Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LA CHÍ VÀO XUÂN

Giang Hiền Sơn

BẢN LA CHÍ VÀO XUÂN                                                                                                                            

          Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp được trở lại bản người La Chí ở xã Vĩ Thượng (huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang). Một bản nhỏ, xinh xắn nằm khuất sau những dải đồi mọc san sát như những chiếc bát khổng lồ nằm úp đang kề vai hoặc gối đầu lên nhau chạy dọc theo con đường tỉnh lộ 183, từ thị trấn Vĩnh Tuy vào huyện lỵ Quang Bình, đoạn qua thung lũng Vĩ Thượng. Cảnh vật của bản làng tộc người La Chí bây giờ so với mấy chục năm trước cũng đã thay đổi ít nhiều nhưng vẫn còn giữ được những nét hoang sơ khiến cho xóm núi hiện lên trong mắt lãng khách tựa như nàng sơn nữ đang còn say giấc nồng giữa núi rừng mênh mông thẳm biếc.lachi1

          Nhớ lại trước kia mỗi lần vào chơi trong bản những vườn cam, nương ngô bên đường bây giờ khi đó còn là những vạt đồi bạt ngàn tre, bương, hóp, nứa hay mênh mông chuối rừng rực rỡ màu hoa đỏ xen lẫn trập trùng các thân cọ nối nhau liên tiếp với những tàu lá như chiếc ô to xòe tán xanh mướt râm mát cả một khoảng đồi. Và kia, vẫn còn đó con suối ngày xưa róc rách với dòng nước trong veo chảy xuyên qua bãi đá giữa gập ghềnh sỏi cuội, đi ngang những bản làng trong thung, dưới chân những thửa ruộng bậc thang thâm thấp đang lấp loáng bóng nước đợi chờ ngày cấy. Cùng đó nhà cửa trong bản bao năm rồi vẫn vậy. Dường như chủ yếu vẫn là những nếp nhà xưa với cột gỗ, sàn bương, vách tre và mái cọ thâm nâu. Những mái nhà ấy thấp thoáng ẩn hiện giữa một màu xanh mênh mông của núi rừng; len núp bên những sườn đồi, trên những thửa ruộng. Những nếp nhà trong xóm núi ấy khác xa với những ngôi nhà cao tầng bê tông mái sắt chia lô ngày càng hoành tráng, khang trang mọc lên san sát phía ngoài đường tỉnh lộ cách đó không xa. Ngắm nhìn cảnh vật sơn cước một thủa ngày xưa ta bất chợt nhận ra những con đường đi vào trong bản cùng những cột điện giăng dây trên những ngọn đồi sừng sững vươn lên trời cao và tỏa đi khắp các nẻo đường nay cũng đã đổi khác. Hồi đó điện lưới chưa có, đêm xuống chủ yếu là đèn dầu leo lét hoặc chập chờn một vài bóng điện lờ mờ hắt ra qua ô cửa nhà sàn bởi nguồn điện từ những máy phát điện của người dân ngăn suối dâng nước mà có. Còn tất cả, bao trùm bản làng là đêm đen mịt mùng giữa bốn bề âm vang của tiếng côn trùng rả rích. Bây giờ đường đi lối lại về bản khá thuận lợi, đã có những con đường xẻ đôi ngọn đồi đi vào trong bản tựa như đi giữa hai vách núi, nhìn lên thấy trời cao hun hút. Nhưng ký ức trong tôi về một thời ngày xưa với con đường mòn ngược đồi dẫn vào bản vẫn chưa thể nào quên. Đó là con đường đất độc đạo mà mỗi mùa mưa là nỗi sợ hãi của biết bao người qua bởi sự trơn trượt và đeo bám của đất đồi đỏ quạch, dẻo quánh. Nay con đường ngược dốc thời trước đã được hạ thấp và bê tông sạch sẽ nên dễ dàng qua lại. Dường như sau mấy chục năm, giao thông dù có dễ dàng hơn rất nhiều nhưng bản làng vẫn khá biệt lập với thế giới bên ngoài. Cả bản hầu như không bị làm phiền bởi những tiếng động cơ ồn ào, náo nhiệt. Môi sinh của con người vẫn gần gũi, chan hòa với núi đồi ngút ngàn cây lá. Nghe kể, thi thoảng giữa tiết trời mùa đông hoặc sang xuân toàn bộ thung sâu của bản làng lại chìm trong màn sương mờ như mây và huyền ảo trong ánh lửa bập bùng le lói hắt ra từ ô bếp của những ngôi nhà sàn thấp thoáng bên triền đồi. Cái khung cảnh bản làng như thế dễ gợi lên trong lòng người một cảm giác tĩnh lặng và huyền bí thâm u. Nghe thế, bất giác trong lòng chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên về một miền Tây Bắc mờ xa: “Nhớ bản sương giang, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương …”

