Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

YÊN TỬ

 Phan Anh
 
DU XUÂN YÊN TỬ KÝ

Bâng khuâng nỗi niềm về một thời vàng son
 
Khởi hành từ Hà Nội, chúng tôi vào cao tốc Hà Nội – Bắc Ninh rồi rẽ sang quốc Lộ 18 đi qua Quế Võ đến thành phố Chí Linh rồi chuyển hướng đi Đông Triều và dừng chân tại Legacy Yên Tử - MGallery nằm trên đất Thượng Yên Công dưới chân núi Yên Tử, thuộc thành phố Uống Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trước khi đến khu resort năm sao nổi tiếng với kiến trúc tựa như hoàng cung và cách bài trí cảnh quan vô cùng độc đáo ở nơi chân núi thiêng để nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày hôm sau hành hương lên cõi phật ở đỉnh Bạch Vân trên dãy núi Yên Tử chúng tôi có vào dâng hương tại đền An Sinh (trước đây gọi là điện An Sinh) ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Theo sử sách còn ghi thì vùng đất Đông Triều mà trung tâm là thôn Trại Lốc xã An Sinh được xem là quê hương đầu tiên của nhà Trần. Sách “Đông Triều huyện phong thổ ký” có chép lại rằng: Tổ tiên nhà Trần cư ngụ ở xã An Sinh, nhiều người làm nghề chài lưới sau này mới chuyển xuống Tức Mặc (Nam Định) cho nên các vị đế vương của triều Trần đều đưa về an táng ở An Sinh. Chẳng vậy mà thủa xưa triều đình đã xếp đất này là thang mộc của An Sinh Vương Trần Liễu. Và người dân An Sinh được coi là “dân hộ nhi”. Hàng năm nhà nước miễn trừ mọi khoản thuế khóa, phu phen để dân An Sinh được chuyên tâm chăm sóc, thờ phụng các tiên đế nhà Trần ở các nơi đền, đình, lăng tẩm trong vùng.
          Đền An Sinh hiện nay được làm trên nền của điện An Sinh ngày xưa. Trước kia trên khu đất này có một ngôi đền cổ, được làm từ năm 1381 nhưng trải qua thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử đền đã bị hư hỏng và sau nhiều đời trùng tu nhưng rồi cũng trở thành phế tích. Nghe kể trong khuôn viên của điện xưa có thời từng được sử dụng để làm trại giam, trường trung cấp sư phạm, trường dạy học sinh miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Và có lúc lăng mộ các vua Trần cũng từng bất an vì bọn “mả tặc” tham lam đào bới để trộm cắt cổ vật và đồ tùy táng. Ngôi đền hiện nay được làm mới vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX. Khuôn viên đền bây giờ nằm trên một thế đất cao, rộng khoảng tám mươi ngàn mét vuông. Đền được thiết kế theo cấu trúc hình chữ Công gồm: bái đường, trung đường, hậu cung. Ban đầu đền thờ ngũ vị Hoàng đế là: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và An Sinh vương Trần Liễu. Đến thời Lê và thời Nguyễn, đền An Sinh thờ thêm các vị vua Trần nữa là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Giản Định. Hiện nay trong tòa hậu cung thờ tám vị vua Trần, tòa trung đường thờ Trần Quốc Tuấn cùng phụ mẫu và thân mẫu của ngài là An Sinh vương Trần Liễu và Thiện đạo Quốc mẫu. Đồng thời cũng trong khuôn viên đền An Sinh bây giờ còn trưng bày rất nhiều hiện vật khảo cổ học từng được khai quật ở đây là những di vật kiến trúc thời Trần, Lê, Nguyễn. Những di vật hiển hiện ấy giờ đây là minh chứng sống động cho sự tồn tại huy hoàng của quý tộc nhà Trần đã từng sinh sống và lập hành dinh vương phủ trên mảnh đất linh thiêng Đông Triều.
Đứng trong khuôn viên đền An Sinh, ngắm nhìn các di vật của người xưa với những nền móng lâu đài, gạch ngói, tảng kê chân cột, chậu gốm hoa nâu, tượng chim phượng, tượng đá, bia đá, bát, đĩa … người ta không khỏi choáng ngợp về sự tinh xảo của những đường nét hoa văn và liên tưởng đến sự hoành tráng của hệ thống nhà cửa, phòng ốc khi xưa. Hẳn lúc đương thời, khoảng gần bảy trăm năm trước, cùng với hương Tức Mặc, các đền đài vương phủ trên vùng đất An Sinh ở Đông Triều này phải rất lộng lẫy, tráng lệ bởi những dinh thự liên hoàn trong vai trò của một hành cung cố hương Trần triều. Có lẽ với quan niệm “bố không thờ ở nhà con thứ, quân tử không thờ ở nhà thần bộc, nhà vua không thờ ở nhà chư hầu” của tư tưởng Nho gia mà đương kim hoàng thượng nhà Trần đã ủy thác cho Trần Liễu với tư cách là dòng trưởng ở lại đất gốc của tổ tiên để chăm lo việc hương hỏa. Nếu như thế thì hàng năm nơi này vào những dịp giỗ chạp các tiên đế nhà Trần hẳn không ít lần triều đình phải về làm quốc lễ. Chỉ nghĩ vậy thôi chúng tôi không khỏi liên tưởng đến sự nhộn nhịp của cái không cái không khí “ngựa xe như nước áo quần như nêm” mà quan quân triều đình mũ áo theo giá về quê cùng Trần triều hành lễ. Cái liên tưởng ấy lại làm tôi nghĩ về cái tên đất Đông Triều. Trước thời Trần vùng đất Đông Triều bây giờ từng có tên gọi là Ngũ Yên: Yên Sinh (Đông Triều), Yên Dưỡng, Yên Bang (Uông Bí), Yên Hưng (Quảng Yên); Yên Phụ (Kinh Môn). Rồi đến năm 1237, Trần Cảnh lên ngôi vua lấy hiệu là Thái Tông đã cắt đất Ngũ Yên cấp cho Trần Liễu là anh trai của mình để làm đất thang mộc. Đến đời vua Trần Dụ Tông vùng đất thang mộc Ngũ Yên chính thức được đổi tên gọi mới là Đông Triều. Đông Triều với cái nghĩa là triều đình phía Đông. Nghe người ta kể lại rằng ở thời Trần nếu kinh đô Thăng Long và Thiên Trường (Nam Định) là hai trung tâm chính trị thì Đông Triều là một trung tâm văn hóa đặc sắc, nổi tiếng cả nước.
Dâng hương đền An Sinh tưởng nhớ các vua Trần, ngắm nhìn và ngẫm nghĩ giữa bốn bề không gian phảng phất trầm hương trong lòng không khỏi bâng khuâng về cái lẽ thịnh suy ở đời và luyến tiếc cho một thủa phồn hoa. Buồn thay phủ đệ qua bao đời Trần, Lê, Trịnh, Nguyễn được khói hương nghi ngút vậy mà trong một thoáng chốc lại rơi vào cảnh bị mưa gió phũ phàng, binh lửa tàn phá đến nỗi biến thành phế tích. May thay, giờ đây đền miếu của các tiên đế Trần triều cũng đã nhà nước và mọi người hưng công phục dựng trở lại và được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (năm 2013). Phải thế như thế chứ. Nó mới xứng tầm với những gì của đất và người nơi đây để con cháu muôn đời còn được biết đến và đi về.

