Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (C1)

Cầm Sơn

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (Chương 1)
 
          Nắng gì nắng gay nắng gắt, mới tám giờ sáng mà như hoa cà hoa cải vung vãi khắp triền đồi. Đã dậy sớm đi làm từ sáu giờ sáng, dự định đến mười rưỡi thì xuống núi, ấy vậy mà có lẽ chỉ chịu đựng được đến mười giờ là cùng. Thôi thì chiều nay nghỉ muộn một tý và phải cố mà làm cho xong. Kiểu gì thì ngày mai cũng phải về để còn đi cấy mải cho nhà Dụt. Có mấy sào ruộng mà đàn bà cả xóm đến cấy, có lẽ rồi cũng phải vận động bỏ cái lệ tục này, chỉ tổ cho cánh đàn ông được thể bày vẽ đánh chén, đã nghèo lại còn hoang phí. Lại còn cái con Dùng nữa, cứ đòi bằng được đi lao động xuất khẩu. Mấy chục triệu chứ đâu có ít, cứ thấy mấy đứa đi lao động nước ngoài về có xe máy, áo quần rủng rỉnh là nhốn mãi lên. Có phải đứa nào cũng được thế đâu, khối đứa tiền mất tật mang, vay mượn ngân hàng nộp cọc rồi cuối cùng lại thấy thất thểu bỏ về đấy chốc. Làm việc gì bây giờ cũng thấy khó. Tiêu tiền thì cứ  hun hút như gió vào nhà trống còn kiếm ra được đồng tiền đâu có dễ. Ngay như cái mảnh rừng này, nhận khoán công nhật thì chỉ được tám chục ngàn một ngày mà công ty nó cho người ốp làm đủ giờ mới chịu. còn nhận khoán khối lượng thì giờ giấc do mình, cố gắng hơn chút cũng được trăm ngàn, hơn hai chục ngàn một ngày lại chả tốt hơn sao.
- Chị Nhứng ơi! Cái Lường nó bị say nắng hay sao đây này!
Mấy người trong tổ xúm lại chỗ cái Lường, nó úp mặt xuống đồi với tư thế nửa nằm nửa ngồi, hai tay ôm chặt lấy đầu.
- Thôi, không sao đâu, nắng quá ấy mà. Chị em dìu nó xuống rồi bọn mình cũng nghỉ thôi!
    Nơi nghỉ là một dãy lán dài, một nửa phía sau là cái sạp nứa làm giường nằm, còn một nửa phía trước làm bếp đun nấu, để củi đóm và các vật dụng khác. Mỗi kỳ cần chăm sóc rừng thì công ty lại huy động thuê dân đến. Đi làm công việc chăm sóc cho công ty chỉ có chị em phụ nữ, mỗi đợt như thế tuỳ theo công việc mà có thể là một tuần hay nửa tháng, một tháng. Ai đến cứ đến, ai về cứ về, tổ chấm công đến cuối kỳ được thanh toán mới ăn chia. Mỗi tổ có tổ trưởng đại diện nhưng thực ra việc quản lý thì cả tổ bảo nhau cùng làm. Kể cả tổ trưởng có về giữa chừng cũng không ảnh hưởng gì.
- Chị Nhứng ơi, thịt ướp và muối lạc hết tất cả rồi!
- Nắng thế này chiều nay đi làm muộn một chút. Bây giờ chúng mày theo tao xuống suối nhặt lấy ít ốc về nấu canh rau tầm phóp. Cố ngày hôm nay, mai về rồi.
Thảo đang nằm trên sạp uể oải gượng dậy:
- Mệt bỏ mẹ muốn ngủ một tý cũng chả được. Thôi đi các bà, ăn muối cũng xong!
- Ngủ nhiều cho nó phát phì lên à, ăn xong rồi ngủ, còn khối thời gian cho mày ngủ
- Thà cứ ở nhà đi làm cho lão Mánh vẫn được chừng ấy tiền mà lại được ăn ngủ với chồng với con.
- Nhưng mà làm cho lão Mánh thì chỉ ba ngày đã hết việc. Có mấy chục héc ta thì nhằm nhò gì.
- Giá nhà mình cũng có mấy chục héc ta như nhà lão Mánh thì chả phải đi làm thuê như thế này!
- Thế sao mấy năm trước người ta cho nhận đất để phủ xanh đồi trọc lại không nhận?
  Thế mới là dân ngu khu đen. Lúc bấy giờ ai nghĩ đất rừng lại quý như bây giờ. Khối nhà nghe vận động trồng rừng đến lúc có cây bán rẻ như cho, chả bõ công khai thác. Còn bây giờ gỗ có giá thì động vào chỗ nào cũng bảo là đất của công ty.
