Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

SỰ IM LẶNG CỦA NƯỚC

Phan Xuân Hậu
 screenshot_1553
Hội viên Hội VHNT Nghệ An 
Tác phẩm:
 Đã in :
Tập truyện ngắn Đá Đỏ- nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2020
Tập truyện ngắn Người đẹp làng Quỳ - nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2023.
Nhiều truyện ngắn, thơ, ký đăng ở nhiều báo, tạp chí trung ương và địa phương (báo Văn Nghệ - Hội nhà văn, báo Lao Động, báo Giáo dục và thời đại, báo Tiền Phong, báo Quân đội nhân dân cuối tuần....)
Giải thưởng báo chí và văn học:
Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Lao Động, báo Sức khỏe và đời sống, tạp chí Kiến thức gia đình, báo Nghệ An, nhóm Facebook Làng Việt.
Địa chỉ và số điện thoại của tác giả:
 xóm Phan Đăng Lưu, xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An.
Đt: 0989460673 – Email: : phanxuanhau6@gmail.com


SỰ IM LẶNG CỦA NƯỚC
 
Hàng xóm của tôi có một người bị câm. Cô ta tên là Hằng. Hằng bị câm bẩm sinh. Ông nội Hằng là một nhà nho kiêm thầy thuốc đông y nhưng ông lại nghiện thuốc phiện. Ông thường bớt các vị thuốc của khách để chi tiêu cho thú vui xa xỉ của mình nên dân dần mất khách và khi không còn ai đến kê đơn bốc thuốc nữa thì ông chỉ còn biết làm ruộng. Mà làm ruộng thì ông không quen, vì thế gia cảnh sa sút và ông trở nên nghèo túng. Con trai ông học giỏi nhưng vì điều kiện ngặt nghèo nên chỉ học hết cấp hai thì bỏ. Hằng là cháu út, khi sinh ra thì ông nội đã mất. Thành thử, Hằng chỉ biết ông nội qua lời kể. Mà Hằng thì không nghe được không nói được mà chỉ hiểu qua cử chỉ nên khi người ta chỉ tấm ảnh ông nội với tư cách là trưởng họ(1)   được treo trong nhà thờ và nói gì đó thì Hằng phản ứng bằng cách lắc đầu nguầy nguậy. Hằng về ra dấu hỏi cha, cha Hằng ôm con vào lòng dàn dụa nước mắt.
Lớn lên, Hằng đi học ở trường SOS.  Trường ở gần nên Hằng hay về nhà. Những lần về nhà bị bạn trong xóm trêu chọc thì Hằng buồn và hay gửi gắm nỗi buồn vào thơ. Thời đó chưa có điện thoại để đăng lên phây như bây giờ nên Hằng ghi vào sổ tay. Có lần cô giáo vô tình đọc được bài thơ của Hằng, cô bèn khuyến khích Hằng gửi cho các báo đài. Hằng gửi đi mấy lần mà không có hồi âm. Bỗng một hôm, Hằng đang cùng nhóm bạn chơi đầu ngõ thì có đứa học sinh đến hỏi:
- Nhà bà Nguyễn Thúy Hằng ở đâu các chị?
Một đứa nhanh nhảu đáp:
- Ở đây không có bà nào tên Hằng. Chỉ có con Hằng câm đang chơi đàng kia kìa.
Rồi nó chỉ tay về phía cô bé học lớp 9 đang chơi với mấy đứa bạn.
Thằng bé đi lại hỏi Hằng:
- Của chị đây phải không?
Hằng đưa tay ra nhận một gói bưu phẩm ghi tên mình với dòng chữ: Kính gửi bà Nguyễn Thúy Hằng, địa chỉ: ...
Suy nghĩ một chút rồi Hằng gật đầu.