1._den_an_sinh_khu_di_tich_lich_su_quoc_gia_dac_biet 

Theo bước chân Phật Hoàng lên đỉnh non thiêng.

 
          Non thiêng Yên Tử nổi tiếng là một danh sơn nằm trên cánh cung Đông Triều, vốn xuất phát từ hai dãy núi Nam Mẫu - Bình Liêu và những đồi đá phiến nằm giữa hai dãy núi ấy mà thành. Cánh cung này dài khoảng hai trăm bảy mươi cây số, ôm chọn vùng Đông Bắc Việt Nam, trải dài trên địa phận các tỉnh, thành Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng. Trên cánh cung ấy có núi Yên Tử giống như hình con voi nằm sừng sững trông ra biển được coi là miền đất phật và gắn liền với tên tuổi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh của Đại Việt, người anh hùng lỗi lạc của dân tộc mà tên tuổi đã từng lẫy lừng với hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược vào các năm 1285 và 1287, người cũng chính là Đệ nhất Sơ tổ đã có công hợp nhất các dòng thiền nhập ngoại từ Ấn Độ và Trung Quốc với dòng thiền Thảo Đường (có từ thời Lý) để khai sáng thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, mang màu sắc văn hóa của Việt Nam với tư tưởng nhập thế trên nền tảng từ bi - trí tuệ của phật pháp. Với sự xuất hiện của trường phái Trúc Lâm Yên Tử, kể từ đây phật giáo tại Việt Nam chính thức có một giáo hội thống nhất. Đương thời, với tư tưởng nhập thế ấy giáo hội phật giáo Việt Nam xuất hiện không chỉ là một hiện tượng độc đáo trên thế giới mà còn là một đóng góp to lớn cho sự phát triển phong phú của kho tàng văn hóa phật giáo nhân loại.

