Bằng Việt
“HÁT TỪ PHAN XI PĂNG” – TIẾNG LÒNG CỦA MỘT NGƯỜI THỢ, MỘT NHÀ THƠ
“Hát từ Phan Xi Păng”, tập thơ đầy sức sống của một hồn thơ đã gắn bó gần như cả cuộc đời hoạt động của mình với núi rừng hùng vĩ, với những bản làng ẩn khuất trong mây, những dòng sông và thác nước khai sinh từ thượng nguồn hoang dã, những thảm thực vật đã có từ nguyên sinh... lãng mạn đấy, nhưng lại cũng vô cùng gian khổ.
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vì đâu phải chỉ dành cho hành trình du lịch và rong chơi. Đây là nơi lặn lội đi để thăm dò, phát hiện ra những khu mỏ quý giá, từ đó mở các công trường, các xưởng máy, nhằm khai thác và tinh luyện. Vậy là, nơi xưa vốn chỉ đẹp với cái duyên ngang tàng và vô tư lự, với các biểu hiện hoang dã của thiên nhiên, nay có một cuộc sống mới sôi động của cuộc đời nhân sinh đích thực:
“Bao la gió mát trăng trong/ Bao la thỏa sức sống cùng thiên nhiên/ Mây thì trắng, núi thì đen/ Đường về nơi nhớ, nơi quên cả rồi!/ Gió ngang tàng, gió vô hồi/ Tiếng chim khắc khoải ven đồi nhặt khoan/ Nghe gió hát, uống trăng tan/ Tưởng như hết mọi lo toan ở đời... / Dưới thung xa, điện sáng ngời/ Nhắc ta còn có cuộc đời thực hơn!” (Say ở ven đồi).
Cuộc đời thực của người thợ mỏ trên vùng cao ấy là gì? Ta hãy tiếp nhận một chút tâm sự đặc tả của một anh lính mới trong đội quân đi khai mỏ thời non trẻ ấy. Một mùa Xuân khởi đầu đầy rẫy những thiếu thốn, gian khổ, tuy không vì thế mà thiếu niềm vui sống và lạc thú hòa cùng mùa Xuân đang về:
“Xuân ấy, lần đầu buồn không chịu được/ Chợ thì xa, mưa phủ bụi giăng mờ/ Không có điện, đêm nằm nghe chó sủa/ Hoẵng kêu đêm, lạnh gáy tưởng beo hùm/... Những đêm mưa, lán trại dột tơi bời/ Không ngủ được, ngồi lai rai đợi sáng/ Thịt chim nướng, nhắm cùng rượu rắn/ Thú vô cùng, cánh thợ chúng mình ơi!..” (Xuân ở mỏ).
...Những dòng hồn nhiên và chân thật ấy được nhà thơ - kỹ sư Lê Tuấn Lộc viết ở Mỏ Mỹ Cái (Thanh Hóa) năm 1986, cũng là thời anh mới được in chung tập thơ đầu tiên ở Thanh Hóa “Với quê hương”. Từ đó cho đến khi anh có những tập thơ riêng định hướng cho đời thơ mình, như: “Hát lúc trăng lên” (1990), “Dưới bóng đa Tân Trào” (1998), “Thợ mỏ gặp nhau” (2000), “Cây mỗi hoa mỗi quả” (2002), “Thân phận” (2004), “Người núi, người phố” (2005), “Tôi, người xứ Thanh” (2007), "Không tin, về Hà Nội mà coi" (2007), thì Lê Tuấn Lộc đã kịp tạo dựng được cho mình một phong cách thơ có suy tư phóng túng và cá tính rõ nét, đồng thời, lại biết tạo ra một “miền quê” đặc sắc của riêng anh trong thơ.
