Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BỦ CÒNG

Trần Quang Minh

BỦ CÒNG

           Tên bủ không phải là thế, nhưng không hiểu sao càng có tuổi bủ lại càng bị còng, đi cứ cúi mãi xuống đất, con cháu trêu bủ chúng nó đặt tên luôn cho bủ là bủ còng. Bủ còng năm nay đã chín mươi bảy tuổi, thế mà bủ không chịu ở trong nhà, không chịu ngồi yên một chỗ. Cứ lãng đi không ai để ý là bủ lại cầm dao ra vườn, bủ phát được vài cái cỏ, mỏi tay bủ ngồi giở trầu ra ăn, rồi cứ thế mà ngắm cây ngắm cỏ, ngắm trời ngắm đất, ngắm mãi mà không chán. Con cháu không thấy đi tìm, phải giỗ ngon giỗ ngọt bủ mới vào nhà cho, mà không biết trong đầu bủ nghĩ cái gì.

        Bủ còng người Mường tên là Thảo, ngày còn trẻ bủ đi xem bói, ông thầy bói bảo: “Đến năm bốn tám tuổi thì bà xắm áo”. Bà Thảo không nói với ai, cứ tự sợ một mình, âm thầm chờ năm bốn chín tuổi. Vì người ta bảo: “Hạn tứ cửu” là nặng lắm, nhiều người về với ông bà ông vải ở tuổi này. Ấy thế mà năm bà Thảo bốn chín tuổi thì cụ ông lại mất, còn bà Thảo thì chẳng thế nào, người ta lại bảo: “Đấy là cụ ông đã gánh hạn cho bà”, bà Thảo nghe rồi cũng chỉ biết thế.

           Bà Thảo dành việc nhà nông lắm, dưới đồng thì cày, bừa, cấy hái, rổ mạ gánh phân, phát bờ cuốc góc. Trên rừng nào là phát nương, lấy măng nhặt trám, hái búp sao chè, thôi thì đủ việc, việc nào cũng thạo. Ngày còn ông An, bà Thảo rất hay đi đào Dúi, vì chỉ ông mới thích ăn, và biết nấu món này, mà tài thật lần nào đi bà cũng đào được Dúi mang về. Con Dúi thức ăn chính là củ nứa, củ lau, lên rừng búi nứa nào có cây nứa héo là biết ngay dưới gốc có hang Dúi. Bấy giờ thì Dúi nhiều lắm, chẳng có mấy người đào. Bà Thảo lưng đeo mõ dao, vai mang cuốc thuổng lên rừng, đến khu vực có hang Dúi đi khẽ là nghe tiếng Dúi gặm củ nứa, chỉ nghe âm thanh ấy mà bà Thảo biết ngay con Dúi nào to, con Dúi nào bé. Hang Dúi nào cũng thế cứ đào vào một đoạn là thấy có mấy ngách hang, bằng kinh nghiệm bà Thảo biết hiện nay Dúi đang nằm ở ngách hang nào, cứ đào theo ngách ấy là tóm được. Người không biết có khi đào cả buổi chiều, hết nghách nọ sang nghách kia không tìm thấy Dúi. Mỗi khi đào được Dúi, bà Thảo buộc Dúi treo lên cành cây, đi tìm một cây chuối rừng, chặt đoạn gốc bóc lấy phần nõn để về nấu với thịt Dúi. Bà vác cuốc thuổng lên vai, một bên là Dúi một bên là nõn chuối rừng, thong thả ra về, không quên lần túi lấy một miếng trầu vừa đi vừa nhai bỏm bẻm.  bacong

      Năm một chín bảy ba, chiến tranh còn đang nóng bỏng cậu con trai thứ hai thì đã trong quân ngũ, cô gái cả dạy học ở xa, cô gái thứ ba đi học sư phạm, chỉ có ông bà Thảo cùng cô gái út nhỏ xíu ở nhà. Thế mà làm sao tự nhiên ông An lại ngã bệnh, người cứ gầy dộc đi, không ăn uống được, đi bệnh viện rồi về vẫn thế. Bác Trưởng anh trai của ông An ngoài quê vào thăm, bà Thảo ngỏ lời:

  • Ngoài nhà mình đông người, bác lại dỗi hay bác vào đây ở bạn với ông nhà em vài tháng, chỉ có hai mẹ con em, cháu thì còn bé quá lắm lúc không biết quay dở thế nào.
  • Thím đã nói thế để anh về bàn với bà ấy rồi anh vào, ngoài quê anh cũng chẳng làm gì, có con trâu thì đã có thằng cháu nó chăn.

