Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TRÁI QUY TẮC

Nguyễn Đức Hậu

TRÁI QUY TẮC  

    Ông Toàn nhìn những khuôn mặt sáng láng, hồng hào ngồi quanh mình trên hai cái ghế băng lung lay chân như những chiếc răng sâu của ông, giọng từ tốn "Tôi rất cảm ơn tấm lòng các anh đã đến thăm gia đình. Nhưng có điều bốn, năm con người đánh nguyên một chuyến xe 12 chỗ thế này, chạy cả gần trăm cây số đường đất chỉ để thăm một lão già đã hưu là lãng phí, là trái quy tắc". Ai nấy đưa mắt nhìn nhau nén cười. Tân viện trưởng Trần Phàn đang kê chén chè Thái Nguyên bốc khói trên môi ngắm ông bạn già, vội đặt xuống bàn: "Chúng tôi đi công tác miền Trung, tiện ghé thăm anh, cứ lo anh sống một mình, mà trận bão ngày hôm kia lớn như thế, chẳng hiểu anh xoay xở làm sao? May mà chỉ đổ cái bếp. Thấy người còn khoẻ là mừng lắm rồi. Đây là chút tình của anh em cơ quan, chả đáng gì, anh thêm thắt vào sửa cái bếp, chứ nấu nướng uí sùi ngoài hiên thế kia coi sao được?". "Cảm ơn các anh. Nhưng qủa thực là tôi không dám nhận. Có một thân một mình ăn uống thế nào cũng xong. Thằng con trên Hòa Bình năm thì mười họa mới về bày trò nấu nướng, chứ mình tôi làm gói mỳ tôm là xong bữa. Về hưu, tôi chẳng lo gì, chỉ lo không có thông tin, con người nó lạc hậu đi. Ngày trước, công việc cơ quan bận tối ngày lại vui. Giờ nhàn hạ cái thân đâm buồn bực, buồn bực mà chẳng cáu gắt được với ai thì càng bực thêm. Đầu óc cứ u u minh minh, chẳng hiểu gì tình hình thời cuộc. Có cái đài cũ, còn nghe được nhưng hễ mở ra là mắt lại gờ gờ ngủ. Chẳng hiểu sao về già lại sinh nết xấu như thế? Thành thử nghe mà không tiếp thu được gì sất. Các anh có thương thì cho tôi xin một tờ báo Đảng để đọc là qúy hóa lắm rồi!". Ông Phàn quay qua hỏi anh Đạt trưởng phòng hành chính: "Chết thật, thế từ ngày ông ấy nghỉ hưu, tiêu chuẩn báo Nhân dân của ông cụ các cậu quên à?". Đúng là lão gàn- Anh Đạt nghĩ, nhưng vẫn làm bộ ngẩn mặt ra: "Dạ đúng là lỗi tại em, cứ việc nọ sọ việc kia rồi bẵng đi mất. Bác bỏ quá cho em, đúng đầu tháng dứt khoát bác có báo đọc ạ".

