân sau, bên phải của con chó đực thôi! Thế mới oái oăm! Mỗi tuần bọn cháu phải lùng mua, mua không được, chủ lò mổ lại bắt cháu với mấy thằng nữa đi săn ạ!
- Ra vậy! Mày được phân công làm những gì ở lò mổ?
- Cháu có 3 nhiệm vụ, săn chó quê, bổ củi đốt than, mang đùi chó đến nhà khách hàng, chế biến tại chỗ cho khách ạ!
- Khách là loại nào, mày kể tao nghe.
- Ôi bác ơi, toàn các ông cốp thôi, bụng phệ, mặt to, trán bóng. Mỗi tháng ăn 2 lần vào cuối tuần cuối tháng. Mà thích ăn chó câu trộm cơ, phải màu vàng cơ, chó dé cơ! Mà rượu thì toàn uống rượu tây bác nhé. Va-len-tham với gì gì ấy đọc méo cả mồm…
- Mày biết vì sao họ chỉ ăn chân sau bên phải của chó đực không?
- Hôm cháu nướng chả ngoài sân, thấy ông to béo nhất, nói trong bàn tiệc là: Khi đái, con chó đực rất có ý thức giữ cái chân sau bên phải, nó giang chân ấy lên cao rồi mới tè. Cho nên cái chân sau, bên phải của chó đực là vô cùng sạch sẽ và cao sang. Ăn nó, làm ăn sẽ tấn tới, làm quan sẽ thăng tiến vù vù… Cả bàn vỗ tay rầm rầm rồi hô rô rô vang phố bác ạ!
- Mày thấy thế có đúng không?
- Cháu thử rồi! Chẳng đúng! Tháng trước, cháu phải mang 20 cái chân sau, bên phải chó đực đến chỗ mọi hôm. Cháu đổi mẹ đi hai cái chân chó cái vào,để tối đó mấy thằng cháu xực thử mấy chân chó đực xem sao.
- Thế mày thấy thế nào?
- Thì hôm nay cháu đi săn bị dân làng bắt đây! Chả may tý nào. Ngẫm một lát nó như bừng tỉnh.- À… mà cháu may thật, may gặp bác trưởng thôn hô cấm đánh, chứ nếu không, cháu tan xương rồi!!!
Phòm gạt đi, chuyện ấy nói sau!Tao hỏi mấy ông bự kia có sao không?
- Cháu nghe đâu ông to nhất, béo nhất ấy, đầu tháng vừa rồi bị bắt vì tham ô hay lợi dụng nhiệm vụ gì đấy! Chắc bố này ăn phải cái chân chó cái cháu trộn vào bác nhỉ?
Phòm cười:- Tao biết thế đếch nào được. Thôi, công an xã đến rồi, mày uống cốc nước rồi lên xã mà kể chuyện bí mật chân sau chó giái nha!
Trăng cuối tháng khoằm như cái lưỡi hái đã lơ lửng trên dãy núi Ba Vì.
PHÒM HỌC LÁI XE
Vợ chồng cô gái nhớn đến gạ bố:
- Bố ơi! Chúng con đang định mua xe ô tô. Phòm cười:
- Tốt quá, thế chúng bay định mua xe tải hay xe du lịch?
- Chúng con định mua xe bán tải, vừa chở hàng họ, vừa đưa cả nhà đi chơi đều thuận lợi bố ạ!
- Hay đấy!- Phòm nheo mắt nhìn chàng rể chờ nói tiếp.
- Chúng con đang định bàn với bố chuyện đi học lấy bằng lái. Thằng con rể vươn vai, hắng giọng, lấy đà rồi tuôn ra một tràng:
- Con đi học là tất nhiên rồi, vì con là lao động chính; nhưng con muốn bố cùng đi học, thi lấy bằng luôn. Học cũng dễ mà bố, đến đứa học chưa hết cấp 1 mà bẻ lái như gì, huống hồ là bố, bố đã qua bộ đội, lại đã gần đỗ cấp 3, lái tốt! Phòm trợn mắt:
- Á à… Chúng bay định biến bố thành lái xe không công cho nhà chúng mày đấy hả???
Cả hai vợ chồng rối rít: - Ấy không, không… chúng con ai dám nghĩ thế! Chẳng qua là ở tuổi bố chỉ dăm bảy năm nữa là người ta không cho thi lái xe nữa. Giờ mình có bằng, sau cao tuổi mà nhà có xe, vẫn đổi bằng được bố ạ!
- Thế hả, thế thì đi! Sợ đếch bố con thằng nào!!!