Nó nói đúng, đúng là dân ngu nên mới cứ khổ mãi. Nhưng cũng đâu có ai khôn, cái lão Mánh chẳng qua cũng chỉ là mèo mù vớ cá rán thôi chứ. Ngày ấy lão là trưởng khu, giao đất trồng rừng chả ai nhận thì cán bộ phải gương mẫu nhận chứ lão có lợi dụng gì đâu. Ngay như Nhứng lúc bấy giờ làm tổ trưởng chi Hội Phụ nữ thôn cũng định nhận mươi héc ta thì ông chồng không cho nhận lại còn lên giọng “Cái đồ đàn bà đái không qua ngọn cỏ mà cũng đòi gương mẫu, đừng có hới mưng!”. Bây giờ rừng không có một tấc, mấy sào ruộng dộc làm vèo cái xong, năm ngoái bà mẹ chồng chưa chết mỗi tháng cũng được vài trăm ngàn tiền trợ cấp mẹ liệt sỹ còn có đồng ra đồng vào, nay năm miệng ăn chả đi làm thuê thì lấy gì mà sống. Mấy cái công ty biên chế có vài chục người mà sao nó lắm đất thế, làm không hết bỏ hoang mà hễ cứ động vào là nó lại bảo là của nó. Nghe nói họ cũng đang chia đất rừng cho cán bộ, nông dân theo cái nghị định gì đó. Giá mà nhà mình cũng được chia một khoảnh thì tốt
- Thôi ốc thế là đủ rồi, hãy còn sớm, tắm cái đã chúng mày ơi!
- Cái bà Nhứng kia, làm gì mà dờ dệt mãi trên ấy, xuống dưới này nước sâu hơn mà tắm cái đi chứ
- Có đem quần áo gì đâu mà tắm.
- Thì lột ra mà tắm chứ có ma nào ở giữa rừng này mà sợ.
Chúng mày, kéo bà ấy xuống đây lột quần áo ra!
- Đồ quỷ xứ!
Ấy vậy, đi làm thuê nên sinh hoạt lại được hoà mình với cộng đồng, nó cũng làm vơi đi nỗi lo toan miếng cơm manh áo thường nhật. Nhứng đang lội xuống đoạn suối bên dưới thì từ phía lán có tiếng gọi:
- Chị Nhứng ơi, ngoài đội người ta vào đấy!
- Ai vào?
- Đội trưởng, đông đông người lắm, hình như có cả giám đốc công ty đấy!
    Chị em Nhứng về đến lán thì đã thấy năm bẩy người. Đội trưởng Hưng giới thiệu đoàn cán bộ lãnh đạo công ty đi kiểm tra rừng rẽ qua thăm và đây là giám đốc Hoàng. Giám đốc Hoàng lần lượt  bắt tay từng người. Lúc bắt tay Nhứng thì mặt ông lại quay đi nơi khác nói chuyện  với mấy anh cán bộ trong đoàn, bàn tay hững hờ nhão nhoẹt lạnh toát. Nhứng giật mình định kêu lên một câu gì đó nhưng kịp giữ lại được...nếu là người ấy thì dẫu có muốn tránh né cũng không thể thờ ơ lạnh lẽo đến như vậy được, ở đời thiếu gì người hao hao giống nhau, mà biết đâu họ anh em với nhau thì sao…mà dẫu có gặp lại người ấy giờ cũng chả để làm gì…còn cái ông giám đốc Hoàng này, làm sao mà Nhứng lại quen được với người như ông, đừng có mà thấy người sang lại bắt quàng làm họ…
- Bác Giám đốc ơi! Hôm nay chúng em mới được gặp bác. Nghe nói công ty đang có chủ trương chia đất cho công nhân và dân địa phương phải không ạ!
- Ấy chết! Không phải là chia đất mà là giao đất khoán rừng theo nghị định một ba năm của Chính phủ.
- Giao đất là giao thế nào hả bác, dân chúng em có được giao không?
- Nói thì dài lắm, có nói các chị cũng chưa thể hiểu ngay được. Thôi thì sau này bà con cứ gặp đồng chí đội trưởng Hưng đây, đồng chí ấy sẽ phổ biến nội dung của nghị định.
- Chúng em cũng chả cần biết nhiều đến cái nghị định ấy đâu, chúng em chỉ cần hỏi là dân chúng em có được công ty giao đất không thôi?
- Nghe nói ở xóm Thính, các gia đình đã được giao nhiều đất lắm rồi cơ mà?
- Đúng là nhiều, có bìa đỏ năm mươi năm nữa kia. Nhưng mà đấy là Nhà nước giao cho bảo vệ, mỗi năm được hơn trăm ngàn đồng tiền công, mà là đất trong Vườn quốc gia, làm sao trồng rừng vào đấy được.
- Thôi, chào chị em, đoàn chúng tôi đang có việc, tạt qua thăm chị em một lát, bây giờ chúng tôi lại phải đi. Có gì cần hỏi thì gặp đội trưởng Hưng sẽ giải quyết nhé!
   Đoàn cán bộ công ty đã đi nhưng Hưng nán lại gọi tổ trưởng Nhứng trao đổi một lát rồi mới đi theo sau. Quay  trở lại lán, Nhứng phân công:
- Cái Nhung và cái Lánh chiều nay không phải lên đồi mà sang đội nó trưng dụng làm cơm tiếp khách.
- Con Nhung con Lánh còn trẻ lóng ngóng làm cơm thạo sao bằng chị Lường, mà chị Lường vừa bị say nắng lúc sáng, chiều cho nghỉ ở nhà đi làm cơm có hợp lý hơn không.
- Không biết, là đội trưởng nó yêu cầu cử hai đứa trẻ ấy cơ. Còn tiếp khách cho nó.
- Tiếp khách kiểu gì, không khéo nó bỏ bom cho đấy.
