Triệu Hồng
Tôi là Hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Thọ, chuyên ngành văn xuôi đã viết thành công cuốn tiểu thuyết Trầm tích sông Thao, phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc ta chống giặc Pháp, ở giai đoạn đầu, thời Cần Vương. Cuốn tiểu thuyết này dài 800 trang đã được UBTQ, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao Giải thưởng và được UBND tỉnh Phú Tho trao Giải thưởng Hùng Vương. Tôi đang viết cuốn Khát vọng sông Thao, phản ánh cuộc chiến đấu từ thời Hậu Cần Vương, đến phong trào Duy Tân, Quang Phục hội, Việt Nam Quốc dân đảng, tiếp đến giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, trên vùng đất Sơn-Hưng-Tuyên lịch sử, chủ yếu là những sự kiện, con người và các trận đánh anh hùng trên quê hương Phú Thọ.
Cuốn tiểu thuyết này đã viết được 827 trang, phải viết hơn 200 trang nữa mới hoàn thành. Nhiều chương, nhiều đoạn còn phải đi khảo sát, đọc tài liệu, tra cứu để viết sao có sức thuyết phục làm sáng tỏ sự kiện lịch sử và tinh thần, tình cảm, khí phách của những nghĩa sỹ, chiến sỹ, đống bào ta trong đấu tranh và sự hy sinh anh dũng trước kẻ thù. Tôi đã đọc kỹ cuốn Lịch sử 100 năm Thị xã Phú Thọ, do Thị uỷ, UBND thị xã Phú Thọ chỉ đạo biên soạn, Nhà Xuất bản CTQG ấn hành năm 2002, dầy 500 trang, và cuốn Truyền thống giữ nước của nhân dân vùng Đất Tổ do nhà sử học Vũ Kim Biên, Hội Cựu Chiến binh tỉnh Phú Thọ Xuất bản năm 2002, dầy 300 trang.
Tôi nhận thấy cả hai cuốn sách lịch sử có viết về cuộc khởi nghĩa Phù Ninh hay còn gọi là khởi nghĩa Khuất Văn Bức. Cuốn Lịch sử 100 năm thị xã viết ngắn gọn trong ba trang từ tr 55 đến tr 58, đã phản ánh tương đối đầy đủ về cuộc khởi nghĩa này. Cuốn Lịch sử của tác giả Vũ Kim Biên viết thành Chương 12 - Phong trào Việt Nam Quang Phục hội và Khởi nghĩa Khuất Văn Bức, tháng 1/1915. Phần viết của Vũ Kim Biên về cuộc khởi nghĩa này dài 13 trang từ tr 223 đến tr 235 đầy đủ hơn.
Cả hai cuốn sách đều nói lên bối cảnh lịch sử, sự xuất hiện của Hội Quang Phục, tổ chức cách mạng do Phan Bội Châu lãnh đạo. Nhân dân Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội, Hoà Bình và nhiều nơi khác, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa đánh Pháp. Tôn chỉ nêu lên là: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập Cộng hoà Dân quốc Việt Nam”. Nhiều nơi đã thành lập Quang Phục quân, chuẩn bị Quốc kỳ hình chữ nhật nền vàng, 5 ngôi sao đỏ; Quân kỳ hình chữ nhật mầu đỏ, 5 ngôi sao trắng. Khí thế cách mạng trong nước dâng cao, ở địa phương làng Phù Ninh, huyên Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ có ông Khuất Quang Bức, thường gọi là Tổng Chế, theo tên con gái nuôi tên Chế và chức danh phó tổng, tổng Tử Đà. Ông là người hào hiệp, lắm bạn bè, nhiều người làm canh điền cho ông. Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng, vào Hội Duy Tân, từng đấu tranh chống Pháp, bị chúng bắt giam 2 lần ở nhà tù Phú Thọ và Hoả Lò, Hà Nội với tội “tuyên truyền phản loạn”. Lần thứ nhất từ tháng 10/1909, chúng bắt giam tại nhà tù Phú Thọ, sau 20 tháng, ông được ra tù. Tới ngày 10/4/1912 ông lại bị bắt lần 2 vì có hành động chống chính quyền Pháp, bị kết án 5 năm tù.
Nhờ có Hội Nhân quyền Pháp đến kiểm tra tại các nhà tù ở Bắc Kỳ. Ở nhà tù Hoả Lò, Hà Nội, Hội Nhân quyền Pháp đã yêu cầu nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho Khuất Văn Bức vì không có chứng cứ buộc tội. Ngày 19/10/1912, chúng đưa về giam tại nhà tù thị xã Phú Thọ và ngày 12/4/1913 có quyết định thả tự do và bỏ luôn cả hình thức quản thúc. Ông Khuất Văn Bức được trở về nhà, tiếp tục hoạt động cách mạng, chuẩn bị tích cực khởi nghĩa đánh Pháp.