Thế là Phòm cùng con rể nộp đơn, nộp lệ phí, theo học khóa 508 của Trường dạy lái của tỉnh. Thế rồi chương trình dày kín những buổi học lý thuyết, học thực địa… mọi việc Phòm và con rể đều tranh thủ nên bữa đực bữa cái đến trường. Được cái các thầy trẻ tuổi, rất nhiệt tình. Hôm nào chi bồi dưỡng thêm, các thầy dạy qua trưa, qua cả ngày nghỉ!!!
Nhưng ngồi học lý thuyết và học về luật thì Phòm học chẳng vào. Nó cứ u u, ang ang, như vịt nghe sấm.
Hôm sắp thi, một chú đầu trọc hỏi: - Bố làm được lý thuyết không? – Tao chịu!- Thế thì bố phải nộp lệ phí ngu thôi!- Lệ phí ngu là thế nào?- Một sập cụ ạ! Thầy sẽ làm cho. Không thì cụ trượt chổng vó! mà đỗ lý thuyết mới được thi lái!
Phòm hỏi con rể, con rể cười bảo, phải thế thôi bố ạ! Con nộp 1 triệu cho bố rồi!!!
Thi. Lý thuyết: qua. Thực hành: Phòm lái được 90/100 điểm. Tổng hợp, Phòm đỗ loại Giỏi!
Hôm nhận bằng, ký tá đàng hoàng, Phòm về đưa cho vợ, nói độc một câu: -Bà cất đi.
Nửa tháng sau, con rể đánh xe mới mua sang, hồ hởi: - Bố ơi, bố lái thử xe đi.
- Tao không lái!
- Ơ… xe nhà mình mà bố!
- Tao có bằng đâu mà lái?
Vợ Phòm lỏa xỏa chạy vào mở tủ, lấy bằng ra: - Bằng lái của ông đây mà! Ông lái, tôi ngồi bên xem có ổn không?
Phòm cáu: - Đã bảo không lái là không lái!
- Ối giời ơi, tiền cả đống đấy ông ạ! Của chúng nó, của tôi nộp vào, có được cái bằng lái là gần 20 triệu đấy. Ông không lái là sao?
- Bà muốn tôi ngồi tù à! Tôi có hiểu gì và có nhớ tý gì về luật giao thông đâu! Lái bừa đâm chết người thì làm sao?
- Thì ông cứ cầm tay lái cho vững, rồi ông cứ chạy ra đường, nhìn người ta chạy thế nào thì mình chạy thế!
Phòm hằm giọng: - Bà có biết không, 400 thằng thi cùng tôi thì 390 thằng như tôi! Nó cũng nộp lệ phí ngu! Thế thì tôi học nó ở chỗ nào? Thế mới có chuyện xe ưu tiên hú còi chạy vô lối, cô giáo không bằng lùi xe lấn bẹp học sinh, lái xe khách chạy ngược đường cao tốc… Thôi dẹp, dẹp… Tao đếch cần xe, đếch cần bằng. Tao đi bộ, tao vác hàng cho khỏe!
Nắng hôm nay vàng ệch đến khác thường!
PHÒM BỎ VỢ!
Vợ Phòm người Yên Bái. Chăm chỉ, thương chồng quý con đã có tiếng ở làng. Nhưng có cái tính hay ghen. Thị nói nhiều và hay nói; mà Phòm làm trưởng thôn thì cũng có lúc đi sớm về tối. Thị cứ nghiến ngả. Nhiều khi đau hết cả mề!
Hôm vừa rồi, thị bảo Phòm đưa thị lên phố huyện để làm đầu. Thì đi.
Hai vợ chồng đi từ ngang buổi sáng. Nắng đầu hè te tái trên bãi ngô ven sông. Hai vợ chồng đang rôm rả chuyện về làng về xóm, thì... tuýt tuýt... 2 tiếng còi rít lên- có chú cảnh sát giao thông thò đầu ra khỏi lùm cây, giơ gậy, ra dấu yêu cầu dừng xe, táp vào lề đường!
Vơ: - Lỗi gì ông nhể?
- Chắc là bà không đội mũ bảo hiểm! Mà tôi quên mẹ nó bằng lái ở nhà rồi!
- Khổ chửa! Tôi bảo để tôi đội mũ thì ông cứ bảo mũ cũ rách, đội làm gi! Giờ thì làm sao bây giờ?
- Thì bà cứ vào lề đường đi!
Một trung sỹ cảnh sát bước ra, giơ tay chào và nói:- Cô chú tắt máy xe rồi cho kiểm tra giấy tờ ạ!
Phòm vẫn ngồi trên xe, xe vẫn nổ máy, quay sang hỏi: - Chú vi phạm lỗi gì hả đồng chí trung úy!!!
