Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THAN CỌC 6

Vũ Thảo Ngọc
 
GẶP NGƯỜI KỸ SƯ TRẺ TRÊN CÔNG TRƯỜNG THAN CỌC SÁU.
(Ghi chép của Vũ Thảo Ngọc)
 
       Mỏ than Cọc Sáu với tôi là ân nghĩa, là tuổi trẻ của tôi đã đi qua ở nơi lòng moong sâu thẳm ấy, mỗi lần trở về là cho tôi muôn vàn cảm xúc yêu thương và trân trọng, lần này cũng thế, tôi gặp chàng kỹ sư trẻ, và như gặp lại thời tuổi trẻ của mình…
 
Có một cơ duyên khi ai đó đươc trở về “nhà” cũ!
    Tôi nghĩ, thật là cơ duyên khi có dịp tôi gặp Đào Văn Đoàn, hiện là quản đốc phân xưởng Cơ điện ở Công ty Than Cọc Sáu, tôi nói cơ duyên vì Mỏ than Cọc Sáu là nơi tôi đã từng gắn bó và có những năm tháng thanh xuân sôi nổi và có nhiều họat động sôi nổi của mỏ than Cọc Sáu hơn 30 năm trước. Về lại “nhà” mình tôi đã gặp lại nhiều các bạn trẻ hơn tôi ngày tôi ở đấy, họ là “dàn đồng ca” của những tháng năm thanh xuân gắn bó với Cọc Sáu đến bây giờ ngay sau khi họ tốt nghiệp đại học là về làm mỏ, từ anh giám đốc Công ty Nguyễn Văn Thuấn, phó gián đốc Trần Sơn Hà, Nguyễn Văn Bình... họ là những cán bộ chủ chốt của Cọc Sáu hôm nay. Họ, một thế hệ trẻ rạng ngời và mang trên vai sứ mạng của người thợ mỏ trẻ hôm nay. Họ, một thế hệ trẻ sáng tạo, đam mê, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng cống hiến…
  Sở sĩ tôi nói cơ duyên, vì Phân xưởng Cơ điện hiện giờ lại quản lý tổ bơm thoát nước moong của mỏ, mà thời tôi còn làm việc thì công trường có đơn vị bơm moong lại thuộc về công trường Xúc Tả Ngạn. Có lẽ vì thế, những cái thân quen ấy cứ khiến tôi nôn nao về nơi tôi đã trưởng thành, niềm tự hào dội lên trong trái tim mình, tôi nhớ ngày được kết nạp vào Đảng ở công trường nơi làm việc là lòng moong sâu thẳm ấy. Giờ nhìn vóc dáng xốc vác của Đào Văn Đoàn tôi như nhận thấy thời tuổi trẻ của thế hệ tôi như vẫn còn hiện diện ở đây, nơi tầng mỏ đầy nắng gió nắng này.   Mỏ than Cọc Sáu với tôi là ân nghĩa, là tuổi trẻ của tôi đã đi qua ở nơi lòng moong sâu thẳm ấy, mỗi lần trở về là cho tôi muôn vàn cảm xúc yêu thương và trân trọng, lần này cũng thế, tôi gặp chàng kỹ sư trẻ, và như gặp lại thời tuổi trẻ của mình…
   Những cảm xúc hai trong một và thậm chí là một trong nhiều cảm xúc khi tôi bước chân trở lại thăm Công ty than Cọc Sáu mùa hè này. Tôi đã gặp anh Quản đốc trẻ Đào Văn Đoàn, như gặp lại tuổi thanh xuân của mình từng gắn với cả hai công việc bơm thoát nước moong và thợ điện dân dụng trước khi tôi đi học rồi chuyển công tác khỏi mỏ luôn từ mùa thu năm 1999. Vừa nhắc hỏi Đoàn về mỏ năm nào, thì chàng quản đốc cười tươi, em biết chị mà, em về mỏ được hai năm thì chị chuyển đi. Tôi quá ngạc nhiên, Đoàn bảo, ngày đó ngày nào chị có tin bài trên đài Truyền thanh mỏ, chị viết báo, mỏ mình ai cũng biết mà. Tôi lại càng hân hoan về cái tình thân ấy được nhân lên từ Đoàn. Như thể tôi vẫn ở đây, với Cọc Sáu tầng mỏ của tôi mà chưa bao giờ tôi dời khỏi nơi này. Hạnh phúc của người được trở lại “nhà cũ” có lẽ là hạnh phúc này đây!
