Đức Dũng
MÙI CHÓ VÀ…MÙI TẾT
Khi tham gia, dự Trại sáng tác Âm nhạc, Văn học với chủ đề “Cảnh sát Cơ động – Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” do Bộ Công an (CA) tổ chức năm 2023, tôi được Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động (CSCĐ viết tắt là K02) cho biết: Có một đơn vị đặc thù của Bộ CA có trách nhiệm giúp Tư lệnh CSCĐ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (ĐVNV); trang bị ĐVNV cho Công an các đơn vị địa phương; trực tiếp sử dụng ĐVNV tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn TTATXH. Đó là Trung tâm huấn luyện và sử dụng ĐVNV – Đơn vị trực thuộc K02, có lịch sử hình thành và phát triển lâu nhất, với trên 60 năm (1959-2023).
Vượt cầu Nhật Tân “Năm nhịp dây văng như năm nhịp thời gian” (thơ Trần Quang Quý) in bóng xuống sông Hồng, men theo Quốc lộ 2, chúng tôi đến Trung tâm huấn luyện và sử dụng ĐVNV tọa lạc tại Kim Anh (Sóc Sơn – Hà Nội). Từ Quốc lộ 2 rẽ trái vào khoảng gần 100m, “đại bản doanh” của Trung tâm gồm 6,2 ha (trong đó 1,2 ha là khu Hành chính và 5 ha là Khu huấn luyện, chăm nuôi chó nghiệp vụ). Những bóng cây cổ thụ cùng tuổi đời của Trung tâm rợp mát, cả những cây thuộc loài hoa như phượng, long não, sữa, đại; cây ăn quả như bưởi, xoài cùng các loài hoa đủ loại như làm “dung hòa”, lấn át đi cái mùi đặc thù ở đây: Mùi chó. Bình thường ở khu chuồng trại, chó nghiệp vụ vẫn túc tắc sủa. Nhưng khi có khách lạ đến, phát hiện “khác mùi”, chúng thi nhau sủa như xóc ốc, giữ tợn hơn, nhe răng, mắt đỏ ngầu, sùi bọt mép. Ánh đèn máy ảnh cùng tiếng xoành xoạnh bấm máy của tôi, chúng tưởng “địch” tấn công nên càng lồng lộn. Cũi sắt rung lên cùng “mùi” tổng hợp, đặc trưng thoảng lại, dù cán bộ chiến sỹ (CBCS) liên tục vệ sinh chuồng trại.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, Thượng tá Dương Đình Đoàn (SN 1975) dáng nhỏ nhắn, luôn tươi tắn dù “ngập đầu” công việc. Sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, dù có nhiều lối đi nhưng 1998 ông về đây chọn con đường… khuyển. Ông cho biết, các nguồn chó nghiệp vụ ở đây chủ yếu là chó nhập ngoại. Gồm giống, Berger của Đức (cả chó đực và chó cái nặng bình quân từ 30-35 kg) màu lông chủ yếu là đen vàng; chó Berger của Bỉ nặng bình quân từ 28-33 kg, màu xám đen và xám vàng; chó Kocko của Tây Ban Nha nặng từ 8-12 kg, các màu lông vàng, đen, đốm bò sữa. Loại chó này nhỏ dễ luồn lách nên dùng cho phát hiện thuốc nổ. Một loại nữa nhập ngoại là cho Lbrado (giống của Úc) được cung cấp cho K02 và Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Bác, bảo vệ an ninh cho nguyên thủ quốc gia, khách quốc tế; phát hiện thuốc nổ.
Ngoài nguồn chó từ nhập ngoại, còn các nguồn sinh sản tại đơn vị và xã hội hóa ở ngoài dân. Mỗi CBCS của Trung tâm đều phải đảm nhận một chó nghiệp vụ, từ chăn nuôi đến huấn luyện nên phải có sức khỏe, yêu nghề, có kỹ năng cơ bản trong chăm nuôi, chăm sóc. Thời gian đào tạo, huấn luyện một chó nghiệp vụ trong một khóa là 6 tháng. Là Phó Giám đốc phụ trách chung, Dương Đình Đoàn không chỉ hài lòng với những con người hiện tại mà ông còn tự hào với truyền thống vẻ vang 60 năm “nối dài” những thành tích, những chiến công; những danh hiệu cao quý của đơn vị trong công tác đào tạo, huấn luyện và sử dụng ĐVNV. Chỉ trong những năm gần đây, Trung tâm được tặng Huân chương Quân công hạng Nhì (2014); Bằng khen của Bộ CA 3 năm liền (2016-2018); gần đây nhất là Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất của Chủ tịch nước (2019), Bằng khen của Bộ CA về phòng chống tội phạm ma túy tại tỉnh Nghệ An (2020) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2022).
