Vũ Thảo Ngọc
VỜI VỢI TRỮ TÌNH TRONG TRƯỜNG CA “GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI” CỦA NHÀ THƠ PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO.
Tôi nhận được tập Trường ca mới của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo có tên Giọt giọt đêm Hà Nội, do nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản quý 3 năm 2024 khi mùa thu Hà Nội đang bước vào những ngày thu vàng nắng với vô vàn hình ảnh đẹp. Một mùa thu đầy hoài niệm, nhung nhớ của những ai dù chỉ đi qua, hay những ai đã gắn bó với Hà Nội ngàn năm yêu dấu…Xúc cảm như được cộng hưởng, ngân lên cùng những câu thơ vời vợi trữ tình trong tập trường ca này.
Tôi đọc một mạch tác phẩm mới nhất của chị, giống như những tác phẩm trước, vẫn một giọng thơ đắm đuối và tràn trề niềm yêu sống, tràn trề nội lực sáng tác thi ca. mở đầu tập thơ là những câu thơ da diết về chủ thể mà chị đổ tâm sức kết tinh thành trường ca mang tên Giọt giọt đêm Hà Nội: “Hà Nội giọt giọt đêm tan chảy. Rót mê đắm ngọt ngào, bản tình ca không tên” … (Chương I-Sông Hồng kể chuyện)
“Ca trù chị hát đêm nay. Giọt đêm say đắm, ngất ngây bao người. Mơ xa về một giọng cười. Đào Nương nhả chữ, cất lời thật tinh. Tiếng ai nhả phách rất tình. Lời hay, ý đẹp, lung linh tơ trời…” (Chương II - Giọt ca trù)
Trong Giọt giọt đêm Hà Nội chị đã trình bày gồm 12 chương, gói gọn trên 180 trang sách. Câu chuyện bằng thơ với thể loại trường ca được chị dẫn dắt độc giả đi cùng chị ở mọi cung bậc yêu thương, day trở, đắm đuối và là những vời vợi trữ tình của một nữ thi sĩ dành tặng cho mảnh đất mình đã gắn bó và trưởng thành. Là cách biểu đạt ngôn ngữ thông qua các thể thơ tự do, thơ văn xuôi, thể thơ 1,2,3, thơ Namkau, thất ngôn bát cú, thơ 5 chữ… tác giả tung tảy vung bút như múa, tung tảy sử dụng ngôn ngữ ảo diệu, tài hoa để dẫn dụ người đọc theo chị khám phá Giọt giọt đêm Hà Nội một cách trọn vẹn nhất. Như cách tái hiện thanh âm Ca trù của các ca nương Hà Nội xưa để đồng hiện cùng Hà Nội hôm nay với một dòng chảy văn hóa sâu thẳm của mảnh đất kinh kỳ Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Như một mong muốn chuyển tải dòng chảy văn hóa Thăng Long sâu sắc xưa, một nét cốt cách người Hà Nội hào hoa với thú thưởng lãm văn hóa mang vẻ đẹp của tầng lớp tinh hoa đất kinh kỳ xưa vẫn đang chảy âm thầm mà mãnh liệt ở Hà Nội - thành phố vì hòa bình hôm nay…
Ấy là một Hà Nội có Tây Hồ mênh mang, có tiếng dương cầm, có sen hồ Tây, có sông Tô Lịch dâng ngập phố mùa mưa lũ…., ấy là những chớp mắt ảo diệu để chị hoài thai các Trường ca trước đó… Ấy là muôn vàn góc phố chị đã đi qua, những con đường chị đã đi dưới trời Hà Nội đầy sắc xanh của cây lá, của sắc hoa bốn mùa mang tên Hà Nội phố. Để chị dành trọn tâm thức trong chương 10 với tên gọi “Dưới bóng cây xanh Hà Nội”! Là bảng lảng giọt dương cầm đâu đó nơi góc Nhà thờ lớn, nơi hiên phố cổ trầm tư còn sót lại góc mái ngói màu nâu cũ càng của Hà Nội xa xưa. Là những góc phố chị qua để chị dành cho “Mắt phố nhìn tôi” những góc cạnh khác, đa chiều của Hà Nội mến thương. Những câu thơ kể chuyện, những câu thơ ẩn chứa đầy giai điệu, những âm thanh diệu vợi mang nhịp sống của Hà Nội vừa thanh thản vừa hối hả mang tên Hà Nội réo rắt, dìu dặt. Và đâu đó lại là một quãng lặng đủ để người đọc như tôi cứ chợt nghĩ, đọc Giọt giọt đêm Hà Nội như được tham gia cùng chị lên chuyến tàu điện cũ kỹ đi qua Bờ Hồ, đi qua Cửa Nam, vòng ra Ngã Tư Sở, hướng về Hà Đông với ngoại ô đầy hương lúa, hay hương sen phía hồ Tây lộng gió…
Bởi những câu chữ của nhà thơ trong Trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội đã nói hết, tôi xin được đồng cảm đôi lời như cùng chị với chuyến tàu điện cũ kỹ đi ngang mùa thu Hà Nội trong một khoảnh khắc nào đó. Có thể là đúng với tâm trạng của chị gửi gắm, có thể chỉ là sự gợi mở từ câu chữ của chị mà tôi nương theo với cảm xúc riêng mình về Hà Nội mến yêu qua những câu thơ da diết về Hà Nội của chị.
