Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TỪ LỊCH SỬ DÂN TỘC...

Nguyễn Nhuận Hồng Phương

"TỪ LỊCH SỬ DÂN TỘC ĐẾN VĂN HỌC CHIẾN TRANH - GIÁ TRỊ CỦA SỨC MẠNH THỜI ĐẠI"         

   Tháng 4 năm 1968 theo lệnh Tổng động viên tôi nhập ngũ. Vào bộ đội tôi được biên chế vào Tiểu đội 3, Trung đội 2 thuộc C4 - D3 - E2 - F304B, và là xạ thủ chính sử dụng khẩu trung liên RPD. Sau 3 tháng huấn luyện ở Đèo Nhâu, Võ Nhai, Bắc Thái, đơn vị tôi tập kết ở ga Đồng Quang lên tàu bắt đầu cuộc hành quân lịch sử. Khỏi phải kể nỗi niềm người chiến sĩ vào thời gian ấy. Vượt lên sự nhớ nhung da diết với quê hương, gia đình và bạn bè, là tinh thần lạc quan, háo hức, khát khao, mong mỏi mau chóng vào miền Nam chi viện cho chiến trường.

    Con tàu đưa chúng tôi đến ga Hà Trung, Thanh Hoá thì dừng lại. Và bắt đầu từ đây mọi sinh hoạt theo tinh thần thời chiến. Ngày nghỉ, đêm đi, đến đâu dừng lại trước tiên là đào hầm trú ẩn, ngụy trang, đun nấu theo bếp Hoàng Cầm…  Nhưng không ngờ khi hành quân đến huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh chúng tôi được lệnh dừng lại đợi chỉ thị của cấp trên. Rồi thêm một điều không ngờ nữa, sau thời gian chờ đợi, đang là lính bộ binh, đơn vị tôi tách ra nhận lệnh “tạt ngang” sang Lào sáp nhập vào đơn vị công binh có biệt danh “Công trường 80” thuộc Bộ tư lệnh 500 ở tỉnh Khăm Muộn. Nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi là phát gốc cây, san, lấp “ổ gà”, “ổ voi”, khôi phục lại đường 8 và đường 12 lấy đường cho xe vận tải vận chuyển vũ khí, quân lương và nhu yếu phẩm vào chiến trường miền Nam. Thế là anh em “vỡ mộng” ước mơ được vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của mọi người, cấp trên đả thông tư tưởng, phân tích, giải thích đâu cũng là chiến trường, nhiệm vụ nào cũng là “diệt Mỹ” phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Tuy còn hẫng hụt, nhưng rồi chúng tôi cũng xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ, cho nên anh em động viên nhau lao vào công việc. Cho dù thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn mọi thứ, máy bay Mỹ rình rập bắn phá bất kể ngày, đêm, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám trụ, bám đường, làm việc quên mình, hăng say lao động, san lấp hố bom, hỗ trợ cứu thương, ứng phó kịp thời, bảo đảm thông tuyến cho hàng trăm ngàn lượt xe chở hàng ra mặt trận. Gian khổ và ác liệt vô cùng nhưng tinh thần của mọi người rất lạc quan, nêu cao tình đồng đội, đoàn kết  một lòng, tương thân, tương ái, động viên, khích lệ nhau vượt qua khó khăn bằng công sức, mồ hôi, thậm chí bằng cả xương máu được thể hiện trong từng giây từng phút. Phát huy tinh thần người chiến sĩ mở đường, cùng với công việc hàng ngày, ngoài những buổi học tập chính trị nâng cao lập trường tư tưởng, anh em chúng tôi còn tổ chức sinh hoạt văn nghệ, hát, hò, đọc truyện cho nhau nghe và làm báo tường. Tôi nhớ, lúc lên đường hành quân, trong ba lô tôi mang theo mấy cuốn sách “gối đầu giường”. Ngoài cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ và 2 tập thơ “Từ ấy”, “Gió lộng” của Nhà thơ Tố Hữu, còn có tiểu thuyết “Vượt côn Đảo”; cuốn “Thép đã tôi thế đấy”; “Rừng thẳm tuyết dày”; “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” và cuốn “Sống mãi với Thủ đô”. Vậy là anh em truyền tay nhau đọc. Rồi tinh thần văn chương lan tỏa, tôi cùng đồng đội khích lệ nhau viết văn, làm thơ. Nghĩ gì viết nấy, dán lên vách hầm trú ẩn để mọi người cùng đọc. Quả thật về sau này khi đọc lại tôi thấy những câu thơ ấy mới thô nháp, mộc mạc làm sao. Nhưng với tôi vào lúc đó là nguồn hứng khởi trong sáng, vô tư, ào chảy trong huyết quản chàng trai mặc áo lính lần đầu tiên cầm bút viết. Có một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất, đó là trong một lần đồng chí Hoàng Văn Nghệ người Cao Bằng, Chính trị viên đại đội xuống hầm khi xem “tờ báo tường” tự phát của chúng tôi cứ mủm mỉm cười, vì trên đó không chỉ có thơ, văn, mà còn có cả những bức thư của gia đình, của vợ, con của mấy đồng chí lớn tuổi dán trên đó. Chuyện tưởng chẳng có gì, nhưng rồi bẵng đi một thời gian, bất ngờ một hôm đồng chí liên lạc viên tiểu đoàn tìm gặp đưa cho tôi Bản tin nội bộ, trong đó có in bài thơ “Dòng sông công binh” của  tôi. Khỏi phải kể niềm vui lần đầu thơ mình được đăng, dù cho đó chỉ là những hàng chữ đánh máy trên trang giấy mộc mạc trong bản tin mang tính tuyên truyền. Do thời gian đã lâu và sau này vì cuộc sống mưu sinh nên tôi chỉ còn lõm bõm nhớ vài đoạn tâm đắc nhất xin được trích ra đây:vanhocchientranh