Tại phòng làm việc Đội 5 – Đội sử dụng ĐVNV, tôi gặp chiến sỹ Vũ Viết Cương và Tạ Khắc Dũng. Hai anh (trong số 27 CBCS) được chia làm 3 tổ trực tiếp sử dụng 12 chó nghiệp vụ trong vụ đất đai ở Đồng Tâm (Mỹ Đức - Hà Nội) đầu năm 2020. Các anh cho biết tâm trạng khi 3 CBCS lực lượng CSCĐ ngã xuống, lòng căm thù bọn tội phạm trỗi dậy; các lực lượng phải nổ súng tiêu diệt 1 đối tượng, bắn bị thương 2 đối tượng; các anh dùng chó nghiệp vụ kết hợp trong việc khống chế, bắt giữ 32 đối tượng ném lựu đạn, bom xăng, dao phóng cùng các hung khí gây án khác. Hai “linh hồn” khác của Đội 5 là chiến sỹ Trần Tiến Thọ và Lê Thành Công khi Trung tâm phối hợp với PK02 Công an tỉnh Nghệ An tổ chức dã ngoại tham gia tuần tra kiểm soát trên địa bàn tỉnh và thực hiện Chuyên án ma túy tại xã Kim Sơn, huyện Quế Phong (năm 2020). Tại đây, chó nghiệp vụ do các anh sử dụng đã phát huy vai trò trấn áp, uy hiếp, bắt giữ các đối tượng phạm tội ma túy manh động, nguy hiểm do đối tượng Nguyễn Quốc Trung cầm đầu. Chính những chiến công này, Trung tâm được huyện Quế Phong trao thưởng và Bộ CA tặng Bằng khen – như một khích lệ lớn đối với CBCS.
Trên bộ bàn ghế đá kê dưới bóng mát những cây nhãn làm trời thu Sóc Sơn dịu lại, Đội trưởng Đội sử dụng ĐVNV, Đại úy Trần Văn Ngọ rủ rỉ với tôi. Anh cho biết đơn vị có 41 CBCS biên chế 5 tổ chuyên huấn luyện chó nghiệp vụ chuyên biệt, như: Phát hiện ma túy, chất nổ, vật chứng, giám biệt mùi hơi người, tìm kiếm cứu nạn…Để chứng minh chó nghiệp vụ có khả năng “chuyên biệt” đó, Ngọ lệnh cho các chiến sỹ xếp 8 va ly các màu khác nhau trên sân huấn luyện (trong 8 va ly đó, 1 va ly có gói ma túy). Chủ nhân của chó nghiệp vụ là Trung úy Nguyễn Hữu Mạnh. Sau một hồi Mạnh hô, quát, lệnh, chó của Mạnh sục sạo, đánh hơi khắp 8 va ly. Lượn đi lượn lại, chó cũng dừng lại va li ở giữa, sủa liên tục và hai chân trước cào lên va li. Đội trưởng Ngọ mở va li lấy gói ma túy ra. Chó nghiệp vụ dù đã xích lại, đóng rọ nhưng vẫn ghếch mõm hướng tới gói ma túy sủa ran lên – như là hành động “báo công” hoàn thành nhiệm vụ. Với thời gian, kinh nghiệm và chăm sóc chó nghiệp vụ 2 năm nay, Trần Hữu Mạnh thổ lộ: Phải kiên trì, tỉ mỉ, điềm tĩnh, nhẹ nhàng khi thuần hóa chúng. Phải biết đặc tính, năng lực làm việc của chó mà “lựa” . Không nôn nóng được.