Một tuần sau thì thấy bác Trưởng đeo bị quần áo, đi bộ sáu bảy cây số lững thững vào cổng. Mẹ con bà Thảo mừng quýnh sắp xếp chỗ thuận tiện nhất để bác Trưởng nghỉ ngơi lâu dài.

          Ngày xưa ông Lý Mạn lấy con gái cụ Đề sinh sáu bảy người con, lớn lên chỉ còn lại hai trai hai gái, hai ông con trai là bác Trưởng và ông An. Bác Trưởng phải lấy đến bà thứ hai mới được một anh con trai và hai cô con gái. Anh con trai bác đi học y sỹ, lấy vợ sớm, sinh môt lèo năm đứa con trai thau tháu trứng gà trứng vịt, thành ra nhà bác Trưởng rất đông vui, đến bữa như tằm ăn dỗi, giữa thời buổi bao cấp thóc cao gạo kém. Còn ông An lận đận mấy lần lấy vợ chẳng đâu vào đâu, mãi đến bà Thảo thì được năm người con, mất một còn bốn mà cũng chỉ được một mụn con trai, học xong lớp mười chưa vợ con gì thì đi bộ đội đằng ấy. Ông An héo ruột héo gan, bệnh thân kèm theo bệnh tâm kéo dài, ông cứ hao mòn dần, ngày càng thiếu đi sức sống.

     Hàng ngày bác Trưởng hỗ trợ giúp ông An uống thuốc, cơm cháo lau rửa. Thời gian rỗi bác cùng cô cháu út ra vườn dọn bãi đất mỗi hôm cuốc vài mỏ, bác bảo để nay mai trồng sắn. Từ ngày có bác Trưởng, cô út vui vẻ hẳn, đi đâu làm gì cũng có hai bác cháu, cứ ríu ra ríu rít.

         Thế rồi sau hơn một tháng bác Trưởng vào với em, đến cuối tháng tám âm lịch năm một chín bảy ba ông An về với Tổ tiên, Cán bộ xã vì quá nhiều công việc nên không ai đến được, măc dù trước đây cụ An có tham gia Mặt trận Việt Minh của xã. Mọi thủ tục rồi cũng qua đi, ông An đã có mồ yên mả đẹp. Để lại sự trống vắng bao phủ lên ngôi nhà tranh mái lá vốn đã thưa người. Ở lại một thời gian, bác Trưởng cũng phải về nhà, mặc dù mẹ con bà Thảo ra công giữ bác. Lại bị quần áo đeo vai tay cầm cái gậy, bác nói trong nước mắt: “Thôi anh vào thì có chú, bây gời chú ấy đi rồi, anh về đây, lâu lâu rồi anh lại vào”. Mấy mẹ con bà Thảo khóc tức tưởi tiễn bác Trưởng ra cổng, quà cho bác chỉ có một lít rượu, gói chè bồm, vài lạng măng khô.

         Cũng như bao gia đình khác, bà Thảo dự tính làm lại ngôi nhà đã cũ cho đỡ khổ khi mùa mưa bão đến, rồi những lúc công to việc lớn còn có chỗ đứng chỗ ngồi. Điều quan trọng hơn là để chuẩn bị cho con bà sau này, nó đang ở ngoài mặt trận. Chiến tranh khốc liệt kéo dài, đài báo không có, thông tin bập bõm, làng quê miền núi chỉ biết là miền Nam đang thắng lớn. Gia đình nào có con đi bộ đội cũng ngày đêm thấp thỏm, các bà gặp nhau hỏi thăm được vài câu mà nước mắt cứ chực chảy ra. Bà Thảo cũng héo ruột héo gan, đêm thức đêm ngủ, lo đứng lo ngồi, nhưng bà rất tin, rồi con bà sẽ về.

