Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LIZA

Trần Ngọc Dương

LIZA

Liza không ngờ mục tiêu đến làm ở cửa hàng thời trang và mĩ phẩm lại thay đổi nhanh đến như vậy. Lúc nhờ Hạnh - cô bạn học người Việt thân nhất lớp - xin việc, Liza nói với bạn:
- Mình xin làm nhân viên ở quầy giao dịch vì muốn rèn luyện học hỏi thêm ngôn ngữ tiếng Việt. Nó sẽ giúp ích cho mình rất nhiều khi làm luận văn tốt nghiệp.
Khi được Mai - chủ cửa hàng, dì ruột của Hạnh - đặt vấn đề về chuyện thù lao. Liza trả lời:
- Với cháu việc đó không thành vấn đề! Dì trả cho cháu bao nhiêu cũng được! Hàng tháng dì cứ chuyển vào tài khoản hộ cháu. Được làm việc ở đây, với cháu quá tốt! Khác nào được đi thực tập mà không phải tốn một đồng tiền nào để đóng học phí.
**
Lúc rời Ukraine sang Việt Nam theo học tiếng Việt tại một trường Đại học, quê hương của Liza còn yên bình. Hàng tháng, vào một ngày nhất định. bố mẹ đều chuyển cho Liza một khoản tiền không nhỏ. Đủ cho Liza ăn tiêu thoải mái trong những ngày theo học ở Việt Nam. Chiến tranh nơi quê nhà xảy ra nhanh quá. Việc làm ăn của gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Đầu tiên là chuỗi siêu thị của mẹ. Sau đó Công ty chế biến và xuất khẩu ngũ cốc của ba phải đóng cửa. Số tiền của ba mẹ gửi vào tài khoản của Liza ít dần rồi đứt quãng, khi cả gia đình cô phải rời mảnh đất chiến sự ở miền Đông quê nhà, tản cư sang nước Đức.
Trước kia việc chi tiêu hàng tháng Liza không phải cân nhắc điều gì, thì giờ đây cô phải tính toán từng hang mục một. Nguồn tiền lương có được từ của hàng trở thành tài chính chủ yếu cho sinh hoạt hiện tại của cô. Liza thổ lộ hoàn cảnh của mình với Hạnh:ngaviet
- Có khi tôi phải thôi học.
Hạnh ngạc nhiên hỏi lại:
- Đang làm luận văn tốt nghiệp, bạn nói nghỉ học là sao? Vì lí do gì?
- Vì hoàn cảnh tài chính hiện tại, không cho phép mình học tiếp
Hạnh mang chuyện của Liza nói với dì Mai của mình. Thấu hiểu hoàn cảnh của Liza, dì nói Hạnh gọi bạn đến gặp mình. Dì bảo Liza:
- Cháu trả phòng trọ đi! Dọn đến nhà dì mà ở, đỡ được một khoản tiền. Nhà dì còn mấy phòng bỏ trống liền! Đến ở cho vui, dì đi làm còn thoải mái, chứ về nhà có một mình buồn lắm! Việc đi học, đi làm hàng ngày của cháu sẽ do con Mai chịu trách nhiệm đưa đón! Hàng ngày dì ăn sao cháu dùng vậy! Mà dì cũng không cho cháu ở miễn phí đâu! Việc nhà, dì sẽ giao hẳn cho cháu!
- Giống như người quản lí ấy phải không dì?  Liza sợ mình không làm nổi vì chưa quen!
- Cháu phải cố tự làm thôi! Nhưng không phải lo gì cả! Những ngày đầu cháu chưa quen, chúng ta sẽ cùng nhau làm. Mà còn con Mai nữa, nó ở nhà dì còn nhiều hơn ở nhà với bố mẹ. Nó sẽ hỗ trợ cháu đến quen việc mới được phép thôi! Mà cháu nói tiếng Việt thành thục rồi! Giờ tập làm các món ăn thuần Việt dần đi là vừa - Quay sang Mai - Tiện thể dì dạy cả con này nữa, mẹ mày cứ trách tao hoài - Có mỗi một đứa cháu gái mà bà dì giỏi giang đến như vậy lại không chịu chỉ bảo chi cả - Dì nhìn Liza tủm tỉm - Biết đâu cháu lại làm dâu ở mảnh đất này! Cháu phải học cách chế biến các món ăn Việt dần đi là vừa.
