TA ĐÁNH GIẶC CHO DÂN NAM CÓ CHỦ
Tùy bút CỦA BÙI QUANG THANH
Qua những câu chuyện cổ tích, trong những dòng
sử liệu ngắn ngủi, những lời ngợi ca truyền
thống…, ông là người đồng hương của tôi. Tôi vốn mê
lịch sử của nước mình, vì thế tôi mê ông, mê sự nghiệp của
vị hoàng đế chân đất áo vải đã lừng danh một thuở, thắp
sáng hồn dân tộc trong những năm trường tối tăm nô lệ.
Sử cũ kể rằng, Mai Thúc Loan có quê gốc ở gò Mai -
Kẻ Mỏm, một làng chuyên làm muối ở ven biển Thạch
Hà. Mẹ ông rời quê sang sống ở vùng rú Đụn bên Nam
Đàn, Nghệ An và sinh ông ở đó. Mẹ đi kiếm củi bị hổ dữ
ăn thịt, ông đã tập luyện võ nghệ rồi gia nhập phường
săn giết hổ báo thù. Năm 722, Mai Thúc Loan đã lãnh đạo
nông dân nổi dậy chống lại ách áp bức thống trị của nhà
Đường Trung Quốc từ địa phương Nam Đàn. Ông xây
dựng thành Vạn An với sự liên hoàn của các đồn là những
ngọn núi xung quanh Đụn Sơn, xây dựng thủy binh trên
sông Lam với lực lượng hàng chục vạn quân. Họ Mai
mở rộng ngoại giao, liên kết với các nước phía Nam như
Champa, Chân Lạp, Kim Lân (Malaysia) cùng hợp binh
chống giặc. Khi đã có lực lượng đủ mạnh trong tay, Mai
Thúc Loan lên ngôi vua và kéo đại quân ra Long Biên, vây
hãm Đô hộ phủ của nhà Đường là thành Tống Bình, đánh
đuổi quan tướng Trung Hoa chạy về phương Bắc. Sau khi
giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ giặc Tàu ngót 700
năm, ông lại cùng quân dân cả nước lao vào cuộc kháng
chiến chống xâm lược ngót chục năm nữa cho đến lúc mất
vì bệnh tật…
Cuộc khởi nghĩa do Mai Hắc Đế tổ chức và lãnh đạo
là mốc son sáng chói trong trang sử hào hùng chống xâm
lăng của dân tộc Việt Nam. Nó khẳng định tính tồn tại
vĩnh cửu của một quốc gia có nền văn hóa trường tồn,
có ý chí bất khuất, khát khao độc lập và toàn vẹn lãnh
thổ. Từ một nông dân áo vải chân đất, bất đắc dĩ mà cầm
gươm đứng lên tự giải phóng cho mình và cho nòi giống;
biết dựa vào sức dân; biết tranh thủ bạn bè ngoài cõi cùng
chung mối họa phương Bắc; dám xưng Vương để so kiếm
cùng bọn “con trời” ngạo mạn Trung Hoa. Có thể nói Mai
Thúc Loan là vị vua, vị tướng văn võ song toàn, là nhà
ngoại giao kiệt xuất bởi lần đầu tiên trong lịch sử dựng
nước đã có thể liên kết 4 nước nhỏ ở cõi Nam, cùng hợp
binh vượt biển băng sông sát cánh chiến đấu chống kẻ thù
chung. Dù cuộc khởi nghĩa của ông bị thất bại bởi nhiều lý
do: có nhân hòa, có địa lợi nhưng chưa gặp thiên thời (Bấy
giờ Đường triều đang cực thịnh, bốn cõi đã bị dẹp “yên”
nên chúng rảnh tay xuất binh đàn áp). Đời sau lưu danh
ông và mốc son lịch sử sáng chói này bằng những trang
sử, bằng những câu ca, bằng những miếu đền và huyền
thoại về người anh hùng dân tộc - con Hắc Long trên sông
Cày, cửa Sót quê tôi.