- À... cô không đội mũ bảo hiểm ạ!
- Ồ, tưởng gì, chuyện là thế này... Phòm bỗng cao giọng- Chú đang đi trên đường, gặp cô này lếch thếch xách làn, đeo túi, thấy tội quá, chú cho đi nhờ ấy mà! Đi nhờ thì làm sao có mũ bảo hiểm???
- Thế thì... Hai chiến sỹ cảnh sát chưa kịp nói gì, Phòm rú ga và quay lại nói với vợ:- Thôi cô chịu khó đi bộ nhé. Tôi đi trước đây!
Vù... Phòm cua một đường cong rất điệu ra mặt quốc lộ và phắn!
Vợ Phòm nhổm dậy, ơ, ơ... định nói thi chỉ còn làn khói xanh xộc vào mũi!
Công an: - Thế cô đi nhờ chú từ chỗ nào ạ?
- Nhờ gì! Lão chồng tôi đấy chứ! 6 cặp mắt tròn o dưới mũ kêpi:
- Thế thì chú bỏ cô lại đây à?
- Bỏ thế nào được tôi!- Câu hỏi như động vào huyệt húy của thị, thị gằn giong lên: - Bỏ được nái sề này á, còn lâu nhá! Tôi cứ khóa béng cái ví tiền vào thì có giời mà đi nhăng nhả. Gái bây giơ á, nó sờ ngay vào mông anh xem ví có căng không, nó mới theo... còn không thì... nó đái vãi vào!!!
- Ối ối... thôi thôi cô ơi! Chuyện gia đình về nhà nói, giờ cô phải nộp phat cho chúng cháu thôi!
- Phạt à... vợ Phòm vỗ vỗ khắp các túi, lật đáy làn rồi nói tỉnh bơ: - Cô có cầm đồng nào đâu, lão chồng cô cầm tất mà!
- Thôi chết chúng cháu rồi! camera quay hết việc chúng cháu bắt xe của cô chú, chiều về chỉ huy hỏi thì chúng cháu biết nói sao!
- Sao chỉ huy lại hỏi kỹ thế cơ à?
- Vâng ạ! Chúng cháu phải nộp tiền khoán phạt hằng ngày đấy ạ, Cũng như cô nhận ruộng khoán ấy!
- Thế cơ á?
Một chiến sỹ nhanh nhảu: - Chúng cháu còn đỡ! Tụi phụ trách khu vực còn khổ hơn cô ạ, chúng nó phải nhận khoán mỗi năm khu phố có bao nhiêu con nghiện, mỗi năm bao nhiêu người đi tù..!!!.
-Eo ôi! Tôi cứ tưởng làm cảnh sát thì nhàn nhã, thay phiên nhau ra trực, còn ở nhà vui đánh tá lả, đánh phỏm, hay vào mạng chơi ghêm ăn tiền ảo chứ!
- Ôi, cô nói chuyện đánh bạc qua mạng tiền ngàn tỷ mà cứ như chuyện đùa!
- Thì thằng con trai tôi, tối nào nó chẳng thức đến 3 giờ sáng để chơi. Có hôm nó bảo" Thắng rồi, thắng 30 triệu rồi!" Tôi bảo cho mẹ mấy đồng, nó bảo tiền ảo đấy !
- Ôi... ôi cô ơi, chuyện ấy chúng cháu cấp bé, lại dốt chẳng dám bàn, toàn những người siêu giỏi mới chơi được thôi!
- Thế mà lão Phòm nhà tôi lại bảo: Cảnh sát người ta phải trà trộn, phải học làm tội phạm, giả phạm tội như chính tội phạm thì mới bắt được chúng nó. Rõ là chẳng biết gì!
- Ồ,,, cô ơi, thế chú nhà là chú Phòm trưởng thôn ở Tân Tàng đấy à? Vừa rồi chú đội mũ bảo hiểm nên không nhận ra!
- Chính lão đấy!
- Thôi, cô đi bộ dần vào phố huyện đi kẻo trưa rồi, chúng cháu nhắc nhở cô chú thôi! Không phạt nữa!
Đúng lúc ấy, có tiếng còi pim pim... rồi Phòm quay đầu xe chạt vào vệ đường, sát ngay nách vợ: - Mình đội mũ vào rồi lên xe đi! Xin chào các sỹ quan Công an vì dân, tớ đi mua mũ mới cho vợ tớ về rồi. Tạm biệt nhé! bai bai...
Hai vợ chồng Phòm thênh thênh như đôi trai gái son trẻ, vù vù lên phố huyện!
LaHAN
Top of Form