Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

XUÂN NƠI BÃI NHỎ

Phạm Thị Phương Thảo
 
XUÂN NƠI BÃI NHỎ - MỘT BÀI THƠ LAY ĐỘNG KÝ ỨC.
(Cảm thức từ dòng sông Hồng và Bãi Nhỏ qua bài thơ Xuân nơi bãi nhỏ-của tác giả; nhà báo, nhà thơ TRỌNG NGHĨA- nguyên PTBT báo An ninh Thủ đô)!
 
    Thật bất ngờ khi bỗng dưng tôi bắt gặp trên Facebook một bài thơ xinh xắn và khá ấn tượng của nhà báo Trọng Nghĩa. Tôi biết, thậm chí còn biết rất rõ cái địa danh “Bãi Nhỏ bên sông” mà anh thường đặt tên cho nick name của mình trên Facebook ! Đó chính là Bãi Phúc Xá thân thương mà tôi cũng từng có một thời gian dài đã sống ở đó. Bao nhiêu ký ức tự xa xưa bỗng quay về. Lòng chợt rưng rưng gọi nhớ về bao kỷ niệm của những năm tám mươi, từ thế kỷ trước.
“Ngoài bãi sông vi vút ngọn đông phong
Hoa lau trắng tự bao giờ vẫn trắng…
 
   Nhà báo Trọng Nghĩa cũng từng sống nhiều năm đó. Ông từng nhiều năm là cảnh sát khu vực Phường Phúc Xá. Bao nhiêu đêm ngày lăn lộn với công việc với bao nhiệt huyết và tấm lòng tận tụy thương dân của một người chiến sĩ công an làm cảnh sát khu vục. Sau này, ông từng nhiều năm là Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô. Cho đến tận bây giờ, thời gian như nước trôi qua cầu, đã mấy chục năm trôi qua. Xuân nơi bãi nhỏ là cảm hứng thi sĩ khi ông cảm nhận mùa xuân và bốn mùa trôi đi và tuổi tác đã phủ màu phong sương trên tóc mình.
“Hạ rạo rực trễ tràng, Thu mong manh
Gió Đông chùng chình mơn man ô cửa
Vài giọt sương đêm níu ngày lần lữa
Sáng mai này bật thức những mầm Xuân’
 
   Tôi còn nhớ, thuở ấy, Bãi Phúc Xá là vùng đất phù sa tươi tốt ở ngoài đê. Khi chạy lut, mọi người phải đi đò sang phía đê Yên Phụ, chúng tôi lánh tạm vào nội thành chờ vài ngày cho đến khi nước rút thì quay về. Ai ngày ấy cũng đi làm xa, tôi thì chuyên phải gò lưng đạp xe trên chiếc xe đạp Thống Nhất cà tèng, thỉnh thoảng dọc đường lại xịt lốp, lốp xe cũng khan hiếm nên chịu kiếp nạn gian khó cùng với người! Thế cho nên lốp xe đã bị vá chằng vá đụp cũng là thường. Thế mà ta vẫn bon bon đi trên đường. Khi đi làm về, qua bến xe Yên Phụ, tôi vào đường An Dương Vương, đã bắt đầu vắng vẻ. có khi còn vừa đi vừa hát khe khẽ, yêu đời lắm. Khi ấy, Hà Nội của những năm tám mươi, của một thời bao cấp, vẫn còn khá nghèo nàn, mọi thứ đều sơ sài. Tôi đi làm về, ngắm phố phường bốn mùa cây hay lá, đi tới đó rẽ phải, lại đi tiếp xuống con dốc Tân Ấp, vừa tới ngã tư là tôi rẽ tay phải tiếp và phóng băng băng về phía bờ sông. Về nhà! Nơi ấy là “Nhà tôi ở đó, ngõ nhỏ, xóm nhỏ, “đêm nằm nghe sóng sông Hồng thở than…”, đúng như lời một bài hát quen thuộc về Hà Nội. Ngõ nhỏ, xóm nhỏ heo hút nơi ven sông là hoàn toàn có thật.lautrang1
 
