Nguyễn Xuân Mẫn
SÁNG TƯƠI HAI TIẾNG VĨNH HÀO
(Bút ký)
Hơn 60 năm về trước, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, Nam Định quê tôi nghèo lắm vì cam chịu lặn lội trong hai tiếng đồng chiêm. Rét cắt da khoét xương vẫn phải cấy xong lúa trước ngày ba mươi tết, để tránh thuỷ tặc tiểu mãn tràn về gặt lúa. Những nhà đông con có khi hết thóc ăn từ tháng 8. Tháng 6 đến tháng 9 tháng 10, làng xóm như đảo nhỏ lênh đênh giữa bốn bề sóng nước. Dậm, lờ, lưới, rọ tung khắp đồng trắng xin thuỷ thần ban cho cá, cua, tôm, tép. Có người ngâm mình, nước da bợt bạt nhưng cả đêm không kiếm đủ tiền mua đấu gạo. Cái đói bò vào tận giường đêm, khua bụng người ta kêu xèo xèo. Cái nghèo chỉ khoác cho người người tấm áo manh quần vá trước đùm sau.
Vậy mà hôm nay cuộc sống Vĩnh Hào đã hoàn toàn đổi khác, chẳng còn đồng trắng nước trong. Những con đê vững chắc khắp vùng châu thổ xua nước lụt ra biển. Hai trạm bơm Cốc Thành và Cống Chanh cùng máng tưới song hành với mương tiêu đem về đồng ruộng quê tôi hai vụ chiêm mùa. Khoa học kỹ thuật hợp sức với những chuyển đổi lề lối làm ăn, giúp người quê tôi cất đói nghèo vào kho ký ức buồn. Gần chục năm đổ mồ hôi công sức, đến năm 2017 Vĩnh Hào đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, tiếp thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, làm cho quê hương mãi mãi sáng tươi hai tiếng Vĩnh Hào.
Nói là vậy nhưng đâu phải mọi việc cứ thuận buồm xuôi gió. Mấy nghìn năm nuôi cây lúa nên phù sa châu thổ chai lỳ, đồng ruộng quê tôi tủi phận vì bị mang cái tên đất gley hoá. Cây lúa vụ mùa cứ chập chờn nỗi lo bão có vào không??? Giống lúa mang nguồn gen khoa học bông dầy, hạt mẩy, cơm ngon nên luôn luôn bị sâu bệnh rập rình thời cơ là thi nhau xuống thu hoa lợi từ khi mạ còn non. Trên bàn cờ cơ chế thị trường, đã có người trồng dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi vài ba nghìn ngan vịt… nhưng không lường được đầu ra nông sản hẹp hơn đầu vào sản xuất, nên đành thu lại quân cờ. Sức mạnh công nghiệp hiện đại đưa ra nhiều hàng hoá chất lượng cao và giá rẻ nên các nghề sản xuất thủ công như đan lát, sơn mài … ở quê tôi chỉ còn teo tóp. Ngặt nỗi nữa là đường về quê tôi như vào ngõ cụt, chẳng ai muốn đến đây làm ăn hay mua bán.
