Phạm Huy Định
NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH ĐẤT MƯỜNG Ở TÂY NGUYÊN
Lần thứ ba tôi trở lại Kon Tum kể từ chuyến đi đầu tiên năm 2018. Những tháng cuối cùng của năm song ở Tây Nguyên nắng vẫn trải vàng và gió cứ lồng lộng thổi. Chúng tôi được Bí thư huyện ủy huyện Ngọc Hồi dẫn đến thăm địa danh lịch sử Plây me. Nơi đây đã diễn ra trận đánh nổi tiếng. Trận đánh trực tiếp giữa lực lượng chính qui của ta và giặc xâm lược Mỹ đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm. Bồi hồi, xúc động và cũng rất bất ngờ khi ông Nguyễn Chí Tường, người mà tôi gặp lần đầu tiên là Bí thư thị trấn Plây Cần. Một người lãnh đạo trẻ lại rất yêu thơ. Anh nhỏ nhẹ, giọng nói người miền Bắc đã pha lẫn âm sắc Tây Nguyên :
- Tôi có quen biết một người Hòa Bình đánh trận này. Ông ấy năm nay đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn cường tráng và làm kinh tế giỏi của huyện Ngọc Hồi đấy. Hôm nay ngày nghỉ, tôi rảnh và sẽ đưa các anh tới thăm !
Xe đi qua những con đường bê tông dọc ngang thị trấn PLây Cần rồi bất ngờ rẽ vào lô cao su xanh ngăn ngắt. Thấp thoáng trong bóng cây cao su là những cây cau, dặng hoa dâm bụt đỏ chót. Một căn nhà xây nho nhỏ giữa bóng rừng cao su tít tắp, nghiêng bên vuông ao nước trong xanh. Anh Tường nói với chúng tôi: “Đây tiểu khu 6, nơi ở của bác Bùi Trọng Kim quê Hòa Bình. Ông là một trong những chiến sĩ đánh trận ở PlâyMe năm nào và cũng là chiến sỹ bị địch bắt tù đày ở Phú Quốc năm xưa đó !”.
Lại thêm một bất ngờ nữa làm cho anh em chúng tôi háo hức, tò mò. Nghe tiếng xe, ông Kim bước từ trên nhà xuống tận cổng đón khách lạ. Nói là lạ vì từ năm xa đất Bình Thanh trước đây thuộc huyện Kỳ Sơn, giờ ông và chúng tôi mới gặp nhau. Khi nghe anh Tường giới thiệu, ông ôm chầm lấy nhà văn Tạ Văn Sỹ ở Công Tum và lần lượt ôm thật chặt anh em trong đoàn, dẫn vào phòng tiếp khách: “Trời, cơn gió lành nào đưa các nhà văn ở Hòa Bình vào tận đây thế này. Tôi có nằm mơ không đấy anh Tường? ”. Ông cầm hộp trà mà cứ để lên, đặt xuống, luống cuống. Tôi ngắm kỹ người con đất Mường sống ở Tây Nguyên nắng, gió. Đã bước sang tuổi 74 nhưng dáng ông Kim quắc thước, nước còn săn lắm, gương mặt cương nghị và có cái miệng rất tươi. Mái tóc lưa thưa đã bạc trắng, vầng trán cao và đôi mắt sáng toát lên vẻ kiên định. Bàn tay gân guốc, cơ bắp rắn chắc biết ông là một người nông dân chính cống. Giọng ông chậm rãi, khúc triết vừa kể chuyện mà miệng cười rất tươi khiến người nghe càng cuốn vào dòng chảy của một người lính năm xưa...
