Nguyễn Hòa Bình
THAO THIẾT QUAN SƠN
Màu áo Cóm sáng bừng trời biên giới
Đêm. Cái thị trấn vùng cao này như được ướp mềm trong mát dịu hương rừng. Hình như, dễ có đến cả hàng năm nay rồi, tôi mới lại có được một lần thao thức để biết mình đã cảm ra cái tình người Việt dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thời của ông bà. Trong cái guồng quay chóng mặt của cơ chế thị trường, sự sòng phẳng đến lạnh lùng từ không ít các quan hệ xã hội đã trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng cho những tham – sân – si có thêm điều kiện nảy sinh và phát triển, khiến cái thực dụng đến trơ trẽn đôi khi trở thành nét giao đãi thường tình. Bởi thế, với tôi, cái buổi chiều đầu tiên đặt chân đến thị trấn Quan Sơn này, hình ảnh người đàn bà bên quán nước ven đường nơi tôi ghé qua mua thêm chai nước suối, đã khiến tôi tự nhắc mình hãy lắng hơn để cảm mà nhận cho đúng và đủ hơn cái giá trị mãi còn. Cái câu nói rất chân tình của chị: “Để em lấy cho bác chai nước lạnh uống cho mát”, cùng cách mà chị đứng lên ra bên chiếc tủ bảo ôn tìm cho tôi chai nước mát, ngay khi mà tôi nhanh nhảu nhấc mấy chai nước trên mặt bàn và hỏi chị giá cả, chính là hình ảnh thực nhất chứng minh cho câu chuyện mà anh “cán bộ đường lối” – Trần Phúc Tuấn của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã nói với chúng tôi trên chặng đường hơn 100 km từ Thành phố Thanh Hóa lên đây, rằng: “Các anh lên Quan Sơn, sẽ thấy người ở đất này sống chân tình lắm”.
Tôi tin lời Tuấn nói. Bởi, chỉ mới biết nhau từ lúc đầu giờ chiều khi anh đến đón chúng tôi; nhưng, chính cái chân tình của anh – một người quê gốc mãi Thường Tín (Hà Tây cũ), nhưng sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, để giờ coi mình là trai Thanh Hóa, đã khiến không chỉ tôi mà mấy anh em nhà văn cùng đi, ai cũng vui vì ai cũng đều nhận ra: mình đã có thêm một người bạn mới.
Tôi tin lời Tuấn, bởi ngay khi chiếc xe rẽ vào cổng trụ sở UBND huyện, cái cách mà người bảo vệ đón và chỉ dẫn cho chúng tôi để xe vào đâu, cần phải liên lạc với ai, khi nhà báo Nguyễn Việt Thắng trình bày với anh công việc của cả đoàn; rồi, nụ cười và cái bắt tay của Hà Thị Mai – chị Trưởng phòng Văn hóa huyện với từng thành viên trong đoàn, đã thực sự mang lại cho tôi cái cảm giác như đang được ở chính quê mình.
Chiều ấy, tôi đã vin vào lý do “hơi mệt” để ngồi lặng lẽ ở một góc phòng, lắng nghe câu chuyện trao đổi của Mai, của Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện – Phạm Quang Huy, Lê Văn Thơ – Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Quan Sơn với mấy nhà văn trong đoàn; cho tới lúc tôi cảm rõ cái nồng nàn của “bàn tay nắm lấy bàn tay” mà các anh dành cho tôi, khiến chút e ngại ban đầu trong tôi bay biến mất.
Tôi có thói quen, đã hỏi chuyện ai, tôi hay nhìn thẳng vào mắt họ. Cái bắt tay, ánh mắt nhìn của những người sống thật và chân tình, bao giờ cũng chặt, ấm và ánh lên sự tin cậy, sẻ chia. Bởi vậy, phút tiếp xúc đầu tiên từ cái bắt tay ấy sẽ cho ta cảm giác ấm áp hay xã giao, chân thành hay khách khí. Với những người làm thơ, đặc biệt là thơ xuất phát từ cảm xúc, cái độ “rung” ấy sẽ chạm tới đâu chính là từ sự “cảm” này. Và, cái buổi chiều Quan Sơn ấy, trong hơi núi, hương rừng như phả xuống góc sân UBND huyện nơi tôi đứng, cái âm thanh bay bổng: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…” phát ra từ chiếc loa trên chiếc cột anten cao vút phía sau ngôi nhà UBND huyện, như lan dần, vang xa đến mỗi ngọn đồi, vách núi, dội vào để gọi dậy trong tôi cái cảm xúc bình yên ngày trở về với quê mình.