Phải tìm đâu lối làm ăn mới là câu hỏi trăn trở ngày đêm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Hào trên con đường xây dựng nông thôn mới nâng cao. Với gần 86% số gia đình sống bằng nghề nông thì bài toán đầu tiên vẫn là phải tìm từ… đất dưới chân mình. Câu tục ngữ “Khoai đất lạ, mạ đất quen” lưu truyền bao đời mách bảo nông dân quê tôi mời các giống lúa mới được tinh luyện trong trại nghiên cứu cây trồng, thay nhau về kết duyên với đồng ruộng. Không phải gánh vác việc nuôi trâu bò vì đã có máy cày bừa, máy gặt lúa liên hoàn và chẳng phải lo phụng sự táo quân, nên rơm rạ trở thành mùn, hợp sức với phân gia súc và phân vi sinh, giúp cho cây lúa thoả sức khoe thế mạnh thời đại tiên tiến. Bản chất cần cù một nắng hai sương, lại mạnh dạn canh tác lúa theo phương pháp mới gọi là SRI vào đồng ruộng. Phương pháp này không cần tưới nhiều nước, có khi dăm bảy ngày phải tháo cạn ruộng. Tuỳ theo nhu cầu từng giống lúa mà sử dụng tối đa phân hữu cơ, giảm mức thấp nhất phân hoá học. Phòng trừ sâu bệnh phải dùng thuốc sinh học. Từ việc cày bừa, làm cỏ và chăm sóc phải tỉ mỉ, chu đáo hơn theo quy trình nhất định. Không chỉ chọn loại giống tốt, năng suất cao phù hợp với đồng đất và thời tiết mà cần cấy tiết kiệm một hoặc hai dảnh mạ, khoảng cách cây thưa phù hợp cho lúa đủ điều kiện nhận ánh nắng mặt trời. Quy trình Sơ ri này gọi là mới nhưng vẫn gọn trong bốn điều canh tác cổ truyền là: Nước - Phân - Cần - Giống, tuy chi phí thấp mà năng suất lúa tăng tới 30%. Năm ngoái, áp dụng cách làm này trong gần 2/3 ruộng cấy lúa chất lượng cao, còn lại là cấy lúa năng suất, vừa nâng cao chất lượng hạt gạo vừa bảo đảm nhu cầu lương thực. Giống lúa mới thân ngắn, lá thẳng e ấp giữ những hạt mẩy bông dầy, như vô vàn khong vàng mười óng ả. Bình quân mỗi ha cấy 2 vụ lúa cho nông dân chở về nhà hơn 10,5 tấn hạt vàng nuôi người. Ngô, khoai giống mới năng suất cao nên sung sức đảm nhiệm vai trò chăn nuôi gia súc gia cầm, cùng với đậu lạc và rau xanh góp phần thu nhập đáng kể lại thêm việc làm cho người quê tôi lúc nông nhàn.
Chương trình OCOP là tấm giấy thông hành để sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao vững vàng bước vào thị trường. Sau 10 năm xây dựng trang trại và kiên trì phấn đấu, đến nay trứng gà Hiền Hoa ở thôn Hồ Sen đã chính thức được ngồi lên hàng OCOP 3 sao. Mỗi ngày có hơn 1.500 quả trứng gà có nhãn mác lan toả đi khắp nơi, xứng danh với hương sắc Hoa Hồ Sen. Dù mới có một sản phẩm đạt OCOP nhưng là đầu tầu kéo các loại hàng nông sản Vĩnh Hào ngày càng đạt chất lượng tốt hơn.
Dẫu gặp thử thách của cơ chế thị trường nhưng đến nay nghề thủ công truyền thống không chịu mang tiếng thất truyền. Sáu, bảy năm về trước, gối mây thôn Tiên Hào lao đao bởi gối vải tận dụng của các cơ sở may mặc, gối gỗ tinh dầu trong nước và gối trúc Trung Quốc tràn ngập hàng phố, chợ quê. Truyền thống kiên trì chuốt từng sợi mây nhỏ giúp bà con làng nghề Tiên Hào sáng tạo ra những mẫu gối mới cuốn hút thị hiếu người dùng. Theo sợi mây óng ả, sợi ni lon thay mây khoe nhiều mầu sắc cũng đan thành chiếc gối làng Tiên. Mẫu gối mới mặt rộng hơn, đan hoa văn tựa mây trời bồng bềnh, dịu dàng đưa người nằm vào giấc ngủ. Hai đầu gối hình bầu dục vừa trang nhã vừa giữ độ bền gấp đôi gấp ba gối cũ vuông tám góc. Bốn năm cơ sở sản xuất cốt gối bằng máy móc hiện đại và là nơi quy tụ hơn 200 gia đình phát huy nghề cha ông truyền lại. Các cơ sở này đều của người trong họ trong làng, chính là nơi kết nối tin tưởng giữa người làm nghề với các thương gia. Cuối năm ngoái, hội chợ thương mại Việt - Trung mở tại thành phố Lào Cai, gian hàng thủ công mỹ nghệ Nam Định bầy 500 chiếc gối mây, ghi rõ sản phẩm của làng Tiên Hào. Chưa đầy buổi sáng hôm khai mạc, gối đã vào hết tay khách hàng Trung Quốc. Một ông khách người Hoa nói tiếng Việt rất thông thạo, khoe với tôi rằng: “Ngả đầu xuống chiếc gối tháng mát, mềm mại này giấc ngủ say ngon như thể lên tiên!” Cùng với gối là bàn ghế, làn, giỏ đan mây hay sợi nilon đang được nhiều người mến mộ nên mở rộng hướng đi mới cho làng nghề gối mây Tiên Hào.
