Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TÔI ĐI XEM HỘI LÀNG DIỀM

Cầm Sơn

TÔI ĐI XEM HỘI LÀNG DIỀM

     Lê Chế mời tôi cùng đi với Câu lạc bộ hát Quan họ của anh xem hội Làng Diềm. Câu lạc bộ là tôi gọi thế cho tiện chứ thực ra đối với người Quan họ thì những người chơi với nhau tập hợp thành một nhóm được gọi là “Bọn”. Tôi đang đi thực tế sáng tác với Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phú Thọ nên đi thẳng từ đầm Ao Châu Hạ Hòa về nhà anh con trai ở Khu đô thị Việt Hưng để kịp đi cùng đoàn với Lê Chế. Lễ hội Làng Diềm được tổ chức vào ngày 06 tháng 02 âm lịch hàng năm, năm nay lại được đón Bằng Công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Chiều ngày 13 tháng 3 tức ngày 05 tháng 02 âm lịch, anh con trai tôi đánh xe đưa tôi và Lê Chế lên Làng Diềm. Điểm đầu tiên Lê Chế dẫn tôi đến là nhà ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Nguyễn Thị Hài. Cặp vợ chồng này đều là anh Hai chị Hai Quan họ. Lê Chế bảo tối sẽ hát ở đây. Chị Hai Hài khá bận rộn bởi còn bận việc chung của làng phải ra hát ngoài đền phục vụ khách thập phương.

  Tôi sách máy đi quanh làng cả buổi chiều. Tại Đền Cùng Giếng Ngọc, khách các nơi về thắp hương phúng viếng và xin nước ở giếng Ngọc. Tương truyền uống nước giếng Ngọc vào sẽ cho giọng hát đầm ấm mượt mà hơn. Ở đây có một chiếu hát mà chị Hai Hài đang cùng với mấy người bạn hát tiếp khách. Khách tứ phương ai biết hát và muốn hát đều có thể vào chiếu hát cùng với anh Hai hay chị Hai hoặc muốn hát riêng cũng được.

anh-1

   Tôi lại quay về Đền Vua Bà, ở đây các cụ ông cụ bà đang làm lễ tế Vua Bà. Các long ngai đòn kiệu sơn son thếp vàng đã được chuẩn bị sẵn sàng để sáng mai sẽ rước Vua bà quanh làng. Tương truyền xưa Công chúa con vua Hùng Vương trong một chuyến du ngoạn gặp một trận mưa lớn làm nước lũ dâng cuốn trôi tất cả chúa lẫn quân binh, thị nữ về đây. Công chúa đã lập nên trang ấp, dựng vợ gả chồng cho tùy tùng thành làng xóm. Công chúa còn dạy cho thần dân các điệu hát vốn có xuất xứ từ trong cung Vua cộng thêm sự sáng tạo của công chúa và nhiều thế hệ thành làn điệu dân ca Quan họ ngày nay. Vậy nên trong 49 làng Quan họ đất Kinh Bắc, Làng Diềm là làng Thủy Tổ của dân ca Quan họ.

    Lê Chế gọi tôi giới thiệu với một chị Hai, Chế bào đây là chị Hai Chính, chị cả của “bọn Tri âm, Tri kỷ” Hà Nội. Tôi đi theo Lê Chế cùng chị Hai Chính và chị Hai Nguyên quay về nhà chị Hai Hài, Trên đường đi gặp hai ông thầy của cả bọn, Chế giới thiệu là thầy Nguyễn Công Dứa và thầy Nguyễn Công Lụt từ làng Châm Khê sang. Lễ hội Làng Diềm mở vào ngày mồng 06 tháng hai nhưng chiều ngày mồng 05 ngoài con cháu từ nơi xa về còn có các anh Hai chị Hai từ các làng bên qua, các du khách từ muôn phương đến, dù quen dù lạ chủ nhà đều thết đãi cơm nước để đến tối vào chiếu hát. Về ẩm thực, cỗ Hội Làng Diềm không thể thiếu món bánh khúc do người nhà tự làm thơm, dẻo và rất bùi. Lại không thể không có thịt chó nhưng ai không ăn được thì cũng có mâm ăn kiêng. Lẽ ra Chế bố trí ăn cơm bên nhà chị Hai Hài nhưng vì có hai ông thầy nên lại theo hai ông về bên nhà chị Hai Khen. Là người mới đi hội lần đầu nên với tôi rất bất ngờ là khi đang ngối ăn thì chị Hai Khen từ ngoài đình làng về. Chị Hai Khen và một người cháu là Nguyễn Thị Luyến cầm ngay chén rượu hát bài mời rượu. Tôi bật đứng dậy chạy lại lấy máy quay. Hý húi mất bao nhiêu thời gian cứ tiếc hùi hụi. Nhưng cũng may là còn kịp quay được một đúp ngắn.

