Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TÌNH ĐẤT BIÊN CƯƠNG

Đặng Văn Hương

TÌNH ĐẤT BIÊN CƯƠNG

          Cấp trên điều động đơn vị Thành tăng cường lên giữ chốt. Thành sắp xếp quân tư trang, quần áo cá nhân, chuẩn bị chu đáo để sáng mai hành quân. Thành nhận được thư của Ngọc Linh, có đoạn viết: "Gặp nhau giữa lúc bất ngờ, hiểu nhau thì đã đến giờ chia tay... Em coi anh như một người anh trai trong gia đình và em thật sự mong rằng, anh coi em như là một đứa em gái của anh. Như vậy được không anh? Em không biết nói gì đây, viết gì đây cho anh hiểu hết tình cảm của em. Em muốn viết nhiều nhưng lại khó viết, em muốn nói nhiều nhưng lại khó nói. Anh thông cảm và hiểu cho em nhé... Rồi mai đây, anh có đi đến mảnh đất xa xôi nào của Tổ quốc, anh hãy nhớ đến em và luôn ghi thư về thăm em. Mỗi lá thư nhỏ của anh cũng là nguồn động viên em học tập cố gắng hơn. Anh Thành ơi "Xa nhau tình cảm dạt dào. Người xa nhưng tấm lòng đào không xa. Một năm đẹp nhất mùa xuân. Tuổi xuân đẹp nhất tòng quân diệt thù". Mong sao thời gian luôn trôi đi… nhưng tình cảm anh em mình ngày càng sâu đậm hơn, anh nhé! Em gái Ngọc Linh. T/b: Em viết thư trong lúc chờ đợi xe khách đi Bản Giốc nên chữ xấu, anh thông cảm cho em. Địa chỉ của em là…". Thành nhớ lại chuyến về phép vừa qua với nhiều điều suy tư. 

*

Thành được đơn vị cho về phép vào dịp Tết Canh Thân (1980), gia đình dự kiến tổ chức lễ ăn hỏi cô Nam vào ngày mùng sáu Tết. Nhưng ngày mùng hai Tết, Thành nhận được điện báo khẩn, trở về đơn vị ngay nhận nhiệm vụ đặc biệt. Mặc dù nhiều người can ngăn, khuyên bảo là tổ chức lễ ăn hỏi xong hãy đi nhưng Thành quyết định phải lên đơn vị, vả lại tình cảm của Thành với cô Nam cũng chưa sâu đậm.

          Thành có mặt ở ga Phú Thọ từ sáng sớm, tàu từ Lào Cai về rất đông hành khách, nhiều người nằm, ngồi cả trên nóc tàu. Thành trèo lên và ngồi trên nóc tàu thấy chóng mặt, nguy hiểm, nằm ẹp xuống thì tạm được. Tàu dài như con giun khổng lồ, chạy ì ạch chậm như con sên bò, có thể do quá tải. Tàu đỗ rất lâu ở ga Việt Trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên nhường đường cho những đoàn tàu quân sự chở xe tăng, pháo, hàng hóa quốc phòng ngược lên biên giới phía Bắc. Thành nhìn đồi núi nhấp nhô dọc đường, người đông như đàn kiến đang đào hầm hào, công sự chuẩn bị bắn tàu bay địch và bọn xâm lược nhảy dù. Cuộc chiến đã lan rộng ra toàn quốc, người dân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. screenshot_1309