Nghề đan cót quây thóc của thôn Vĩnh Lại tưởng chừng lép vế vì bây giờ khắp chợ cùng quê đầy rẫy bao nilon gọi là bao xác rắn đựng thóc gạo. Cũng vẫn là chắp nan nứa nhưng bây giờ người làng cót đang đan các loại làn, khay đựng hoa quả và cả lọ, giỏ hoa trang trí hoặc các mặt hàng tuỳ theo nhu cầu và thị hiếu người dùng. Bà con Việt kiều về thăm bản quán rồi mang sang Pháp chiếc đĩa đan bằng nứa của Vĩnh Hào, nhằm lưu giữ hồn quê. Tiếng lành đồn xa, nên mấy thương gia tận trời Tây hỏi Google toạ độ chợ Si... Rồi đây nong nia làng Hồ, dần sàng làng Cựu và nghề sơn mài làng Đại sẽ được đà trở lại, góp sức cho kinh tế phát triển, nhưng điều quý nhất là phát huy hai tiếng làng nghề thủ công truyền thống.
Khi chưa có Cách mạng Tháng Tám, vì đồng chiêm nghèo khổ, nhiều người phải chịu nỗi nhục bỏ làng đi tìm kế sinh nhai. Nhớ lại cha anh thưở bần hàn, cố nhà giáo Đỗ Hữu Lượng người làng Cựu Hào đã viết: “…Thương con đò rách làng ta, Lênh đênh trẩy tận phương xa chiều tàn…” Bây giờ vẫn từng ấy ruộng vườn, dân đông gấp ba bốn lần, nhiều người ly nông đấy nhưng chẳng ai phải ly hương. Hơn 1.500 nam nữ nông dân Vĩnh Hào trong trang phục công nhân, bước vào khu công nghiệp Bảo Minh với các nghề dệt may, giầy da, chế tạo cơ khí… Sáng vào xưởng thợ, tối trở về làng mà lương mỗi tháng mua được năm bảy tạ thóc. Ngoài ra còn hàng trăm người đi lao động các nơi trong nước và nước ngoài gửi tiền về nhà và góp phần làm giàu quê hương.
Hơn 427 ha đất canh tác, nghề thủ công và lao động công nghiệp đã giúp cho mỗi người Vĩnh Hào năm ngoái có thu nhập hơn 68 triệu đồng, làm nền tảng vững vàng cho chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ đường xã vào ngõ nhỏ đều rải nhựa hoặc đổ bê tông nâng bánh ô tô to, nhỏ vào tận sân nhà. Nhà nào cũng có cổng sắt, trụ mái bê tông vững chãi nhưng chỉ là nét trang điểm cho đẹp nhà, đẹp làng vì không phải khoá bao giờ. Nhà văn hoá trang bị đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt văn hoá, thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho trai gái, trẻ già. Người theo đạo, hay bên đời cùng nắm chắc tay nhau, giương cao ngọn cờ búa liềm trên con đường xây dựng quê hương giàu mạnh, nên đầu xuân năm nay, Vĩnh Hào quê tôi vinh dự được ghi danh vào sổ vàng “Nông thôn mới nâng cao”.
Vĩnh Hào, cuối đông 2023
N . X . M
Người gửi / điện thoại