Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TIẾNG CHIM QUỐC

Nhật Hồng
 
TIẾNG CHIM QUỐC
 
          “Quốc! Quốc! Quốc!”
Nó kêu tới chết mới thôi!
          - Tại sao ông biết? -Châu hỏi.
          - Biết chớ! Năm đó, bác bẫy được một con đực, thấy nó có bộ cánh đẹp nên nhốt vô lồng. Đêm ấy, con còn lại kêu rỉ rả sáng đêm. Hôm sau, con cái mắc bẫy cũng gần nơi con đực mắc bẫy vừa rồi. Con cái nếu như không gặp được người bạn đời, nó lang thang tìm gọi tới chết! Tội nghiệp loài chim thủy chung với nhau…
          Ông Hai săm soi cái lồng chim, vừa nói với con chim: “Ăn uống đi mày! Đêm nay tao đi kiếm người bạn đời về ở chung cho vui nghen!” Đoạn ông gài cái chốt cửa lồng chim thật cẩn thận trước khi đi vô nhà. Ông nói với Châu! “Đêm nay có rảnh đi với ông một lần cho biết!”
Đêm không trăng, ông Hai lò mò cắn cây sào để căng tấm lưới và ông buộc lưới một cách thành thạo. Thằng Châu chỉ phụ giúp làm những công việc lặt vặt như đốn cây lá che ngụy trang. Căng lưới xong ông Hai quấn điều thuốc lá châm lửa nhìn cánh đồng mênh mông vắng lặng, thằng Châu nằm chéo chân chữ ngũ trên sạp xuồng nhìn sao đầy trời. Chiếc xuồng nguỵ trang bằng cách cắm hai nhánh trâm bầu không đủ che cho hai cái bóng con người ngồi co ro. Phía trên là tấm lưới dài gần ba mươi mét căng bốn góc thẳng băng. Trước đây, ông Hai dùng lưới dây gai, bây giờ bằng dây gân nhuyễn như tơ hễ chim đâm đầu vào là mắc lưới liền.
Đã đến lúc, ông Hai giở sạp xuồng bày ra đủ đồ nghề cho đêm nay gồm cái máy thu băng và dây trói chim. Trước đây, ông thổi bằng miệng, ông thổi được nhiều tiếng chim như tiếng: “cúm múm, quốc, cò, vạt...” Thổi cả đêm mệt gần đuối hơi. Còn bây giờ… thâu vô băng, xả ra. Khỏe re! Ngồi đợi bắt chim. Trong hàng trăm loài chim hoang dã ở đồng bằng, con nào cũng có nét đẹp riêng. Như trích cồ, đẹp phương phi ra vẻ là một chàng công tử miệt vườn khỏe mạnh, hào hoa. Gà nước có bộ lông mã khiêm nhường không trau chuốt rất nông dân, hào phóng. Quốc đẹp dịu dàng quyến rũ, khoác lên mình một bộ cánh đầy ấn tượng, màu đen trên lưng, màu trắng dưới bụng, mỏ xanh màu đọt chuối làm cho người ta có thiện cảm khi mới nhìn thoáng qua. Đặc biệt quốc có thân hình cân đối không như chị cò, cái cần cổ dài thượt, còn cái mỏ thì như mũi kiếm nhọn hoắc. Từ hồi còn nhỏ đến giờ, ông Hai bẫy được quốc không ăn thịt, không bán để mà nuôi. Loài này ngộ lắm, nuôi có đôi mới sống, một con là chết.        