          Đứng từ xa nhìn về dãy núi Yên Tử người ta thấy một dải non thiêng giống như một con rồng lớn đang vươn mình về phí biển Đông. Con rồng ấy có đầu nhô cao nhất là đỉnh Bạch Vân (1068 mét) thân đang uốn lượn nhấp nhô là những ngọn núi cao thấp khác nhau trên dải núi kéo dài hình cánh cung theo chiều thoai thoải, thấp dần về phía Tây. Đó là các đỉnh núi: Phật Sơn (1000 mét); Ngọa Vân, Hồ Thiên (900 mét); Thanh Mai (800 mét), Quan Âm (780 mét), Huyền Đinh, Hình Nhân (700 mét); Lòng Thuyền (600 mét) cho đến Côn Sơn, Kiếp Bạc, Lục Đầu Giang (trên 200 mét) và ở phần đuôi là dãy núi Phượng Hoàng (khoảng 100 mét). Những đỉnh núi ấy là những khúc thân rồng lượn lên. Phần giữa hai đỉnh núi lõm xuống thấp hơn như chiếc yên ngựa, giống như khúc thân rồng lượn xuống dưới. Trên phần thân lượn xuống người ta rẽ lối mở những con đường nhỏ để đi lại nối hai sườn phía Bắc và phía Nam của dãy núi Yên Tử.

Xưa Yên Tử có tên là núi Voi (giống hình con voi) hay còn có tên gọi khác là Bạch Vân Sơn (quanh năm có mây trắng bao phủ). Đến thời Trần Nhân Tông thì đổi tên gọi mới là Yên Tử. Câu chuyện đổi tên ấy được truyền thuyết nơi đây kể lại rằng: Hồi còn nhỏ Trần Nhân Tông không muốn làm vua. Ông có ý nhường ngôi cho em và muốn lập em làm Đông cung Thái tử. Nhưng việc đó chưa thực hiện được, người phải chờ cho đến khi đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược. Bấy giờ đất nước đã yên bình, Trần Nhân Tông mới từ bỏ ngai vàng để quy y đầu phật. Đức vua đã chọn ngọn núi có tượng An Kỳ Sinh (đó là một tượng đá hình người dáng đứng ở gần đỉnh Yên Tử, truyền rằng thời Tần Thuỷ Hoàng, có đạo sĩ bên Trung Hoa tên là An Kỳ Sinh tìm đến đây để tu luyện và tìm thuốc trường sinh. Vị đạo sĩ này đã luyện thành công linh đan và đắc đạo hóa thành tượng đá đứng im giữa mây ngàn gió núi. Từ đấy núi có tên là An Tử Sơn) làm nơi tu luyện phật pháp. Bỗng một hôm, trời trong mây sáng, Trần Nhân Tông ngồi trên đỉnh An Tử Sơn và nhìn về phía phủ Kinh Môn, thấy một ngọn núi lấp lánh mây ngũ sắc. Đức vua hỏi đệ tử đó là núi nào. Đệ tử bảo rằng đó là núi Yên Phụ, nơi thờ Đức An Sinh Vương Trần Liễu. Nghe vậy, Trần Nhân Tông giật mình. Người liền hướng về phía núi An Phụ và quỳ xuống lạy năm vái và nói: Đức An Sinh là bậc tông tổ, ta là hạng cháu con. Người đặt tên núi ngài ngự là Yên Phụ. Vậy núi này ta gọi là Yên Tử (núi con, cháu) cho phải đạo. Đấy là truyện cũ về tên núi mà người xưa kể lại. Ta biết vậy!

          Hành trình từ chân núi lên đỉnh Bạch Vân nơi có chùa Đồng nổi tiếng linh thiêng là một trải nghiệm và thưởng thức về không gian văn hóa phật giáo của tiền nhân để lại, đồng thời cũng là một cách thức để kiểm tra sức khỏe và các tri giác của bản thân trong quá trình thưởng ngoạn non xanh nước biếc với muôn hình vạn dáng của địa hình tự nhiên từ gió núi mây ngàn đến cỏ cây hoa lá. Bây giờ lên đỉnh non thiêng có hai cách. Cách đi bộ lên núi và cách đi cáp treo kết hợp với đi bộ lên núi. Nếu đi bộ leo núi người hành hương phải đi mất khoảng 8 giờ đồng hồ với quãng đường dài hơn sáu cây số với hàng ngàn bậc đá cao thấp gồ ghề khác nhau. Nếu đi cáp treo kết hợp với đi bộ du khách phải mất hơn 4 giờ đồng hồ với hai chặng cáp treo. Chặng thứ nhất từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên, dài 1200 mét. Chặng thứ hai từ chùa Một Mái lên đến tượng An Kỳ Sinh, dài 900 mét. Ngoài đi qua hai ga cáp treo người lên chùa phải đi bộ leo núi khoảng 1200 mét. Mỗi cách lên chùa Đồng có một thú vị riêng. Đi bộ lên núi ta sẽ được ngắm cảnh núi non chùa chiền hùng vĩ nên thơ và hòa mình vào mây ngàn gió núi. Đi cáp treo sẽ đỡ mệt hơn nhưng trải nghiệm với cây cỏ hoa lá ít hơn nhưng bù lại ngồi trên cabin ta sẽ được phóng tầm mắt ra bốn phía để thu vào cảnh vật với muôn vẻ sắc màu của núi rừng Yên Tử.