Thơ anh có nhiều suy tư phóng túng, vì trong thơ, anh thực sự không câu nệ trước bất cứ một nếp nghĩ có tính mặc định nào hoặc chịu ép mình tuân thủ một định kiến có sẵn nào trói buộc. Đấy có lẽ là thuộc tính đích thực của một tâm thế thi sĩ, dù ở hoàn cảnh nào cũng có một cách nhận thức thẳng thắn và mạnh mẽ, chân thành và quả cảm. Hãy nghe lời cầu xin tha thiết của tác giả trước ngọn Thác Bạc đầy khí phách, đời đời như dựng đứng trên đỉnh Sa Pa:
“Mai sau chết, ta xin về Thác Bạc/ Hồn ta hòa tan vào dòng thác/ Hòa khí trời Sa Pa/ Làm xanh cây dương xỉ/ Làm non mầm cây thông/ Mai sau chết, ta xin về Thác Bạc/ Linh khí Sa Pa hòa tan vào ta/ Linh hồn ta trong sạch/ Mong linh hồn ta thơm quả táo Mèo/ Ngọt hơn rượu nếp cẩm/ Linh hồn ta ngấm vào đá cổ Sa Pa/ Giải mã câu văn cổ/ Mai sau chết ta xin về Thác Bạc/ Để muôn đời làm thơ/ Để ngàn năm ca hát/ Rừng già dẫu nghìn năm bát ngát/ Hồn ta là dây leo/ Mai sau chết, ta xin về Thác Bạc/ Xin bình yên trong cõi không bình yên!”.
Cá tính của Lê Tuấn Lộc bộc lộ rõ trong sáng tác. Cá tính ấy thể hiện trong cách nói, cách chọn đề tài, cách giải quyết vấn đề trong từng trường hợp. Và bạn đọc nhận ra anh ngay, khi anh có cá tính rõ ràng trong thơ. Tôi rất thích bài thơ anh viết về Lan Khai, một cây bút lừng danh trước Cách mạng, sau năm 1945 đã mất vô tăm tích trong một hoàn cảnh khó hiểu, mà mãi mấy năm gần đây, nhờ nỗ lực của Hội Nhà văn, ông mới được “chiêu tuyết” và được công nhận là nhà văn có tư tưởng tiến bộ và yêu nước, đi theo kháng chiến. Giọng thơ tưng tửng của Lê Tuấn Lộc ở bài này lại rất điềm đạm, cái điềm đạm của người thừa biết bản chất sự việc nhưng không muốn to tiếng ồn ào, giọng tưng tửng ấy là cách nói “đúng chỗ” nhất ở đây, nó không những thể hiện cá tính, mà còn thể hiện bản lĩnh biết “nén chặt” của người viết, đủ làm người đọc tâm phục khẩu phục:
“Tôi về Tuyên, tìm lại Lan Khai/ Hỏi ông cán bộ Huyện/ Không biết/ Hỏi cháu học trường Phổ thông/ Cháu hồn nhiên: Lớp cháu không ai tên Lan Khai/ Tôi hỏi ông già khu phố Xuân Hòa/ Ông biết Lan Khai/ Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Xuân Hòa thời kháng Pháp/ Lan Khai ư? Người già biết!/ Lan Khai - tác giả 48 tiểu thuyết/ Có thể bạn không biết/ Đại học Sư phạm có mấy chục luận án tiến sĩ, thạc sĩ về ông/ Nhiều thầy biết/ Tôi đi trên phố Tuyên Quang/ Tra hết bản đồ/ Không thấy đường Lan Khai/ Tôi về Chiêm Hóa, nơi ông chào đời/ Dân cũng không ai biết/ Người mất đã lâu rồi!/... Tôi về Hà Giang/ Con út Lan Khai đã 80 rồi/ Ông chống gậy, tiếp tôi/ Rồi lắc đầu buồn bã: Tôi cũng sắp “đi” rồi/ Đừng hỏi về Lan Khai!/... Tôi vẫn đang tìm lại Lan Khai/ Người biết, người chưa biết/ Trường Đại học, các luận án vẫn viết/ Hồn ông - vẫn ở Tuyên!”.
Trong bầu khí quyển mông lung bàng bạc của thơ hôm nay, người còn làm thơ đã ít, người yêu thơ còn hiếm hơn. Lê Tuấn Lộc, một người làm khoa học, tiến sĩ về Mỏ - Địa chất, chắc chắn rất hiểu điều đó. Nhưng anh lại viết một bài thơ thật cảm động, giống như dư âm của một bài thơ tình, có vị mặn, vị cay, vị chát, đủ thấm thía khiến ta chảy nước mắt, thấy tình người trong cuộc đời này còn quá ư trong trẻo và tốt đẹp, và dù tác giả nửa đùa nửa thật khẳng định rằng: Thơ như mây trôi, đời người như sương khói, bận tâm mà làm gì!