Sẵn có lực lượng từ trước, ông Khuất Văn Bức tranh thủ tập hợp lại. Trong phạm vi làng Phù Ninh, với các nghĩa binh là Lê Văn Tục, Lê Văn Ấn, ông Tục là anh đã có vợ con, ông Ấn là em chưa lấy vợ. Hai ông này trở thành “Hữu tướng quân, Tả tướng quân” trung thành của ông Bức. Trong làng Phù Ninh, có ông Đồ Tín người Sơn Tây đến Phù Ninh dạy học đã từng dạy ông Bức học chữ Hán chữ Nôm, thường quan hệ thân thiết với Khuất Văn Bức, nên ông tôn Đồ Tín làm “Quân sư”. Ông Bức có người chú ruột là Khuất Văn Lộc, được giao phụ trách an ninh, trông coi kho lương thực của nghĩa quân. Trong làng còn có anh Hỷ, anh Hỹ rất tích cực và nhiều thanh niên khác sốt sắng tham gia nghĩa quân cùng với hàng trăm canh điền người miền xuôi lên làm ruộng nương được tập hợp lại. Hàng ngày, họ được đưa lên hốp Quăn, hốp Kè, hốp Nhè, hốp Đá để luyện tập quân sự.
Ông Khuất Văn Bức có bạn là ông Đỗ Đình Đức đang làm Chánh ấp đồn điền La-cát-sơ ở Phú Lộc, thường gọi là Chánh Bền. Ông này làm công cho một chủ Tây, ông chủ về nước giao cho giữ một kho lương hàng chục tấn lúa, thuận giúp quân lương cho nghĩa quân khi khởi sự. Người bạn thứ hai là Nguyễn Văn Lộc làm bang tá huyện Lâm Thao còn gọi là Bang Hanh giúp việc tuyên truyền. Các ông đã vận động được rất nhiều người ở các làng trong vùng gia nhập Quang Phục Quân như Phú Nham, An Đạo, Phú Lộc, Lệ Mỹ, Trị Quận (thuộc huyện Phù Ninh) và làng Tiên Kiên, Hy Cương, Xuân Lũng (thuộc huyện Lâm Thao). Đến cuối năm 1914, số quân lên tới hàng mấy trăm người, trang bị có súng trường, súng tự tạo, tạc đạn tự chế, còn lại dùng dao dựa, dao quắm. Ông Bức lệnh cho dân làng Phù Ninh nộp mỗi nhà 3 chiếc, riêng lý trưởng 10 chiếc dao dựa hoặc dao quắm. Về lương thực đã có kho lương thực của đồn điền La-cát-sơ và các nhà giầu tự nguyện đóng nộp vào kho tại làng, ông Khuất Văn Lộc được cử trông coi.
Sau một gian chuẩn bị tích cực lực lượng nghĩa quân có tới hơn 200 người trang bị đầy đủ vũ khí. Ban lãnh đạo gồm Khuất Văn Bức chỉ huy một cánh quân chính, Nguyễn Văn Dậu (tức Hai Dậu), thay mặt Hội Quang Phục chỉ đạo một cánh quân cùng quân ông Bức đánh vào trung tâm cơ quan tỉnh Phú Thọ gồm toà công sứ, dinh tuần phủ, đồn giám binh do quan ba Lăm-be (Lambert) chỉ huy, nhà dây thép (bưu điện), nhà Đoan (nơi thu thuế), trại cảnh sát và các vị trí khác như nhà tù Phú Thọ nơi địch đang giam giữ hàng trăm tù nhân và chiếm các phố phường giải tán bộ máy cai trị của giặc Pháp. Ngoai ra còn có các cánh quân của các làng huyện Lâm Thao, Thanh Ba, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thuỷ kéo quân về tham gia khởi nghĩa. Người bạn ông là Nguyễn Văn Lộc làm quan Bang tá Lâm Thao đã vận động được một số đơn vị lính khố xanh, khố đỏ, lính cơ, lính tập ở thị xã Phú Thọ và vùng xung quanh làm nội ứng.
Hội kỳ, Quốc kỳ, Quân kỳ theo quy định của Hội Quang Phục đã được chuẩn bị sẵn. Ông Khuất Văn Bức còn chuẩn bị một lá cờ riêng theo ý của ông Đồ Tín. Chính Đồ Tín đã viết lên là cờ của Khuất Văn Bức dòng chữ: “Khâm thừa văn minh hội Thống chế đại thần”. Dòng chữ này có ý tôn Khuất Văn Bức làm “Thống chế”, chỉ huy cao nhất của cuộc khởi nghĩa.
