Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TÌM VỀ

Trần Đắc Hiển Khánh
 
TÌM VỀ
 
          1
Trên đoạn đường từ nhà nghỉ Lan Anh ra phía ngoại ô. Mấy hôm nay có một ông khách thường đi bộ đến quán cà phê Thủy Tiên. Ông khách ấy khoảng lục tuần. Mái tóc hoa râm. Khuôn mặt đầy đặn, hằn đôi nếp nhăn. Dáng người lịch lãm từng trải. Giọng nói ông mang thổ âm vùng sông nước miền Tây, nhưng đã pha tạp. Ông nói, ông thứ ba, tên Tân, người gốc vùng này. Nói vậy, nhưng lúc này, ông không muốn xung quanh biết rõ mình là ai…
Hai cữ cà phê của ông BaTân rất đều đặn ở quán Thủy Tiên.
Sáng, ông có mặt vừa lúc ánh bình minh trải hồng mặt sông. Thu vào tầm mắt quang cảnh một vùng quê, với ánh nhìn vời vợi thẳm sâu.
Chiều, ông ngồi quán từ lúc ánh nắng vàng trải trên đoạn đường xuống bến đò, hắt vào mảng tường bê tông xám xịt, sứt sẹo bởi những vết đạn lỗ chỗ như những mụn ghẻ lở. Cỏ dại leo bám lưng chừng chỉ để lộ hai lỗ châu mai như hai hố mắt con quái vật. Người qua đường ít ai để ý đến . xa lạ ngay cả với nhiều người đang sống ở đây.hainguoilinh
Những câu chuyện kể về như cổ tích: “…Bót Cây Gừa này đã bị quân du kích cùng với quân Giải phóng “hốt” gọn. Nạng dàn thun- “Dàn hỏa tiễn” làm bằng dây thun, cột tre…bắn những trái pháo bay như gió như mưa vào bót. Chỉ huy cùng với lính sợ “vãi linh hồn ra”, đầu hàng hết. Chỉ có một tên lính vật lộn với một anh giải phóng. Hắn đã giết người của ta rồi trốn thoát”.
Nghe chuyện xưa, nhiều lúc ông Ba Tân bàng hoàng. Tên lính mà người ta cho là đã vật lộn với anh Giải phóng…Rồi hắn giết anh…Hắn đã tìm về nơi ấy…Hắn đang ngồi đây! Hắn không cố ý dấu tung tích của mình. Cũng không phải lúc đứng lên xưng danh: “Như ta đây…”
Vết thương do đạn bom qua bao năm tháng đã lành. Vết thương do lời nói bắn vào lỗ tai thành ra hận thù muôn thuở. Ông Ba Tân cảm thấy băn khoăn, không biết nên ứng xử sao cho phải nhẽ! Cuộc đời từng trải đã dạy cho ông: Hận thù chỉ xóa được bằng lòng bao dung và nhân ái.
Ba Tân hỏi thăm, tìm gặp được người bác họ. Ông già ngót trăm tuổi.  Ba Tân vừa xưng tên tuổi, con cái nhà ai…Ông già ngước đôi mắt mờ đục, mừng rỡ:
“Ủa, con chú Hai dưới xóm Bến đây à! Cha cháu ở ngành dưới. Họ xa nhưng cùng tông, cùng giống cả. Cùng một giọt máu đào họ Huỳnh…“Con cáo đánh đáo về rừng” là phải cháu à. Người mình vẫn quen “Đánh kẻ chạy đi chớ không đánh người chạy lại”. Cháu biết không: “Con không bao giờ chê cha mẹ khó. Chó không bao giờ chê chủ nghèo”…
Ông cứ thủng thẳng nói. Chả cần Ba Tân nghe và hiểu được đến đâu.
 Qua những lần gặp gỡ với người ở quê, Ba Tân nhận thấy khi mình mở lòng ra với mọi người thì mọi người cũng mở lòng với mình, sẽ nhận được sự chân tình, chan hòa và thân mật. Thấm thía câu ông bà mình dạy: “Khôn không qua nhẽ, khỏe không qua lời”.
