Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KỶ VẬT

Trần Quang Minh

KỶ VẬT CÒN LẠI

          Nghe tin vợ chồng bác Chung anh em trong họ lại cùng xã ở Hà Nội về thắp hương cho các cụ, anh Hoà phó chỉ huy quân sự huyện LT Hà Tĩnh phóng xe về thăm. Đỗ xe ngoài cổng, Hoà cầm bó hoa huệ xách theo gói bánh vào nhà. Vợ chồng bác Chung ra đón có cả ông Nên, ông Đã là anh em họ hàng, và bà Hiền là hàng xóm.

     Thắp hương xong uống chén nước ông Chung vừa giót, anh Hoà nói ngay:

  • Mai giỗ cụ em bận đi họp trên tỉnh không về được, có việc này em phải nói ngay với bác không quên mất thì chết.
  • Có việc gì mà chú làm quan trọng thế - Ông Chung hỏi.

Vừa rồi chuẩn bị cho kỷ niệm truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh, em xem lại danh sách liệt sỹ xã mình hy sinh năm 1972 ở Trường Sơn. Khi giở đến trang có tên bác Đỗ Văn Chương em thấy có mảnh giấy bằng ba đầu ngón tay kẹp vào mép trang, em định lấy ra nhưng dán chặt quá bóc ra sợ rách, em chép lại cho bác đây. Nói rồi anh Hoà rút túi áo ngực đưa cho bác Chung mảnh giấy. Bác Chung cẩn thận mở ra xem: “Ngày 5 tháng 7 năm 1978 đồng chí Nguyễn Văn Chiến bộ đội phục viên ở xã PN huyện KC Phú Tho đến tìm gia đình liệt sỹ Đỗ Văn Chương nói là cùng đơn vị với anh Chương”. Xem xong bác Chung hỏi:

  • Thế này là thế nào chú?
  • Em đoán bác Chiến từ ngoài Bắc vào, đến huyện đội hỏi thăm, bác nào hồi đó làm ở huyện đội đã cẩn thận ghi lại.
  • Thôi chết, hơn bốn mươi năm rồi mới biết thông tin này thì làm thế nào được nhỉ?
  • Em đoán bác Chiến chắc chiến đấu cùng bác Chương, bác Chương hy sinh bác Chiến lúc được ra quân, muốn tìm nhà mình để nói điều gì đó, có khi bác Chương nhắn lại. Năm 1978 nhà bác không có ai, hai cụ đã mất rồi, bác sang Liên Xô học từ năm 1977, không biết bác Chiến có gặp ai trong anh em nhà mình không? Nếu gặp phải có người nói lại chứ.

Không khí trong phòng lắng xuống, vợ chồng bác Chung ông Nên ông Đã, trầm ngâm suy nghĩ. Bà Hiền châm ba nén hương cắm vào bát hương có ảnh liệt sỹ Chương chắp tay, không biết bà nói với ông Chương điều gì.screenshot_1380

           Ông Chiến năm nay đã ngoài bảy mươi, ông cũng không được khoẻ lắm trái nắng trở trời đủ bệnh dò ra, nhất là cái xương khớp của ông hình như nó đã rệu rạo hết cả. Vết thương ở ngực phải của ông không đủ để ông được hưởng chế độ thương binh. Tiểu đường của ông lên mức mười hai mười ba cũng không đủ để công nhận nhiễm chất độc da cam. Thế là bảy năm trong quân ngũ, lăn lộn khắp Trường Sơn của ông, khi về chỉ được lĩnh thương tật một lần với số tiền ít ỏi. Mấy ông bạn cứ bảo “Giá mà ông cố lên một tí, có phải bây giờ có chế độ rồi không, bao nhiêu anh không bằng ông mà họ có thẻ hết đấy”. Những lúc như thế ông Chiến lại cáu lên “Mặc xác họ, tôi lấy cái gì mà cố, ăn còn không đủ thì tiền đâu”. Mà ông Chiến vất vả thật, sống ở nông thôn miền núi lạc hậu, hai đứa con của ông học hành chẳng vào đâu, lấy vợ lấy chồng bố mẹ còn khoẻ giúp cho nhà cửa ra ở riêng con cái lít nhít vo véo cũng chỉ đủ ăn, rồi chúng nó còn lo cho con học hành. Thành ra về già có hai ông bà Chiến ở với nhau, vẫn phải làm ruộng nuôi gà mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, rồi tiền thuốc men khi trái nắng trở trời. Khu dân cư lập danh sách ông vào hộ nghèo, ông bảo “Tôi làm sao mà nghèo, lúa thóc đủ ăn, gà ngoài chuồng, cá dưới ao, nhà tuy bằng gỗ nhưng còn hơn khối nhà”. Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh lập hồ sơ để cấp kinh phí thêm vào cho ông xoá nhà tạm, lại mắc vì ông không phải hộ nghèo, cho nên cũng chẳng được cấp.

