Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

VỀ THƠ TRẦN THỊ NƯƠNG

Nguyễn Thị Mai

THƠ TRẦN THỊ NƯƠNG - CON THUYỀN TẢI ĐẠO BÌNH TÂM
(Nhân đọc tập thơ Men lửa - NXB Hội Nhà văn năm 2022- của nhà thơ Trần Thị Nương)

  Xin mượn câu thơ tâm đắc ấy trong bài thơ Con thuyền của chính nhà thơ Trần Thị Nương để khái quát một nghiệp thơ đời chị.

Với tôi, Trần Thị Nương không chỉ là một bút danh quý trọng, thân thiết trong lòng bạn đọc từ những năm 90 của Thế kỷ trước mà còn là một cây bút giàu nghị lực, sâu lắng nghĩa tình, dồi dào sức sống mạnh mẽ trên từng trang viết với cả ngàn bài thơ trong 16 tập thơ đã xuất bản. Thơ chị như dòng nước mạch nguồn chảy vào suối, về sông, đổ ra biển cả góp vào sự nghiệp phát triển của nền văn học nước nhà.

“Con thuyền tải đạo” của Trần Thị Nương là con thuyền chở thơ. Mà thơ là tâm hồn người. Trong tâm hồn ấy đầy ắp những yêu thương, nhân hậu, khổ đau, tủi buồn và không ít khát khao. Nhưng bật lên, sáng ngời hơn tất cả là hai phẩm chất quý giá, ít có trong thơ đương thời. Ấy là niềm Tin yêu và lòng Biết ơn.  hai phẩm chất này, nhà thơ đã bình tâm sống và viết. Và cũng chính hai phẩm chất này đã dẫn dắt thơ chị đến được cái đích Chân – Thiện – Mĩ và cả Chân – Thiện – Nhẫn mà bao người cầm bút đang vươn tới.

Giữ trọn cả niềm tin
Trước cuộc đời sóng gió
Khi vui khi đau khổ
Niềm tin vỗ về ta... (Niềm tin)

Trong cõi thơ đầy nỗi niềm hôm nay, thơ thiên về tiếc nuối, cô đơn, buồn thương, mất niềm tin hiện tại, miên man hồi ức hoặc khám phá hăm hở cái mới cho thơ… thì Trần Thị Nương bình tâm với trang viết của mình bằng niềm tin yêu cuộc đời, tin yêu con người, tin yêu thơ một cách thánh thiện.

Với cuộc đời, chị đứng ở góc nhìn tích cực. Cho dù cuộc đời còn nhiều ngang trái, khổ buồn, có khi bi đát nhưng với góc nhìn đầy tin yêu, chị vẫn nhận ra “Cuộc đời thi vị nhất” nên chị đưa vào thơ những cảm xúc trong trẻo tốt lành:

  • Tận cùng trong mỗi nỗi đau
Hóa vào thơ bắc nhịp cầu thảnh thơi ( Tiếng gọi)
  • Giữa bùn nước - sen vẫn hồng ngọn đuốc
Nắng lệch chiều – Hương vẫn ngát mai xưa ( Hạnh phúc)
  • Dòng sông mang ước mơ
Chảy xanh miền sơn cước
Cuộc đời mang tình yêu
Dệt bền lên đất nước    (Tình yêu mùa xuân)

Những câu thơ trên sẽ ảnh hưởng tích cực cho những ai đang thất vọng, giúp họ có cái nhìn tin yêu hơn cuộc sống. Ấy là sứ mệnh nhà thơ và Trần Thị Nương đã làm được điều ấy. Quý làm sao những câu thơ thủ thỉ như tâm tình mà khiến ta ngộ ra trong cuộc đời này:

  • Nẻo đường nào đi cũng sángtranthinuong123
      Khi đèn thắp tự trong tâm (Nèo đường nào cũng sáng)
  • Chỉ còn cách bay lên để sống

Trong quãng ngày chật hẹp trần gian. ( Tình yêu).