Dần dà tìm lại sự an nhiên nơi quê nhà. Tinh thần ngày thêm phấn chấn. Ở quán cà phê Thủy Tiên, ông thấy dấu vết xưa ẩn hiện trong phong cảnh mới. Sự giao thoa của cảnh trí qua thời gian càng lắng đọng. Có thể nói quê nhà giờ đây mang dáng vẻ một lão già trầm mặc, nhưng với sức vóc của chàng trai khỏe mạnh.
Khi đến đây khảo sát địa hình xây dựng trại nuôi bò, ông Ba Tân mới biết vị trí lô cốt xưa nằm trong diện tích khu trang trại. Nơi này giờ đây thay đổi hẳn. Nhà cửa, quán sá mọc lên san sát. Khu đồn bót xưa, không thể nhận ra. Chỉ có mảng bêtông, dấu tích cần được lưu giữ còn lại. Nhìn mảng bê tông, dấu vết bót Cây Gừa, ông bỗng thấy thốn lên một cảm giác lạ. Ông lặng đi một lát. Nhìn nó như bất đắc dĩ phải nhìn mặt nhau khi gặp người quen cũ. Ông chợt nghĩ đến điều gì đó thật xa xăm.  Rồi nhếch một bên mép vừa như diễu cợt, vừa như miệt thị nó. Chính ông muốn quên đi, nhưng lại găm vào ký ức ông.
Ba Tân đã từng là thành viên trong cái khối bê tông ấy. Ông cùng với một số người đã có lúc lo giữ gìn, bảo vệ như lo giữ gìn, bảo vệ mạng sống của mình. Những người đó giờ đây tán loạn bốn phương. Ông sống sót, lưu lạc mấy chục năm nay mới trở lại. Ông đã phải đi một con đường vòng – Nửa vòng trái đất. Phải chăng, ông đã lạc đường. Đến nay lúc cuối đời mới tìm về.
Ở quán cà phê Thủy Tiên, ông thường ngồi nán lại sau. Để hình dung một cách cụ thể những dự án. Cũng là để lắng lại quá khứ sâu thẳm.
Việc đầu tư làm ăn và việc làm thiện nguyện không còn mới mẻ gì. Với ông Tân lại có băn khoăn về những chuyện xưa chưa thật minh bạch, gây lấn cấn cho sự hòa giải. Nhưng chính vì thế ông lại muốn làm cho sáng tỏ, dẫn đến hòa hảo.
Trên mảnh đất ngã ba sông này, ông thân thuộc với từng gốc cây, ngọn cỏ. Ông thuộc tính khí đất đai, sông nước. Trong giấc mơ xa quê, ông ngửi thấy mùi đất, mùi trái chín, mùi mồ hôi và mùi máu người.
Đúng! Cả mùi máu người. Đó là mùi máu của người bạn thân, sinh ra và lớn lên cùng một ấp. Tân với Hậu cùng một tuổi. Hai đứa là ní* của nhau. Đi đâu cũng “dính như sam”. Mỗi đứa có một biệt tài. Tân giỏi trèo cây như khỉ, biệt danh “Tân Ngộ Không”. Hậu giỏi bơi lội, biệt danh “Hậu Dái Cá”.
Trong những trò chơi bày trận giả hồi ấy, hai đứa thường là thủ lĩnh của hai phe. Nhiều trận quân của thủ lĩnh Tân Ngộ Không “đóng quân” an toàn, yên ả trên “hạm đội” lục bình. Bỗng “người nhái” với biệt tài lặn ngụp của Hậu Dái Cá ém sát “hạm đội”, bất thình lình nhô lên, tóm cổ Tân Ngộ Không nhấn nước. Thủ lĩnh cùng đội quân trên “hạm đội” giả chết, nằm chềnh ềnh trên bè lục bình.
Cô bé Lan đứng trên bờ, vỗ tay cổ vũ cả hai thủ lĩnh Tân Ngộ Không và Hậu Dái Cá. Chẳng phân biệt ta hay địch. Sau những trận đánh ấy, thắng thua gì cũng hội ngộ khao quân. Cô bé Lan khao cả quân ta cùng quân địch nào xoài, nhãn, mít, ổi…trong vườn nhà.
Khi bé Lan thành thiếu nữ. Cả hai thủ lĩnh đều “mê mẩn tâm hồn” vì cô gái có nụ cười và cái lúm đồng tiền thật cuốn hút.
Vào tuổi 18, Hậu Dái Cá trốn nhà gia nhập Quân giải phóng.