          Bắt đầu hành trình lên đỉnh non thiêng, nơi đầu tiên chúng tôi đi qua là chùa Giải Oan với con suối Giải Oan chảy trước cửa chùa. Chùa Giải Oan đứng khiêm nhường trên độ cao ước chừng 50 mét, dưới tán rừng rợp lá. Xung quanh chùa có năm ngọn tháp, trong đó tháp mộ cao to nhất là của Trần Nhân Tông hai bên có mộ tháp của Pháp Loa và Huyền Quang. Đây là Tam tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tại sao chùa và suối có tên là Giải Oan? Tương truyền, câu chuyện được bắt nguồn từ việc đức vua Trần Nhân Tông quyết chi đi tu. Truyện kể rằng khi nhà vua đến Yên Tử để quy y đầu phật, vua Trần Anh Tông không muốn cha mình đi tu nên ngầm sai 100 cung phi lặn lội theo đến xin ở lại cùng nhà vua. Vua không đồng ý và khuyên mọi người trở về và cho đi lấy chồng. Các cung phi không nghe và để bày tỏ lòng trung với đức vua họ đã trẫm mình xuống suối Hồ Khê và một số người đã bị chết đuối. Để giải oan cho các linh hồn xấu số. Trần Nhân Tông đã dựng đàn tràng cúng lễ. Chỗ dựng đàn tràng ấy sau này vua phật cho làm chùa và đặt tên là chùa, tên suối là Giải Oan. Những cung phi được cứu thoát, vua cho lấy chồng và làm nhà, cấp ruộng ở dưới chân núi gần đó để ăn, ở, sinh sống. Làng đó giờ gọi là làng Nương, làng Mụ. Đời sau nhiều người đi qua con suối nghe được câu chuyện quyên sinh mà không khỏi cảm thương, ngậm ngùi. Trong số những tấm lòng cảm thương ấy người ta vẫn thường nhắc đến hai câu thơ của danh sỹ Nguyễn Thượng Hiền  người huyện Ứng Hòa (Hà Nội) sống vào nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX:
                              “Giải hết tấm lòng ngay với chúa
Oan theo dòng nước sạch cùng vua”

          Từ chùa Giải Oan, du khách men theo con đường sau chùa về hướng Tây qua am Lò Rèn rồi lên Hòn Ngọc vào con đường xếp đá quanh co theo sườn núi để đến vườn Tùng. Am Lò rèn tương truyền xưa kia là nơi các nhà sư rèn dao, rèn cuốc để lao động sản xuất, chăm nom vườn tược quanh chùa, trên núi. Còn vườn Tùng ở đây có ba loại chính là thanh tùng, thủy tùng, xích tùng. Trong đó nổi tiếng và giá trị nhất là xích tùng. Vườn tùng này tương truyền là do Trần Nhân Tông và các đệ tử của mình trồng. Tính thế thì những cụ tùng ở đây cũng có tuổi đời khoảng 700 năm. Vườn tùng ấy có những cây xích tùng to dễ đến hai người ôm, cao khoảng hơn 20 mét. Người ta kể gỗ xích tùng vân đỏ như son. Bộ dễ bám sâu vào đá núi, xoắn xuýt vào nhau như những mắt xích, trồi lên như những sống trâu, tạo thành những bậc thang trên đường lên núi. Đi dưới hàng tùng những hôm trời nóng người ta thấy sảng khoái vì được thưởng thức bầu không khí trong lành. Theo thống kê thì vườn tùng ở đây còn khoảng hơn 200 cây. Những cây tùng này hiện được đeo số, nhân giống, trồng bổ sung và chăm sóc bảo vệ nghiêm ngặt vì đó là của báu của núi rừng Yên Tử. Đối diện với đường tùng, ở phía bên trái là đường trúc. Cùng với cây tùng, Yên Tử còn nổi tiếng bởi cây trúc. “Trúc Lâm Yên Tử” có nghĩa là rừng trúc Yên Tử. Danh xưng ấy cho thấy cây trúc từ lâu đã để lại một ấn tượng trong lòng du khách thập phương. Trúc ở Yên Tử bạt ngàn. Trúc mọc tự nhiên trên núi và được trồng dọc hai bên đường đi lên đỉnh núi thiêng. Trúc ở Yên Tử có nhiều loại nhưng quý nhất phải kể đến loài trúc hóa rồng. Loại trúc này có đặc điểm chân ngắn; màu vàng đậm; đốt không đều, có chỗ mau chỗ thưa; chỗ mau gốc trồi lên trên mặt đất, uốn cong, bộ rễ xù lên rậm rạp, xoắn vào nhau như thể râu rồng. Dưới cái nhìn của nhà phật rừng trúc quần tụ đông đúc giống như sự quy tụ của các tín đồ phật tử. Còn trong mắt các nhà nho, cây trúc sống trong rừng, trên núi chịu được mọi nắng, mưa, giá rét; thân ngay thẳng nên tượng trưng cho người quân tử. Xưa kia, trúc mọc tự nhiên. Ở chốn thiền môn trên núi nó là một nguồn thực phẩm cho người xuất gia. Măng trúc ở Yên Tử là một thức rau thanh đạm, ăn rất ngon. Nó bùi và ngọt. Bởi thế đến Yên Tử hầu như ai cũng ăn măng trúc và không ít người còn mua mang về ăn, làm quà. Chẳng biết từ bao giờ loài măng ấy đã trở thành một thứ đặc sản mang thương hiệu riêng của đất phật giống như rau sắng của chùa Hương (Hà Nội). Nghe kể Phật Hoàng cũng là người đã trồng những khóm trúc hai bên lối đi. Vãn cảnh núi non Yên Tử, để ý ta sẽ nhận ra đường Tùng được làm song song với đường Trúc. Hai con đường này tạo thành hai lối đi. Phật tử và du khách có thể đi lên bên đường Tùng và trở về theo đường Trúc hoặc ngược lại tùy theo ý thích. Khi đi vào đường tùng hay đường trúc người ta sẽ ngộ ra những đức tính tốt đẹp mà hai loại cây này tượng trưng để chỉnh sửa tâm thân. Bất chợt ta gặp cơn gió thoảng ở rừng trúc hay giữa vườn tùng trong buổi hoàng hôn, lãng khách lại được vẳng nghe đâu đó ríu rít tiếng chim ca thì trong lòng không khỏi nhớ đến câu thơ của Huyền Quang thiền sư để thấy được sự gần gũi, giao hòa giữa con người và cảnh vật một thời ở nơi đây:
                                        “Trúc lâm đa túc điểu
                                        Quá bán bạn nhàn tăng”
                                        (Rừng trúc nhiều chim ngủ
                                        Quá nửa bạn nhà sư)
                                                  (Am ở núi Yên Tử)