          Chiều tối, Thành xuống ga Đông Anh đón tàu ngược Thái Nguyên cũng muộn giờ. Tàu chật ních người, Thành leo lên chỗ tiếp giáp giữa hai toa, không dám nằm trên nóc tàu nữa vì đêm đông rét lạnh. Tàu dừng đỗ rất lâu ở ga Phổ Yên, Lưu Xá để nhường đường cho những đoàn tàu quân sự. Tàu đến ga Thái Nguyên là bảy giờ sáng, những đoàn lính tấp nập hành quân lên biên giới. Thành vào đăng ký vé và chụp dấu xác nhận của Trạm quân đội, khẳng định là Thành đã có mặt đúng thời gian. Vì xe khách chỉ nhận 3-5 lính trong một chuyến, sau Tết lính ngược biên giới Cao Bằng quá đông nên Thành không thể đi ngay được.Vì lo không kịp thời gian nên Thành nhanh chóng ra quốc lộ 3, ở ngã ba Mỏ Bạch để bắt xe tải lên Cao Bằng. Rất nhiều người cũng bắt xe, có một cô gái trẻ, khá xinh, hỏi Thành: "Cho em cùng vẫy xe với anh nhé?". "Có gì mà cho, hai ta cùng vẫy xe". Hai người vẫy mỏi tay mà chưa được xe nào. May sao có anh lái xe tải Zin, ca bin rộng cho hai người đi nhờ. Anh Xán (tên người lái xe), gần 40 tuổi, người to lớn, rất khỏe, da ngăm ngăm đen, nhanh nhẹn nhiệt tình mở cửa ca bin, bảo em gái ngồi giữa hai người đàn ông. Thông thường mỗi xe chở hàng đường xa, phải có lái chính và lái phụ, xe anh Xán chỉ có một mình, thật là người "hảo hán". Xe chạy nhanh, an toàn và qua thị xã Bắc Cạn thì trời sắp tối. Tiếp tục chạy, anh Xán thi thoảng liếc mắt trìu mến nhìn cô gái, có lúc vào cua hẹp, phanh gấp, làm cô gái đổ nghiêng người về anh lái xe. Thành ngồi sát cô gái, hương vị cơ thể thiếu nữ tuổi xuân thì thoang thoảng qua. Thành dễ chịu, lâng lâng. 

          Trời tối đen như mực, giữa núi rừng hoang vắng thì hỏng xe. Chết cha rồi! Anh Xán xuống sửa gì đó một lúc là xong. Lại tiếp tục đi... gần đèo Giàng dài ngoằn ngoèo khó đi, đột nhiên xe chết máy, phải dừng xe nép vào vệ đường. Anh Xán xuống sửa không được và bảo: "Xuống xe, mang hành lý vào lán này ngủ lại, sáng mai sửa được thì đi". Ba người vào một quán bán hàng bên đường, có một chiếc bàn nhỏ hẹp, ban ngày người dân ở đây vẫn bán mấy nải chuối, đu đủ, củ khoai, củ sắn... Anh Xán phân công: "Ưu tiên em gái ngủ trên bàn, còn hai thằng đàn ông ngủ đất". Hợp lý, anh lái xe tốt thật. - Thành nghĩ.  

          Khuya, rừng núi tối đen như mực, gió vù vù, tàu lá chuối bay phần phật, mưa nặng hạt, rét lạnh. Cô gái nằm im, thi thoảng ho khan, chắc là bị lạnh. Anh Xán ngáy to như tàu hỏa leo dốc. Chắc là lái xe cả ngày mệt mỏi, quen với gian lao nên anh ngủ ngon hay là giả vờ ngủ say?! Thành nằm cho đỡ mỏi lưng, không sao ngủ được. Thành giả vờ ngáy to (sao lại giả vờ ngáy to - bây giờ Thành cũng không thể nào hiểu được điều đó). Thành thấy anh Xán nhỏm dậy, nhẹ nhàng, khéo léo như con mèo rình mò bắt chuột, rón rén bò qua phía chân anh, vì Thành nằm giữa hai người. Chắc anh Xán đi tiểu tiện đêm? - Thành nghĩ thế.

          - Ối, cứu em! Cứu em với! - Cô gái kêu thất thanh.

Hai người vật lộn nhau nhưng bàn không sập đổ vì bốn chân của nó được chôn sâu dưới đất!

          - Dừng lại! Muốn ăn lựu đạn không? - Thành hét như sư tử gầm.

          Xán vội vàng ôm hành lý của mình lên xe, nổ máy chạy mất hút trong đêm tối đen đặc quánh như hắc ín! Liều quá! Hóa ra, xe không hỏng, bài của anh Xán là "muốn" cô gái xinh đẹp này. 

          Lúc này, cô gái ngồi gần Thành mà người run cầm cập như bị sốt rét ác tính. Thành chùm áo bông lính lên người cô. Cô gái hoàn hồn, bình tâm trở lại và ngạc nhiên hỏi: "Lựu đạn của anh để đâu rồi, liệu có an toàn không?". "Lựu đạn nào? -Thành cũng bất ngờ hỏi lại". "Lúc nãy anh hét... lựu đạn nổ mà!". "À… anh dọa thằng dê đó thôi!". "Giàng ơi! Sao mà anh thông minh thế!".