Tân Ngộ Không trốn đi lính Quốc gia. Được ông bác xã trưởng đưa vào quân địa phương. Loanh quanh về đóng ngay bót Cây Gừa.
           Đã có lúc Tân tự hỏi, tại sao hai đứa lại thành hai phe thù địch? Sự phân chia này do đâu? Hẳn không phải nguyên do từ những trận đánh giả lúc tuổi thơ…
Cho đến trận đánh bót Cây Gừa. Hậu Dái Cá và Tân Ngộ Không mới tình cờ đụng nhau. Những chuyện đồn đại về trận đánh ấy, giờ đây chỉ Ba Tân là người biết rõ nhất. Nhưng người trong cuộc nói, liệu độ tin cậy đến đâu?
Mãi sau này ông Tân vẫn nhớ lúc trận đánh kết thúc. Tân với Hậu đang nằm ôm nhau dưới rãnh đất. Mấy chiến sĩ giải phóng chạy đến. Họ la toáng lên: “Tên này giết Hậu!”. “Hậu cũng giết nó rồi!” Họ gấp gáp đưa Hậu đi. Tân muốn gào lên: “Chúng tôi không giết nhau!” Nhưng chỉ nằm im giả chết. Nghĩ bụng, lại thêm tội giết Hậu. Thoát sao được. Nằm chờ chết thôi. “Hậu ơi, chúng mình là của nhau. Hận thù gì đâu. Cố sống để thanh minh cho tao, nghe Hậu”.
Lát sau, mình mở mắt nhìn quanh. Tiếng súng im bặt. Mùi thuốc súng khét lẹt. Khói bay lởn vởn đâu đây. Dưới ánh trăng, một con chó đang thấp thoáng bên đống gạch vỡ. Nó nghển cổ sủa vu vơ. Rồi nó đi lững thững về phía mình, vẫy đuôi mừng quýnh. Mình nhận ra nó là con chó vàng nhà Lan. Nhiều lần mình đã đi săn chuột với nó. Nó dũi dũi mõm vào chân mình. Miệng kêu ư ử như muốn dục đứng lên. Mệt quá, mình nằm thiếp đi…
Không biết bao lâu sau thì thấy có người đến lay mình dậy, dìu đi. Con chó vàng cũng đi bên. Lúc chạy trứơc. Lúc đi sau hít hít như đánh dấu lối đi.
Mình được đưa vào chòi trâu phía sau vườn nhà Út Lan.
Vết thương được rửa, băng bó cẩn thận. Thuốc men, ăn uống lại sức. Mình ngủ ly bì. Lúc tỉnh dậy, không biết mình nằm đây bao lâu? Tuy đã ngồi dậy, đi lại được, nhưng vẫn phải nằm im trên gác chòi trâu.
Mấy ngày sau có tin: “Giải phóng rồi!”. Tiếng hò reo. Tiếng cười nói vang vang khắp xóm ấp. Mình nghe thấy tiếng loa: “Tất cả binh lính ngụy hãy ra đầu thú, nạp vũ khí!”
Mình hoang mang tột độ. Từ chòi trâu, nhìn rõ dãy nhà xóm bờ sông. Cây cối gãy đổ ngổn ngang. Nhà cửa tốc mái, cháy nham nhở. Tuy vậy, niềm vui như đang vỡ òa. Mình nhìn thấy cả những lính ngụy xách súng lủi thủi ra trình diện. Niềm vui, nỗi buồn đan xen khắp nơi.
Hàng ngày Lan đưa cơm đều đặn cho mình. Dáng vẻ Lan có phần băn khoăn, lo sợ. Lan năn nỉ:
“Tân ơi, ra đầu thú đi…”
Mình nhìn Lan lặng lẽ. Ân hận đấy nhưng không thể nói ra. Lòng nặng trĩu lo âu.
Trước cảnh đổ vỡ tan hoang, cảnh cờ quạt, hò reo mừng vui giải phóng. Mình là người thừa ra giữa khung cảnh buồn thảm của chiến tranh. Cũng thừa ra giữa sự đắc thắng của một sức mạnh. Mình không xứng đáng với Lan. Không thể thực hiện được lời dặn của Hậu. Nếu Hậu được cứu sống mới là người bảo đảm cuộc sống hạnh phúc cho Lan.