Kế hoạch khởi nghĩa ấn định vào đêm ngày mồng 6, rạng ngày mồng 7 tháng Giêng, năm Ất Mão, tức đêm ngày 15 rạng ngày 16/2/1915. Cờ của Hội Quang Phục và cờ nghĩa của Khuất Văn Bức đã tung bay trên đầu nghĩa quân tại Dốc Bông, nơi tập trung làm lễ tế cờ tại làng. Trên đường xuất phát tiến về thị xã Phú Thọ, nghĩa quân có trên 100 người kéo lên Đền Hùng làm lễ tế. Trong lúc tế không thấy gió nổi cơ bay, cột cờ lại bị đổ, nhiều người lo ngại xin hoãn cuộc nổi dây. Ông Khuất Văn Bức không nghe, quyết định cứ xuất quân vì đã hẹn với các cánh quân khác.
Điều bất ngờ xảy ra đối với Khuất Văn Bức, khi tới thị xã số quân của ông chỉ còn có 25 người trung thành, sát cánh cùng ông. Một bộ phận lớn nghĩa quân lo sợ khi tế cờ, cột bị đổ, khởi nghĩa thất bại nên trên đường hành quân đã lẩn trốn. Chờ đợi cánh quân của Nguyễn Văn Dậu cũng chưa thấy đến, số binh lính khố xanh trong đồn giám binh, đồn cánh sát làm nội ứng cũng không thấy động tĩnh gì. Kế hoạch làm nổi dậy của binh sỹ người Việt chừng đã bị lộ nên Pháp đã chuyển số binh sỹ đó đi nơi khác?
Đến giờ nổ súng, Khuất Văn Bức ra lệnh tiến công. Tả tướng Lê Văn Ấn xông vào đồn chém chết một tên lính lấy được một khẩu súng Mút-cơ-tông. Ông Ấn xộc vào phòng ngủ của tên Quan ba Giám binh Lăm-pe, chém vợ hắn bị thương. Lăm-pe hoảng sợ, kịp lôi vợ xuống hầm ngầm. Trong lúc này nghĩa quân xông vào trại lính khố xanh đánh giáp lá cà chém bị thương nặng 2 tên lính khác. Lăm-pe thấy nghĩa quân ít người tổ chức đánh trả ác liệt, vừa lúc đó cánh quân của Nguyễn Văn Dậu kéo đến, tiến công đồn cảnh sát ở thị xã bắn chết một tên, đồn bốc cháy, trại lính cơ, khu bưu điện, khu dinh thự dành riêng cho công chức, sỹ quan bị bao vây chặt và bị cắt đứt mọi sự liên lạc. Một số lô cốt án ngữ đường vào nhà thanh tra bị bắn nhiều phát đạn, bị ném tạc đạn. Bọn địch có hầm ngầm cố thủ, bắn trả ác liệt, phía nghĩa quân không còn lực lượng tiếp ứng, bị địch bao vây, trong đánh ra, ngoài đánh vào, nguy cơ bị tiêu diệt, buộc phải tính kế rút lui.
Các cánh quân của các làng trong tỉnh hẹn tới thị xã phối hợp đánh địch nhưng không thấy đến. Cánh quân của Chánh Tó, ở Quế Lâm, Đoan Hùng kéo quân đến Yên Kiện thì nghe tin Tổng Chế bị thất bại vội vàng cho quân quay lại. Khi nghĩa quân đánh địch tại thị xã, thì ở làng Phù Ninh một tên phản bội đến tri huyện Phù Ninh là Bang Tích khai báo. Ngay lập tức hắn sai lính cơ đến đón cửa từng nhà. Vì vậy, số quân từ thị xã Phú Thọ về đều bị bắt ngay. Ông Khuất Văn Bức, Lê Văn Tục, Lê Văn Ấn về căn cứ, không về nhà là được thoát.
Quân Pháp kéo đến làng Phù Ninh đốt nhà của Khuất Văn Bức và các nhà có người tham gia khởi nghĩa. Bắt nhốt tất cả vợ con, người thân vào chỗ, doạ bọn lý dịch phải cử người đi gọi Khuất Văn Bức, Lê Văn Tục, Lê Văn Ấn về nộp mạng, nếu không chúng sẽ đốt phá hết và giết cả làng. Trước tình hình căng thẳng đó, ông Khuất Văn Bức, Lê Văn Tục và Lê Văn Ấn, sau một tuần lẩn trốn phải tự ra cho địch bắt.