         … “Cầu ta nối sông ơi đôi bờ rộng/ Chở niềm thương nỗi nhớ chiến trường xa/ Sóng ơi dậy gọi gió về lồng lộng/ Hỏi con phà đã bao chuyến xe qua?/ Ta nối lại vết thương lòng chia cắt/ Ta chuyển vào tình nghĩa một niềm tin/ Ta rửa sạch cho nước nguồn trong vắt/ Ta đem về cho đôi lứa tình yêu/ Ta gọi dòng sông Sông Công Binh/ Ta gọi con người Người Quang Vinh/ Ơi những dòng sông nguồn vô tận/ Ơi những con người thế hệ Hồ Chí Minh”…

     Tôi thuộc lớp người khi lớn lên đất nước vừa hoà bình. Dư âm cuộc Kháng chiến trường kỳ của dân tộc trong những bài học thuộc lòng khi ngồi trên ghế nhà trường, đã len lỏi, ngầm ngã, tích tụ vào tâm trí, thể như dòng nước mát tưới lên mảnh đất khô cằn. Từ bài tập đọc lớp 2 kể về chàng thiếu niên họ Trần vì lòng căm thù quân Nguyên - Mông, với tâm niệm “Quyết đánh” vô tình bóp nát quả cam trên bến Bình Than. Đến hình ảnh người anh hùng Vừ A Dính người dân tộc H`mông của núi rừng Lai Châu, kiên cường, bất khuất trước họng súng quân thù, đã trở nên bất tử muôn đời. Rồi bài học kể về sự mưu trí, lòng dũng cảm của anh Kim Đồng, đánh lạc hướng, thu hút quân địch, hy sinh thân mình cứu cán bộ cách mạng. Và còn nhiều… Nhiều lắm những bài học nói đến những tấm gương của các anh hùng, liệt sĩ như Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trừ Văn Thố, Nguyễn Văn Trỗi… Đối diện với hiểm nguy, quên thân mình hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ Quốc. Rồi cùng với những bài học trong sách giáo khoa ở nhà trường, phải nhấn mạnh đến sự tác động không nhỏ của những tác phẩm trong nền văn học Việt Nam vào thời kỳ đầu còn non trẻ. Song song với văn học dịch của Liên xô, Trung Quốc và các nước thuộc phe XHCN. Thì những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ như: Tố Hữu, Xuân Diệu; Huy cận; Chế Lan Viên; Thế lữ; Lưu Trọng Lư; Nguyễn Đình Thi; Nguyễn Huy Tưởng: Nguyễn Khải; Nguyên Ngọc, Văn Linh; Chính Hữu; Tô Hoài; Xuân Sách; Triệu Bôn; Hồ Phương; Hữu mai; Xuân Thiều… cùng những  tác giả khác vào thời ấy, chính là chiếc đầu tàu mở ra cho lớp trẻ chúng tôi một con đường, một thế giới quan về nhân cách sống, về lòng kiên định, sự hy sinh cao cả, tuyệt vời của những người làm cách mạng nói chung và người chiến sĩ quân đội nhân dân nói riêng. 