Mình đã có ý định rủ Lan trốn theo. Nhưng không dám nói ra. Thắng thua này là sự thật hiển nhiên. Không phải trò chơi giả như ngày nào. Người thắng với kẻ thua…Sự trừng phạt cứ ám ảnh mình mãi. Chắc là sự trả thù sẽ kinh khủng lắm đây. Cứ nghĩ đến sự trả thù, mình sợ đến run bắn người lên. Mỗi lần Lan đưa thức ăn lại, mình tránh nhìn vào mắt Lan. Nói câu nào cũng ngập ngừng, luống cuống, vụng về chẳng đâu vào đâu.
Một lần ở trên chòi trâu, mình nghe thấy tiếng người chuyện trò bàn tán:
 “Hậu bị thằng ngụy bắn trúng ngực. Chắc hai bên vật lộn nhau dữ lắm.Tao mà bắt được thằng chả thì đừng có trách.”
 Biết làm sao bây giờ? Lo ngay ngáy như “cá nằm trên thớt”. Mình suy nghĩ rất lung về một điều gì đó không rõ rệt…
Hậu không qua khỏi. Lan nghe có người quả quyết, chính tên ngụy đó đã giết Hậu. Lan định bụng sẽ hỏi Tân xem thực hư thế nào. Nếu đúng, chắc Tân cũng không dám thú thật. Lan dận dữ, định nói cho bõ rồi đuổi khỏi chòi hoặc báo cho quân quản.
Sớm hôm sau, Lan đưa thức ăn cho Tân. Đến nơi, thấy mảnh vạt chòi trâu trơ ra, trống hoác. Trên vạt tre có mảnh giấy ghi: “Tân phải đi. Lan ở lại hạnh phúc”. Lan bủn rủn chân tay. Đứng ngẩn ra. Vậy là rõ rồi. Tân đã giết Hậu. Sợ tội nên bỏ trốn
2
Sau bao ngày trốn chui trốn lủi. Bao đêm lần mò lặn lội băng qua đồng, men theo sông. Tân nằm ém lại lùm cây bên vàm. Rồi liên lạc được với người thân. Nhập vào đoàn người di tản.
Bao ngày, bao đêm đói khát vật vờ trên biển. Tân không nhớ đã sống lay lắt ở mấy trại tỵ nạn. Mấy lần trôi nổi ở những nơi lạ hoắc.
Một thời gian sau, Tân vào làm ở một trại nuôi bò. Suốt ngày hót phân bò. Không nghe, không hiểu được người xung quanh nói gì. Cuộc sống giữa đàn bò, quen dần với sự lạnh lùng, vô tri của loài bò. Thời gian dài lê thê buồn tẻ. Những con bò còn có đồng loại, có bò đực, bò cái để cùng chạy nhảy, âu yếm nhau. Sống gần bò, người ngợm hôi rình. Biết làm sao được. Nó ngu như bò. Dần dà rồi mình cũng ngu như nó thôi. Mình nói chuyện cùng bò. Chả biết nó có hiểu gì không. Nhưng khi vuốt ve con này thì con khác hình như ghen tỵ, muốn được âu yếm. Bò nuôi trại công nghiệp, ăn uống, ngủ nghỉ có giờ giấc, đâu có dỡn chơi thỏa thích như bò thả rông ở quê nhà.
Ít lâu sau, một ngưởi phụ nữ gốc Việt, tên là Chi vào làm cùng trại. Mỗi người một việc khác nhau. Thỉnh thoảng Chi tìm gặp mình. Chi có vẻ ngoài rất giống Út Lan. Trong câu chuyện, Chi kể về dòng sông, vườn cây bốn mùa hoa trái. Mình thấy như gặp lại quê nhà. Nỗi nhớ quê càng thêm da diết. Hai người như hai mảnh vỡ đơn chiếc rất dễ ghép lại với nhau. Chi chủ động đến với mình. Mình đáp lại một cách thụ động, nếu không nói là thờ ơ, lạnh nhạt. Chi không biết rằng, mỗi khi gần gũi với Chi, mình lại nghĩ đến Lan. Mình đã nói thật với Chi: ‘’Ở quê, Tân có một cô bạn rất giống Chi”. Chi nói vẻ hờn dỗi: “Chắc hẳn chị ấy xinh lắm?”.  Mình chỉ im lặng. Vẻ công nhận. Không chịu được cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng”, cô ta bỏ đi.