Bọn giặc Pháp huy động toàn lực ra càn quét, tổ chức bắt bớ các cánh quân khác. Cánh quân của Hai Dậu với nhiều người ở các làng xã xung quanh thị xã Phú Thọ cũng bi địch vây bắt. Nhiều cơ sở ở Hà Đông, Vĩnh Yên, Sơn Tây, Hoà Bình, Bắc Ninh bị lộ có liên quan tới khởi nghĩa của Khuất Văn Bức cũng bị giặc Pháp bắt bớ. Một thời gian ngắn, chúng bắt được 238 người tình nghi. Chúng tập trung các quan lại trong khu vực lại hỏi cung, đánh đập, tra tần dã man. Sau chúng tìm ra 47 người liên quan tới cuộc khởi nghĩa, bị chúng đưa lên toà án binh Yên Bái xét xử. Ngày 25/4/1915, Pháp kết án tử hình 28 người, 10 người tù chung thân, đầy biệt xứ 2 người, tù khổ sai có thời hạn 4 người, tha 3 người. (theo số liệu của Vũ Kim Biên). Số người bị kết án tử hình, và bị xử tù, đi đầy được chuyển về nhà tù Phú Thọ chờ thi hành án.
Ngày 18 tháng 3, năm Quý Mão tức là ngày 29/4/1915 giặc Pháp đem xử bắn 28 nghĩa sỹ Quang Phục quân tại chân đồi Mè. Đến năm 1926 cầu vượt qua đường sắt mới được xây, năm 1929 mới xong, gọi là Cầu Trắng. Vị trí quân Pháp bắn 28 nghĩa sỹ cách Cầu Trắng làm sau này chừng 150 m theo đường thẳng. Hôm đó, chúng bắt tất cả tù nhân, thân nhân ra bãi bắn để chứng kiến cảnh bắn giết do quân Pháp tạo ra nhằm uy hiếp tinh thần của đồng bào và nghĩa sỹ ta.
Sách của ông Vũ Kim Biên ghi thành đoạn văn ngắn: “Theo thân nhân của Khuất Văn Bức kể, khi ra pháp trường ông giật bỏ khăn đen bịt mắt, nhìn hiên ngang, lấy thuốc lá trong túi ra hút. Còn Hai Dậu thì ngâm bài thơ:
“Ngất ngưởng một người xưng Thánh Tản,
Lôi thôi một lũ cháu Cụ Hùng.
Cái tết thánh nhân Ngài đại xá,
Xác ở Phú Thọ, hồn về Hà Đông”.
Ở phần chú thích, ông Vũ Kim Biên có ghi: “Nguyễn Văn Dậu quê ở Hà Đông. Tương truyền trên núi Tản Viên có hòn đá thiêng, không ai dám ngồi lên, nếu phạm là chết. Hai Dậu đánh bao ngồi thử xem sao, mãi vẫn không bận gì. Vì thế ông tự xưng là Thánh Tản viên phục sinh”.
Phần kết luận cả hai cuốn sách đều ghi lời cáo thị của kẻ cầm quyền Pháp. “Cuộc tiến công Phú Thọ đêm 6 tháng Giêng không chỉ là một mưu toan đơn giản của kẻ cướp, một hành động đơn độc cướp phá của một vài kẻ quấy phá vì những miếng mồi hám lợi. Trái lại cuộc tiến công này là sự thực hiện một kế hoạch chung theo chương trình xa hơn: trong cùng một thời điểm, người ta dự định sẽ đồng loạt tiến công các tỉnh lỵ Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Sơn Tây, Hưng Hoá, Hoà Bình, và Hà Đông. Chúng tôi nhận thấy trong sự kiện này có sự chỉ đạo của Đảng cách mạng Việt Nam do Phan Bội Châu đứng đầu. (Trích từ Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4, 1995, tr 70-71).
Riêng cuốn sách của Vũ Kim Biên còn có lời đánh giá tôn vinh: Ông Khuất Văn Bức “là người lãnh đạo chỉ huy xuất sắc nhất ở cấp cơ sở của Việt Nam Quang Phục Hội. Đặc biệt giờ phút cuối cùng của ông trên Pháp trường đã để lại ấn tượng kính phục trong lòng nhân dân Phú Thọ” và “28 Liệt sỹ Quang Phục Hội quê hương Phú Thọ, hy sinh anh dũng vì sự nghiệp đầu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. là một dấu son trong sổ vàng truyền thống của nhân dân vùng Đất Tổ. Các vị đó thật xứng đáng được tôn vinh bằng tượng đài kỷ niệm”.