- Chúng nó khác tự biết nên làm thế nào, vừa được ăn ngon, vừa được trả công chả tốt hơn đi lên đồi à!
    Thực ra trong lòng Nhứng cũng thấy ấm ức, có phải nó cần người làm cơm làm kiếc gì đâu, nó chỉ cần có các cô gái trẻ đẹp rót rượu rồi cùng uống rượu lả lơi với quan khách của nó là được. Nhứng cũng đã từng làm mãi rồi, bây giờ đứng tuổi không còn phù hợp nữa. Mà cũng lạ, chẳng biết nó đào đâu ra lắm tiền thế. Khách khứa, liên hoan chiêu đãi cứ là liên miên. Mình thì làm ngửa ngực ra vẫn chẳng đủ cái đút miệng, thế mà chúng nó lại chỉ kêu khổ vì phải uống nhiều bữa rượu quá. Lại mất hai đứa, chiều nay mấy người còn lại phải cố mà làm cho xong. Thôi thì cũng phải chiều lòng để mai nó còn nghiệm thu cho mới có tiền mà về chứ. Bao nhiêu thứ chờ đến tiền ở nhà. Con Dùng thì phải trả lời dứt khoát là không có lao động xuất khẩu xuất khiếc gì hết, bố mẹ không thể lo nổi. Không đi làm rừng cho công ty thì ra phố mà làm ôsin. Mà ôsin bây giờ cũng cao giá lắm chứ, mỗi tháng tiền công được hai triệu, tiền ăn tiền ở nhà chủ họ lo cho hết. Chả tốt bằng vạn lần làm công nhân ở các khu công nghiệp ấy à, lương cũng chỉ hai triệu một tháng mà còn phải trả tiền thuê nhà, tiền ăn, dẫu tiết kiệm cũng chỉ còn được mấy trăm ngàn đem về. Lớn rồi, nó phải tự lo cho cái thân nó thôi, giá có đứa nào rước đi cho thì tốt. Còn thằng Tiến thì phải cố cho học, là con trai mà sau này lại còn là trưởng chi tộc, phải lo cho nó đến nơi đến chốn, còn học được thì cứ cho đi học bao giờ hết chữ mới thôi. Kể ra nhà Nhứng thế vẫn còn hơn khối nhà khác. Lão Bính còn khoẻ, có rượu chè tý chút nhưng vẫn còn biết đến gia đình, vẫn còn kiếm được tiền đưa cho vợ chứ cứ như nhà cậu Bình hàng xóm sáu miệng ăn mà chả có ruộng vườn nghề nghiệp gì cả, nheo nhóc khổ quá, ăn bữa nay lo bữa mai, lặn lội suốt đêm chỉ nhằm nhè rình rập đi chặt trộm gỗ của công ty.
  Mãi đến tận sáng hôm sau Nhung và Lánh mới quay về lán. Mặt hai đứa phờ phạc vì mất ngủ. Chị em trong tổ hỏi chúng nó tại sao bây giờ mới về thì cái Nhung bảo mãi đến tám giờ tối họ mới cho đốt lửa ngoài sân rồi ngồi quây vào đấy ăn uống, rượu thịt đò đưa đến tận nửa đêm, say khướt còn về thế nào được. À mà chị Nhứng ơi, đội trưởng Hưng bảo thôi không phải đi nghiệm thu nữa, hôm qua cả kỹ thuật, cả đội trưởng cùng đoàn cán bộ và giám đốc công ty đã đi qua hiện trường biết rồi, anh ấy bảo chị sáng nay sang đội thanh toán luôn. Ừ, thế thì tốt quá, thôi thì cũng là nhờ công của chúng mày đấy Nhung ạ, tổ có những đứa trẻ xinh như chúng mày cũng tốt, giá phải nghiệm thu lại mất một buổi mà không khéo còn bị kỹ thuật nó trừ chiết nữa chứ. Tranh thủ sang đội ngay có khi còn kịp về  trong buổi sáng.
 Về đến nhà thì trời đã quá trưa. Lão Bính say rượu nằm ngáy ò ò trên cái phản chính giữa nhà. Vắng tanh vắng ngắt, không biết hai đứa trẻ đi đâu, cơm nước thế nào, thôi thì cứ phải tranh thủ làm chút gì cho vào bụng cái đã. Quái lạ, hôm đi làm chuẩn bị đầy thùng gạo cho bố con ở nhà mà làm sao lại đã hết thế này. Nhứng chạy ra vườn nhổ tạm gốc sắn non vào luộc. Đàn gà thấy người tưởng được ăn cứ chạy quấn theo sau. Người ta bảo vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp còn nhà Nhứng mà Nhứng đi vắng  có mấy ngày đã như ngôi nhà hoang rồi, thật ngán ngẩm cho chồng với con. Lúc nồi sắn luộc chín thì cũng là lúc con Dùng với thằng Tiến ở đâu mò về.
-         Bố thì say khướt, con cái bỏ đi mất dạng, có còn là cái nhà nữa không?
-         Đến bữa nấu cơm thì thùng hết gạo, bố đi bốc gỗ rồi uống rượu ở đâu chả biết về nhà là lăn ra ngủ, không kịp đi sát lúa nữa, con với thằng Tiến đi ăn bát mỳ tôm.