  Nỗi nhớ Lan càng da diết. Mình thấy như Lan luôn theo dõi và sẵn sàng trách móc. Phải nói, không có Lan hẳn mình chẳng còn đến giờ.
Nhớ lần cuối cùng ở trên chòi trâu, Lan đưa cho mình bọc trái cây. Mình chìa tay ra nhận. Nắm vội tay Lan. Ôm choàng hôn lên má Lan. Nói lúng túng, giọng run lẩy bẩy: “Lan tốt với mình quá. Lúc vận hạn này…Rồi sẽ tồi tệ lắm đây. Mình sẽ làm tổn thương Lan…’’. Ngay đêm đó mình bỏ trốn. Thực tình cũng định rủ Lan đi cùng. Nhưng biết chắc em không chịu. Với lại bản thân mình lúc đó cũng chưa biết đi đâu. “Ốc không mang nổi mình ốc/ Sao mang được cọc cho rêu”. Thế là bỏ chạy. Ký ức đau buồn và cảm xúc tồi tệ cứ găm vào lòng. Không sao nhổ ra được. Trong ký ức đau thương, mình thấy nhiều người buộc phải rời xa quê hương. Nhiều người phải ở lại…Dù sao mình cũng là người thua cuộc. Mình phải ra đi…
  Sau này, khi đã bình thường quan hệ giữa hai bên, mình hiểu phần nào về sự suy nghĩ ấu trĩ đó. Nhiều cựu thù đã lỗi thời. Tuy vậy, vẫn nghĩ, liệu quê hương có chấp nhận những kẻ phản bội? Như mình lại còn mang tiếng giết bạn!
  Những ngày sống ở nơi xa lạ, làm một con người không phải nơi mình sinh ra, không ai thân thuộc. Phải vật lộn với thứ tiếng Anh một cách trầy trật. Nhớ sao những âm thanh mỗi sớm mai thức dậy ở quê nhà. Tiếng chim hót. Tiếng gió lùa trên vòm cây. Mùi trái chín trong vườn. Nỗi nhớ quê nhà không ngưng nghỉ. Cứ nghĩ ngay cả đến khi chết đi, cũng phải nằm bên cạnh những con ma xa lạ, sao thấy lạnh ớn cả người. Đã tính, nếu chẳng may chết ở quê người, sẽ xin đưa hộp tro cốt về táng bên mộ phần cha mẹ nơi quê nhà.
Ý nghĩ ấy ám ảnh trong đầu mình. Chính ý nghĩ ấy đã hướng mình vào việc làm ăn một cách căn cơ chăm chỉ, gày dựng vốn liếng…chờ ngày.
Việc làm ăn khấm khá dần.
Tin tức quê nhà, đi lại, giao lưu thông thoáng.
  Biết vậy, nhưng vẫn băn khoăn về phần riêng của mình. Đeo tiếng là người giết bạn. Tội với đất nước thì coi như nhà nước đã xá cho rồi. Còn tội với người thân yêu, biết hành xử thế nào cho phải nhẽ. Người mình vẫn nói, chuyện anh em trong nhà hãy “đóng cửa bảo nhau”. Sự hòa giải này khó vậy sao? Nhất là từ khi nghe phong thanh Lan vẫn sống độc thân. Chả lẽ vì chờ đợi mình mà bỏ lỡ tuổi thanh xuân, quá lứa lỡ thì. Cái chết của Hậu, chỉ mình mới biết rõ việc này. Nhớ lúc ấy, bót Cây Gừa bị vây kín. Tên chỉ huy với mấy ngoe cố thủ giữ bót. Mình cùng mấy thằng bị thương, tự băng bó cho nhau. Chuồn theo mé hào phía sau trốn ra ngoài tránh pháo kích. Mình bị nặng nhất, chưa thoát ra được. Lúc ấy, Hậu Dái Cá luồn theo mé hào tiến vào bót. Hậu thấy mình đang cố nhoài người nhích đi từng tí một. Hậu dừng lại quan sát, hỏi khẽ: “Tân hả?”. Mình hốt hoảng, thất thần. Mắt cụp xuống. Chấp nhận sự thua cuộc. Chờ chết thiệt rồi. Mình nằm ngay đơ. Hậu bò lại gần. Mình cố né người. Mắt nhắm nghiền. Chờ trừng phạt. Mình nói thều thào:
“Hậu ơi, tao chết thiệt rồi!”.  - Nói rồi, mình cố mở mắt nhìn Hậu lần cuối. Kìa, ánh mắt Hậu Dái Cá vẫn nhìn mình hiền hậu. Đúng như ánh mắt nó vẫn nhìn mình mọi khi. Giờ chỉ thấy vẻ lo lắng, băn khoăn. Có thể nói ánh mắt bao dung, nhân ái ấy đã in đậm trong tâm trí và rọi sáng lẽ sống cho mình bấy nay.