   Không kể một số tác phẩm về đề tài đấu tranh thống nhất hai miền, và làm kinh tế, khởi đầu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, như: Bài thơ “Quê hương” của Giang Nam; “Đất quê ta mênh mông” và “Lên miền Tây” thơ của Bùi Minh Quốc; tập thơ “Việt Bắc; “Gió lộng” của Tố Hữu; tiểu thuyết “Goòng” của Văn Linh; “Cái sân gạch” của Đào Vũ; truyện ngắn “Cỏ non” của Hồ Phương… Vân vân… và vân vân... Thì mới mẻ, đậm nét và ấn tượng vẫn là những tác phẩm viết về anh bộ đội Cụ Hồ. Tiêu biểu như tiểu thuyết “Xung kích” của Nhà văn đa tài Nguyễn Đình Thi; “Sống mãi với Thủ đô” của Nguyễn Huy Tưởng; “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc; tập truyện ngắn “Lá cờ chuẩn” viết về những chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ và cuốn “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của Hồ Phương…  

   Cùng với tiến trình vận động lịch sử xã hội, văn học trong giai đoạn ấy không chỉ mang tính giải trí đơn thuần. Khi bản sắc người lính Cụ Hồ dưới ngòi bút tài hoa của các tác giả, được khắc hoạ và phản ánh chân thực. Thể như những thước phim ghi lại những khoảnh khắc hào hùng, vinh quang về ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng hy sinh của những người chiến sĩ. Từ vẻ đẹp chân chất, dung dị, kết gắn tình đồng chí, đồng đội trong đời sống sinh hoạt hàng ngày; đến bối cảnh chiến trường với sự mưu trí, sáng tạo, tinh thần đồng đội, sẵn sàng “chia lửa” cho nhau trong từng trận chiến đấu cam go, ác liệt, đối mặt với kẻ thù một mất, một còn. Những tác phẩm tiêu biểu ấy đến với thế hệ chúng tôi như ánh sáng ban mai; như miếng cơm, hớp nước hàng ngày. Và không thể khác, đã trở thành bước đệm, là đòn xeo thúc đẩy, lôi cuốn lớp trẻ thấm nhuần đạo đức cách mạng, trách nhiệm, hướng theo, đi tới, nhận ra bao điều tốt đẹp về lý tưởng, về nhân cách sống, về bản lĩnh làm người…

   Theo dòng chảy lịch sử văn học, cùng với chủ đề tư tưởng các loại hình văn hoá xã hội khác. Đề tài người chiến sĩ cách mạng ở mọi phương diện được các tác giả khai thác không ngừng. Do khuôn khổ có hạn, trong bài viết này xin được điểm đến các tác phẩm văn học điển hình kể từ khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời. Nếu Cố Nhà văn Anh Đức trước đó có bút ký “Một truyện chép ở bệnh viện”, do chính ông chuyển thể thành kịch bản, năm 1962 được Hãng phim Truyện Việt Nam dựng thành phim “Chị Tư Hậu”, một nhân vật hóa thân từ nguyên mẫu ngoài đời, do nữ diễn viên tài năng Trà Giang thủ vai. Thì sau khi trở lại miền Nam, Nhà văn Anh Đức đã liên tiếp cho ra đời một “seri” tác phẩm, gồm các thể loại từ tuỳ bút, truyện ký, truyện ngắn và tiểu thuyết. Xin phép mạo muội được nhận xét cho rằng: Nhà văn Anh Đức đã rất thành công khi khai thác về người phụ nữ miền Nam. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi “Một nửa thế giới” đơn thuần là xinh đẹp, dịu dàng, yêu chồng, thương con... Mà đã được ông đẩy lên, đặt vị trí người phụ nữ trở thành “Người Mẹ Tổ Quốc”. Điều đó được thể hiện khi ông điển hình hoá, khái quát những nét đặc trưng, miêu tả đời sống về cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường, bất khuất của những người phụ nữ ở “Hòn đất” khi bảo vệ các chiến sĩ du kích, mà đỉnh điểm cao trào của sự lắng đọng là những trang viết vô cùng xúc động về hình tượng mái tóc suôn dài, mượt mà, óng ả của chị Sứ trước lưỡi dao của kẻ thù. 