          Bà Thảo chắt chiu dành dụm, mua cóp từng cây xoan làm cột, nhờ người chặt tre chặt hóp, lên rừng lấy nứa về chẻ hom tranh, nửa đêm còn vót tre chẻ lạt. Việc nặng cái gì cũng phải nhờ, phải đổi công: “Chặt hộ mấy cây xoan hôm này bá cấy trả”, “Ngâm hộ bè hóp hôm này bá cỏ lúa cho”. Làm nhà thì hàng trăm thứ việc, mấy mẹ con cứ là lăn lưng ra mà phấn đấu. Dựng được cái khung nhà, còn cái lợp, cái che, cửa ngõ, có thứ phải mua, có cái phải nhờ người lên rừng lấy, cái thì đổi, cái thì xin. Công thợ, ăn uống dựng nhà, lợp mái. Cứ là quay như chong chóng. Cóp nhặt từng yến sắn, cân chè, dành dụm từng con gà cân lúa, được đến đâu hay đến đấy, còn công nợ trả dần. Thế rồi năm giải phóng miền Nam, mẹ con bà Thảo cũng có được ngôi nhà toàn bằng gỗ xoan - là ước mong của nhiều gia đình trong thôn ngày ấy.

        Đất nước sau chiến tranh, khó khăn chồng chất, bao cấp kéo dài làm ăn hợp tác xã, lúa trồng mùa nào cũng “Chó chạy hở đuôi”. Hợp tác xã lại cắt trừ đủ thứ công: Công xã hội, công thuỷ lợi, công bảo vệ, cầu cống đường xá…Hơn tạ lúa cho hai mẹ con trong sáu tháng, ăn không đủ. Còn bao nhiêu việc, nhà thì giỗ, tết, anh em xóm làng thì ma chay, cưới xin, đau ốm, trăm thứ bà rằn. Bà Thảo cứ phải bòn mót từng lạng búp để có đồng dầu, đồng muối, cái bút quển vở cho con.  Bà nuôi con trâu của hợp tác xã, đẻ được con nghé đực. Theo quy ước con nghé do trâu của hợp tác xã đẻ ra nhà nuôi trâu được hưởng ba phần, trả cho hợp tác xã một phần khi bán. Nếu hợp tác xã thu mua trâu trả thì lại cho cho người nuôi ba phần bằng lúa.

      Hôm ấy cũng như thường lệ, cô út dắt con nghé đã đến tuổi vực bừa xuống ruộng chằm cho ăn cỏ. Cô mang theo cái cọc tre cắm sâu xuống giữa ruộng để buộc trâu rồi về nhà. Ruộng sâu quá gối trâu, nhưng thỉnh thoảng lại có bãi chằm thụt trâu đi đến bụng. Con nghé không may lội ngay vào bãi chằm thụt, chân đạp chới với thế nào dẵm luôn vào chạc buộc. Do đầu chạc kia đã buộc chặt vào cọc tre nên trâu tự ghì mũi mình xuồng bùn, càng đạp để lên thì càng ghì mũi xuống, vài phút sau do không thở được con nghé lăn ra chết. Người nọ báo người kia, chủ nhiệm hợp tác xã cho người xuống lập biên bản, mang trâu đi, từ ngày ấy không thấy hồi âm. Bà Thảo hỏi mấy lần chủ nhiệm cứ lí do, lần lữa… rồi thôi. Tệ thế!

