Bùi Việt Thắng
TRONG TÂM BÃO
Rừng trở gió là cuốn tiểu thuyết thứ tám của nhà văn Dương Thiên Lý, trong đó có sáu cuốn viết về chiến tranh cách mạng và người lính (dễ hiểu vì chiến tranh đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống con người bất kỳ mấy chục năm qua trên dải đất hình chữ S). Rừng trở gió viết về thời hậu chiến, đời thường với nhiều xung đột đạo đức - tinh thần mang dấu ấn, dư âm, hậu quả của chiến tranh lâu dài và khốc liệt. Từ chiến trường bước vào thị trường, không có bom đạn rền vang, không có núi xương sông máu như trong lò lửa chiến tranh, song cuộc chiến đấu vẫn cứ tiếp diễn lúc âm thầm, lúc dữ dội, không thể nói là không quyết liệt, hi sinh. Một bên là chính nghĩa, văn hóa và một bên là phi nghĩa, phản văn hóa. Một bên là nhân cách và một bên là phi nhân cách. Bão táp chiến tranh thôi gầm thét nhưng bão lòng, bão đời thì như phong ba, sóng thần, động đất. Hòa bình đấy nhưng chưa thanh bình. Con người không còn sợ cái chết vì đạn bom kẻ thù nhưng sợ cái chết tinh thần - sự tha hóa, sợ “đời thừa”, sợ “sống mòn”. Một lần đọc một ý hay của nhà văn nước ngoài, theo thói quen nghề nghiệp, tôi ghi vào số tay văn học: “Cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác có thể hình tượng hóa như sau - cái thiện đang truy đuổi ráo riết cái ác, cả hai đều tăng tốc bứt lên trên đường thiên lý. Bỗng trước mắt xuất hiện một bồn hoa mới tạo nên, cỏ cây xanh mướt, hoa lá non tơ. Cái ác bị truy đuổi sát nút nên bất chấp, liều lĩnh giẫm đạp, giày xéo lên non tơ cỏ xanh hoa lá thoát thân. Cái thiện ngập ngừng... không nỡ...rồi chạy vòng qua bồn hoa, tiếp tục truy sát cái ác lúc này đã cao chạy xa bay, nên cơ hội và khoảng cách trở nên rất dài”. Vì thế, đừng ai nói đã đến thời thanh bình thịnh trị, quốc thái dân an tuyệt đỉnh. Vì thế, đừng ai nói chỉ có thiên đường trước mắt, giơ tay là với tới. Con đường đến tự do, hạnh phúc đích thực là con đường đau khổ, dài lâu.
Tôi có thể hoàn toàn tự tin để nói đã đọc hết và kỹ sáng tác của nhà văn Dương Thiên Lý (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết) viết trong hơn mười năm qua, kể từ ngày chị khăn gói từ Bình Phước xa xôi ra Hà Nội dự các lớp bồi dưỡng viết văn do Khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) tổ chức, hay các lớp luyện chữ cấp tốc do sáng kiến của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Đoàn nhà văn Hội Nhà văn Việt Nam đã có chuyến thực tế sáng tác tại tỉnh Bình Phước (4-2018), đã trải nghiệm sống và văn hóa của một vùng đất Đông Nam Bộ đặc biệt ấn tượng, đã đặt chân tới “sóc Bom Bo”, địa danh đã đi vào nhạc phẩm Tiếng chày trên sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng. Tôi mới thấm thía vì sao người phụ nữ “ăn sóng nói gió” Dương Thiên Lý lại luôn như một Hỏa Diệm Sơn, chỉ chực phun trào... chữ nghĩa. Còn nhớ, ngày (5/7/2019) chị ra Hà Nội giới thiệu sách Vị Tướng thành Nam (viết về Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu-nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVTND, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên Bang Nga) tổ chức tại trụ sở Hội LHVHNT Hà Nội; bạn văn, các sĩ quan quân đội cao cấp đến chia sẻ rất đông vui. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì nhà văn Dương Thiên Lý luôn luôn dành tình cảm đặc biệt viết về nhân vật trung tâm của thời đại - Anh bộ đội Cụ Hồ.