   Gặp Đoàn tôi như gặp chính mình những ngày tháng đã gắn bó ở nơi đầy nắng gió và gian khổ này, trong câu chuyện của chị em tôi, đều tâm đắc lời Bác Hồ năm xưa: “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Vì nhân câu chuyện đưa đà tôi đã hỏi Đoàn, sao có nhiều sự lựa chọn mà em vẫn…ở mỏ. Đoàn cười, không vội trả lời còn hỏi lại tôi, chị cũng thế, cứ …về mỏ với vô vàn công việc đấy thôi. Tôi thần người, ừ nhỉ. Chất thợ mỏ của chúng tôi cứ đọng mãi trong tiếng cười sảng khoái của Đoàn trong một chiều ở công trường giữa mùa mưa và những cơn mưa cứ xối xả như dâng lên niềm cảm xúc trong chúng tôi.
   Tôi bâng khuâng đứng bên hàng cây dâu da đang trĩu những vồng hoa trắng, thấy vậy, Đoàn bảo tôi, chị lại nhớ Cẩm Phả với mùa hoa dâu da trắng rồi, ở Cẩm Phả ai cũng ấn tượng với màu hoa dâu da trắng phố, nên hàng dâu da kia em trồng đấy, vừa có bóng mát, lại có quả ăn, lại có niềm vui tan ca đi qua hàng dâu da ấy. Tôi ớ người, chàng quản đốc này thật hóm, thật lãng mạn. Công việc của một cán bộ quản lý kỹ thuật bề bộn với cả núi công việc mà vẫn đầy lãng mạn khi được thong thả một chút với khách đến nhà đây.
   Tôi gật đầu với Đoàn và nhìn về phía tầng than đầy ắp những ưu tư khi đang là mùa mưa rồi, luôn là nỗi trăn trở của cả mỏ khi những vỉa than cuồn cuộn trong vòng xoáy của vỉa tầng kia, chỉ trong chốc lát bị nhấn chìm vì những cơn mưa sau tiết Cốc Vũ hàng năm. Ở nơi ngày ngày những người thợ mỏ luôn gắn bó với nhau đoàn kết và có tinh thần tương thân tương ái thiện nhân nhất. Tôi là người đi xa trở lại, nghe Đoàn kể mà thấy vui trong lòng, “nhà cũ” đón tôi về trong cơn mưa vừa dứt, thân thương và sâu lắng như cơn gió vừa thổi từ đáy moong thẳm sâu lên đỉnh đồi cao kia lồng lộng khung trời của mỏ!
 coc6c
Chàng kỹ sư luôn đau đáu vì những người thợ của mình ở Phân xưởng.
     Đào Văn Đoàn tốt nghiệp đại học Mỏ - Địa chất năm 1996 là về nhận công tác tại Mỏ than Cọc Sáu, ba năm sau, năm 1999 Đoàn được kết nạp Đảng. Bố mẹ Đoàn nguyên là công nhân Xí nghiệp Vận tải Cẩm Phả ngày xưa, nhà Đoàn tính đến nay sắp bốn đời gắn bó với tầng mỏ vùng than Cẩm Phả. Chúng tôi lan man chuyện của hôm qua, chuyện hôm nay, thì Đoàn kể, gia đình anh có ông chú từng bị giặc Pháp bắt và hành hình ông trong những ngày nổ ra cuộc Bãi công năm 1936 ở Cẩm Phả. Bây giờ, mỗi dịp giỗ cụ, các bậc bề trên vẫn kể về người công nhân thời năm 1936 ấy là nỗi đau của một thời kỳ người thợ mỏ còn bị áp bức bóc lột. Nhưng ông chú ấy mãi mãi là niềm tự hào của các con cháu dòng họ Đào từ Phủ Lý (tỉnh Hà Nam theo dòng người mộ phu ra vùng mỏ Cẩm Phả) của đại gia đình lớn Đào Văn Đoàn. Kể về câu chuyện ấy không phải để nhắc lại câu chuyện đầy bi phẫn của thế thợ mỏ đầu thế kỷ 20 trong vòng áp bức của thực dân Pháp, mà kể lại để bây giờ các thế hệ con cháu biết để trân trọng quá khứ, trân trọng những ngày tháng của dân tộc Việt Nam hôm nay đã có nền độc lập, hòa bình và người công nhân luôn được Đảng và Nhà nước có các chính sách đãi ngộ, đề cao và quan tâm đúng, trúng trong mọi mặt đời sống văn hóa tinh thần...
