Cầm Sơn
XUẤT BẢN, PHÁT HÀNH SÁCH – CẦU NỐI TÁC GIẢ VÀ BẠN ĐỌC
Xuất bản, phát hành sách và bạn đọc đón nhận sách tại Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến đáng chú ý, cả tích cực lẫn tiêu cực. Xin bày tỏ những suy nghĩ sau đây:
+ Thực trạng văn hóa đọc ở nước ta
Công nghệ số giúp người đọc tiếp cận sách qua nhiều hình thức khác nhau như sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook), và thư viện trực tuyến. Các nền tảng như Waka, Fonos, và Vinabook ngày càng phổ biến. Xu hướng đọc sách gia tăng trong giới trẻ, kể cả các cháu thiếu nhi. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội và giải trí trực tuyến, vẫn có một bộ phận giới trẻ quan tâm đến sách, đặc biệt là sách kỹ năng, khởi nghiệp, và phát triển bản thân. Một số trào lưu như "đọc sách mỗi ngày", "review sách" trên TikTok và YouTube cũng góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Nhưng những xu hướng này đã làm hạn chế việc in ấn, phát hành sách bằng văn bản giấy.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trung bình mỗi người Việt Nam đọc chưa đến 1 quyển sách mỗi năm (không tính sách giáo khoa), thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Thói quen đọc sách chưa phổ biến trong gia đình và trường học. Nhiều học sinh chỉ đọc sách giáo khoa, chưa hình thành thói quen đọc sách ngoài giờ học. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng chú trọng tạo điều kiện và không gian đọc sách cho con cái.
+ Sự lấn át của mạng xã hội và giải trí trực tuyến
Phim truyền hình, Facebook, TikTok, YouTube với nội dung ngắn, giải trí nhanh khiến việc đọc sách – một hoạt động đòi hỏi sự tập trung – trở nên kém hấp dẫn hơn. Các tiện ích ấy đã lấn át thời gian của nhiều việc khác, không chỉ ở giới trẻ và các cháu thiếu nhi suốt ngày cắm mặt vào điện thoại để chít chát, chơi game mà ngay cả người lớn tuổi cũng có nhiều người như vậy. Trong đời sống xã hội đã có những cháu chơi game suốt ngày đêm từ ngày này qua ngày khác quên ăn, quên ngủ đến nỗi tụt đường huyết phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tình hình này phổ biến, không chỉ ở ta mà các nước trên thế giới cũng vậy. Trung Quốc đã phải ra quy định trẻ dưới 18 tuổi chỉ được chơi game 1 giờ đồng hồ từ 20h đến 21h vào những ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật và những ngày nghỉ lễ tết. Còn ở nước ta, cuối năm 2024 đã ban hành Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, theo đó, kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2024, trẻ em dưới 18 tuổi không được chơi game quá 60 phút mỗi trò chơi và không quá 3 game mỗi ngày. Tuy nhiên, để nghị định đi vào thực tế cuộc sống xã hội thì cũng còn xa lắm. 
+ Chất lượng sách tung ra xã hội chưa đồng đều, số có chất lượng kém còn quá nhiều.
Thị trường sách phát triển nhanh nhưng không phải tất cả các đầu sách đều có chất lượng tốt. Ngày nay, ai cũng có thể in sách, cứ có tiền là in được sách bất kể chất lượng cuốn sách ấy hay, dở thế nào. Đối với sách văn học thì đa phần những nhà văn thành danh sau khi sáng tác đều để đấy chờ có nguồn kinh phí tài trợ mới đem in chứ rất ít người tự bỏ tiền túi ra để phát hành. Bởi trừ một vài trường hợp đặc biệt bán được sách ra còn lại thì sách văn học rất khó tiêu thụ, khó có người mua nên nhà văn bỏ tiền ra in sách thì cũng khó có cơ hội thu lại được tiền chứ đừng nói đến việc sống được nhờ vào việc sáng tác và in sách. Đối tượng in sách chủ yếu là những tác giả văn chương làng nhàng viết được mươi bài thơ, dăm câu chuyện thì tự bỏ tiền in để khoe, tặng bạn bè người thân là chính còn người được tặng thì mặt ngoài vui vẻ nhận và chúc mừng chứ thực ra thì mang về quẳng cuốn sách ấy vào xó nào đó rồi quên luôn không đọc. Thế mới có câu vè vui:
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ.