    Ông Phàn nhìn gương mặt võ vàng của bạn mà thương. Hai bên quai hàm, chút da nhăn nheo chảy xệ xuống như cái mào dưới cuả con gà trống. Tấm lưng dường như không chịu nổi sức nặng nghiệt ngã cuả cuộc đời, đã hơi còng, làm dáng người nhỏ thó cuả ông như một dấu hỏi. Tính ông vẫn vậy, biết sao! Mấy chục năm ở với nhau, ông Phàn còn lạ gì nữa. Không bao giờ ông ấy chịu dùng một thứ gì ngoài tiêu chuẩn cuả mình. Đến mức bao nhiêu người mơ một căn hộ hoá giá chẳng được. Còn ông thì cứ chối đây đẩy: "Ăn hết nhiều chứ ở hết mấy. Hai bố con tôi ở một gian tập thể cơ quan còn rộng thùng thình kia kìa". Có ba chiếc xe Honda công, cha chung không ai khóc, Công đoàn bàn thanh lý, phân ông một chiếc lấy cái đi làm. Ông bảo: "Còn khối anh em hay đi công tác vặt mà không có xe, tôi một bước lên xe con cơ quan thì lấy xe làm gì? Từ nhà tập thể đi làm chưa đầy hai cây số đạp xe đạp có lợi cho tuổi già chẳng hơn à?". Cậu con trai học ở trường đại học về, nghe tin hý hửng lên gặp ông năn nỉ: "Bố lấy đi, tiêu chuẩn cuả bố mà, bỏ nó phí, bố không dùng thì lấy cho con". Ông ngẩng mặt khỏi bản hồ sơ nhìn thằng con như nhìn một vật lạ: "Phải, đó là tiêu chuẩn bao năm lăn lộn cống hiến cuả bố, bố không dùng thì thôi. Chứ anh, anh có tiêu chuẩn gì mà đòi đi xe Honda? Cho con! Nghe nó trái quy tắc lắm!". Thằng bé tẽn tò hậm hực quay ra, đến bây giờ vẫn còn ấm ức mỗi khi nhắc đến. Ông Toàn mạng hỏa, nó mạng thủy, hai cha con chẳng bao giờ nói với nhau đựợc năm phút. Thành thử, mỗi lần về nó lại tếch sang chú Phàn uống nước than vãn với chú: "Bố chaú á, cái gì cũng trái quy tắc hết. Tất tần tật đều phải rõ ràng rạch ròi ra như hai với hai bằng bốn vậy. Chú bảo như thế này có tức không? Đời thuở nhà ai nhà chỉ có một bố một con mà khi cháu lên trường nhập học, bố cháu chia đôi xuất lương cuả mình ra đưa cho cháu một nửa và bảo: "Tôi với anh là hai anh đàn ông, nhu cầu sinh hoạt phí là như nhau, kheó ăn thì no, kheó co thì ấm, mỗi tháng vỏn vẹn có chừng này, còn ăn hết nhịn, đừng có mà chi tiêu trái quy tắc."123455678.

    Ông Phàn phì cười: "Thôi cháu ạ, tính ông âý thế từ xưa, nhiều lúc tao cũng tức như bò đá mà vẫn phải nhịn, mãi rồi cũng quen. Ấy, cứng nhắc thế, mọi cái đều chẻ hoe ra thế, nhưng ông ấy thương người ra phết. Mà đã giúp ai là giúp tận tình, đến nơi, đến chốn. Nhưng phải là những cái đường đường chính chính, chứ ‘trái quy tắc’ là ông ấy không nghe đâu". Thắng bảo: "Cách sống ấy cuả bố cháu nó xưa rồi, chỉ làm khổ con cái suốt đời thôi. Khi tốt nghiệp đại học, cháu liên hệ bên chỗ chú Châu giám đốc cầu đường 874, chú ấy nói có biết bố cháu, chú bảo bố cháu tới chú sẽ giới thiệu với tổng giám đốc rồi chú nói thêm cho. Cháu mừng quá, về nói bố, chú biết bố cháu bảo sao không? Bố cháu nhếch mép cười ruồi: "Ngày xưa bố bằng tuổi anh bây giờ, tao cũng chỉ có hai cái chân thôi, không bao giờ có cái chân thứ ba". Rốt cuộc cháu "vinh dự" nhận quyết định đi Hòa Bình, nơi khỉ ho cò gáy nhất lớp. Vậy mà mang tiếng có cụ khốt là viện trưởng viện kiểm sát tỉnh kia đấy!"

    Thực ra thì Thắng nó không biết, chứ việc này, khi hai cha con nó to tiếng với nhau, ông Toàn buồn sang ông tâm sự với thái độ bực dọc lắm, nói chuyện với ông mà mặt vẫn hầm hầm: "Ông bảo thằng con tôi nó nói thế thì có láo không? Bố gàn lắm! Thời buổi này mà gàn dở thế thì chỉ có ăn cám! A, thì ra thằng bố nó gàn dở! Gàn dở mà nai lưng ra nuôi nó từ lúc ba tuổi đến bây giờ, ăn học đến nơi đến chốn. Gàn dở! Laị giở cái giọng cũ rích cuả mẹ nó truyền cho. Ừ thì ông gàn dở nên mới để cho mẹ mày theo giai. Là nghĩ vậy thôi chứ tôi không dám nói với cháu như thế. Nó còn trẻ người non dạ làm sao nó hiểu được lẽ đời hả chú? Là con cái, nó không phải chịu trách nhiệm gì về những việc làm trái quy tắc của người lớn. Nhưng nhắc đến tên thằng khốn ấy là tôi lại phát điên lên! Cháu nó không biết, nên nó mới đâm đầu vào chỗ ấy, bởi tôi chưa bao giờ cho nó biết. Nói với con trẻ điều đó là trái quy tắc! ".