Ở tư cách Đội trưởng, chỉ huy 41 CBCS chăm nuôi và huấn luyện ĐVNV, Trần Văn Ngọ còn cho biết thêm: Đặc thù của huấn luyện là vất vả. Vì chó không có tư duy, ngôn ngữ như con người. Ban đầu chúng rất hung dữ do bản tính hoang dã nên
rất nguy hiểm, CBCS phải từng bước xây dựng phản xạ cho chúng. Trong huấn luyện, CBCS rất sợ đóng vai tội phạm (tức “quân xanh”). Khi ra lệnh cho chó tấn công, chó không thể nhận biết tưởng là “địch” nên càng hung dữ, cắn vào những vị trí rất nguy hiểm, tạo thành những vết thương vật lý. Những người bị chó nghiệp vụ cắn (trong huấn luyện hoặc chăm sóc) ở những năm trước như: Đại úy Tăng Văn Trí, Trung úy Phùng Văn Xuân và ở Đội 5 như Trung úy Nguyễn Văn Hưng. Từ chăm sóc đến huấn luyện chó nghiệp vụ, thời gian ít nhất 8 tiếng/ngày, chưa kể có khoa mục phải huấn luyện đêm nên mùi chó với mùi người thực sự hòa quyện là “một”. Viết đến đây, tôi nhớ ngay tới truyện ngắn “Mùi cọp” của nhà văn Quý Thể từng “dậy sóng” văn đàn; rất gần gũi tương đồng với Mùi chó trong văn cảnh này. Truyện đại ý: Nàng là một diễn viên nuôi dạy thú, chuyên huấn luyện và biểu diễn với cọp ở một đoàn xiếc. Chồng nàng là một giảng viên đại học. Nàng có đam mê cháy bỏng “Em yêu lũ cọp. Chúng nó yêu em và em yêu nghề. Bỏ nghề thì em không biết làm gì”. Nàng thành công trong nghề huấn luyện và cùng cọp biểu diễn các tiết mục đặc sắc được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Không những mềm mại, khéo léo trong điều khiển, nàng còn đẹp nữa, sáng trưng cả sân khấu. Nàng luôn tự nhủ “Người dạy thú cần nhất là phải yêu thương và dịu ngọt với chúng”. Nhưng vầng hào quang – khúc xạ từ nàng phát ra bao nhiêu thì “thân thể nàng nhất là trong mái tóc nàng có mùi hăng hắc. Đó là mùi cọp”. Ở một chi tiết khác, “có lần vợ chồng nàng đi dự sinh nhật người bạn của chồng, con chó của chủ nhà tỏ ra thân thiện với mọi người, trừ nàng. Nó sủa vang và muốn cắn xé nàng nữa”. Chồng nàng xấu hổ và sự nguội lạnh, ám ảnh càng tăng trong đời sống, sinh hoạt. Và nàng đau đớn thốt lên “Em biết anh rất khó chịu, vì em đem mùi ác thú vào tận phòng ngủ”. Cuối cùng, kết cục đầy bi thảm: “Con cọp (có tên ĐakLăc) thấy bất bình thường ở nàng nên lập tức tấn công, người nhân viên kịp thời bắn nó chết. Nhưng không kịp. Nàng hấp hối sau đó một tiếng. Chiếc áo lấp lánh kim tuyến của nàng loang cả máu”. Hóa ra, buổi biểu diễn cuối cùng này nàng xức nước hoa hồng xa lạ, không còn mùi cọp nữa.
Cắt ngang dòng miên man suy tưởng của tôi về Mùi cọp và Mùi chó, tôi nhớ khi tâm sự với Đội trưởng Trần Văn Ngọ, hỏi có mặc cảm gì với nghề không, Ngọ thoáng buồn nói: “Có chứ. Vì khi tiếp xúc với những người ở ngành nghề khác, họ gắn thêm biệt danh “chó” cho dễ nhớ. Ví như em là Ngọ chó. Em lại cầm tinh con ngựa. “Hàm chó vó ngựa”. Thế mới đau. Mọi CBCS ở đây cũng vậy. Nhưng dần cũng “quen tai”, nhà văn ạ”. Rõ ràng, các anh xác định đã mang lấy nghiệp vào thân. Từ Phó Giám đốc phụ trách chung Dương Đình Đoàn, đến các Phó giám đốc: Thượng tá Hoàng Đình Thân phụ trách sử dụng ĐVNV; Thượng tá Tạ Minh Đàn – Phụ trách chăn nuôi, thú y; Thượng tá Bùi Hải Nam – phụ trách công tác Huấn luyện và Thượng tá Trần Thanh Sơn – phụ trách Hậu cần. Kể cả Đại úy Bùi Thị Hào – Phó đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, người có nhiều công lao trong việc “hiến kế”, tổng hợp các hoạt động cũng như kịp thời bám sát công tác thi đua, tuyên truyền cho đơn vị. Tất cả là một tập thể lãnh đạo thống nhất, toàn tâm toàn ý cho việc xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, xứng đáng là một địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo, huấn luyện và sử dụng ĐVNV cho các đơn vị trong toàn ngành và hai nước bạn Lào, Cămpuchia. Tuy nhiên, những trăn trở của Phó Giám đốc phụ trách huấn luyện Bùi Hải Nam, tôi thấy lắng sâu và cần thiết. Ông cho biết: Năng lực của chó nghiệp vụ sau khi được huấn luyện là ổn, nhưng ở các địa phương chưa được quan tâm, chú ý lắm. Công tác quản lý chó nghiệp vụ chưa được sát sao, tạo nên lãng phí. Cán bộ trẻ không phải ai cũng hứng thú, yêu nghề; việc học tập trau dồi không được chú trọng nên sức lan tỏa về tầm quan trọng của người huấn luyện còn hạn chế. Mặt khác, CBCS ở Trung tâm cần phải được đi học tập, tập huấn ở nước ngoài mới nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện và sử dụng ĐVNV ngang với tầm Quốc tế. Những trăn trở của Nam là có lý. Tôi nghĩ, điều đó cần phải hiện thực hóa trong công cuộc hiện đại hóa tầm vĩ mô mà K02 đang từng bước cải tiến và tạo đột phá.
Ngày áp Tết, bên ấm trà mang hương vị “Kim Anh” nóng hổi, xôn xao, tôi cùng Thượng tá, Phó Giám đốc phụ trách Dương Đình Đoàn và Thượng tá, Phó Giám đốc phụ trách chăn nuôi, thú y Tạ Minh Đàn lại “chuyển gam” sang chủ đề… Tết. Không chỉ sống lại Tết xưa với những ký ức, những kỷ niệm không phai mờ một thời gian khó của đất nước và ngành Công an nói riêng, các anh trở lại với công việc, nhiệm vụ của hôm nay. Đó là, hàng năm khi Tết đến, Ban giám đốc đều tổ chức họp, quán triệt, phân công trực Tết; phân công các tổ chức đoàn thể của đơn vị cho CBCS gói bánh chưng, tham gia các trờ chơi giân dan, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao… vui xuân đón Tết. Trước giao thừa (từ 21 giờ -23 giờ) Đảng ủy, Ban giám đốc đã gặp gỡ chúc Tết CBCS; thăm và chúc Tết các đơn vị kết nghĩa lân cận như khối trường học và các đơn vị quân đội. Đặc biệt vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ : Trung tâm luôn ứng trực đảm bảo quân số, kỷ luật lẫn chuyên môn; phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, cử CBCS và chó nghiệp vụ trong tuần tra, kiểm soát, giữ gìn ANTT trước, trong và sau Tết.
Ngoài kia – Quốc lộ 2 đang rầm rập, hối hả dòng người và các phương tiện ngược xuôi, thỉnh thoảng có những xe tải trở đầy cây cảnh, những chậu quất vàng, xanh trĩu quả cùng màu rực rỡ của hoa đào như chở cả mùa xuân đến mọi nhà. Theo đó, hương vị của Tết cũng tràn ngập phố phường, trùm lên cả những thửa ruộng mới cấy, bén rễ xanh non như sự sống sinh sôi.
Có phải mùi Tết lấn át hoàn toàn mùi chó lúc này? Tôi tin là như vậy!
Đ.D
Người gửi / điện thoại