-         Thôi, bây giờ con Dùng đi sát lúa lo gạo cho bữa ăn chiều, còn thằng Tiến gọi bố mày dậy tắm rửa cho tỉnh táo.
  Bữa cơm chiều khá thịnh soạn và ăn sớm hơn mọi khi, Nhứng bảo thắng Tiến bắt một con gà làm thịt, cả nhà ăn uống vui vẻ. Ăn xong, Nhứng sai con Dùng ra đóng cổng không tiếp khách. Ở nông thôn đôi khi chẳng có việc gì nhưng người ta cứ sang chơi nhà nhau chuyện gẫu, đóng cổng lại họ tưởng không có nhà sẽ không vào nữa. Nhứng bảo thằng Tiến bật cả hai ngọn đèn cho sáng rồi trịnh trọng:
- Hôm nay gia đình ta phải họp để phân công nhiệm vụ cho nó có nền nếp, quy củ chứ cứ tàng lang thế này có ngày chết đói cả lũ. Bố con nhà ông làm gì mà hôm nay thùng đã hết sạch gạo?
- Sáng ngày cậu Bình cậu ấy sang vay. Còn một ít trong thùng tôi đổ cho nó hết, cũng định lấy lúa đi sát thì xe nó lại gọi đi bốc gỗ. Lúc ấy con Dùng đi đâu vắng nên chẳng kịp bảo nữa.
- Cho cái nhà ấy vay mãi, rồi nó lấy gì trả? Nhà mình cũng khá giả gì hơn mà cứ phải nợ mãi với nó.
- Cậu ấy bảo dạo này công ty nó đang tập trung làm gắt  không kiếm được gì. Đợi vài hôm nó rút sang hướng khác thì bố con cậu ấy chỉ cần một đêm là khác thừa gạo trả.
   Rõ thật là quẩn, nhà thằng nghèo rách khố đít lại còn phải cưu mang thằng ăn trộm.  Nhà ấy nó đi ăn trộm được chứ nhà mình thì không. Vậy nên bây giờ phải có sự phân công cho rõ. Thằng Tiến lo học hành cho giỏi giang, có chữ nghĩa khỏi khổ như bố mẹ. Mấy sào ruộng với mảnh nương sau nhà Nhứng sẽ lo, dỗi thời gian thì đi làm thuê cho công ty còn ông Bính này phải chịu trách nhiệm việc trên núi Thảng.
 - Tới đây, ông Bính lên núi Thảng làm trại, trước mắt làm cái lán đợi đến cuối năm sẽ cho phát dọn để trồng rừng mới.
- Ấy không được, đấy là rừng khoanh nuôi, Nhà nước giao cho bảo vệ, làm sao dám phát.
- Ông khỏi lo, phải có chủ trương của Nhà nước rồi thì tôi mới bảo ông phát chứ.
    Nhứng nghĩ thầm, cứ ù lỳ, thật thà như nhà ông thì mọt kiếp còn nghèo. Tiền công khoán bảo vệ khoanh nuôi mỗi năm được mấy đồng, phải trồng lại rừng mới ra tấm ra món được. Phải nghe đội trưởng Hưng thôi, nó là người Nhà nước đang công tác, nó nắm được chủ trương của Nhà nước. Những loại rừng toàn nứa bụi, cây lúp súp sẽ cho trồng lại hết. Nếu cứ để loại rừng ấy thì nguy cơ cháy rừng rất cao mà chả mang lại lợi ích kinh tế gì. Phá đi cho dân trồng rừng vừa mang lại no ấm cho dân vừa giữ được rừng không lo hỏa hoạn. Đúng là một chủ trương hay. Có đất, có lao động lo gì mà không no ấm. Chuyến này ông Bính có việc làm ổn định khỏi phải dặt dẹo trông ngóng mấy cái xe bốc gỗ chỉ tổ  rượu chè nhậu nhẹt. Còn con Dùng cũng cho theo bố đi làm nương, tiền đâu mà đi xuất khẩu lao động, mà xuất khẩu gì thì cũng chỉ là cái chân làm thuê. Khối đứa mất tiền lo đi rồi lại mất tiền lo về kia kìa. Chẳng  gì bằng làm cho chính ta. Có mấy chục héc ta rừng cứ lo cho tốt vào thì chẳng mấy chốc mà đàng hoàng, việc gì phải đi làm thuê ở đâu cho nó vất vưởng. Nhứng quay sang phía con Dùng:
- Cả con Dùng nữa, cũng theo bố lên núi Thảng làm rừng.
- Có giấy gọi đi học trung cấp mẹ bảo không đi, bây giờ muốn đi lao động xuất khẩu mẹ cũng lờ đi. Mẹ coi con gái chả ra gì.
 Nhứng dịu giọng.