    Cái tên mà mỗi khi nhắc đến lại làm ông Toàn điên lên ấy là Triệu Thế Phong Giám đốc Tổng 874 cầu đường, bạn học phổ thông với ông Toàn. Trong lớp, Phong là cán sự toán, Toàn là cán sự văn. Người dốt văn giỏi toán, kẻ dốt toán giỏi văn, lại cùng yêu một cô giỏi cả văn lẫn toán. Đó là Bích Trâm, một cô gái có đôi mắt to, tròn và hơi xa nhau như  mắt  búp bê, với lọn tóc  đuôi bò lúc nào cũng chỉ buộc bằng một sợi len màu đỏ cao vống bên trên gáy, làm cho cái đuôi tóc cứ lơ lửng giữa giời, giống con đỉa bơi ngo ngoe theo những bước chân người lội dưới ruộng. Mặc kệ cho hai anh chàng cãi nhau giữa toán và văn, môn nào quan trọng hơn trong cuộc sống, Trâm không quan tâm. Cô vừa thích lối nói năng họat bát cương trực của Toàn vừa hâm mộ tư duy thực dụng của Phong. Nhưng cô nghĩ: tư duy kiểu gì thì cũng cần phải có đức, Mà Phong có một tính xấu là chỉ cần cô đạt điểm kiểm tra toán cao hơn anh ta là cả tuần anh ta cáu bẳn vô cớ đến không ai chịu nổi! Phong ghét môn văn đến mức không bao giờ có vở ghi cho môn văn. Cô Hạnh dạy văn cũng hiền nên những giờ kiểm tra anh ta quay đảo rồi cũng qua. Còn thi tốt nghiệp may mắn Phong không bị điểm liệt. Kết quả cuối cùng cả ba đều thi đậu vào đại học. Phong, Giao thông sắt bộ; Trâm, Kinh tế kế hoạch; còn Toàn, đại học Luật ở Liên Xô. Đến giữa năm học thứ hai thì Trâm chính thức nhận lời yêu Toàn qua những dòng thư họ gửi cho nhau. Phong cay đắng chứng minh được rằng: "cự ly" < "danh vọng". Còn cái triết lý đạo đức rởm của Toàn thì Phong không thèm chấp. Rồi sẽ có lúc mày trắng mắt ra con ạ! Lúc ấy Phong đã rủa thầm Toàn như vậy. Tuy nhiên, Phong vẫn đến dự đám cưới của hai người sau hai năm anh ra trường, vì Toàn về nước cưới vợ trước một năm anh bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Đó là những năm giặc Mỹ leo thang điên cuồng đánh phá miền Bắc. Có thể đó cũng là lý do phù hợp với ý thức tiết  kiệm cuả Toàn. Anh quyết định tổ chức đám cưới của mình theo nghi thức đời sống mới. Nghiã là chỉ đãi khách bằng đồ ngọt xen lẫn những tiết mục văn nghệ cuả các cô thôn nữ. Anh bảo: "Mình "Tây" ở nước người, chứ "Tây" ở nhà quê trong lúc bao người đang đổ máu ở chiến trường kia, với các cụ là thành "Tây" rởm, là trái quy tắc! Điều đó làm cô dâu rất khó chịu. Nhưng nàng chỉ dám phản đối yếu ớt, bởi nàng thừa khôn ngoan để hiểu rằng lấy chồng đi Tây là mơ ước của bao cô gái trí thức như nàng. Con gái đang rây ra, đang ế dài mà không có lấy một anh đàn ông cho ra hồn chịu dắt đi chơi nữa kia. Và nàng đã hãnh diện biết bao với ánh hào quang từ anh tỏa ra suốt hơn một năm đầu chung sống. Gọi là năm, thực ra họ chỉ ở bên nhau khoảng bốn tháng đầu la thực sự hạnh phúc. Vì cưới xong hai người chỉ có đúng một tuần trăng mật là anh lại sang Liên Xô ngay. Khi về nước anh sung sướng được nâng niu trên tay một thằng cu con chắc như viên gạch đặc. Viên gạch âý đã làm tăng sự vững chãi cho lâu đài tình yêu của họ. Trâm trả căn phòng tập thể của cơ quan cô bên Uỷ ban kế hoạch tỉnh để dọn sang căn phòng rộng hơn của Viện kiểm sát nơi anh mới nhận công tác. Tiếng cười trẻ thơ luôn ấm áp trong căn nhà mới của họ. Trâm hàng ngày gửi con ở nhà trẻ và đi làm bằng chiếc ESKA mới tinh anh mang về. Nàng bằng lòng với hạnh phúc của mình. Nhưng cuộc sống chung không dễ chịu như nàng tưởng. Tính anh qúa cẩn thận, qúa chỉn chu khiến Trâm không làm sao làm vừa lòng anh được. Anh về đến nhà là cởi ngay quần aó dài ra, dọn dẹp nhà cửa, lau nhà, bàn ghế cứ sạch bóng. Xuống đến bếp anh lại quay lên nhà ngay, kéo tay nàng xuống chỉ vào bếp giọng khó chịu: "Em xem, rác mà để lẫn với củi là trái quy tắc. Ra khỏi bếp là bếp phải sạch sẽ gọn gàng chứ?". Nàng vâng, nhưng nghĩ bụng: là đàn ông sao anh không lo đến những điều to tát mà chỉ quẩn quanh những chuyện vụn vặt của đàn bà nhỉ? Nhìn anh tiếp khách Trâm mới lộn ruột. Một tay rót nước cho khách, một tay anh nhăm nhăm cái khăn, khách vừa bưng chén nước lên uống là lập tức anh lau ngay cái giọt nước vừa sóng ra bàn. Mỗi bận tiếp khách dễ thường anh phải lau như vậy đến vài chục lần. Quần aó vừa giặt cho anh treo lên dây phơi, còn đang nhỏ nước, anh lừ lừ lén rút mang giặt lại làm nàng vừa tủi thân vừa tức đến nổ cổ. Dần dà Trâm cảm thấy như mình bị thưà ra trong căn phòng hạnh phúc của mình. Ngay cả chuyện kia anh cũng lơ là với nàng. Có đêm, anh ngồi bên bàn đọc hồ sơ rõ khuya. Trâm không tài nào ngủ được, cu Thắng đã ngon giấc trong nôi, mà người thì càng mong người lại càng ngồi lì ra thế. Nàng dậy pha một cốc sữa bưng ra bàn: "Thức khuya thế anh? Hại sức lắm!" Nàng đứng sau lưng chồng áp khuôn ngực căng tròn vào lưng anh vuốt ve mớ tóc bù xù như rễ tre của anh: "Uống sữa rồi đi ngủ anh!". Anh không ngẩng lên bảo: "Anh xin lỗi! Anh cần nghiên cứu cho xong bản hồ sơ này". Chưa nói dứt lời nàng đã vùng vằng bỏ vào giường. Những chuyện vụn vặt như thế tạo thành một khoảng trống đẩy hai người dần vê hai phía từ lúc nào không biết. Thỉnh thoảng anh cũng chằm bặp nàng, nhưng nàng không còn xao động như trước. Nó chỉ còn thuần túy nghiã vụ vợ chồng. Những tiếng nô đùa, những câu nói ngộ nghĩnh của đứa con trai cưng cũng không khiến hai người đưa mắt nhìn nhau chia vui nữa. Căn nhà ngày xưa ngập tràn âu yếm thì giờ đây nàng thấy nó lạnh lẽo ảm đạm như nhà mồ. Không khí trong nhà như bao bột mỳ ăn độn để lâu ngày đã vón cục, lên men, rất khó chịu! Trâm chán nản thường xuyên đi công tác, Nàng nghĩ: "Cho hai bố con ở nhà mà ôm lấy nhau xem rời tay nàng ra có quanh kịp không?"