     Song hành cùng với những áng văn hào sảng đầy xúc động của Cố Nhà văn Anh Đức ngợi ca người phụ nữ miền Nam. Thì ngòi bút của Cố Nhà văn Nguyễn Thi, tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, từng là tiền nhân sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam, có một thời công tác ở Tạp chí Quân đội, và sau này khi trở về miền Nam ông làm việc ở Báo Văn nghệ quân Giải phóng. Năm 1965 ông cho ra đời và nổi tiếng với truyện ký “Người mẹ cầm súng” và truyện ngắn “Mẹ vắng nhà”. Đặc tả về gia đình chị Út Tịch, có chồng đi bộ đội, 9 lần sinh nở, lít nhít một nách 5 đứa con thơ, bụng mang, dạ chửa mà vẫn hoàn thành việc nước, đảm đương việc nhà, khiến cho hàng triệu trái tim khi đọc đến câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh”, không khỏi thán phục về thần bút sắc sảo, tài hoa của Nguyễn Thi. Đã gieo vào tâm khảm người đọc tình cảm rung động và sự thiêng liêng về một người phụ nữ bình dị, sống rất đời, nhưng mỗi lời khi nói ra bao chứa sự ngoan cường, khẳng định thái độ bất khuất, kiên định trước kẻ thù xâm lược. Xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng cho “Đội quân tóc dài” miền Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.   

     Rồi khi đất nước chuyển sang giai đoạn “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”. Cùng với khuynh hướng tìm tòi, sáng tạo đa chiều, đa diện của các tác giả. Kế tiếp những tác phẩm viết về cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam ở giai đoạn cuối thập kỷ 50 và đầu thập kỷ 60. Thì đề tài về người lính ngày càng được khai thác sâu và rộng hơn. Không kể các loại hình văn học, nghệ thuật khác. Mảng văn xuôi có thể nhắc đến “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu; “Mẫn và Tôi” của Phan Tứ. Đó là hai cuốn sách nằm lòng trong ba lô, được các chiến sĩ truyền tay nhau theo suốt dọc đường hành quân vào chiến trường. Nếu nhân vật Lữ, chiến sĩ thông tin, vốn là sinh viên “Xếp bút nghiên theo việc cung đao”. Khi bước chân vào lính tâm hồn còn ngây thơ, lãng mạn, yêu cuộc sống, mơ ước tương lai. Lúc hy sinh trong tay vẫn còn ôm chiếc đài truyền tin, không những để lại cho đồng đội sự cảm phục và niềm thương tiếc vô hạn. Mà còn là câu hỏi thách thức cho Chính uỷ Kinh, khi nghe tin con trai mình hy sinh. Trước đồng đội phải ghim vào lòng, giấu đi nỗi niềm đau thương, mất mát. Nhưng sâu thẳm trong trái tim ông, bão tố nổi lên dồn dập, gào thét như xé nát cõi lòng về sự chia ly thẫm đẫm tình phụ tử… Và, dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu, cùng với những chương, đoạn như thế trong “Dấu chân người lính”, đã làm tăng thêm chiều kích tầm vóc sử thi trong số phận người lính trước sứ mệnh tồn vong của đất nước.