          Từ am Lò Rèn, Hòn Ngọc ta đi tiếp lên độ cao khoảng 500 mét đến Tháp Tổ (còn gọi là Huệ Quang Kim Tháp). Tháp Tổ là cao khoảng 7 mét và nằm ở trung tâm của vườn tháp. Tháp Tổ lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Theo ghi chép thì Tháp Tổ do vua Trần Anh Tông và Đệ nhị Tổ Pháp Loa xây dựng vào năm 1309, sau khi Phật Hoàng nhập niết bàn, năm 1308. Kiến trúc của Tháp Tổ gồm có 6 tầng, xây trên nền tháp hình lục lăng, mỗi tầng tháp là một khối đá xanh vuông vức, càng lên cao càng thu nhỏ. Mặt ngoài các phiến đá chạm nổi hoa văn sóng nước hình núi. Bệ tháp hình đài sen, có 102 cánh mở rộng, ôm lấy thân tháp hình trụ tứ giác. Tầng thứ nhất của tháp cao to nhất, nhìn về hướng Nam, bên trong có đặt tượng Phật Hoàng tạc bằng đá trắng. Các tầng tháp được ngăn cách với nhau bằng các mái đá, bốn góc cong hình mũi hài. Đỉnh tháp là một búp sen. Pho tượng Trần Nhân Tông là một tác phẩm điêu khắc rất có giá trị, được công nhận là bảo vật quốc gia. Tượng cao khoảng 60 cm, tạc theo thế liên hoa tọa, hai tay để lên đùi như thể đang niệm chú; đầu không đội mũ, không tóc; mặt cân đối, mũi to, tai dài. Thâm tượng khoác áo cà sa, tà áo để hở ngực, nửa vai. Bên cạnh Tháp Tổ khu vườn tháp còn có khoảng gần 100 tháp khác với các kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Người ta bảo khu vườn tháp là nơi hội tụ linh khí của long mạch Yên Tử.  Phía sau Tháp Tổ có hai hồ nước giống như đôi mắt rồng. Đó là nơi tụ thủy, lưu giữ khí thiêng của sông núi. Giữa hai hàng tháp có một đường gạch hoa cúc thời Trần tượng trưng con đường giác đạo thể hiện sự tôn kính Phật Hoàng bởi người từng thượng đường giảng kinh ở chùa Hoa Yên.