Chính cái cảm giác tin cậy và trân trọng nhau ấy, đã khiến ngay cả lịch công tác của chúng tôi cũng được điều chỉnh sao cho mỗi nhà văn sẽ tìm ra được một nét riêng khi ngắm con sông Lò vắt ngang chiều Thanh Hóa. Đêm ấy, tôi hầu như đã thức trắng, vậy mà 5h sáng hôm sau chúng tôi đã lục tục chuẩn bị lên đường, để theo như Hà Thị Mai nói: “Mời các anh kịp ăn sáng bên Lào”.
Tôi đã đến nhiều cửa khẩu biên giới giáp với các nước Trung Quốc, Campuchia, nhưng cái cảm giác thoải mái và gần gũi nhất vẫn là về thăm các cửa khẩu giáp nước bạn Lào. Hầu như mỗi lần đến thăm các cửa khẩu giáp Lào, tôi không chỉ được áp mặt vào cái cột mốc biên giới để ghi lại một khoảnh khắc đáng nhớ trong đời; mà lần nào ít cũng được tự do đi bộ qua nước bạn, ghé vào một quán nhỏ ven đường, khi thì mua cân gạo nếp cẩm, chai rượu Lào, lúc thì thưởng thức trái chuối, trái ổi, miếng đu đủ. Quốc lộ 217 - con đường lên với cửa khẩu quốc tế Na Mèo hôm nay đã được mở rộng, rải nhựa phẳng phiu, nên xem ra chuyện đi lại không còn là nỗi lo thường nhật, vì thế dòng người về với Na Mèo, đặc biệt là vào chợ phiên thứ bảy như đông hơn, vui hơn và cũng nồng ấm hơn.
Tôi đã gặp và trao đổi đôi điều với Thượng Tá Lê Văn Nguyên - Chính trị viên trưởng, Trung tá Đỗ Ngọc Vĩnh - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, để hiểu thêm cái đóng góp của những người lính Biên phòng luôn coi đồn là nhà, cửa khẩu là quê hương mà sống gắn bó máu thịt với dân, hiểu và cùng chia sẻ những khó khăn thách thức với họ như với những người thân yêu nhất. Cũng chính sự hy sinh thầm lặng này, cộng với bản lĩnh của người lính biên phòng nơi mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc, đã không chỉ giúp các anh bằng bản lĩnh chính trị, bằng trách nhiệm với tình cảm trân trọng bè bạn quốc tế đã từng ngày vun đắp, bồi tụ dày hơn, sâu sắc tình hữu nghị chân thành với các bạn Lào. Và, cũng chính từ sự gương mẫu, chân thành từ các anh, những quan hệ gần gũi thân thiện và tin cậy giữa bà con các dân tộc hai nước sống gần khu vực cửa khẩu này mỗi ngày như mỗi thêm gắn bó với nhau hơn.
Tôi đã nghe Thiếu tá Bùi Bá Ngọc - Phó Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, phụ trách trạm biên phòng cửa khẩu, cùng Thượng úy Trịnh Văn Dương - Phó trưởng trạm khoe rằng: “Bác mà đến vào ngày chợ phiên, bác sẽ thấy như được về chợ quê ngày phiên chính”.
Tôi không có điều kiện ở lại tới ngày họp chợ, chỉ được nghe Hà Thị Mai kể rằng: Dọc hai dãy phố gần khu vực trạm biên phòng cửa khẩu, người dân trong khu vực cũng như bà con bên bản Nậm Sôi, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn của Lào cũng qua đây buôn bán đông vui, náo nhiệt lắm. Các sản vật của rừng cùng hàng hóa tiêu dùng của Thái Lan cũng được bà con mang sang đây mua bán, trao đổi cùng bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh của Quan Sơn. Ngày ấy, du khách cũng về khá đông, bởi đây là dịp thuận tiện nhất cho họ khám phá một phiên chợ vùng cao, lắng trong tiếng khèn gọi bạn của các chàng trai Mông ngày xuống núi. Trong rực rỡ váy áo, trong rộn rã tiếng cười nói, trong ngân vang bay bổng tiếng khèn, xem ra cái màu áo cóm của các cô gái Thái Quan Sơn, mảnh đất có tới 80% là bà con dân tộc Thái, thực sự như làm bừng sáng hơn một góc trời biên giới.
