Phạm Thị Phương Thảo
TRONG KHU VƯỜN TƯỢNG MANG TÊN PHẠM VĂN HẠNG
Tôi đã đến Dalat nhiều lần và gần như lần nào khi nghỉ ở Nhà Sáng tác Dalat, chúng tôi cũng dành thời gian ngồi trò chuyện cùng bạn bè ở nơi này. Trong khu vườn tượng mang tên Phạm Văn Hạng nhưng chưa lần nào gặp ông. Nghe nói, nhà điêu khắc ấy rất bận rộn, luôn bôn ba đi Nam về Bắc và các công trình điêu khắc nổi tiếng hầu như đã cuốn hút hết thời gian và tâm sức của người nghệ sĩ. Nhưng chỉ có duy nhất lần này, thật may mắn, nhóm VNS chúng tôi mới có dịp gặp gỡ và được tiếp cận, trò chuyện thật lâu với ông.
Vườn tượng của nhà điêu khắc họ Phạm quá đẹp, một công trình nghệ thuật về tượng điêu khắc bề thế và nhìn mọi thứ thật chỉnh chu, công phu. Trong không gian sương khói và hơi u uẩn của một ngày Dalat vừa lất phất mưa, rồi lại hửng nắng, bóng người nghệ sĩ điêu khắc vừa xuất hiện bên ô cửa căn nhà đẹp. Dáng ông gày gò và bước chân còn khá nhanh nhẹn so với lứa tuổi tám mươi hai, râu tóc phơ phất. Trong trang phục bộ bà ba nâu, ông thật giản dị và gần gũi. Ông niềm nở ngồi trò chuyện, thịnh tình pha trà và lấy đĩa hoa quả ngon của Dalat ra mời nhóm khách văn nghệ sĩ Hà Nội.
Gương mặt tinh anh và hơi khắc khổ của ông như bừng sáng lên khi trò chuyện cùng chúng tôi. Chị Thanh Loan - Ni cô Huyền Trang vừa giới thiệu từng người trong đoàn với ông. Biết trong nhóm văn nghệ sĩ Hà Nội vào, có nhà văn tên tuổi Thái Kế Toại vẫn đang ở trên trại Sáng tác nên ông đề nghị chúng tôi mời anh xuống chơi. Ngoài nghệ sĩ điện ảnh Thanh Loan, còn có chị Phương Liên, con gái của nhà thơ nổi tiếng Lê Đạt, chị Phạm Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nghệ An và mấy bạn trẻ văn phòng Hội. Riêng tôi, một người làm thơ, nhưng là người đã từng thích đọc thơ ông trước đây, lại cùng họ Phạm, chỉ nghe tôi nói thế là ông đã vui lắm.
Ông lật đật vào ra, lục tìm mãi mà trong nhà chỉ còn đúng hai quyển thơ để tặng nhóm văn nghệ sĩ Hội Điện ảnh Hà Nội. Thật may mắn khi tôi được là một trong hai ”nàng thơ” được ông trang trọng ký tặng tập thơ Phạm văn Hạng , với cái tiêu đề là lạ, bởi tên tập thơ nghe rất khiêm tốn “BA MƯƠI NĂM TẬP TỄNH LÀM THƠ”. Suốt quãng thời gian dài ba mươi năm, kể từ những năm bảy mươi, ông đã viết những bài thơ đầu tiên, thế mà cho đến nay, người thơ ấy vẫn chỉ tự nhận mình là ba mươi năm tập tễnh làm thơ ư? Một người thật sự khiêm nhường.
Đây là tập thơ đầu tiên của ông. Tôi biết, riêng về mảng thơ ca, ông cũng mê đắm không kém gì với nghệ thuật đỉnh cao về điêu khắc của mình. Dù biết với loại hình thơ, thứ nghệ thuật ngôn từ vừa khó tính, vừa đỏng đảnh của “nàng thơ”, ông biết rõ sự khác biệt về tư duy và sự cảm nhận thi ca khác với ngôn ngữ của điêu khắc, nhưng có nhiều điểm chung. Ấy là sự chung tiếng nói về cái đẹp và đều đòi hỏi sự khe khắt về cảm thụ nghệ thuật. Thơ Phạm Văn Hạng là tiếng nói suy tư đậm triết lý khi ông luôn trăn trở, thao thức, muốn phản biện và tự tra vấn minh trước đời sống khi độc thoại với chính mình. Thơ ông luôn đau đáu những nỗi đau thế sự, về kiếp nhân sinh.