- Con nào chả là con mẹ, đâu có phải mẹ không coi mày ra gì. Tại mày thi không đỗ đại học chứ học làm gì cái trung cấp. Mày cứ thử nhìn xem, khối đứa đại học ra trường cũng có việc làm đâu, được mấy đứa đi làm hợp đồng lương hơn triệu một tháng thì sống được à. Mình con nhà dân đen đến đại học còn chả xin nổi việc chứ trung cấp là cái quái gì, có đi học xong thì rồi cũng về làm rừng thôi. Mà mày nghĩ làm rừng là thấp hèn à. Mày trông bác Mánh đấy. Cán bộ đại học đang công tác hẳn hoi mà bác ấy còn bỏ về làm rừng. Thử xem bây giờ ai bằng nhà bác ấy. Thôi đi con, cứ làm rừng cho tốt rồi xem có đứa nào nó yêu thương thì lấy chồng, bố mẹ cắt cho mươi héc ta đất làm vốn, đàn bà con gái cái nhất là gia đình chồng con, mơ tưởng hão huyền làm gì.
- Thế sao mẹ bảo thằng Tiến lo học cho giỏi, chả là nghĩ chuyện bay nhảy hay sao?
- Thì em nó còn đang học phổ thông, đứa nào học được mẹ có ngăn cản đâu. Kể cả mày mà thi đỗ đại học mẹ cũng vẫn lo cho đi học đấy chứ, nhưng mày biết làm sao mà mẹ lại bảo mày thi vào đại học Lâm nghiệp không, rồi đến thằng Tiến cũng sẽ thi vào trường đấy. Mẹ nghĩ kỹ rồi, học xong ra trường không xin được việc ở đâu thì xin việc vào chính nhà mình, làm rừng thì làm rừng, có học vẫn hơn.
    Cái Dùng xịu mặt xuống nhưng nó hiểu trong nhà này mẹ nó là người thông thái hơn cả, bôn ba quan hệ rộng, quán xuyến gia đình nên mẹ nó đã nói thế nào là phải theo thế ấy. Đến cả bố nó cũng không dám cãi lại nữa là nó. Nó lại nghĩ đến con Sính bên nhà bà Sằn  đi làm dưới thành phố mới có một năm mà bóng bẩy, trơn lông đỏ da. Hôm tết về làng xe con đưa  tận nhà, đi đôi giầy ủng đỏ..à..à.. gọi là bốt-đờ-sô, quần áo kiểu cách nó bảo là mốt thời thượng trông rõ oách, cứ như con nhà quý phái. Nghe nói nó còn đưa khối tiền cho bà Sằn để sắp sửa xây nhà. Nó bảo Dùng nếu thích nó sẽ giới thiệu việc làm cho, đi theo nó có khi lại còn oai hơn đi xuất khẩu lao động ấy chứ. Hôm nghe con Sính nói thế Dùng đã thấy sướng mê tơi nhưng lại sợ mẹ không dám nói. Nay nhân họp gia đình được phép phát biểu nó đâm ra mạnh dạn hơn:
- Hay là mẹ cho con đi theo con Sính bên nhà bà Sằn. Hôm nọ nó bảo con có muốn đi làm thì nó xin việc cho
- Nó làm cái gì mà xin được việc?
- Nó bảo nó đang làm thư ký cho tổng giám đốc một công ty giầy da, nếu con đi làm nó sẽ giới thiệu cho vào làm công nhân ở đấy.
- Lương tháng được bao nhiêu?
- Nó bảo hiện giờ nó được tám triệu một tháng không kể tiền thưởng. Còn đi làm công nhân thì phải mất ba tháng thử việc lương hai triệu đồng sau đó được vào chính thức sẽ có mức lương bốn triệu một tháng.
- Mẹ không tin. Bố mày có thấy con Sính không, tôi trông nó ăn mặc cứ như là con ca ve ý!
- Ca ve là thế nào, có mẹ ở rừng cổ hủ thì có, ở thành phố con gái bây giờ đứa nào nó chả ăn diện như thế!
- Thôi được, trước mắt cứ đi theo bố mày lên làm trại để từ từ xem thế nào đã, rồi sau hẵng hay
        Búi bương ở góc vườn chỉ trong một ngày đã được đẵn gọn gàng. Cũng là do Nhứng nghĩ ra cách bảo lão Bính sang nhờ cha con cậu Bình làm giúp rồi trừ vào cái khoản nợ gạo. Nhà Bình đang chả biết làm gì, có việc lại được nuôi cơm bữa trưa nên bố con phấn khởi lắm, hắn hỏi Nhứng:
-         Anh chị đẵn bương làm gì, bán à?
-         Có hơn chục cây bương thế này thì bán chác cái gì, chị cho đẵn để mang lên làm trại trên núi Thảng. Đẵn xong bố con nhà cậu phụ giúp ông Bính lên núi làm trại luôn.
-         Nhưng dựng trại để làm gì trên ấy?
-         Để phát rừng, trồng rừng mới
-         Ồ ! Nếu thế thì bố con em xin xung phong ở lại luôn trên ấy phát rừng cho anh chị, cả việc trông coi bảo vệ chăm sóc rừng, em cũng xin làm tuốt tuồn tuột, cốt có việc làm kiếm bát cơm ăn là tốt rồi.