Đặc biệt khi đọc những bài viết của Hồ Chí Minh thời Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ năm 1943 và thời kỳ hoạt động tại Trung Quốc đầu năm 1944 đã 2 lần nhắc tới Khởi nghĩa Phú Thọ. Lần đầu trong Mục đọc báo Người viết: “Khởi nghĩa năm 1915, tháng 1: Phú Thọ”. Lần 2, khi Báo cáo của Phân hội Việt Nam chống xâm lược thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược, Người lại viết: “Năm 1915, nhân dân Phú Thọ mưu khởi nghĩa”. Như vậy, cuộc tiến công của quân khởi nghĩa Phù Ninh vào đồn binh và dinh thự của Pháp tại thị xã Phú Thọ đã có tiếng vang và ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị của Việt Nam và thế giới. Người nhắc lại như là để đông viên mọi người và các đảng phái tiếp tục noi gương cuộc khởi nghĩa Phù Ninh, do Khuất Văn Bức lãnh đạo để chống Pháp Nhật giải phóng đất nước. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà XBCTQG, HN, năm 2011, tập 3, trang 464 và trang 479).
Cuốn Lịch sử 100 năm thị xã Phú Thọ chỉ nhắc tên 3 người là Khuất Văn Bức, Nguyễn Văn Dậu, Nguyễn Văn Nguyễn và cuốn sách Truyền thống giữ nước của nhân dân Đất Tổ cũng nhắc tới 5 người, là ông Khuất Văn Bức, Nguyễn Văn Dậu, Lê Văn Tục, Lê Văn Ấn, Chánh Tò. Còn nhiều nghĩa binh tham gia và bị tử hình không thấy nhắc tới danh tên, nơi xử bắn chỉ thấy nhắc chung là “tại Cầu Trắng”, nhưng qua cầu đi dọc hàng cây long não xuống dốc tỉnh không thấy bãi bắn ở đâu. Chinh quyền và người dân thị xã Phú Thọ đã quên nhắc từ lâu. Nên sau chiến tranh chống Mỹ tôi về thị xã Phú Thọ sống và làm nghề dạy học hơn 30 năm, tôi cũng không được biết pháp trường bắn 28 nghĩa sỹ Quang Phục Quân của cuộc khởi nghĩa Khuất Văn Bức ở nơi nào.
Khi viết Khát vọng sông Thao về cuộc khởi nghĩa của Khuất Văn Bức, tôi đã chú ý đọc các tài liệu lịch sử, kể cả trên mạng, cũng chỉ nắm được sơ sơ, thiếu chi tiết, con người, sự việc cụ thể. Tôi đành phải lên làng Phù Ninh tìm con cháu của ông Khuất Quang Bức và hỏi thăm gia cảnh. Rất may là tôi có người em con ông chú công tác tại Nhà máy giấy Bãi Bằng, quen biết ông Khuất Văn Trọng, trước làm Chủ tịch, Bí thư Đảng uỷ xã Phù Ninh nay đã nghỉ hưu là cháu nội của ông Khuất Văn Bức. Em tôi đưa đến nhà, cũng theo hẹn trước nên ông Trọng còn mời rất đông con cháu, cán bộ huyện, xã tới nhà làm cơm ăn uống linh đình mừng nhà có khách quý. Hôm đó tôi được ông Trọng kể lại, lúc ông Khuất Văn Bức bị Pháp tử hình, ông Bức còn có hai đứa con gái, một con trai 15 tuổi tên là Khuất Văn Long. Nhà cửa bị giặc đốt phá hết, vợ ông Bức phải đem các con lên ở trang trại, chính là nơi nhà ở của ông Trọng bây giờ.
Tôi được ông Trọng cho biết, năm 2013, ông đã về Hà Nội đến Tổng cục II, An ninh, Bộ Công an. Được biết hồ sơ của ông Khuất Văn Bức mang số 8910, ghi ông Bức sinh năm 1868, tại làng Phù Ninh, tổng Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là Khuất Văn Xuất, mẹ là Lê thị Biểu, thực tên cha là Khuất Văn Tài, mẹ là Lê Thị Bảo. Ông Trọng cũng cho tôi biết tên vợ ông Bức tên là Ngô Thị Tụ, người làng Sơn Vy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nghe nói bà là người đảm đang, giúp chồng và các nghĩa sỹ nhiều công việc quan trọng. Hôm đó, tôi có hỏi tên những người cùng bị tử hình, ông Khuất Văn Trọng cũng không nắm được và trong hồ sơ của Bộ Công an cũng chỉ ghi 28 người bị giặc Pháp bắn, không thấy ghi danh tên.
Hôm đó, tôi yêu cầu ông Trọng đưa tôi đến ngôi nhà cũ của ông Khuất Văn Bức. Một người bạn của ông Trọng làm Phó Chủ tịch huyện Phù Ninh có xe con đưa tôi và ông Trọng ra ngôi nhà cũ, nay đã là ngôi trường phố thông THCS nhìn ra bờ sông Lô, phía đông bắc là núi Quyết, Đền Trò, chùa Quang Minh. Phía đông bắc nhìn ra sông Lô, qua cánh đồng ven sông từ bến Cầu Chùa ra sông rộng hơn 1 km. Thời trước không có đường bộ, thường phải đi thuyền ra bến sông Lô xuôi về Việt Trì, Hà Nội hay ngược lên Đoan Hùng, Tuyên Quang, theo sông Chảy lên Yên Bái, Lào Cai.