     Trong khi đó, với tiểu thuyết “Mẫn và Tôi”. Phan Tứ lại khai dựng tình yêu “thời chiến” của anh bộ đội và cô du kích. Mối tình của Thiêm và Mẫn không bay bướm, hoa lá, tha thướt, lả mềm, lay lắt, uỷ mị, đam đắm, mơ mòng; hay so đo, tính toán, cân nhắc, mặc cả thiệt hơn như tình yêu thời cơ chế thị trường. Mà xuất phát từ ấn tượng ban đầu dè dặt, cảm tính chấp chênh, bột phát. Dần dà ủ ấp, nảy nở qua chiến trận, vần vã trong khói bom, thuốc súng; những trận chống càn, kề cạnh giữa sự sống và cái chết, để nhận ra những nét đáng trọng, đáng rung động, đáng khâm phục, đáng yêu để mà thương, mà nhớ... Rồi xen vào giữa tình cảm mộc mạc, giản dị tưởng như khô cứng, chai sạn, dạn dày ấy. Dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn, tình yêu của hai người dù không hẹn ước trùng phùng, nhưng lại không thiếu những giây phút suy tư quay quắt vừa ngọt ngào vừa day dứt. Trái tim yêu muốn bùng phát, giằng xé, bạo liệt, biến nhớ thành yêu, biến yêu thành sự ích kỷ riêng tư. Nhưng lý trí lại đặt cho mình cột mốc trong nhiệm vụ đảm trách, bảo vệ, chở che sự an toàn cho người dân làng Cả... Cứ vậy, tình yêu của họ như ngọn lửa của chiếc bùi nhùi rơm, âm ỉ cháy, nhiệt lượng cao nhưng không bùng phát, tuy vậy không thiếu những tình tiết châng lâng, lãng mạn sáng, đẹp như huyền sử…

    Song hành với mảng văn xuôi, không thể không nói đến các nhà thơ trên văn đàn thi ca. Và có thể khẳng định ngay rằng: Thơ ca luôn chiếm một vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử văn hoá dân tộc. Thông qua ngữ điệu biến hóa huyền ảo, kết hợp với cảnh trí thiên nhiên, thơ ca không chỉ mang đến cho con người sự biểu đạt cuộc sống, cảm khái về niềm vui, nỗi buồn, những xúc cảm yêu thương, sự hờn giận, nỗi nhớ nhung trong tâm hồn... Mà thơ ca còn như phép lạ diệu kỳ. Có khả năng thay đổi nhân sinh quan về nhận thức tư tưởng, chuyển hóa tâm sinh lý, kích ứng hoài bão, kiến tạo ước mơ trong ý thức mỗi người… 

    Đấy là nhận xét chung, còn riêng về thơ ca của lực lượng vũ trang, Trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại, các “nhà thơ chiến sĩ” đã gắn hồn mình vào sứ mệnh giải phóng dân tộc, cho ra đời những tác phẩm có sức lôi cuốn. Bù, tiếp cho người lính tình cảm nồng hậu với quê hương, đất nước, dân tộc. Dám xả thân, tận trí vượt qua gian khổ, chiến đấu, hy sinh anh dũng trên chiến trường. Ở giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi phải rời quê hương và người thân, lên núi rừng Việt Bắc lập chiến khu, cùng với dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Các nhà thơ như: Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi… với những thi phẩm mang giai điệu trầm mặc, hào sảng, xen giữa lòng sôi sục căm thù quân xâm lược giày xéo đất nước. Là âm hưởng phảng phất nỗi vấn vương, tha thiết niềm day dứt nhớ thương “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…” (Nguyễn Đình Thi “Đất nước”). Và “… Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm… (Quang Dũng “Tây Tiến”). Hay: “…Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau/ Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu/ Cánh đồng im phăng phắc/ Để con đi giết giặc/ Lấy máu rửa thù này…”. (Hoàng Cầm “Bên kia sông Đuống”…

     Cùng với các nhà thơ mà số phận và sự nghiệp gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng tám 1945, như: Tố Hữu; Xuân Diệu; Chế Lan Viên; Huy Cận; Thế Lữ; Lưu Trọng Lư; Tế Hanh; Anh Thơ… Trong giai đoạn cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ đã xuất hiện nhiều nhà thơ dám dấn thân, tạo ra những bài thơ “để đời” như: Chính Hữu, Lưu Trùng Dương, Trần Hữu Thung, Khương Hữu Dụng, Hữu Loan, Thôi Hữu, Vĩnh Mai, Trinh Đường, Vũ Cao, Minh Huệ, Cầm Giang… Và đặc biệt nổi lên là những nhà thơ người dân tộc thiểu số Nông Quốc Chấn; Nông Minh Châu; Nông Viết Toại; Bàn Tài Đoàn… có những bài thơ, câu, tứ với phương ngữ chân chất, mộc mạc, gồ ghề, góc cạnh, giàu hình ảnh mang hơi thở cuộc sống của chính vùng đất họ được sinh ra và lớn lên… Và để rồi “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Hai câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu như lời tổng kết cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nhưng trong học thuật thi ca, đấy lại là dòng lưu bút ghi nhận vai trò sáng tác của các nhà thơ trong giai đoạn ấy. Các nhà thơ đã kết nối thành một đội ngũ vững vàng, góp phần vào phong trào văn hoá dân tộc với tâm thế riêng. Tâm thế thi ca của lớp người tiên phong, làm cầu nối, khơi nguồn cảm hứng, tiếp tuyến cho thế hệ những nhà thơ sau này. 