Chúng tôi đã theo chân Mai, qua quán hàng của nàng Xu-li-văn Khô-mi-xay để ăn một bữa sáng trong tình cảm thật sự ấm tình bè bạn. Một thạp xôi nếp trắng, một đĩa tràng bò chấm với món chéo Lào, rau sống, măng luộc, muối vừng. Những món ăn dân dã mang đậm hương vị rừng khiến ngay cả Trung tá Đinh Việt Xô, trinh sát cửa khẩu, người chúng tôi tình cờ gặp tại quán nhà Viêng-xay, cũng tấm tắc khen cô gái Lào đến là chiều khách.
Đáp lại tình cảm của cô, mấy anh em ai cũng dành mua một chút măng khô mà Xu-li-văn giới thiệu là cô tự làm lấy. Thậm chí, cô còn cho cả số điện thoại Viettel và dặn rằng: “Các bác muốn mua nữa, cứ gọi điện cho nhà em”.
Chúng tôi chia tay Xu-li-văn, mang theo lời chào của cô gái Lào đất Nậm Sôi
Chợt xao lòng người và đất Quan Sơn
Về Quan Sơn, mảnh đất giờ vẫn in đậm dấu ấn và bản sắc văn hóa của người Thái, người Mường Thanh Hóa, không phải chỉ riêng tôi, mà chắc ai biết và luôn trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S này, chắc sẽ còn luôn mơ ước có thêm nhiều dịp trở lại đây. Trở lại để được đắm mình trong không khí ấm cúng mà trang nghiêm của Lễ hội Mường Xia, lễ hội tri ân Quan Tư Mã Hai Đào, người đã có công giữ bình yên cả một dải biên cương đất Mường Xia. Bởi, ngay cái tên Mường Xia thôi, đã chứa cả một kho huyền tích.
Chuyện xưa kể rằng: Ở Mường này ngày xa lắm, có hai vợ chồng ông Tạo Mường rất yêu thương nhau và yêu thương chăm chút bà con các bản thuộc Mường. Ông bà ở với nhau một thời gian thì sinh hạ được một cậu con trai khá kháu khỉnh. Tuy nhiên, cậu bé ra đời được ít ngày thì cha cậu – ông Tạo Mường đột ngột qua đời. Từ ngày ấy, bà Mường vừa một thân một mình nuôi con, vừa phải gánh sứ mệnh cai quản cả Mường. Thời gian trôi qua, bà Nàng cảm tình với một ông thầy dưới xuôi lên dạy học, nên sau đó quyết định làm lễ cưới nhau. Bà cũng lại sinh được một cậu con trai, nên càng nhất mực yêu thương chăm chút cho cả hai anh em. Năm tháng qua đi, hai người con ngày một lớn khôn, nên Cai Mường muốn chọn một trong hai người lên làm Tạo. Để thử tài của cả hai, một hôm Cai Mường thấy một con quạ bay qua nhà, nên yêu cầu hai anh em nếu ai bắn hạ được con quạ, người ấy sẽ được tôn lên làm Tạo Mường. Người anh giương cung lên bắn trước, mũi tên bắn trúng cánh con quạ, khiến nó sà xuồng, nhưng đến khi gần chạm đất nó lại bay vút lên. Người em bèn giương cung lên bắn, mũi tên rõ ràng bay vọt bên ngoài con quạ, nhưng chính lúc ấy, con quạ do đuối sức, lại rơi phịch ngay xuống dưới chân người em.
Thấy thế, ông Cai Mường cho rằng: Ý trời đã định phải để người em làm Tạo Mường, nên tuyên bố người em đã thắng cuộc và sẽ được lên làm Tạo. Người em lên làm Tạo không được bao lâu, nhưng do lòng dân không phục, nên lần lượt hết người bản nọ đến dân bản kia lũ lượt rủ nhau bỏ đi. Vì thế, Mường bị dân gian gọi là Mường Xia (chữ Xia có nghĩa là mất).
