Đoàn Hải Hưng
THẾ NÀO LÀ MỘT BÀI THƠ HAY?
Trong những năm qua hàng nghìn bài thơ được in ấn, hàng trăm tập thơ (chung và riêng) được xuất bản nhưng chất lượng rất hạn chế. Các tập thơ hay, các bài thơ hay số lượng còn khiêm tốn. Có người còn nhầm lẫn giữa văn chương hàn lâm bác học với thơ văn tuyên truyền của các câu lạc bộ, danh hiệu “nhà thơ” được tự nhận hoặc ban tặng cho nhau một cách hào phóng, giá trị văn chương có lúc có nơi bị đảo lộn.
Thế nào là hay?
Thơ là nghệ thuật ngôn từ và có hình ảnh, hình tượng. Thơ là tiếng nói của cảm xúc mãnh liệt. Nói cách khác: Tính chất trữ tình là đặc trưng quan trọng, kỳ diệu của Thơ. Người Trung Quốc xưa nhận xét: “Thơ hay như người con gái đẹp. Cái để làm quen là nhan sắc, cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh. Chữ nghĩa là nhan sắc của thơ. Tấm lòng mới là đức hạnh của thơ”. Còn Hê-ghen viết: “Thơ bắt đầu từ cái nghề mà con người cảm thấy cần phải biểu hiện lòng mình
Một bài thơ hay, phải có được những phẩm chất nổi bật: Có ý tưởng sâu sắc, có giá trị nhân văn; có tứ thơ hay, mới lạ; có hình thức nghệ thuật đặc sắc, có cách diễn đạt độc đáo; thơ giàu cảm xúc, có sức ám ảnh, gây ấn tượng mạnh với đông đảo người đọc.
Tứ thơ hay
Một bài thơ hay trước hết phải có tứ thơ hay, mới lạ. Đây là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của thơ ca. Tứ thơ còn gọi là thi tứ."Tứ thơ hết sức quan trọng đối với người làm thơ và cả người đọc thơ. Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng “Lao động thơ, trước hết là kiếm tứ, “làm thơ khó nhất là tìm tứ, "thường thường người làm thơ gặp phải bí, là bí tứ, chứ không phải bí ý hay bí lời”. Nhưng tứ là gì, tứ khác ý ở chỗ nào?
Theo Xuân Diệu, ý là “suy nghĩ, khái quát nhận định”, cái này thì ai cũng có thể có, không riêng nhà thơ. Nhưng khi ý “đầu thai thành cảm xúc, tình cảm, ý ấy trở thành tứ, đó là tứ thơ”, “ý là của chung mọi người, tứ mới là của riêng mỗi thi sĩ”. (Trích công việc làm thơ, NXB Văn học, tr 117-118-120). Có thể phát triển cụ thể hơn ý kiến của Xuân Diệu là: Ý có thể chưa thành tứ, nhưng tứ bao giờ cũng có ý cộng thêm cảm xúc, nhạc điệu, hình tượng thơ từ cái nhìn riêng của nhà thơ”(1) (Nguyễn Thái Hòa).
Có thể nêu một số minh chứng về tứ thơ được thể hiện sinh động ở các bài thơ:
Tràng giang, Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Người đi tìm hình của Nước; Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi (Chế Lan Viên), Vội vàng, Quả sấu non trên cao (Xuân Diệu), Đợi (Vũ Quần Phương), Bếp lửa (Bằng Việt), Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Chào đất nước (Nguyễn Đình Ảnh), Từ Minh Nông nghĩ về cây lúa (Kim Dũng) v.v…
Hình thức nghệ thuật đặc sắc
Bài thơ hay là bài thơ phải có hình thức nghệ thuật đặc sắc, có cách diễn đạt độc đáo. Có thể kể tên các tác phẩm thể hiện được phẩm chất này, đó là các bài thơ: Các vị La Hán chùa Tây Phương, Trò chuyện với Kim tự tháp (Huy Cận), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Nhớ vợ, Em tắm (Cầm Giang), Bóng cây Kơ-nia (Ngọc Anh), Lửa đèn; Gửi em, Cô thanh niên xung phong (Phạm Tiến Duật), Dấu chân qua tràng cỏ (Thanh Thảo), Hạt gạo làng ta, Lính đảo hát tình ca trên đảo (Trần Đăng Khoa), Thư mùa đông, Thơ viết ở biển (Hữu Thỉnh), Tự hát (Xuân Quỳnh), Những người đàn bà gánh nước sông (Nguyễn Quang Thiều), Người đẹp, Đứng trước em (Lò Ngân Sủn), Nói với con (Y Phương), Đêm Thị Mầu (Nguyễn Hưng Hải)... đã thể hiện rõ phẩm chất này.