      Trời tối, không nhìn thấy khuôn mặt cô gái nhưng nghe giọng nói là Thành nhận thấy cô gái rất vui. Lúc hai người gặp nhau ở Thái Nguyên, rồi lên xe chưa kịp hỏi gì, có anh Xán càng không nói chuyện được. Bây giờ còn hai người, tha hồ, tự do nói chuyện. Cô gái nhỏ nhẹ tự giới thiệu:

- Em là Ngọc Sáng Lung Linh. Còn anh tên là gì, anh kể về bản thân cho em nghe được không?

- Họ tên em đẹp quá. Anh là Nguyễn Kim Thành, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, làm nghề dạy học và đi lính hơn một năm rồi. Hiện anh đóng quân tại thị xã Cao Bằng.

- Ông ngoại em là thầy đồ nho, đặt tên cho em. Em đang học năm thứ hai, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Quê em ở gần thác Bản Giốc, cách thị xã Cao Bằng là một ngày đi xe khách. Sau Tết em mới về vì nhà em có việc đặc biệt. 

          - Xa quá! Em về đến thị xã Cao Bằng, có khi phải ngủ lại, chờ đợi có xe mới về nhà được? Vất vả, xa xôi, khó khăn... mà em vẫn vượt qua để đi học? - Thành chia sẻ.

          - Anh nói rất đúng. Quê em nghèo, chưa chú trọng đến việc học, hết cấp 2 là ở nhà, học cấp 3 càng ít, số người học cao hơn... thì đếm trên đầu ngón tay.     

- Anh tò mò chút, nhà em có mấy người? Bố mẹ làm gì?

- Nhà em... trước đây đông người lắm… - Ngọc Linh ngập ngừng nói - … chín người: ông, bà, bố, mẹ và năm người con, ba trai, hai gái. Quê anh ở đâu? Gia đình anh thế nào?

Sau khi nghe Thành nói sơ qua về hoàn cảnh gia đình và bản thân, Ngọc Linh khen:

- Gia đình anh ở thị xã Phú Thọ, vùng nông thôn kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mà bốn anh chị em đều học giỏi, nhất là anh đã tốt nghiệp đại học. Học cao đẳng, em thấy có nhiều môn học khó quá, nhất là môn toán cao cấp, môn chính trị.

- Đúng như thế. Sao em không thi vào trường cao đẳng, đại học ở khu vực Thái Nguyên cho việc đi lại bớt khó khăn?

- Câu chuyện của em dài lắm. Có một lý do chính là: em muốn sống ở Hà Nội xem sao? Mình học được gì ở Thủ đô?

- Ôi, em có suy nghĩ cao cả thế. Biết đâu, học xong em lại công tác ở Hà Nội thì tuyệt vời! - Thành khen.

          Nói chuyện về quê hương, học hành và bạn bè... thời gian như ngắn lại. Bắt đầu nghe thấy tiếng gà gáy ở bản gần đây, trời sáng dần. Ngẫu nhiên, bất ngờ, nguy hiểm và trở thành đôi bạn rất tình cảm. Đêm tối, đường dốc, đèo núi ngoằn ngoèo, cua gấp nên ít xe chạy. Hai người tiếp tục bắt xe để đi tiếp lên Cao Bằng. Nhiều xe chạy qua từ chối, có thể ca bin chật hoặc chở hàng quân sự bí mật. Gió vù vù, mưa nặng hạt, lạnh buốt, đôi bạn kiên trì vẫy xe và được một anh lái xe cho đi nhờ. Bác tài tò mò "Sao lại ngủ ở đây? Chắc là tranh thủ đêm tân hôn, lãng mạn quá!". Linh ngả đầu vào vai Thành, xe lắc lư ru ngủ, làn tóc mơn trớn qua mặt anh, ngất ngây mùi hương con gái. Đến thị xã Cao Bằng, cảm ơn bác tài, đôi bạn chia tay ngay để Thành kịp về đơn vị và Linh kịp mua vé về Bản Giốc. Linh mắt ướt lệ, xúc động: "Cảm ơn anh, người lính mang tâm hồn nhà giáo, không có anh thì đời con gái em đã hết. Em tặng anh tấm hình này và xin nhận là em gái của anh". Thành cảm động, nắm chặt tay Ngọc Linh. Chia tay, mỗi người đi về một hướng nhưng thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn nhau, luyến tiếc và mong sao có lần gặp lại. 