Bây giờ, Mường Xia không mất mà vẫn còn. Hàng năm, vào dịp mùng 10 tháng 3 dương lịch, người Mường Xia và các vùng xung quanh lại đổ về đây làm lễ tri ân Quan Tư Mã Hai Đào, bởi chính nhờ ông, Mường luôn được bình yên, đời sống bà con ngày càng no đủ. Ngày lễ tạ ơn ông, quanh khu vực đền thờ ông, không năm nào không có hàng đàn khỉ tới cả hàng chục con từ những cánh rừng sâu tìm về, như để bày tỏ lòng tri ân ông đã giữ lại được Mường, được rừng để chúng còn nơi sinh sống và phát triển.
Ngày về với Mường Xia, tôi đã thật sự ngỡ ngàng khi đón chúng tôi dưới chân đền thờ Quan Tư Mã Hai Đào, thuộc bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, không chỉ có Hà Văn Diệp - Trưởng ban Văn hóa xã, cùng Hà Văn Thế- phát thanh viên của Đài Truyền thanh xã, mà còn thấp thoáng bên đường bóng năm sáu cô gái trong dịu dàng màu áo cóm cùng những chiếc váy thêu rực rỡ hoa văn. Tôi chợt giật mình như đang được trở về Mường Xia ngày xa xưa, nhận ra ánh mắt, nụ cười duyên đáng của những cô gái Thái có tên: Hà Thị Phượng, Hà Thị Yến, Ngân Thị Khun, Ngân Thị Lý, Vi Thị Hoài Thu, với cả cô giáo Tày – Cao Bằng Lục Thị Ngân vừa về làm dâu bản Mường; hình như, họ đã đến đây chờ chúng tôi từ xa ngái tháng năm, để hôm nay họ dẫn chúng tôi trước tiên lên làm lễ Quan Tư Mã Hai Đào.
Thắp mấy nén nhang thành kính tưởng nhớ Quan, tôi cầu mong: “Đức Quan bấy lâu nay ban phúc lành cho dân, rủ lòng thương xót phù hộ che chở cho muôn dân sức khỏe dồi dào, mọi sự tốt lành, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm”; để rồi, tôi cứ cố mà tự giải thích, không biết có phải những đám khỉ đã tìm về tri ân Đức Quan trong ngày lễ kia, lại chính là vong linh của những người ngày xưa đã từng bỏ Mường về rừng mong tìm được một cuộc sống no đủ hơn? Bởi, không ai có thể tin được rằng, trong ngày lễ ấy, giữa cả một rừng người từ các vùng xung quanh đổ về, lũ khỉ cũng cố mà chen chân trong dòng người ấy, rồi lại ứa nước mắt mà lặng lẽ trở về rừng khi buổi lễ đã tan?
Chia tay Chung Sơn, đi sau cái sắc vàng cúc quỳ rực rỡ bay trên tà váy các cô gái Thái dẫn đường, chúng tôi về với bản Chanh để thêm một lần ngỡ ngàng với Quan Sơn, ngỡ ngàng về những gì người Thái ở đây đã làm?
Rừng Quan Sơn, rừng Sơn Thủy vẫn ngút ngát xanh. Hình như, ở Sơn Thủy không chỉ có luồng, keo, mà những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài gỗ quý, với lớp lớp thảm thực vật, đã và sẽ còn là câu trả lời đầy đủ nhất về trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi rừng, về tình yêu với rừng mà người Quan Sơn gìn giữ bấy lâu.
Ngắm dãy Pha Dua với hình hài kỳ lạ khi cứ luôn có hai ngọn núi đi với nhau một cặp, tôi có cảm tưởng hình như đấy giống như đôi “nhũ hoa”. Rồi, lại nghe Hà Thị Mai kể về Chuyện tình Pha Dua: Khi cô con gái nhà giàu ở Mường Xia yêu chàng trai người Mường Mìn, vì không lấy được nhau nên cùng bỏ lên núi, bắc thang tìm đường tới trời, để rồi họ cùng hóa thân vào rừng núi; Tôi đã nói với chị, với anh em đi cùng rằng: sự tưởng tượng của tôi xem ra cũng có lý phần nào. Những cặp “nhũ hoa” chọc thẳng lên trời ấy, như muốn nói rõ hơn cái sức sống trường tồn của tình yêu, của khát vọng được cháy hết mình vì tình yêu ấy.