          Phía sau khu vườn tháp, trên độ cao khoảng 10 mét so với nền tháp là chùa Hoa Yên. Từ vườn tháp đến chùa Hoa Yên là đoạn dốc thoai thoải dài khoảng hơn 100 mét, hai bên có rất nhiều cây đại cổ thụ với lớp vỏ sù sì, cành cong queo đứng chênh vênh bên những bức tường đá. Khi trước chùa có tên là Vân Yên, cũng có khi gọi là chùa Cả nhưng khi Lê Thánh Tông lên chơi thấy cỏ cây hoa lá tươi đẹp nên đổi tên thành chùa Hoa Yên. Chùa Hoa Yên là chùa đẹp nhất trong các chùa trên núi Yên Tử. Chùa được làm trên dải đất hình đài sen bao quanh sườn núi. Chùa hiện nay được trung tu một số lần qua các thời đại xong vẫn mang đậm nét phong cách kiến trúc nhà Nguyễn. Tuy nhiên vẫn giữ được nhiều dáng nét của phong cách Trần, Lê như thể hình rồng như con giun uốn khúc mềm mại trong khuôn lá đề ở bia đá trước cửa chùa; bức tượng tạc ba ni cô ngồi xếp bằng, tay vòng trước ngực, cổ đeo tràng hạt, mặt bầu bĩnh, tròn trịa, vẻ từ bi. Trong chùa có các pho tượng đúc bằng đồng, tượng to nhất là Trần Nhân Tông, để ở giữa bái đường. Phong cảnh chùa Hoa Yên từng mê hoặc biết bao thi sĩ cung đình đến những tao nhân mặc khách. Đương thời Nguyễn Trãi từng đến thăm chốn này và có để lại thơ rằng:
Trên non Yên Tử chòm cao nhất,
Trời mới canh năm đã sáng tinh.
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả,
Nói cười người ở giữa mây xanh.
Muôn hàng giáo ngọc tre gài cửa,
Bao dãi tua châu đá rủ mành.
Dấu cũ Nhân tôn còn vẫn đấy,
Trùng đồng thấy giữa áng quang minh”.
                                        (Đề chùa Hoa Yên ở núi Yên Tử, Đào Duy Anh dịch)

3._tuong_nguoi_da_an_ky_sinh_tren_nui_yen_tu

          Rời chùa Hoa Yên, đi theo con đường phía bên trái, chúng ta sẽ thấy một bên là sườn núi một bên là vực thẳm, phía bên dưới vực là rừng trúc bạt ngàn, xanh biếc, đêm ngày vi vu trong gió. Con đường ấy sẽ dẫn ta đến với am Ngọa Vân. Am này là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân tông. Ngọa Vân am nằm trên độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển với địa thế rất đẹp, lựng tựa vào núi, có hai dải núi ôm vòng hai bên, phía trước có ngọn núi nhỏ che mặt làm án, phía xa có sông Cầm và thung lũng xanh biếc. Đỉnh Ngọa Vân mây phủ quanh năm nên người ta mới gọi là Ngọa Vân am, tức là am trong mây. Am nằm yên lặng dưới những tán tùng nhìn ra thác Tử chảy bên sườn núi, tung bọt trắng xóa, đêm ngày gầm réo. Theo gió, hơi nước từ biển bay về phía núi, gặp khí lạnh hóa thành làn mây, bàng bạc như khói, bồng bềnh trên cành cây ngọn lá, len lỏi vào các ngóc ngách trong am. Mây núi xoắn quện, quấn quýt bên nhau tựa như một bức tranh thủy mặc làm nao lòng người. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ (tên hiệu của Phật hoàng) đã lên tu tại một am trên đỉnh Ngọa Vân và ngày 1 tháng 11 năm 1308 người cũng đã nhập niết bàn tại đây. Sau khi Phật hoàng viên tịch, các học trò của người đã xây dựng am Ngọa Vân cùng hệ thống chùa chiền để thờ cúng Người và thờ Phật, cũng như thực hiện các công việc hành đạo. Ngọa Vân am hiện nay là một hệ thống chùa tháp to lớn được kiến trúc thành 3 lớp trên núi Bảo Đài. Lớp đầu tiên là các di tích dưới chân núi: khu rừng Tàn Lọng, phủ Am Trà, Đô Kiệu, Thông Đàn, Đá Chồng, Ba Bậc… Các di tích này được kết nối với nhau bằng một con đường nhỏ uốn lượn chạy dần lên đỉnh núi. Lớp thứ hai, ở giữa là Ngọa Vân trung, có thiết kế hình chữ nhị, phía Nam của núi Bảo Đài. Đây là trung tâm của lễ hội xuân Ngọa Vân, được tổ chức từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Cuối cùng là Ngọa Vân thượng, nằm trên đỉnh núi huyền ảo quanh năm trong mây. Cảnh ở đây từng được người xưa truyền tụng: “Vạn cổ anh linh tự/ Tứ thời cảnh sắc tân” (Muôn thuở chùa linh ứng/Bốn mùa cảnh sắc tươi). Đây cũng là chỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông sống những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời tu hành. Theo truyền thuyết, Phật hoàng đã nhập cõi niết bàn trên một tảng đá lớn trong dáng nằm như sư tử tại chốn này. Trước Ngọa Vân thượng có một tháp cổ. Đó là Phật hoàng Tháp, nơi lưu giữ một phần xá lị của Phật hoàng.