   Và đúng như vậy. Như “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Sự bùng nổ của các nhà thơ xuất hiện trong cuộc Kháng chiến Chống Mỹ, Cứu Nước rất hùng hậu. Tất cả với khí thế “Vì miền Nam ruột thịt”. Và cho dù đến nay đất nước đã hoàn toàn giải phóng qua nửa thế kỷ. Nhưng những vần thơ một thuở vẫn còn lắng đọng trong trái tim những người lính đã từng “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn… Hai đứa ở hai đầu xa thẳm…”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, tay lái vững vàng trong “Tiểu đội xe không kính”, đã “lái chiếc xe thi ca” chở các nhà thơ cùng thời, với những bài thơ bất tử trên con đường huyền thoại. Nếu “Đoàn quân không mọc tóc” trong Kháng chiến chống Pháp năm xưa chuyền tay nhau, say sưa, rung động với tình cảm trong bài thơ “Cá nước” của Tố Hữu hay bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Thì những binh đoàn trên “Đường ra mặt trận” chi viện cho chiến trường miền Nam, quên sao được những “Ngọn đèn đứng gác” thức thâu đêm soi đường cho bàn chân chiến sĩ… Nhiều… nhiều lắm! Có thể kể ra đây những nhà thơ đã “đóng đinh” vào nền văn chương giai đoạn chống Mỹ cứu Nước như: Phạm Tiến Duật; Thu Bồn; Nguyễn Khoa Điềm;  Trần Đăng Khoa; Hữu Thỉnh; Bằng Việt; Lưu Quang Vũ; Xuân Quỳnh; Nguyễn Mỹ; Thanh Thảo; Nguyễn Đức Mậu; Lâm Thị Mỹ Dạ; Lê Thị Mây; Nguyễn Duy; Vương Trọng; Đinh Nam Khương; Nguyễn Đình Chiến; Nguyễn Trọng Tạo; Hoàng Nhuận Cầm; Lê Anh Xuân, Anh Ngọc; Ngô Thế Oanh… Đã đồng cam, cộng khổ, gội bom, hứng đạn, trải nghiệm, hòa nhập, tìm tòi, vắt óc sáng tạo ra những bài thơ, và trường ca, không chỉ mang sức nặng giá trị của thời đại, về nghệ thuật ngôn từ được đông đảo công chúng công nhận. Mà những tác phẩm của họ như những bản giao hưởng mang thanh âm trác tuyệt, mãi mãi ngợi ca về sự hy sinh vô hạn của những chiến sĩ, đã tự nguyện lựa chọn, chấp nhận thiệt thòi, sống vì nghĩa lớn, hy sinh cho dân tộc, cho Tổ quốc và gia đình. Đúng như hình tượng ẩn dụ trong hai câu thơ của Cố Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi viết về đức tính quý báu của người lính: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trải hoa vàng dọc suối để ong bay…”. 