                                                         *

Sau một ngày chạy xe, đơn vị Thành đã tập kết tại khu vực gần thác Bản Giốc. Khuya. Bọn xâm lược tấn công chiếm chốt, pháo nổ, đạn bắn man rợ thét gào, cháy đỏ xé toang màn đêm đen tối. Loạt đạn pháo trút xuống hầm làm Thành bị đất đá chôn vùi, ngất xỉu. Được cứu chữa kịp thời, Thành tỉnh lại, đau đớn, đầu óc ù ù, ong ong như có tiếng dế kêu. Thành nghe tiếng pháo gầm, đạn réo vọng đến, loáng thoáng nhẹ nhàng giọng nói gái Tày, âm điệu quen quen: "Dậy uống thuốc anh Thành. Thuốc lá mế em vừa sắc xong". Thành từ từ hé mắt, ánh sáng chiếu vào đủ cho anh nhận ra khuôn mặt quen thuộc: "Ngọc Linh, sao em lại ở đây? Sao lại thế này!?"."Anh cứ uống thuốc đi đã, cho khỏi đau đầu, tức ngực". Bữa trưa Thành ăn cháo với một chút rượu ngâm con ong vò vẽ, được Ngọc Linh bón cho từng thìa nhỏ. Sau vài ngày, thuốc ngấm vào ruột gan máu thịt làm Thành cảm thấy dễ chịu, giảm bớt đau tức. Lãnh đạo đơn vị mang quà đến thăm Thành và cảm ơn gia đình: "Hiện trạm xá quân dân y quá tải, hết giường, chỉ điều trị thương binh nặng, còn phải nhờ dân bản giúp những người bị thương nhẹ". Mấy ngày đầu mế lau rửa người Thành sạch sẽ, Ngọc Linh giặt quần áo và bón cháo, thuốc cho anh.

Ngọc Linh về nhà, chiến sự đang xảy ra trên chốt nên xung phong tham gia công tác cứu thương, cáng khiêngThành đang hôn mê – đúng là duyên phận cho Ngọc Linh gặp anh. Biết Thành bị sức ép của đạn pháo địch, Ngọc Linh xin nhận, đưa Thành về nhà chữa bằng thuốc nam, bài thuốc gia truyền của ông bà. Mẹ Ngọc Linh biết chuyện hỏng xe ngang đường và được Thành giúp đỡ, bảo vệ con gái mình nên yêu quý anh như ân nhân, con đẻ của mế. Sau vài ngày, Thành cảm thấy dễ chịu, giảm bớt đau đầu, tức ngực. Anh ngồi dậy, quan sát căn nhà sàn khá rộng rãi. Sao vắng vẻ thế?! Ông, bà, bố, anh chị em của Linh đi làm hay ở đâu? Ngước mắt nhìn ban thờ, Thành nhói đau tim, khi thấy khói hương bốc lên nghi ngút trùm khắp mấy bát nhang còn mới. Thành nói như khóc: "Con xin chia buồn sâu sắc với mế và em Linh về tổn thất quá lớn của gia đình. Con xin cảm ơn mế đã chăm sóc con như con đẻ vậy". Mế mắt nhoè lệ, tắc nghẹn, bật ra từng tiếng nấc: "Năm ngoái, chỉ có một đêm bọn xâm lược đã giết hại bảy người, mế ngủ trên nương và Linh học ở Hà Nội nên sống sót". Thành đau như cắt từng khúc ruột. Linh nước mắt chảy dòng dòng trên vạt áo chàm, nỗi đau thương tột cùng! ... Có lần Linh hỏi: "Sao anh lại hô lựu đạn nổ? ... Sao mình không ôm hôn nhau và sao mà nghiêm túc, trong sáng, đến như thế?". Thành mỉm cười, mắt trìu mến nhìn Linh: "Trái tim và tình yêu người lính với tâm hồn nhà giáo đã làm được điều kỳ diệu đó". Rồi hai mái đầu chụm lại, đôi bạn trao nhau nụ hôn nồng cháy của tình yêu đôi mươi.