“Người trở về” là chủ đề, cấu tứ căn bản của tiểu thuyết mới Rừng trở gió của nhà văn Dương Thiên Lý. Câu chuyện của Ba Hùng - Thúy Ngọc - Hai Bảy trong và sau chiến tranh trải qua bể trầm luân, bảy nổi ba chìm chín lênh đênh. Là câu chuyện của những phận người (kiếp người) bị hoàn cảnh xô đẩy, tấn công, chi phối mà từ vuông tròn trở thành méo mó, sự tha hóa biến chất của Thúy Ngọc (vợ ba Hùng) và Hai Bảy (bạn chiến đấu của Ba Hùng) được đặt trên một nền cảnh chiến tranh và hòa bình, chiến trường và thị trường. Một mạch truyện khác là “giấy rách phải giữ lấy lề” (thông qua nhân vật Ba Hùng và những người tốt khác) khiến cho tác phẩm dù nhiều lúc làm người đọc có cảm giác nghẹt thở, nhưng không có con đường cùng, vấn đề là con người có đủ bản lĩnh vượt qua mọi cam go thử thách không thể nói là ít, là bất chợt. Ngụ ý của tác giả qua các nhân vật trung tâm, như đã nói ở trên, rất thâm hậu: bước ra khỏi cuộc chiến tranh chúng ta cũng cần thiết phải được chuẩn bị, trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh sống như khi bắt đầu bước vào cuộc chiến vậy. Sự thông minh, phẩm tính anh hùng trong chiến tranh chưa hẳn đã đắc dụng, là “bảo bối” hay “kim chỉ nam” trong thời hậu chiến. Chiến tranh và hòa bình có những quy luật riêng của nó dẫu đều chung một triết lý “tồn tại hay không tồn tại” (To be, or not to be), như trong kịch Hamlet của kịch gia vĩ đại Anh W. Shakespeare. Cốt truyện của Rừng trở gió diễn tiến theo một mô-tip truyền thống “tình tay ba”. Điều đó tạo nên sự “bắt mắt” hấp dẫn với người đọc. Nhưng nếu nhà văn say sưa với “tình tay ba” mà không biết tiết chế viết thì sẽ sa đà, lệch hướng. Rất may mắn, nhà văn Dương Thiên Lý dẫu đã đưa người đọc vào “mê cung tình ái” nhưng vẫn biết độ dừng để từ đó lẩy ra được thông điệp về nhân tâm thời đại. Rừng trở gió là cuốn tiểu thuyết rõ ràng viết đậm về cái ác, cái xấu nhưng may mắn không dẫn đến tình trạng “vơ đũa cả nắm”, biến đồng bào mình thành “đồng bào xấu” như cách có tác giả gần đây tung cước (chưởng), vỗ mặt đồng loại bằng cái nhìn nhẫn tâm, bằng cách viết có phần hể hả, đay nghiến. Tôi không rõ, nhà văn Dương Thiên Lý có tường tận giáo lý Phật hay không, nhưng đọc Rừng trở gió thấy chị xây dựng nhân vật Ba Hùng và những người tốt, tử tế khác, đều là những người từ bi hỷ xả, lấy tha thứ khoan dung độ lượng làm lẽ hành xử, ngay với cả những kẻ rắp tâm hãm hại mình. Nhưng liệu có cực đoan, điều này tùy vào người đọc cụ thể. Hãy cứ nhìn cách Ba Hùng ứng xử với Thúy Ngọc (người vợ đầu gối tay kề đã phản bội chồng trắng trợn). Trước cái chết bất đắc kỳ tử của đôi gian phu dâm phụ (Hai Bảy và Thúy Ngọc), Ba Hùng vẫn cứ trào nước mắt, vì suy cho cùng, họ vẫn là con người, trước đó là đồng đội, vẫn là “sông có khúc người có lúc”. Kết thúc tiểu thuyết, Ba Hùng đã trao cho con gái Lệ Hoa (du học nước ngoài về, ngành Nông-Lâm) trách nhiệm mới khi cô trong vị trí Giám đốc Nông trường cao su. Một cái kết có hậu theo thi pháp văn học dân gian và truyền thống “nhân nào quả ấy”. Tôi nghĩ, viết cái kết theo hướng/cách nào thì cũng nhằm thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn. Trong một bài báo gần đây đăng trên báo Văn nghệ, nhà văn Di Li có trích nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng một câu, đại ý, chưa cần nhiều người thông minh, cần ngay nhiều con người tử tế, thì xã hội đã có cơ tốt đẹp hơn nhiều. Tôi nghĩ, nhà văn Dương Thiên Lý, không riêng gì trong tiểu thuyết Rừng trở gió, đều chăm chú phát hiện, nâng niu, làm lan tỏa - bằng ngôn ngữ văn chương - người tử tế và việc tử tế. Đó là mục đích viết của bất kỳ nhà văn nào khao khát xây dựng một nền “Văn học là lương tri của thời đại”.
