Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HÁT TỪ PHAN XI PĂNG (KHÚC XI)

Lê Tuấn Lộc
 
HÁT TỪ PHAN XI PĂNG (KHÚC XI)
EM ƠI ĐỪNG LÀ TRĂNG
 
EM ƠI, ĐỪNG LÀ TRĂNG
 
Em ơi đừng là trăng
Trăng xa quá anh không tới được
Trăng khi tròn khi khuyết
Anh muốn em trăng trọn đời Rằm.
 
Em ơi đừng là trăng!
Đêm ba mươi, không em anh bơ vơ
Trăng lại không biết hát
Dù trăng gợi tình cho anh làm thơ
 
Em ơi đừng là trăng
Đêm rằm, em khỏa y,  ai cũng ngắm được
Ánh sáng em chia tất cả mọi người
Còn em, anh muốn của anh thôi
Em ơi đừng là trăng!
Trăng vô tri không nghe em hát
Em thánh thót
Còn trăng như là người vô tình
 
Em là em, đang hát cho anh nghe
Bản tình ca mộng mơ
Trăng soi đôi ta bước
Trăng và ta như bạn đồng hành.
 
Hồ Linh Đàm, Trung thu 18/9/ 2021
 
MẸ CON EM VẪN CHỜ
 
Nước bục lò bị ngập
Năm người kẹt hôm qua
Mỏ xôn xao, nhốn nháo
Bố đi vẫn chưa về.
 
Báo chí làm rầm lên
Lòng em như lửa đốt
Cơm dọn rồi nguội ngắt
Mẹ con em vẫn chờ...
 
Hai ngày rồi ba ngày
Ca đêm rồi ca sáng
Tin ngóng tin không thấy
Bố đi vẫn chưa về...
Bọn làm than thổ phỉ
Trốn đi từ lâu rồi
Khoan vào lò bục nước...
Bố đi vẫn chưa về...
 
Nghe đâu ở nước ngoài
Thợ lò kẹt một tuần
Cứu hộ còn cứu đượcnammoi2025
Mẹ con em vẫn chờ...
 
Mẹ con em vẫn chờ
Biết đâu anh may mắn
Đêm nay em lo lắm
Ca đêm... vẫn chưa về.
 
Mẹ con em vẫn chờ...
 
ÁNH TRĂNG TRÊN SÔNG BẰNG GIANG
Tặng N.
 
Không em, không có sông Bằng Giang
Em là thật, sông Bằng Giang là thật
Nhưng cộng lại như là rất ảo
Em - ánh trăng trên sông Bằng Giang.
 
Em của Cao Bằng không của anh
Ánh trăng của vô cùng vũ trụ
Anh xin em ánh trăng nho nhỏ
Thêm cho thuyền thơ trôi lên trời.
 
Sông đầy trăng, rừng cũng đầy trăng
Anh đắm đuối trời non nước Bằng Giang
Nước trôi ngược hay anh trôi ngược
Sông nào cao bằng sông Cao Bằng.
 
Dù một lần, ánh trăng Bằng Giang
Anh day dứt một đời không mất
Trăng hư thực hay em hư thực
Sao bây giờ anh vẫn như mơ.
Cao Bằng, 30/9/2011
 
CỔ TÍCH Ở MỎ CHROMITE
CỔ ĐỊNH THANH HÓA
 
Sáng, tôi đang vẽ bản đồ chiến sự
Tô đỏ màu chiến thắng loang nhanh
Giám đốc lệnh:
Chiến sự khác rồi vẽ lại!
Tôi lại hì hục khoanh tròn vành chiến thắng.
 
Trưa, 11 giờ 30
Bí thư cười ha ha: Thôi, không vẽ nữa
Quân ta đã vào dinh Độc Lập.
 
Người đổ ra đường đông như trẩy hội.
Áo thợ mỏ xanh chật ngã ba
Bất ngờ thành mít tinh chiến thắng.
 
Khai trường đỏ cờ búa liềm
Rợp trời cờ nửa xanh nửa đỏ
Loa đài vang khắp mỏ
Rừng hoa, rừng cờ, rừng người...
Thợ mỏ hát:
Như có Bác trong ngày vui đại thắng... 1
Hai nghìn Dân tập kết 2 vừa cười vừa khóc
Mấy bác Sài Gòn tóc bạc vừa múa vừa hát:
Sài Gòn ơi, ta đã về đây, ta đã về đây... 3
Hai mốt năm rồi từ ngày ra Bắc
Vui nổ trời, pháo nổ vang xe tải quặng Chromite
Tôi đang nghe:
“... Rầm rập bước chân ta đi 4
Trên đường phố Sài Gòn...”.
30/4/1975 - 30/4/2015
__________
1 Nhạc và lời Phạm Tuyên.
2 Cán bộ miền Nam tập kết.
3,4 Bài hát Tiến về Sài Gòn - Nhạc và lời Lưu Hữu Phước.
 
VỀ LẠI QUỲ CHÂU
Nhớ bạn Bùi Sĩ Hà
 
Quỳ Châu có nghĩa là đá đỏ
Ruby, saphia... vang bóng một thời
Mỏ đá quý, thôi rồi, rất quý
Bây giờ về lại xác xơ thay!
 
Về lại Quỳ Châu, bạn cũ mất rồi
Ruby của một thời máu đổ
Những người làm đá đỏ
Cuộc đời sao mà đen!
 
Nắng mưa miền Trung, gió Lào Nghệ An
Ruby, đỏ như là máu đỏ
Saphia xanh như là màu cỏ
Nhưng Quỳ Châu ơi, rất bạc tình.