    Đoàn kể, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất năm 1996 thì chàng kỹ sư trẻ đã về nhận công tác tại mỏ than Cọc Sáu. Công việc bắt đầu với những hành trình bình thường như mọi người thôi, dù khi còn là kỹ sư trẻ vừa ra trường, đến khi được đề bạt là phó quản đốc rồi quản đốc, dù ở vị trí nào anh cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Do phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Công ty, Đoàn từng làm việc ở Phân xưởng vận tải, rồi đảm nhận các vị trí nhiệm vụ khác, và giờ thì là gắn bó với Phân xưởng Cơ điện.
   Mỗi ngày làm việc lại giúp Đoàn có thêm kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, mỗi ngày đi qua, mỗi ngày đối mặt với khối lượng công việc sữa chữa điện, đảm bảo an toàn thông suốt trong sản xuất ở mỏ. Đó là hoạt động chính của nghề sửa chữa điện mỏ mà Phân xưởng cơ điện của Đoàn đảm nhận. Nhưng, anh luôn đau đáu với một tổ thợ thuộc diện quản lý của Phân xưởng là tổ bơm thoát nước moong. Tổ sản xuất nằm sâu dưới lòng moong khổng lồ kia là khiến Đoàn luôn đau đáu nhất vì điều kiện làm việc ở vị trí này bây giờ được coi là điểm “nóng”! Nếu ai chưa đến Cọc Sáu, chắc hẳn có kể về sự “dữ dội” ở đáy moong nước khổng lồ kia sẽ không thấu hiểu được những gian khó mà người thợ ở đây đang ngày đêm gắn bó.
   Lòng moong đã ở độ sâu mức trên dưới 300 so với mực nước biển, địa hình khai thác đang vào độ khó khăn nhất của Cọc Sáu. Vị trí đặt bơm và người lao động ở khu vực làm việc này thật sự là những thách thức người lao động gắn bó với nghề bơm moong. Ngày tôi còn làm việc và trước thế hệ tôi, mực sâu đáy mỏ chưa đến âm 100 so với mực nước biển, rồi xuống sâu hơn chút nữa, các máy bơm công suất lớn tối đa là 2000 mét khối giờ, người thợ bơm nước mắc bệnh ù tai vì tiếng ồn quá lớn khi ngày ngày làm việc trực tiếp như thế.
    Còn bây giờ là các bơm có công suất nhỏ phù hợp với điều kiện hiện tại, đặt ở từng hố bơm trong phạm vi khai thác xuống sâu, thì lại là một thách thức lớn cho người lao động ngày ngày 3 ca đến làm việc bơm thoát nước để đảm bảo điều kiện đáy mỏ không bị ứ nước phục vụ nhiệm vụ khai thác than.
  Bây giờ đứng trên đỉnh bờ moong nhìn xuống đáy moong thật sự là…thẳm thẳm muôn lời không thể mô tả được, và đứng ở đỉnh bờ moong hôm nay không thể đếm được các vị trí bơm moong gắn ở các hố bơm dưới đáy mỏ vời vợi kia. Không cần nghe Đoàn kể hết thì tôi cũng đã thấu hiểu nỗi lo toan của Đoàn với người công nhân vận hành bơm thoát nước moong. Từ trăn trở luôn nghĩ đến người lao động, vì người lao động, Đoàn mạnh dạn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngay ở Phân xưởng của mình. Mỗi sáng kiến đã làm dầy thêm những tích lũy vốn sống, vốn kiến thức về chuyên môn mà Đoàn luôn nỗ lực học hỏi.