Hằng cầm gói bưu phẩm chạy về và mở ra xem. Hằng không tin vào mắt mình. Bên trong là một tờ báo có chữ kính biếu màu đỏ. Hằng mở  ra thấy bài thơ của mình in trang trọng với  phần ghi tên tác giả:
Nguyễn Thúy Hằng (số nhà 778, đường Nguyễn Đình Chiểu…).
Thì ra, thằng bé đó được mẹ là bưu tá sai đi chuyến thư cho Hằng. Nó có thằng anh tên là Hùng.
Một lần rồi hai lần cho đến lần thứ ba thì Hằng đã quen với thằng Hùng, con của người bưu tá chuyên chuyển báo biếu cho Hằng. Thằng Hùng chính là đứa hay làm Hằng tổn thương nhất. Hằng làm thơ lần đầu tiên sau khi bị nó nói một câu làm Hằng rơi nước mắt.
Cứ thế, Hằng học hết phổ thông và trở thành hội viên trẻ nhất của Hội VHNT tỉnh.
Nhưng Hằng không thi đại học.
Hằng biết, với dị tật bẩm sinh của mình thì không thể đi dạy được cũng không thể trở thành nhà báo hay cán bộ công chức gì đó được. Làm nhân viên văn phòng ở một công ty nào đó cũng rất khó. Vì thế, Hằng ở nhà giúp mẹ sản xuất nông nghiệp và tiếp tục làm thơ .
Rồi khi công ty may gần nhà thành lập, Hằng đi học nghề và được nhận vào làm công nhân .
Làm công nhân thì không cần phải trao đổi nhiều. Tay nghề của Hằng lại khá nên công việc của Hằng cũng suôn sẽ thuận lợi. Khi trao đổi công việc, Hằng chỉ cần lắc đầu hoặc gật đầu. Ví dụ, người ta hỏi: Xong chưa? Nếu chưa xong thì Hằng chỉ lắc đầu, còn xong rồi thì gật. Vì vậy, xếp loại ABC tay nghề, Hằng thuộc luôn xếp loại A. Lương của Hằng thuộc hàng cao so với đồng nghiệp.
Rồi Hằng lấy chồng. Chồng Hằng là một người đàn ông hay gặp Hằng khi anh vào công ty sửa chữa đường dây điện. Thấy Hằng xinh đẹp thì lân la làm quen. Biết Hằng chỉ có thể ra hiệu nhưng anh ta vẫn yêu và quyết tâm cưới Hằng bằng được. Vượt qua rào cản lớn nhất là người mẹ khó tính nhưng rồi cũng qua khi bà mẹ phải chấp nhận trước quyết tâm cao của người con trai duy nhất.
Đám cưới của Hằng được tổ chức vào một ngày đầu xuân sau khi hai người yêu nhau được sáu tháng. Đám cưới có mặt giám đốc, ông tặng hai vợ chồng một món quà là chiếc áo dài. Hằng chỉ mới mặc chiếc áo đó đó một lần duy nhất khi được đi du lịch cùng công ty ở Đà Nẵng.
Mẹ chồng Hằng, tên Linh, chồng tên Chưởng. Ông chồng này có nghề thầy cúng. Mỗi lần đi cúng, ngoài tiền công ra thì  ông còn đem về rất nhiều bánh trái. Hằng có hai đứa con, thường xuyên dược ông bà cho cho ăn bánh trái. Không biết có phải ăn nhiều hay không mà đứa nào cũng béo ụ. Ông Chưởng là người từ tốn và hiền hậu. Ông coi con dâu như con ruột nhưng bà Linh thì cay nghiệt với Hằng lắm.
Lần nọ, mới bảy giờ tối, tôi nghe bà Lương nói:
- Bảy giờ tối rồi mà chưa về  thì chỉ có hú hí với ai đó chớ tăng ca gì mà tăng .
Tiếng ông Chưởng:
- Thì bà gọi điện hỏi nó xem?
- Hỏi mà mà xem nó ra dấu à?
- Ừ, thì bà gọi zalo xem thử?
- Tui không biết dùng Zalo. Ông biết thì đi mà gọi.