Bút pháp tiểu thuyết Rừng trở gió có biệt sắc của chiều sâu tâm lý, viết sát sàn sạt sự thật, nương theo hiện thực đời sống vốn đa sự, con người vốn đa đoan, đa tình, đa nhân cách. Phần “con” và phần “người” của các nhân vật trộn lẫn, hòa điệu cả thánh thần và quỷ dữ. Nhà văn trong quá trình viết đã chú ý miêu tả tính chất điển hình của hoàn cảnh đã nhào nặn con người từ tốt thành xấu như thế nào (qua hai nhân vật Thúy Ngọc và Hai Bảy). Đồng thời tác giả cũng lách sâu ngòi bút “hướng nội” vào nhân vật con người tốt, tử tế (như Ba Hùng), đã vật vã, đau đớn đến mức nào để giữ được thiên lương cho lành. Tác giả để cho (hay buộc) nhân vật người tốt đi trên con đường gập ghềnh khổ ải để đạt tới sự thật, chân lý đời sống. Muốn thành người tốt, tử tế cũng phải trả giá đắt. Lối viết của nhà văn Dương Thiên Lý trong Rừng trở gió là luôn đặt nhân vật vào những cao trào (tình huống) tâm lý, tình cảm đặc biệt. Có vẻ như họ đã luôn bị hối thúc, luôn ở trong tình thế “cưỡi lưng hổ” khó xuống. Mũi tên đã lắp, dây cung đã căng, chỉ cón cách lao đi đến đích. Vì thế nhịp điệu (rythme) văn xuôi gấp gáp, căng dồn, khiến người đọc đôi lúc có cảm giác “ngộp thở”, bởi kịch tính.
Tôi muốn viết một “vĩ thanh” cho Rừng trở gió, là bởi dù tiểu thuyết đã kết thúc có hậu, nhưng lý thuyết cũng như thực tiễn văn học chỉ ra: “Nơi tác phẩm kết thúc chính là nơi một đời sống mới bắt đầu”. Biết đâu, trong tương lai gần, một cuốn tiểu thuyết mới, ngắn gọn của nhà văn Dương Thiên Lý ra mắt bạn đọc về chặng đường mới của Nông trường cao su dưới sự lãnh đạo của tân Giám đốc Lệ Hoa trẻ tuổi, năng động, tài ba. Tôi thích đọc lại nhiều lần đoạn kết tiểu thuyết Rừng trở gió với âm hưởng lãng mạn, chất trữ tình dù hiếm hoi nhưng có sức lan tỏa và nhiều dư ba:
“Đêm rừng trở lại im ắng lạ thường.
Dưới một vùng trời hoa, ánh điện bên đường vẫn được thắp sáng. Lúc này Lệ Hoa mới vùi đầu vào trang giấy, chuẩn bị những gạch đầu dòng cho các kế hoạch hoạt động ngày mai.
Từ rất xa. Tiếng gà từ đâu đã nối nhau vỗ cánh, thư thả cất lên từng nhịp gọi canh.
Từ phía rừng cao su những ngọn gió mát rượi bỗng cồn lên từ phương nam thổi à à nghe như tiếng sóng đang vọng về xa lắm.
Rừng trở gió rồi. Dấu hiệu thời tiết ngày mai thật đẹp.
Nắng sẽ trong lành, dịu mát. Trời sẽ xanh lên rất cao một màu xanh ngọc bích....”.
Để có thời “sẽ”, con người phải trải qua thời “đã” và “đang” trong lửa đỏ và nước lạnh. Khi nói “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ”, thì chính từ SẼ - cảm hứng về tương lai - là giá đỡ vững chãi của tác phẩm.
Hà Nội, 6-2023
B.V.T
Người gửi / điện thoại