          Phía đằng sau núi của am Ngoại Vân, nằm sâu trong vách núi là chùa Một Mái. Xưa, chùa có tên gọi là động Thanh Long. Tương truyền khi lên núi Yên Tử hành đạo, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã lập am Ly Trần (thoát cõi trần) tại đây để làm nơi đọc sách, soạn kinh. Sau khi ngài viên tịch, am Ly Trần được sửa lại và làm thành chùa Bồ Đà. Chùa này có kiến trúc rất độc đáo với một mái chùa là vòm động tự nhiên bằng đá, một mái chùa làm bằng gỗ lợp ngói nhô ra phía ngoài trời. Vì kiến trúc chùa như vậy mà người ta gọi là chùa Một Mái. Hiện chùa Một Mái là nơi duy nhất ở Yên Tử còn giữ được các đồ thờ, tượng thờ bằng đá trắng. Trong đó đáng chú ý nhất là bát hương có khắc chữ “Phật, Pháp, Tăng - tam bảo kim cương” và câu thần chú của Mật tông được khắc vào năm 1853: “Úm ma ni bát mê hồng” (tâm Bồ đề nở trong lòng người).

          Từ chùa Một Mái đi khoảng gần một cây số trên những bậc đá gập nghềnh với hai bên đường là những khóm trúc xanh biếc cùng muôn loại cây cỏ của núi rừng Yên Tử chúng ta sẽ đến được nơi đặt Bảo tượng Phật Hoàng và cũng là nơi có tượng đá hình người mặc áo chùng thâm, tay lần tràng hạt, nhìn về hướng Tây. Tượng hình nhân này gắn liền với truyền thuyết An Kỳ Sinh luyện đan trên núi nên người ta gọi ngọn núi này là núi An Kỳ Sinh. Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đặt trên đỉnh An Kỳ Sinh, trên độ cao gần khoảng hơn 900 mét so với mực nước biển. Pho tượng được hoàn thành vào đầu tháng 12 năm 2013 bởi các nghệ nhân đến từ làng Đại Bái (Bắc Ninh) và Ý Yên (Nam Định). Tượng Phật hoàng được đúc trực tiếp trên bệ bê tông theo công nghệ đúc nổi bằng kỹ thuật thủ công. Đây là pho tượng nguyên khối lớn nhất Việt Nam, nặng 138 tấn, cao 15 mét. Đức Phật được đúc trong tư thế đang ngồi trên tòa sen với phong thái ung dung thư thả, tay để trên đùi, khoác áo cà sa để hở một vai và nửa ngực. Tượng Phật hoàng được đặt trên khu đất thoáng và rộng, khoảng hơn 2000 mét vuông, phía trước mặt tượng có sân hành lễ rộng rãi để nhân dân khắp nơi về tri ân, chiêm bái. Phía bên dưới tượng Phật Hoàng, cách không xa là khối đá tự nhiên hình trụ, mọc rêu xanh, giống như người đang đứng. Người ta bảo đó đạo sỹ An Kỳ Sinh biến thành. Truyền thuyết có kể lại rằng: hàng ngàn năm trước, vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên,  có một đạo sỹ tên là An Kỳ Sinh người Trung Hoa đến Yên Tử để tu tiên và luyện đan. Một lần đi tìm thuốc trên núi Yên Tử vị đạo sỹ này đi ngang qua khu Hòn ngọc - Mắt rồng (khu vực Huệ Quang Kim Tháp) đã phát hiện ra trên triền núi cao trước mặt có thế đất giống hệt như mặt rồng với đủ cả trán, mắt, mũi, miệng. Rồi thấy từ miệng rồng phát ra thứ ánh sáng rất lạ. Với con mắt nhà nghề của người làm pháp thuật, ông biết đó là viên ngọc rồng do tinh khí của đất trời tạo nên. An Kỳ Sinh biết vậy và lặng lẽ lên núi. Vài ngày sau, đạo sỹ xuống núi, đến chỗ viên ngọc rồng để trấn yểm nhằm hại người Nam. Ông ta bỗng thấy một cảnh tượng khác thường đang diễn ra trước mắt. Vạt đất chuyển rung. Một gò đất mới được sinh ra - hòn ngọc trong miệng rồng đã nhả. Khí thiêng phun tỏa mịt mù… Vì quá kinh hoàng với cảnh tượng đó, An Kỳ Sinh vội vã chạy lên núi, nhưng chưa kịp lên tới đỉnh, ông ta đã chết đứng và hóa đá. Đá ấy chính là tượng hình nhân mà người đời gọi là tượng An kỳ Sinh. Tuy nhiên cũng có thuyết nói rằng: vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, ở phương Bắc có một đạo sĩ tên là An Kỳ Sinh đã đến Yên Tử tu pháp đạo Tiên. Ngài thường đi hái lượm cỏ cây, thảo dược, luyện đan sa, thần sa thành thuốc trường sinh và ban pháp dược chữa bệnh cứu người. Sau này người đời tỏ lòng tôn kính gọi ông là An Tử (nghĩa là thày An) và gọi núi thầy An ở là An Tử Sơn (nghĩa là núi thầy An). Sau này, để tránh gọi tên húy của Ngài, dân gian đổi tên gọi núi An Tử thành Yên Tử và dựng tượng Ngài để thờ cúng. Có lẽ để lý giải tường tận về nhân vật này của truyền thuyết vẫn còn là một điều bí ẩn.