Nhờ có chuyến đi lên làng Phù Ninh nên trong bài viết của tôi đã bổ sung thêm về gia cảnh, cuộc đời hoạt động của ông Khuất Văn Bức, trước khi khởi nghĩa, trong khởi nghĩa và sự hy sinh anh dũng của ông trước quân thù. Sau này đọc thêm tài liệu, tôi được biết thêm khi Đề Thám cho rút quân từ Yên Thế, Bắc Giang về Núi Sáng, Đồng Quế, Lập Thạch. Ông đã cùng các binh sỹ của mình sang làng Phù Ninh, thực hiện chuyến đi về Cát Trù, Cẩm Khê để gặp ông Đề Kiều xin viện trợ. Lúc đó, ông Khuất Văn Bức vừa bị Pháp bắt giam tại nhà tù Phú Thọ. Ông Khuất Văn Lộc là chú ruột ông Bức tiếp và cử người đưa đường sang nhà ông Để Kiều và đã được ông Đề Kiều giúp cho 2 mâm bạc trắng. Khi về qua Phù Ninh, ông Lộc còn cử người đưa ông Đề Thám qua sông Lô về Núi Sáng đánh giặc Pháp. Ông Ngô Quang Đoan con trai cụ Hiệp thống Bắc Kỳ thời kỳ Cần Vương, khi đó được Phan Bội Châu giao nhiệm vụ về nước hoạt động đã nhiều lần bí mật đến gặp ông Khuất Văn Bức, ông Khuất Văn Lộc bàn tổ chức khởi nghĩa.
Nhưng điều làm tôi băn khoăn vì chưa nắm được số người bị tử hình có họ tên là gì? Vì sao lại không ai ghi tên, không ai nhớ tên nhưng người bị giặc Pháp xử bắn? Tôi phải cố gắng tìm được người nào hay người ấy và phải ra bãi bắn thăm và biết nó ở chỗ nào. Nhân có chuyến lên Trường Đại học Hùng Vương ở Việt Trì dự Lễ Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường, tôi bố trí đi trước một ngày. Ngày 11/11/2023, tôi hẹn ông Khuất Văn Trọng ra đường đón tôi vào nhà. Khi vào nhà, tôi hỏi ngay vấn đề mà tôi muốn biết. Ông Trọng trả lời rằng, lúc đó bị giặc Tây đàn áp đánh đập dã man, cả làng, cả họ, ông chú ruột Khuất Văn Lộc và những người tin cậy đều bị giặc Pháp bắt, sau đưa đi biệt giam tại Yên Bái và đưa ra toà án binh xử nên không còn ai ghi nhớ.
Ông Trọng kể rõ tên tuổi người làng Phù Ninh bị tử hình, gồm ông Khuất Văn Bức, ông Lê văn Tục, ông Lê Văn Ấn là hai ông tả tướng, hữu tướng thân cận của ông Bức. Ông Trần Văn Đương là nghĩa binh trung thành, dũng cảm bị ghép tội xử tử. Ông Nguyễn Văn Hỹ là nghĩa binh lên chết thay cho bạn Nguyễn Văn Hỷ vì thương anh Hỷ mẹ già con dại. Chuyện này người dân Phù Ninh ai cũng biết chỉ có quân Pháp là không biết. Như thế là làng Phù Ninh có 5 người bi Pháp tử hình, ai cũng nhớ tên. Các ông Nguyễn Văn Dậu, ông Đỗ Đình Đức (Chánh Bền), ông Nguyễn Văn Lộc (Bang Hanh) đều là yếu nhân của cuộc khởi nghĩa, chắc không thể thoát khỏi tử hình. Ông Trọng còn cho biết một số ông ở làng Phú Nham, Xuân Lũng và một số làng ở Phù Ninh, Lâm Thao còn có người bị tử hình nhưng không nhớ rõ họ tên. Ông chú Khuất Văn Lộc bị giặc Pháp kết án tù chung thân, đầy đi đảo Cát Bà, Hải Phòng bị mất tích không có tin tức gì. Ông Đồ Tín bị kết án 10 năm tù, sau hết hạn tù trở về quê nhà ở Sơn Tây sinh sống.