Có một đêm từ bến sông Cày trên Quốc lộ 1A xuôi về
cửa Sót, trên chiếc thuyền nhỏ lướt giữa đêm trăng non để
trẩy hội đền Lê Khôi, một cô bé quê Đèo Ngang đã hỏi tôi
về con sông Hà Hoàng - con sông mà tôi và người con gái
ấy đang rẽ sóng, rằng: Miền quê này có gì đặc biệt? Không
ngần ngại, tôi trả lời em: nhiều, rất nhiều là khác. Này
nhé, đêm nay chúng ta sẽ đến núi Long Ngâm nơi có đền
Thượng tướng Lê Khôi, một danh tướng, một danh thần
thời Hậu Lê đã dựng nước và mở cõi từ dải đất này. Này
nhé: phía ngọn núi mờ xanh dưới ánh trăng non ngoài cửa
biển là núi Nam Giới, một thắng cảnh của non nước hữu
tình, một chứng tích của bao lần tách - nhập giang sơn
bởi thăng trầm lịch sử. Này nhé, lát nữa thuyền chúng ta
sẽ chui qua cầu Hộ Độ để về làng Mai Phụ, nơi xuất thân
của vị Hoàng đế họ Mai… Rồi, trong tiếng sóng xé mũi
con thuyền, trong ánh trăng non vỡ vàng từng mảnh hai
bên mạn nước, tôi “xuất khẩu” những câu thế này, rót
vào tai em:
“Mẹ ơi! Bảy nổi ba chìm
Cây đa, bến nước, sân đình mẹ đâu?
Vai gầy oằn nặng khổ đau
Lá trầu vừa thắm buồng cau đã lìa…”
“…Sức trai bế cả non Bờng
Lôi dãy Long Ngâm chồng lên chót vót
Sức trai chẳng bế nổi mùa giáp hạt
Muối trắng làng Mai trắng mắt dân nghèo
Gió Lào cồn trên xóm lúa nắng thiêu
Không gạo, không khoai, muối thay cơm sao đặng
Bảy trăm năm từ độ gieo lông ngỗng
Gót giày quân Bắc xéo non sông
Núi cao Mã Viện yểm cột đồng
Lừa dân Cao Biền gieo trò phù thủy
Viên ngọc trai từ tăm tăm đáy bể
Cặp sừng tê hun hút cuối rừng sâu
Vòi bạch tuộc bọn xưng danh thiên tử
Vét tận cùng đọi cháo, đĩa rau…
Mẹ nhẫn nhục nuôi ta thành tráng sĩ
Ta vươn vai làm cột trụ chống trời
Con Rồng Đen từ sông Cày, cửa Sót
Thua kém gì thiên tử, mẹ yêu ơi!
Đòn gánh tre vung lên toang đầu giặc
Một tiếng hô sấm sét dậy muôn lần
Bảy trăm năm người Nam ta có Đế
Quả vải quê nhà làm bữa tiệc khao quân…”
Cảm xúc ấy bất chợt bật ra thành khúc tráng ca về Mai
Hắc Đế, cũng từ cảm xúc ấy, sau này tôi phát triển thành
trường ca “Đò dọc sông đêm” với thi hứng dâng trào, với
nhạc điệu biến hóa, với ngôn ngữ phóng khoáng làm háo
hức lòng người. Từ sông Hà Hoàng đến dãy núi Long
Ngâm, từ hoa cỏ đèo Ngang đến mây trắng núi Hồng, từ
củ khoai tím vỏ ở đất Mục Bài đến những lá áo tơi như
lông đuôi chim phượng hoàng xếp xuôi theo chiều gió
trên các cánh đồng hai mùa mưa nắng và trong trang
huyền thoại chim về… Tôi đã gói trọn tình yêu thương và
niềm tự hào về miền Đất Mẹ.
Sông Hà Hoàng xuất phát từ những mạch khe suối li
ti mà dày đặc bên sườn đông của dãy núi Trà Sơn - một
nhánh nhỏ tách ra từ núi Trường Sơn mẹ ngăn cách vùng
đồng bằng ven biển Hà Tĩnh với thung lũng Hương Khê.
Từ những li ti nguồn mạch ấy, được tiếp sức bởi những
sông ngòi, hồ đập, đồng ruộng quanh lưu vực mà chỉ vài
chục cây số chiều dài, Hà Hoàng đã phình to ra, trải rộng
tấm lòng và lai láng tràn dâng trước khi hòa nhập vào
đại dương xanh thẳm thành cửa bể kỳ vĩ: Cửa Sót, với
một bên là dãy Nam Giới, một bên là núi Long Ngâm.
Cửa bể này ngày càng sầm uất bởi những xóm diêm, xóm
chài, bởi những danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa và
lịch sử. Xung quanh vùng đất ấy là những Chân Tiên,
núi Bờng, Bằng Sơn… Xa nữa là 99 đỉnh Hồng Lĩnh điệp
trùng cây xanh mây biếc. Ẩn vào cây xanh mây biếc ấy
là những khu đền Chiêu Trưng Đại vương, chùa Chân
Tiên, chùa Kim Dung… Một miền đất nước đất không
rộng, người chưa đông mà quây quần có Thánh, có Tiên,
có những người trần bằng thịt bằng xương anh hùng bất
khuất. Phải linh thiêng đất - trời hội tụ mà người đàn bà
làng Mai ấy đã sinh ra một con Rồng Đen anh hùng cái
thế một thời; mà bao bà mẹ Việt trên mảnh đất này đã sản
sinh ra những tinh hoa dân tộc làm rạng rỡ quê hương,
đất nước, giống nòi...