       Sáng nay bà Hà vợ ông Chiến vác cuốc ra thăm ruộng, ông Chiến ở nhà mở của chuồng cho gà ăn. Đàn gà của ông gần năm chục con gà thịt, hai tháng nữa là tết, ông phải thu về cả chục triệu. Ông thầm khen bà Hà nhà ông mát tay, chăn nuôi năm nào cũng được. Nếu không thế thì chết, dạo này tốn tiền thuốc quá, cái anh thuốc Tây lại hay lên giá, mà không mua không được. Ông Chiến vừa cho gà ăn vừa nghĩ vẩn vơ thì ngoài ngõ có tiếng gọi:

  • Ông trẻ có nhà không?
  • Ai đấy, vào nhà đi tôi xong rồi đây.

Ông Chiến cất chậu cho gà ăn, đi vội ra sân thấy ngoài cổng anh chủ tịch xã cùng ba người lạ quần áo sang trọng người xách cặp, người xách túi đi vào.

  • Mời các ông vào nhà.

Chỉ có bốn cái ghế ba nan cong cũ kĩ, ông Chiến vào buồng bỏ khay giầu rễ của bà Hà lên giường để lấy thêm cái ghế mới đủ chỗ ngồi. Rồi ông tất bật pha nước, trong lúc ông tìm thêm ghế, pha nước thì người khách lạ có vẻ nhiều tuổi nhất đã kịp thăm một vòng quanh nhà ông. Đợi ông Chiến giót nước mời mọi người xong anh Điền chủ tịch xã mới nói:

  • Giới thiệu với ông trẻ đây là ông Chung chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội được sự giới thiệu của tỉnh về huyện ta làm việc, đây là chú Dũng trợ lý của ông Chung, còn đây là cháu Đăng lái xe. Chiều hôm qua ông Chung có ghé qua xã ngỏ ý muốn tìm nhà ông trẻ, nên hôm nay chúng cháu vào xin ông trẻ bữa cơm gà đồi, mà sao không thấy bà trẻ đâu?

Nói xong anh Điền cười khà khà, đưa mắt sang ông Chung, ông Chiến thấy lạ lắm “Khả năng ông này tìm nhầm người nào chăng”.

  • Mời các ông ở lại chơi, bà nhà tôi ra ruộng về ngay thôi.

Ông Chung quan sát biết là ông Chiến còn đang rất băn khoăn chưa hiểu sự tình ra sao. Trong lòng ông Chung thấy thiện cảm ngay với người cựu chiên binh già, gia cảnh quá đơn sơ, cuộc sống chắc là khó khăn lắm. Ông nói:

  • Thưa bác Chiến, em biết bác lâu rồi nhưng bác không biết em, bác chỉ biết anh Chương em hồi ở Trường Sơn thôi đúng không?

Ông Chiến run bắn người, ông luống cuống đứng lên, lại ngồi xuống. Lời nói của ông Chung phản ứng của ông Chiến làm cho anh Điền chú Dũng cả cháu Đăng quá bất ngờ, ai nấy mắt tròn xoe ngạc nhiên nhìn hai người. Ông Chung nói tiếp:

  • Em còn biết năm 1978 bác vào tìm nhà em, nhưng chắc không gặp ai phải không bác?

Ông Chiến lắp bắp, nói méo cả tiếng:

  • Đúng đúng, làm sao chú lại biết tôi ở đây mà tìm, chết thật hơn bốn mươi năm rồi chú à, may quá các ông ở đây để tôi gọi bà ấy về nấu cơm đã.

Ông Chiến đứng dậy đi ra sau vườn, ông Chung nói với mọi người: “Ông Chiến với anh trai tôi chiến đấu cùng nhau ở Trường Sơn, anh tôi hy sinh năm 1972. Đến năm 1978 thì có tin ông Chiến lặn lội vào tìm nhà tôi ở huyện LT Hà Tĩnh nhưng không gặp ai. Thông tin này tôi cũng chỉ mới biết cách đây vài tháng, đáng ra tôi đã đi tìm ngay rồi, nhưng vì cũng nhiều việc quá, thứ hai là tôi biết dự án tới đây của công ty lại ở ngay huyện bác Chiến nên chờ để đi luôn. Lúc sau thì vợ chồng ông Chiến ngoài ruộng về, bà Hà mang theo mớ rau cải non mơn mởn vừa nhổ ngoài vườn.