          “Quốc! Quốc! Quốc!...” tiếng kêu phát ra từ cái máy cát-sét Châu nghe rõ mồn một, nó dội vào tai, vào lòng lan xa khắp cả cánh đồng. Tiếng quốc… như tiếng kêu thống thiết, rên rỉ, tột cùng của sự mất mát, sự cô đơn. Quốc! Quốc!... kéo dài ra mãi, thỉnh thoảng có tiếng kêu đệm xen vô rõ: “Cúm cúm! Cúm cúm! Cúm cúm!” Như tiếng giục giả hối thúc, xô đẩy những con chim phải đi, phải tìm đến nhau cho được. Thằng Châu bịt lỗ tai, mím môi cố xua đuổi một âm thanh nhức nhối. Nó cảm thấy hối hận đi theo ông Hai. Tiếng kêu của loài chim sao giằng xé trong lòng đến thế! Nó ngủ thiếp đi từ lúc nào.aiz1417763920
Châu được đánh thức bằng tiếng vỗ cái bẹp: “Thức dậy! Bắt chim”. Thằng Châu lồm cồm ngồi dậy dụi hai con mắt nghe cay xè! Trời tối chập chờn nhưng Châu nhận có ít nhất ba con vật cố vùng vẫy trong tấm lưới. “Đây! Con gà nước, cầm cho chắc nghe con. Đây!  Cò Quắm!” Châu lặng lẽ làm theo lời của ông Hai. “Nó đây rồi!” Ông Hai bỗng la lên mừng rỡ. Ông nhẹ nhàng, cẩn thận gỡ con chim nửa sợ bị nó đau, nửa sợ nó bay vuột đi, nửa sợ rách lưới. Thằng Châu mường tượng ra ông Hai đã bắt được con chim mà ông muốn tìm từ lâu. Tay ông Hai vừa mằn mò con chim, miệng thì cau có: “Muỗi gì mà độc địa quá, cắn nghe nhức nhối”. Kiềm chế không được, ông đập “phẹp” lên bờ vai. “Vù!” “Trời ơi! Vuột rồi!” “Cái gì vậy ông Hai” “Nó bay rồi con ơi! Uổng quá!”
          Thấy ông Hai buồn buồn, thằng Châu hỏi:
          - Nó có trở lại không ông?
          - Để xem coi!
          Hai con chim bị trói giẫy giụa trong sạp xuồng, ông Hai cứ dõi mắt nhìn trời, nhìn sao: “Nửa khuya rồi!” “Sao bác biết?” “Sao Bắc Đẩu đã lệch đuôi rồi kìa!” Có tiếng gió rít thật mạnh chui về hướng tấm lưới căng, mạnh như mũi tên xé gió, đâm thủng tấm lưới một cái ngọt sớt. Ông Hai vội vả phóng lên bờ đi đến cái hướng chim vụt qua hồi nảy. “Rách lưới rồi Châu ơi! Không biết nó trở lại hay là con khác? Chắc nó trở lại đó!”
          Ngày mới sắp lên, phía đông trời đã ửng hồng, ông Hai uể oải đốt thêm điếu thuốc trên môi. “Phựt” âm thanh yếu ớt chim về phía tấm lưới. Con chim càng vùng vẫy thoát thân càng quấn chặt trong lưới.