Bà Linh vừa nói xong thì có tiếng xe máy rè rè. Hằng đã về và tiếng bà Linh thôi chì chiết.
Vợ tôi là tổ trưởng tổ công nhân mà Hằng đang làm. Có lần, bà Linh sang đứng trước cổng nhà chúng tôi gọi:
- Cô Hoài ơi! Cô Hoài!
Tôi ra cổng thì thấy bà Linh đang đứng. Thấy tôi, bà hỏi:
- Cô Hoài về chưa chú.
- Chưa bác ạ.
Nghe tôi nói xong thì bà Linh ra về, miệng không thôi lẩm bẩm:
- Đi làm gì mà tối mịt rồi chưa về.
Mười lăm phút sau, vợ tôi về. Tôi nói:
- Lúc nãy bà Linh sang hỏi em có việc gì ấy.
- Bà ta kiểm soát con dâu chứ có chuyện gì. Bà gọi điện hỏi em rồi, bà ấy hỏi có tăng ca không mà về muộn thế?
Hằng đẹp không nhất thì cũng nhì công ty. Điều đó thì nhiều người thừa nhận.
Hôm Hằng đi du lịch cùng công ty ở Đà Nẵng, Hằng mặc chiếc áo dài do giám đốc tặng khiến ai cũng trầm trồ vì đẹp.
Bẵng đi mấy ngày không thấy bà Linh to tiếng. Cũng không thấy Hằng đi làm như mọi ngày. Tôi hỏi vợ tôi thì được biết: do chịu không nổi mẹ chồng nên hai vợ chồng Hằng đã đi thuê nhà trọ ở riêng. Nhà trọ chỉ cách công ty vài trăm mét.
Vợ chồng Hằng ra ở nhà trọ, có người tò mò hỏi:
- Vợ chồng nhà nó ra ở riêng làm gì cho tốn tiền thuê nhà trọ.
Tiếng một người khác:
- Chịu không nổi mẹ chồng mới phải đi thuê nhà trọ chứ hay gì mà phải đi thuê nhà.
- Có khi nào thấy họ cãi cọ gì đâu mà.
- Cãi gì mã cãi. Mẹ chồng thì to mồm, con dâu thì chỉ biết ra dấu, to tiếng sao được mà to.
   Chồng Hằng là thợ điện. Anh này tên là Hân. Hằng thì không nói được nhưng Hân thì ngược lại, miệng khi nào cũng toang toác. Có lần, Hân to tiếng cãi nhau với một người chỉ vì cái tật hay nói. Người này tức qua bèn xỉa xói:
- Mày không bớt cho vợ mày một chút. Vợ mày chưa bao giờ cãi nhau với ai.
Hắn điên tiết đánh người này phải khâu ba mũi và phải đền ba triệu tiền viện. Hằng đi làm về nghe chuyện bèn mua một cân cam đến nhà người bị chồng đánh xin lỗi.
Không ai ghét Hằng và cũng chưa ai nặng lời với Hằng ngoại trừ bà Linh và thằng Hùng thời con đi học.
Hằng sinh hoạt trong Hội VHNT tỉnh, ban thơ. Hằng năm, Hằng thường xin nghỉ một vài ngày để đi dư trại sáng tác hoặc đi sinh hoạt hội.
Hằng vẫn làm thơ đều đều và vẫn nhận báo biếu cùng nhuận bút như những ngày còn là học trò.
Mới đây, Hằng tặng tôi tập thơ có tên: Sự im lặng của nước.
Tôi ấn tượng nhất trong tập thơ là bài “Sự im lặng của nước”. Nước là thứ im lặng nhưng mang trong mình sức mạnh vô biên. Phải chăng, sự im lặng của Hằng có giá trị như như dòng nước, tuy lặng lẽ nhưng có sức mạnh trào dâng?
 
                                                                P.X.H
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 39
Trong tuần: 766
Lượt truy cập: 426633
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.