   Là cùng với công nhân Phân xưởng, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm phân xưởng đều trồng bổ xung quanh phân xưởng, để tạo nên cảnh quan luôn tươi mát và góp phần làm cho sự mệt nhọc của người công nhân cũng được giảm thêm khi được nghỉ giữa ca, sau những công việc sửa chữa máy móc nặng nhọc. Là môi trường của Phân xưởng cứ xanh tràn cây lá như ở nhà mình, khiến tâm hồn người thợ bớt những âu lo cuộc sống…
    Tôi đến và nghe Đoàn kể chuyện với một tâm thế rất đỗi thoải mái, cởi mở, tâm thế của một người trẻ mang trên vai sứ mệnh của người biết lo toan, biết gánh vác và phụng sự. Tâm đắc nhất của Đoàn là làm sao cho công nhân của mình có điều kiện làm việc được cải thiện tốt nhất. Là có năng suất cao, có thưởng nhiều, tăng lương..   với tư cách quản đốc phân xưởng, đôi khi anh lẳng lặng lấy tiền của mình bỏ thêm vào tiền thưởng trực tiếp đến người lao động đã kịp thời động viên được cán bộ, công nhân phân xưởng mình khi hoàn thành công việc. Đoàn bảo, quan tâm đến người lao động để họ luôn có động lực phát triển khả năng sáng tạo của mình, là để họ gắn bó với đơn vị hơn, khi mà sự cạnh tranh lao động ở ngoài xã hội hiện nay đang là vấn đề rất đáng phải lưu tâm, nếu mình ở vị trí quản lý. Ồ, tôi ngỡ ngàng khi nghe Đoàn nói thế, ngày trước được vào làm công nhân mỏ là sự lựa chọn số một, bây giờ là lựa chọn số hai hay số ba rồi khi mà thị trường lao động ở các khu vưc doanh nghiệp trong nước, ở khu vực xuất khẩu lao động đã hiện diện khắp hang cùng ngõ hẻm, người thợ mỏ cũng có nhu cầu lựa chọn riêng của họ. Mình không khéo làm công tác tư tưởng, không khéo trong các khâu quản lý lao động bằng các thiết chế của nhà nước, của công ty, của phân xưởng, phần còn lại chính là ở người làm nhiệm vụ quản lý. Nếu ở vị trí đó, không khéo trong cách điều hành của mình, người công nhân không có tư tưởng thoái mái, họ có thể dời đi bất cứ lúc nào. Ngày trước chỉ có mỗi mỏ là nơi giữ chân họ, giờ thì nhiều cánh cửa các công ty ngoài ngành mỏ mở cửa đón chào họ với những đãi ngộ còn có mức tốt hơn ở mỏ, thì họ cũng sẽ nhanh chóng tìm cách dời đi…
    Tôi nghe Đào Văn Đoàn nói chuyện mà thấy bây giờ, với cương vị một quản đốc phân xưởng như Đoàn là một vai trò khá nặng, khi phải đối diện với nhiều thách thức của công việc Công ty giao theo kế hoạch, công việc đột xuất, lại phải đối diện với nhiệm vụ làm công tác tư tưởng cho người công nhân thông suốt, để họ gắn bó với Phân xưởng dài lâu. Với tinh thần đó, Đào Văn Đoàn luôn là người đầu tầu gương mẫu đúng tinh thần đảng viên đi đầu.  
    Chúng tôi lan man nhiều chuyện khác về mỏ, về công việc, Đào Văn Đoàn cứ sôi nổi cuốn hút chúng tôi vào câu chuyện của anh, như thể có dịp được giãi bày những tâm tư của mình, của một người thợ mỏ, một cán bộ quản lý cấp phân xưởng nhưng đầy trăn trở giữa bộn bề cũ mới với tôi, người trở lại thăm “nhà cũ” đầy thân tình!