…Tôi vào bộ đội năm mười tám tuổi, đó là thời gian tháng 4/ 1964. Mấy ngày sau được chọn vào đơn vị đào tạo lính đặc công thuộc sư 304. Mấy tháng trườn mình luyện tập trên khắp các vùng đồi đất đá ong ở Xuân Mai, ngụp lặn trên những cánh đồng nước ở Ninh Bình. Cuối năm 1964 chúng tôi hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Đầu năm 1965 tôi là lính của tiểu đoàn đặc công 952 thuộc sư 304 tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên. Có lẽ chỉ huy các cấp đã nhìn thấy từ trước địa bàn quan trọng này. Tại đây quân Mỹ đã có ý định lập chốt chiếm giữ Tây Nguyên để làm bàn đạp tấn công các vùng khác. Do vị trí cực kỳ hiểm trở là tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam-Lào- Căm Pu Chia. Từ đây là địa bàn dễ điều quân, cơ động nhanh từ PLây Cu và rút cũng nhanh. Vì vậy Plây Me được chúng chọn làm nơi cắm chốt án ngữ Bắc Tây Nguyên. Nắm được ý đồ của địch, Bộ tư lệnh chiến trường Tây Nguyên ( B3 ) đã chọn Plây Me là nơi đối đầu trực tiếp giữa bộ đội quân giải phóng miền Nam và quân xâm lược Mỹ. Cuộc chiến đấu diễn ra gần 40 ngày liên tục và ác liệt chưa từng có. Lực lượng ta khá đông nhưng kinh nghiệm đánh bộ binh và đánh địch không vận chưa nhiều. Chúng bổ xung lực lượng, ồ ạt đổ quân, điều binh đánh chặn ta cả ba phía. Chính vì vậy thời gian đầu chúng ta phải chịu tổn thất không ít về lực lượng. Tôi tham chiến đấu đến khi sư đoàn kỵ binh số I của Mỹ đổ quân tiếp viện đợt thứ tư xuống giải cứu PLây me thì bị thương và bị địch bắt. Chúng giam giữ chúng tôi ở Tây Nguyên một thời gian ngắn. Đến năm 1966 chúng cho lên máy bay đưa ra Phú Quốc. Những ngày ở trại giam là những ngày kinh khủng trong đời. Chúng tra tấn tù binh bằng các đòn hiểm ác như doi sắt có móc, đuôi cá đuối, kìm kẹp rất dã man. Mỗi lần bị chúng đánh như vậy, da thịt tước ra từng mảng. Không thuốc kháng sinh, không được lau rửa vết thương nên cơ thể thối từng mảng thịt. Dụ dỗ không được, tâm lý chiến không khuất phục được. Vì vậy chúng càng tra tấn rất dã man, nhiều đồng chí chết đi sống lại. Không khai thác được gì, chúng nhốt anh em vào các phòng được xây kiên cố để cho bệnh tật, thương tật hành hạ mà chết dần. Những ngày tháng nằm trong nhà tù của địch, chết đi sống lại biết bao lần. Nhưng chúng tôi không tuyệt vọng mà cứ nung nấu ý định tìm cách gì thoát khỏi nhà tù. Là những chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, ý chí chiến đấu không bao giờ mờ nhạt. Chúng giam cầm rất đông và chia ra các phân khu. Chi bộ nhà tù phân khu B2 gồm nhiều người bị địch bắt ở các mặt trận khác nhau. Lúc đó nhà tù Phú Quốc được chúng xây nhiều phân khu để giam cầm. Mỗi phân khu khoảng 30 đến 40 người. Phòng giam chúng tôi do đồng chí Phi Hùng người Bình Định, anh Hoàn là huyện đội trưởng người Quảng Trị, anh Tư Trung người Huế là Bí Thư chi bộ…Chúng tôi bí mật bàn bạc và nhận định : Cuộc đối đầu với giặc Mỹ xâm lược còn rất dài. Chúng mình là những người chiến sĩ cộng sản phải trở về giữa lòng dân, trở về sát cánh với các đồng chí của mình để tiếp tục chiến đấu. Từ đó ý định vượt ngục mỗi ngày hình thành rõ hơn và chúng tôi âm thầm lên kế hoạch chờ thời cơ thực hiện. Trước hết là tìm hiểu địa chất phòng giam, địa hình