  Thể như chàng trai trẻ, vượt qua thời thơ ấu, bước vào tuổi trưởng thành với tâm thế mạnh mẽ, xốc vác tiến lên. Được sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Tổng cục Chính trị và các ban, ngành trực thuộc. Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn đơn thuần, là thu thập, biên soạn, tuyển chọn, in ấn tài liệu và cho ra đời các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Mà hàng năm thường xuyên còn tổ chức Trại Sáng tác, với mục tiêu tập hợp, hội tụ, tạo không khí giao lưu, trao đổi, mạn đàm, duy trì nguồn cảm hứng, sáng tạo cho các tác giả. Cùng với các nhà thơ thời hậu chiến như: Hồng Thanh Quang; Nguyễn Việt Chiến; Trần Anh Thái; Lê Mạnh Tuấn; Phạm Đức; Mai Nam Thắng; Nguyễn Bình Phương; Hải Đường; Nguyễn Sĩ Đại; Hoàng Quý; Phạm Sĩ Sáu; Đoàn Minh Tuấn; Nguyễn Trọng Văn… Mảng văn xuôi trong lực lượng vũ trang thừa hưởng, thu nhập, tiếp nối, phát huy, tinh lọc sự sáng tạo của các nhà văn đi trước, mau chóng từ lẫm chẫm chuyển sang giai đoạn bùng phát mạnh mẽ. Các “Nhà văn áo lính” bước ra từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, dạn dày đời binh lửa; khi rời tay súng, chấp bút gửi gắm tâm tư, tình cảm vào tác phẩm của mình những kỷ niệm, vốn sống, kinh nghiệm trong thời quân ngũ, và sự từng trải trên chiến trường. Tuy vậy, cho dù cùng một chủ đề tư tưởng viết về đề tài người lính, nhưng mỗi tác giả đều tạo cho mình một bản sắc riêng. Từ cách chọn thể loại, biểu đạt ngôn ngữ, nghệ thuật trình bày, đến phương pháp vận dụng tiếp tuyến men theo dòng lịch sử phát triển xã hội, và quá trình trưởng thành của lực lượng vũ trang. Trong phạm vi có thể, xin được điểm xuyết đôi nét về những “Nhà văn chiến sĩ” thời hậu chiến, như Chu Lai; Nguyễn Tri Huân; Hà Đình Cẩn; Dương Duy Ngữ; Minh Chuyên; Trung Trung Đỉnh; Hà Phạm Phú; Nguyễn Hoa; Trần Nhương; Xuân Đức; Khuất Quang Thuỵ; Phạm Hoa; Nguyễn Khắc Trường; Triệu Bôn, Nguyễn Bảo… Với vốn sống từng trải, ngòi bút xung lực, liên tiếp cho ra đời những tác phẩm xoay quanh đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng như một nét son, một điểm nhấn, khơi mạch, tạo nguồn cho sự tiếp nối trở về với ký ức người lính. Trong từng tác phẩm, họ để lại dấu ấn đậm nét, được đông đảo độc giả tin yêu, đánh giá cao về giá trị tư tưởng thông qua hình tượng người lính Cụ Hồ, tạo ra thế đứng vững chãi, lớn lao của sức mạnh văn chương, mang đặc thù riêng, nhưng vẫn không tách rời hay biệt lập với chủ trương, đường hướng, mục đích, yêu cầu trên mặt trận văn hoá của Đảng và Nhà nước đề ra.

    Và đến nay, cho dù cuộc chiến tranh đã trôi qua nửa thế kỷ. Các nhà văn từng mặc áo lính dù đã cao tuổi vẫn miệt mài với hướng đi mình đã chọn. Như Nhà văn Hà Đình Cẩn. Tuy bận rộn với đề tài chính luận do nhà nước đặt hàng, vừa qua vẫn kịp bổ sung thêm vào “kho tàng” những tác phẩm đa diện, đa sắc của mình, cuốn tiểu thuyết “Rừng hẹn” kể về người lính Việt Nam tình nguyện sang giúp đỡ bạn Lào. Nhà văn Chu Lai cùng với độ dày sáng tác của mình, thì cuốn tiểu thuyết “Mưa đỏ”, tái hiện lại cuộc chiến đấu ác liệt 81 ngày, đêm của quân, dân ta ở Thành cổ Quảng Trị, do ông chuyển thể sang kịch bản, năm 2024 được Điện ảnh Quân đội đầu tư dựng thành phim. Trong khi đó Nhà văn Phùng Phương Quý sau bao năm rời quân ngũ, lại hồi ức về những tháng, năm biết bao gian khổ, cam go, ác liệt, nhưng đầy kiêu hãnh của người lính trong tiểu thuyết “Cơm Bắc, giặc Nam”.  Cũng thao thức về đề tài người lính, sau khi ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Im lặng sống”, Nhà văn An Bình Minh tiếp tục trình làng tiểu thuyết “Bi tráng Trường Sơn”. Ở một khía cạnh nào đó, tiểu thuyết như những lát cắt, một tráng ca hào sảng phản ánh về con người trong các lực lượng chiến đấu ở Trường Sơn, với những chiến công hiển hách, những hy sinh thầm lặng để bảo vệ an toàn cho con đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” của lớp lớp thanh niên Việt Nam. Còn với Nhà văn, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, dường như ngay từ khi theo nghiệp văn chương, thân phận người lính cùng với những mối liên hệ ràng buộc với họ, đã là máu thịt, gan ruột với nhà văn. Điều đó được thể hiện rõ nét trong những trang viết của ông. Từ tiểu thuyết, các tập truyện ngắn, những tập bút ký cùng hàng trăm bài viết lẻ. Và đặc biệt là 50 tập kịch bản phim truyện “Cao hơn bầu trời”. Thì trong những ngày gần đây, ông lại đau đáu với đề tài quen thuộc viết về người lính Phòng không - Không quân. Như một động thái muốn tri ân, được trả nghĩa nơi đã nuôi dưỡng ông lớn lên, tạo cho ông tâm thế vững chãi trở thành một “Nhà văn mặc áo lính” đích thực. 