          Bây giờ vẫn vậy, bản người La Chí theo phong tục cổ truyền đón năm mới sớm hơn người Kinh trong vùng. Đồng bào tổ chức đón năm mới từ ngày hai mươi sáu tháng Chạp. Trước đó khắp bản, các gia đình rộn ràng cùng nhau dọn dẹp trang hoàng nhà cửa từ trong ra ngoài. Người La Chí thường mua sắm, bày biện các đồ dùng mới trong dịp đón mừng xuân sang để cầu mong một năm mới gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi. Trong các ngày đón mừng năm mới mọi nhà cùng nhau mổ lợn làm cơm mời tổ tiên ăn tết. Theo tín ngưỡng của người La Chí người ta cúng ba đời với nam nhân và hai đời đối với nữ nhân. Trong mâm cỗ cúng tổ tiên bao giờ người ta cũng có một miếng thịt sống ở cổ còn nguyên da, một củ gừng dùng làm cầu nối giữa cõi âm với dương gian, đặc biệt điều không thể thiếu là một chiếc sừng trâu. Người La Chí quan niệm con trâu là đầu cơ nghiệp nên chiếc sừng trâu xuất hiện trong dịp lễ tết đầu xuân giống như một tín vật thiêng liêng để kết nối giữa con cháu với tổ tiên và đem đến những điều tốt đẹp cho gia chủ trong cả một năm tiếp theo. Đồng bào La Chí trong bản tin là vậy nhưng việc sử dụng sừng trâu có nguyên tắc nhất định chứ không thể dùng bừa bãi, không phải sừng trâu nào cũng hiệu nghiệm, cũng được dùng để dâng lên tổ tiên trong ngày lễ năm mới. Theo tục truyền của người La Chí thì chỉ có những chiếc sừng thiêng mới được dùng để dâng lên tổ tiên. Trong các ngày lễ, tết trọng đại người La Chí chọn chiếc sừng thiêng là chiếc sừng của những con trâu được mổ trong các ngày trọng lễ của gia đình hay dân bản như thể ngày lễ hội hay ngày cưới. Đồng bào dùng chiếc sừng trâu này để đựng rượu và thành kính dâng lên tổ tiên trong ngày lễ đầu năm. Người La chí quan niệm rượu là tinh hoa của gạo. Gạo là tinh hoa của trời đất nên con người cúng tổ tiên  phải dâng rượu vào chiếc sừng thiêng để bày lòng thành của con cháu đang sống với những người đã khuất; với thần linh. Âu đó cũng là cách để con người bày tỏ sự thành kính, hiếu nghĩa cùng những ước nguyện của dương gian mong được tổ tiên che chở, phù trợ.

          Cũng theo phong tục, trong các ngày cúng lễ đầu năm, thầy cúng là một nhân vật không thể thiếu được. Người La Chí coi thầy  cúng giống như người liên lạc để làm trung gian, cầu nối giữa người đang sống với người đã khuất, giữa cõi dương và cõi âm. Trong nghi thức cũng lễ của người La Chí người ta thấy có một sự khác lạ so với nhiều tộc người khác. Đó là khi cúng tổ tiên thầy cúng không dùng hương. Đồng bào chỉ bày lễ vật ra mâm và mời thầy cúng đến lễ. Thầy cúng sẽ gọi các con cháu vào ngồi cạnh mâm cỗ. Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ thì nghi thức cúng lễ sẽ được tiến hành. Người ta sẽ rót rượu vào chiếc sừng trâu rồi luân phiên chia đều cho mọi người ngồi bên mâm uống cho đến bằng hết.

