Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGÔI NHÀ SÀN VEN SÔNG HỒNG

Phạm Thị Phương Thảo

NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO VÀ CĂN NHÀ SÀN VEN SÔNG HỒNG

Một ngày đẹp trời, trong tiết thu heo may, Phương Thảo tui được anh Đinh Sĩ Minh chở sang nơi "Bên kia sông... Hổng" thăm nhà sàn và không gian đầy ắp cỏ cây hoa lá của nhà thơ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo. Tôi cùng đi với ba ông anh, nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Vương Cường, nhà thơ Đinh Sĩ Minh. Xe chạy cứ bon bon từ Nghi Tàm qua cầu Vĩnh Tuy. Chuyện trò cánh nhà thơ cứ là nổ như ngô rang. Hà Nội đẹp hơn trong một ngày gió nhẹ, mây trắng bay bay giữa mùa thu đầy nắng.

Lâu lắm tôi mới được ngồi tiếp chuyện lâu lâu cùng các "soái ca thơ”, vui ơi là vui. Chẳng hiểu sao, mình rất quý các anh giai xứ Nghệ. Ở họ có gì đó vừa thẳng thắn, chân thành, vừa dịu dàng và da diết. Trước các nhà thơ xứ Nghệ, Phương Thảo tui tranh thủ khoe cuốn sách "Cộng ta vào thế giới" vừa mới ra lò, rằng tập thơ lần này em in dày dặn, đã chọn lọc từng bài kỹ càng hơn. Sách mới toe vẫn còn thơm ngát mùi mực đấy nhé. Anh Trần Quang Quý - Phó Giám đốc Nhà xuất bản HNV đã nhận lời tổ chức ra sách mới cho em và trực tiếp làm MC ngày hôm tới. Anh nhất định phải dự đấy!trongtao3b

Nhà thơ anh gật gật rồi nói giọng rất hiền: “Ừ, anh sẽ đến!” Đúng là anh đến dự thật và khi anh Trần Quang Quý có ý “chê bai” một vài chỗ, lúc ấy anh Tạo đã lên tiếng bênh vực tôi. Tôi biết, cả hai ông anh cũng vì quý tôi mà nói thế. Anh Tạo sau này khi nghe tôi kể chuyện vẫn viết ký thì quay sang bảo: “Em viết ký làm gì cho mệt, thơ em hay, cứ viết thơ thì hơn”! Tôi vâng vâng dạ dạ ngoan lắm nhưng tự biết rằng mình vẫn cứ ngấm ngầm ham mê viết ký và tản văn, mà thực ra tôi đã viết từ lâu nay.

Anh còn nói anh thích bài thơ văn xuôi “Trăng và Biển” trong tập “Khúc ru nơi lưng núi” của em. Đó là tập thơ mà anh Tạo vẽ bìa sách cho tôi. “Đấy, em cứ viết như thế là được. Vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo như thế là quý lắm”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng đăng nhiều chùm thơ của tôi trên trang thơ Nguyen trong tao. Com - một Trang văn thơ cực hót! Rồi nàng thơ Trần Mai Hường dịp ấy cũng từ TP Hồ Chí Minh bay ra, nàng làm MC đôi với một chàng nghệ sĩ đẹp trai trong dịp ra mắt tập thơ ấy của tôi. Tập thơ sau này nhận được giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNTVN.

Lại nói tiếp về buổi gặp mặt hôm đó. Anh Tạo ngắm nghía chai rượu Tây thơm ngon của anh Vương Cường vừa mang đến, lại có cả món thịt xông khói của em Trần Mai Hường từ Sài Ghềnh vừa gửi ra. Tôi biết anh Tạo còn rất thích món bún lòng lợn chấm với mắm tôm, mà bát mắm tôm nhiều chanh cứ phải đánh cho ngầu bọt. Chỉ có tôi là người phụ nữ duy nhất có mặt ở đây nên đã tự nguyện xắn tay chui ngay vào bếp. Trong lúc ấy, ông anh Đinh Sĩ Minh đã nhanh nhẹn đi ra vườn quanh nhà sàn để hái rau thơm. Rồi nhà thơ anh đã nhổ thêm mấy củ xả tươi và hái thêm một nắm lá lốt thật to ở ngoài vườn mang vào thì Phương Thảo tui cũng đã kịp “thi công” nhanh vài món trong căn bếp. Sắp vào mâm ngay để các ông anh kịp nhậu. Toàn là những nhà thơ nhớn, cứ ngỡ họ tơ lơ mơ, thế mà khi cần thì họ cũng thao tác bếp núc nhanh ra phết!

Nhà sàn của anh Nguyễn Trọng Tạo rất đẹp, khá rộng rãi và khoáng đạt. Không gian vườn um tùm bao quanh, nhiều cây lá xanh tốt. Cây bưởi đẹp và sai trĩu quả nhìn thật thích mắt. Một giàn hoa tím thả lơ thơ cánh phai màu nhớ, nhìn rất chi là lãng mạn. Tôi cứ có cảm giác khu vườn mang chút gì đó bí ẩn và hơi âm u. Lũ cỏ dại đang giang tay nhảy múa tưng bừng trước cung đàn gió. Hoa cỏ cũng hồn nhiên đầy ngẫu hứng, y như các nhà thơ. Đất lành chim đậu liệu có mãi với anh hay không?