 

Cúng giỗ xong, Linh về Hà Nội tiếp tục công việc học tập. Đơn vị Thành hoàn thành tốt nhiệm vụ, được trở về thị xã Cao Bằng, còn anh xin ở lại giữ chốt, thường xuyên thăm mế, làm giúp vài việc và thắp hương tưởng nhớ những người thân yêu vừa mất. Thành nghe mế kể: "Hưởng ứng lời kêu gọi của Cụ Hồ, toàn dân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh, sau chiến dịch biên giới năm 1950, bố mẹ mế nhận nuôi, chăm sóc thương binh Nguyễn Văn Quyết tại nhà. Khi đó mế gần 20 tuổi, hàng ngày giúp bố mẹ chăm sóc anh Quyết. Tình yêu nảy nở, anh Quyết kết hôn với mế, trở thành con rể và phục viên sinh sống ở đây, xây dựng một gia đình đầm ấm". Thành hỏi: "Sao em Linh có họ là Ngọc, theo họ của mế?". Mế cười nói: "À, con cháu mang họ Ngọc, họ mế người Tày, để được hưởng chính sách ưu tiên người dân tộc thiểu số của nhà nước. Con quê Vĩnh Phú có gần Đền Hùng, quê chồng mế không lố?". Thành sung sướng gặp được người quê mình: "Con gần đó mế ạ". Mế nhìn Thành như người mẹ nhìn con: "Bây giờ mế được nhận nuôi, chăm sóc con khỏi bệnh và mong sao con là con rể của mế".

Thành nhận được thư bố, thông báo cô Nam đã lấy chồng. Chồng cô Nam đi lao động ở nước ngoài về, giàu có. Thành cảm thấy nhẹ lòng vì tình cảm với Nam chưa sâu nặng và không thể lấy vợ mà chưa có tình yêu. Hơn nữa Ngọc Linh cùng mế, bà con bản này đang lôi cuốn Thành như nam châm hút sắt. Thành gửi thư cho bố mẹ, kể về cuộc chiến đấu ở chốt, bị thương ngất đi, được mế Linh cứu chữa, tình cảm như gia đình mình. Hàng tháng Ngọc Linh gửi thư thăm mẹ, đều dành riêng cho Thành một tình cảm đặc biệt như anh trai. Thành gửi thư cho Ngọc Linh "Em cố gắng học tốt, an tâm, ở nhà đã có anh chăm lo, giúp đỡ mẹ". Có lần Thành tâm sự "Hết nghĩa vụ anh ra quân, xin dạy học tại quê em". Ngọc Linh đáp lại "Tốt nghiệp ra trường, em xin về quê dạy học môn âm nhạc để chúng mình gần nhau". 

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự và vì thính giác bị tổn thương khá nặng nên Thành không thể tiếp tục đi học sĩ quan. Thành xin về Bản Giốc dạy học với hành trang là ba lô bạc màu chiến trận, vài bộ quân phục sờn úa và đôi dép cao su.Ngôi trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, lớp học, bàn ghế, sách vở... nhưng giàu tình cảm thầy trò, tình đồng nghiệp. Hàng ngày Thành ăn ở tại nhà mế Ngọc Linh. Thành đến trường trong sự tiếp đón nhiệt tình của giáo viên, học sinh. Về kiến thức mấy môn toán, lý, hóa… Thành an tâm, chỉ băn khoăn, suy nghĩ thêm về phương pháp dạy học sao cho phù hợp với trình độ nhận thức của các em, người dân tộc thiểu số. Sau những giờ lên lớp là tiếng khen đây đó: "Thầy Thành phong độ, đẹp trai, có trình độ đại học về đây dạy học, thật là tốt cho con em địa phương", "Đất lành chim đậu, chắc là yêu cô giáo nào trường ta? À, biết rồi! Yêu cô Ngọc Linh xinh đẹp". Có tiếng ai đó ngân nga: "Cao Bằng gạo trắng nước trong. Anh lên đến đó lòng không muốn về".