“Hà Nội nhớ giọt giọt đêm tan chảy. Nhớ tiếng ca nương dập dìu trên phố cũ. Giọt giọt đêm, là giọt giọt ca trù. Dập dìu khói sương, lời châu ngọc thiên thu”…
“Hà Nội ngày ta yêu nhau. Cây xanh trên từng mắt lá. Hồ Tây sóng ru nhè nhẹ. Em cười, thơm nắng búp sen…”
Về ngôn ngữ trong tập trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội, là một người làm thơ đã có thành tựu, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã rất có nghề, như một người thợ lành nghề đẽo gọt sắp xếp trọn vẹn mọi cung bậc cảm xúc, ý tứ của mình để tạo nên bức tượng đẹp mang tên Giọt giọt đêm Hà Nội.
Tôi biết trong nhiều bài viết của các nhà văn, nhà thơ, những bạn viết của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo sẽ có nhiều góc độ soi chiếu nghệ thuật ngôn từ thể loại trường ca qua tập trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội này, sẽ nhiều bạn viết trích dẫn những câu thơ hay, những hình ảnh đẹp trong tập trường ca của chị. Ở một góc hẹp khác, tôi chỉ xin mạn đàm đôi nét về các Đề từ trong từng chương, hay từng khúc trong Trường ca của chị. Là người bạn viết cùng chị, nên tôi xin bàn thêm về các Đề từ trong 12 chương trong Trường ca khi chị chọn đặt tên để gửi gắm ý tứ. Là vì tôi rất đồng cảm khi đọc các tên Đề từ chị chọn ở chương II có tên Giọt giọt Ca trù, như chương V là Hà thành thơm nắng phố hoa, như Chương VII là Giọt giọt dương cầm, nó trọn vẹn, gợi mở, dẫn dụ ý tứ cho người đọc. Nó mang hình hài của mỹ tự điểm trang cho thơ chị bay lên, cho thơ chị hay hơn. Nhưng hơi tiếc khi có tên chương khác, tác giả như sợ người ta không hiểu, nên đặt tít mang tính thông tin đã khiến cho tên chương đó giảm chất trữ tình ảo diệu. Tôi ví dụ như tên chương III chị Đề từ là “Hà Nội những năm tám mươi “Theo tôi, chỉ cần chị lấy một câu thơ nào đó trong chương này làm đề từ thì sẽ hay hơn.
Là đề từ ở chương IV: “Sóng Tây hồ vỗ từ ngàn năm trước”, theo tôi, chỉ cần lấy một câu thơ trong chương này là “Bước gió bao vòng hồ Tây”, đọc âm thanh của cụm từ này sẽ gợi mở biết bao, nó mang theo hình ảnh ẩn dụ khiến người đọc thích thú. Tên chương X là “Dưới bóng cây xanh Hà Nội”, tôi nghĩ sao chị không chọn câu thơ rất gợi và bao hàm ẩn ý kia là Bóng phố rêu phong?! Tên chương XI là Mắt đêm mở ra ánh sáng, theo tôi, chỉ cần Mắt đêm là đủ, bởi nhà thơ đã gửi gắm ý tứ sâu xa, những nỗi niềm day trở hay da diết trong nội dung của mỗi chương rồi.
Song tôi cũng chắc chắn là chị đã có lý do riêng để đặt Đề từ cho mỗi chương, mỗi khúc như thế, nhưng tôi vẫn thấy tiếc khi chị quá cầu toàn. Đề từ của mỗi chương, mỗi khúc trường ca là chứa đựng giá trị nghệ thuật, dù chị là người làm thơ rất có nghề. Tôi ví như một người thợ lành nghề ở bất kỳ lĩnh vực nào, thì vẫn thấy tiếc. Trong khi tên sách “Giọt giọt đêm Hà Nội “chị đã chọn rất kỹ lưỡng, gửi gắm ý tứ sâu xa của mình vào trường ca này. Ý nghĩ ấy chị đã nung nấu trên dưới 10 năm để có đứa con tinh thần kịp ra đời vào dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô!
Nhưng không sao, đây chỉ là suy nghĩ và quan niệm cá nhân của tôi, mà trên phương diện sáng tác thì chúng ta đều biết, chẳng ai giống ai, không ai muốn đi lại con đường của ai. Vì thế, mỗi tên đề từ, mỗi câu chữ trình lên trang sách đều có lý do riêng của tác giả. Đây chỉ là những kiến giải của bạn viết với bạn viết ở góc độ nghề nghiệp khi đồng cảm và muốn được chia sẻ chân thành và thẳng thắn cùng tác giả!
Cuối cùng, xin kính chúc chị, nữ tác giả đã tận hiến chữ nghĩa với thi ca, với gia tài văn chương khá dầy dặn chị tạo lập trong thời gian qua. Tôi biết và đọc chị, có lẽ từ năm 2009 cho đến bây giờ là 2024, tôi chỉ tính chặng thời gian 15 năm qua khi tôi biết chị trên diễn đàn sáng tác văn chương, năm nào chị cũng dành tặng độc giả ít nhất một ấn phẩm văn học. Khi thì là truyện, là thơ cho thiếu nhi, thơ song ngữ Anh Việt, khi thì tản văn, tùy bút, thơ; trường ca; bút ký; lý luận phê bình…
Chúc chị luôn vui khỏe và vẫn luôn giữ được niềm đam mê chữ nghĩa như thế, như những “Giọt giọt đêm Hà Nội” vời vợi trữ tình!
V.T.N