  • Chào các bác, các bác đến chơi.

Bà Hà chào xong đi tuột vào bếp, ông Chiến đi theo. Bác Chung nháy Dũng, anh trợ lý xách túi đồ vào bếp:

  • Hai bác chỉ cần cắm ít cơm và luộc rau cải là xong, còn các thứ chúng cháu chuẩn bị cả đây rồi.
  • Không được phải mổ con gà, để tôi đi bắt.

Ở ngoài bàn nước ông Chung hỏi anh Điền:

  • Con bác Chiến có ở gần đây không, kinh tế thế nào anh?

Anh Điền bảo: “Ông Chiến là người rất tốt, chỉ biết có ruộng vườn, chăm chỉ thật thà chất phác. Con bác Chiến một trai một gái, đứa nào cũng chỉ học hết cấp hai là lại bỏ học, ngay ông Chiến cũng chỉ học hết lớp bốn thôi mà. Đứa con trai ở xóm ngoài, đứa con gái lấy chồng ở xã trên, cô cậu nào cũng hai ba đứa con còn nhỏ cả, kinh tế khó khăn, vo véo cũng chỉ đủ ăn thôi, chưa cô cậu nào có thể giúp bố mẹ được, các cụ vẫn phải tự lo lấy. May mà các cụ còn tự lo được không thì cũng gay go đấy.” Ông Chung nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng lại nén tiếng thở dài.

      Ông Chiến tháo màn cất chăn chiếu cái phản bên cạnh để lấy chỗ dọn cơm, bà Hà rất khoát xin phép ăn sau để các ông uống rượu còn nói chuyện. Sau khi nhấp chén rượu nút lá chuối của ông Chiến, bác Chung gợi chuyện:

  • Bác Chiến kể em nghe ngày bác vào Hà Tĩnh thế nào có tìm thấy nhà em không?
  • Chú để tôi kể lần lượt nhé.

   Ông Chiến lâu lắm mới có dịp nhớ lại truyện ngày xưa, ông kể: Cuối năm 1970 tôi và Chương cùng được bổ sung vào Trường Sơn ở cùng tiểu đội, lại cùng một tổ ba người do anh Lan người Hà Bắc làm tổ trưởng. Hỏi ra thì mới biết Chương cùng tuổi với tôi. Chương kể bố mẹ Chương đã cao tuổi mà yếu lắm, ông cụ bị sức ép bom điếc tai, có thằng Chung em trai, khi Chương đi bộ đội nó mới hoc lớp bốn. Chương còn kể Chương có người yêu là cô Hiền xinh lắm ít hơn Chương bốn tuổi hai nhà gần nhau, bao giờ Chương về thì làm đám cưới. Chương còn cho tôi xem chiếc khăn mùi xoa mà cô Hiền tặng có thêu chữ “Hiền đợi anh về”, lúc nào cũng đúc trong túi áo ngực. Bấy giờ mình chưa có người yêu nên nghe Chương kể thích lắm. Chương kể nhiều lần đến nỗi mình thuộc hết tên xóm xã, thuộc cả tên bạn bè của Chương như thằng Khoa đi đại học sư phạm, thằng Đào thằng Huy cùng đi bộ đội với Chương… Ở tổ ba người nên làm gì cũng có nhau, chúng tôi thân thiết như anh em ruột. Đến đầu năm 1972 lính mới bổ sung nhiều, anh Lan được điều sang đơn vị khác Chương được đề bạt làm tiểu đội trưởng, tôi làm tiểu đội phó một tiểu đội đa phần là lính mới. Chiến trường ngày càng ác liệt, bom, pháo liên miên, thám báo địch len lỏi khắp rừng, chạm trán thường xuyên. Chúng tôi phải đánh địch bảo vệ kho, bảo vệ đường, bảo vệ những đoàn quân vào. Đánh nhau với thám báo, hoặc nghi binh đuổi chúng ra xa, nếu chúng phát hiện là máy bay, pháo kích tối tăm mặt mũi, thương vong rồi hy sinh trong đại đội xảy ra như cơm bữa…