          Ông Hai và Châu nhổ sào cuốn lưới, cuốn đến cái chỗ cuộn tròn ông Hai bỗng la lên: “Trời! Nó đây rồi!” Con quốc kiệt sức nằm im thiêm thiếp trong lưới đôi mắt như ứa lệ. Ông nhẹ nhàng gở con chim bỏ vào giỏ. Ông vui mừng: “Đêm nay mình thu hoạch lớn”. Chưa lần nào Châu thấy ông Hai vui như lần này. Nó cứ nhìn con chim, nhìn ông Hai. Con chim thì ủ rũ, ông Hai thì vui mừng. Châu bỗng thấy thương con chim hơn là chia sẻ nỗi vui mừng của ông Hai. Ý nghĩ nó giờ trái ngược lúc đi: “Chim ơi! Sao mà liều lĩnh đến thế! Đi tìm người yêu một cách mù quáng, biết lưới mà cũng chui vô. Lần thứ nhất may mắn bay vuột, lần thứ hai lủng lưới, lần thứ ba cho bị…”
          Ông hai về thả chung nhốt chung, đôi bạn quấn quít bên nhau trong chiếc lồng treo lờ lững ngoài chái hè. Châu mon men tới gần. Con chim trống vẫn tự nhiên rỉa lông cánh cho con mái, chừng như nó dùng cái mỏ vuốt ve chăm sóc những vết trầy sướt trên đôi cánh của con mái. “Châu mới đến chơi hả? Thức đêm với ba em có buồn ngủ không?”- Câu hỏi từ phía đằng sau lưng Châu. Không đợi câu trả lời, Lụa cho thức ăn, nước uống vào hai cái keo nhỏ trong lồng chim rồi đi vô nhà. Châu không để ý sự có mặt của Lụa, mà cứ dán mắt vào đôi tình nhân. “Giờ thì mày toại nguyện rồi! Sao mà vẫn ứa lệ trong đôi mắt vậy!” Thằng Châu như bị đôi mắt bé xíu ấy thôi miên. Nó từ từ đến gần, đến gần lồng chim đưa mười ngón tay lên bật cái chốt khoá cửa lồng. “Vù…” con chim trống phóng nhanh ra khỏi lồng, con mái đập cánh bẹp bẹp bay muốn không nổi nhưng cố bay theo rồi lủi về phía đám cỏ ở bờ vườn.
 Từ phía đằng sau lưng Châu, Lụa thét lên: “Trời ơi! Sao anh thả chim bay rồi!” Lụa vừa la vừa chạy rượt đuổi con chim chui vô đám cỏ. “Trời ơi! Mất hết rồi! Nói làm sao với ba em đây! Ổng đánh em chết!...” Lụa như hoảng loạn giậm bừa trong cỏ tìm con chim. Nắng trưa làm tóc Lụa rối bời, mồ hôi nhuễ nhại. Lụa đanh đá nhìn Châu: “Tại sao anh thả chim của ba em? Anh có biết thả cặp chim này là bóp chết hy vọng của ba em và của em, của gia đình em? Đồ tàn nhẫn! Đồ vô lương tâm…” Lụa đổ trút cơn giận dữ lên Châu. Châu gục mặt ngồi dưới gốc gáo khổ sở. Lụa khóc rấm rức: “Hy vọng của em hết rồi! Tại sao Châu nở lòng nào làm như vậy Châu ơi!”
Đợi cho cơn giận của Lụa hạ xuống Châu đến gần: “Anh thành thật xin lỗi Lụa, vì sơ ý bật cái chốt chớ không cố tình thả chim của Lụa đâu. Anh dám thức cả đêm đi bẫy cùng với ông Hai mà!
          Lụa kể lể: “Có người đặt mua ba em một cặp chim quốc với giá hai chỉ vàng. Ba em thức khuya dậy sớm đi bẫy chim cũng vì hai chỉ vàng đó. Có vàng em mới có tiền mua tập vở, quần áo, đóng tiền cho ngày nhập trường. Trời ơi giờ này mất hết rồi! Tan biến rồi!”
          Tiếng nức nở của Lụa xoáy vào tim gan Châu còn hơn là tiếng “Quốc! Quốc!...” hồi hôm.
-Anh về đi! Về nhanh đi kẻo ba em về ổng sẽ đập anh chết! Về đi! Ổng sắp về tới rồi đó!
Châu như người điên cắm đầu chạy, nghe phía sau lưng có tiếng khóc kể của người con gái: “Chiều nay có người nhận vàng…bắt chim…”
          Châu vác cái mặt bí xị về nhà. Bà Tâm thấy mặt Châu hơ hãi lo lắng:
          - Có chuyện gì vậy con?
          - Chuyện lớn má ơi!...