Quan Sơn ngày tôi về mới qua một trận mưa rừng nên đường đến với Bản Chanh, suối Xia, hang Bo Cúng, cái hơi mát thấm sâu vào đất, vào núi nhờ có rừng giữ lại, rõ ràng đã làm dịu hẳn đi cái nắng “rám trái bòng” ngày tháng Tám mùa thu.
Mưa rừng khiến suối Xia hiền lành thế, hôm ấy xem ra cũng dữ dội khác thường. Để có lẽ, cũng từ cái khác thường ấy của suối Xia, khiến tôi tình cờ gặp được đoàn khảo sát lập dự án thủy lợi – thủy điện nhỏ - du lịch của Hội khoa học thủy lợi Thanh Hóa, do anh Phan Đình Phùng, nguyên là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, giờ đứng ra nghiên cứu để đầu tư xây dựng.
Nhìn dòng Xia, lại nhìn những Yến, Khun, Ngân, Phượng, Lý, Thu – các cô gái Thái dáng mảnh mai như liễu kia, tôi không hình dung nổi các em sẽ qua suối bằng cách nào trong lùng tùng váy áo. Nhưng, chính tôi, chính các nhà văn trong đoàn còn chệnh choạng, ngả nghiêng đến gần như ướt tới nửa người mới dò được từng bước trên suối. Còn, những bóng liễu mang theo rực rỡ sắc nắng hoa Cúc quỳ nở bung trên từng gấu váy ấy, cứ nhẹ nhàng mà bồng bềnh là là trên mặt suối trong sự ngỡ ngàng đến không tưởng của chúng tôi.
Qua suối, gặp anh Lữ Văn Sán, người chiến sĩ Công an mới nghỉ hưu, giờ tự nguyện vào trông coi, bảo vệ động Bo Cúng, anh bảo tôi: “Cái động đẹp lắm, nhưng em chỉ tiếc đến giờ vẫn chưa khai thác được nhiều”. Căn nhà sàn vợ chồng anh dựng ở đây, chính là chỗ dừng chân, nghỉ ngơi cho những ai muốn khao khát được khám phá thiên nhiên để được sống cùng thiên nhiên những phút giây đẹp nhất. Chúng tôi theo chân anh, đi bộ mươi thước trong vườn, rồi leo lên con dốc nhỏ dài chừng hơn trăm thước là tới cửa động.
Anh Sán kể rằng: Cách đây 22 năm, ông Lương Văn Thương - người của bản Chanh này, trong một lần đi săn thú đêm, đã bắn trúng một con cầy. Con cầy bị thương nên cố tìm đường thoát thân. Sáng sớm hôm sau, tiếc công rình bắn cả đêm, ông rủ mấy anh em, bạn bè lên núi tìm. Lần theo vết máu, đúng đến chỗ con cầy chui vào, ông và mấy anh em phát hiện một cửa hang nhỏ, lách vào mới ngỡ ngàng trước vẻ hùng vĩ và huyền ảo của động này. Bao nhiêu năm sau, Bo Cúng vẫn như nàng công chúa xinh đẹp ngủ quên trong rừng, để mãi gần đây nó mới bắt đầu được nhiều người biết đến.
Anh Sán mở cánh cửa sắt bên ngoài, mời chúng tôi lần lượt vào động. Cửa động hẹp, đường xuống lại hơi dốc mà sũng nước, nên chúng tôi phải vừa bám vào vách đá vừa dò dẫm từng bước. Động tối om, nhưng may mà Hà Văn Thế, Hà Văn Diệp đã khiêng theo một chiếc máy nổ nhỏ, cộng thêm việc anh Sán còn trang bị cho hầu hết anh chị em trong đoàn mỗi người một chiếc đèn chạy ắc-quy, treo lên trán, nên xem ra việc đi lại cũng dễ dàng hơn.
Tôi đã được đến không ít các hang động trong cả nước, nhưng quả thực vào đến động Bo Cúng, tôi luôn đi tới từ sự ngỡ ngàng thích thú này, đến sự ngạc nhiên say đắm khác. Những tầng tầng lớp lớp thạch nhũ, cái thì như mọc lên từ lòng động nhưng lại được xếp lên nhau thành nhiều tầng, nhiều lớp; cái thì buông rủ từ trần động thả xuống, mà với trí tưởng tưởng tượng phong phú, tôi tin đó sẽ luôn là những hình hài đẹp và sống động nhất.