   Tôi thấy rất nhiều bằng chứng nhận giải thưởng treo trên tường nhà chủ. Phỏng vấn thì được chủ nhà chị Hai Nguyễn Thị Khen cho biết: Ngay từ lúc mới lên năm, sáu tuổi đã phải đi học hát. Như chị thì học tại “Nhà chứa cụ Thúc”. Làng có nhiều “bọn”. Ngay bây giờ cũng phải có đến tám, chín “bọn”. Trước đây chị cặp hát với chị Hai Nguyễn Thị Hài đã đạt nhiều giải của tỉnh Bắc Ninh: Giải nhất năm 1997, giải ba năm 1998, Huy chương bạc năm 1999, giải nhất năm 2000, năm 2001 đạt giải đặc biệt. Rồi tuổi cao không tham gia nữa nhưng năm 2014 tỉnh lại mời đi hát, không tham gia dự thi nhưng rồi cũng được Ban giám khảo cho ẵm giải ba. Đến nay chị Khen và chị Hài lại tách ra để đào tạo lớp trẻ. Hiện chị Khen đang hát cặp với Nguyễn Thị Luyến còn chị Hài cũng hát cặp với một người cháu. Ở nhà chị Khen tôi còn quay được một đúp hai người khách đến từ tỉnh Bắc Giang là Thanh Kim Huệ và Mỵ Nương hát bài mời trà trong lúc mọi người quây quần bên bàn nước.

    Buổi tối, ở làng Diềm ngoài những nơi công cộng như Đền Vua Bà ra còn có năm, bảy tụ điểm hát ở các nhà riêng trong làng. Tôi lấy hình ảnh tại nhà chị Hai Nguyễn Thị Hài. Ở đây, tôi được gặp Tiến sĩ Chu Văn Mẫn giảng viên Đại học đã nghỉ hưu say sưa Quan họ lặn lội từ quận Thanh Xuân Hà Nội sang, ông vừa quay phim vừa chụp ảnh bằng máy tính bảng và hý húi ghi chú thích bắn ngay lên Facebook. Từ trước tới giờ tôi cứ nghĩ Quan họ là một làn điệu dân ca cũng giống như hát Chèo hoặc dân ca nhiều miền khác. Có đi lần này tôi mới vỡ vạc thêm hóa ra hát Quan họ không đơn giản. Hát như trên các phương tiện thông tin đại chúng là kiểu hát đã cách tân, còn hát ở làng Diềm là hát theo lối cổ, chỉ có cặp hai người hát vo không nhạc, không phối âm phối khí như ta xem trên ti vi hay nghe đài. Có đến trên 150 lời bài hát cổ mà cách hát của các làng, các “bọn” lại không giống nhau. Đấy chính là cái khó và cũng là cái yêu cầu sự sáng tạo của người hát. Các bài hát đều đối nhau, bên đối và bên đáp, đến lượt là phải hát, không hát được hay không nhớ là chịu thua. Hát Quan họ cũng giống như một cuộc chơi cờ, phải biết chọn bài hát, chọn cách hát cũng như chơi cờ biết chọn nước đi. Vậy nên không phải chỉ là hát mà như Lê Chế nói là...Chơi Quan họ.

                                                                                    Cầm Sơn

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 396
Trong tuần: 1100
Lượt truy cập: 435838
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.