          Hè, Ngọc Linh viết thư cho mẹ, cho Thành"Con không về thăm mẹ cùng anh Thành vì sinh viên phải học bù thời gian nhập học muộn". Tết Nguyên đán, Ngọc Linh viết" Thời gian nghỉ ít ngày, một thân con gái dặm trường, đêm hôm rét lạnh và tàu xe cực kỳ khó khăn nên con ở lại ăn Tết với bạn bè ở Thủ đô". Trong trường có tiếng thì thầm "Cô Ngọc Linh xinh đẹp, hát hay, đàn giỏi, chắc là có người yêu Hà Nội, nhà mặt phố, bố làm quan". Thành cũng bất an, biết đâu lại là như vậy? Thôi thì, tương lai đang chờ phía trước…

*

          Được nghỉ hè, anh giáo Thành về Hà Nội, gặp Ngọc Linh khoe: "Em tốt nghiệp loại giỏi, được trường dự kiến giữ lại làm giảng viên dạy đàn Tính, hát Then tiếng Tày. Lãnh đạo trường cũng tạo điều kiện để em đưa mẹ về sinh sống cùng trong khu tập thể trường". Thành nói uể oải: "Em ở Hà Nội thanh bình, tránh xa nơi bom đạn chiến tranh là mong muốn của nhiều người. Anh chúc mừng em". Ngọc Linh ngạc nhiên, bùng lên: "Sao lại chúc mừng, anh muốn em ở Hà Nội à? Hay là anh có noọng nào ở Bản Giốc rồi?". Thành sực nhớ ra, mình đang ở với mế Linh và nói như xoa dịu: "Anh có noọng này, gái Bản Giốc chính hiệu". Linh hạ nhiệt, nũng nịu: "Em quyết định rồi, em xin về quê dạy học, được sống gần anh, giúp đỡ mẹ và thắp hương gia tiên, chăm sóc mồ mả ông cha, tiên tổ".

          Hôm sau, Thành cùng Linh về thị xã Phú Thọ thăm gia đình. Họ Nguyễn phấn khởi đón người con đi lính trở về an bình cùng người yêu xinh đẹp nơi địa đầu Tổ quốc. Mọi người trầm trồ: "Ngọc Linh dáng người cao đẹp, mặc quần áo chàm người Tày mộc mạc rất đẹp. Nữ sinh trường nghệ thuật có khác, da trắng hồng, khuôn mặt phúc hậu, nụ cười tươi xinh". Mẹ Thành to nhỏ xót xa: "Có hơn một năm trời mà Thành đen gầy nhưng mạnh khỏe, chững chạc". Đôi bạn báo cáo gia đình xin phép kết hôn và sinh sống lâu dài trên Bản Giốc. Trong làng nhiều người ong ve, bóng gió: "Quê mình thanh bình, nhà cửa đủ đầy không thích. Thành lại muốn sống nơi bom rơi, đạn nổ chết người, lạ thật! Người ta tránh nắng cầu râm. Đằng này, ngược lại. Hay là Thành bị bùa mê, thuốc lú rồi, người dân tộc giỏi món này lắm. Gái quê xinh đẹp thiếu gì. Có trời mà biết!". Chỉ có Thành biết, Linh biết và bố mẹ biết. Đúng là Thành bị "bùa mê" bởi tình yêu với Ngọc Linh, bởi tình cảm với mế, bởi mảnh đất biên cương Tổ quốc cùng nhà trường, bầy em thơ thân yêu đang mong chờ Thành - nhà giáo mang tinh thần, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ.

 Họ Nguyễn cử người đại diện cùng bố mẹ Thành lên miền biên cương Bản Giốc tổ chức lễ thành hôn Thành với Linh. Những năm sau, căn nhà sàn ngập tràn tiếng cười nói của đàn con mang dòng máu Kinh - Tày của họ Nguyễn với họ Ngọc. Chàng trai Đất Tổ sánh vai cùng cô giáo Ngọc Linh rảo bước dưới thác nước Bản Giốc, vùng biên cương Tổ quốc chói chang nắng vàng.

 

Đ.V. H

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 88
Trong tuần: 660
Lượt truy cập: 425349
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.