Lúc ấy, Hậu gỡ khẩu súng bên vai mình ra. Xốc nách mình lên khỏi mô đất cao. Tay chỉ, miệng nói gấp gáp: “Mày bò lối này. Lối kia có mìn. Ra đầu hàng đi”.
Hậu vửa nói dứt. Bất chợt một loạt đạn từ bốt bắn ra. Hậu ngã vật, đổ sụp xuống người mình.
  Khi ngã vật xuống, cánh tay Hậu choàng lên ngực mình. Mặt hai đứa áp sát vào nhau. Môi Hậu áp vào má mình. Nụ hôn bất đắc dĩ trong một tình huống thật hy hữu. Trước đây, nhiều lần hai đứa cũng ôm nhau, vật nhau, dỡn cợt lên má nhau…Lần đụng chạm này thật trớ trêu!
Máu từ người Hậu chảy loang khắp người mình.
   Một lát sau, Hậu nói nhỏ bên tai mình: “Mày bò men theo lối tao chỉ. Về với đằng mình đi”
   Mình nghe rõ cả tiếng thở hổn hển của Hậu. Chợt rùng mình. Thấy như có luồng điện chạy khắp người. Một cảm giác thật lạ. Cứ như sức mạnh của Hậu truyền sang mình. Chợt nghĩ, làm sao băng bó được cho Hậu bây giờ? Mình cố gượng dậy. Nhưng không thể nhúc nhích được. Tay mình vẫn ôm choàng lấy Hậu. Cả hai nằm im thin thít. Cứ thế này, hai thằng ôm nhau củng chết. Hai thằng, hai sắc phục. Rồi họ sẽ xử trí ra sao đây?
  Lại nghe tiếng Hậu thì thào. Giờ thì yếu ớt hẳn: “Mày về…cưới Lan…sống hạnh phúc”. Tiếng Hậu nghe bồng bềnh như bè lục bình đang dập dềnh trên sông.
Lát sau có tiếng người chạy lại. Họ xúm vào đưa Hậu đi…
 
3
  Tiết thanh minh. Bầu trời trong xanh. Vùng cửa sông xanh mát. Cây cối tốt tươi. Cảnh trí an bình. Cữ cà phê sớm nay, ông Tân cảm thấy lòng dạ thơ thới. Nhìn lại dòng sông tuổi thơ. Nhớ những lần dàn trận giả đánh nhau trên sông. Rồi trận đánh thiệt ở bót Cây Gừa…Thời thế xoay vần. “Bãi bể nương dâu”. Dù sao vẫn giành phần ưu ái cho mình còn được ngồi ở đây, ngắm về ngôi nhà xưa. Nơi từ đó mình chui lủi ra đi…
  Chẳng phải ở cái tuổi bồi hồi xúc động thuở yêu xưa. Nhưng sao việc gặp lại Út Lan, mình lại cảm thấy khó khăn. Cứ đắn đo, dấp dứ mãi. Mình thuê nhà nghỉ gần đây để mỗi sáng, mỗi chiều ngồi quán cà phê Thủy Tiên, lân la tìm hiểu. Kể cả cái lý do thăm lại nơi đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, những dự định làm ăn cũng đáng để cất công thế này.