xung quanh. Phân công người theo dõi giờ giấc tuần tra, vị trí bố phòng canh gác của địch. Sau khi bàn bạc và khẳng định chỉ có vượt ngục bằng cách đào hầm chốn thoát ra ngoài là khả thi nhất. Chi bộ Đảng họp và thống nhất phải bí mật, kiên trì tìm lối thoát. Chúng tôi quyết định đào một con đường hầm xuyên qua những hàng dây thép gai dày đặc, bên trên là các vọng gác của địch. Lên kế hoạch xong, chọn người vào từng kíp và phân công nhau cảnh giới. Dụng cụ là những mảnh cà mèn khi địch phát cơm, được bí mật đập ra chế thành những cái xẻng nhỏ xíu. Mỗi đêm từ chín giờ chúng tôi bắt đầu đào cho đến tang tảng sáng. Mỗi kíp ba người thay nhau. Để dễ làm và không cho đất bám vào quần áo, mọi người đều trần truồng. Mới đầu đất đào ra đem rải khắp trong nền phòng giam thay nhau đi lại cho phẳng rồi phủ những mảnh ván lên. Khi miệng hầm đã đào xong chúng tôi kê tấm ván nằm lên trên che mắt địch. Cứ như thế mỗi đêm ba người thay nhau đào xuyên xuống dưới mặt đất năm mươi đến sáu mươi phân. Cứ khoảng vài mét chúng tôi lại khoét một cái hàm ếch và lỗ thông hơi. Được cái đất ở Phú Quốc không quá rắn nên công việc tiến hành khá thuận lợi. Chúng tôi chỉ sợ nhất trời mưa lớn vì mưa là sẽ bị sụt hầm và lộ ngay. Khi chiếc hầm được hơn năm chục mét thì gặp sự cố không may mắn. Đoạn hầm bị sụt ngay trước vọng gác của địch. Anh em bàn nhau đấu tranh với bọn lính gác, cho tù đổ phân thải trong phòng giam ra ngoài để khỏi bị ô uế. Chúng tôi đã khôn khéo đổ phân lên xung quanh vị trí đất bị sụt. Phân hôi thối, bọn lính gác không bén mảng đến nên che được dấu vết chiếc hầm đang đào. Cứ như thế dòng dã suốt 140 đêm chúng tôi đào được đường hầm ngầm dài 121 mét chui qua dưới những hàng dây kẽm gai, trước mũi quân thù. Chỗ sâu nhất là qua đường cũng gần một mét, nơi nông cũng nửa mét dưới mặt đất. Nhiều đêm liên tục, có bao chiến sỹ mệt lả, ngất đi, tỉnh lại như anh Hà Long quê ở Hà Đông tỉnh Hà Tây, anh Việt Anh ở Phú Quốc, anh Lê Võ Đại ở Thái Nguyên, anh Cát quê ở Nghệ An…Khi kiểm tra, đường hầm đã ngoài vọng gác chừng hơn chục mét. Chi bộ quyết định chọn 21 người chiến sĩ bị địch giam ở phân khu B2 còn khỏe mạnh nhất vượt ngục ngay trong đêm. Sau khi lên được mặt đất, biết rằng tự do đã ở phía trước. Chúng tôi chia thành từng tốp nhỏ tản ra chốn vào trong rừng. Mỗi tốp chạy đi các hướng khác nhau. Phú Quốc ngày đó còn hoang vu lắm. Bốn phía xung quanh trại rừng cây rậm rạp, chỉ nghe tiếng sóng biển xa xa vọng lại. Sáng sớm hôm sau địch mới phát hiện thì chúng tôi đã vượt ngục thành công. Địch cho lực lượng truy tìm các ngả gần một tuần lễ nhưng không được. Tôi mò mẫm, gặp được cơ sở mới biết mình đã sống sót thoát khỏi nanh vuốt của quân thù. Chúng tôi đã trở về trong vòng trong vòng tay nhân dân, trở về với quân giải phóng miền Nam để tiếp tục chiến đấu... Ông Bùi Trọng Kim dừng lời, đưa ly nước lên rồi lại đặt xuống và cười thật tươi: “Các anh ạ, chúng tôi nghĩ nếu lộ sẽ bị giết ngay. Ở trong tù thì cũng chết dưới bàn tay ác độc của địch. Chọn cái chết như thế nào để không uổng phí thôi. Chúng tôi đã vượt ngục bằng ý chí, bằng cơ bắp và sự thôi thúc mạnh nhất đó là phải thoát khỏi cái chết dần, chết đau đớn dưới bàn tay của giặc!”.