Là một ngày mưa to, nơi moong sâu vẫn líu ríu những chị vận hành bơm nước, họ lấp ló trong cái khoảng trống mênh mông thăm thẳm đó với công việc rất bình thường nhưng vô cùng đặc biệt. Ở Công ty than Cọc Sáu, mọi người mệnh danh họ là các “chiến binh” bởi đặc tính công việc khắc nghiệt đó. Còn tôi, là người trưởng thành từ lòng moong ấy từ hơn 30 năm trước, tôi vẫn coi là đồng đội của họ - tôi và họ đều là những người lính thợ cần cù, không cần gọi là chiến binh, cái mỹ tự đó cứ thấy nó to tát quá, dù là sự suy tôn của đồng nghiệp! Chứ họ, như anh quản đốc Đào Văn Đoàn bảo, họ bình thường lắm, nhưng can trường lắm, họ tự biết vượt lên khó khăn cụ thể trongncông việc để hoàn thành công việc hàng ngày. Họ đã và đang mang trên vai của công việc mà chỉ có những người thợ mỏ yêu nghề, yêu mỏ, trái tim đủ lấp đầy tình cảm với mỏ của họ thì kệ mưa nguồn, chớp bể, họ vẫn gắn bó với công việc mà không bì tị.  
   Tôi nghe Đoàn tâm sự thế, chợt nghĩ đến câu của các thế hệ đi trước đã khẳng định “cán bộ nào phong trào ấy”, và ở đây tôi gặp quản đốc Đào Văn Đoàn là thế hệ cán bộ như thế. Là một lớp cán bộ mẫn cán như thế, sẵn sàng cống hiến trí tuệ, sức lực của mình vì công việc, và sẵn sàng chia sẻ những gì sâu sa nhất của cuộc sống để 150 cán bộ, công nhân của Phân xưởng luôn sát cánh bên nhau hoàn thành xuất sắc các nhiệm cụ được giao.
   Với vai trò là Bí thư chi bộ Phân xưởng có 47 đảng viên ở mọi lứa tuổi trình độ, họ luôn là hạt nhân nòng cốt của phong trào, là những người đi tiên phong trong mọi nhiệm vụ công việc ở Phân xưởng. Những người đảng viên của chi bộ luôn gương mẫu, đi đầu, và đồng chí quản đốc Đào Văn Đoàn là một trong những tấm gương lao động tiêu biểu, anh xông xáo, tận hiến vì công việc, cho công việc của Phân xưởng Cơ điện mà anh gắn bó như máu thịt.
   Có được thành công với các thành tích mà Phân xưởng đạt được trong thời gian qua, như từ 2017 đến 2022 Chi bộ Phân xưởng Cơ điện được công nhận là Chi bộ xuất sắc của Công ty, được nhiều khen thưởng của các cấp như Bộ Công thương, ban Quản lý vốn Nhà nước, Tập đoàn TKV… Và đặc biệt Phân xưởng có 72 cácn bộ, công nhân được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp Công ty; có 08 cán bộ, công nhân là Chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn TKV…
   Với đặc tính của người vốn dĩ năng nổ, xốc vác công việc, luôn mang trong trái tim nhiệt huyết tuổi trẻ sẵn sàng xả thân vì công việc, sẵn sàng cống hiến vì sự nghiệp chung, Đào Văn Đoàn luôn được các công nhân, cán bộ trong phân xưởng tin yêu và quý trọng. Một cán bộ trẻ nhiều năng lượng trong công việc, ấm áp trong cư xử, nên mọi việc ở Phân xưởng cứ thế ổn định và đi vào nề nếp khi có một người đầu tầu luôn xác định Phân xưởng là nhà, công việc là tình yêu của mỗi người thợ, để kết nối gia đình người thợ Phân xưởng cơ điện luôn đoàn kết gấn bó trong từng ca sản xuất và kể cả khi đã về với gia đình thân yêu của mình.
   Để có được mọi việc trong ấm ngoài êm, thì chàng kỹ sư mỏ Đào Văn Đoàn- Quản đốc Phân xưởng cơ điện của Công ty cổ phần Than Cọc Sáu có một gia đình êm ấm, hạnh phúc, vì Thủy - vợ Đoàn cùng là “dân mỏ”, họ có chung một ngôi nhà lớn là Công ty cổ phần Than Cọc Sáu nên có nhiều điều chia sẻ, cảm thông và đồng cảm chia sẻ mọi vui buồn cùng nhau. Có hậu phương vững vàng nên Đào Văn Đoàn yên tâm chăm lo công việc của Phân xưởng, rèn cặp tay nghề cho các thợ đã lành nghề sẽ giỏi nghề hơn, chưa lành nghề sẽ có tay nghề giỏi, để thu hút được nhiều đơn hàng về Phân xưởng sữa chữa là nhờ uy tín ở cánh thợ có tay nghề cao đó.