    Đó là một “căn nhà “nhỏ xinh chỉ có 8 mét vuông. Chính xác là nửa gian nhà tập thể cấp bốn xây kiểu bao cấp ngày xưa. Nhà tập thể thì mỗi gian chỉ vẻn vẹn có 16 mét vuông, lại còn được tự ngăn đôi ra, đủ một “biên giới” khá mỏng manh làm bằng báo cũ được dán lên những thanh tre mỏng. Thế cũng đủ không gian riêng cho hai cặp vợ chồng trẻ. Cửa vẫn đi chung, trong cái chung có cái riêng. Chung và riêng là hai cặp phạm trù nhưng không đối lập, he he. Họ đều trẻ, vui vẻ, không buồn tẻ, đều là sinh viên vừa mới ti toe ra trường. Thế cũng là may mắn cho các chàng trai tỉnh lẻ lắm rồi. Hai chàng đều là kỹ sư xây dựng, mới ra công tác và đều được cơ quan điều động đi xa, lên Công trình Thủy điện Hòa Bình. Hai bà vợ ở nhà, làm việc, nuôi con và tự học Tiếng Anh. Những đứa trẻ của chúng tôi ra đời và sống chật vật, rồi cùng lớn lên, cùng vui vầy trong một mái nhà. Sau này, khi lớn lên, chúng đều thông minh, lanh lợi và trưởng thành từ cái xóm nhỏ ven sông ấy…
 
    Trong xóm nhỏ ven sông ngày ấy, đa số các gia đình nấu cơm bằng bếp dầu, được mua phân phối theo tiêu chuẩn chất đốt. Cũng vẫn có gia đình đun nấu bằng bếp than và bếp củi. Mùi khói bếp vẫn thơm nồng trong ký ức tôi. Cảnh “Khói chiều lang thang xóm chài ắng lặng…” nghe đượm buồn, sao mà nhớ thế. Tôi khá đồng cảm với những câu thơ của nhà báo, thi nhân Trọng Nghĩa. Người thơ chắc chắn đã từng đứng ven bờ sông nhiều lần, lòng buồn bã khi ngắm nhìn những cánh buồm nâu đang trôi xa dần:
“Thôi đừng đi, đừng đi, mảnh buồm nâu…”
   Có một sự tiếc nuối không hề nhẹ khi đọc lên câu thơ: “Thôi đừng đi, đừng đi cánh buồm nâu”. Và ngoài bãi sông kia, có những ngọn gió đông đang vi vút thổi. Nơi ấy, rất gần với chân cầu Long Biên, nơi “hoa lau trắng, tự bao giờ vẫn trắng” … Hà Nội và sông Hồng cuộn đỏ phù sa vẫn ngàn năm sóng vỗ. Ngày tôi sống ở đó, một thiếu nữ như tôi vẫn còn khá trẻ dại, khi ấy tôi mới tuổi đôi mươi. Vừa ra trường, vừa đi làm, đã tấp tểnh lấy chồng, he he!
    Nơi Bãi Phúc Xá ngày ấy, chỉ cần nơi đầu nguồn mưa to một chút thôi, thế cũng đủ cho những cơn lũ ào ạt tràn về. Nước ngập trắng, mênh mông vào mùa lụt. Tôi đã từng bế con lên thuyền để chạy vào nội thành tránh lũ rất nhiều trận. Cũng không thấy mình khổ, vì nhìn ra xung quanh, xóm Bãi, thấy ai cũng thế. Thậm chí mọi người còn chèo xuồng, chở đồ đi sơ tán, vẫn nói cười vui vẻ. Khi người ta còn trẻ, chẳng có điều gì khiến ta phải buồn lâu.
 