Sự kiện khởi nghĩa của Khuất Văn Bức đã diễn ra trên 108 năm rồi, việc đi tìm danh tên những người tham gia khởi nghĩa thực khó đối người viết sử. Lớp người trước không viết thì lớp người sau cũng đành phải bó tay. Ông Khuất Văn Trọng cũng báo cho tôi biết một tin, hồ sơ lưu giữ tại Bộ Hải ngoại Pháp có hồ sơ của ông Khuất Văn Bức, mang số 1466. Nhưng theo quy định của Pháp thì hồ sơ này phải qua 120 năm mới được phép mở. Nghĩa là từ năm 1915 phải đến năm 2035 mới được mở xem, không biết trong tài liệu bí mật này có danh sách họ và tên những người bị xử bắn không?
Ông Trọng còn cho tôi biết thêm ngày 18/3 Âm lịch hàng năm, mọi nhà ở làng Phù Ninh có người bị Pháp tử hình vẫn tổ chức giỗ trận để tưởng nhớ những người đã hy sinh anh dũng vì dân vì nước. Tôi có hỏi ông Trọng có biết nơi giặc Pháp tử hình các nghĩa sỹ ở thị xã Phú Thọ không? Ông Trọng trả lời, có đi tìm và hỏi thăm nơi Pháp xử bắn nhưng không ai biết ở nơi nào mà chỉ cho. Tôi nói với ông Trọng là chiều nay, tôi còn ở Phù Ninh, sẽ dẫn mọi người đi tìm. Tôi có nhiều người quen biết ở khu vực Cầu Trắng họ sẽ chỉ cho anh em mình biết.
Chiều hôm ấy là thứ 7, anh Khuất Văn Quý con ông Trọng đang làm Phó Chủ tịch xã Phù Ninh được nghỉ có xe con đưa đi. Trên xe có ông Trọng cháu nội của ông Khuất Văn Bức, ông Lê Văn Tiệp là cháu nội của ông Lê Văn Tục hữu tướng quân của ông Bức. Tôi quen ông Nguyễn Văn Thắng là Hội viên hội VHNT tỉnh chuyên ngành hội Hoạ, nhà ngay vệ đường lên Cầu Trắng. Xe tới nơi, hỏi thăm thì biết ông Thắng đang có nhà. Ông Thắng nhận ra tôi ngay mời tôi và mọi người vào nhà xơi nước.
Ông Thắng sinh năm 1954, làm công tác văn hoá tại thị xã đã về hưu. Khi nghe tôi nói là lên tìm nơi giặc Pháp xử bắn những nghĩa sỹ Quang Phục trong cuộc khởi nghĩa của Khuất Văn Bức năm 1915. Ông Thắng vui vẻ mời mọi người uống nước, còn tìm một tờ giấy vẽ sơ đồ nơi mộ chí của các nghĩa sỹ xong mới ngồi tiếp khách. Ông nói chuyện gia đình ông ở đây từ những năm 1958, lúc ông còn nhỏ tuổi, thường đến chơi nơi này. Còn được thấy trên mộ còn một bảng bằng gỗ sơn trắng ghi tên là Bia căm thù chữ với hàng chữ bằng sơn xanh, “Nơi đây ngày 18/3/ Ất Mão, năm 1915, giặc Pháp bắn 28 nghĩa sỹ Quang Phục Hội”. Ngôi mộ lẩn trong khoảng đất rộng, cỏ lên xanh ngắt, sau này không thấy người của cơ quan chính quyền đến viếng, nhân dân và người thân nhân cũng không có ai đến thăm viếng nữa, người ta cắt đất cho dân ở làm nhà tại đây. Về tấm Bia căm thù còn tồn tại đến khoảng năm 1971 thì mục nát, không ai làm lại nên không còn dấu tích nữa. Ông Thắng mở cửa, ra hành lang chỉ xuống bãi đất xưa kia làm trường bắn, có ngôi mô chôn chung cho chúng tôi xem, cách nhà ông khoảng gần 100 m theo đường thẳng.
Sau đó, chúng tôi được ông Thắng dẫn xuống thăm, khu vực này ngày xưa nằm ở chân đồi Mè. Đồi Mè kêo lên trên thôn Liêm, tới Hà Lộc. Bên ngoài là khu ruộng dộc, có dòng nước chảy từ trên đồng Mè (sân bay) và Thanh Hà xuống. Ông Thắng theo bố mẹ từ Nhật Tân, Hà Nội lên ở, còn nghe kể, khi Pháp chưa đến đây làm công sở ở ngã tư chân dốc tỉnh này còn có chợ Ma (chợ Mè), phía chân dốc, chân đồi Mè còn có bãi tha ma (nghĩa địa). Khi Pháp làm Cầu Trắng ở mé trên (bằng xi măng, lan can sơn trắng), ở mé dưới chúng cho làm hai cầu sang phố thị, cầu có lan can bằng gỗ gụ, mầu nâu sẫm. Từ đó mọi người có đường ra ga Phú Thọ, ra đình Mè, ra chùa Thắng Sơn, ra chợ và các phố thị.