    Một chuyến công tác lẻ ở Hà Nội, Trâm đang ngồi xích lô để về nhà khách Bộ Vật tư nghỉ thì một chiếc xe máy kè sát. Nàng ngẩng lên: "Ơ! Phong!".  "Xuống xe đi!". Phong nói bằng giọng ra lệnh mà nghe rất ấm áp. Trâm ngoan ngoãn bước xuống thì thấy anh đã gí vào mặt ông xích lô tờ mười đồng. Nàng ngồi lên yên xe Phong như cái máy khi tay anh giơ ra thay lời mời. Phong chở nàng thẳng vào khách sạn không cần hỏi ý kiến nàng. Nàng giãy lên: "Không! Ai lại ở đây? Phong để tôi về nhà khách! "Lấy phòng rồi". "Mặc kệ. Mà vừa gặp nhau đây, lấy phòng vào lúc nào được?". "Tôi điện thoại xuống cơ quan em, người ta bảo em đến Bộ Vật tư sáng nay". "Nhưng Tôi không thể ở đây". "Sao lại không? Một mình một phòng sạch sẽ thơm tho, đánh thẳng dẵng một giấc lại không sướng, hơi đâu mà về cái nhà khách hôi mù ấy?". Nàng vẫn nguây nguâỷ không nghe, nghiêng người với cái túi xách tính ra gọi xích lô thì mặt bỗng biến sắc. Cái túi vừa đặt đây khi xuống xe đã không cánh mà bay! Đúng là Hà Nội trộm cắp như rươi! Phong bình tĩnh: "Lên phòng tắm cho mát để tôi tìm cho". Trâm còn đang đần mặt ra ngần ngừ thì Phong đã kéo aò nàng lên cầu thang như một cơn lốc. Nàng khoan khoái đằm mình trong nước ấm xà phòng thơm của bồn tắm bằng sứ trắng đục do Pháp sản xuất. Nhưng mối lo mất đồ cứ lởn vởn trong đầu. Bước ra khỏi nhà tắm với chiếc khăn lớn choàng trên người, Trâm ngỡ ngàng nhận ra chiếc túi của mình đang nằm chình ình trên giường nệm. Nàng ngắm thân thể mình trong gương và hài lòng với bộ ngực nở nang, còn săn chắc của gái một con. Trang điểm xong, trong bộ thường phục quần âu xanh tím than áo trắng cổ đợi chờ, nàng bước ra khỏi phòng và thấy nóng rực hai mang tai khi nghĩ đến Phong. Vừa xuống đến sảnh lớn Phong đã đứng đợi nàng từ bao gìờ bên quầy lễ tân: "Giờ ta đi ăn cơm".  Anh vui vẻ. "Ấy! em quên chìa khóa phòng". Trâm lật đật chạy lên và lại chợt ngượng với mình vì tiếng "em" vừa buột ra lần đầu tự nhiên đến thế. Khi đã ngồi sau xe Phong, Trâm hỏi: "Anh tìm thấy túi cho em ở đâu thế?". Phong cười hồn nhiên: "Anh bảo nhân viên khách sạn cất cho em đấy mà". Nàng thấy Phong láu cá một cách rất dễ thương.