       Nhiều anh lính trận trở về, xóm núi khi chỗ này, khi chỗ kia cứ chộn dộn cả lên vì niềm vui xum họp, bên cạnh nhiều nhà vẫn đoán già đoán non, chờ mong thấp thỏm. Con bà Thảo về nhà với cái ba lô lép kẹp, cùng mấy chục cân phiếu gạo sau năm năm rời quân ngũ. Niềm vui tràn ngập, liên hoan hết sớm lại chiều, anh bộ đội cả tuần là khách mời của anh em cô dì chú bác. Ở nhà chưa được ba tháng, con bà vác ba lô lên trường đại học… Thế là nó lại đi, đi từ khi học cấp ba kia mà.

            Bà Thảo vẫn thế, cặm cụi ruộng lúa, nương sắn, bãi khoai cùng cô gái út. Bà lại có niềm say mê là đi cất vó. Dù việc bận đến đâu đi nữa, cứ chiều muộn là bà phải vác vó ra ngòi, hạ cũng như đông, trừ hôm mưa to gió lớn. Đi làm đồng mệt bã người, cất cuốc cất cào là bà vớ luôn cái vó, mải miết đi nửa cây số đến ngòi. Căng vó lên đặt xuống nước, thong thả giở miếng trầu ăn đợi thời gian cất vó, bà bảo: “Lúc ấy làm sao mà nó thảnh thơi, mát mẻ, dễ chịu đến thế là cùng”. Bà cứ đi như thế, hôm về sớm hôm về muộn, cơm cứ lạnh tanh lạnh ngắt, khi được con Chép, khi dăm bảy con Mương, có hôm về bá cả hỏi: “Được con nào không bà?” Bà bảo: “Rủi quá hôm nay tượt mất con cá đến cân rưỡi”. Nghĩa là chẳng được con nào. Bà vẫn cứ đi mặc kệ đêm đông sương gió, mặc kệ con cái can ngăn.

         Ấy thế mà bà chẳng ốm đau bệnh tật gì, chỉ thỉnh thoảng nhức đầu, sổ mũi, thì bà đã có loại thuốc đặc trị là Tetaxilin, cứ hễ ốm là uống Tetaxilin, thế mà cứ khỏi. Mãi đến năm gần tám mươi tuổi thì bà có cái u máu nằm sau đầu gối trái, bà bảo: “Tự nhiên nó cứ to lên, đi cứng cả chân”. Các con đưa bà ra bệnh viện, bác sĩ bảo phải mổ, mặt mũi bà tái xanh tái xám: “Mổ thì chết, đau lắm chịu thôi”. Nhưng bà không cãi được bác sĩ, thế là mổ cắt u đi, mà có khỏi đâu, chưa được sáu tháng nó lại nổi lên, lại đi cứng cả chân. Thằng con đưa bà về Hà Nội, gặp bác sĩ trưởng khoa u biếu, bác sĩ bảo: “U máu mổ xong lại thế thôi, con kê đơn cho cụ uống thường xuyên, có cả thuốc chống đau dạ dày đấy cụ nhé”. Bà Thảo phấn khởi ra về. Bà nghe bác sĩ uống thuốc đều đặn, bà không đau nữa, cứ thế duy trì đến hai mươi năm, mỗi tháng hết có mấy chục ngàn đồng tiền thuốc. Chỉ tội cái lưng của bà cứ mỗi ngày lại càng còng xuống.  Bà dứt khoát không đi đâu, mặc dù con cái khuyên bà nên ở cùng anh con trai ngoài tỉnh, gần bệnh viện để dễ bề chăm sóc. Bà bảo: “Chả đi, bà ở quê quen rồi ra đấy bí lắm không chịu được”, đưa đi chơi đến nhà con nào thì cũng chỉ được vài ngày là đòi về. Lại tha thẩn việc nọ việc kia, ăn uống hàng ngày theo cái cách của bà…

