Phan Chúc
NGƯỜI CỰU THANH NIÊN XUNG PHONG TÂM HỒNG, HỒN XANH NGÁT
Anh Ngô Thái từng là lãnh đạo một đơn vị TNXP thời chiến tranh chống Mỹ, giúp nước bạn Lào - đơn vị anh hùng. Suốt 10 năm ròng anh đã cùng đồng đội vượt mọi gian khổ hiểm nguy mở những con đường chiến lược bên nước bạn. Khi trở về nước, qua nhiều cương vị công tác, lúc nghỉ hưu anh lại đảm nhiệm Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Phú Thọ 10 năm liền. Ngoài công tác hội Ngô Thái còn đam mê thơ, bởi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã có năng khiếu nhưng mải làm nhiệm vụ mãi khi rảnh rỗi mới có dịp thực hiện đam mê của mình. Qua những chuyến lên rừng xuống biển gặp đồng đội cũ hoặc giao lưu với những bạn bè mới, năng khiếu thơ của anh ngày càng phát triển. Nhiều bài thơ lần lượt ra đời mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống của nhịp đời sôi động chung cũng như riêng.Sau bài thơ “Vớt trăng” xuất hiện trên báo Văn nghệ được bạn đọc đón nhận, anh có nhiều bài thơ khác mới lạ. Đặc biệt là chùm thơ viết về đề tài miền núi. Chùm thơ 3 bài lần lượt được in trên báo văn nghệ đó là: Gặp em (số 25 ra ngày 24/6/2017). Tiếp đó là: Ngày ấy (Văn nghệ số 32 ngày 12/8/2017) và bài Lễ hội ruộng bậc thang (Văn nghệ số 38 ra ngày 23/9/2017). Mỗi bài thơ của anh có một vẻ đẹp khác nhau cả cảnh vật và tình người.
Có lẽ nhờ những chuyến đi xuôi, ngược miền núi mà tâm hồn anh vốn nhạy cảm nhiệt tình mới có được những sáng tác này với tứ thơ lạ, ngôn ngữ trong sáng gợi nhiều cảm xúc làm ta thêm yêu thêm quý cảnh vật và con người miền núi.
Gặp em bên bờ suối. Giữa đại ngàn thông reo.
Gió nâng hương rừng ngát.
Ánh mắt ngời trong veo
Người em ấy là một sơn nữ đại diện cho dân tộc của mình
Tà áo chàm thấp thoáng. Nhòa dần trong chiều buông.
Tôi nhìn theo ngơ ngần.
Giữa núi ngàn xa xôi. Bồng bềnh trưa Tam Đảo.
Hồn theo mây chơi vơi.
Trước người đẹp, có tâm hồn xanh ngát, ai chẳng rung động mơ màng, ai chẳng mong mình được gần gũi và tỏ tình cảm mến yêu như lẽ thường tình với một người khác giới...
Còn 2 bài khác Ngày ấy và Lễ hội ruộng bậc thang thì cung bậc tình cảm, tình yêu đã chuyển nhịp khác với lần đầu bất chợt Gặp em. Vẻ đẹp và nét chân thực của miền núi hiện lên qua thơ anh thật đáng yêu:
Đi bên em qua suối.
Róc rách tiếng nước reo.
Hương hoa rừng ngào ngạt.
Làn nước mát trong veo
Người thơ đi bên người đẹp, bằng cảm quan tinh tế, anh vẽ lên những nét tranh có sắc có hương, có âm thanh nhịp điệu tươi sáng, hấp dẫn, lay động tâm hồn, làm ta say đắm, đam mê, hòa nhập với cảnh với người. “Nước reo róc rách nước mát trong veo và hương hoa ngào ngạt”. Những chữ anh dùng rất giản dị, trong sáng nhưng có sức gợi cảm, làm cho hình ảnh sinh động và hấp dẫn, làm cho lòng người xao xuyến mến yêu.
Cuốn hút người đọc hơn nữa là hình ảnh sơn nữ quá đẹp cả vẻ đẹp bên ngoài hiển hiện duyên dáng và vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong:
Giọt nắng vàng rơi nhẹ.
Qua kẽ lá vươn mềm.
Chập chờn như cánh bướm.
Trên mái tóc nhung huyền.
Những từ: Rơi nhẹ, vương mềm, chập chờn... ta không xa lạ, thật giản dị nhưng trong thơ lại hấp dẫn kỳ lạ vì tất cả hòa quyện vào nhau cùng hiện lên dưới nắng vàng như lụa mỏng, voan mềm, tôn lên cái mượt xanh của lá và nhung huyền của mái tóc sơn nữ. Người con gái đi trong rừng chiều vẫn ngời lên vẻ đẹp, dù tác giả không vẽ khuôn mặt, không vẽ chân dung nhưng ta vẫn nhận ra vẻ đẹp khi đọc những câu thơ này:
Hoa chuối rừng thắp lửa.
Mây như là khăn thêu.
Thấp thoáng hình sơn nữ.
Mộng mơ trong rừng chiều...