Khi ông Nguyễn Văn Thắng dẫn mọi người xuống tận nơi, phải đi vòng theo chân dốc một đoạn đường dài. Khi vào tới bãi bắn, ông Thắng chỉ cho chúng tôi nơi có cái bảng gỗ xưa kia đề là Bia căm thù, nó nằm ở một phần ở ngoài, một phần lớn nằm ở trong vườn một nhà dân. Một lúc sau, một phụ nữ chủ nhà ra mở cửa, ông Thắng giời thiệu đây là cô giáo Hoàng Thị Hải, dạy học ở xã Văn Lung đã về nghỉ hưu. Cô giáo Hải nghe chúng tôi đến tìm khu mộ chí của 28 nghĩa sỹ Quang Phục hội bị Pháp xử bắn tại đây năm 1915. Cô giảo Hải cũng nói, lúc bé cô còn nhìn thấy tấm Bia căm thù bằng gỗ nằm trong vườn nhà cô, như lời của ông Thắng nói có ghi chữ số 28 người bị bắn tại đây. Cô mời chúng tôi vào nhà ngồi chơi và nói chuyện, cô theo đạo Phật cầu kinh nên không mơ thấy gì, còn người chị em đến nhà cô nằm ngủ vẫn mơ thấy các ông tập võ chạy rầm rập suốt đêm.
Cũng như ông Thắng kể, cô Hải nói người làm nhà đào móng vẫn thấy xương cốt, có chỗ đào giếng, nước phun lên có màu gạch cua, nước hến. Có cả một chỗ người xưa còn vẽ vòng tròn, như đánh dấu ở dười còn có gì bí mật, ngôi mộ chôn chung nhiều người chăng? Cùng đoàn đi tìm nơi xử bắn và mộ chí, tôi hỏi ông Trọng cháu nội ông Khuất Văn Bức, những người bị tử hình người làng Phù Ninh có ai đem thi hài, hay hài cốt từ đây về làng chôn cất chưa? Ông Trọng trả lời rằng chưa, ông Tiệp là cháu nôi ông Lê Văn Tục cũng nói rằng chưa. Hôm nay mới biết nơi giặc Pháp xử bắn các ông nhà mình, còn mong mang được xương cốt các ông về làng, về nhà chôn cất nhưng biết làm thế nào, cậy ai bây giờ?
Tôi là người rất mẫn cảm, khi ở chiến trường đi qua những nơi có nhiều người chết trận tôi vẫn nhận ra, đây là đâu. Dù đi ban đêm, ngồi trên xe, qua Xi Nun, ngã ba Hồng Tâm, ngã ba Thanh Bình không cần phải chỉ dẫn, chỉ qua “âm khí” là tôi nhận ra ngay, anh em cán bộ chiến sỹ vẫn khen tôi “có cái mũi tinh”. Hôm nay, tới nơi xử bắn 28 nghĩa sỹ Quang Phục Hội, tôi đi thăm khu đất vẫn còn nhận thấy “âm khí” nặng nề. Mặc dù tôi không phải là nhà ngoại cảm, khả năng vô thức không có, nhưng mà phần “âm khí” thì tôi nhận ra ngay. Qua lời kể của ông Nguyễn Văn Thắng và cô giáo Hoàng Thị Hải về khu đất này thuộc Tổ 18, phố Tân Thành, phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, đúng là nơi quân Pháp xử bắn 28 nghĩa sỹ Quang Phục Hội, chôn chung một hố ngày 18 tháng 3, năm Quỹ Mão, năm 1915.
Nghĩ về một Di tích lịch sử quan trọng ở trung tâm thị xã Phú Thọ bị lãng quên, tôi thực sự bùi ngùi thương cảm. Một lịch sử đấu tranh oai hùng, được Lịch sử 100 năm của thị xã đã ghi, Lịch sử của Hội cựu chiến binh tỉnh nhắc tới với sự kiện lịch sử, con người anh hùng, lời bình luận, đánh giá, tôn vinh cao mà để nhân dân thị xã và con cháu những người làm nên lịch sử không hề biết đến thì là thế nào đây? Bây giờ Di tích lịch sử văn hoá thực sự đang là vàng mười, chúng ta phải biết giá trị, quan tâm đến và hãy ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bảo vệ bằng được những di tích lịch sử và văn hoá của dân tộc là mục tiêu và nhiệm vụ cao cả của Nhà nước và mọi từng lớp của nhân dân”, (Tạp chí Xưa Nay, số 30 (8/1996, trang 6).
Ngày 24/11/2023
T.H
Người gửi / điện thoại