Một số Nhà xuất bản ngoài việc kiểm duyệt nội dung không vi phạm gì thì cấp giấy phép xuất bản chứ gần như không chú ý gì đến việc biên tập, lỗi chính tả, đặc biệt là lỗi chính tả cơ học còn nhan nhản trong sách làm cho người đọc rất tức mắt. Thực chất việc cấp giấy phép xuất bản kiểu này chỉ là để thu tiền phí xuất bản hay nói một cách khác là “Bán giấy phép xuất bản lấy tiền”.
Đối với dòng sách nước ngoài, một số sách dịch sai lệch, nội dung kém hấp dẫn, hoặc chạy theo xu hướng mà không mang lại giá trị thực sự.
+ Thực trạng thị trường sách Văn học
Thị trường in ấn và phát hành sách văn học tại Việt Nam hiện nay đang trải qua nhiều biến động đáng chú ý. Đặc biệt là sự thu hẹp của thị trường sách văn học trong nước.
Theo nhận định từ các đơn vị xuất bản, thị trường sách văn học đang dần thu hẹp, nhường chỗ cho dòng sách phi hư cấu. Tại nhiều hiệu sách, các tác phẩm văn học ít xuất hiện ở vị trí nổi bật, thay vào đó là sự chiếm lĩnh của sách phi hư cấu và khoa học thường thức. Đặc biệt, mảng văn học của các tác giả trẻ trong nước trở nên trầm lắng, với nhiều tác phẩm không đạt được mốc 2.000 bản in (Theo Baomoi.com)
Thống kê về xuất bản sách văn học: Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong giai đoạn 2019-2021, đã có hơn 100.000 đầu sách được xuất bản, trong đó sách văn học chiếm hơn 11%, tương đương hơn 11.000 đầu sách. Trong số này, sách văn học kinh điển tái bản chiếm khoảng 50%, tác phẩm văn học nước ngoài dịch và xuất bản lần đầu chiếm khoảng 25%, còn lại là các tác phẩm văn học Việt Nam mới, chỉ khoảng 1.000 đầu sách mỗi năm.
+ Xu hướng tự xuất bản sách văn học
Ngày nay, việc tự in sách cho mình là phổ biến. Các tác giả sau khi có bản thảo gửi nhờ một đơn vị liên kết xuất bản, đơn vị liên kết xuất bản này sẽ làm mọi việc như dàn trang, vẽ bìa, in bản bông đưa đến Nhà Xuất bản xin giấy phép rồi chuyển cho nhà in in ấn, việc phát hành sau khi nộp lưu chiểu cho Nhà xuất bản thì tác giả tự phát hành, như đã trình bày ở trên việc phát hành chủ yếu là biếu, tặng, cho chứ ít có sách được trưng bày bán ở các nhà sách. Cơ chế thoáng, thoải mái, ai cũng có thể in được sách nhưng chính vì thế mà nó đã làm cho thị trường sách trở nên rối mù. Những sách dở thì bán không ai mua, những sách hay thì nhiều khi bị in nhái, phát hành lậu. Các đơn vị liên kết thậm chí là các cá nhân liên kết xuất bản mọc ra nhiều như nấm. Có nơi tính phí in ấn với giá phải chăng, có nơi in với giá trên trời bắt chẹt người in.
+ Những việc làm đáng mừng
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, ngành xuất bản Việt Nam đã đạt được một số thành công trong việc đưa sách của tác giả Việt Nam ra thế giới. Nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài, cho thấy tiềm năng và triển vọng của sách Việt trên thị trường quốc tế.
Nhiều nhà in đã chủ động tiếp cận với tác giả, làm bà đỡ cho các tác phẩm văn học ra đời, bắt đầu từ lúc mới có bản thảo. Nhà in đảm nhiệm tất cả việc biên tập, dàn trang, vẽ bìa, xin giấy phép xuất bản đến tận khi in ấn hoàn thành trả sách về tận nhà cho tác giả với giá cả phù hợp, thậm chí tác giả còn được hỗ trợ chi phí trong khuôn khổ nhà in có thể gánh vác.