      Nhứng không trả lời Bình vì việc ấy đã nằm trong trù liệu của Nhứng. Ừ, cậu nghĩ thế cũng phải, cứ chui lủi chặt trộm gỗ của công ty chẳng qua là cái sự bần cùng chứ ai muốn mãi thế. Ngày trước khi người ta giao đất đồi cho trồng rừng thì chả nhận, đến lúc người ta giao khoán bảo vệ rừng khoanh nuôi cũng chả chịu nhận chê là giá thuê bảo vệ ít, chỉ biết nhìn cái trước mắt thành ra nghèo khổ, thôi thì nó cũng có số cả chứ mấy ai được như nhà lão Mánh, đã giầu lại càng giầu thêm, hôm qua vừa được nhận tiền đền bù lô rừng tới mấy trăm triệu đồng, lão bảo thế là còn ít chứ dưới lô rừng của lão có cái mỏ gì đấy, nó thu hồi đền bù để khai thác mỏ, rồi đây xóm này sẽ được mở rộng đường, sẽ sầm uất như cụm thị tứ ngoài xã. Dưới đất lô rừng nhà lão Mánh có mỏ thì nhất định sẽ còn nhiều nơi có mỏ, biết đâu dưới lô rừng nhà mình nhận bảo vệ khoanh nuôi lại chẳng có mỏ. Mà nếu có thì cái sự đền bù cũng chả đáng là bao, nếu chuyển sang thành rừng trồng như nhà Mánh thì giá đền bù mới cao. Đúng là cứ phải nghe theo đội trưởng Hưng. Nhà mình làm trước rồi thì cả xóm sẽ làm theo, mà cả xóm làm thì chả ai bắt tội được, lại thêm cha con nhà Bình mấy lao động nữa thì sẽ nhanh, đội trưởng Hưng bảo là việc này làm càng nhanh càng tốt. Cứ thuê lao động, tiền khỏi phải lo, đội trưởng Hưng sẽ ứng trước, miễn sau này trồng rừng cho nó là được. Cứ miên man như thế, Nhứng hình dung ra cả một má đồi núi Thảng bạt ngàn xanh mướt tán lá rừng keo. Sau này, khi rừng được khai thác, Nhứng sẽ bàn với lão Mánh đánh hẳn một con đường để vận chuyển gỗ, mà con đường ấy thấm gì so với số lượng gỗ lấy ra từ núi Thảng, mỗi một mét khối gỗ khai thác chỉ cần bỏ ra mươi ngàn đồng thì có mà làm đường rải nhựa cũng được. Nhứng sẽ làm hẳn nhà lên núi ở còn dưới xóm sau này thằng Tiến lấy vợ thì sẽ xây cho nó một cái nhà. Nếu nó thi đỗ đại học lâm nghiệp thì học xong cứ về làm rừng của nhà, chính mình làm ông chủ việc gì phải đi làm thuê cho người khác, cứ nhìn gương nhà lão Mánh mà theo. Cái nhà lão này có học nên nó vẫn hơn người, nhìn trang trại nhà lão có khác gì một cái lâm trường nhỏ. Mỗi năm một tý, ai bán lão lại mua thêm đất, chả mấy chốc mà nó thành cái lâm trường thật. Dân ngu chỉ lo ăn sổi trước mắt, nhiều nhà có đất lại đem bán đi được mấy đồng tiền tung tẩy lo sửa sang nhà cửa rồi đua nhau mua xe máy lại mất thêm tiền mua xăng để chạy chơi. Kể thì trông cũng oai thật nhưng rồi lại lo đi làm thuê để kiếm sống, mà lớ ngớ khối đứa còn bị tai nạn giao thông, hỏng cả xe hỏng cả người nữa cơ chứ.
      Cuối năm ấy, cả một mảng đồi núi Thảng chỉ trong một thời gian ngắn dân xóm Thính đã phát dọn trắng. Kiểm lâm phát hiện, đình chỉ nhưng rốt cuộc cũng chỉ là nộp phạt rồi cho trồng rừng lại. Để có tiền tiếp tục cho dân vay lo nộp phạt, Nhứng sang đội suối Thúc hỏi, Hưng bảo không có, bây giờ công ty không có tiền cho vay nữa.
- Sao bảo cứ tạm ứng sau này sẽ ký hợp đồng liên doanh?
- Đúng là sẽ ký hợp đồng liên doanh nhưng là trên đất đai có thủ tục rõ ràng. Bây giờ các cơ quan pháp luật họ đang điều tra, chả ai dại gì lại chui đầu vào rọ.
- Thế thì chúng tôi biết làm thế nào bây giờ?
- Thì tôi cũng đã trình bày với giám đốc, nhưng ông ấy không nghe. Ông ấy bảo cứ đi vay tạm ở đâu về nộp phạt cho ổn đi rồi ông ấy sẽ ký hợp đồng. Ký được hợp đồng thì mới có cơ sở cho vay.
- Có cái bìa đỏ để thế chấp thì các ông giữ rồi còn biết vay ở đâu? Không có tiền nộp phạt không khéo họ ra quyết định thu hồi đất thì mất hết.
- Nếu không có cái bìa đỏ ấy thì cũng chả ai dám cho dân vay. Bây giờ chị về bảo dân ai có tiền thì tự lo, còn không thì làm giấy bán cho anh em công ty vừa trả được nợ lại vừa có tiền làm việc khác.
- Thế là các ông lừa dân mà mồm thì cứ xoen xoét là lo cho dân.
- Chị này ăn nói hàm hồ thật. Ai lừa nhà các chị? Dân bí tiền tự nguyện đến xin vay chứ cứ như nhà lão Mánh đấy, có ai ép buộc phải vay đâu, lại cho vay bằng lãi suất tiền vay ngân hàng chứ có lấy hơn tẹo nào, không ơn thì thôi lại còn trách.