Tác phẩm thơ đặc biệt nhất, là khi nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cho ra mắt tập thơ làm bằng chất liệu đồng, với kích thước 50 x 65, “cuốn sách “ấy nặng đến 250kg. Đây là tác phẩm thơ đầu tay, đặc biệt nhất, có tựa đề “Ba mươi năm tập tễnh làm thơ”, bao gồm 29 bài, được ông kỳ công gò nổi bằng đồng, với 4 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp - Hoa. Tác phẩm này nghe nói đã đạt ba kỷ lục: Là tập thơ nặng ký nhất về nghĩa đen, là tập thơ có số bản ít nhất và là tập thơ duy nhất được khắc gò nổi trên đồng. Phạm Văn Hạng! Chỉ là độc bản. Là duy nhất! Nói như nhà thơ Trinh Đường thì; “Thơ Phạm Văn Hạng hầu hết là những nguyên lý rút ra từ đời sống, nhiều tư tưởng như được phát quang từ những nơi tiềm ẩn của chính chúng ta”.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã chọn thơ ca như một thứ tôn giáo để yêu thương và theo đuổi. Thơ ông luôn mang đậm những suy tư triết học trước vũ trụ. Ông chọn lối sống giản dị, yêu thiên nhiên và hướng về thiền tịnh.
Vườn Tượng giữa không gian xanh của Dalat chính là nơi ông say mê và neo giữ tâm hồn thơ ca của mình. Đến nơi đây, được ngồi thưởng ngoạn cà phê dưới bóng thông xanh và nhìn xuống con đường rộng phía dưới, Đàlat với nhịp sống chậm hiện lên thật dịu dàng và sâu lắng. Cuộc đời nghệ nhân Phạm Văn Hạng chắc chắn đã có đủ vinh quang và cay đắng! Gương mặt ông nhìn nghiêng vừa quắc thước, vừa phiêu lãng, bụi bậm và phong trần!
Tôi lặng lẽ quan sát ông. Cứ muốn ngắm kỹ hơn một chút nữa để nhận ra những sự khác biệt! Bởi ngắm kỹ gương mặt Phạm Văn Hạng, bạn sẽ nhận ra, cái sự phong trần kia rắn tựa như khối đá tạc, rắn rỏi đấy, tỏa sáng đấy mà u buồn, hao khuyết như trăng. Thơ ông cũng chính là gương mặt của ông. Nhà thơ họ Phạm, giàu suy ngẫm và liên tưởng, cuộc đời với đủ bôn ba, thăng trầm. Thơ ông ngắn gọn, cô đọng, luôn buồn, vừa sắc sảo vừa đầy ngẫm ngợi, thơ ấy mang gương mặt thời gian của nhà điêu khắc tài danh mang tên Phạm Văn Hạng.
(Tôi xin phép sẽ dành một bài viết khác để nói về tập thơ của ông )
Một không gian cà phê đẹp đẽ và thơ mộng với những dáng thông già, với trời xanh mây trắng của thành phố ngàn hoa, với hoa cỏ lung linh dưới nắng và nhiều bức tượng điêu khắc nhìn khá kỳ bí. Khu vườn tượng nằm ngay gần kề Nhà sáng tác Dalat. Ngay bên dưới kia là con đường quốc lộ chạy về phía Trại Mát. Được ngồi thưởng cà phê ở đây mà nhìn xuống phía dưới thì rất thú vị. Có khá nhiều xe cô và dòng người vẫn lãng đãng trôi trong sương, trong thông, nơi xứ sở ngàn thông và ngàn sương luôn hào phóng dâng hiến. Sương thản nhiên bao phủ không gian vào mỗi sáng và đêm. Thưởng cà phê và ngồi trò chuyện về thơ ca và văn học nghệ thuật ở nơi đây cùng những người bạn tâm giao thân thương xứ hoa đào thì hỏi còn gì vui thú hơn.
Trong khu ườn tượng lộng lẫy của nhà điêu khắc họ Phạm, tôi thầm hỏi đã có bao nhiêu văn nghệ sĩ từ mọi miền đất nước đã từng đặt chân đến nơ đây?
Những vần thơ xôn xao thức dậy trong tôi và như chợt vang ngân trong tiềm thức tôi, ngay ở đây, vào chính lúc này, trong không gian sương khói lãng đãng, ảo diệu này… “Uống cạn buổi sáng đầy nắng gió cao nguyên
Nghe sự cô đơn bao trùm khắp không gian lãng mạn/ Thơ phải chăng là giọt giọt thanh âm đắng đót buồn “? Tôi đã viết mấy câu thơ về “Vườn tượng Phạm Văn Hạng” sau hôm ấy như thế này!
Thưởng ngoạn vẻ kỳ bí trong khu vườn tượng
Sự lặng lẽ của hoa lá cỏ cây mang sắc màu thiền tịnh
Mỗi bức tượng kể một câu chuyện dài đời nghệ sĩ
Tình yêu, đam mê, cội nguồn, hạnh phúc, đắng cay…
Mỗi bức tượng, hồn cây phải chăng đều mang theo một triết lý sống?
Kỷ niệm Vườn tượng Dalat 28.7.2024
P.T.P.T