     Tiếp nối truyền thống “Đến hẹn lại lên”. Trung tuần tháng 8 năm 2024, Nhà xuất bản Quân đội kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tiếp tục tổ chức Trại Sáng tác Văn học với đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng năm 2024” tại Nhà Sáng tác Văn học - Nghệ thuật Tam Đảo. Theo như thông báo của ban chỉ đạo. Các nhà văn và các tác giả đến dự trại lần này, lại tiếp tục cặm cụi “xới xáo” trên cánh đồng văn chương màu mỡ, với những “mảng, miếng” đã được dự định, thai nghén, ấp ủ từ lâu. Sánh vai với các nhà văn mặc áo lính như: Nhà văn Sương Nguyệt minh; nhà văn Xuân Hùng; nhà văn Châu La Việt; nhà văn Mai Nam Thắng; nhà văn Hoàng Dự; nhà văn Hà Lâm Kỳ; nhà văn Văn Xương; nhà văn An Bình Minh và nhà văn Nguyễn Minh Ngọc… Còn có các nhà văn bên ngoài được Nhà xuất bản Quân đội trân trọng mời đến dự trại. Lấy đó làm cơ sở động viên, khuyến khích cho những nhân tố đam mê, yêu thích, tích cực mong muốn có những tác phẩm hấp dẫn, hoà nhập xứng đáng vào dòng chảy văn học lực lượng vũ trang. Đó là nhà văn Hoàng Quảng Uyên, “con  dao pha” của làng văn Cao Bằng; cùng với đó là những gương mặt sáng láng, trẻ trung, năng nổ, kỳ vọng có sức bật tương lai trên văn đàn đương đại như: Nữ nhà văn xinh đẹp Tạ Thanh Hải; nữ văn sĩ trẻ trung Cao Nguyệt Nguyên; Thượng tá Công an, nhà văn Trần Khánh Toàn; nhà văn rẻo cao Sơn La Trần Nguyên Mỹ… Đây là những gương mặt đã có những tác phẩm đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi. Với sự kết hợp “tình quân dân” khăng khít thắm thiết như vậy, chúng ta hãy chờ đợi và tin tưởng trong thời gian sắp tới, sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm đúng trọng tâm, giàu tầm vóc sử liệu, nghệ thuật bút pháp tinh túy. Nhằm đáp ứng thoả mãn nhu cầu mong mỏi của các bạn đọc trong quân đội, cũng như mọi giai tầng trong xã hội, với chủ đề bất tận về Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng của người lính Cụ Hồ. Thể như sự kỳ vọng và niềm tin mà Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường - Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Việt Nam phát biểu trong Lễ Bế mạc trại:

       “… Với kết quả lần này, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định, Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” là hoạt động đầu tư hết sức hiệu quả, giúp cho các nhà văn, nhà thơ có điều kiện thuận lợi hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 80 năm Ngày thành lập nước; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… với những hoạt động hết sức ý nghĩa của VHNT để chào mừng 50 năm nền VHNT Việt Nam từ khi đất nước giải phóng, nằm trong chương trình Chiến lược phát triển Văn hóa, Văn học nghệ thuật Quân đội đến năm 2030, chúng ta hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có những tác phẩm có giá trị cao cả về nội dung và chất lượng nghệ thuật, thậm chí sẽ có những tác phẩm xuất sắc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc, giành được các giải thưởng cao về VHNT nước nhà… sẽ được khởi sinh từ đây”.                                                                                                  

 

                                                                                     Vĩnh Phúc 2024

                                                      N.N.H.P                                                                                                                                                                                            

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 107
Trong tuần: 594
Lượt truy cập: 445178
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.