          Từ lúc nghe ông Chiến kể chưa ai gắp miếng nào, ông Chung có vẻ xúc động mạnh, ông nhấp rượu liên tục, mắt không rời ông Chiến. Bà Hà trong nhà đi ra giục: “Các ông phải vừa ăn vừa nói chuyện chứ, chú Dũng gắp mời mọi ngươi đi”. Anh Dũng gắp vào bát cho mỗi người một miếng thịt gà, một miếng thịt quay, mọi người đều cầm trên tay miếng thịt gà. Cắn một miếng thịt gà, uống hớp rượu ông Chiến kể tiếp: Ngày mồng tám tháng mười một năm 1972 Chương dẫn tiểu đội đi tuần, tiểu đội còn có sáu người chia làm hai nhóm, nhóm Chương đi trước, nhóm tôi xuất phát sau năm phút. Khu vực đại đội tôi phụ trách rất rộng, đồi núi hiểm trở cách xa về phía dưới khoàng hai cây số là đoạn đường rất quan trọng, ở đó còn có một trung đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ. Có lẽ bọn địch dã đánh hơi thấy nên chúng tìm mọi cách tiếp cận để chỉ điểm cho máy bay và pháo kích. Nhiệm vụ của đơn vị là đánh lạc hướng địch, bảo vệ từ xa, cố gắng kéo dài sự an toàn của đoạn đường đến hết mùa khô. Chúng tôi đi khoảng chín giờ thì gặp địch, nhóm Chương nổ súng, địch vãi đạn lại như mưa, vừa bắn vừa chạy, Chương ra hiệu đuổi theo khoảng mười lăm phút sau thì pháo địch bắn tới, chúng bắn liên tục dày đặc như một trận đánh lớn. Đến khi tiếng pháo im bặt thì cũng không thấy địch đâu nữa, nhóm của tôi một người bị thương gãy cánh tay phải. Bỗng có ba tiếng súng AK đoán chắc là nhóm của Chương, nói Đang ở lại với thương binh, tôi cầm súng chạy đi tìm. Lần mò được đến nơi đã thấy trung đội trưởng và bốn năm người ở đó. Chương và Đại cùng nhóm đã hy sinh, Chương nằm sấp lưng vẫn đeo gùi, hai chân bị dập nát, khi chúng tôi bỏ gùi lật anh lại, thấy tay phải anh nắm chặt túi áo ngực. Gỡ tay Chương, tôi mở túi áo lấy ra chiếc khăn mùi xoa được gói trong mảnh ni lông còn nguyên vẹn…

       Ông Chung liên tục nhấp rượu, liên tục lau nước mắt bà Hà bưng ghế sang ngồi cạnh từ lúc nào cũng nước mắt rưng rưng. Làm một hơi cạn chén rượu ông Chiến kể tiếp: Đầu năm 1978 tôi được ra quân, mãi tôi mới vào được nhà Chương, bấy giờ đi lại khó khăn lắm. Tôi đã mang theo cái gùi làm bằng mảnh dù pháo sáng của Chương, trong đó có một bộ quần áo, một cái lược bằng mảnh máy bay đang làm dở và chiếc khăn mùi xoa. Đến được huyện đội hỏi thăm gặp anh Đương, anh ấy lục tìm cả tiếng đồng hồ mới thấy tên anh Chương, sau đó ghi tên quê quán của tôi rồi mới chỉ đường cho về xã. Chủ tịch xã bảo nhà anh Chương giờ không còn ai, có anh Chung thì đang học ở Liên Xô, thế là tôi xách gùi ra Bắc, chuyến đi mất năm ngày. Gùi của Chương vẫn còn đây. Ông Chiến xuống phản mở cánh tủ “Bich phê” cũ kỹ lôi ra một bọc ni lông gói kín, dây buộc chằng chịt như buộc bánh chưng…

       Mang theo chiếc gùi của liệt sỹ Chương về Hà Nội, ông Chung nói với người trợ lý: Tháng sau xây dựng xưởng may tại huyện, ông lên kế hoạch thuê người sửa lại nhà cho bác Chiến, làm mới thì ông ấy không cho rồi. Mình có thể xây tường vây xung quanh, nâng mái, lợp ngói lát lại nền, làm bếp, công trình phụ, mua bộ bàn ghế mới…Việc thứ hai là đến ngân hàng nông nghiệp huyện làm cho hai bác cái sổ tiết kiệm ba trăm triệu đồng…Còn các việc khác tính sau. Các ông cứ coi bác ấy như là anh trai tôi nhé.

                                                                             T.Q.M

 

 

 

 

    

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 25
Trong tuần: 681
Lượt truy cập: 415004
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.