Phải là người qua nhiều đau khổ, từng bị mất mát, trải nhiều vấp váp và nhìn thấy nhiều cơ cực đời người …mới bật ra được “lối thoát” kỳ diệu ấy. Và nó đã trở thành chiêm nghiệm trong cách nhìn cuộc đời. Nhưng nhà thơ khác người thường ở chỗ mọi suy tư, chiêm nghiệm họ gửi gắm vào thơ. Thơ là niềm tin gửi gắm, là nơi bày tỏ tâm hồn và cũng là lời nhắn gửi nhau về nhân cách sống:

Dẫu hóa thành hạt cát
Mình vẫn quện vào nhau
Bay về phía mặt trời. (Bay về phía mặt trời)

Biết bay lên khỏi hiện thực hướng về nơi ánh sáng là người có nghị lực và lòng quả cảm. Nhà thơ Trần Thị Nương là như vậy. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, chị vốn là người bao dung nhân hậu: Cho em thương hết thảy ngọn ngành/ Những người phải đơn côi/ Những người chưa hạnh phúc/ Cho em thương mọi cuộc đời gang tấc… (Riêng tư). Hay như viết về đồng tiền. Các nhà thơ khi nói đến đồng tiền hầu hết là khinh ghét, chê bôi nó có tội làm hư hỏng cuộc đời. Nhưng với góc nhìn tin yêu, Trần Thị Nương nhìn đồng tiền thật trong sáng:

Đồng tiền trăn trở tháng năm
Đất hồi sinh lại, đường cong thẳng dần…
Tiền mang giọt nắng san bằng
Mấp mô thiên hạ… sáng trong tình người ( Đồng tiền)

   Không chỉ tin yêu cuộc đời, thơ Trần Thị Nương còn tin yêu con người, tin yêu tình yêu. Hãy để ý vào thời gian nghệ thuật mà chị đưa nhiều vào thơ. Ấy là mùa xuân. Có khoảng hơn 4 chục lần chị nói về mùa xuân và có những câu thơ về mùa xuân. Trong khi đó mùa hạ, thu, đông rất hiếm thấy. Đó là tâm trạng người nhìn sự vật, hiện tượng. “Thác ghềnh … trổ lộc ước mơ/ Nỗi đau gối vụ… sững sờ mùa xuân” (Sững sờ mùa xuân).  Hoặc: “Xuân hồn nhiên/ gõ cửa muôn nhà/ tất tưởi lo toan gửi vào trong gió/ Ngày nối ngày/ Xóa vực người cách trở/ Anh và xuân về/ Mở cửa cánh đồng thơ” (Anh và Mùa xuân). Tâm trạng mà buồn bã, chán chường, u ẩn không thể nhìn thấy cuộc sống sáng tươi đầy tin yêu và không thể “nhìn chỗ nào cũng thấy mùa xuân” để giãi bày tâm sự.

   Như muôn đời thi sĩ, nhà thơ Trần Thị Nương cũng viết khá nhiều về tình yêu. Tình yêu trong thơ chị cũng buồn, cũng chênh vênh, cô đơn, cay đắng và nhiều khát vọng cùng khổ đau… có lúc phải thốt lên: “Ta cô đơn trên trái đất đa tình” (Chẵn lẻ). Nhưng hãy nhìn vào tổng thể đời thơ chị. Thơ tình Trần Thị Nương đẹp và tin yêu vô cùng. Đẹp từ nỗi khát khao đến nỗi buồn. Đẹp từ lòng tự tin, tự trọng đến tin yêu người mình yêu:

  • Em bay lên bầu trời trở gió

Anh hóa cầu vồng bảy sắc đợi trong mưa    (Tri âm).

  • Hào quang phát giữa chuân chuyên

Tình yêu là mái chèo thuyền nhân gian   (Ngẫm)

  • Núi còn non tận mai sau
Trầu cay còn đợi chờ cau suốt đời    (Vẫn chờ)

  Tin yêu cuộc đời, tin yêu con người và tình yêu nhưng cao hơn cả là tin yêu chính mình. Đây là nét đẹp và duyên dáng nhất trong thơ Trần Thị Nương. Đúng là thơ có những câu cay đắng, đau đời nhưng chị để tâm sự sẻ chia chứ không ca thán, càng không bế tắc chán chường. Nhiều hơn tất cả là những câu thơ khẳng định mình, tin yêu chính bản thân mình: Em có là cây đâu để đem về làm củi… /Em có rỗng đâu mà làm sáo trưa hè/ Em chỉ là hạt cát lòng khe/ Trôi từ núi qua đường mỏm thác/ Hạt cát âm thầm vồng khoai luống mật/ Sống cùng cỏ rơm nghe lúa trổ đòng đòng! (Em vẫn cát mà anh). Bản tính ấy còn ẩn trong cây xương rồng:

Xanh cùng năm tháng loài cây
Càng khô khát đất càng ngây ngất tình
Xoay vần muôn sự chúng sinh
Trời còn ánh sáng còn mình nở hoa… (Xương rồng hoa).
 
Và chị như hóa thân vào đá để tin ở mình:
Ngàn năm, vạn năm, tỷ năm
Bão xoay mặc bão, sương vằm mặc sương
Tĩnh tâm hóa đá vô thường
Lặng thinh mà hút muôn phương tìm về. (Đợi)

  Một nét đẹp nữa trong cái nhìn tin yêu của Trần Thị Nương là bản lĩnh. Bởi có bản lĩnh nên chị bước lên “Con thuyền tải đạo” rất bình tâm, thanh thản. Chị đón nhận hiện thực phũ phàng rất nhẹ nhõm bởi chị hiểu rõ quy luật của nó:

Dẫu lời anh nặng như chì
Thì em cũng chẳng đem đi về trời
Dẫu lời như lửa đang sôi
Cũng không đốt nổi ngọn đồi cháy lên
Dẫu lời anh tựa mũi tên
Cũng không bằng ánh mắt mềm buộc nhau   (Lời)

  Và cứ thế, con người nhân hậu, bao dung với tâm hồn sáng trong ấy đã bằng thơ, bằng đức tin riêng mình đã khêu lên ngọn lửa tin yêu cho bao bạn đọc chúng ta. Nhắc ta những lời thấm thía: Niềm tin dần xua tan/ Những cuộc đời bụi bặm/ Những tâm hồn thiếu tháng/ có bao giờ tin ai ( Niềm tin).

  Như trên đã nhận định. Thơ Trần Thị Nương còn có phẩm chất quý là Lòng biết ơn. Đây không chỉ là phẩm chất mà còn là nhân cách của người cầm bút. Người sâu sắc luôn nghĩ về nguồn cội, trăn trở những được mất cuộc đời. Người nhân nghĩa thủy chung luôn biết ơn những gì mình có được. Ấy là mẹ cha sinh thành, quê hương nuôi dưỡng, mái trường dạy dỗ, bạn bè giúp đỡ … tất cả ơn nghĩa ấy đã đi vào thơ Trần Thị Nương hồn hậu trong lành:

Con không biết lấy gì tạ mẹ
Cả đời chiu chắt nuôi con (Mẹ)

Tạ ơn tình mẹ bao la
Gian truân mẹ gánh, ngọc ngà trao con … (Trà Cổ)
 
Đời con vững đi từng bước
                    Vịn vào cốt cách của cha.    (Viếng cha)
 
Máu người đổ xuống òa lên hạt
Sỏi đá vô hồn cũng rưng rưng    ( Thăm Núi Đôi)

Quê tôi nặng tình nặng nghĩa
Trong từng lá cỏ non tươi (Lá cỏ).
 

  Nhưng điều đáng trân trọng là thơ Trần Thị Nương ngoài biết ơn cuộc đời, con người , tình yêu, thơ ca… chị còn dành nhiều cảm xúc trân trọng cho lòng biết ơn nhân dân, Tổ Quốc, Đảng và Bác Hồ.

  Thế hệ các nhà thơ cha chú chúng ta một thời viết những câu thơ biết ơn như một lẽ sống thông thường:

Ơn người như mẹ như cha
Lòng dân yêu Đảng như là yêu con (Tố Hữu)
 
Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi,
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao (
Xuân Diệu).