Nghe xong câu chuyện ông Kim vừa kể nhẹ tênh, nhưng chúng tôi lại ngỡ ngàng như nghe chuyện trinh thám. Tôi ngắm kỹ hơn gương mặt người cựu chiến binh, cựu tù Phú Quốc đầy thán phục. Ông cười tươi và hiền quá, vẫn nụ cười của người nông dân chân chất quê núi Hòa Bình theo tiếng gọi của non sông, lên đường đánh giặc xâm lăng. Sau khi vượt ngục ông đã tìm được cơ sở cách mạng ở Phú Quốc và tiếp tục sống, chiến đấu ngay trên nơi mình cùng đồng đội làm nên huyền thoại ấy cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1977 ông về làm cán bộ xã đội xã Dương Tơ - Phú Quốc rồi được bầu là Phó chủ tịch xã. Đến khi đoàn cán bộ từ Kiên Giang ra đảo gặp và cho ông đi học để đảm nhận cương vị cao hơn. Do thương tật quá nặng trong những năm chiến đấu, ông không theo được nên năm 1978 ông Kim được điều về làm Phó chỉ huy huyện đội Hà Tiên. Đến năm 1980 ông xuất ngũ phục viên trở lại quê nhà Bình Thanh Kỳ Sơn Hòa Bình. Ông kể rằng trước khi đi bộ đội bị gia đình bắt lấy vợ. Ông nghe bố mế, cưới cô sơn nữ Bùi Thị Phương người ở cùng xóm Cầu Cẩm xã Bình Thanh. Cưới vợ được vài tuần, chàng trai Kim khoác ba lô lên đường ra trận. Cô Phương gạt nước mắt, nhìn bóng người chồng cứ hút xa dần trong nỗi lo vô vọng không biết bao giờ gặp lại. Ông đi một mạch mười bốn năm bốn tháng liền không có một lá thư về cho vợ và bố mẹ. Ông cũng không hề biết rằng cô vợ trẻ đã mang trong người giọt máu của mình. Vì vậy khi được phục viên về quê nhà Bình Thanh, con trai cả của ông là Bùi Văn Cường cứ hỏi mẹ Phương sao có chú bộ đội đến ngủ ở nhà mình lâu thế. Phải mấy tháng trời, Cường nghe mẹ giải thích, ông bà nội, ngoại kể chuyện mới hiểu ra và gọi ông là bố. Ông đã hết lòng yêu thương để bù đắp lại sự hy sinh rất nhiều của bà Phương bằng hăng say lao động, gây dựng cơ nghiệp và ông bà có thêm ba người con nữa. Ông đã chiến đấu ở Tây Nguyên, hiểu và nhớ mảnh đất ghi dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời người chiến sĩ. Năm 1993 ông quyết định đưa gia đình, vợ con vào huyện Ngọc Hồi tỉnh Công Tum cùng hơn ba mươi hộ dân vùng hồ đi tìm miền đất mới xây dựng kinh tế. Trở lại chiến trường xưa nơi ông và bao nhiêu đồng chí, đồng đội đã đổ xương máu vì sự nghiệp bảo vệ đất nước. Ông gắn bó, yêu mến đất này như thể đất quê Hòa Bình. Ông nói với chúng tôi: “Tôi nghĩ mãi, chỉ vào trong này mới có điều kiện hàng năm để đến viếng thăm những người đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh oai hùng Plây me. Còn nhiều lắm các anh ơi, đồng đội đồng chí của tôi vẫn còn nằm ẩn khuất trên những cánh rừng, nơi diễn ra trận đánh giặc Mỹ lịch sử đó. Được gặp gỡ những người bạn bị tù đày ở Phú Quốc năm xưa đang sinh sống trên đất phương Nam...” Nói câu ấy với chúng tôi, nét mặt ông trùng xuống, nước mắt ngân ngấn, giọng lạc đi. Tôi hiểu tâm trạng của ông vì quá xúc động. Người cựu chiến binh Bùi Trọng Kim, người chiến sỹ cách mạng, cựu tù Phú Quốc năm ấy đã đem sức lực còn lại của người thương binh hạng 2/4 ở tuổi ngoài bảy mươi vẫn làm lụng miệt mài, xây dựng kinh tế và nuôi các con khôn lớn. Gia đình ông khá và giàu lên nhờ rừng cao su gần hai chục ha. Các con đã xây dựng gia đình riêng. Giờ đây mọi người từ Hòa Bình vào thăm quê mới đến thị trấn PLây Cần của huyện Ngọc Hồi Công Tum cứ hỏi ông Kim ở thôn 6, người chiến sĩ bị giam tù ở Phú Quốc năm xưa ai ai cũng biết. Nhà nước, quân đội đã ghi nhận thành tích chiến đấu của ông bằng những tấm huân, huy chương chiến thắng, huân huy chương chiến công. Ông được nhà nước chứng nhận là chiến sỹ cách mạng bị giam cầm, tù đày tại Phú Quốc vv và vv. Ông Bùi Trọng Kim người đảng viên năm mươi tuổi Đảng, một người con của đất Mường trung kiên đang sống cuộc đời bình dị ở Tây Nguyên. Khi tạm biệt chúng tôi, ông không quên mời chén rượu “chao mang” theo tập quán của người Mường. Trước lúc nâng ly, ông làm cho tôi sự bất ngờ đến phút chót bằng bài thơ đã viết trong những năm chiến đấu ở chiến trường. Ông nói rằng mình hay viết sau những ngày đêm cùng đồng đội kiên cường đánh giặc. Tranh thủ lúc im tiếng súng hay những khi ém binh hàng tháng để chờ đi chiến dịch mới lại càng nhớ mẹ, nhớ quê núi Hòa Bình da diết. Bài thơ “Nằm mơ thấy mẹ trước mùa Xuân” đã được ông viết vào một đêm trước Tết năm Kỷ Dậu 1969. Tôi trân trọng, nâng niu bài thơ của một tràng trai đất Mường kiên cường, dũng cảm. Bài thơ viết vội trong điều kiện chiến sự đang xảy ra nên nét chữ nghuệch ngoạc. Ông đọc cho tôi chép từng dòng. Tôi rất thích câu thơ dung dị nhưng cũng rất sâu sắc : “Con đi vì nghĩa nước non/ Đừng buồn nhé mẹ, con còn xa quê”. Ông cũng như bao người thanh niên thời đại Hồ Chí Minh đã dâng hiến tuổi thanh xuân để Tổ quốc có ngày mai tươi sáng. Ngày chiến thắng sẽ đến và họ trở về quê hương yêu dấu sau những năm dài chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Cách xa chỉ là tạm thời, chỉ càng thêm nhung nhớ quê nhà, và những người thân yêu của mình.“ Giờ này quê đã Tết rồi/ Hoa Đào đã nở bồi hồi nhớ thương/ Con đi gió lạnh ngàn phương/ Xuân sau thăm mẹ trên đường tự do”. Tôi chia tay vợ chồng ông Kim trở lại miền Bắc khi mùa Xuân đang đến dần. Tôi tâm niệm sẽ kể lại với các bạn của mình về người cựu chiến binh quê Mường giữa Tây Nguyên như thế.
P.H.Đ
Người gửi / điện thoại