Liza đỏ mặt:
- Ở lớp có bạn nói: Liza là gà tồ, chẳng ai người ta thèm yêu cháu đâu.
- Cửa hàng nhà dì nhiều khách hẳn lên, một phần có cháu đứng ở quầy giao dịch đấy - Dì Mai chỉ Hạnh nói tiếp - Tồ như cháu mà mẹ con Hạnh đây thường bảo nó phải lấy cháu ra làm gương để mà học!
Hạnh chống chế:
- Tại cháu giống mẹ nên không có năng khiếu làm việc nhà, việc nữ công gia chánh dở ẹc là lẽ đương nhiên.
- Mẹ mày hồi đi học luôn đứng đầu lớp. Sau được đi học nước ngoài, lúc trở về lại làm công tác giảng dạy tại trường Đại học. Công việc bù đầu lấy đâu ra thời gian mà học nữ công gia chánh. Dốt như tao không học nổi Đại học, mới được bà ngoại dạy dỗ làm nhiều việc nhà để dễ lấy chồng. Nhà chồng lại có truyền thống kinh doanh, tao chỉ tiếp quản cửa hàng của các cụ, chứ tài giỏi gì cho cam. May mà mọi việc đều hanh thông.
- Dì khiên tốn quá đi thôi, bà ngoại chỉ khen có mỗi mình dì. Những người thành đạt nhất ở cái thành phố này mà cháu biết, đều nhắc đến dì với giọng khâm phục. Còn mẹ cháu bị bà chê liên hồi, làm việc gì cũng chẳng nên hồn.
**
Hồi ở quê nhà, ngoài việc đi học ra, lúc rảnh rỗi Liza thường ra siêu thị của mẹ chơi, xem nhân viên làm việc. Nên những công việc ở cửa hàng của dì Mai, cô nắm bắt rất nhanh. Ngày ấy trong lớp học phổ thông của Liza, cũng có một số bạn người Việt. Họ thường mời cô về nhà chơi mỗi khi có dịp. Nên phong tục tập quán, các món ăn của người Việt đối với cô cũng chẳng xa lạ gì.
Cuộc chiến tàn khốc nơi quê nhà, đã biến gia đình cô thành những kẻ tha phương. Nhưng cô thấy mình còn may mắn chán, vì thi thoảng còn nhận được tin tức của bố mẹ. Để các bậc sinh thành không phải lo nghĩ về mình, Liza nhắn tin cho họ: “Bố mẹ cứ yên tâm, ở bên này con đã có việc làm, tự lo cho mình được! Những người Việt con quen biết đã trải qua chiến tranh, khi biết hoàn cảnh của gia đình mình, nên họ thương con lắm, sẵn sàng an ủi và chia sẻ cho con mọi thứ. Con không cô đơn khi phải sống xa bố mẹ đâu!”
Một lần hai dì cháu trò truyện. Dì Mai hỏi Liza:
- Mấy tháng nữa học xong, cháu định làm gì tiếp theo?
- Lúc lấy được bằng tốt nghiệp, cháu sẽ đi tìm việc dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ. Nếu có thời cơ và điều kiện cho phép, cháu sẽ đi học thêm.
Dì Mai kinh ngạc thốt lên:
- Cháu định học thêm? Nhưng học thêm cái gì?
- Cháu muốn học thêm Đại học Y.
- Ý định ấy xuất hiện trong đầu cháu từ lúc nào?
- Từ lúc chiến tranh xảy ra trên quê hương cháu. Cháu nghĩ: Nếu trở về Ukraine với cái nghề này, mình sẽ giúp được mọi người ở quê nhà nhiều hơn.
- Nhưng ước mơ đó với hoàn cảnh hiện tại của cháu bây giờ liệu có viển vông quá không?
