Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CÁNH KIẾN HOA VÀNG

CÔNG PHU VŨ NGỌC TIẾN

Cánh kiến ơi ! “Co thúa” hoa vàng ơi !
Nhớ sao, Tây Bắc một mùa thu năm ấy!...
Vâng. Thoắt đã 37 năm, chúng tôi, những chàng trai Hà Nội trong đoàn quân tình nguyện "Thanh niên tháng Tám" lên miền Tây khai hoang mở đất.
Tôi quên sao được những địa danh Điện Biên, Mai Châu, Mường La, Khâu Ban, Ngòi Thia, Suối Hút... Những địa danh mà thế hệ chúng tôi đã gửi lại một phần đời đẹp nhất của tuổi thanh xuân, trong ánh lửa trại bập bùng với bài tình ca Iếc- cút vào đêm; trong âm hưởng những vần thơ “Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy - Dù xa xôi gấp mấy vẫn lên đường” của buổi sớm ra đi “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi - Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng” (thơ Bùi Minh Quốc); trong mối bịn rịn nhớ nhung chia tay với cô gái Thái, đọc cho cô nghe đoạn thơ của Chế Lan Viên:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn !
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng.
Rồi hàng năm, vào dịp thu hoạch và chăn thả cánh kiến hai vụ chiêm - mùa, cỡ tháng năm và tháng mười âm lịch, trên các nương đồi cây “co thúa” bạt ngàn sắc hoa vàng rực rỡ nổi bật trên những tảng cánh kiến màu nâu sẫm, tôi lại nghe khúc khích tiếng cười hồn nhiên của các cô gái Thái. Tiếng cười ròn tan, lanh lảnh từ thời xa xôi ấy còn vọng đến bây giờ, khi tóc tôi đã ngả màu sương...
Vậy nên, khi đọc bài viết của Trần Khánh Thành trên báo Văn nghệ số 35 (ngày 26/8/2000), cả thế hệ “Thanh niên tháng Tám” chúng tôi chạnh buồn xa xót, hẫng hụt.
Hẫng hụt bởi thói cẩu thả, tắc trách của những người biên soạn sách giáo khoa Văn học lớp 12 (trang 122, NXB Giáo dục- 2000). Họ đã vô tình làm sai lạc kiến thức học sinh về một loại lâm đặc sản quí hiếm của núi rừng Tây Bắc đã thành kỷ niệm thấm vào từng tế bào thần kinh ở vùng nhạy cảm nhất của thế hệ chúng tôi. Lâu nay có không ít những sai lạc tương tự trong sách giáo khoa văn, liệu sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ?
Hẫng hụt bởi người viết phê bình sách giáo khoa cũng lại mắc bệnh đại khái, thiếu sự nghiêm cẩn trong tra cứu tài liệu, viết theo lối võ đoán, bằng cảm tính mà không biết mình thiếu hụt kiến thức. Cái bệnh lâu nay thường gặp ở nhiều nhà phê bình chăng? Ông Trần Khánh Thành đã vội vàng bác bỏ mục từ “cánh kiến” trong cuốn Từ điển tiếng Việt phổ thông, đưa ra khái niệm kỳ quặc, vừa có “con cánh kiến” lại có cả "cây cánh kiến"! Từ cái sai trong khái niệm cơ bản này, ông Thành cũng vội kiến giải về hình tượng thơ “cánh kiến hoa vàng” của cố thi sĩ Chế Lan Viên một cách khiên cưỡng, nặng về suy diễn.
Hẫng hụt bởi những người biên tập, đọc duyệt sách báo mấy năm gần đây cũng thường cẩu thả, tắc trách như người biên soạn, viết bài vậy.
Cụ bà MM, bạn cùng lứa với các văn nghệ sĩ lão thành Hồ Dzếnh, Thế Lữ, Song Kim, Bùi Hiển, Ngân Giang, Nguyễn Bính..., đã ngoài 80 tuổi vẫn rất quan tâm đọc sách báo văn nghệ. Nhiều người trong văn giới như Hải Như, Hà Văn Thuỳ, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trương Nam Hương... gọi cụ là “siêu độc giả”. Cụ MM hiện đang sống ở TP. Hồ Chí Minh, lần này ra Hà Nội ở chơi với các con gái, cháu chắt, gặp tôi cụ cười nói: “Anh là nhà văn ít nhiều am tường về đời sống tâm linh loài vật và tính năng, nguồn gốc các loài côn trùng, thảo dược. Anh đã đọc bài của Trần Khánh Thành trên báo Văn nghệ chưa? Đọc rồi thì viết một bài sửa giúp cái sai cho họ. Tôi đọc mà cứ thấy tức anh ách...”. Thể lời cụ MM, tôi bèn đặt bút tản mạn đôi điều về cánh kiến và hình tượng thơ “cánh kiến hoa vàng” của Chế Lan Viên.