  Mình định vị theo trí nhớ. Những giao nối từ hôm qua và hôm nay giao kết lại. Đoạn đường từ trong phố chạy theo bờ sông ra ngoại ô xưa nhỏ hẹp, nay trải nhựa rộng rênh. Một bên là bờ kè, một bên nhà cửa mọc lên san sát. Riêng khu vườn nhà Út Lan hầu như không thay đổi bao nhiêu. Hàng dậu bằng cây xanh xén tỉa vuông vức. Nhà cửa cũng có tôn tạo ít nhiều. Vẫn nhận ra. Đặc biệt cây me trước cổng vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Bao nhiêu lần trèo me bẻ trái cho Út không nhớ hết. Còn một lần không thể quên. Đó là hôm trước khi vào quân dịch. Hai đứa ôm nhau dựa lưng vào gốc me. Lan co cứng người lại. Mình ghì chặt Lan. Vừa luồn tay vào ngực Lan thì có tiếng chân người. Tiếng chó sủa gâu gâu. Hai đứa buông nhau ra. Cảm giác cương cứng và mềm mại, hương bồ kết cứ quấn quyện mãi…không biết bao lâu sau. Mỗi lần nghĩ đến chuyện ấy, ngực mình nhói lên.
  Giờ đây màu xanh của cây me có vẻ sẫm hơn. Hẳn me muốn thách thức với thời gian. Hôm đầu, từ quán cà phê Thủy Tiên nhìn về khu vườn nhà Út Lan, nước mắt mình tự nhiên ứa ra, rưng rưng. Những ngày sau đó, khi nhìn me lại thấy ứa nước miếng như có vị chua của thuở trèo me, trèo ổi. Có thể nói, ở nơi xa tít, cách nửa vòng trái đất, mình vẫn nghe được tiếng me trong gió rì rầm, rì rào. Cảm được vị chua nơi đầu lưỡi. Về đây, nhìn thấy dáng me vẫn xanh thẫm, lặng lẽ làm nhân chứng, đưa cành ra vẫy gọi. Chả lẽ me cố sống xanh tốt đợi mình bấy nay? Có cảm giác mình già đi còn nơi này trẻ ra. Bây giờ ngồi đây, hình dung ra hình dáng Út Lan. Nhớ nét duyên thầm lặn vào trong của cô gái miệt vườn đã lặn vào tâm trí, trái tim mình suốt một thời trai trẻ. Để mình không thể yêu được ai khác. Có phải vậy chăng?
  Những ngày ngồi ở quán cà phê Thủy Tiên, tình cờ mình đã nghe thêm được nhiều chuyện về Lan. Người ta không hay mình có quen biết bả. Những thông tin cứ tự nhiên lọt vào tai:
“Bà Lan sống lặng lẽ. Rất ít tiếp xúc với người cùng lứa.”
“ Bả là một trong số phụ nữ đẹp của cả vùng. Trong phố cũng ít có người đẹp lại có duyên thầm như thế”
“Ngày xưa nếu bà Lan đi thi người đẹp, thể nào cũng đạt hoa hậu.”
“Bây giờ thì hết thời rồi. “Còn duyên kén cá chọn canh. Hết duyên, ếch đực, cua kềnh cũng vơ.”
“ Mấy ông góa vợ, cả mấy ông làm lớn, lớn tuổi cũng ngấp nghé …định tục huyền với bả…”
“Bả có chịu đâu…Nghe nói, xưa bả có người tình là sĩ quan ngụy. Hắn giết người mình rồi trốn thoát…”
  Nghe vậy, mình giật thót người. Vờ như không hay biết gì. Đưa tay quấy cái muổng trong ly cà phê chỉ còn đá trắng trợt. Miệng lưỡi người đời ác độc thiệt! Đời người phải chịu bao nhiêu búa rìu dư luận, sự phán xét có khi không căn cứ. Chỉ “sai một ly…đi một dặm.”. Thôi thì, nói như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, đại ý: “Sống trong đời phải có một tấm lòng. Để làm gì? Chỉ để gió cuốn đi…” .Chả ai hiểu mình bằng chính mình.
  Mình định ngày gặp Út Lan. Không còn ở cái tuổi mắc cỡ khi gặp người tình thuở xưa. Không phải sự run rẩy của thuở yêu mà là sự bối rối hay sự hối hận…? Sự chạy trốn, tẩu thoát là hèn nhát, là ích kỷ. Sự trở lại muộn mằn, chậm trễ làm mất tự nhiên. Mấy chục năm qua vẫn giành thời gian cho cái giờ khắc gặp gỡ này. Nhưng giờ đây vẫn cố dấu đi hay nén lại sự mừng rỡ. Dấu đi hay nén lại sự hối hận khi bước vào nhà Út Lan.