    Phong Đưa Trâm vào một nhà hàng sạch sẽ và thoáng mát bên đường Thanh Niên. Anh nói với nàng rằng ngày xưa con đường này có cái tên rất thơ mộng là Cổ Ngư, và ngày xưa cũng như bây giờ nó dành riêng cho những đôi trai thanh nữ tú dắt nhau đi dạo chơi tình tự. Đường này thì Trâm biết, song cái tên cũ thì qủa là bốn năm học ở Hà Nội nàng không nghe nói, hoặc nghe mà nàng không để ý. Hai người chọn cái bàn ngoài trời, cuối dãy, kề hàng rào ô rô cắt tỉa công phu với những dây hoa tygôn hồng hồng vấn vít. Phong gọi bánh tôm và bia. Trâm ăn ngon lành với những tàu xà lách giòn và mát. Phong ngắm nàng đắm đuối qua làn khói thuốc và chợt hỏi: "Trâm có hạnh phúc không?". Giọng anh vừa đằm thắm vừa thương cảm pha chút hằn học. Trâm vẫn cầm cái đuôi con tôm đã cắn một nửa khẽ lắc đầu. Nàng nhìn những cánh hoa tygôn dưới ánh đèn mờ mờ, lúc này như tím bầm lại nom giống quả tim chết, nghĩ: Sao anh âý luôn bó mình trong những quy tắc sống khắt khe thế nhỉ? Chẳng bao giờ anh có được những lời dịu ngọt như thế này! Lát sau nàng nói giọng buồn buồn: "Công bằng mà nói thì anh ấy rất tốt với mẹ con Trâm và gia đình vợ. Vợ chồng Trâm chưa bao giờ to tiếng với nhau. Anh luôn chu đáo với vợ con bằng một tình yêu sâu lắng, ít ra là Trâm cảm nhận thế. Nhưng hình như cách sống của hai người hoàn toàn trái ngược nhau".