       Ông con làm lại cho bà cái nhà xây, bếp, vệ sinh tương đối dầy đủ. Bà có ty vi màu sớm gần như nhất xóm, Ty vi bà chỉ thích xem mỗi mục hát chèo, còn lại chỉ mở cho có tiếng nói vui nhà. Phòng lạnh thì không bao giờ sử dụng. Bếp ga ai nấu thì nấu, còn bà chỉ bếp củi khói bụi quanh năm, cái nồi cái chảo nào cũng nhọ nhem, nhọ xỉn.  Khi thì ăn cơm với bá cả, bá cả bận việc đi vắng về nhà lại bảo: “Bầm ăn rồi”. Bà cắm tý cơm, nhóm lửa cặp gắp nướng con cá diếc bằng ba đầu ngón tay mặn chát, Xới bát cơm ngồi ngay bếp bẻ nửa con cá nướng ăn xong, nửa còn lại gác lên quang treo để đấy. Hôm nào con cháu về nấu nướng thịnh soạn, thì bà cũng chỉ một hai miếng thịt, tí thức ăn mặn, tẹo nước canh là xong bữa. Có lẽ từ nhỏ lớn lên chịu khổ đã quen, nhu cầu cuộc sống quá đơn giản, về già đã những điều ấy đã thành cố tật trong con người bà.

      Ấy thế mà bây giờ bà Thảo đã thành bủ, bủ còng đã chín bảy tuổi, sắp sang tuổi chín tám, bủ vẫn lần mò nghĩ ra việc để tự đi làm, mà không nói với ai. Đói mới ăn, khát mới uống, mời bủ thì bủ bảo “Cứ để đấy”. Bát mì ăn sáng để đến nỗi cạn nước, sợi mì cong lên như đít ngạt mới ăn.

      Gần một giờ đêm trời buốt ngăn ngắt, bá cả tỉnh giấc vẳng nghe tiếng gõ cạch cạch, bá mở cửa, nhà bủ điện sáng trưng. Bá đi sang bủ đang đan rào giữa sân:

  • Bủ làm gì mà một giờ sáng không đi ngủ thế?
  • Đan lại bức rào gà.
  • Thôi bủ đi ngủ đi, mai dậy làm tiếp thức khuya mai ốm đấy.
  • Ốm là ốm thế nào.

Bá cả nói nói nặng nói nhẹ mãi bủ mới vào nhà, nhưng bủ không lên giường mà vào bếp cời lửa, giở cái cối giã trầu ra nghí ngoáy. Bá cả nghĩ bụng “Kiểu này thì hết đêm chưa ngủ”. Sáng hôm sau bủ ngủ thông đến mười giờ rưỡi, vừa vặn bá cả dọn bữa trưa.

            Bủ nuôi gà rất mát tay, đàn gà của bủ có hơn chục gà mái đẻ, con gà sống chuồng, hơn chục con gà dò, lại đàn gà con. Bủ cứ cho ấp kế tiếp thành ra bủ lúc nào cũng có trứng gà, lúc nào con cháu về cũng có gà thịt. Ngày hai lần sáng và chiều, cho gà ăn là một công việc quan trọng của bủ. Bủ mang lưng đấu ngô lẫn lúa, một cóng gạo xay, đàn gà túm tít xung quanh. Bủ rắc từng ít một cho con bên ngoài, cho con đằng sau, con bên phải, con bên trái, phân phối từng nhúm thóc, như đếm từng hạt ngô, bủ cứ ngồi như là nói chuyện với đàn gà, cả tiếng đồng hồ mới đứng dậy. Có hôm buổi tối bủ cầm đèn pin lọ mọ ra chuồng gà soi hết chỗ nọ chỗ kia. Hỏi thì bảo: “Xem con gà mái cộc nó ngủ chỗ nào!” thế kia chứ. Đàn gà của bủ con nào con ấy cứ mượt ra, chẳng thấy bệnh tật gì, phát triển đều đều theo bàn tay chăm sóc của bủ. Con cháu về, mâm cơm phải có đĩa thịt gà luộc rắc lá chanh, khi đi thì mùa nào thức ấy: Mùa măng có măng, mùa trám có trám, mùa mít thì không có sức mà thồ. Phải lấy không lấy bủ lại không vui, lại giận, người già cứ hay chấp thế.