          Đi qua tượng Phật Hoàng khoảng 650 mét chúng ta sẽ lên đến đỉnh núi Yên Tử, nơi có ngôi chùa được đúc bằng đồng lớn nhất châu Á. Người xưa có câu: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”. Cho nên đến Yên Tử mà chưa lên đến chùa Đồng bái phật thì cũng coi như chưa đến Yên Tử. Đường lên chùa Đồng quanh co qua những bãi đá khổng lồ dựng đứng dọc hai bên đường đi khiến người qua có cảm giác đang đi giữa những cổng trời để lên thượng giới. Chùa Đồng cũng là điểm đến nổi tiếng nhất trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử. Đây là đích đến của mọi tăng ni, phật tử và du khách thập phương khi hành hương về đất thiêng Yên Tử. Chùa Đồng có tên chữ là Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật). Chùa nằm trên đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, độ cao 1068 mét so với mực nước biển. Chùa từng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Đầu tháng 6 năm 2006, bằng sự công đức của khách thập phương, chùa được khởi lễ đúc bằng đồng bởi các nghệ nhân ở Ý Yên (Nam Định), thực hiện theo thiết kế của kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn, trên cơ sở lấy mẫu của chùa Dâu Keo (Bắc Ninh). Diện tích của chùa Đồng gần 20 mét vuông, nặng 70 tấn, dài 4,6 mét, rộng 3,6 mét, cao từ cột nền tới mái là 3,35 mét. Cùng với chùa còn có quả chuông và chiếc khánh nặng khoảng 250 cân. Chùa có bốn mái. Các mái có hình ngói mũi hài, trên bờ nóc bờ dải không trang trí, hai đầu bờ nóc và bốn đầu đao được trang trí hình đầu rồng theo phong cách thời Trần. Trong chùa có 4 pho tượng: 1 pho tượng phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm (Phật Hoàng, Pháp Loa, Huyền Quang). Các tượng tọa trên đài sen. Chiêm bái chùa Đồng trên đỉnh non thiêng ta được hòa mình vào trời xanh mênh mông; được phóng tầm mắt ra bốn phía bao la để thỏa sức ngắm nhìn đất trời cao rộng. Gặp khi quang trời, từ chùa Đồng ta có thể thu gọn cả vùng Đông Bắc vào trong tầm mắt. Phía Đông là vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long với những đảo đá nhấp nhô trên mặt biển xanh như những chuỗi ngọc nối dài. Phía Đông Nam là thành phố cảng Hải Phòng. Phía Tây và Tây Nam là vùng đồng bằng sông Bạch Đằng trù phú. Phía Bắc là những ngọn đồi xanh biếc cây lá bồng bềnh trong mây. Có người bảo rằng, Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên núi quy y đâu phải chỉ có một mục đích tu hành. Người lên đây để từ vọng gác tiền tiêu Yên Tử quan sát, giữ gìn, bảo vệ bờ cõi biên cương miền Đông Bắc. Nơi từng là cửa ngõ của đất nước mà bao lần kẻ thù qua đây để xâm phạm trời Nam. Trên đỉnh Yên Tử linh thiêng không chỉ có vẻ đẹp huyền ảo của mây trời, sắc núi mà còn có cả những bão táp mưa sa ngay cả khi dưới đất bằng lặng sóng. Những khi trời mưa, đỉnh núi Yên Tử gió hú ầm ầm, mạnh tựa như bão. Nhiều khi sương mù tựa như trời mưa, đất trời ẩm ướt. Bởi thế nhưng lúc tiết trời không thuận leo núi Yên Tử sẽ là một nỗi ám ảnh cho không ít người, nhất là với những người sức yếu.

          Đứng giữa đất trời khoáng đạt, hùng vĩ và huyền ảo của non thiêng đất phật Yên Tử, ta như thấy con người và mây núi hòa vào trong nhau giữa cái mênh mang của tạo hóa làm cho cõi lòng cũng trở nên nhẹ nhõm, yên an như thể giũ bỏ được bụi trần. Mọi mệt nhọc, ưu phiền cũng tan biến từ khi nào chẳng biết. Bất chợt trong cái trạng thái vô ưu ấy trong lòng lại thấy vọng lên khúc hát tựa như gió lùa rừng trúc, mây vờn non xanh của nhạc sĩ Phó Đức Phương mà cô ca sĩ Mỹ Linh thổn thức như thể nhập đồng: Mênh mang mênh mang Phù Vân Yên Tử/ Vi vu vi vu Trúc Lâm thiền tự … Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước/ Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài …
                                                                       
                                                                                                            P.A
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 162
Trong tuần: 848
Lượt truy cập: 451288
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.