Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

SAO EM NỠ...

Nguyễn Quốc Toản
 
SAO EM NỠ ĐỂ MÙA THU PHẢI KHÓC
 
Sao em nỡ để mùa thu phải khóc
Khi sóng biển thầm thì ôm ấp bãi bờ quen
Lời yêu xưa như cơn mưa bất chợt
Anh trở lại nơi này nghe nắng gió gọi tên.
 
Sao em nỡ để mùa thu phải khóc
Nha trang xanh như một nốt trầm
Góc phố nhỏ nơi chúng mình hò hẹn
Giờ chỉ còn biển vắng với anh thôi.
 
Sao em nỡ để mùa thu phải khóc
Giọt đàn buông câu đợi câu chờ
Đêm sóng sánh sao trời đôi mắt biếc
Nơi bến bờ tình vẫn ngỡ trong mơ.
 
Sao em nỡ để mùa thu phải khóc
Bờ cát dài đã lạc dấu chân son
Sao em để nắng thu thôi rực rỡ
Hàng cây buồn rơi chiếc lá vu vơ.
 
Sao em nỡ để mùa thu phải khóc
Trái tim anh như biển biếc thầm thì
Tình chưa trọn khắc ghi vào ký ức
Như sóng dạt dào lặng lẽ đến rồi đi.
 
Sao em nỡ để mùa thu phải khóc
Chiều Nha Trang thăm thẳm phía chân trời
Anh một mình thương cơn mưa bất chợt
Xa em rồi biển vẫn mãi xanh thôi.
Sao em nỡ để mùa thu phải khóc!
 
(Nhà sáng tác Nha Trang tháng 9/2024)
                                         N.Q.T
screenshot_2173
 
 LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ
 
   Bài thơ “Sao em nỡ để mùa thu phải khóc” của nhà thơ Quốc Toản mở ra một không gian tràn ngập nỗi buồn và sự tiếc nuối, khi những cảm xúc về tình yêu và mùa thu hoà quyện trong từng dòng thơ. Bài thơ không chỉ là lời thầm trách mà còn là tiếng vọng của nỗi cô đơn. Qua câu chữ người đọc có thể cảm nhận được nỗi nhớ đậm sâu mà tác giả muốn gửi gắm khi người yêu đã đi xa. Và mùa thu mùa của tình yêu lãng mạn trở thành một kỷ niệm buồn. Mùa thu là nhân vật chủ đạo trong bài thơ, được tác giả ẩn dụ để “mượn cảnh nói người”.
  Mùa thu không chỉ là một mùa trong năm mà còn là một nhân vật sống động, có cảm xúc. Mùa thu khóc, mùa thu buồn, mùa thu mang theo nỗi nhớ và sự cô đơn, sự tàn phai, khi tình yêu không trọn vẹn. Tựa đề bài thơ và các câu mở đầu với điệp ngữ “Sao em nỡ để mùa thu phải khóc” tác giả lặp lại nhằm làm nổi bật sự day dứt khôn nguôi của mùa thu, vốn dĩ là mùa của lãng mạn và dịu dàng. Hình ảnh biển trong bài thơ đóng vai trò như một chứng nhân cho tình yêu đã qua. Biển “thầm thì ôm ấp bãi bờ quen” vừa là nơi gợi lại những kỷ niệm, vừa là không gian rộng lớn, trống trải khi người tình đã rời xa. Lời yêu, giống như “cơn mưa bất chợt”, nhanh chóng đến và cũng nhanh chóng tan biến, để lại nỗi trống vắng, tổn thương không thể lấp đầy, để rồi “Anh trở lại nơi này nghe nắng gió gọi tên. Sao em nỡ để mùa thu phải khóc Nha Trang xanh như một nốt trầm Góc phố nhỏ nơi chúng mình hò hẹn Giờ chỉ còn biển vắng với anh thôi”. Hình ảnh Nha Trang trong thơ mà tác giả nhắc đến không chỉ là một địa danh mà còn là một không gian chứa đầy kỷ niệm. “Nha Trang xanh như một nốt trầm”. Nha Trang vốn tươi đẹp và lãng mạn, nhưng giờ đây đã trở thành nơi chất chứa một nốt trầm buồn và sâu lắng. Những góc phố nhỏ và con đường xưa, biển biếc và tiêng đàn đều là những ký ức và tình yêu đã qua. “Tiếng đàn buông câu đợi câu chờ”, âm thanh ấy như tiếng lòng mong lấp đầy không gian trống trải, nhưng lại thêm phần buồn bã khi không có ai đáp lại. Hình ảnh biển và những con sóng, trước đây có thể là chứng nhân cho tình yêu, giờ lại trở thành nỗi đau và sự tan vỡ. Nhịp điệu của bài thơ mà tác gỉa sử dụng luôn chậm rãi và đầy tính tự sự. Từng câu, từng chữ đều mang nặng nỗi buồn. “Đêm sóng sánh sao trời đôi mắt biếc/Nơi bến bờ tình vẫn ngỡ trong mơ” là hình ảnh thơ mộng nhưng cũng đầy thương cảm. Đêm và sóng, hai yếu tố tĩnh lặng và liên tục, như sự lặp đi lặp lại của nỗi nhớ, sự dồn nén không dễ nguôi ngoai. Sao em nỡ để mùa thu phải khóc Bờ cát dài đã lạc dấu chân son Sao em để nắng thu thôi rực rỡ Hàng cây buồn rơi chiếc lá vu vơ Bờ cát đã lạc dấu chân, nắng thu cũng thôi rực rỡ và “Hàng cây buồn rơi chiếc lá vu vơ” là những hình ảnh minh hoạ cho sự trống trải, lạnh lẽo trong sự vô nghĩa, một tâm trạng đầy tiếc nuối… Người đọc có cảm nhận những dòng thơ đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa ký ức và hiện thực. Tác giả đã tạo nên một nỗi nhớ day dứt trong từng câu chữ, khi những kỷ niệm đẹp giờ chỉ còn là quá khứ. Đó là tiếng lòng của người yêu thương khi không hiểu vì sao tình yêu lại tan ra như sóng, “để mùa thu phải khóc”. Phải chăng đó chính là thông điệp về sự mong manh dễ vỡ của tình yêu. Khi tình yêu không còn, mọi thứ xung quanh dường như cũng mất đi ý nghĩa, và mùa thu cũng không còn là mùa của sự trầm tĩnh và trong trẻo nữa.
  Bài thơ được xây dựng theo một mạch cảm xúc rõ ràng, bố cục chặt chẽ, từ nỗi buồn ban đầu đến sự chấp nhận cuối cùng. “Anh một mình thương cơn mưa bất chợt Em xa rồi biển vẫn mãi xanh thôi” Bài thơ “Sao em nỡ để mùa thu phải khóc” của nhà thơ Quốc Toản là một tác phẩm thành công về thủ pháp nghệ thuật. Thơ Quốc Toản như một tiếng lòng thổn thức, lặng lẽ nhưng đầy ám ảnh. Tác giả đã khéo léo sử dụng hình ảnh mùa thu, biển và tình yêu để tạo nên một bức tranh đầy tâm trạng bởi sự chân thành và sâu sắc. Ngôn ngữ trong bài thơ giản dị, dễ hiểu, nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa, tạo được sự đồng cảm ở người đọc. Bài thơ sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, nhân hoá, ẩn dụ để tạo nên những câu thơ giàu sức gợi hình, gợi cảm. Thơ vừa là lời trách, vừa là lời chia tay đầy đớn đau với những gì đã qua. Nhưng dù tình yêu có tan vỡ, mang theo những những nỗi buồn sâu kín thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mùa thu, biển vẫn xanh trong lòng người ở lại.
 
                                                        Hà Nội tháng 10/2024
                                                                    T.T.G
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 91
Trong tuần: 1379
Lượt truy cập: 489881
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cộng tác BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.