   Xóm Bãi cho tôi hiểu hơn giá trị của hạnh phúc và sự sẻ chia khi người ta phải sống trong gian khó, khi mỗi người, từng ngày phải chật vật lo cho từng bữa ăn đạm bạc. Cuộc sống gian nan, đàn ông hút thuốc lào, vẫn vui cười và nói chuyện thế giới, đàn bà nuôi con và nội trợ, sống gần gũi, yêu thương, trân trọng và biết đùm bọc nhau. Niềm vui không phải ai cũng ngấm hết cho mỗi kiếp sống cần lao. Tôi ngày ấy, còn trẻ, còn khỏe, lấy chồng, sinh con, rồi nếm trải việc một mình nuôi con nhỏ khi chồng đi công tác xa ngay khi mới ra trường. Sau này lại nuôi con một mình khi chồng đi làm ăn tận trời Tây.May vá và đan áo cho con, cho mình. May vá nỗi buồn và tự thêu dệt niềm yêu.  Có biết bao nhiêu niềm vui nỗi buồn khi mỗi ngày đến đón con về từ nhà trẻ, mẫu giáo. Lúc nào con cũng là người cuối cùng được mẹ đón. Thậm chí nhiều lần xót xa khi mẹ phải về muộn, con đứng chờ mẹ ở trạm nhỏ cổng trường cùng với bác bảo vệ khi muộn vào cuối ngày. Với đồng lương ít ỏi, tôi tự lo toan mọi thứ. Rồi cũng đâu vào đấy. Con gái tôi ngày ấy thật bé nhỏ và gày gò chắc cũng do thiếu ăn, thiếu thốn và thiếu chất dinh dưỡng. chúng tôi từng sống nhiều năm đầu đời như thế khi tự lập.
 
    Tuy phải sống ở một nơi chật chội, nghèo khó như thế. Nhưng mọi người vẫn vui. Tối nào, ăn cơm xong, cả xóm cùng vác theo ghế con và kéo nhau sang nhà bác hàng xóm tốt bụng để cùng xem ti vi. Vẫn bàn luận rôm rả. Vẫn hát và thi thoảng làm thơ. Chủ nhât, đèo con trên xe đạp đi dạo phố. Mọi thứ cứ nhẹ nhàng và giản dị như thế. Cuộc sống của hầu hết dân cư Hà Nội ở phía ngoài đê sông Hồng ngày ấy đều vất vả. Thì đó, đã có bao nhiêu câu chuyện cười ra nước mắt của đám dân ngụ cư. Tôi cũng sớm hiểu ra khái niệm thế nào là dân ngoài đê, sống nơi xóm bãi. Thi thoảng, tôi cũng ra đứng ngắm sông Hồng, mong Hà Nội sẽ đẹp và giàu hơn. Khát vọng về sự đổi thay kỳ diệu nào đó cho mình và cho mọi người. Bờ sông kia vẫn chỉ có gió và gió. Còn dòng sông kia, ngàn năm vẫn chảy. Bốn mùa Hà Nội vẫn lặng lẽ trôi…Nỗi buồn vu vơ tự ngày nào đã dần ngấm vào tâm hồn thi nhân non trẻ là tôi.
 
   Một thời gian khó đã đi qua. Bãi Phúc Xá đông đúc và sầm uất ngày nay vẫn là nơi ghi dấu bao kỷ niệm thuở đàn bà nông nổi, vô tư và trong sáng, ngày tôi bắt đầu biết làm vợ, làm mẹ. Nhiều khi cũng ngậm ngùi vì tủi thân. Đàn bà Thơ ngày ấy vừa lãng mạn, vừa cau có nhưng vẫn yêu chồng thương con và cực kỳ chăm chỉ Nơi ấy, tôi đã nhận được bao nhiêu sự sẻ chia, ân tình của các bác hàng xóm. Họ cơ bản là nghèo khó, đa số từ các vùng quê ra Hà Nội sinh sống. Nghèo nhưng vô cùng tốt bụng. Chiều nào khi đi làm về cũng thấy mùi cám lợn thơm nồng từ nhà bác hàng xóm bay lên chào đón. Một cuộc sống giản dị, vui vẻ, bên cạnh muôn nỗi gian truân từ nơi xóm Bãi. Nơi ấy, tôi dần trưởng thành và lớn lên trong lòng Hà Nội. Một Hà Nội đẹp trong thuở đói nghèo và khá nặng nề trong cơ chế tem phiếu bao cấp. Buồn vì thời ấy có nhiều trộm cắp vặt và đi chợ thì đàn bà nhẹ dạ rất lo hay bị rạch túi. Tất cả cũng do đói nghèo mà sinh ra lắm tệ nạn.  
 