Cái tài của thi bút họ Ngô là ở chỗ anh tả cảnh để ngụ ý ngụ tình chứ không phải tả riêng vẻ bề ngoài. Đoạn thơ trên kia tác giả nói đến nắng vàng, giọt nắng rớt qua kẽ lá là quan sát rất gần để chiêm nghiệm vẻ đẹp. Còn ở đoạn kết thì thay giọt nắng vàng bằng hoa chuối rừng thắp lửa. Hình ảnh rất đậm màu sắc, mạnh mẽ đi liền với mây trời xanh thắm như khăn thêu mới tôn lên hình sơn nữ thấp thoáng trong rừng chiều với tâm hồn thơ mộng. Thiết nghĩ không phải bình phẩm gì thêm mà cứ để người đọc thơ dõi hình tưởng dáng ngắm bóng mà rung động trước cảnh và người và mơ mộng theo. Đọc thơ Ngô Thái ta thấy cảnh núi cảnh rừng dù là buổi chiều nhưng không u tối. Ngưởi đi rừng qua suối mà không chùng chân ngại bước. Ngược lại, vui tươi mê mải vừa đi vừa ngắm trời, ngắm đất, ngắm người đẹp hiện lên mà gửi theo tình, mà thêu mơ, dệt mộng... Cho nên suối nên thơ, rừng nên thơ, trời mây cũng nên thơ bởi có người thơ mơ mộng hiện lên cùng làm cho cảnh đã đẹp tình lại càng thêm đẹp thêm quyến rũ.
Bài thơ dẫu chưa được là tuyệt bút cũng đã hay và có sức lay gợi lạ lùng! Từ Gặp em, Ngày ấy đến Lễ hội ruộng bậc thang là một sự phát triển mới của thơ Ngô Thái. Có lẽ là khi được đi học lớp viết văn Nguyễn Du anh đã được các nhà thơ bậc thầy truyền cho nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong cảm tác và sáng tạo thơ nên mới có những tứ thơ mới và lạ này.
Đây là hình ảnh ruộng bậc thang mà Ngô Thái đã miêu tả: như là Hoa Văn Núi
Lên đỉnh đồi cao bát ngát trời
Bậc thang óng ả lúa vàng tươi
Làn mây e ấp sườn non biếc
Sợi nắng lung linh lạch suối ngời
Với tiêu đề: Lễ hội ruộng bậc thang anh chỉ có vài câu thơ chấm phá về ruộng bậc thang và về lễ hội chứ không sa đà vào miêu tả dài dòng nhưng ta vẫn cảm nhận được cái hùng vĩ của thiên nhiên miền núi, cái vẻ đẹp của ruộng bậc thang gắn bó hài hòa giữa thiên tạo và nhân tạo. Trong những vẻ đẹp ấy còn có vẻ đẹp tình người hết sức lay động làm cho ta say người, say cảnh, say tình trong lễ hội. Mà ai đã đi lễ hội này dư âm sẽ còn vang mãi... Còn gì say đắm hơn: Khấp khởi điệu khèn trao nậm rượu và: Nâng hũ “Táo mèo” em rót cạn. Đất trời nghiêng ngả thả tình tang. Em rót rượu hay em rót tình? Say rượu hay say tình? Thật khó mà tách bạch. Nói lễ hội nhưng tác giả không tả như học cách miêu tả của Truyện Kiều xưa mà tả trực diện cảnh của hôm nay, người của hôm nay, tình của hôm nay. Cảnh rất thực và rất sinh động. Vì là lễ hội ở miền núi cao cho nên đón đưa nhau đến lễ hội cũng là một kỳ công. Nếu không có tình yêu thiết tha say đắm thì không thể có được hình ảnh như trong thơ Ngô Thái:
Vượt bao bậc dốc đến ven làng
Lễ hội mùa này đón bạn sang
Phải vượt được bao bậc dốc mới đón được bạn. Thế mới biết sức mạnh và sự thôi thúc của tình yêu đến mức nào. Quả thật là vô lượng vô cùng và cũng chính vì đến được lễ hội cho nên mới mãn nguyện “Nghiêng cả Táo Mèo em rót cạn...”. Quên cả đất trời mặc sức say tình tang...
Chỉ ba bài thơ về đề tài miền núi này thôi Ngô Thái đã góp cho Bông hồng vàng báo Văn nghệ những hạt bụi vàng quý giá. Rất trân trọng những sáng tác mới của Ngô Thái mà anh đã gửi tới bạn đọc gần xa. Bản thân tôi càng thêm quý mến cả thơ và người cùng đóng góp của anh cho văn học. Bởi tôi đã hàng trăm lần lên miền núi ở cả Bắc Trung Nam mà chưa làm được một bài thơ nào chứ chưa dám nói là thơ hay như của anh. Ước mong sẽ còn được đọc nhiều sáng tác mới của lão thi bút nhưng lại là tân học sinh của Trường Viết văn Nguyễn Du.../.
Việt Trì tháng 10 năm 2017
P.C
(C.S)