Nhìn ngắm khung cảnh này, tự nhiên tôi cứ nghĩ ngợi và liên tưởng đến bài thơ "Người đàn ông và khu vườn" của mình (đã in trong tập thơ “Cộng ta vào thế giới”) có vẻ rất phù hợp khung cảnh này. “Nơi ấy”, trong bài thơ của tôi, cũng có một người đàn ông “cô đơn”, sống an nhiên, rất yêu vườn, say hoa, yêu đất đai bờ bãi nơi ven sông. “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa! Chỉ là một sự trùng hợp. Tin thì tin, không tin thì thôi”!

Tình yêu quê hương sâu nặng, yêu thiên nhiên, đất nước, con người, dẫu cuộc sống đầy thăng trầm nhưng anh khi nào gặp cũng thấy vui tươi. Sự ngẫm ngợi của nhà thơ luôn đằm trong dòng chảy của dòng sông thi ca. Anh có nhiều câu thơ lạ được nhiều người nhớ. Dòng chảy ấy dường như không khi nào ngừng nghỉ. Tôi thích thơ anh Tạo và cũng hay tìm đọc thơ anh. Chắc nhiều người cũng thích được “úp mặt vào sông quê” như một câu thơ nổi tiếng của anh.

Nhà thơ nhớn ấy vốn phóng khoáng, ham vui, mà hình như anh không màng đến danh lợi nữa. Anh yêu nhiều, nghe nói thế, yêu cây lá và luôn thích sống an nhiên. Anh bảo khi mình tự tay chăm sóc, trò chuyện với lũ cỏ hoa trong vườn cũng thú vị trong những khi rảnh rỗi. Những câu chuyện lao xao cây lá làm người ta nhớ mãi “Tản mạn thời tôi sống” – “Tin thì tin, không tin thì thôi”!

Nơi căn nhà sàn thênh thang này, chủ nhân của nó chắc chắn phải yêu núi rừng lắm nên mới tìm cách “bê” nó về đây và đặt “nó” ở ngay nơi thủ đô! Chủ căn nhà sàn là người xứ Nghệ, say thơ yêu nhạc và anh từng vẽ khá nhiều bìa sách cho bạn bè. Chắc anh đã thỏa nguyện với căn nhà mới và vui sướng hân hoan lắm mỗi khi đón bạn bè từ bên kia sông đi sang đây chơi. Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ lớn tài hoa nhưng nhiều năm qua, anh vẫn phải sống nơi căn hộ chật chội và khá cũ kỹ.

Nói riêng về khoản rượu và đội ngũ bát đĩa ở đây thì ôi thôi, nhiều vô kể, các chủng loại rượu thì bạn bè tặng anh cũng lắm. Bát đĩa trong tủ có thể sắp đặt đủ cho dăm bảy mâm ngồi ăn cùng một lúc những khi anh tụ tập bạn bè văn nghệ sĩ. Anh thích vui, thích rượu, thích đông đúc bạn bè hay nhìn cái cách mà anh vui thích đặc biệt khi được đón bầu bạn sang chơi là biết. Nhìn đám thức ăn thừa còn lại khá nhiều, anh Tạo quay sang dặn: “Phương Thảo ơi, em cứ đổ ra ngay quanh vườn nhà anh nhé, cho lũ chuột kia nó đỡ đói…”. Chao ôi, nhà thơ danh tiếng có tấm lòng thương yêu lũ chuột đói quá cơ, he he...

1aCơ ngơi nhà vườn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rộng thênh thang thế này làm tôi cứ băn khoăn tự hỏi: "Chẳng hiểu ông anh nhà thơ tài hoa kia, con người ham chơi như ham việc. Anh cứ rong chơi cùng thế nhân và uống rượu quanh năm suốt tháng như thế thì không biết “khổ chủ” làm vườn vào lúc nào nhỉ, he he. Mà sao cây cối vào vườn nhà anh lại xanh tốt đến thế. Ngẫm ra, những người tuổi Hợi như anh em chúng tôi, hầu như ai cũng thích vườn và yêu cây lá. Tin thì tin, không tin thì thôi!

Mừng cho ông anh quý mến, nhà thơ tài hoa đã có cơ ngơi đẹp đẽ, khang trang, nơi thênh thang gió sông, mà vẫn có nhiều em xinh thầm yêu trộm nhớ. Con người anh, trước phụ nữ, luôn nói năng nhẹ nhàng, dịu dàng, dễ gần, dễ mến và đặc biệt lãng mạn. Anh luôn hân hoan gặp bạn bè, vẫn uống rượu tràn cũng mây và luôn giữ được vẻ thong dong, tự tại, trang trọng, ấm áp mỗi khi bè bạn và lũ đàn em kéo đến chơi. “Nhà anh có rất nhiều cửa sổ, mà chỗ nào cũng mát, Phương Thảo ạ, he he...”! Tin thì tin, không tin thì thôi!

Rồi anh đòi ra ngõ và lên xe để tiễn chúng tôi ra về! Săm sắn đeo túi khoác lên vai và khóa cửa. Tôi đi ngay phía sau, thấy bóng anh đổ dài dưới nắng, trên con đường nhỏ đầy gió. Cuộc “tiễn chân” được kéo dài bằng một màn đọc thơ say sưa trên xe ô tô, suốt quãng đường mọi người quay về nơi bên kia sông Hồng. Vẫn là Hà Nội, Hà Nội không vội được đâu! Tôi đã xuống xe, đã về đến nhà, thấy anh Tạo và các anh kia vẫn còn say sưa đọc thơ, vẫn chưa kết thúc được cuộc “tiễn chân” vĩ đại! Tin thì tin, không tin thì thôi!

                                                               Hà Nội, tháng 9/2016

                                                                                       P.T.P.T

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 30
Trong tuần: 840
Lượt truy cập: 451363
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.