  Con chó vàng xô ra sủa ầm ĩ. Lại là con chó vàng. Lần này nó không nhận ra người quen. Nghe chủ mắng “im nào”, nó thôi sủa. Nép vào chủ như muốn được bảo vệ hay bảo vệ chủ?
Bà Lan ngỡ ngàng nhìn khách. Mình đến gần. Nhìn bà chăm chú. Lấy lại bình tĩnh, giọng hối lỗi:
“Tân Ngộ Không đây. Bà có nhận ra tôi không?
   Vẻ mặt bà Lan hơi bàng hoàng, biểu cảm hoài nghi…mừng rỡ. Ánh mắt xa xăm của bà bỗng sáng lên, linh lợi hẳn. Thoáng vẻ nồng nàn ấm áp. Nhưng không khỏi ngạc nhiên:
“Ủa…Ông ở đâu hiện ra thế này!”.
Bà định thần lại. Giọng trầm xuống:
“Ông khác xưa quá!”
“Vẫn vậy. Chỉ có già đi nhiều…”
“Ai chả phải già”- Giọng bà bùi ngùi - “Nói vậy chớ ông vẫn như xưa.” – Vẻ mặt bà hơi lúng túng. Thoáng nhìn mình rồi vội quay đi.
Mình có cảm giác muốn mở toang hết “ngăn quá khứ” ra. Nhìn cho rõ hơn. Nhưng chẳng biết nói sao, chỉ ngập ngừng:
“Hơn 30 năm rồi…Ước gì thời gian quay trở lại”
“Ông là Tôn Ngộ Không, có tài hóa phép cơ mà.”
“Thời gian một đi không trở lại. Không thể nào biến hóa được…”
Cả hai người cùng thoáng nét cười buồn.
Nét mặt bà Lan dần dần tươi hẳn lại. Mình thoáng nghĩ: Quả là nét duyên ngầm của Út Lan làm bà lâu già thiệt…
Câu chuyện cứ ngấp ngứ, chắp nối một hồi rồi cũng nhắc đến một người thứ ba:
“Hậu Dái Cá sao rồi hả bà?”
“Ổng hy sinh ngay trận đánh bót Cây Gừa ngày ấy.”
“Người ta có nói Hậu chết vì sao không?”
“Bây giờ còn nhắc lại chuyện đó làm gì. Chết thế nào cũng là hy sinh vì đất nước.”- Bà nói rồi chép miệng. Mắt nhìn tận đâu đâu.
“Nhưng có điều cần phải nói cho rõ…Lúc Hậu trúng đạn, ngã đổ vật xuống người tôi, hai đứa ôm nhau mãi. Máu Hậu chảy sang người tôi. Chính vì Hậu nhổm người lên, xốc nách rồi chỉ đường cho tôi trốn ra ngoài nên cậu ấy mới bị đạn trong đồn bắn ra. Những viên đạn ấy Hậu đã đỡ cho tôi. Máu Hậu lênh láng trên người tôi nên lúc quân giải phóng vào đưa Hậu đi cấp cứu, tưởng tôi chết rồi nên mới bỏ qua. Nếu không, họ đã đòm cho một phát, chết luôn. Hoặc biết còn sống thì cũng bắt làm tù binh. Còn đâu đến giờ…Khi ngã xuống…môi Hậu chạm vào má tôi. Hậu nói thì thào bên tai tôi:
“Sống về…cưới Lan…Hạnh phúc”.
Những giọt nước mắt ông Tân ứa ra, chảy ròng ròng trên má. Giọng tắc nghẹn lại:
“Mình có lỗi với Lan…Mang ơn Hậu suốt đời.”
Bà Lan nhìn ông, giọng rưng rưng:
“Thôi…mừng ông đã tìm về…”
Nói mừng, nhưng giọng bà lạc hẳn đi. Bà đưa tay quệt những giọt nước mắt lăn trên má.

                                                                                    T.Đ.H.K
 
*Ní: Hai người cùng tuổi, kết nghĩa anh em.
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 73
Trong tuần: 608
Lượt truy cập: 446075
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.