- Thì có ai cấm con người ta mơ ước đâu hở dì!
- Làm gì cũng cần phải có chỗ ở ổn định. Cháu cứ coi đây là nhà của mình đi, nếu chẳng tìm được chỗ ở nào tốt hơn. Còn công việc không phù hợp, cộng tác làm việc lâu dài với dì cũng được. Dì đang tìm quản lí cho một nhà hàng sắp được mở đây! Làm việc với chức danh đó, mức thu nhập hơn hẳn việc đi dạy học ở các trung tâm ngoại ngữ rất nhiều! Việc đi hay ở tùy cháu quyết định!
Sống với dì Mai, Liza học được tính tỉ mẩn, cẩn thận trong từng công việc. Nhà Hạnh có giỗ, hai dì cháu sang phụ việc nấu nướng. Các bậc cao niên khó tính nhất trong họ phải ngạc nhiên khi thấy Liza xắn tay áo, trổ tài chế biến các món ăn. Từ việc làm chả nem, chặt gà bày đĩa đến việc pha nước chấm cho từng món ăn riêng biệt Liza đều làm thành thạo. Khi được hỏi:
- Cháu học từ ai mà làm giỏi thế?
Liza bẽn nẽn:
- Cháu làm được những việc này tất cả đều do công của dì Mai dạy bảo cả.  
Hạnh đứng cạnh bạn lên tiếng:
- Nó cứ khiêm tốn vậy chớ, dì cháu dạy cả hai đứa. Nhưng cháu giống mẹ, vụng lắm. Chả làm gì nên hồn cả. Đụng việc gì hỏng việc đó, bị dì mắng hoài!
Chẳng riêng gì việc nấu nướng. Những người nghiện trà, khi uống chén nước do Liza pha cũng xuýt xoa cất tiếng khen.
Khi ông anh trai Hạnh lấy vợ, lúc chuẩn bị đi đón dâu. Bà nội của Hạnh hơn tám mươi tuổi mở quả kem kiểm tra. Bà la lên khi thấy không có trầu têm cánh phượng. Ngay lập tức bà bắt mọi người bổ sung. Khổ nỗi, trong số những chị em phụ nữ có mặt, không một ai biết làm viêc này. Thấy thế bà nói mọi người đem các thứ tới, để bà chế biến. Lúc Liza nhìn thấy bà cầm con dao con run run khi bổ quả cau, cô vội nói:
- Bà để cháu làm cho!
Bà tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại Liza:
- Mày biết làm cả việc này?
Liza gật đầu xác nhận:
- Dì Mai đã dạy cháu làm một lần rồi!
Ngắm nhía thành quả do Liza tạo ra, bà nội bình phẩm:
- Mày têm khéo lắm, đẹp hơn cả những cánh trầu hôm ăn hỏi.
Lúc tổ chức hôn lễ ngoài nhà hàng, khi thấy tay MC luống cuống khi đám cưới không theo đúng kịch bản đã chuẩn bị. Chẳng là các ca sĩ hát đám cưới mải chạy sô, không có mặt.
 Dì Mai vốn có máu văn nghệ, bèn nhảy nên bục đăng kí hát tặng cháu mình. Lúc dì nói tên bài hát và hỏi nhân viên âm thanh có nhạc Beat của bài hát không. Khi thấy dì nói thêm:
- Tôi hát giọng la thứ!
Người nhân viên biết dì là người hiểu biết về âm luật bèn nói:
- Đối với nhạc phẩm này ở đây chỉ có sẵn bản nhạc Beat dành cho song ca.
- Vậy cũng được! Sẽ có người hát cùng!
Tiếng dì Mai vang lên khắp hội trường:
- Sau đây con gái tôi Liza sẽ hát cùng mẹ nhạc phẩm … để tặng toàn thể các quí vị quan khách trong hôn trường hôm nay.
Thấy Liza ngơ ngác, Hạnh vội cầm tay bạn dắt lên bục giao tận tay cho dì Mai. Liza vội đưa cái điện thoại cho người nhân viên, cô cất tiếng:
- Ở đây có sẵn nhạc Beat tác phẩm ấy, bản này chúng tôi hàng ngày vẫn hát cùng nhau!
- Như vậy tốt quá rồi!
Cả hội trường lặng đi khi tiếng ca của hai người vang lên. Tiếng hát của họ quyện vào nhau làm một, lúc lên cao chơi vơi, khi chìm xuốn tận đáy chân sóng. Bài hát chấm dứt, cả đám cưới dường như bị vỗ tung bởi tiếng vỗ tay vang dội. Hai người cúi chào cả hôn trường, rồi tiến về phía bàn kĩ thuật trao lại micr cho người phụ trách âm thanh. Lúc chuẩn bị rời khán đài xuống dưới. Bất chợt trong không gian lại vang lên giai điệu của bản nhạc: Bài ca trên núi - Bản nhạc tiếp theo trong cái điện thoại Liza chưa kịp lấy về - Thấy Liza đưa mắt nhìn mình như muốn hỏi. Dì Mai đưa tay đẩy nhẹ vào người Liza nói:
- Con hát tiếp đi! Bài tủ của con đấy!
Khi khúc nhạc dạo đầu chấm dứt, giọng ca trong vắt chuẩn tiếng Việt của Liza vang lên:
“Hơ hơ...ơ ơ... hơ hơ… 
Đầu trời có sao chiều sao sớm
Đầu núi kia có ớ ơ hai người
Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi 
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau...”
Lại một lần nữa, cả hội trường ngạc nhiên lặng đi trong tiếng hát của cô gái tóc vàng có cặp mắt xanh biếc. Mọi người ngạc nhiên là phải, nhưng đối với Hạnh, cô đã quá quen với cảnh này. Bởi cô thường thấy cảnh hai người say sưa hát bên nhau trong phòng Karaoke mỗi khi tới nhà dì
`**
Liza không hề biết rằng: Tất cả việc vừa làm của cô trong đám cưới, đã lọt vào cặp mắt của Hưng - Đứa con trai duy nhất của dì Mai, đi du học bên Úc, học xong cậu ở lai xứ sở chuột túi luôn. Hưng trở về nước dự đám cưới của ông anh họ. Máy bay hạ cánh xuống sân bay, cậu chỉ kịp bắt tắc xi trở về nhà, trút bỏ hành lí rồi đến luôn đám cưới. Tới nơi, Hưng bắt gặp cảnh mẹ mình cùng Liza sánh vai nhau trên sân khấu. Mặc dù hai người đã biết mặt nhau, trong một số lần mẹ con Hưng trao đổi qua điện thoại. Hưng vẫn ngỡ ngàng kinh ngạc trước dung nhan và giọng hát ngọt ngào truyền cảm của cô gái người Âu. Lúc hai người rời sân khấu, đi về chỗ cái bàn Hạnh đang ngồi chờ. Hưng tiến tới, dang tay ôm chầm lấy mẹ, lôi về mình. Thấy dì Mai lộ rõ vẻ không đồng tình, Liza hất tay Hưng:
- Anh đừng làm như vậy! Mẹ chưa quen với cách biểu lộ tình cảm này đâu!
- Em quan tâm làm gì? Mẹ của anh chứ đâu phải mẹ của em!
Hưng thích thú khi nghe Liza trả lời bằng một câu thơ của Xuân Quỳnh:
“Phải đâu mẹ của riêng anh…”
Liza cũng không ngờ Hưng đáp trả bằng câu thơ liền kề
“…Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi…”
Nghe hai người đối đáp, Hạnh nói với dì Mai:
- Kiểu này dì sẽ sớm bị cướp không đứa con gái mới nhận này giữa ban ngày mất thôi.

                                                                T.N.D
 
 
 
 
 
 
 
 
 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 57
Trong tuần: 637
Lượt truy cập: 425295
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.