Ở Nam Đàn, nơi người anh hùng được sinh ra, đời sau
đã lập đền thờ ông ngay trên căn cứ nghĩa quân đã dấy
binh khởi nghiệp ngày xưa. Dãy Hùng Sơn như hình cánh
cung ôm lấy dòng Lam Giang xanh trong, quấn quýt giữa
cái đẹp cái hùng bởi dáng núi thế sông, càng linh thiêng
khi hiện diện một khu đền thờ vị tiên đế nghìn xưa lẫm liệt.
Người ta vẫn giải nghĩa nguyên nhân cuộc khởi nghĩa
của Mai Thúc Loan là do nạn cống vải của vua quan nhà
Đường gây ra. Chuyện rằng: hồi ấy Đường Minh Hoàng
say mê Dương Quý Phi. Để thỏa mãn một sự thèm muốn
được ăn quả vải tươi - đặc sản từ châu Hoan, An Nam của
ái phi tuyệt sắc ấy mà hằng năm đến mùa vải chín, hàng
ngàn nông phu đất Giao Chỉ phải thay nhau gánh vải từ
châu Hoan sang tận kinh thành triều đình đô hộ dâng
cho vua Đường. Khổ cực trên đường đi phu ấy đã biến
thành xung đột rồi tiến lên khởi nghĩa vũ trang. Chuyện
kể ấy nghe ra thật không lọt tai những người có tư duy
thực tế và hiểu rõ bản chất của những cuộc đấu tranh giải
phóng. Tuy nhiên chẳng biết vì sao mà đến cả lịch sử hiện
đại ngày nay, cả trong sách giáo khoa trường phổ thông
người ta vẫn dạy cho con cháu chúng ta như thế(?). Thử
phân tích vấn đề này để đưa ra một kết luận logic hơn, có
giáo dục hơn, để hiểu là cuộc khởi nghĩa do Mai Hắc Đế
lãnh đạo không bắt đầu từ một cuộc đàn áp, ngược đãi
trên đường đi cống vải mà là do tinh thần yêu nước, ý chí
vùng lên đạp đổ áp bức bóc lột, giải phóng dân tộc khỏi
bọn ngoại xâm. Thực vậy, nếu châu Hoan (Nghệ Tĩnh)
có một loài vải tuyệt ngon để cho ái phi của Đường Minh
Hoàng mê mà đòi ăn tươi nuốt sống ngay tại cung đình
phương bắc thì chỉ có cách đưa những cây vải con trồng
lên vai phu khiêng gánh rồi vừa đi vừa chăm bón cho nó
lớn lên, ra hoa kết trái cũng trên lưng phu khiêng vác cho
đến hết mùa nọ tháng kia, đoàn phu khiêng vải ấy tới
được Tràng An tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc (nơi Đường
Minh Hoàng đóng đô) với quãng đường hơn 4000km
đường bộ như hiện nay cũng chưa chắc quả vải vẫn còn
tươi chứ nói gì đến hái vải chín từ cây vườn ở Nghệ An
mà đưa sang Trung Quốc bằng vai người đi bộ. Nếu chở
trên lưng ngựa - phương tiện giao thông có tốc độ nhanh
nhất thời đó, khoảng 50 km/giờ, mỗi con ngựa trẻ, khỏe
chỉ chạy khoảng 4 tiếng với tốc độ ấy là phải dừng nghỉ
và thay ca thì phải thay 20 lần ngựa để chạy trong 5 ngày
mới tới được Tràng An . Đó là chưa kể số hàng trên lưng
ngựa là quả vải chín, tươi, nặng và dễ vỡ, lại phải vần lên
hạ xuống ít nhất 40 lần thì vải có còn ngon được không?
Thử hỏi nạn cống vải có hay không?
Ngót ngàn năm Bắc thuộc, mặc dù bị kìm kẹp trong
bạo lực và sự hà khắc của chế độ thống trị, người Việt đã
bao lần đứng lên chống lại ngoại bang và tất cả đều vì
nợ nước thù nhà. Câu chuyện cống vải dù sao cũng chỉ
là truyền thuyết, tuy nhiện, ở góc độ tư tưởng và ý nghĩa
thì nó lại to lớn vô cùng. Nó, cùng với những câu chuyện
xoay quanh cuộc kháng chiến của Mai Thúc Loan, của gia
đình, dòng họ, thông gia… và các địa phương liên quan
đến cuộc khởi nghĩa; cả sự liên tưởng gắn kết giữa cuộc
kháng chiến Rú Đụn và cuộc khởi nghĩa của Bố Cái Đại
vương Phùng Hưng ở Đường Lâm sau đó ngót nửa thế kỷ
thì sự nghiệp của Mai Hắc Đế không chỉ là phản ứng nhất
thời khi bị bắt đi phu mà là một kế hoạch dài hơi, chu đáo,
có trước có sau; được chuẩn bị kỹ càng, của nhiều người
chung mục đích, ý chí và lý tưởng giải phóng dân tộc!