          Bà Tâm đẩy Châu ngồi xuống bộ ván ngựa gạn hỏi. Kể xong đầu đuôi câu chuyện, Châu vô buồng trùm mềm nằm thiêm thiếp. Nghe phía nhà sau ba mẹ tranh cãi: “Để tui đi qua bển cho. Anh Hai nóng nảy, anh... sợ thêm chuyện không hay. Đàn bà dễ năn nỉ hơn”. “Không được! Bà không khéo hơn tui đâu, tính anh Hai tui biết mà! Bà yên tâm đi!”
          Ông Hai đi vừa về tới nhà hơ hãi không kịp cởi cái áo ra chạy băng ra hè tìm con Lụa. Hỏi:
          - Lụa! Chim đâu rồi!
          - ... Bay rồi ba ơi!
          - Tại sao nó bay được? Trước khi đi tao đã kiểm tra kỹ lưỡng cái cửa rồi mà! Ai làm!
          - Con... con không biết!
          - Chết rồi! Mày giết tao rồi!
          Ông Hai lửng đỏ hai con mắt, mồm há hóc đi quanh quẩn cái lồng chim, gắt gõng:
          - Ai làm! Chẳng lẽ tự dưng nó phá lồng đi ra!?
          Ông Hai giơ tay lên cao, mặt phừng phừng lửa giận. Lụa điếng hồn, nhắm mắt lại: “Cho ổng đánh đi cho bớt cơn giận”. Lụa chờ những cái tát đổ lửa đom đóm. Nó chờ đợi. Chờ đợi... Cánh tay của ông Hai từ từ hạ xuống, hạ xuống ôm mặt: “Con ơi! Hy vọng hết rồi! Tiền đâu mà cho con vào trường đây?”
          Ông Hai khóc. Nước mắt lem xuống hai gò má nhô cao. Từ nhỏ đến giờ Lụa chưa hề thấy ba khóc, chỉ thấy ba nỗi giận đùng đùng. Mà hôm nay... Lụa quì xuống đất trước mặt ba xin lỗi: “Vì sơ ý, con đụng phải cái chốt cửa lồng chim cho thức ăn vào, con trống bay ra, con rượt theo bắt. Con còn lại bay luôn!” “Trời! Ngu quá! Nó bay rồi thì khép cái lồng lại, giữ được một con mình nhử bắt lại dễ quá mà! Loài chim quốc không bỏ bạn. Giờ thì hết rồi!”
          Ông Hai thất thểu đi vô nhà ngồi bó gối nhìn ra sân. Cơn giận của ông bỗng tiêu tan khi nhìn đôi mắt của Lụa khép lại khi bàn tay của ông giơ cao. Nhớ ngày má nó qua đời, Lụa chỉ mới năm tuổi. Nay đã mười hai năm. Ngày một lớn, Lụa giống má nó như đúc. Cái sống mũi thẳng, đôi mắt đen láy, cái càm thon thon. Nhiều người mai mối cho ông Hai bước thêm bước nữa: “Anh Hai ở vậy thấy buồn quá! Thôi thì kiếm người đàn bà nào đó cho có bầu bạn”. “Không! Ở vậy nuôi con Lụa cho đến ngày nó thành đạt, có chồng. Rồi tôi cũng giải nghệ, thả những con chim trong lồng về với trời cao rộng”. “Đến ngày đó già cúm rồi!” “Thì có sao đâu!?” Lúc Lụa còn nhỏ, ngày ông đi làm ngoài đồng chiều về giặt quần áo cho con. Ông tập khâu vá cho con gái từ đường kim mối chỉ như đàn bà. Trước đây, ông Hai có tám công ruộng nuôi sống một vợ, một con cuộc sống cũng vừa đủ. Bỗng dưng bà Hai bệnh, căn bệnh quái ác: “Ung thư”. Vườn đất tiêu tan. Bà Hai chết tròn ba mươi mốt tuổi. Ông Hai đi làm mướn, tối về thổi chim đấp đổi nuôi con Lụa ăn học. Người trong xóm ít ai nhớ tên ông là gì, chỉ gọi là anh “Hai Cu” Ông Hai có biệt tài gác cu, giật lưới. Ông có đủ đồ nghề, mùa nào hành nghề mùa đó. Có bữa ông giật cu cả trăm con, đầy một gọng. Về ông chia ra: Cu cườm bán cho người nuôi gáy nghe chơi. Cu ngói không biết gáy bán cho mấy quán nhậu. Lụa đi học, về nhà chầm nón lá phụ thêm tiền cơm gạo hàng ngày. Ông Hai cặm cụi lo làm ăn không rượu chè, cờ bạc, con Lụa thường nói với ba: “Thấy ba ở một mình tội nghiệp. Hay là ba rước cô Năm lỡ thời ở xóm trên về sống chung cho vui”. Ông Hai nạt gắt: “Đừng! Nói như vậy má con nghe được buồn lắm!” Từ đó, Lụa không dám hó hé chuyện tình cảm của ông Hai.