“Các vị La Hán chùa Tây Phương” là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Huy Cận. Được khơi gợi từ những cảm xúc trước các pho tượng ở chùa Tây Phương, bài thơ không phát triển theo hướng suy tưởng và triết lí về Phật giáo, cũng như về nhân thế nói chung, mà theo hướng cảm nghĩ và bình luận lịch sử về những khổ đau, bế tắc của một thời đại quá khứ - thời đại mà các pho tượng này được sáng tạo. Mỗi vị là biểu tượng của một con người và thực sự là nỗi khổ đau của kiếp người. Cũng từ các bức tượng này, cháy lên những khát vọng giải thoát, truy tìm nhức nhối lời giải đáp và đồng thời cũng thể hiện sự bế tắc, bất lực tột độ.
Khát vọng về với nhân dân và đất nước, với những kỷ niệm sâu nặng nghĩa tình trọng cuộc kháng chiến chống Pháp cũng là về với cảm hứng sáng tạo thơ ca được thể hiện sâu sắc qua bài thơ“Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên. Xen với những hình ảnh lung linh của hồi tưởng là những chiêm nghiệm đúc kết trong giọng trầm lắng. Đoạn cuối, âm hưởng của khúc hát lên đường dồn dập lôi cuốn, bay bổng lãng mạn kết hợp với giọng trầm lắng trong suy tưởng và tình cảm lắng lại. Hình ảnh của đoạn cuối biến hóa nhiều bất ngờ, liên tưởng phong phú, táo bạo:
Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng.
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.
Bài thơ “Em tắm” Cầm Giang lấy bút danh là Bạc Văn Ùi, còn bài thơ “Nhớ vợ” tác giả lấy bút danh là Cầm Vĩnh Ui. Bài thơ “Nhớ vợ” in lần đầu trong tập thơ “Cầu vào bản” Nhà xuất bản Văn học (1960). Sau đó có mặt trong hầu hết các Tuyển tập thơ Việt Nam sau năm 1945.
Cái hay của bài thơ “Nhớ vợ” là sự chân thật, độc đáo, mới lạ khi viết về vợ, khi thể hiện tình cảm với vợ mà thơ văn một thời kiêng kị. Tư tưởng trong sáng của bài thơ lại được diễn tả và biểu hiện bằng những tình cảm cụ thể, đậm đà phong cách thơ miền núi nên hết sức xúc động, hấp dẫn. Bài thơ kết thúc bất ngờ, độc đáo: Nếu được cấp trên tặng bằng khen, người lính sẽ dọc đôi, “gửi cho vợ một nửa”.
Giàu cảm xúc, có dư vị, ám ảnh
Bài thơ hay là bài thơ giàu cảm xúc, có dư vị, ám ảnh, gây ấn tượng mạnh với đồng đảo người đọc. Tiêu biểu cho phẩm chất này là các bài thơ: Núi đôi (Vũ Cao), Viếng bạn (Hoàng Lộc), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Quê hương (Giang Nam), Bác ơi! (Tổ Hữu), Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương (Việt Phương), Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), Nấm mộ cây trầm (Nguyễn Đức Mậu), Khoảng trời – hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ), Viếng chồng (Trần Ninh Hồ), Hai nửa vầng trăng (Hoàng Hữu), Bên mộ Cụ Nguyễn Du (Vương Trọng), Phan Thiết có anh tôi! (Hữu Thỉnh)...
Bài thơ “Hai nửa vầng trăng" được nhà thơ – họa sĩ Hoàng Hữu sáng tác năm 1981, trong những ngày tác giả điều trị bệnh tim ở bệnh viện Việt Trì. Đây cũng là tác phẩm gần như cuối cùng của anh. Bài thơ đã đạt giải Nhì cuộc thi Thơ của tuần báo Văn nghệ (1981 – 1982). Nhà thơ Xuân Diệu nói: Hai nửa vầng trăng là bài thơ tình chân thành và đẹp, một vẻ đẹp mong manh mà sang trọng! Thơ ấy là thơ của tài hoa!
Bài thơ chân thực, sâu lắng và tinh tế:
Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như vầng trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời
(Tác giả nói đến chữ D hoa vì tên thật của anh là Nguyễn Hữu Dũng).
Trong bài thơ không ít những câu thơ lấp lánh tài hoa, dư vị, ám ảnh giàu cảm xúc, lay động lòng người:
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát em đã khóc
nhưng làm sao tới được
bến bờ anh tim dội sóng không cùng.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng đã chọn bài thơ này để phổ nhạc, bài hát đã đạt giải cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Hoàng Hữu sống nghị lực, dịu hiền, tình nghĩa. Cuộc đời anh tuy ngắn ngủi (anh mất năm 1981 khi mới 36 tuổi) nhưng một số tác phẩm xuất sắc của anh (tranh và thơ) nói chung, bài thơ “Hai nửa vầng trăng” nói riêng sẽ còn trường tồn mãi với thời gian.
*
**
Trên đây là một số ý kiến về bài thơ hay, những phẩm chất nổi bật của một bài thơ hay. Các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và bạn đọc có những bình chọn khác nhau về bài thơ hay, có những cảm nhận giống hoặc khác nhau về một bài thơ hay. Đó là điều bình thường trong văn học nghệ thuật.
Đ.H.H