Chính vì vậy Mai Thúc Loan là một vị Anh hùng dân tộc
được nhân dân nhiều thế hệ tôn thờ, tri ân.
Hình ảnh Vua Đen giữa dân làng, bầu bạn sau những
chiến thắng lẫy lừng là sự gắn bó, ân nghĩa, thủy chung.
Hình ảnh đó lấp lóa trong tôi:
“Nâng quả ngọt chắt chiu từ cằn cỗi
Nào cụng ly - những trai tráng quê mùa
Ta đánh giặc cho dân Nam có chủ
Với bạn bè, ta vẫn Cu Đen xưa!”
Người nông dân chân đất trên đồng quê Nghệ Tĩnh,
mộc mạc mà cao thượng, bình dị mà giỏi võ đa mưu ngày
ấy, là hiện thân của bao chàng trai ưu tú của quê nhà đã
làm nên những trang sử chống xâm lăng chói lọi. Dù xuất
thân từ một nông phu, lớn lên trong miền núi thâm u cô
tịch, Mai Thúc Loan có tư chất của một lãnh tụ, của một
anh hùng. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành độc lập
dân tộc, ông đã tu luyện võ công, kết giao bạn bè tứ xứ,
lập kế vững bền gốc rễ bằng cách dựng vợ cho con trai,
gả chồng cho con gái ra tận xứ Đông (vùng Hải Phòng),
bản thân ông kết duyên thêm người vợ nữa ở tận xứ Đoài
(vùng Đường Lâm - Sơn Tây) nơi vốn nổi danh đất võ.
Cũng vì vậy mà khi ông dựng cờ nghĩa ở châu Hoan, nhân
dân cả nước đã đồng lòng nhất trí vùng lên dưới ngọn cờ
của Mai Hắc Đế; cả khi ông lâm bệnh qua đời, trước thế
giặc mạnh, con trai ông - Mai Thiếu Đế vẫn tiếp tục lãnh
đạo cuộc kháng chiến cho đến lúc hy sinh. Và cũng vì thế,
gần bảy mươi năm sau, “Bố Cái Đại vương” Phùng Hưng
cùng em trai là Phùng Hải - cháu gọi bà vợ thứ quê Đường
Lâm của Mai Hắc Đế bằng cô - đã lãnh đạo nhân dân Bắc
Kỳ khởi nghĩa đánh đuổi quân Trung Hoa xâm lược.
“Ta đánh giặc cho dân Nam có chủ
Ôi Vua Đen - Mai Hắc Đế anh hùng
Cơn gió lớn quét quang trời Giao Chỉ
Từ quả trứng rồng bên núi Long Ngâm”
Trên dải đất Lộc Hà quê hương vị Anh hùng dân tộc
ấy, những ngôi đền ghi nhớ công đức tiền nhân dựng
nước, giữ nước ngày đêm ngào ngạt khói hương; những
bàn tay xây dựng cuộc sống mới không ngơi nghỉ trước
bao vất vả khó khăn để nâng quê hương lên một tầm thế
mới. Những đoàn tàu thuyền đánh bắt hải sản vẫn rộn rã
ra khơi; những hạt muối, hạt thóc, củ khoai cứ vun đầy
kho bãi... Bốn mươi năm hòa bình chưa ai nguôi quên
tiếng súng. Biển quê đêm ngày vẫn âm vọng tiếng tàu
giặc ngấp nghé xâm lăng… Gò Mai Phụ, mùa xuân về
hoa cải, hoa đào tươi nở mà sóng biển Đông đã kêu gọi
cháu con kế bước lên đường.
Hơn ở đâu hết, từ quê hương Mai Hắc Đế nằm sát biển
Đông, chúng tôi nghe tiếng lòng Tổ quốc đang quặn đau
từ khơi xa sóng trắng của Hoàng Sa, Trường Sa và tiếng
ngàn xưa âm vọng mãi ngàn sau: “Ta đánh giặc cho dân
Nam có chủ!”.
Lộc Hà, tháng 6.2014
Người gửi / điện thoại
Người gửi / điện thoại