  Đó là những câu thơ thấm đẫm tinh thần ngợi ca, hồ hởi òa vào đời sống rất cụ thể của một thời đại. Bây giờ ít có thơ viết những lời biết ơn, ngợi ca như thế. Thơ đi sâu vào nội tâm, thân phận con người. Và bất ngờ, trong nội tâm giàu cảm xúc thơ Trần Thị Nương, tôi được gặp nhiều câu thơ và cả bài thơ nói về lòng biết ơn nhân dân, Tổ Quốc và Đảng, Bác Hồ với tình cảm chân thành, thiêng liêng như một đức tin: 

Giá tự do độc lập
Đổi bằng máu nhân dân
Giữ sạch từng trang viết
Có cần ta không nhầm?   (Có cần ta không nhầm)

Mỗi người lính
Một pháo đài giữ biển
Mỗi người dân
Sừng sững cột đá thề…
Ôi Tổ Quốc!
Con mang Người trong ngực
Lời Bác giữa Đền Hùng
Linh vọng thấu mai sau   (Khúc hát biển xanh)

  Và tôi cảm mến, tâm đắc biết bao, trong tập thơ có một bài thơ viết về lòng biết ơn Đảng nhưng cả bài thơ không hề có chữ Đảng, bài thơ cũng không lên gân, lên cốt với lời lẽ to tát mà nó chân tình, thành tâm trong cõi hồn thiêng liêng của chị:

Khi chào đời
Bàn tay Người xòe tia ấm mặt trời
Đón con vào
Ánh sáng.
Con tập đi bên cửa nhà mình khó nhọc
Qua viên sỏi gầy
Vô thức ngoài sân…
Qua tháng năm giông tố, tảo tần
Bếp lửa đầu đời
Còn
Theo con
Cháy mãi…. ( Dâng Người).

  Không thể nào liệt kê hết những bài thơ hay, những câu thơ giỏi trong thơ Trần Thị Nương bởi cả một đời sáng tạo câu chữ, chị đã ấp ủ, chắt chiu chọn lọc công phu bằng cảm xúc trong sâu thẳm lòng mình để làm nên “bức tranh tâm hồn” chị bằng thơ. Tuy nhiên vẫn xin được nêu những câu thơ sâu nặng khiến tôi xúc động rưng rưng, ghi dấu ấn mãi trong tâm khảm mình:

Mẹ đi chẳng dặn một lời
Bến sông đến được, bến đời về đâu  (Hương cau)
 
Sẹo lòng còn nhói vết xưa
Cạn chiều gọi Mẹ nắng thưa cuối làng  (Dáng mẹ 2)
 
Trắng toát hàng bia tên cha chẳng thấy
Con ôm Đồi A1 gọi: Cha ơi!  (Gọi mãi Điện Biên)
 
Vô tình mà thấu chon von
Đắng cay nên nghĩa, mất – còn nên nhau  (Tiếng khèn)

  Và cũng xin tôn vinh những câu thơ quá đẹp khiến tôi bâng khuâng, như được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện đang hiện hữu trong cuộc đời này:

Xòe tay bên bờ gió
Hứng từng tiếng chim rơi
Câu thơ thành ngọn lửa
Sương mờ xa chân trời  (Ai gọi)
 
Đường về nơi ấy mờ sương phủ
Ngô bận bồng con trong gió reo
Má ai chín ửng bên vườn mận
Nắng buông nấn ná phía lưng đèo (Nắng vùng cao)

   Thơ Trần Thị Nương là như thế. Đọc rồi không thể không thấm thía, không thể không yêu cuộc sống và con người hơn. Bởi chị từng trải và biết tinh chắt sự buồn vui được mất trong cuộc đời mình, biết “Thắp ngọn đèn trong tâm” để bay đến miền ánh sáng, biết “Tạ ơn mấy ngoặt đường bão tố” để “Thảnh thơi qua một chuyến đò đầy”.

Chúc mừng nhà thơ Trần Thị Nương. Mong rằng cây bút nữ dịu dàng và nghị lực còn dồi dào sức viết như câu thơ chị tặng cuộc đời:

Mỗi dòng tỏa nắng tinh khôi
Cánh đồng giấy trắng bật chồi đơm hoa  (Có một cánh đồng) 

                                                                              Thanh Xuân, tháng 5 năm 2022

                                                                                           N.T.M


 

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 18
Trong tuần: 777
Lượt truy cập: 486653
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.