Các hội sách và chương trình khuyến đọc như Hội sách tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng thu hút hàng nghìn người tham gia. Các dự án như "Ngày Sách Việt Nam", "Đọc sách cùng con", "Sách hóa nông thôn" cũng góp phần nâng cao thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Mấy năm gần đây, hoạt động của ngày hội sách và Văn hóa đọc 21 tháng 4 hàng năm, một sự kiện quan trọng nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sách và việc đọc sách trong đời sống. Các nhà xuất bản, thư viện và đơn vị phát hành sách tổ chức trưng bày, giới thiệu nhiều đầu sách hay, sách mới nhằm thu hút độc giả. Hội chợ sách, giảm giá sách: Nhiều hiệu sách, nhà xuất bản có chương trình ưu đãi, giảm giá sách để khuyến khích mua sách, đọc sách. Tọa đàm, giao lưu với tác giả: Độc giả có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn, nhà nghiên cứu về sách và thói quen đọc. Thi kể chuyện theo sách, viết cảm nhận về sách: Các hoạt động này thường dành cho học sinh, sinh viên để khuyến khích các em đọc sách và rèn luyện kỹ năng diễn đạt. Phát động phong trào đọc sách trong trường học, cơ quan: Nhiều trường học và tổ chức kêu gọi học sinh, nhân viên dành thời gian đọc sách, tổ chức các hoạt động thảo luận sách. Tặng sách cho cộng đồng: Các chương trình quyên góp, tặng sách cho học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa giúp lan tỏa văn hóa đọc đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ngày hội đọc sách và Văn hóa đọc có tầm vô cùng quan trọng đến đời sống văn học của nước nhà. Nó làm nâng cao nhận thức về vai trò của sách trong việc phát triển trí tuệ và nhân cách; Thúc đẩy thói quen đọc sách trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ; Tạo cầu nối giữa tác giả và độc giả, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển ngành xuất bản; Lan tỏa văn hóa đọc đến mọi miền đất nước, bao gồm cả những khu vực khó khăn. Nhờ các hoạt động này, văn hóa đọc ở Việt Nam ngày càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn.
+ Một số ý kiến đề xuất
Phải hiểu đây là việc làm của Nhà nước và toàn dân mà Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cùng các cấp chính quyền, các Hội đoàn về Văn hóa, Nghệ thuật phải sắn tay vào cuộc gồm những việc làm cụ thể sau:
- Khuyến khích đọc sách từ nhỏ, tạo thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường và xã hội.
- Mở rộng các chương trình khuyến đọc, xây dựng thêm thư viện miễn phí tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa bằng nguồn vốn Ngân sách cấp kết hợp với nguồn tiền từ các chương trình xã hội hóa.
- Kiểm soát chất lượng sách xuất bản, bắt đầu từ các Nhà Xuất bản, kiên quyết không cấp phép cho những tác phẩm quá kém về chất lượng, bỏ lề thói làm việc theo kiểu “Bán giấy phép lấy tiền”
- Ngân sách Nhà nước thông qua Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch bố trí kinh phí cụ thể cho việc quảng bá các đầu sách có giá trị thực sự.
- Hạn chế nguồn Ngân sách để mở những trại viết theo lối phân bổ bình quân để dùng kinh phí tập trung cho việc mở trại viết đầu tư chiều sâu cho các tác giả có khả năng tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao.
- Đặc biệt chú ý khuyến khích và có cơ chế về chính sách tài chính tạo điều kiện tốt nhất cho các Nhà sách hoạt động (Luật thuế GTGT ban hành năm 2024 có hiệu lực từ 01/7/2025 quy định phát hành sách chịu thuế giá trị gia tăng 5% không kể các loại sách được miễn thuế quy định tại khoản 15 điều 5 gồm: Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin, đặc san, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật, sách phục vụ thông tin đối ngoại, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền… Đề nghị đưa thêm sách văn học cũng được nằm trong danh mục sách thuộc khoản 15 điều 5 là được miễn thuế GTGT). Nhà sách là cầu nối giữa tác giả sáng tác với Nhà xuất bản, Nhà in và công tác phát hành sách đến công chúng bạn đọc với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất. Tự thân các Nhà sách sẽ phải chọn lựa tác giả, chọn lựa chất lượng tác phẩm để tung ra phát hành. Có thể ví các Nhà sách như là một hệ thống logistics chuyển tải kết nối sản phẩm từ tác giả đến bạn đọc.
Kết luận: văn hóa đọc ở Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng vẫn cần sự chung tay của toàn xã hội để khuyến khích thói quen đọc sách và xây dựng một cộng đồng yêu sách mạnh mẽ hơn.
Thị trường in và phát hành sách văn học tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra những cơ hội mới. Sự chuyển dịch trong thị hiếu độc giả, xu hướng tự xuất bản và nỗ lực quốc tế hóa sách Việt là những yếu tố quan trọng định hình bức tranh toàn cảnh của ngành xuất bản văn học nước nhà hiện nay.
C.S