Cánh kiến đỏ, theo lương y Tô Ngọc Cừ, còn có tên thuốc là “Tử Khoáng”. Sách Đông y xếp nó vào dược vật, thuộc nhóm côn trùng giáp xác, chứ không phải dược thảo. Con cánh kiến thuộc họ rệp, theo cách gọi của GS Nguyễn Đức Khảm, chuyên gia số một về côn trùng của ngành lâm nghiệp, là “bọ rùa cánh kiến”. Nói “cánh kiến đỏ” vì còn có loại cánh kiến trắng quý hiếm hơn. Rệp cánh kiến đỏ sống trên những vỏ cây có nhựa để hút nhựa cây mà sống, loại nhựa cây có nhiều hoạt chất kháng sinh thuộc nhóm quinin. Chúng họp thành đàn rất đông trên vỏ cây và nằm yên tại chỗ. Vậy nên bất cứ loại cây nào có nhựa chứa kháng sinh thực vật đều có thể nuôi rệp cánh kiến đỏ. Cụ Đỗ Tất Lợi trong công trình nổi tiếng “Các cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đã phát hiện ra cây nhãn có thể là môi trường chăn thả rệp cánh kiến đỏ cho năng suất cao. Tuy nhiên, ở Tây Bắc, đồng bào dân tộc Thái bằng kinh nghiệm lâu đời thường chăn thả rệp cánh kiến đỏ trên một loại cây họ đậu, có quả từng chùm giống như quả điền thanh, tiếng dân tộc gọi là “Co Thúa” (“co” nghĩa là cây, còn “thúa” là đậu). Từ lâu đời nay, dân buôn cánh kiến đều săn tìm loại “chăng thúa” là cánh kiến đỏ nuôi trên “co thúa” vì nó chất lượng cao, bán được giá nhất. Loài rệp cánh kiến đỏ có hai mắt, hai râu, sáu chân và hai lông đuôi màu đỏ da cam. Nó hút nhựa cây rồi tiết ra một thứ dịch làm tổ. Đến tháng ba dương lịch, rệp đực cắn tổ chui ra tìm rệp cái thụ tinh rồi chết. Rệp cái từ đó phát triển nhanh và tiết dịch càng nhiều. Đến tháng sáu dương lịch, tức khoảng tháng năm âm lịch, rệp mẹ làm tổ xong, trứng già sắp nở thì chết theo rệp đực, cũng là lúc thu hoạch vụ cánh kiến chiêm. Vụ cánh kiến mùa sẽ thu hoạch vào tháng mười âm lịch. Cánh kiến đỏ chứa các hợp chất cao phân tử lactit của acid shellotic và acid allenritic cách điện cao, ít co giãn, chống tia tử ngoại, không thấm ẩm, chịu được acid cotic, kết dính và tạo màng. Nó được dùng trong kỹ nghệ sơn, dầu bóng shellak (sen-lắc), phim ảnh, đĩa hát...
Theo các sách thuốc đông y, cánh kiến có vị ngọt - mặn, tính bình, không độc, dùng làm thuốc sinh cơ và thuốc chữa bệnh phụ khoa. Các cụ xưa nhuộm răng đen cũng có dùng một ít cánh kiến đỏ trong quy trình nhuộm.