Cửu vạn rủi đã đành
Cai bưởng rồi cũng rủi
Làm mỏ đã chìm nổi
Đá đỏ mấy ai giàu?
 
Về lại Quỳ Châu đất đã bạc màu
Ám ảnh của một thời đá đỏ
Bạn đã mất rồi, còn ai để nhớ
Bạc canh tàn, đá đỏ của ta ơi!
Hà Nội, 2015
 
PLEIKU - GỬI NGƯỜI TRỒNG CÀ PHÊ
 
Háo hức Pleiku một tôi
Ly cà phê đen thơm
Những tiếng cồng chiêng âm vang như thần linh
hiện về náo động
Nhà rông rung lên trong tiếng chiêng la
Những điệu nhảy bốc lửa.
 
Tôi mơ già làng Ê Đê đang hát, những sử thi Tây Nguyên
như những sách của trời
Như những câu của thần
Như những lời định đoạt.
 
Tôi mơ...
Những lễ hội ăn trâu linh thiêng
Tiếng ai điếu lời khóc trâu
Những vò rượu vơi dần
Những vút cong lên, rượu cần say liêng biêng
Những cô gái Ê Đê, Ba Na, Xtiêng váy đung đưa,
                                                  mông đung đưa
Như chào mời, như thúc giục
Những bộ ngực đầy sức sống
Ngồn ngộn, khát khao, tha thiết như sinh tồn, như bất diệt.
 
Tất cả đam mê, tất cả hy vọng như không còn khi tôi về Pleiku
Nắng chang chang, nóng như lửa đốt
Không thấy ly cà phê đam mê
Không thấy váy em đung đưa, viền đăng ten Ba Na, gấu váy hoa
 tung ta tung tăng
Không thấy vò rượu cần khao khát
Người ta đang nháo nhào chạy đôn chạy đáo tìm nước ngầm
tưới cà phê đang hạn
Những cánh rừng cà phê non đang chặt đi nhường cho những
vườn tiêu được giá năm nay
Chắc gì sang năm giá được như nay.
 
Một tôi chiều nay Pleiku, Biển Hồ cạn khô
Nước trong xanh đã về tưới cho những rừng cà phê vàng khô, những vạt tiêu xanh đang héo dần
Thiếu nước...
Cuối xuân, tiếng trống hội pa ra nưng lắng dần trong buôn
Người già chưa kịp về đến nhà...
Nước! Nước! Vang cả Buôn Hồ, vang cả Biển Hồ
Cà phê đang rũ dần, vườn tiêu đang chết dần
Tây Nguyên đang gào lên: Nước! Nước!
Một trăm năm nay chưa bao giờ thiếu nước như nay
Sử thi, những trang dày gấp lại, những vò rượu đậy lại... người ta đi đào giếng chống hạn
Bơm về, máy khoan về đầy cả ngã ba đường bản Đôn, bản Hát... Nhưng rồi sâu 20m, 30m, 60m... không có nước.
 
Một tôi Pleiku chiều nay
Mưa như nhện đái
Mưa làm ướt váy em nhưng không đủ làm mát cây cà phê đam mê, ly cà phê khát khao...
 
Một tôi Pleiku chiều nay
Háo hức gọi bạn văn, gọi bạn thơ
Nhưng tôi thất vọng
Bạn còn đi chống hạn
Ai người ngồi ngâm thơ, đọc sách...
Dù bài thơ tôi về Tây Nguyên lâm ly hay, đam mê say, tôi đọc, thì đấy tai tôi nghe.
Ly cà phê đam mê
Tôi hát tai tôi nghe
Tôi đọc thì tôi nghe
Người ta bận xúc cát xây nhà
Đẽo cây tạc tượng nhà mồ
Làm lễ bỏ mả.
Những dân chài trên sông Ba, sông Sê San... đang ỉu xìu,
đang buồn tênh vì cá năm nay giảm nhiều
Sống bằng gì, nếu không có cá, không có nước
Người ta hô ầm lên: Không cần thủy điện!
 
Cao nguyên đầy nắng đầy gió
Không thấy phong điện, không thấy điện mặt trời
Thủy điện sạch, bây giờ không sạch
Rừng, rừng, rừng... hết rồi
Nước, nước, nước... hết rồi
Còn đâu mà an ninh quốc gia.
 
Tôi đi tìm văn hóa Tây Nguyên
Văn hóa đang còn trong bảo tàng - Không ai xem bảo tàng...
Mọi người đang còn đi chống hạn.
 
Một tôi ly cà phê đam mê!
Pleiku, 2016
 
TAM ĐẢO KHÔNG EM 
 
Tam Đảo không em không có gì
Lá rừng rụng đầy, không ai quét
Gió bỏ đi đâu, quên gào thét
Hoàng hôn đỏ úa tận chân trời.
 
Không em, bướm phượng không bay nữa
Ngủ gục bên đường, đuổi không đi
Bướm đốm không thèm khoe áo lụa
Chuồn chuồn hoa trốn biệt đâu rồi.
 
Không em, mây cũng không thèm tan
Cứ trắng bạc, ngủ vùi lưng chừng núi
Bếp lửa tàn than không còn củi
Anh ngồi ôm gối lạnh co ro.
 
Tam Đảo không em, không rượu không hoa
Anh và trang thơ ngồi lặng lẽ
Em ở đâu mau mau về nhé
Em về, Tam Đảo tái xuân.
Tam Đảo, tháng 4/2017
       L.T.L
(C.S)

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 13
Trong tuần: 832
Lượt truy cập: 451068
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.