          Đã qua được tết nữa, bủ yếu đi nhiều, bắt đầu nhớ quên lẫn lộn, các con nhờ người chăm bủ hàng ngày. Bủ hỏi:

  • Thế bá ở đâu, chi chùa nhà ai thế?
  • Con là…con ông Đ ở Đồng Thi mà bà.
  • À thế bá là chị chúng nó đấy. Thế bá ở đây à?
  • Vâng, các cô chú bảo cháu xuống ở bạn với bà cho vui.

Bủ không nói gì, bá Hiện rất khéo giỗ bủ ăn, lau rửa cho bủ, nói chuyện về anh em họ mạc cho bủ nghe, bủ có vẻ vui lắm. Được hai hôm tự yên bủ bảo:

  • Đằng ấy về mà đi làm đi chứ, chơi thế thôi nhà cũng sắp hết gạo rồi!
  • Không, cô chú bảo cháu phải ở đây với bà, hết gạo thì mua không lo.
  • Nói chuyện với bá chán bỏ mẹ.
  • Sao bà bảo mai bà đi bừa ngỡn, cháu đi cấy đổi công cho bà kia mà?
  • Mai à? Thế lúc nãi có cô gì nó mời mai ăn cưới ai ấy?
  • Thế mai bủ đi ăn cưới, ngày kia bừa rồi cấy.

Bủ lên giường nằm, được một tí bủ gọi:

  • Thanh ơi! Thanh ơi! (Tên bá cả) Quái nhỉ đi đâu không biết nữa?
  • Bà gọi cô ấy làm gì?
  • Bảo nó bắt con gà dò, mổ đi mà rang muối.
  • Vâng, để con bảo.

Được một lúc lại nghe bủ gọi: “Thanh ơi, bắt con gà dò mà rang muối, cho chúng nó ăn!” “Vâng con mổ rồi” bá Hiện bưng nồi thịt gà từ hôm qua ra, bủ nhìn thấy không nói gì nữa, mắt lại lim dim…

       Bủ phải lên xe vào viện để chữa bệnh ho nhiều và truyền thêm dinh dưỡng, bủ nằm trên xe trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh. Xe chạy được một đoạn, tự nhiên cụ cuống quýt cố nhỏm dậy:

  • Dép, dơi dép rồi.
  • Đây bủ ơi, trên xe không sợ mất đâu.

Bủ lại nằm im, mắt mở to như lo lắng điều gì. Vào viện bác sĩ bảo thế nào bủ cũng nghe, được hơn một tuần, sức khoẻ có vẻ khá hơn, bác sĩ cho bủ về nhà tiếp tục bồi dưỡng:

  • Cụ khoẻ rồi, cụ về phải cố gắng ăn vào cho nó khoẻ nữa nhé.
  • Em cám ơn bac sĩ, bác sĩ chữa cho em, em về còn cái ruộng vẫn chưa bừa được.
  • Cụ phải ăn nhiều vào mới đi bừa được. Cụ nhớ nhé.

Thời gian dần trôi, ngày cũng như đêm, đầy đủ con cái quây quần bên bủ. Nhớ tên ai bủ lại gọi, rồi bủ bảo cái gì nghe không rõ, bủ lại tỉnh tỉnh, mê mê…

       Cuối năm ấy, ngày giáp tết mưa phùn gió bấc, cả nước vẫn căng mình ra chống dịch covit, sau những ngày nằm không dậy, bủ còng bỗng hẫng đi… Bủ nhẹ nhàng bay lên khoảng không ánh sáng, êm dịu tinh khiết. Bủ thấy nhiều người đi lại mà không ai nói với ai. Bủ nhìn thấy mình nằm ở giường bất động, bủ thấy người vào người ra tất bật. Bủ hỏi, bủ gọi, bủ thấy tiếng của mình như tan ra trong khoảng sương mù mênh mông. Rồi bủ lại bay lên, bay lên…  

                                                                                      T.Q.M

                                                              

 

 

      

          

                 

 

      

        

        

 

                  

      

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 54
Trong tuần: 634
Lượt truy cập: 425292
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.