- Thế bán thì bây giờ được bao nhiêu tiền một héc ta?
- Năm triệu!
- Năm triệu! Người ta đang bán hai mươi triệu một héc ta kia kìa!
- Đấy là họ có bìa đất trống làm trang trại. Còn cái bìa này mua năm triệu cũng là mua liều, mà nói thật chỉ có anh em trong công ty, tôi vận động họ tin tưởng mới dám mua chứ tôi đố đấy. Bán được cho ai hơn giá thì cứ bán. Chỉ có điều phải mang tiền đến trả cả gốc lẫn lãi thì tôi mới trả lại bìa đỏ.
   Dân xóm Thính chẳng cần tính toán gì nhiều. Thực ra cũng có mất gì đâu, ngày trước được nhận cái bìa đất ấy cũng là tự nhiên mà có, ai đồng ý nhận bao nhiêu thì họ cấp cho bấy nhiêu. Bây giờ họ lấy lại bìa nhưng mình lại được một cục tiền thế mà chả tốt à. Đúng là chẳng bán cho anh em công ty lâm nghiệp thì cũng chẳng ai mua. Có mỗi nhà lão Mánh mua giá cao hơn được tí tẹo nhưng cũng chỉ có đủ tiền mua được hai chục héc ta. Thế là bao nhiêu cái bìa đỏ của dân xóm Thính được cấp trên núi Thảng mang đến thế chấp để vay tiền của các hộ, Hưng đều mua được cả. Phần lớn chẳng ai phàn nàn gì nhiều, có người lại còn mang cả những tấm bìa đỏ mới đến gạ bán. Duy chỉ có Nhứng phải mất mấy ngày trời nằm lì luôn lại cái lán trên núi Thảng không về làng.
 Sinh ra bên xã Trung Lâm ở gần phố huyện, học xong phổ thông thi đại học không đỗ, Nhứng được bố mẹ cho đi học trung cấp lâm nghiệp, ra trường được phân công về lâm trường ở ngay huyện nhà công tác, Nhứng làm kỹ thuật ở một đội và được phân công phụ trách công tác gieo ươm. Bấy giờ lâm trường lớn lắm, toàn huyện chỉ có một lâm trường, mỗi đội sản xuất có hàng trăm công nhân vừa trồng rừng mới vừa khai thác gỗ, nứa rừng tự nhiên. Vườn ươm của Nhứng ở ngoài bìa suối có một cái nhà gỗ lợp lá năm gian, một nửa để mấy chị em công nhân ở, một nửa dùng để các vật dụng phục vụ sản xuất vườn ươm. Nhứng trẻ, đẹp lại hát hay. Những buổi liên hoan văn nghệ của lâm trường không thể không có giọng hát của Nhứng, mà ngày ấy, những buổi liên hoan hội diễn văn nghệ sao mà người ta tổ chức lắm thế, sơ kết, tổng kết sáu tháng một lần đã đành, lại còn các đại hội Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ… hễ cứ có việc họp hành là người ta tổ chức liên hoan văn nghệ, văn nghệ trên lâm trường đã đành, các đội cũng tổ chức các tối văn nghệ. Vậy là việc tập tành những bài hát mới, rồi khớp nhạc với các loại đàn, sáo, nhị đệm cũng phải làm thường xuyên. Giọng hát của Nhứng thường rất ăn nhịp với điệu đàn Guita của Linh Phó phòng Kế toán Tài vụ lâm trường. Những lần chuẩn bị cho liên hoan hội diễn, buổi tối Linh thường xuyên đạp xe từ văn phòng bộ lâm trường xuống đội để tập bài hát mới, chị em công nhân cũng xúm xít cùng phụ họa, nhưng hôm nào ngoài phố huyện có chiếu phim thì chị em đi xem hết chỉ còn lại hai người bập bùng đàn hát luyện tập… “ …Vườn ươm xanh xanh, chồi non lên nhanh, mầu xanh chen mầu tím, cây cứ lớn từng ngày… ” Cứ thế, tình cảm của Nhứng và Linh cũng như những chồi non xanh xanh tím tím bật lớn từng ngày, và rồi có ngày nó bật tung thành cái bụng lùm lùm của Nhứng. Đến khi ấy thì Linh bỗng được điều động công tác đi đâu mất tăm mất dạng không làm sao lần tìm ra địa chỉ. Té ra anh chàng cũng là loại “Sở Khanh” nhưng có lẽ  là “con ông cháu cha” dựa vào thế lực của gia đình để đánh bài chuồn. Cái tình của nó đối với mình như thế thì dẫu có tìm ra cũng vô ích. Thôi thì người xưa đã có câu “hồng nhan bạc phận”. Cái số của Nhứng nó thế thì Nhứng đành chịu chứ đổ được cho ai. Nhứng đành quài bừa lấy Bính lúc bấy giờ đang là công nhân khai thác gỗ ở cùng đội để tránh bị kỷ luật và khỏi bẽ mặt cha mẹ với họ hàng làng xóm. Lấy được vợ xinh đẹp, Bính cũng tự hào lắm. Nhưng từ khi có con Dùng, đời sống khó khăn hơn lại còn bị lời ong tiếng