    Từ nơi ấy, tôi đã biết yêu thương và chia sẻ hơn với gia đình, hàng xóm và bạn bè cùng người thân. Bãi nhỏ ven sông là nơi nghĩa tình và gắn bó với những người đã từng sống và vẫn đang sống ở đó giống như nhà báo Trọng Nghĩa. Biết bao nhiêu vẻ đẹp của cuộc sống cần lao được khởi lên từ đây. Tôi yêu hơn xóm nhỏ ven sông và yêu hơn dòng chảy bốn mùa cuộn đỏ phù sa tự khi nào chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng, sau này tôi đã viết khá nhiều trang thơ văn từ hình ảnh về dòng sông Mẹ thương yêu. Những câu thơ của ông như nói hộ lòng tôi.
“Đừng làm đau những thân phận tủi sầu
Sống là Tạm- Cõi Ta bà tục luỵ
Sáu mươi năm Đời Người miền dâu bể
Ánh Huyền Quang rũ bụi kiếp trầm luân”!
  Vui hơn vì từ chính nơi ấy, kề sát cạnh nơi bãi bồi ven sông Hồng tự thời xa xưa, đi gần dịch lên phía cầu Long Biên một chút, chính là nơ Bãi Giữa. Sau này tôi đã viết nhiều tản văn và tùy bút từ cảm hứng sông Hồng ở chính nơi đây. Những tùy bút tôi đã viết trong niềm thương nhớ và trân trọng miền đất và người Hà Nội ngày ấy như; Thương nhớ sông Hồng, A Đam sông Hồng, Gió sông Hồng thổi cong con đê cũ, Nơi đầu nguồn dòng sông, Cảm thức sông Hồng…đã được in trong tập tùy bút viết về Hà Nội mang tên HÀ NỘI DẤU YÊU và “Những búp gió Tây Hồ” được nhiều bạn đọc yêu thích.
 
   “Xuân về nơi Bãi Nhỏ” – Bài thơ thật đẹp và lay thức hồn tôi! Cảm ơn nhà thơ, nhà báo Trọng Nghĩa. Tâm hồn thi sĩ luôn nhạy cảm, những người thơ biết trân trọng nghĩa tình, luôn yêu thương và nỗi buồn nào cũng được chia sẻ, hồn thơ rộng mở trước mùa xuân tươi đẹp. Hãy lắng nghe. Khi mùa xuân ngoài kia đang bật thức những mầm xuân. Dòng chảy ấy đang mở ra, sóng sánh về phía chân trời! Đó là dòng sông Mẹ, nơi đắp bồi bao trầm tích lịch sử và văn hóa cho Hà Nội và một vùng châu thổ sông Hồng. Tôi bỗng thấy sông Hồng của tôi đẹp hơn nhiều nơi xóm nhỏ ven sông:
“Xin cảm ơn, xin cảm ơn Mùa Xuân
Xin cảm ơn những Ân tình rộng lượng
Bãi nhỏ bên sông, rượu nồng nâng chén
Nghiêng soi mình sóng sánh một Dòng Xuân “!
Xin mời các bạn đọc bài thơ đầy đủ của nhà báo Trọng Nghĩa ngay dưới đây nhé.
 
XUÂN NƠI BÃI NHỎ6117406_80597
 
Hạ rạo rực trễ tràng, Thu mong manh
Gió Đông chùng chình mơn man ô cửa
Vài giọt sương đêm níu ngày lần lữa
Sáng mai này bật thức những mầm Xuân
 
Ngoài bãi sông vi vút ngọn đông phong
Hoa lau trắng tự bao giờ vẫn trắng
Khói chiều lang thang xóm chài ắng lặng
Thôi đừng đi, đừng đi, mảnh buồm nâu…
 
Đừng làm đau những thân phận tủi sầu
Sống là Tạm- Cõi Ta bà tục luỵ
Sáu mươi năm Đời Người miền Dâu bể
Ánh Huyền Quang rũ bụi kiếp trầm luân
 
Xin cảm ơn, xin cảm ơn Mùa Xuân
Xin cảm ơn những Ân tình rộng lượng
Bãi nhỏ bên sông rượu nồng nâng chén
Nghiêng soi mình sóng sánh một Dòng Xuân
 
                      Hà Nội tháng 8.2024
                                P.T.P.T
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 33
Trong ngày: 344
Trong tuần: 1057
Lượt truy cập: 435752
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.