Điều thú vị là sản phẩm cánh kiến đỏ vào mùa thu hoạch kết thành từng tảng màu nâu sẫm trùng hợp với mùa “co thúa” trổ đầy hoa vàng rực rỡ. Hai màu nâu và vàng có bước sóng ánh sáng tách biệt lớn nên có sự tương phản đẹp lộng lẫy, giống như áo len được các cô gái cải màu vàng với màu nâu, màu đen với màu đỏ vậy. Sự trùng hợp của tự nhiên ấy đã gây ấn tượng mạnh trong hồn thơ nhậy cảm của cố thi sĩ Chế Lan Viên. Ông đưa ra hình tượng thơ “cánh kiến hoa vàng” là bởi ông choáng ngợp trước sự phối trộn sắc màu tương phản đến mức diệu kỳ, ngây ngất lòng người của tự nhiên, trên một biển cây “co thúa” mênh mông giữa núi rừng Tây Bắc. Sự mã hoá ngôn ngữ trong thi ca là có thể chấp nhận được, chứ thực ra không hề có khái niệm về cây cánh kiến hoa vàng. Cả cái hiện tượng tuyệt mỹ của tự nhiên khi con rệp cánh kiến đực chui ra khỏi tổ tìm rệp cái thụ tinh rồi chết ngay tức thì, góp phần tạo nên sắc màu tương phản lộng lẫy kia, chắc gì thi sĩ đã biết. Ta không nên vì quá yêu ông mà gán ghép những ý tưởng thơ bằng sự suy diễn của hậu thế. Trong giây phút xuất thần của thi sĩ, ông đã tạo nên một hình tượng thơ mãi mãi còn để lại những rung cảm thẩm mỹ trên hành trình đi tìm cái đẹp của tự nhiên, mà hoá ra là cái đẹp của lao động, của tình yêu, của quan hệ tương sinh tương hỗ trong cõi người...
Công bằng mà nói, sự sai lạc kiến thức về cánh kiến không phải là cái gì ghê gớm, nó ảnh hưởng không nhiều đến đọc và cảm nhận bài thơ của Chế Lan Viên. Vấn đề ở chỗ, đã là sách giáo khoa thì không được sai, càng không thể tuỳ tiện nay thế này, mai thế khác. Năm 1997, NXB Giáo dục có hai tài liệu giải thích khác biệt về cánh kiến cùng song song tồn tại với cùng một soạn giả Nguyễn Văn Long và chủ biên Nguyễn Đăng Mạnh. Đó là: sách giáo khoa Văn lớp 12, tập 1, trang 112, giải thích: "cánh kiến hoa vàng là một loài cây có hoa vàng rất đẹp"; còn tài liệu thí điểm sách giáo khoa Văn lớp 12, Ban khoa học xã hội, tập 1, trang 283, đã giải thích đúng rằng: "cánh kiến là một loài côn trùng, hút nhựa cây, tiết ra nhựa gọi là nhựa cánh kiến, dùng để nhuộm răng, làm véc ni, phim ảnh, đĩa hát ...". Đến năm 2000, thì như ta đã biết ở trên, lại trở về: "cánh kiến là cây...". Người biên soạn vẫn là ông Nguyễn Văn Long, chủ biên là hai ông Hoàng Như Mai và Nguyễn Đăng Mạnh (?). Ngỡ rằng, năm 2000 - năm đầu tiên thống nhất sách giáo khoa hai miền Nam - Bắc thì bộ sách giáo khoa văn sẽ tốt hơn, nào ngờ...!
Khi tôi viết những dòng này, chợt nhớ lại vào dịp giáp Tết Canh Thìn, về thăm Thuận Thành - quê hương các thi sĩ Hoàng Cầm, Nguyễn Phan Hách. Suốt dọc đường từ cổng trường tiểu học Kim Sơn (thị trấn Keo) đến thôn Lệ Chi Đông bạt ngàn màu vàng rực rỡ của hoa cải cúc mà những nông dân ươm giống lấy hạt cho mùa sau. Tôi đi giữa biển vàng rực rỡ ấy mà lòng bồi hồi nhớ cái biển vàng hoa “co thúa” trên Tây Bắc năm nào, trong mùa thu hoạch cánh kiến. Tận thẳm sâu của miền ký ức lại dội về bao kỷ niệm. Nó thôi thúc tôi sẽ phải cầm bút viết một truyện ngắn tình yêu về mùa hoa cải cúc hay mùa hoa “co thúa”.
Buồn thay! Khi chưa thoả tâm nguyện viết truyện ngắn kia, tôi lại phải viết đôi dòng, góp một tiếng nói nhỏ nhẹ về sự cẩu thả, tắc trách trong biên soạn sách giáo khoa và cả trong phê bình, đàm luận văn chương hay trong biên tập, xuất bản sách báo.
Cánh kiến ơi! Co thúa hoa vàng ơi!
Hà Nội, 9/2000

hoamuop
 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 11
Trong tuần: 830
Lượt truy cập: 451337
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.