   Chia tay quản đốc Đào Văn Đoàn ở Phân xưởng, trời Cọc Sáu lại như sắp đổ trận mưa lớn, Đoàn vừa làm việc vừa ghi chép vào sổ sách giấy tờ gì đó, biết tôi chào về, Đoàn vẫn quay ra bảo tôi, chị đợi em chút rồi hãy về. Tôi nán lại một lát thì hóa ra có một anh công nhân xách lên cho tôi mấy quả xoài cỡ lớn. Đoàn bảo, chị cầm về thưởng thức xoài chúng em trồng trên than nhé. Xoài trên đất than, mà là cây xoài do giám đốc Công ty Nguyễn Văn Thuấn trồng tặng Phân xưởng đấy chị ạ. Tôi quá ngỡ ngàng, ôi, tôi bật lên, giám đốc Thuấn cũng mê trồng cây à em. Vâng, chị ạ, Đoàn đáp, anh Thuấn khuyến khích các công trường lưu tâm đến môi trường cảnh quan đơn vị lắm. Phân xưởng và các đơn vị khác đều có cảnh quan môi trường xanh sạch và đẹp, và hoa trái trĩu quả bốn mùa đấy chị ạ. Ồ, thế thì anh em cậu đúng là … phát sóng cùng tần số rồi. Chúng tôi cùng cười đùa, và tôi thật sự thích thú mấy quả xoài có lẽ đến hơn kilogam một quả. Thật lạ, là những quả xoài từ cây trồng trên đất than mà như là nó được trồng ở nơi có đủ điều kiện sinh trưởng, chứ không phải ở nơi đây. Trong tôi, một liên tưởng chợt dâng lên. Như là chàng kỹ sư trẻ Đào văn Đoàn ấy, học xong đại học là về mỏ, và hôm nay, chàng ấy đã vững vàng phát triển đúng mảnh đất hạt giống được gieo. Là mảnh đất mà ông bà, cha mẹ đã gắn bó, thì đương nhiên chàng kỹ sư ấy đã như hạt giống được gieo đúng miền đất để sai hoa, kết trái, và Đoàn đã và đang góp phần làm đẹp thêm phẩm chất của những người thợ mỏ than Quảng Ninh thế kỷ 21. Và chắc chắn hạt giống được gieo đúng nơi hợp thổ nhưỡng khí hậu thì phải hơn hẳn những cây xoài được trồng trên mảnh đất than bụi mà vẫn ra hoa, kết trái và cho những mùa quả trĩu tay người hái kia.
   Tôi chào Đoàn ra về trong tiếng cười rất sảng khoái của chàng kỹ sư mỏ trẻ trung ấy. Trong tôi chợt ngân lên câu hát thời thanh niên của chúng tôi mà hình như bây giờ các bạn trẻ vẫn hát “tuổi thanh xuân như chim tung bay, đến với núi rừng hay hải đảo xa, một trái tim tình nguyện một dòng máu yêu thương, …đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên…” trong bài hát có nhắc lời Bác Hồ kính yêu chắc là Đoàn vẫn thuộc như tôi, cứ ngân vang, ngân vang trên con đường từ trên mỏ theo tôi về thành phố. Tạm biệt “nhà cũ”, lòng tôi mang theo biết bao cảm xúc. Nhất là trở lại nơi tôi từng đứng dưới cờ Đảng tuyên thệ ngày được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tại lòng moong sâu thẳm ấy, giờ là Đoàn, và nhiều bạn trẻ khác, đang tiếp nối hành trình thanh xuân của thế hệ đi trước đầy sức trẻ. Chỉ biết chúc chàng kỹ sử trẻ sẽ nhận thêm nhiều danh hiệu xứng đáng, nhưng danh hiệu xứng đáng nhất mà Đoàn đã làm được đó là người quản lý cấp phân xưởng nhiệt huyết và biết truyền cảm hứng đến mọi người trong công việc. Đoàn đúng là một cán bộ trẻ, là người của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh luôn tiên phong và là cánh tay phải đắc lực của Đảng.

Hạ Long, 7/2023
V.T.N
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 63
Trong ngày: 212
Trong tuần: 731
Lượt truy cập: 439846
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.