          Ông Hai buồn ngồi tựa cửa miệng lầm bầm: “Tiền đâu cho con vào trường đây? Chẳng lẽ cho nó nghỉ ngang như vậy sao? Bất cứ giá nào cũng phải cho con Lụa đến trường”. Ông suy gẫm đời mình quá dở, chỉ có một mụn con mà nuôi ăn học không nổi.  
 
          Ông Tâm vừa bước vô nhà, bà Tâm đón ngay:
          - Sao rồi ông?
          - Có làm sao đâu!
          - Tôi muốn biết sự việc này ông giải quyết bằng cách nào?
          - Không ngờ con Lụa nó nhận hết phần lỗi về nó. Nó vô ý làm bật cửa lồng chim, không có dính dáng gì đến thằng Châu.
          - Vậy thì khỏe.
          - Khỏe cái gì? Như vậy mình càng khó xử và áy náy trong lòng về chuyện gia đình anh Hai đang gặp khó khăn trong việc tựu trường của con Lụa.
          Ông Tâm hạ giọng: “Việc này chưa thông qua với bà, nhưng tui đã suy nghĩ tới lui rồi đã hứa cho anh Hai mượn hai triệu, chừng nào trả cũng được…”
Bà Tâm chưng hửng:
          - Tiền đâu?
          - Tiền bán lúa hôm trước đó! Mình còn có lúa, còn ruộng còn cảnh nhà của anh Hai Cu bế tắc lắm, có thể ảnh cho con Lụa nghỉ học, nếu không có tiền. Việc này đầu dây mối nhợ do con mình thả chim người ta. Nói huỵt tẹt ra là mình phải thường bồi đó…
          Lụa đang quét sân, thấy Châu bước vô nhà, Lụa cầm chổi theo vô:
          - Châu! Mới qua hả?
          Châu nhìn đôi mi mắt của Lụa còn sưng vù, cảm động đến gần:
- Cho Châu xin lỗi Lụa, vì Châu mà Lụa bị đòn. Có đau lắm không Lụa? Lụa lắc đầu, rưng rưng nước mắt:
          - Cám ơn Châu.
- Thôi Lụa ơi! Bỏ qua chuyện đó đi! Hôm nay, Ba của Châu gởi cho ba của Lụa gói này, không có ông ở nhà Lụa nhận dùm.
Lụa áy ngại, Châu giục:
          - Cầm lấy đi…  
                                            
          Tốp con gái tung tăng đi qua sân trường Đại học, đứa đi sau giống Lụa quá! Châu đạp xe tấp vô. Lụa chớ ai! “Hôm nay em đẹp quá!” “Xàm quá đi! Lo học hành kìa!” “Ừ! Nhưng em phải hứa là không được nói dối nghen!”
 Gió phe phẩy những chùm lá non trên hàng cây phượng vừa mới hứng mưa, lấp lánh những hạt nước trong veo.
         
N.H
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 56
Trong tuần: 636
Lượt truy cập: 425294
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.