    Hai người về đến khách sạn đã 11 giờ khuya. Phong nói: "Có chút công việc ở trên cơ quan, chúc Trâm ngủ ngon", rồi lên xe phóng vù đi. Trâm lên phòng. Căn phòng thơm tho với giường nệm quyến rũ đúng như Phong nói. Nàng thả người xuống nệm êm ái và tự nhủ: hãy ngủ một giấc thật ngon để quên đi tất cả. Nhưng trăn trở mãi nàng không làm sao có thể nhắm mắt được. Nàng vùng dậy đặt tay lên ống nói máy điện thoại. Có nên không? Liệu Phong có coi thường không nếu mình nhấc máy? Nàng lại nằm vật ra giường. Cái cảm giác mơ hồ lúc nãy, giờ cứ rõ dần, rõ dần như ngọn lửa mới nhóm, nó lớn dần lên và bùng cháy rừng rực trong nàng. Nàng nhấc máy, quay số.

    Trâm cảm thấy chưa bao giờ nàng thực sự được bay bổng đến như thế! Khi dịu dàng, lúc đắm say cuồng nhiệt, Phong dẫn nàng vòng vo trên con đường phía cổng giời với những đám mây ngũ sắc và dòng suối tiên dịu ngọt đến mê hồn. Trong ánh mắt chan chứa yêu thương của anh nàng đọc thấy váng vất cả sự hận thù và một chút hả hê. Và con đường ấy đã cuốn hút Trâm mãi đến sau này. Đến mức, sau mỗi lần đi công tác về, Toàn chằm bặp nàng, trong nàng chỉ thấy cộm lên sự nhàm chán và nhạt nhẽo như nước ốc! Chồng nàng dường như cũng mong manh biết sau vài lần ôm ấp phải cây đá băng giá đến rợn lòng!

    Khi thằng cu Thắng được ba tuổi thì họ chia tay nhau một cách êm thấm khiến bạn bè và hai bên gia đình ngỡ ngàng, bởi ai cũng cho rằng hai người rất đẹp đôi và hạnh phúc .

    Sau một năm Trâm bỏ chồng, Phong cưới vợ. Vợ Phong là một chức sắc ở vụ và là cấp trên của anh. Nàng chỉ gặp một lần ở đám cưới. Nom bà ta xấu đến thảm hại, đã bỏ hai lần chồng và hơn anh đến năm tuổi. Khuôn mặt bánh đúc phèn phẹt, mũi to như mũi lân và làn môi vều ra như người da đen nhưng nước da bà ta thì trắng. Trâm thấy lòng dạ đàn bà của nàng được xoa dịu. Nhưng nàng lầm. Một tháng sau Phong đã kịp từ chối lời mời của nàng trên điện thoại "Anh rất bận. Vả lại giờ anh đã có một gia đình hạnh phúc. Em thông cảm cho anh! "Trâm điếng người vì tủi nhục và uất ức! Nhưng rồi nàng hiểu nhanh ra rằng: nhan sắc nàng không phải của chùa cho bọn đàn ông vầy vò thỏa sức rồi lại hạ nhục nàng. Nàng sẽ buộc những kẻ háo sắc phải phục tùng nàng, sẽ phải đưa nàng lên đến đỉnh cao danh vọng, trên cả anh chồng "trái quy tắc" cũ của nàng và Phong. Nghe đâu sau này Trâm cũng ngoi lên được cái chức giám đốc một tổng công ty kinh doanh hàng mỹ nghệ xuất khẩu, có nhà riêng mặt tiền phố Lò Đúc, nhưng vẫn sống một mình. 

    Còn Phong, anh rất giầu. Ba đứa con anh đều học đại học chính quy, hai cậu con trai đã ra trường đều công tác tại Hà Nội, cô con gái đang học năm thứ hai trường đại học Thương nghiệp. 

    Ông Toàn đã bán nhà lên Hòa Bình ở với con cháu. Hôm đi công tác trên Sông Đà, ông Phàn đánh xe con ghé thăm. Ông mừng, ôm chặt lấy người bạn chí cốt cười ha hả mà nước mắt vùng quanh. Ông tíu tít mời khách vào nhà rồi giục con dâu làm cơm. Thấy cô con dâu còn dở tay đãi mớ bắp xay cho lợn chưa kịp đứng dậy, ông quát tướng lên: "Ngô cho lợn mà lại phải đãi bỏ mày? làm ăn trái quy tắc. Có đứng lên đi làm cơm mau không?". 

 

                                                                                  N.Đ.H

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 290
Trong tuần: 1180
Lượt truy cập: 436528
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.