          Tết xưa theo phong tục của người La Chí trong bản thì cứ đến ngày ba mươi tết các nhà làm bánh giầy; gói và nấu bánh chưng. Đến tối ba mươi tết mọi nhà bày mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh giầy lên bàn thờ và báo cáo với tổ tiên kết quả làm việc của một năm vừa qua và xin tổ tiên phù hộ cho mọi người được khỏe mạnh làm ăn gặp được nhiều thuận lợi, tốt đẹp. Đêm ba mươi tết mọi người không đón giao thừa mà đi nghỉ sớm, không cúng lễ. Qua giao thừa, khi thời gian chuyển giao năm cũ sang năm mới xong, khoảng canh tư, trai gái trong bản bắt đầu tắm rửa sạch sẽ để cầu mong phúc lộc an khang. Đến sáng ngày mùng một năm mới các nhà mổ gà để xem chân đoán vận hạn và may mắn trong năm. Những ngày xuân mới trên khắp bản làng người La Chí rất vui, trai gái nam thanh nữ tú thường tập trung trên những bãi rộng, ruộng cao chơi đu quay, ném còn và hát dân ca.

                                     lachi3

          Trở lại bản La Chí lần này chúng tôi vừa như được quay về với miền ký ức xa xôi vừa như được hòa mình vào tiết trời lập xuân, đúng ngày cuối cùng chuẩn bị cho lễ đón mừng năm mới của đồng bào. Ngày đầu lập xuân tiết trời có phần dễ chịu hơn mấy ngày rét đậm liên tiếp trước đó. Hơi xuân tràn về đã làm cho bản làng có phần ấm áp hơn nhưng những lớp sương mù vẫn chưa hết hẳn, hãy còn giăng mắc huyền ảo giữa bốn bề núi đồi tĩnh lặng. Đây đó trên dọc đường đi chúng tôi cũng đã nhìn thấy đất trời vào xuân với những hàng xoan bên đường đang bật chồi, nhú mầm, xanh biếc lộc tơ. Những cội đào cũng đang rộn ràng đơm bông rực rỡ và thoang thoảng đưa hương trong gió. Con đường bê tông dẫn vào trong bản chắc đã được dọn dẹp từ trước nên nhìn rất phong quang, sạch sẽ nhưng có vẻ vắng lặng bởi thưa thớt người qua. Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống những thửa ruộng dưới chân đồi đây đó chúng tôi thấy thấp thoáng dăm ba sơn nữ đang cặm cụi cấy lúa trên cánh đồng giật cấp như thể bậc thang giữa thung lũng nhỏ. Phía xa đằng trước, thanh niên trong bản dường như đang xúm lại bên một bờ ao gần cạn nước để vét lưới bắt cá thả vào một tấm bạt to như thể đang chuẩn bị chia phần cho nhau đem về ăn tết. Cứ thế mải mê ngắm nhìn thiếu nữ của núi rừng Vĩ Thượng vừa độ khai xuân, vẫn còn say giấc nồng nàn mà lòng không khỏi lâng lâng, sảng khoái. Đất trời trong bản nơi đây vẫn còn hoang sơ và tĩnh lặng đến vô cùng. Bản làng người La Chí ấy giờ đây hiện lên trong mắt tôi giống như một nơi sống chậm. Một chốn an yên, bình dị và nên thơ nhưng hình như còn ẩn chứa biết bao điều diệu kỳ của cuộc sống. Nó yên ả, êm ái đến nao lòng!

                                                                                                                              G.H.S

                                                                                                 (Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, TP Hà Nội)

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 145
Trong tuần: 849
Lượt truy cập: 451265
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.