Nét độc đáo ấy làm nên cá tính riêng của thơ anh. Cũng như cách nói hóm hỉnh trong các bài: “Em Tày đấy”, “Người núi, người phố”, “Tiệc đứng”, “Đi họp tỉnh”, “Hà Nội cái gì cũng có”. “Nước chảy theo ý mình”... Nhiều bài hóm hỉnh, gây thú vị bất ngờ, có ý nghĩa nhân văn, có triết lý đáng nhớ, nhắc nhở về lối sống và cách ứng xử rất nên bổ sung cho nhau, giữa người Kinh và người dân tộc. Những bài viết theo dạng này mở cho bạn đọc tiếp cận vào một lối nói, lối nghĩ hồn nhiên, trong trẻo của đồng bào dân tộc ít người. Và đây cũng là những bài dắt dẫn, gợi ý cho người đọc đi sâu vào một thế giới thơ độc đáo và đáng yêu, một “miền quê” thực sự đặc sắc và đầy hoài niệm trong thơ Lê Tuấn Lộc.
Hàng trăm bài thơ cùng với một trường ca ở cuối tập, đã kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành một liên khúc thơ, gồm 14 khúc. Mỗi khúc thơ được mở đầu bằng một ca khúc, cũng là thơ của tác giả được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Vậy là mỗi khúc thơ đi liền với một khúc ca, gây ấn tượng, giống như trước mỗi chặng đường leo lên núi đều có sẵn một bài hát kiểu: “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo” để động viên mọi người cùng vượt lên từng đoạn dốc, đoạn đèo gian khổ.
Ấn tượng này khá đặc trưng, và ta có thể cảm nhận, rằng trong các tập thơ đã xuất bản về chủ đề miền núi và dân tộc - của các nhà thơ đương đại từ 54 dân tộc anh em, sống trên quê hương thân yêu của chúng ta - nói cho sòng phẳng, chưa có tập thơ nào có tính chuyên đề nổi bật, dành riêng cho đề tài dân tộc và miền núi phong phú như tập “Hát từ Phan Xi Păng” của nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Điều đó cũng không phải ngẫu nhiên. Tôi đã từng biết tác giả khoảng từ 35 năm trước, khi anh còn là kỹ sư và giám đốc các mỏ apatit, mỏ crôm và mỏ thiếc từ Thanh Hóa cho đến Tuyên Quang.
Sự gắn bó với nghề nghiệp đã dần tạo nên cho anh một “miền quê” mới, thức ngủ cùng với nó, suy tưởng cùng với nó, vui buồn cùng với nó. Và như anh đã từng cảm nhận, không khí và nếp sống của cả “miền quê” mới mẻ, thân thiết ấy, nơi anh lập nghiệp và trưởng thành, đã dần ghi đậm dấu ấn không phai mờ vào từng trang thơ của anh. Vì vậy, dù anh viết về vùng sâu vùng xa, về dân tộc và miền núi đi nữa, thì cũng không có gì khác hơn là viết lại về chính cuộc đời anh. Có lẽ đó là mấu chốt (cũng có thể gọi nó là bí quyết) thành công của mảng thơ về dân tộc và miền núi, cốt lõi của tập thơ “Hát từ Phan Xi Păng”.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là, vì rất yêu dân tộc và miền núi, Lê Tuấn Lộc vẫn giữ được trọn vẹn cách nghĩ, cách cảm rất nhân văn đối với con người và cảnh vật nơi đây. Nếu như với một cảm quan hời hợt về cái đẹp, chúng ta dễ dàng thích thú những mảnh ruộng bậc thang, hay thán phục nét duyên dáng của cô gái dân tộc đeo gùi trên đôi vai xinh xắn, thì hãy bình tâm đọc câu thơ sau:
“Anh đừng thấy ruộng bậc thang, bảo là đẹp/ Đẹp thì đẹp/ Khổ ngàn đời đấy thôi/ Núi không dốc, không cao, thì cần gì đẽo thang ra thế!/ Anh đừng thấy em đeo gùi, cũng bảo đẹp lạ/ Rồi xúm vào chụp ảnh/ Gùi đè lưng em còm cõi một đời/ Gùi đè lưng mẹ, bè hai bàn chân !...”.
Và chúng ta bỗng giật mình, vì cái đẹp ngỡ vô thưởng vô phạt kia không phải bao giờ cũng đi liền với chủ nghĩa nhân văn. Cái giật mình ấy cho ta nhận thức lại cái Đẹp phải đi cùng với cái Chân và cái Thiện, mà Lê Tuấn Lộc đã nói với ta nhẹ nhàng và thản nhiên, cứ như là không nói. Và đó, phải chăng cũng là điều gây ấn tượng nhất trong tập thơ “Hát từ Phan Xi Păng” của anh.
B.V
Người gửi / điện thoại