Tôi không thể tin nổi, chui qua cái cửa hang bé nhỏ ấy, ngay lập tức mở ra trước mắt mình một không gian rộng đến không ngờ với cái trần động phẳng như căn phòng của một hội trường lớn. Có lúc, động lại chợt thu mình lại với hai vách đá dựng đứng, khiến ta có cảm giác như đang đi trong một đường hầm bằng đá. Những bãi đá, mạch ngầm như khía vào bàn chân ta dấu ấn thời gian, gọi ta được trở về với hoang sơ nguồn cội. Trong thấp thoáng ánh sáng hắt ra từ chiếc bóng đèn duy nhất, trong loang loáng ánh sáng lia ra từ những chiếc đèn nhỏ trên trán, tôi nhận ra sắc vàng cúc quỳ lung linh trên vạt váy Thái, màu sáng tinh khôi của cánh hoa ban trên thon thả tà áo cóm. Để rồi, chính tôi đã nghe Hà Thị Mai nói rằng: Khi du lịch động Bo Cúng phát triển, chúng em sẽ luôn có các hướng dẫn viên là những cô gái Thái, Mường như các em gái hôm nay đã đưa anh thăm động. Tôi tin điều ấy sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa nữa. Bởi, với một hang động kỳ vĩ, dài hàng cây số và hoang sơ đến nao lòng như thế, ai một lần trong đời không được biết, âu cũng là điều vô cùng đáng tiếc.
Chia tay anh Sán, tôi hẹn sẽ gặp lại anh ngày gần nhất, bởi khi đang ngồi viết những dòng này, bạn tôi - họa sĩ Thanh Toàn đã nhắc tôi phải sớm thu xếp để đưa anh và gia đình về bằng được Bo Cúng, suối Xia.
Trên đường quay về trụ sở xã, tôi đã cố ghé bằng được mấy gia đình đang dệt thổ cẩm để hỏi thăm Hà Thị Khuyến - cô gái người bản Hiết rằng: Em dệt hàng này để bán à? Và, tôi lại thêm một lần ngỡ ngàng trước câu trả lời của Khuyến: “Không. Nhà em cũng như mọi nhà, ai cũng có khung dệt. Nhưng, con gái Thái chúng em, chỉ mặc váy do mình dệt thôi”.
Tôi đã lên Tây Bắc nhiều lần, nên mê cái áo cóm với hàng cúc như đàn bướm của các cô gái Thái ở đây. Cái áo cóm may khéo đến nỗi, nom cô gái nào cũng thắt đáy lưng ong. Nhưng, về Quan Sơn - Thanh Hóa, cái váy Thái rực rỡ hoa văn, vàng óng cánh cúc quỳ trên nền đen đá núi, hình như cứ bay bồng bềnh không chỉ trong muôn nhịp xòe hoa, mà nó luôn bay lên cả khi băng rừng, qua suối.
Về Sơn Thủy, gặp các anh Vi Thanh Dón - Bí thư Đảng ủy, Ngân Văn Pắng – Chủ tịch HĐND, Hà Xuân Tân - Chủ tịch UBND xã, tôi hiểu hơn mong ước của người Thái Quan Sơn, muốn ai đã về Thanh Hóa, nhớ về Bo Cúng, Sơn Thủy, để một lần được thưởng thức cái nồng nàn men rượu lá, cái thơm phức pa pính tộp, cái dìu dịu của phặc chụp chấm cheo pá.
Mang theo những tình cảm từ Sơn Thủy về đến thị trấn huyện, tôi lại thêm một lần cảm động để luôn nhớ đến cái bắt tay nồng ấm và nụ cười cởi mở của anh Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, đã dành cả nửa buổi để chờ gặp mặt và chia tay các nhà văn.
Hai mươi năm, một Quan Sơn rất trẻ trung đang vươn lên từng ngày. Một Quan Sơn nồng ấm tình người luôn trăn trở trong mỗi bước vượt lên. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng những gì cảm được ở Quan Sơn, cho tôi thêm một lần tự nhận mình là người may mắn, khi trong thao thiết Quan Sơn, tôi đã xao lòng trước người và đất nơi đây.
Người gửi / điện thoại