ve là “tò vò mà nuôi con nhện” Bính đâm ra phẫn chí, chẳng có cớ gì để sinh sự với vợ con thì trút tâm sự vào nút chai rượu. Đã khốn lại khổ, gia đình ngày càng sa sút. Vốn dĩ là người nhanh nhạy, Nhứng bàn với bố mẹ Bính xin nghỉ việc một lần, hai vợ chồng về quê cùng ông bà dựa vào núi rừng, vườn tược để sinh sống. Một mặt ông bà đã cao tuổi, anh cả  hy sinh là liệt sĩ, chị gái đi lấy chồng xa chỉ còn có một mình Bính về để tiện chăm sóc ông bà, một mặt cũng là để thoát khỏi những lời bóng gió kích động khủng bố tinh thần Bính của người đời. Về quê đúng vào dịp người ta vận động nhận đất phát động phong trào phủ xanh đất trống đồi trọc, Nhứng muốn nhận lắm nhưng lại bị Bính gàn đành phải nhịn để chiều lòng Bính, vào hoàn cảnh lúc ấy chứ giá như bây giờ thì ý kiến của lão Bính chả là cái quái gì. Thế nên mới  tiếc, rõ là nghĩ được mà không làm được. Bây giờ cơ hội có được mấy chục héc ta đất rừng tưởng như đã cầm chắc lại bị tuột khỏi tay. Nhứng đi ra đi vào thẫn thờ ngắm cả một vạt đồi đã được xử lý xong thực bì. Chỉ hai tháng nữa thôi, những hàng cây non thẳng tắp sẽ rời vườn ươm tha hồ đón nhận ánh sáng mặt trời để đua nhau xòe lá vươn mầm xanh biếc. Nhứng bỗng bâng khuâng nhớ tiếc cái thời còn là thiếu niên, rừng núi bấy giờ sao mà hùng vĩ, cây cối rợp bóng xanh đen, nứa vầu ngút ngàn tít tắp, chỉ cần sách cái ớp chạy lên đồi sau nhà mươi phút là đã có đầy một ớp măng giang măng nứa, ngay cả khi đã có con Dùng, nghỉ làm việc ở lâm trường về nhà chồng thì lúc ấy rừng cũng vẫn còn  là rừng nguyên sinh, lấy măng lấy nứa, đẵn gỗ làm nhà tha hồ, chẳng cần có kiểm Lâm tuần tra canh gác mà rừng vẫn cứ  là rừng, nước suối trong veo, mùa hè thoải mái cởi hết quần áo đằm mình tắm mát mà chẳng sợ ai nhòm. Ấy vậy mà bây giờ xác xơ toàn chè vè lau sậy, cả vùng còn mỗi cây nhội đứng chơ vơ, chẳng qua là họ sợ cây thiêng không dám chặt thì cũng mới còn đến ngày nay. Chả là nơi ấy  giặc Pháp hành hình hai người rồi chôn ngay dưới gốc cây, trong đó có cụ Trùm Mun là ông nội chồng Nhứng. Ngày ấy cụ là Lý trưởng của làng nhưng nhà cụ lại là cơ sở bí mật của tổ Đảng, cụ đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng của địch cho tổ Đảng kịp thời ứng phó, trong đó có việc nhờ tin mật báo của cụ về việc địch chuyển vũ khí cho lực lượng trương tuần xã mà phía ta đã bố trí chặn đường thu được ba khẩu súng của giặc. Thành tích cuối cùng và cũng là một công trạng lớn lao là cụ đã nhanh trí kìm chân kẻ địch đồng thời thông báo kịp thời kế hoạch vây úm cuộc họp tổ Đảng giải thoát được  ba đồng chí đảng viên  không bị địch bắt. Sau vụ việc ấy, địch nghi ngờ cài mật thám theo dõi và không may cho cụ, tên chỉ điểm là gã thợ sắt đến khoan nòng để làm súng kíp cho cụ đã phát hiện và báo cho địch biết khi cụ đang tiếp xúc với một cán bộ của tổ Đảng. Cụ và người cán bộ bị chúng bất ngờ vây bắt. Sau nửa tháng tra vấn không moi thêm được tài liệu gì, chúng đem cụ cùng đồng chí cán bộ về hành hình tại gốc cây nhội. Và cái tên Đồi Cây Nhội được dân làng gọi từ bấy giờ.
  Chỉ mấy hôm trước, trên sườn núi Thảng này, người dân xóm Thính còn làm việc đông vui, nay vắng bóng cả. Ngay như cái lán này cũng chỉ có một mình Nhứng, mà có ở đây cũng chả để làm gì. Lão Bính thì về nhà đi bốc gỗ thuê còn bố con nhà Bình quay về xóm lại làm nghề chặt trộm gỗ. Bao nhiêu ước vọng, dự định của Nhứng về cái trang trại xanh đã bị tan chảy đỏ như luồng nước rửa quặng trên dòng suối Thúc.

(còn nữa)
 
Mời bạn đọc xem tiếp các chương khác ở đây:

http://clbvanchuong.com/xuyen-qua-canh-rung-b71.html

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 28
Trong tuần: 552
Lượt truy cập: 444815
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.